Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ông Tô Lâm đã nhường vị trí chủ tịch nước cho ông Lương Cường hôm 21/10/2024, chỉ nắm giữ vị trí tổng bí thư quyền lực nhất. Trong khi các nước cùng thể chế cộng sản với Việt Nam như Trung Quốc, Lào, Bắc Triều Tiên, Cuba đều đã "nhất thể hóa" vị trí nguyên thủ, tại sao Việt Nam dùng dằng khi thực hiện mô hình này ?

nhatthe1

Ông Tô Lâm bàn giao công tác chủ tịch nước cho ông Lương Cường hôm 21/10/2024, tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội - Chính phủ Việt Nam

"Lưỡng long nhất thể" ở các nước xã hội chủ nghĩa

"Nhất thể hóa" là gì ? Trong bộ truyện tranh "Bảy viên ngọc rồng" của nhà văn - họa sĩ Toriyama Akira có một chiêu thức gọi là "lưỡng long nhất thể". Các nhân vật anh hùng như Son Goku và Vegeta, hay những kẻ xấu như Sên Bọ Hung và Mabu dùng chiêu thức hợp nhất làm một với nhau để trở thành một nhân vật nhất thể mới, có sức mạnh gấp bội...

Nhất thể hóa trong chính trị Việt Nam có thể hiểu tương tự như vậy : các chức danh quyền lực khác nhau được "nhất thể" vào một người để có thể tập trung sức mạnh chính trị vào cá nhân đó.

Ở Trung Quốc, tổng bí thư đảng cầm quyền là Tập Cận Bình đồng thời là chủ tịch nước. Ở Lào, Thongloun Sisoulith kiêm nhiệm cả tổng bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và chủ tịch nước. Trên thượng đỉnh của Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un có quyền lực bao trùm.

Ở Cuba, mức độ nhất thể hóa còn cao hơn. Từ sau khi cướp được chính quyền năm 1959, Fidel Castro kiêm nhiệm cùng lúc các vị trí Tổng bí thư Đảng cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng nhà nước (tức chủ tịch nước), thủ tướng (sau đó đổi sang tên gọi "Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng") và Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Người lãnh đạo hiện nay, Miguel Díaz-Canel, nhường chức thủ tướng cho Manuel Marrero Cruz nhưng vẫn kiêm nhiệm hai chức vụ tổng bí thư đảng và chủ tịch nước.

Ở Việt Nam, cho đến nay có bốn người từng "lưỡng long nhất thể" trên thượng đỉnh quyền lực : Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm.

Hồ Chí Minh là chủ tịch nước từ 1945 đến 1969. Trong thời gian đó, ông kiêm nhiệm thủ tướng từ 1945 đến 1955, là chủ tịch đảng cầm quyền từ 1951 đến 1969, tổng bí thư đảng từ 1956 đến 1960.

Trường Chinh là chủ tịch nước từ 1981 đến 1987. Trong thời gian này, ông nắm vị trí tổng bí thư trong khoảng năm tháng, từ tháng 7 đến tháng 12/1987.

Lê Duẩn là một "trường hợp đặc biệt". Mặc dù không dùng chiêu thức "lưỡng long nhất thể", "đầu rồng" của ông có quyền lực bao trùm, lớn nhất. Ông Duẩn toàn quyền quyết định cuối cùng các chính sách đối ngoại, quân sự, kinh tế. Sau khi ông Hồ Chí Minh mất năm 1969, chức danh chủ tịch nước của ông Tôn Đức Thắng không có thực quyền. Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng thậm chí không được nằm trong Bộ chính trị khóa IV (1976 – 1982). Bộ chính trị khóa III kéo dài từ 1960 đến 1976 đã bổ sung hai ủy viên dự khuyết là Văn Tiến Dũng và Trần Quốc Hoàn năm 1972 nhưng không bổ sung chủ tịch nước Tôn Đức Thắng sau khi ông kế nhiệm Hồ Chí Minh.

Theo một báo cáo của CIA năm 1974, quyền lực của Lê Duẩn bao trùm tất cả các vị lãnh đạo còn lại trong bộ máy chính trị thời đó.

Sau khi Lê Duẩn mất, Việt Nam dần dần hình thành cơ chế tứ trụ. Trong cơ chế này, các chức danh chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, và thủ tướng chính phủ có quyền lực ngày càng lớn hơn. Chức danh tổng bí thư đảng mà ông Duẩn nắm 1961 đến 1986 dần dần thu lại trong phạm vi đảng, mặc dù thực tế là vị trí quyền lực nhất.

Gần đây, Đảng cộng sản ở Việt Nam đã có hai lần "thử nghiệm" cơ chế nhất thể hóa. Ông Nguyễn Phú Trọng từng kiêm nhiệm hai chức danh tổng bí thư đảng và chủ tịch nước từ năm 2018 đến 2021, trong 164 ngày, sau khi ông Trần Đại Quang qua đời. Gần đây, ông Tô Lâm kiêm nhiệm hai chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước từ ngày 3 tháng Tám đến ngày 22/10, chỉ trong khoảng 110 ngày.

Câu hỏi đặt ra là tại sao hiện nay Việt Nam không làm như các nước cùng thể chế khác ? Hiến pháp Việt Nam năm 2013 có vai trò gì trong việc duy trì cơ chế tứ trụ ? Các lực lượng chính trị khác nhau trên chính trường Việt Nam có vai trò như thế nào để ngăn cản cơ chế nhất thế hóa ? Có hay không sự tác động từ phía Trung Quốc, một đại cường láng giềng có lợi ích trong việc duy trì ảnh hưởng ở Hà Nội ?

Muốn "nhất thể hóa", phải đổi Hiến pháp ?

Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 quy định Đảng cộng sản Việt Nam "là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".

Điều 86 quy định "Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại".

Đảng lãnh đạo nhà nước. Tổng bí thư là người lãnh đạo đảng, còn chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước. Hai điều này trong Hiến pháp hiện hành đã cho thấy hai vị trí tổng bí thư và chủ tịch nước là hai vị trí tách biệt nhau.

Mặt khác, Hiến pháp hiện hành cũng cho thấy vị trí chủ tịch nước thấp hơn vị trí tổng bí thư, do tổng bí thư là người đứng đầu "lực lượng lãnh đạo Nhà nước". Nguyên thủ thực sự của thể chế chính trị hiện nay là tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam.

Vì lý do trên, trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng muốn nhất thể hóa hai vị trí tổng bí thư và chủ tịch nước thì Việt Nam phải sửa đổi Hiến pháp 2013.

Điều 74 của Hiến pháp 2013 cũng quy định các chức danh chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội và thủ tướng chính phủ phải được bầu chính thức, hoặc miễn nhiệm và bãinhiệm tại Quốc hội. Như bốn chức danh tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội và thủ tướng chính phủ đã được quy định như là bốn trụ cột của bộ máy nhà nước. Chức danh tổng bí thư do đảng tự quyết, còn ba chức danh còn lại cần được Quốc hội chuẩn y.

Có hay không sự tác động của "phe quân đội" ?

Nhìn vào danh sách 15 ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam hiện nay, chúng ta thấy hiện có 6 người xuất thân công an là Tô Lâm, Lương Tam Quang, Pham Minh Chính, Phan Đình Trạc, Nguyễn Văn Nên, Nguyễn Hòa Bình và 3 người thuộc quân đội là Lương Cường, Phan Văn Giang, Nguyễn Trọng Nghĩa.

Với cơ cấu như trên, không khó để nhận thấy những người có gốc công an chiếm đa số trong Bộ Chính trị.

Trao đổi với RFA, Giáo sư Carl Thayer cho rằng điều này dẫn đến lo ngại rằng ông Tô Lâm đang tích lũy quá nhiều quyền lực thông qua lực lượng công an. Do đó, ông Tô lâm "đã trả lời những lo ngại trong nội bộ" này bằng cách từ bỏ chức vụ chủ tịch nước và ủng hộ Lương Cường thay thế ông ở vị trí đó.

Mặt khác, "việc đại biểu quốc hội nhất trí bầu ông Cường là một dấu hiệu cho thấy việc chia sẻ quyền lực thông qua cơ cấu lãnh đạo tứ trụ được ủng hộ rộng rãi", vị chuyên gia người Úc về chính trị Việt Nam nhận xét.

Tuy nhiên, trong Bộ Chính trị, những người có gốc công an chiếm đa số, nhưng trong Ban Chấp hành Trung ương, các ủy viên bên quân đội chiếm số lượng nhiều hơn.

Năm 2021, Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam đã bầu ra 180 ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương, trong đó có 23 ủy viên quân đội (12,8%) và sáuủy viên công an (3,3%). Giáo sư Carl Thayer nhận xét rằng chi tiết nói trên cho thấy vai trò chính trị của quân đội và công an đã được thể chế hóa trong cơ cấu lãnh đạo của Đảng. "Cả hai phe đều có đại diện trong Ban Chấp hành Trung ương", trong đó phía quân đội có nhiều ủy viên hơn.

Theo Điều lệ Đảng hiện hành (ban hành từ 2011), Ban Chấp hành Trung ương có quyền lực khá lớn. Điều 17 của Điều lệ này quy định Ban Chấp hành trung ương bầu Bộ Chính trị, bầu Tổng bí thư, thành lập Ban Bí thư, bầu Ủy ban Kiểm tra trung ương, bầu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương.

Như vậy, ai là tổng bí thư nhiệm kỳ tiếp theo sẽ được Ban Chấp hành trung ương quyết định tại đại hội 14, diễn ra vào đầu năm 2026.

Tóm lại, ở Bộ Chính trị thì những người xuất thân công an có nhiều ủy viên hơn, nhưng ở Ban Chấp hành Trung ương có nhiều ủy viên quân đội hơn.

Theo Giáo sư Carl Thayer, với các đại diện ở Ban Chấp hành trung ương Đảng, "vai trò chính trị của quân đội và công an được thể chế hóa trong cơ cấu lãnh đạo của Đảng. Cả hai phe đều được đại diện khối trong Ban Chấp hành trung ương".

David Hutt, một nhà báo chuyên theo dõi chính trị Đông Nam Á và là nghiên cứu viên tại Central European Institute of Asian Studies (CEIAS), trong một bài viết hôm 29/10/2024 trên South China Morning Post, cho rằng hiện nay Việt Nam đã đạt được sự ổn định chính trị nhờ chia sẻ quyền lực. Đó là sự chia sẻ quyền "giữa bộ máy quân đội và ngành an ninh".

Điều này có phải là động lực tạo ra sự đối trọng và cân bằng quyền lực trên thượng tầng Việt Nam ? Liệu đây có phải là nguyên nhân ông Tô Lâm từ bỏ vị trí chủ tịch nước ?

Trao đổi với RFA, một mặt Giáo sư Zachary Abuza cho rằng "có một phe quân sự, đóng vai trò là cơ quan kiểm tra, cân bằng về mặt thể chế đối với Bộ Công an". Và như vậy, quân đội và công an là những "đối thủ" có tính thể chế. Nhưng mặt khác, ông cho rằng các nhà quan sát "không nên nói quá về điều đó".

Điều lệ Đảng hiện hành, công bố năm 2011, quy định tổng bí thư đảng đồng thời là bí thư quân ủy trung ương, cơ quan đảng nắm quyền lãnh đạo toàn diện quân đội. Như vậy, không phải là ông Tô Lâm không có uy thế đối với bên quân đội. Tổng bí thư đảng là nhà lãnh đạo cao nhất đối với quân đội, theo Hiến pháp và Điều lệ đảng.

Ngoài ra, trao đổi với RFA, Giáo sư Carl Thayer cho rằng không hẳn những người cùng xuất thân công an hay quân đội sẽ gắn kết với nhau thành một khối. Bởi vì khi chuyển sang vị trí mới, các mối liên kết chính trị của họ cũng khác đi. Do đó, việc phân chia các chính trị gia ở Việt Nam thành hai khối "quân đội" và "công an" sẽ không hẳn chính xác.

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng có cùng chung nhận xét đó. Ông đặt chính trị Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á nói chung :

"Ở Đông Nam Á, quân đội đương nhiên có tiếng nói mạnh trên chính trường. Tổng thống Indonesia mới đắc cử là bộ trưởng quốc phòng. Bên Thái Lan, Philippines quân đội cũng có sức mạnh. Việt Nam cũng vậy.

Nhưng bảo rằng ở Việt Nam phe quân đội kìm chế phe công an thì không đúng thực tế. Nếu nói quân đội kìm chế công an thì tại sao không phải là ông Phan Văn Giang lên chủ tịch nước mà lại là ông Lương Cường ? Ông Phan Văn Giang còn mạnh hơn ông Lương Cường. Với quyền lực của Bộ trưởng Quốc phòng, ông Giang cũng nắm cả Tổng Cục II (Tổng cục Tình báo) của bộ này, có thẩm quyền điều tra, nắm thông tin không chỉ các vấn đề quốc phòng mà cả các vấn đề nội trị. Cho nên việc ông Lương Cường lên chủ tịch nước không hẳn là vì quân đội muốn việc này việc kia.

Đối với văn hóa chính trị Việt Nam thì dù công an hay quân đội có sức mạnh thì Đảng và Bộ chính trị vẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Do đó, họ mạnh nhưng không có nghĩa là họ không có người chỉ huy cao hơn".

Ông Hoàng Việt cho rằng hai lần nhất hóa thời ông Nguyễn Phú Trọng (2018 - 2021) và ông Tô Lâm (tháng Tám đến tháng 10/2024) đều chỉ là giải pháp tình thế chứ không phải là một "sự thử nghiệm". Khi ông Trần Đại Quang mất thì ông Trọng phải kiêm luôn chủ tịch nước. Khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời thì ông Tô Lâm cũng bắt buộc phải làm như vậy.

"Khi ông Nguyễn Phú Trọng nắm giữ hai chức danh, ông cũng tuyên bố là không muốn nắm mãi như vậy. Ông chỉ nắm hết nhiệm kỳ rồi chuyển sang cho người khác. Đó là truyền thống của Việt Nam đã được xác lập. Ngoài ra, theo Điều lệ Đảng thì muốn nhất thể hóa thì phải được Ban Chấp hành trung ương bỏ phiếu để quyết định. Có lẽ Trung ương cũng sẽ không chọn nếu được đưa ra bỏ phiếu. Như các nhà nghiên cứu phương Tây hay nói là tương quan chính trị giữa các lực lượng không để cho điều đó xảy ra".

Ẩn số Trung Quốc

Trao đổi với RFA, Luật sư Vũ Đức Khanh, giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Ottawa, đặt ra giả thuyết về "ẩn số Trung Quốc" trong việc ông Tô Lâm từ bỏ vị trí chủ tịch nước. Theo luật sư Khanh, ông Tô Lâm có nhiều động thái nghiêng về Mỹ và phương Tây, do đó, ông đã gây lo ngại cho Trung Quốc.

Một nhà lãnh đạo mạnh mẽ với xu hướng thân phương Tây sẽ gây bất lợi cho chiến lược duy trì Việt Nam trong quỹ đạo của hệ thống xã hội chủ nghĩa do Trung Quốc dẫn dắt, theo nhà nghiên cứu về chính trị và quan hệ quốc tế Việt Nam đến từ Canada.

Vì những nguyên nhân trên, ông Vũ Đức Khanh đặt ra giả thuyết là Trung Quốc đã "âm thầm ủng hộ Lương Cường, một đồng minh cũ của Nguyễn Phú Trọng và người có quan điểm giữ Việt Nam trong phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc".

Trước khi đăng quang chủ tịch nước, ông Lương Cường đã thăm Bắc Kinh và hội kiến với ông Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Thành phố Chí Minh không đồng tình với góc nhìn của Luật sư Khanh. Ông Hoàng Việt chỉ ra rằng ông Vương Đình Huệ vàotháng 3/2024 cũng đã công du Trung Quốc, hội đàm với Tập Cận Bình. Đến ngày 22/4, thư ký của ông Vương Đình Huệ là ông Phạm Thái Hà chính thức bị bắt. Chỉ mười ngày sau, ngày 2/5, ông Vương Đình Huệ bị Quốc hội miễn nhiệm chức vụ chủ tịch cơ quan lập pháp cao nhất này.

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt phân tích rằng sự việc ông Vương Đình Huệ đi thăm Trung Quốc về rồi mất chức cho thấy việc ông Lương Cường đi thăm Trung Quốc khoảng mười ngày trước khi đăng quan chủ tịch nước không phải là căn cứ để suy luận rằng Trung Quốc có thể can thiệp vào nhân sự chủ chốt của Việt Nam.

Nếu muốn can thiệp vào chính sách của Việt Nam, theo ông Hoàng Việt, Trung Quốc thường tác động gián tiếp, ví dụ thông qua việc gây hấn trên Biển Đông, trừng phạt về kinh tế, khiến Việt Nam thấy cái giá phải trả mà không đi xa đến mức gây thiệt hại cho lợi ích chiến lược của họ. Còn tác động đến chính trị Việt Nam theo cách có thể đưa người này lên, hạ người kia xuống thì rất khó.

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cũng nhắc lại trong quá khứ, thời Việt Nam Cộng Hòa, Mỹ là nước viện trợ toàn diện cho Việt Nam Cộng Hòa nhưng cũng không dễ lèo lái về nhân sự. Để thay một lãnh đạo cao nhất như ông Ngô Đình Diệm, Mỹ đã phải dùng đến biện pháp đảo chánh. Việc tác động về nhân sự bằng cách "chỉ đạo" là điều rất khó, nếu không muốn nói là không thể làm được, ngay cả khi Việt Nam Cộng Hòa phụ thuộc vào Mỹ nhiều mặt.

Việt Nam ngày nay có sức mạnh lớn hơn Việt Nam Cộng Hòa nửa thế kỷ trước rất nhiều. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, sức mạnh về kinh tế, chính trị, quân sự, đối ngoại, dân số của Việt Nam hiện nay khiến cho khó có một nước nào có thể can thiệp về nhân sự cấp cao.

Tóm lại, các lực lượng chính trị khác nhau trong hệ thống chính trị thượng tầng cũng như cơ chế tứ trụ như được "thiết kế" trong Hiến pháp 2013 và Điều lệ Đảng năm 2011 đã khôi phục cơ chế tứ trụ. Do đó, việc "nhất thể hóa" không được duy trì. Tuy nhiên, chính trường Việt Nam từ nay đến Đại hội 14 và giai đoạn sau đó có thể có nhiều biến đổi. Nhu cầu phát triển của Việt Nam có thể thúc đẩy những cải cách từng bước để có một thể chế chính trị hiệu quả hơn.

Nguồn : RFA, 02/11/2024

Published in Việt Nam
mardi, 24 septembre 2024 01:00

Không nhất thể hóa…

Không nhất thể hóa, Tổng bí thư Tô Lâm có tiếp tục công cuộc cải cách được hay không ?

Sau khi chính thức được Ban Chấp hành Trung ương "suy tôn" trở thành Tổng bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam vào ngày 3/8, ông Tô Lâm ngay lập tức đã hùng hồn tuyên bố : "Việt Nam sẽ tiến vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc". Đồng thời, ông cũng đưa ra cam kết, sẽ đưa đất nước hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

ntd3

Ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Tô Lâm, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước là hai người duy nhất mặc côm lê trong buổi lễ tưởng niệm cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 17/08/2024 - Ảnh : TTXVN

Theo một số ý kiến, Việt Nam cần có một nhân vật có động cơ cải cách, để rũ bỏ tất cả những tàn dư do Tổng bí thư Trọng để lại. Người có thể đáp ứng được điều này, là Tổng bí thư Tô Lâm. Trên thực tế, đã có một số thông tin và hy vọng, ông Tô Lâm sẽ là một nhân vật cải cách.

Một số đánh giá cho rằng, ông Tô Lâm có tính cách giống cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Cả ông Tô Lâm và ông Dũng đều từng là các cựu công an, và là những người thực dụng, trong các vấn đề đối ngoại và kinh tế.

Sau khi ông Tô Lâm trở thành Tổng bí thư, trong một thời gian rất ngắn, cựu Thủ tướng Ba Dũng đã liên tiếp xuất hiện bên cạnh ông. Điều này khiến những người thân cận với cố Tổng bí thư Trọng rất không hài lòng. Với lý do, họ rất không ưa ông Ba Dũng – người trước đây bị ông Trọng và phe cánh cáo buộc là "đứng đầu cho nhóm trục lợi, cho phép tham nhũng hoành hành, và có ý định bỏ xó hệ tư tưởng của Đảng".

Những biến động của chính trường Việt Nam kể từ khi ông Tô Lâm nắm quyền, đã cho thấy, những nỗ lực của ông để trở thành một lãnh đạo có quyền lực tuyệt đối, như ông Tập Cận Bình, không hề thuận lợi.

Hình như, đã có một "bàn tay vô hình" nào đó, cố tình ngăn cản sự thao túng quyền lực tuyệt đối của Tô Lâm. Ở góc độ sâu xa hơn, các thế lực chống lại ông, muốn ngăn chặn tiến trình xích lại gần nhau và quan hệ đang nồng ấm dần lên, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Họ lấy lý do kiên định với con đường Chủ nghĩa Xã hội, và nhân danh Đảng, để chống lại chủ trương cải cách của Tổng bí thư Tô Lâm.

Tuy nhiên, trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 10 vừa qua, ông Tô Lâm vẫn nhấn mạnh đến 2 chữ "đột phá". Nhiều ý kiến cho rằng, đó là những chỉ dấu cho thấy, ông sẽ tiếp tục thúc đẩy công cuộc cải cách của mình.

Phải chăng, ông Tô Lâm vẫn tiếp tục tiến trình "nhất thể hoá" 2 chức vụ Tổng bí thư và Chủ tịch nước, để tiếp tục tạo ra "đột phá về thể chế" ? Cho dù tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15, trong tháng 10/2024 tới đây, sẽ thực hiện việc bầu lại chức danh Chủ tịch nước. Đây là điều chắc chắn đến 99,99%.

Hơn thế nữa, sau Hội nghị Trung ương 10, ông Tô Lâm được cho là đang thất thế, trước áp lực của các phe cánh trung thành với Tổng bí thư Trọng, với trung tâm là các tướng lĩnh quân đội thân Bắc Kinh.

Phe quân đội, về số lượng, hiện được đánh giá là nhiều nhất trong Đảng, chiếm khoảng 13% số ủy viên Trung ương. Đồng thời là lực lượng từ lâu đã cạnh tranh với phe công an, có thể kiểm soát quyền lực của ông Tô Lâm và phe cánh.

Điều này cho thấy, dường như có một cuộc tranh giành quyền lực mới giữa quân đội và công an, tương tự cuộc so găng giữa ông Trọng và ông Ba Dũng trước đây. Do đó, để đạt được mục tiêu cuối cùng, Tổng bí thư Tô Lâm vẫn cần phải làm hài lòng các phe phái khác trong Đảng, nhất là phe quân đội, bằng cách dung hòa, chia sẻ các lợi ích về quyền lực và quyền lợi cho họ.

Việc ông Tô Lâm được cho là đã chủ động nhượng lại chức Chủ tịch nước cho phe quân đội, là một cách thông minh để ông làm hài lòng phe cánh đầy quyền lực này.

Tuy nhiên, theo một số suy đoán, Bắc Kinh khó có thể buông tha cho ông. Do đó, câu chuyện Tổng bí thư Tô Lâm sẽ tiến hành cải cách toàn diện ở Việt Nam, là chuyện ít có khả năng trở thành hiện thực.

Trà My 

Additional Info

  • Author Trà My
Published in Diễn đàn

Một tuần sau khi có tin ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam được đề xuất kiêm giữ chức Chủ tịch nước, chính ông Tổng bí thư lại lên tiếng nói rằng đây chỉ là một giải pháp tình thế.

nhat1

Ông Nguyễn Phú Trọng Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, sắp tới sẽ kiêm chức Chủ tịch nước. Ảnh chụp 5/2016. AFP

Theo một nguồn tin thân cận với các giới chức Việt Nam, thì trước buổi họp của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vào chiều ngày chủ nhật 30/9/2018, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không biết rằng mình sẽ được đề nghị nắm giữ chức chủ tịch nước. Nguồn tin này cho biết đề xuất này xuất phát từ ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban tổ chức trung ương đảng.

Ông Phạm Minh Chính được cho là người đã thực hiện thành công việc ghép hai chức vụ chủ tịch bên chính quyền và bí thư đảng cộng sản làm một ở cấp xã, khi ông còn đứng đầu Đảng Cộng sản tại tỉnh Quảng Ninh.

Một nhà quan sát mà chúng tôi không muốn nêu danh tánh cho rằng mối quan hệ đồng hương của ông Chính với một nguyên Tổng bí thư là ông Lê Khả Phiêu, cùng ở Thanh Hóa, cũng đã giữ vai trò thúc đẩy ông Chính đưa ra đề nghị này.

Ông Lê Khả Phiêu từng đưa ra đề nghị gộp hai chức vụ Tổng bí thư Đảng Cộng sản và Chủ tịch nước vào làm một hồi năm 1999, và sau đó nhắc lại vào năm 2002.

Thế nhưng tại sao ông Trọng lại nói vào ngày 8/10 rằng chuyện ông ra nắm giữ thêm chức vụ chủ tịch nước là một giải pháp tình thế ?

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam cho chúng tôi biết từ Sài Gòn :

"Tôi cho đó là cách nói khiêm tốn thôi, trong tình hình Chủ tịch Trần Đại Quang mới ra đi. Người ngang vai ngang vế để lên thay thì chưa chín mùi, cho nên trước mắt phải giới thiệu Tổng bí thư, làm luôn chức Chủ tịch nước. Nhưng mà cũng đã đến thời kỳ mà hai chức vụ này chỉ cho một người làm. Điều này cũng chín mùi rồi".

Tuy chỉ có một đảng cầm quyền, nhưng Việt Nam có một hệ thống gọi là song trùng gồm hai bên đảng và chính quyền, cứ một vị trí của chính quyền lại có một vị trí của đảng cộng sản tương đương.

Sau khi việc hợp nhất được thực hiện ở cấp xã tại Quảng Ninh và một số tỉnh khác, cách đây một năm, Đảng Cộng sản ra nghị quyết số 18 vào tháng 10/2017, tiến hành việc gộp lại hai hệ thống với nhau.

Một số nhà quan sát cho rằng việc thực hiện điều này, mà gần đây có nhiều báo chí gọi là nhất thể hóa, sẽ không dễ dàng.

Tiến sĩ Vũ Tường, bộ môn chính trị Đại học Oregon, Hoa Kỳ, nhận xét vào cuối năm 2017 :

"Tôi nghĩ việc nhất thể hóa và việc nên làm nhưng mà họ không thể làm được là bởi vì sự yếu kém của các nhân vật lãnh đạo, cũng như là sự phân chia quyền lực, sự tản quyền rất là lớn trong nội bộ của Đảng Cộng sản. Cho nên họ sẽ lúng túng mà không thể áp dụng được ở mức cao nhất, có thể áp dụng ở mức độ cao nhất là bí thư tỉnh ủy chứ không thể cao hơn".

Sau khi có tin loan báo ông Nguyễn Phú Trọng được đề cử giữ chức chủ tịch nước, tờ báo mạng Nikkei Review của Nhật Bản dẫn lời Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng từ Hoa Kỳ nói vào đầu năm 2018, rằng việc hợp nhất hai chức vụ chủ tịch nước và tổng bí thư đảng cần nhiều thời gian mới thực hiện được, vì phải điều chỉnh hiến pháp cũng như điều lệ đảng cộng sản.

nhat2

Các vị đứng đầu nước Việt Nam hiện nay, từ trái qua, Ông Trần Quốc Vượng, Ông Trần Đại Quang (qua đời), Ông Nguyễn Phú Trọng, Ông Nguyễn Xuân Phúc, Bà Nguyễn Thị Kim Ngân. AFP

Bản thân ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng bày tỏ mối nghi ngại rằng hợp nhất như vậy sẽ làm cho quyền lực tập trung lớn quá vào tay một người, khó kiểm soát.

Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam người Úc cho truyền thông Đức biết rằng ông khá ngạc nhiên khi biết việc ông Trọng được đề xuất nắm giữ hai chức vụ. Ông Thayer cũng cho rằng mặc dù là có duy nhất một đảng cầm quyền, nhưng cơ cấu hai bên đảng và chính quyền cho phép có một cơ chế nào đó để kiểm soát quyền lực lẫn nhau.

Nhưng Luật sư Trần Quốc Thuận không đồng ý như vậy :

"Làm gì có chuyện cân bằng kiểm tra lẫn nhau ở một cái nước mà do một đảng lãnh đạo. Cái đó chỉ là đóng vai thôi, người ta bảo làm thế mất thì giờ, họp trong đảng ra nghị quyết cũng thế, bày đặt hội đồng nhân dân này kia, nên người ta muốn làm trực tiếp luôn đi cho nó xong".

Nhiều nhà quan sát người Việt, kể cả những người bất đồng chính kiến như Luật sư Lê Công Định đều đồng ý với nhau ở một mục đích của việc nhất thể hóa, đó là tiết kiệm tiền của cho ngân sách quốc gia vì sẽ bỏ đi một nửa số người ăn lương nhà nước. Nhưng đây cũng là trở ngại lớn nhất vì việc gộp hai chức danh lại sẽ làm cho nhiều người bị mất việc. Theo ước tính của Luật sư Trần Quốc Thuận, số người bị loại ra khỏi bộ máy có thể đến hàng vạn người.

Ông Nguyễn Phú Trọng có lần cũng đề cập rằng việc nhất thể hóa và chuyện rất nhạy cảm vì đụng chạm đến nhiều người.

Nay điều thú vị lại nằm ở chổ dường như việc nhất thể hóa lại được tiến hành ở tầng mức cao cấp nhất trong bộ máy chính trị Việt Nam.

Tuy nhiên sau khi ông Nguyễn Phú Trọng nói với báo chí Việt Nam rằng việc ông sẽ nắm giữ thêm chức chủ tịch nước chỉ là một giải pháp tình thế, ông không nói gì về việc mô hình đó có tiếp tục sau nhiệm kỳ của ông hay không.

Còn theo phỏng đoán của Luật sư Trần Quốc Thuận, việc một người giữ hai chức vụ Tổng bí thư Đảng Cộng sản và Chủ tịch nước sẽ được duy trì sau đại hội đảng toàn quốc của Đảng Cộng sản lần thứ 13 trong hai năm tới đây.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 09/10/2018

Published in Diễn đàn

Ông Nguyễn Phú Trọng : 'Tổng bí thư làm Chủ tịch nước là giải pháp tình huống' (BBC, 08/10/2018)

Ông Nguyễn Phú Trọng nói với người dân Hà Nội hôm 8/10 rằng việc Tổng bí thư làm Chủ tịch nước không phải vì nhất thể hóa mà là tình huống.

chutich1

Ông Nguyễn Phú Trọng nói việc Tổng bí thư đảm nhiệm chức Chủ tịch nước là giải pháp tình thế

Sau nhiều đồn đoán, bình luận, từ giới quan sát và người dân trong và ngoài nước, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức phát biểu về việc được 'giới thiệu' ứng cử chức Chủ tịch nước trong buổi tiếp xúc cử tri Hoàn Kiếm và Ba Đình, Hà Nội.

'Không phải nhất thể hóa'

Theo đó, trong buổi nói chuyện với cử tri Hà Nội, ông Trọng cho hay việc Tổng bí thư làm Chủ tịch nước "Không phải nhất thể hóa" mà chỉ là giải pháp "tình huống".

"Đến bây giờ thì không phải nhất thể hoá, đây là tình huống. Vừa rồi không may đồng chí Trần Đại Quang - nguyên Chủ tịch nước mất đi, rất đột ngột, mặc dù bệnh hiểm nghèo đã được chữa trị cả năm nay".

"Khuyết chức danh Chủ tịch nước, phải có người làm thay ; Bộ Chính trị, Trung ương chuẩn bị nhiều phương án, quá trình thảo luận rất dân chủ, rất trách nhiệm và nhất trí cao giới thiệu Tổng bí thư để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Đây là ý kiến của Trung ương còn ra Quốc hội sẽ bầu", Tổng bí thư nói, theo trang chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Trọng cho hay "không nên nói là Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, nói tắt thì được nhưng không đúng nghĩa".

Tổng bí thư giải thích : "Đây là hai cơ chế khác nhau, hai cơ quan khác nhau, không thiên vai nào chính vai nào phụ thì sẽ không chuẩn ; đồng thời cũng không nói nhất thể hoá, nôm na thì đây là bầu cho một người để làm hai công việc này".

'Cử tri cả nước phấn khởi'

chutich2

Ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng bí thư từ Đại hội Đảng XI năm 2011

Các cử tri Hà Nội hết sức đồng tình với lựa chọn của Ban Chấp hành Trung ương khi tiến cử ông Trọng làm Chủ tịch nước, theo tường thuật của báo Việt Nam.

"Tôi và cử tri cả nước rất phấn khởi trước thành công của hội nghị Trung ương 8. Đây là hội nghị lịch sử thể hiện sự tin tưởng của toàn Đảng, toàn dân trước sự lựa chọn sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương khi tiến cử Tổng bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước".

"Ban Chấp hành Trung ương đã giới thiệu Tổng bí thư là người có đủ đức tài, xứng đáng vào vị trí cực kỳ quan trọng, xứng tầm quốc gia và quốc tế. Dân tuyệt đối tin tưởng, đồng tình ủng hộ.."., cử tri Lê Đức Hạnh, phường Kim Mã, Ba Đình được dẫn lời trên báo Việt Nam.

Về tỷ lệ 100% phiếu bầu tại Hội nghị Trung ương 8 cho vấn đề này, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cho hay đó là do vấn đề này đã được đặt ra từ lâu chứ không phải giờ mới nói tới, theo tường thuật của Vietnamnet.

Ông Chung cũng nói việc này "phù hợp với cải cách thể chế, có lợi cho Đảng, đất nước, cho quá trình đối ngoại và vị thế của chúng ta trên trường quốc tế".

Ông Chung chỉ lo lắng là nếu đảm nhiệm cả vị trí Chủ tịch nước thì Tổng bí thư Trọng sẽ phải 'gánh vác trọng trách nặng nề hơn'.

Có sát nhập hai văn phòng ?

Việc có sát nhập văn phòng Chủ tịch nước và văn phòng Trung ương Đảng [nơi có văn phòng Tổng bí thư] hay không, sau khi ông Trọng lên làm Chủ tịch nước, dường như chưa có sự thống nhất.

Trước đó, trả lời truyền thông Việt Nam, ông Lê Quang Vĩnh, Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng nói "vấn đề sáp nhập hai văn phòng không được đặt ra, Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Trung Đảng vẫn riêng biệt", theo Vietnamnet.

Ông Vĩnh lý giải rằng văn phòng Trung ương Đảng là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Bộ Chính trị trong tổ chức, điều hành công việc lãnh đạo của Đảng.

"Còn Văn phòng Chủ tịch nước là một chế định trong tổ chức nhà nước, giúp việc cho cả Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước. Chủ tịch nước là một pháp nhân, đồng thời là một thể nhân, vừa là cơ quan, vừa là một người", ông Vĩnh nói,

Tuy nhiên, ông Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng trung ương thì lại cho hay một trong những ưu điểm của việc Tổng bí thư làm Chủ tịch nước là sat nhập được hai văn phòng :

"Việc thống nhất chức danh sẽ thống nhất được Văn phòng Tổng bí thư và Văn phòng Chủ tịch nước thành một cơ quan, thành một bộ máy giúp việc chứ không phải hai. Như vậy giảm được một đầu mối, biên chế cán bộ sẽ giảm đi", ông Phúc nói trên một bài báo hôm 5/10 cũng trên Vietnamnet.

Quốc tế nói gì ?

Chuyên gia về Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales cũng có chung quan điểm rằng việc ông Trọng lên làm Chủ tịch nước là 'giải pháp tình thế'.

Mới đây nhất, trả lời phỏng vấn trên trang DW, ông Carl Thayer trả lời : "Tôi cho rằng đây là một sự sắp xếp mang tính tình thế. Ông Trọng ban đầu lưỡng lự khi nắm cả hai vị trí, cho thấy có thể đây không phải là chuyện thâu tóm quyền lực. Quyết định này được thực hiện vì những lý do thực tế".

Trong khi đó, trên Asia Times, tác giả David Hutt cũng đặt câu hỏi vì sao ông Trọng dường như đã thay đổi suy nghĩ. Bởi trước đây ông Trọng từng tỏ ý lo ngại về quyền lực tập trung không thể kiểm soát.

Ông David Hutt đưa ra hai tình huống. Một là ông Trọng muốn tăng cường quyền lực chính trị cho bản thân. Hai là việc kết hợp hai chức danh này sẽ mang lại sự ổn định hơn vào thời điểm Đảng Cộng sản và xã hội Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng.

********************

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng : dư luận trong và ngoài nước ủng hộ Tổng bí thư nắm chức Chủ tịch nước (RFA, 08/10/2018)

Tại buổi tiếp xúc các cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV vào sáng ngày 8/10 tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự cảm ơn cử tri đã đồng tình việc ông được giới thiệu để bầu vào vị trí Chủ tịch nước và ông cho rằng đây không phải là nhất thể hóa.

chutich3

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội hôm 2/4/2018 Reuters

Báo chí trong nước trích lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng đây không phải là nhất thể hóa mà là tình huống do Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa đột ngột qua đời, khuyết chức danh này nên phải có người sớm thay thế.

Ông nhấn mạnh rằng, không nên nói Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước vì đây là 2 cơ chế và 2 cơ quan khác nhau, kiêm vai nào chính, vai nào phụ thì không chuẩn.

Ngoài ra, ông còn cho biết dư luận trong và ngoài nước đều đồng tình ủng hộ. Ông cảm ơn sự tin tưởng của nhân dân, cư tri nhưng tùy thuộc vào kết quả Quốc hội bầu, khi đó ông sẽ hứa hẹn sau.

Truyền thông trong nước trong ngày 8/10 đồng loạt đưa tin, trích ý kiến của các cử tri bày tỏ sự đồng thuận và nhất trí về việc Trung Ương giới thiệu ông Trọng ra vị trí Chủ tịch nước.

Chủ tịch Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, vấn đề Tổng bí thư giữ chức Chủ tịch nước đã được đưa ra cách đây 20 năm và đến nay đã đủ điều kiện thuận lợi để thực hiện.

Sau khi Chủ tịch Trần Đại Quang từ trần vào ngày 21/9, nhiều lời đồn đoán cho rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ nắm chức Chủ tịch nước, nhưng cũng có ý kiến cho rằng sẽ không có chuyện này vì Tổng bí thư đã từng phát biểu trước cử tri Hà Nội vào năm 2015 rằng "Bí thư kiêm Chủ tịch thì to quá, ai kiểm soát ông ?"

*****************

‘Nhất thể hóa’ là ngoại lệ chỉ dành cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ? (Người Việt, 07/10/2018)

Trong lúc dư luận Việt Nam chưa hết xì xầm về việc "nhất thể hóa" hai chức danh Tổng bí thư và chủ tịch nước, ông Lê Quang Vĩnh, phó chánh Văn Phòng trung ương Đảng cộng sản Việt Nam được báo điện tử VietNamNet dẫn lời : "Việc Tổng bí thư đồng thời là chủ tịch nước cũng là việc tự nhiên, hợp ý đảng, lòng dân, được nhân dân hoan nghênh. Việc này không có gì lạ và càng không phải học tập ai. Tuy nhiên, các nhiệm kỳ tới như thế nào là do Ban Chấp Hành trung ương, Quốc Hội quyết định việc Tổng bí thư có đồng thời là chủ tịch nước hay không".

vn1

"Nhất thể hóa" là ngoại lệ chỉ dành cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ? (Hình : Getty Images)

Có thể hiểu phát ngôn của ông Vĩnh như một cách gián tiếp xác nhận Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được ngoại lệ và có đặc quyền nắm hai chức danh trong "tứ trụ", còn người kế nhiệm ông trong nhiệm kỳ sau thì "không chắc".

David Hutt, cây bút theo dõi chính trị Việt Nam của trang The Diplomat đưa nhận định : "Ông Nguyễn Phú Trọng tính toán sẽ kiêm nhiệm chức chủ tịch nước, một sự hợp nhất hai chức danh quyền lực có thể giúp ông trở thành Tập Cận Bình của Việt Nam".

"Với việc được gia tăng quyền lực đáng kể trong hai năm tới, không có gì đảm bảo ông Trọng sẽ tuân các quy tắc của đảng cộng sản Việt Nam về nhiệm kỳ và độ tuổi lãnh đạo mà theo đó, ông sẽ phải rời ghế Tổng bí thư năm 2021. Một khi có nhiều quyền lực hơn trong tay, ông Trọng có thể quyết định thay đổi luật chơi và không loại trừ khả năng tiếp tục ứng cử làm Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước vào năm 2021 theo kiểu của ông Tập", nhà báo David Hutt bình luận.

Bài của nhà báo David Hutt cũng trích lời ông Carl Thayer, chuyên gia về chính trị Việt Nam của đại học New South Wales : "Từ khi có tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang bệnh nặng, ông Trọng đã bắt tay vận động cho việc nhất thể hóa".

Các báo Việt Nam khi tường thuật về việc nhất thể hóa cũng cho thấy những ý kiến "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Ông Vũ Văn Phúc, phó chủ tịch Hội Đồng Khoa Học Các Cơ Quan Đảng trung ương được báo VietNamNet dẫn lời : "Trong điều kiện chúng ta đang thực hiện nghị quyết trung ương 6, 7 về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả thì việc Thống nhất chức danh sẽ Thống nhất được Văn Phòng Tổng bí thư (thuộc Văn Phòng trung ương Đảng) và Văn Phòng Chủ tịch nước thành một cơ quan, thành một bộ máy giúp việc chứ không phải hai. Như vậy giảm được một đầu mối, biên chế cán bộ sẽ giảm đi".

Cùng thời điểm, ông Lê Quang Vĩnh lại khẳng định trên báo InfoNet : "Vấn đề sáp nhập hai văn phòng không nên được đặt ra, Văn Phòng Tổng bí thư và Văn Phòng Chủ tịch nước vẫn riêng biệt".

Đáng lưu ý, trong các báo Việt Nam đồng loạt đăng bài tán dương ông Trọng "là bậc anh minh đủ uy tín, đủ năng lực, đức độ" và tuyên truyền rằng việc Tổng bí thư làm chủ tịch nước "là xu thế của thời đại", "là bước tiến dài của nước ta"… mạng xã hội cho thấy những ý kiến trái ngược.

Ông Menras André, người Pháp, có tên tiếng Việt là Hồ Cương Quyết, tác giả phim tài liệu "Hoàng Sa-Việt Nam : Nỗi Đau Mất Mát" bình luận trên trang cá nhân : "Mưu đồ nhất thể hóa : Một bước tiếp hướng đến biến Việt Nam thành một khu tự trị thêm của Trung Quốc với cả một lãnh tụ lẫn một đảng Cộng Sản và mô hình chính trị đều bị tiểu hình hóa theo mẫu Hán ? Không có gì quý hơn độc lập tự do, các đồng chí vàng ơi !"

Phóng viên điều tra độc lập Đỗ Cao Cường thì viết trên trang cá nhân : "Năm 2015, ông Trọng nhận xét về chuyện ‘nhất thể hóa’ : ‘Bí thư kiêm chủ tịch thì to quá, ai kiểm soát ông ?’, và cuối cùng, cũng chính ông Trọng là người được ‘nhất thể hóa’ ở cấp độ cao nhất, không ai có thể kiểm soát được ông thật. Theo quy định hiện hành, tuổi nghỉ hưu của nam là 60, nhưng ông Trọng đã 74, trước nhiệm kỳ, ông kêu gọi người già về hết để lớp trẻ thay thế, cuối cùng người cao tuổi nhất lại ở lại, người ở lại lại chính là ông".

"Có lẽ sự sống của ông Trọng cũng chỉ kéo dài thêm được vài năm nữa, nhưng rất có thể số phận người dân Việt Nam sẽ chết theo ông, bởi sự phụ thuộc quá sâu vào Trung Quốc, từ các khoản nợ cho tới các hệ giá trị, chủ quyền, thức ăn, không khí… đất nước này sẽ ngày càng tụt hậu so với thế giới, và rất có thể mỗi công dân sẽ là một nô lệ, nô lệ vì bị các nước dân chủ cách ly, nô lệ trên chính quê hương của mình", theo Facebook Đỗ Cao Cường. (T.K.)

Published in Việt Nam

Đúng như nhiều người dự đoán, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm luôn chức "chủ tịch nước" của ông Trần Đại Quang vừa mới mất. Hội nghị Trung ương 8 khai mạc hôm 2/10/2018 đã nhất trí 100% như vậy. Việc quốc hội bỏ phiếu chỉ là chuyện hình thức.

cht1

Đúng như nhiều người dự đoán, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm luôn chức "chủ tịch nước" của ông Trần Đại Quang vừa mới mất.

"Nhất thể hóa" vừa là sự cẩu thả về mặt ngôn ngữ vì nó không thuần Việt vừa tùy tiện về luật pháp vì nó không hề có trong bất cứ một văn bản nào của nhà nước, thậm chí là trong các văn kiện của đảng. Như vậy đây chỉ là nhu cầu mới phát sinh. Trước đây hai năm chính ông Trọng cũng phản đối chuyện gộp bí thư và chủ tịch làm một vì sợ quyền hành quá lớn không kiểm soát được.

Nhất thể hóa cũng không phải là bản sao hay sự rập khuôn của Trung Quốc mà vì nhu cầu trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam. Sỡ dĩ giống Trung Quốc là vì hoàn cảnh của Đảng cộng sản Việt Nam cũng bế tắc và bi đát như Đảng cộng sản Trung Quốc.

Nhất thể hóa có thể hiểu là sự thống nhất trong việc gộp chung cấp ủy với nhà nước làm một ở cấp lãnh đạo. Tuy nhiên chỉ bản thân ông Trọng là đảm nhiệm hai chức vụ còn "văn phòng trung ương đảng" với "văn phòng chủ tịch nước" lại không thể gộp chung vì chức năng khác nhau, theo như thông báo của ông Lê Quang Vĩnh, phó chánh văn phòng trung ương đảng.

Lý do dẫn đến việc phân chia quyền lực trong đảng cộng sản thành "tứ trụ" có nguồn gốc từ hồi Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Hai người này làm thành một cặp đôi quyền lực tuyệt đối, quyết định và chi phối hoàn toàn nhân sự và chính sách của đảng. Đây là hiện tượng "đảng trong đảng". Lê Duẩn dùng "đảng con" của mình để khống chế đảng cộng sản và dùng đảng cộng sản khống chế toàn bộ xã hội Việt Nam. Sau khi Lê Duẩn chết thì ban lãnh đạo đảng quyết định chia quyền thành tứ trụ như bây giờ để không xuất hiện người thứ hai như Lê Duẩn. Ông Nguyễn Tấn Dũng bị hạ bệ cũng vì lý do tập trung quá nhiều quyền lực cho mình và phe nhóm.

Lý do chính dẫn đến việc "nhất thể hóa" là vì Đảng cộng sản Việt Nam đã mất đồng thuận trên những giá trị nền tảng mà một tổ chức chính trị cần phải có. Chủ nghĩa cộng sản đã trở nên nhảm nhí và vớ vẩn mà chẳng mấy đảng viên còn tin tưởng. Việc bộ máy tuyên truyền của đảng suốt ngày kêu gọi "học tập tư tưởng Hồ Chí Minh", giữ vững niềm tin vào đảng, tu dưỡng đạo đức cá nhân… chỉ nói lên sự bất lực trước hiện tượng suy thoái trong đảng. Những đảng viên có chức quyền đều chuyển tiền và gửi con cái ra nước ngoài để mong được "hạ cánh an toàn" trong tương lai.

Chuyện nhất thể hóa không có gì là lạ, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nhận định rằng đây là quá trình chuyển hóa bắt buộc từ độc tài tập thể sang độc tài cá nhân và đây cũng là quá trình sụp đổ tất yếu của các chế độ độc tài.

"Đảng cộng sản đã phân hóa. Nó không còn một lý tưởng chung để gắn kết các đảng viên. Đã thế tham nhũng, bất tài và vô đạo đức còn gây sự ganh ghét và khinh thường lẫn nhau trong toàn bộ đảng, kể cả ở cấp cao nhất. Bộ chính trị không còn quyền lãnh đạo tối cao vì mâu thuẫn với ban chấp hành trung ương, một định chế không thường trực nhưng lại có thẩm quyền tối hậu trong việc chỉ định và kỷ luật các cấp lãnh đạo. Đảng cộng sản chỉ còn là một hư cấu.

Chế độ như một con tầu không còn đoàn thủy thủ và đang chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân. Sự chuyển hóa này diễn ra trong những điều kiện rất bất lợi : đảng phân hóa cùng cực, nhân dân thù ghét trong khi không có một nhân vật nào có uy tín. Tình trạng chỉ có thể dẫn tới sự sụp đổ.

Trong lịch sử Châu Á thường có hai nguyên nhân chính đưa tới sự sụp đổ của các chế độ. Một là, cho tới khi tiếp xúc với Phương Tây, vì lớp người thống trị cướp bóc quá đáng, nhất là cướp đất của người dân; hai là, sau khi tiếp xúc với Phương Tây, vì chế độ ngoan cố theo đuổi một hệ tư tưởng đã quá lỗi thời. Chế độ cộng sản Việt Nam có cả hai yếu tố đó. Nó không thể tồn tại".

(Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai)

Trước đại hội đảng 12 nhiều người đoán là ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ thâu tóm được quyền lực và trở thành "Đinh Bộ Lĩnh", nhưng ông ta không đủ bản lĩnh và can đảm dù nắm thế thượng phong.

Người thứ hai, từng được ca ngợi và hy vọng sẽ là "Đinh Bộ Lĩnh thứ hai của Ninh Bình" là ông Trần Đại Quang cũng đã về nơi chín suối (1).

Người thực sự trở thành "Đinh Bộ Lĩnh" với trọng trách chế ngự các "sứ quân" hóa ra lại là ông Nguyễn Phú Trọng. Đúng là một trớ trêu vì ông vẫn được dân gian gọi là "Lú" và tuổi của ông đã quá cao (74 tuổi).

Có hai lý do khiến ông Trọng trở thành "Đinh Bộ Lĩnh" :

1. Nội bộ Đảng cộng sản đã quá phân hóa

Trong thực tế đảng cộng sản đã tạo ra hàng trăm, hàng ngàn "sứ quân". Các sứ quân này có mặt khắp nơi, mỗi tỉnh là một sứ quân, mỗi bộ là một sứ quân, mỗi doanh nghiệp nhà nước là một sứ quân. Các sứ quân này mạnh ai nấy phá. Ví dụ Tập đoàn Than-Khoáng sản, chỉ mỗi việc đào bới tài nguyên đất nước lên bán mà vẫn lỗ hơn 100.000 tỉ đồng (hơn 4 tỉ USD). Tình trạng mạnh ai nấy phá đã vượt qua mọi tưởng tượng và giới hạn. Việc bắt giam và kỷ luật Đinh La Thăng và 13 ông tướng quân đội lẫn công an thời gian qua là giọt nước tràn ly. Nếu cứ để tiếp diễn như thế thì đảng cộng sản sẽ sụp đổ vì không còn gì để phá, để bán nữa.

Trong tình trạng loạn sứ quân đó Đảng cộng sản Việt Nam phải lấy một quyết định bắt buộc là tập trung hết quyền hành cho một người, đó là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Họ hy vọng là sứ quân mạnh nhất sẽ trấn áp được các sứ quân khác. Trường hợp này cũng giống hệt bên Trung Quốc mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã trình bày và phân tích trong kỳ đại hội 19 Đảng cộng sản Trung Quốc với việc đăng quang hoàng đế của ông Tập Cận Bình. Ngày xưa chỉ có 12 sứ quân nên Đinh Bộ Lĩnh mới dẹp được chứ bây giờ với hàng ngàn, hàng vạn sứ quân thì ông Trọng làm sao mà dẹp nổi ?

Tất nhiên hy vọng này là hão huyền. Một tổ chức chính trị chỉ có thể tồn tại nếu có một "dự án chính trị" hay nói một cách khác là phải có một "tư tưởng chính trị" để kết nối các thành viên lại với nhau. Chủ nghĩa cộng sản đã trở nên lố bịch và đảng cộng sản hiện nay đã "trần trụi" hoàn toàn về tư tưởng, thậm chí ngay cả một ảo tưởng họ cũng không có nốt. Ông Trọng từng nói là đến hết thế kỷ 21 không biết có chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam hay không.

Khi không còn lý tưởng mà quyền lực lại có trong tay thì chuyện đập phá và cướp bóc là lẽ đương nhiên. Khi đó mọi giá trị và đạo đức đều qui đổi thành tiền, kẻ nào mạnh thì phải có nhiều tiền. Chia bè, kéo phái, giành giật và đấu đá lẫn nhau sẽ là môn thể thao yêu thích và bắt buộc của các nhóm lợi ích.

Khi không còn đồng thuận và không thể thảo luận với nhau được nữa thì chỉ còn mỗi cách là ủy quyền hay đặt cược vào một người nào đó theo kiểu "may nhờ rủi chịu" với hy vọng kéo dài thêm được thời gian tồn tại.

2. Khủng hoảng nhân sự trầm trọng trong đảng cộng sản

Đúng ra thì các chính trị gia không cần giới hạn về tuổi tác. Nếu họ còn sức khỏe, còn minh mẫn và còn được người dân hay tổ chức của họ tín nhiệm thì họ vẫn tham gia vào chính trường đến lúc chết (như trường hợp thượng nghị sĩ Mỹ John McCain).

Ông Trọng không có thành tích gì ngoài việc tụng kinh chủ nghĩa Mác-Lênin trong trường đảng Nguyễn Ái Quốc. Ông cũng không có gì nổi bật về trí tuệ, các phát ngôn của ông thể hiện điều đó. Dân gian còn gọi ông là "Lú". Ông Trọng có chăng hơn những người khác ở bản tính hiền lành, ít tham vọng, trung thành với lý tưởng cộng sản... Tóm lại, ông Trọng cũng như các lãnh đạo khác của đảng cộng sản, tất cả đều là những con người mờ nhạt, thiếu bản lĩnh, thiếu tầm nhìn vì thế ông Trọng không thể trở thành một nhà độc tài như nó cần có.

Việt Nam không thiếu người tài, Đảng cộng sản cũng không thiếu nhân sự có khả năng và trí tuệ, nhưng bộ máy sàng lọc của đảng với tiêu chí "hồng hơn chuyên" đã loại bỏ hoàn toàn những người có năng lực trong đảng. Càng lên cao càng mờ nhạt, chỉ cần có băng nhóm, phe cánh hậu thuẫn là được. Người tử tế không có cửa. Cả bộ máy công chức trở nên vô cảm, không ai quan tâm đến ai và không ai nghĩ đến dân, tất cả đều lo thân mình còn lại sống chết mặc bay. Nhà nước, nhân dân, công việc, chức vụ... tất cả chỉ là phương tiện để kiếm tiền và làm tiền. Đảng cộng sản Việt Nam không còn những người có tâm và có lòng với đất nước.

Trước đây khi chưa nhất thể hóa thì đảng thường trốn tránh trách nhiệm với lý do đảng chỉ ra nghị quyết chứ không nhúng tay vào việc, đảng là vô hình. Nay nhất thể hóa rồi thì trách nhiệm sẽ đổ hết lên đầu ông Trọng đồng thời ông Trọng cũng sẽ trở thành mục tiêu để các sứ quân tấn công và người dân Việt Nam qui trách nhiệm. Ngược lại, với quyền lực bao trùm lên tất cả ông Trọng sẽ mạnh tay thanh trừng nội bộ nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của người dân. Con số tướng tá và quan chức cao cấp bị tống vào "lò" sẽ tăng mạnh chứ không dừng lại ở con số 13. Báo chí thông tin về Hội nghị 8 đã dọn đường cho các hành động trấn áp mạnh tay của ông Trọng rằng ngay cả các ủy viên bộ chính trị cũng phải "chủ động từ chức khi không đủ uy tín" (2), có nghĩa là ngay cả đến ủy viên bộ chính trị cũng không còn "bất khả xâm phạm".

Tuy nhiên, cho dù cố gắng đến đâu thì Đảng cộng sản cũng không còn khả năng để sửa chữa một hệ thống đã quá lỗi thời. Đảng cộng sản Việt Nam không hề có một dự án nào cho đất nước, mục tiêu của họ là giành chính quyền bằng bạo lực rồi nhắm mắt xây dựng đất nước theo mô hình chủ nghĩa cộng sản. Mô hình đó đã sụp đổ hoàn toàn trên thế giới. Chủ nghĩa cộng sản là một tôn giáo khép kín chứ không phải một đảng chính trị, nó đặt niềm tin trên sự xác quyết hồ đồ mà đảng viên không được phép hoài nghi hay xét lại.

Nhiều người Việt Nam vẫn chưa nhận ra một điều cực kỳ quan trọng trong cuộc sống cá nhân cũng như trong chính trị đó là trước khi bắt tay vào làm một việc gì thì cũng phải có sự chuẩn bị. Muốn đập bỏ và xây dựng lại một ngôi nhà mới thì việc đầu tiên là phải có một dự án, một bản thiết kế cho ngôi nhà tương lai đó.

Trí thức và người dân Việt Nam phải tìm hiểu, đánh giá và kiểm định về các dự án chính trị của các tổ chức chính trị trước khi ủng hộ cho nó. Năm 1945 dự án chính trị "chủ nghĩa xã hội" của Đảng cộng sản Việt Nam đã không được người dân chú ý và kiểm định nên ngôi nhà chung này, thay vì là nơi sinh sống êm đềm và hạnh phúc cho người Việt Nam thì nó trở thành một địa ngục, lúc nào cũng chực đổ ụp xuống đầu người dân. Đã hơn 70 năm rồi, Đảng cộng sản càng sửa, càng vá víu thì nó càng hỏng nặng hơn.

Sớm muộn thì người Việt Nam cũng không thể sống trong ngôi nhà rách nát mà Đảng cộng sản đã dựng lên. Chế độ này rồi sẽ qua đi. Đó là qui luật tất yếu của lịch sử.

"Cho đến nay một đặc tính chung của các chế độ độc tài bạo ngược là chúng thường tỏ ra rất vững chắc cho đến khi đột ngột sụp đổ. Lý do là vì sự ngoan cố và hung bạo của chúng đòi hỏi một điểm đoạn tuyệt ở đó những thay đổi về lượng đã tích lũy đủ để tạo ra một thay đổi về chất. Điểm đoạn tuyệt đó đang đạt tới, nhờ làn sóng dân chủ mới, nhờ sự xuất hiện ngày càng đông đảo của thành phần trí thức chính trị mới và nhờ ý thức ngày càng rõ rệt, đặc biệt ngay trong thành phần công an và quân đội, rằng chế độ không thể kéo dài lâu nữa và mọi người nên đóng góp thay vì tiếp tay cản trở tiến trình dân chủ, để làm tác nhân thay vì nạn nhân của một chuyển hóa cần có, bắt buộc phải có và sắp đến. Hạn kỳ dân chủ có thể rất gần. Nhất là nếu những người dân chủ biết tranh thủ lòng tin và sự hưởng ứng của nhân dân bằng một tình cảm trong sáng và quảng đại, bằng những phương thức đấu tranh hợp tình hợp lý và bằng một dự án đúng đắn để làm lại và thăng tiến đất nước".

(Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai)

Người dân Việt Nam và trí thức Việt Nam đã đến lúc chủ động tìm hiểu về các "dự án chính trị" của các tổ chức chính trị có tham vọng cầm quyền trong tương lai để đánh giá và kiểm định chúng. Việc làm này là cần thiết và bắt buộc vì lịch sử sẽ sớm sang trang khi tình hình thế giới biến động có lợi cho công cuộc dân chủ hóa đất nước.

Phải tìm hiểu về các giải pháp thay thế cho giải pháp cộng sản để lịch sử đau thương không lặp lại một lần nữa.

Việt Hoàng

(07/10/2018)

(1) http://vnmedia.vn/dan-sinh/201604/thay-giao-cua-tan-chu-tich-nuoc-anh-quang-se-thanh-dinh-bo-linh-thu-hai-527121/

(2) http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/uy-vien-bo-chinh-tri-chu-dong-tu-chuc-khi-khong-du-uy-tin-481050.html

Additional Info

  • Author Việt Hoàng
Published in Quan điểm

Sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời hôm 21/9, việc lựa chọn một người thay thế đã làm vấn đề nhất thể hóa, trong đó hợp nhất hai chức danh cao nhất của Đảng và Nhà nước, nóng trở lại.

nhat1

Việc lựa chọn một người thay thế đã làm vấn đề nhất thể hóa, trong đó hợp nhất hai chức danh cao nhất của Đảng và Nhà nước, nóng trở lại.

Việc nhất thể hóa này sẽ khác ở Trung Quốc ?

Câu trả lời sẽ là không. Vì lý do cơ bản : Đó là xu hướng tất yếu tập trung quyền lực để khắc phục tình trạng Đảng cộng sản ngày càng tách xa nhà nước, chính phủ trong quá trình chuyển đổi từ kinh tế tập trung sang thị trường. Hy vọng về sự cam kết tiến tới 'mô hình cộng hoà bán tổng thống' không thể có được trong hệ thống chính trị hiện hành. Kinh nghiệm Trung Quốc trong bối cảnh quốc tế hiện nay cho thấy nhất thể hóa không thể ngăn được tình hình bất ổn thể chế độc đảng cộng sản lãnh đạo.

Người dân suy nghĩ đơn giản rằng họ đóng thuế để nuôi bộ máy lãnh đạo quá cồng kềnh, tham nhũng và 'hành là chính', như hiện nay, thì cần cắt giảm đi để họ bớt khổ, để có hy vọng cơ hội làm ăn. Sức nóng này khiến tạo nên các bình luận rằng đây là 'thời cơ' để gộp hai chức danh cao nhất, sau đó là đến các ban, bệ ở trung ương và bộ máy chính quyền địa phương.

Những đồn đoán, suy luận xoay quanh các nhân sự có khả năng thay thế. Nhưng rõ ràng có hai phương án : giữ nguyên 'tứ trụ' và gộp lại để còn 'tam trụ'. Người ta đưa ra các lập luận cho mỗi phương án và từng nhân sự tiềm năng, thậm chí 'úp mở' về nguồn tin.

Ngày 30/9 xuất hiện bài viết lan rộng trên mạng xã hội về nhất thể hoá, tuy còn 'úp mở' về nhân sự cụ thể, nhưng có vẻ việc nhập hai vị trí tổng bí thư đảng và chủ tịch nước được xác quyết. Bình luận về nguồn tin 'lề trái', không chính thức này được cho là 'có độ tin cậy', được 'bật đèn xanh', bởi vì trước đây, từ nguồn này đã có tin 'được kiểm chứng', cụ thể, tin gần đây nhất về tình hình sức khoẻ của cố chủ tịch Trần Đại Quang, khi ông đi điều trị bệnh tại Nhật Bản.

Hội nghị Trung ương 8 đang họp từ ngày 2 đến 6/10, hôm nay 3/10 'đã thống nhất 100% giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV (khai mạc ngày 21/10). Điều đó đã chấm dứt cho những bàn cãi phương án, nhưng nhất thể hóa vẫn tiếp tục sẽ là vấn đề nóng trong cải cách thể chế ở Việt Nam.

Theo lối tư duy văn hóa Á Đông 'thiên thời, địa lợi, nhân hoà' và sức ép từ nhu cầu cải cách thể chế đã khiến đưa nhận định hợp nhất hai chức danh là 'thời cơ'. Viễn cảnh được mô tả rằng 'nhất thể hóa tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam', VN sẽ tiến gần hơn tới một nền cộng hoà bán tổng thống', Chủ tịch 'là cái ghế mà chỉ ai thực sự là một chính trị gia hàng đầu mới nên ngồi vào', 'Thủ tướng chỉ nên là một nhà kỹ trị' và nếu có dấu hiệu phe nhóm thì 'phải đối diện với các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hay thậm chí bị bắt bớ'…

Nhớ lại, một số vấn đề phức tạp liên quan được bàn đến 'bên lề' các hội thảo về cải cách thể chế kinh tế, do Quốc hội chủ trì, vào những năm 2014-2015, nghĩa là trước thềm Đại hội Đảng khóa 12. Các tài liệu bây giờ được lưu trữ để tham khảo, nhưng sự kiện như vậy không có 'chỗ' để bàn thảo công khai về thể chế chính trị.

Các nhà quan sát chính trị cho rằng nhất thể hóa đã được nhắc đến từ nhiều năm trước, rằng các nước xã hội chủ nghĩa láng giềng như Trung Quốc và Lào đã thực hiện trong một, hai nhiệm kỳ đại hội đảng rồi. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa thể tiến hành do 'điều kiện đặc thù'. Một trong những lý do là nguy cơ 'độc tài' khi quyền lực tập trung cao độ vào một cá nhân.

Nay lại được Đảng đặt ra. Hơn 2 năm trước từng 'thí điểm' quy mô nhỏ ở Quảng Ninh. Tại Hội nghị 5 khóa 12 đặt vấn đề thí điểm mở rộng hơn.

Sự ra đi đang chức của cố Chủ tịch nước có thể thúc đẩy quá trình này nhanh hơn ở cấp Trung ương.

Câu hỏi lớn nhất cho nhất thể hóa là liệu 'quyền lực tuyệt đối' có 'dẫn đến tha hóa tuyệt đối', mà Lord Acton đã cảnh báo từ thế kỷ 19, và được phân tích nhiều, đặc biệt khi cạnh tranh gay gắt giữa hai mô hình thể chế : cộng sản và tư bản trong thế kỷ 20. Hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, nhưng còn đó mô hình Trung Quốc ở châu Á và sự thất bại của một số nước theo mô hình dân chủ phương Tây vẫn tạo nên chủ đề nóng.

Thiếu vắng nền tảng lý thuyết về mô hình chuyển đổi từ thể chế tập trung sang thị trường, cho nên Trung Quốc vẫn đang là kinh nghiệm đáng giá nhất cho Việt Nam, vì tính tương đồng của hai hệ thống chính trị. Yếu tố Trung Quốc trong đời sống chính trị Việt Nam luôn phức tạp và 'nhạy cảm', không chỉ về kinh tế, xã hội mà đặc biệt chính trị, khi 'tình hữu nghị giữa hai Đảng cộng sản và các nhà lãnh đạo' luôn được ca ngợi và đề cao.

Quá trình cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình đã đưa Trung Quốc lên vị trí kinh tế thứ 2 thế giới như ngày nay. Tuy nhiên, cải cách kinh tế càng sâu rộng sang thị trường thì Đảng cộng sản ngày càng 'tách xa' nhà nước, chính phủ. Điều này tạo nên những 'bất ổn', trước hết là trong kinh tế sau là xã hội. Đây là nguyên nhân quan trọng mang tính thể chế khiến Trung Quốc xuất hiện 'Hoàng đế đỏ', khi lãnh đạo Tập Cận Bình được quy hoạch đã 'chín muồi'.

Trong Đại hội 19 Đảng cộng sản Trung Quốc tháng 10/2017, Tổng bí thư Tập Cận Bình, không những chỉ kiêm Chủ tịch nước, mà còn tự phong là 'lãnh đạo hạt nhân', sánh với tư tưởng Mao Trạch Đông… Tất cả được củng cố trong sửa đổi điều lệ đảng và hiến pháp của Trung Quốc hiện hành.

Người ta nói rằng quyền lực cần tập trung để thực hiện 'Giấc mộng Trung hoa'. Theo các lộ trình qua các mốc thời gian năm 2025, 2035 và 2049… Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, trở thành cường quốc số 1, bành chướng để làm bá chủ thế giới với các chiến lược 'Một vành đai, một con đường', quân sự hóa biển Đông …

Mỹ và nhiều nước phương Tây không cho là như vậy. Cuộc chiến thương mại do Tổng thống D. Trump phát động để 'đòi lại sự công bằng trong buôn bán, đầu tư và sở hữu trí tuệ…' từ nhiều tháng nay và ngày càng căng thẳng. Trước hết, nó tác động đến kinh tế qua việc cả hai nước Mỹ và Trung Quốc tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu của nhau.

Trung Quốc đang trở nên bất lợi khi tăng trưởng kinh tế giảm sút do các vấn đề trong nước, như 'núi' nợ công cao, tham nhũng nặng nề, chênh lệch giàu nghèo, phân hóa xã hội, già hóa dân số, quá tải đô thị, ô nhiễm môi trường, vi phạm tự do tôn giáo và nhân quyền… Bởi vậy, những ảnh hưởng đến chính trị đang lớn dần.

Đằng sau sự đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới, về thực chất, là sự cạnh tranh thể chế giữa hai hệ thống chính trị, kiểu độc đảng cộng sản ở Trung Quốc và hệ thống dân chủ, kiểu phuơng Tây ở Mỹ. Ngoài chuẩn bị các biện pháp kinh tế, chính quyền Tổng thống D. Trump đang thúc đẩy theo hướng này.

Việt Nam có một nền kinh tế nhỏ, nhưng có 'độ mở cao' ra khu vực và thế giới, nên chắc chắn chịu ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại 'mở rộng' này.

Vì tương đồng về thể chế chính trị, cải cách mở cửa ở Việt Nam luôn 'nhìn' sang Trung Quốc để học tập, vì thế lộ trình và chính sách luôn chậm hơn nhiều năm. Một số chính sách tưởng như được 'rút kinh nghiệm', nhưng rốt cuộc không khác biệt là mấy khi đi thực thi trong thực tế.

Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam trước biến động phức tạp của thế giới có thể có những biến thể của nhất thể hóa dưới chế độ đảng toàn trị, tuy nhiên bản chất của nó sẽ không thay đổi.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : BBC, 05/10/2018

Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ gửi cho BBC tiếng Việt từ Học viện Chính sách và Phát triển, Hà Nội.

Published in Diễn đàn

Hội nghị Trung ương 8 đang họp, ngoài việc quyết định nhất thể hóa, còn dự kiến đưa ra một quy định về vấn đề nêu gương của cán bộ cao cấp.

kekhai0

Chức vụ càng cao càng phải gương mẫu

Điểm cốt lõi của quy định này là : "Chức vụ càng cao càng phải gương mẫu". Nhằm cho thấy sự cần thiết của quy định này, Tổng Bí thư, trong phát biểu khai mạc Hội nghị của mình, đã cảnh báo tình trạng không ít cán bộ lãnh đạo chủ chốt "nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít" [1].

Thế nhưng, trớ trêu thay, chính Tổng bí thư tới giờ lại chưa gương mẫu trong việc thực hiện quy định công khai bản kê khai tài sản cá nhân theo đúng yêu cầu của Quyết định 99 Ban Bí thư dù đã tròn một năm kể từ khi Quyết định này được ban hành [2].

Mà cũng khó có thể cho rằng Tổng bí thư vô tình quên được, bởi lẽ hồi tháng 5 vừa rồi hàng chục đảng viên lão thành cách mạng, tướng lĩnh, nhân sĩ trí thức đã có thư kêu gọi Tổng bí thư nêu gương làm đúng Quyết định 99. Song chẳng hiểu sao tới giờ Tổng bí thư vẫn chưa có bất kỳ động thái gì.

Giờ thì Tổng bí thư sẽ kiêm Chủ tịch nước, nghĩa là chức vụ đã nhân hai. Mà chức vụ đã nhân hai thì với tinh thần chỉ đạo nêu trên món nợ công khai tài sản của Tổng bí thư hẳn phải nhân đôi.

Với riêng những ai kỳ vọng động thái nhất thể hóa này sẽ mở đường cho cải cách thể chế và thúc đẩy công cuộc chống tham nhũng thì càng cần phải thúc giục vị Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước nêu gương, bởi lẽ công khai minh bạch luôn nằm ở trung tâm của mọi thể chế hiện đại cũng như mọi chương trình chống tham nhũng hiệu quả.

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn : RFA, 03/10/2018 (nguyenanhtuan's blog)

---
[1] https://thanhnien.vn/chinh-tri/chuc-vu-cang-cao-cang-phai-guong-mau-1009638.html

https://dantri.com.vn/chinh-tri/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-khai-mac-hoi-nghi-trung-uong-8-20181002153911863.htm

[2] nhiều đảng viên yêu cầu Tổng bí thư làm gương công khai tài sản cá nhân trước thềm Hội nghi trung ương 7

https://www.facebook.com/nguyen.anh.tuan8690/posts/2138315182850030

Published in Diễn đàn

Nhất thể hóa là thuật ngữ của Đảng Cộng sản Việt Nam, để chỉ việc một số chức danh tổ chức đảng kiêm nhiệm chức danh tương đồng của chính quyền và các đoàn thể chính trị, xã hội. Mục đích là để tinh giản số cán bộ được hưởng lương và phụ cấp, tinh giản biên chế trong toàn hệ thống chính trị.

nhat1

Tứ trụ ngày hôm qua sẽ trở thành tam trụ ngày mai ? Ảnh minh họa. 

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, phần "Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị" đã xác định phải "tinh giản tổ chức, bộ máy gắn với tiếp tục phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các tổ chức; thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh và tinh giản biên chế trong toàn hệ thống chính trị... Trên cơ sở đó, tinh giản số cán bộ được hưởng lương và phụ cấp".

Tuân thủ theo Hiến pháp hay tuân thủ theo ‘chủ trương của Đảng’?

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương, trình bày với báo chí về lý do phải ‘nhất thể hóa’ : "Qua lý luận và thực tế về việc nhất thế hóa chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã và huyện cho thấy chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống nhanh hơn.

Trên thực tế nếu chưa nhất thể hóa chức danh Bí thư đồng thời Chủ tịch UBND cấp xã và huyện, ở một số nơi đã xảy ra việc nhiều chủ trương của Đảng ban hành, nhưng bên chính quyền không thực hiện hoặc triển khai rất chậm. Do đó, qua việc thí điểm và khảo sát của chúng tôi cho thấy nên làm việc "nhất thể hóa" vì khi Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã và huyện thì triển khai các công việc, chủ trương đường lối của Đảng rất nhanh. Đây chính là ưu điểm lớn nhất, quan trọng nhất, chứ không phải là mục đích bớt đi một biên chế".

Phản biện về ‘nhất thể hóa’, dễ thấy rằng chưa vội bàn tới chuyện có vi Hiến hay không, trước tiên muốn ‘nhất thể hóa’ hai chức bí thư và chủ tịch huyện/xã thì phải sửa luật, chứ không phải đảng bảo thế là làm được ngay. Chủ tịch huyện/xã do Hội đồng Nhân dân cùng cấp bầu ra, chứ bí thư là bí thư của đảng, do đảng tự bầu ra, dân không bầu ra bí thư. Do vậy, về cơ bản, muốn ‘nhất thể hóa’ thì phải sửa đổi chí ít hai luật bầu cử và tổ chức chính quyền địa phương.

Vấn đề đó cũng tương tự như sắp tới đây ông Tổng bí thư của đảng lại ngồi thêm ghế của Chủ tịch nước, vốn thuộc nhiệm kỳ Quốc hội, nghĩa là từ lá phiếu cử tri, trong đó có cử tri đảng viên.

Chỉ cần chấm dứt ‘xin ý kiến cấp ủy’

Ở hội thảo về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, do Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, trong tham luận của tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, phân tích : "Việc Đảng quyết định quá nhiều vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước và hoạt động của các đoàn thể chính trị, xã hội dẫn đến tình trạng Đảng bao biện làm thay một cách thiếu sâu sát, thiếu chuyên nghiệp. Điều này làm cho vai trò của Nhà nước và các đoàn thể lu mờ, cũng là nguyên nhân làm cho hệ thống chính trị chưa thực sự đổi mới, chưa theo kịp những đòi hỏi của nền kinh tế thị trường…".

Có một số trường hợp việc gì cũng muốn "xin ý kiến" của cấp ủy Đảng, cho nên có những việc lẽ ra chính quyền hoặc các đoàn thể hoàn toàn có quyền, trách nhiệm và có khả năng giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ của mình thì lại đùn đẩy cho Đảng ra các quyết sách.

Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, sự chồng chéo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các đoàn thể chính trị, xã hội khác làm cho bộ máy của Đảng cồng kềnh, thiếu hiệu quả, sa vào sự vụ trong chỉ đạo điều hành, thiếu tầm chiến lược; tạo nhiều điểm nghẽn trong quản trị quốc gia.

Giải quyết những gút mắc đó, cần phải đi đến luật hóa sự lãnh đạo của Đảng. Cụ thể, trên cơ sở của Hiến pháp, cần phải phân định rõ chức năng lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước bao gồm cả Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp. Tránh tình trạng lâu nay Quốc hội chỉ làm nhiệm vụ thể chế hóa, hợp thức hóa các quyết định của Đảng.

Trước tiên, thay vì loay hoay thí điểm ‘nhất thể hóa’, cần mạnh dạn bỏ quy định cán bộ chủ chốt của bộ máy nhà nước bắt buộc phải là đảng viên, nhằm tránh hiện tượng chạy chức, chạy quyền và vào Đảng với động cơ vụ lợi cá nhân.

Thậm chí chủ tịch Quốc hội không nhất thiết phải là thành viên của cơ quan lãnh đạo của Đảng, mà chỉ cần là người được cử tri và các đại biểu Quốc hội tín nhiệm. Nếu được như thế thì sẽ có sự phản biện mạnh mẽ hơn nữa giữa Quốc hội với các cơ quan lãnh đạo của Đảng, và tất cả phải đứng trên nền tảng của Hiến pháp và pháp luật.

Cần có luật về đảng chính trị

Nói theo cách của tuyên giáo, thì việc sớm ban hành một luật riêng về Đảng cũng là thể hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm của tổ chức này với vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội. Bởi Đảng luôn tự hào là không có lợi ích và không đứng ngoài lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân.

Những cụm từ ghi ở Điều 4, Hiến pháp 2013 rất chung chung về trách nhiệm, trong khi quyền lực của Đảng cộng sản lại được thả nỗi : "Lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" duy nhất, tạo cơ sở để việc "chịu sự giám sát của nhân dân", nhất là "chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình" của Đảng chỉ mang ý nghĩa khi được cụ thể hóa bằng các đạo luật của Nhà nước.

Một khi chưa có sự rạch ròi về luật định, thì cơ sở nào để nhân dân yêu cầu các cấp ủy, đảng viên phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật về những hành vi lãnh đạo của mình ? Lâu nay dễ rơi vào trách nhiệm hành chính, hay trách nhiệm chính trị chung chung trong Đảng.

Đến nay, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, mọi tổ chức đều có luật điều chỉnh, riêng tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam mang tiếng là nòng cốt trong hệ thống chính trị, song lại chưa có luật. Chính điều đó dẫn đến nhiều quyết định của Đảng cộng sản được đánh giá là tùy tiện, không tuân thủ Hiến pháp và pháp luật hiện hành, mà chính sách ‘nhất thể hóa’ là một dẫn chứng.

Người viết đồng ý Việt Nam là nhà nước Cộng sản do đảng lãnh đạo, tuy nhiên đảng cần tránh sự trịch thượng với cử tri, khi Tổng bí thư Đảng cộng sản tự cho mình cái quyền kiêm nhiệm luôn chức danh Chủ tịch nước, vốn thuộc thẩm quyền bầu chọn của các đại biểu được lá phiếu nhân dân tín nhiệm.

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 03/10/2018

Published in Diễn đàn

Tờ Quân Đi Nhân Dân va công b bài "Gáo nước lnh gii vào nhng k him khích, chng phá" (1).

mohinh1

Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư đảng cộng sản Tập Cận Bình và Tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng trong một chuyến thăm Việt Nam 

Theo đó, kết qu Hi ngh ln th by ca Ban Chp hành Trung ương Đng cộng sản Việt Nam khóa 12 (07/05/2018-12/05/2018) chính là mt "gáo nước lnh", "gii" vào toàn b âm mưu, th đon xuyên tc thâm đc, ba đt trng trn ca các thế lc phn đng, chng phá cách mạng Vit Nam. Ví d : Hi ngh ln th by ca Ban chấp hành trung ương Đng cộng sản Việt Nam khóa 12 không h có biến đng ln v nhân s. Tổng bí thư đảng, Ch tch quc hi, Ch tch nhà nước, Th tướng chính phủ vn yên v. Các y viên Ban chấp hành trung ương Đng cộng sản Việt Nam khóa 12 ch bu thêm hai thành viên Ban bí thư. B phiếu đ kin toàn chc danh lãnh đo y ban Kim tra Ban chấp hành trung ương Đng cộng sản Việt Nam khóa 12, nhm gia tăng vic kim soát quyn lc, gia tăng giám sát đ xây dng đi ngũ cán b càng ngày càng trong sch, ngang tm vi yêu cu v nhim v trong giai đon mi…

"Gáo nước lnh gii vào nhng k him khích, chng phá" dành phn ch yếu đ bin bch cho "Đ án Tp trung xây dng đi ngũ cán b các cp, nht là cp chiến lược đ phm cht, năng lc và uy tín, ngang tm nhim v" : Toàn Đng bàn tho v công tác cán b, Hội đng Lý lun Trung ương và "đi ngũ trí thc nước nhà" t chc nhiu din đàn khoa hc, h thng truyn thông thì m các chuyên trang, chuyên đ tuyên truyn sâu rng v c tinh thn ln ni dung…

Nói cách khác, "Đ án Tp trung xây dng đi ngũ cán bộ các cp, nht là cp chiến lược đ phm cht, năng lc và uy tín, ngang tm nhim v" – gi tr thành Ngh quyết ca Ban chấp hành trung ương Đng cộng sản Việt Nam khóa 12 – là mt sn phm hình thành t s đóng góp ca toàn dân, bao gm nhiu "ý kiến đa chiu" được thu thp t "diễn đàn chính trị sâu rng trong toàn xã hi".

***

Đã có những thc mc rng, ly gì bo đm các y viên Ban chấp hành trung ương Đng cộng sản Việt Nam khóa 12 – gi, đu đã tr thành "cán b cp chiến lược", được ví von là "tinh hoa ca nhng tinh hoa quc gia" - s không tiếp tc phm những sai lm nghiêm trng như xác đnh khai thác bauxite Tây Nguyên là ch trương ln ca Đng cộng sản Việt Nam, như dc toàn b ngun lc quc gia vào các tp đoàn, tng công ty quc doanh đ làm xương sng cho "kinh tế th trường theo đnh hướng xã hi ch nghĩa" ?...

Cũng đã có những thc mc rng, ly gì bo đm "tinh hoa ca nhng tinh hoa quc gia" s đ tinh minh đ không tiếp tc b phiếu bu nhng cá nhân như Đinh La Thăng vào B Chính tr, chn nhng cá nhân như Nguyn Bá Thanh làm Trưởng ban Ni chính và s không chn thêm nhng cá nhân như Nguyn Xuân Anh làm "tinh hoa ca nhng tinh hoa quc gia" ?... Chng l không đ tinh minh, liên tc phm sai lm, "tinh hoa ca nhng tinh hoa quc gia" vn có th ung dung ngi chn nhng cá nhân khác làm "cán b cp chiến lược" ?

Ông Nguyễn Tn Tuân, tác gi "Gáo nước lnh gii vào nhng k him khích, chng phá", bo rng, ti Hi ngh ln th by ca Ban chấp hành trung ương Đng cộng sản Việt Nam khóa 12, các y viên đã góp ý cho "Báo cáo kim đim s lãnh đo, ch đo ca B Chính tr, Ban Bí thư năm 2017" rất "thng thn", "đim mt, ch vic, tách bch gia thành qu và hn chế, gia ưu và khuyết, gia được và chưa được trong công tác lãnh đo, ch đo đ tp th B Chính tr, Ban Bí thư tiếp thu, đúc rút kinh nghim, nâng cao năng lc thc hin nhiệm v Ban Chp hành Trung ương giao phó" và "tp th B Chính tr, Ban Bí thư đã cu th lng nghe, t phê bình sâu sc".

Tuy "Báo cáo kim đim s lãnh đo, ch đo ca B Chính tr, Ban Bí thư năm 2017", y viên nào "đim mt" ai, "ch vic" gì, B Chính trị, Ban Bí thư t phê bình ra sao, không được công b nhưng ông Tuân khng đnh "nhân dân cho rng, Trung ương quyết lit như vy là rt quý và đáng kính" !

***

Cứ theo cách ông Tuân lp lun thì Ban chấp hành trung ương Đng cng sn Trung Quc còn… quý và đáng kính hơn vì đã đi tiên phong !

Một ngày trước khi Hi ngh ln th by ca Ban chấp hành trung ương Đng cộng sản Việt Nam khóa 12 khai mc, lúc trò chuyn vi VietnamNet, ông Phm Quang Hưng, V trưởng V Theo dõi các cơ quan ca Ban chấp hành trung ương Đng cộng sản Việt Nam thuc Ban T chc Trung ương Đng cộng sản Việt Nam, loan báo đã kết thúc th nghiệm về "nht th hóa" (ch đ mt cá nhân đm nhim c vai trò bí thư ln vai trò lãnh đo cơ quan hành pháp). "Nht th hóa" đang chính thc được thc hin cp huyn và cp tnh. Ông Hưng nói thêm rng Ban chấp hành trung ương Đng cộng sản Việt Nam "đang nghiên cu" v "nht th hóa mt s chc danh cán b cp chiến lược như kinh nghim Trung Quc, ví d Tổng bí thư kiêm Ch tch nhà nước" (2).

Sáu năm trước, hàng trăm triu người Trung Quc công khai bày t s hoan h ca h khi ông Tp Cn Bình, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quc thực hin chiến dch "đ h, dit rui, săn sói, quét mui" và th "chng tham nhũng không màng sng chết cá nhân". Hơn mt triu viên chc thuc đ mi cp ca h thng công quyn Trung Quc đã b x lý theo nhiu hình thc khác nhau.

Từ v trí Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quc, ông Bình được giao kiêm nhim vai trò Ch tch nhà nước Cng hòa nhân dân Trung Hoa.

Tháng ba vừa qua, Quc hi Trung Quc biu quyết v gii hn nhim kỳ ca Ch tch nhà nước Cng hòa nhân dân Trung Hoa. Thay vì phi thôi làm Chủ tch Nhà nước Cng hòa nhân dân Trung Hoa vào năm 2022 bi đã ngi ti đó đ hai nhim kỳ thì có ti 2.964 đi biu ca Quc hi Trung Quc, nht trí "hy gii hn nhim kỳ ca Ch tch nhà nước", to điu kin đ ông Bình - nhân vt đ ra cam kết "t toàn" (Xây dựng kinh tế xã hi thnh vượng toàn din. Ci t xã hi sâu sc toàn din. Thc hin Nhà nước pháp quyn toàn din. Thc thi k cương Đng toàn din) có th làm Ch tch nhà nước Cng hòa nhân dân Trung Hoa cho ti hết đi. Ch có hai đi biu phản đi "hy gii hn nhim kỳ ca Ch tch nhà nước" và ba đi biu b phiếu trng !

"Nhất th hóa" là sn phm chính tr "made in China".

"Lò" của Tổng bí thư, ri "Ngh quyết Tp trung xây dng đi ngũ cán b các cp, nht là cp chiến lược đ phm cht, năng lực và uy tín, ngang tm nhim v" mà Ban chấp hành trung ương Đng cộng sản Việt Nam khóa 12 va biu quyết thành đnh hướng cho "toàn Đng, toàn quân, toàn dân" Vit không có gì mi vi "toàn Đng, toàn quân, toàn dân"… Trung Quc.

***

"Dưới s lãnh đo v vang ca Đng cộng sản Việt Nam", Trung Quốc đã và đang là "thy" ca Vit Nam. Lúc nào người Vit thôi phi bái vng Trung Quc là "sư" chưa xác đnh được.

Ngày 18 tháng 9 năm 2009, Nhân Dân Nhật Báo ca Đảng cộng sản Trung Quc tng có mt bài bình lun v chuyn "bt chước mô hình Trung Quốc", theo đó, t Vit Nam, Cuba đến Bc Hàn đu đang bt chước Trung Quc. Trong khi Cuba và Bc Hàn ch bt chước mt phn thì Vit Nam "bt chước 100%" và vì vy, "Vit Nam cn thc s nh ơn mô hình này bi nh thế mà Vit Nam phát trin nhanh v kinh tế và chính tr thì n đnh" (3).

Bài viết va k khiến nhiu người Vit t ái. Trong s này có c các cu viên chc và hc gi như ông Trn Đc Nguyên (cu Trưởng ban Nghiên cu ca ông Võ Văn Kit, người tham gia son tho Cương lĩnh Đi mi cho Đi hi 6 của Đng cộng sản Việt Nam), ông Đng Phong (tác gi b Tư duy kinh tế Vit Nam), ông Tng Văn Công (cu Tng Biên tp t Lao Đng)… H khng đnh, "đi mi" (thc cht là t b qun lý – điu hành kinh tế theo kế hoch, quay li vi kinh tế th trường) là do thúc bách từ thc tế ch không phi bt chước Trung Qu(4).

Có thể các cu viên chc và hc gi va k không sai vi mi" nhưng trt lt v mô hình chính tr.

Bất chp xung đt v ch quyn, nhng him ha tim n đi vi kinh tế - xã hi, gii lãnh đo Đng cộng sản Việt Nam vn tìm sang Trung Quc "bái sư", t "Tiu sư" trong rng đến "Đi sư" gia th đô :

- Ngày 11 tháng 9 năm 2016, ông Trần Quc Vượng, y viên B Chính tr, Bí thư Trung ương Đng, Ch nhim y ban Kim tra Ban chấp hành trung ương Đng cộng sản Việt Nam, hi kiến ông Vu Xuân Sinh, Bí thư y ban Kim tra - K lut ca Khu T tr dân tc Choang, Qung Tây, Trung Quc đ cám ơn vì đã chia s kinh nghim xây dng Đng và phòng chng tham nhũng, đóng góp thiết thc cho công cuc đi mi, ci cách, m ca và xây dng ch nghĩa xã hi mi nướ(5).

- Ngày 13 tháng 1 năm 2017, ông Nguyễn Phú Trng, Tổng bí thư Đng cộng sản Việt Nam đến Bc Kinh, gp ông Vương Kỳ Sơn, y viên B Chính tr, Bí thư y ban Kim tra - K lut Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quc đ tìm hiu v các ch trương ca gii lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quc và hot đng ca y ban Kim tra - K lut ca Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quc trong chuyn chng tham nhũng, tăng cường qun lý Đng nghiêm minh toàn din, thc hin b cc chiến lược "bn toàn din" ca Đảng cộng sản Trung Quc t sau Đi hi 18 đến nay (6).

- Ngày 11 tháng 9 năm 2017, ông Nguyễn Đc Li, y viên Ban chấp hành trung ương Đng cộng sản Việt Nam, Tng Giám đc Thông tn xã Vit Nam đã dn mt phái đoàn cao cp ca Đng cộng sản Việt Nam đến gp ông Hàn Chính, y viên B Chính tr Đng Công sn Trung Quc, Bí thư Thành y Thượng Hi đ hc hi kinh nghim ca Đảng cộng sản Trung Quc v xây dng Đng và xây dng h thng chính tr(7).

Các Ủy viên B Chính tr, thành viên Ban Bí thư, y viên Ban chấp hành trung ương Đng cộng sản Việt Nam bái Trung Quc làm "sư" chưa đ. Quân đi cũng được c sang Trung Quc "bái sư". Ngày 6 tháng 6 năm 2013, Ban T chc ca Ban chấp hành trung ương Đng cộng sản Việt Nam c 22 sĩ quan cao cp là "cán b ch trì công tác Đng, công tác chính tr ti các đơn v cp chiến lược, chiến dch toàn quân, được đào to cơ bn, có nhiu kinh nghiệm thc tin và là ngun quy hoch cho nhim kỳ ti", sang Trung Quc tham gia mt khóa hc 15 ngày Đoàn cán b chính tr cao cp ca Quân đi Nhân dân Vit Nam s sang Trung Quc tham gia khóa hc 15 ngày v "các vn đ lý lun và thc tin trong công tác Đảng, công tác chính tr ca Quân gii phóng Nhân dân Trung Quc". T 2009 đến 2013, Quân y Trung ương ca Vit Nam đã c sáu đoàn như thế sang Trung Quc hc t(8).

Những đoàn như thế đã đt nn móng cho nhiu hot đng gn đây. Chng hn tháng 4 năm ngoái, Chi đội Công an Biên phòng thành ph Phòng Thành Cng, Qung Tây, Trung Quc đã sang Vit Nam "m lp trao đi kinh nghim trong công tác xây dng Đng ca Đảng cộng sản Trung Quc cho 40 cán b ca Đn Biên phòng Ca khu Quc tế Móng Cái vi ch đề : Ba bí quyết ln giành thng li vĩ đi ca Đảng cộng sản Trung Quc" (9).

***

Cuối năm ngoái, khi tng kết thi s c năm, hết The Economist (10) tới Bloomberg (11) cùng nhn đnh, Vit Nam tiếp tc sao chép đ th t Trung Quc. Chng phi ch chng tham nhũng, Vit Nam còn bt chước Trung Quc đàn áp nhng người bt đng chính kiến theo kiu Tp Cn Bình !

Ông Tập Cn Bình tng khuyến d gii lãnh đạo Đng cộng sản Việt Nam vài ln rng Trung Quc và Vit Nam có "lý tưởng tương đng, vn mnh tương quan". Sc nng, mc đ hp dn ca tám t đó đ đ ngoài "sơn thy", "văn hóa", ngay c "ngh quyết" cũng… "tương thông" !

Trân Văn

Nguyễn VOA, 17/05/2018

Chú thích :

(1) http://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/gao-nuoc-lanh-gioi-vao-nhung-ke-hiem-khich-chong-pha-538843

(2)http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/600-can-bo-cap-chien-luoc-3-do-tuoi-co-dac-thu-449359.html

(3)http://nhanamsg.blogspot.de/2009/09/bat-chuoc-gioi-that.html

(4) https://boxitvn.wordpress.com/2010/02/26/hoc-hay-khong-hoc-trung-quoc/

(5) https://www.vietnamplus.vn/viet-namtrung-quoc-trao-doi-kinh-nghiem-ve-kiem-tra-xay-dung-dang/405490.vnp

(6)https://vov.vn/chinh-tri/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-hoi-kien-ong-vuong-ky-son-585914.vov

(7)https://baotintuc.vn/thoi-su/viet-nam-va-trung-quoc-tang-cuong-trao-doi-cong-tac-xay-dung-dang-20170911222748238.htm

(8) https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/22-si-quan-cap-cao-quan-doi-tap-huan-tai-trung-quoc-2810677.html

(9)https://www.mongcai.gov.vn/vi-vn/tin/luc-luong-bien-phong-viet-%E2%80%93-trung-trao-doi-pho-bien-kinh-nghiem-xay-dung-dang/45018-58053-85144

(10) https://www.economist.com/news/asia/21732824-difference-partly-philosophical-communist-parties-china-and-vietnam-do-not-get

(11)https://www.bloomberg.com/news/articles/2017-12-21/vietnam-mimics-china-in-embarking-on-sweeping-corruption-purge

Published in Diễn đàn

"…khả năng cao là vị trí "tứ trụ" sẽ chưa có thay đổi nào trong và sau kỳ họp này vì chưa có dấu hiệu cho thấy ai có thể đảm đương vị trí Chủ tịch nước thay ông Quang như đồn đoán. Hiện nay, ông Trọng đang dẫn dắt Đảng cộng sản Việt Nam hướng tới mục tiêu nhất thể hóa. Nghĩa là nhân sự vị trí Chủ tịch nước phải là người sẽ đảm nhận cả chức Tổng bí thư. Nói cách khác, nếu ông Quang bị loại ra lúc này vì bất cứ lý do gì thì sẽ không ai khác ngoài ông Trọng sẽ kiêm luôn Chủ tịch nước".

nhat1

Hội nghị Trung ương 7

Trong tình hình chính trị thế giới và trong nước nóng bỏng bởi những diến biến chính trị bất ngờ, Hội nghị Trung ương 7 của Đảng cộng sản Việt Nam diễn ra đúng như dự đoán của giới quan sát rằng sẽ chủ yếu tập trung vấn đề nhân sự. Trong 3 nội dung chính thì 2 nội dung liên quan vấn đề cán bộ, đặc biệt nhấn mạnh "cấp chiến lược" – Tức là cấp cao nhất của bộ máy nhà nước : Trung ương Đảng và Bộ chính trị.

Vấn đề cán bộ cấp cao được đặt ra trong Hội nghị này về cơ bản là điều đương nhiên, khi mà cuộc "đốt lò" chống tham nhũng của đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuy chưa thu được kết quả bao nhiêu ngoài màu sắc thanh trừng quyền lực là rõ nét nhất nhưng đã làm "suy yếu" bộ máy nhân sự khi một số quan chức cấp cao đã lãnh án hoặc cho nghỉ để giảm bớt các hệ lụy chính trị. Nói "suy yếu" ở đây là theo thói quen trong bộ máy công quyền Việt Nam là nhìn thấy việc trống một số ghế đã có, kiểu như trống chỗ khi "vắng mặt người quen" chứ không phải theo nghĩa về chất lượng hay năng lực làm việc.

Hiện tại, Bộ chính trị Trung ương Đảng trống cả chính thức và không chính thức ít nhất 3 ghế. Trong đó ông Đinh La Thăng đã vào tù vì liên quan hàng loạt vụ đại án ; ông Đinh Thế Huynh rời ghế "vì lý do sức khỏe", hiện không có thông tin nào thêm. Về ông Trần Đại Quang – Đương kim Chủ tịch nước đang được đồn đoán sẽ nghỉ vì "lý do sức khỏe" nhưng trong tình hình cái "cửu lò" đang hướng về phía Bộ công an, nơi ông Quang từng giữ chức Bộ trưởng trước khi sang làm Chủ tịch nước mà dù có cố gắng "giữ bình" thì cũng khó có lý do để ông tại nhiệm chỉ riêng ở tội danh "thiếu tinh thần trách nhiệm". Chưa nói điều mà ai cũng biết : Khi còn là Bộ trưởng Bộ công an, ông Quang không thể không có liên quan với các vụ án mà hàng loạt sĩ quan đầu ngành của Bộ này cũng như các vụ án liên quan các quan chức ở địa phương các tỉnh thành. Các đồn đoán việc có liên quan Vũ "nhôm" ; Phan Văn Vĩnh ; Nguyễn Thanh Hóa.. cùng hàng loạt bất động sản mà bản thân ông hoặc gia đình ông sở hữu, các cổ phần ẩn danh ở hàng loạt ngành kinh tế hàng top ở Việt Nam sẽ dễ dàng kết luận đúng sai một khi cuộc chiến chống tham nhũng được bật đèn để hướng vào ông.

nhat2

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh minh họa

Trong Trung ương Đảng, với tổng số 200 ủy viên gồm 180 chính thức và 20 người là dự khuyết, ít nhất đã rơi rụng khoảng 10 người, chủ yếu là quan chức đứng đầu cấp tỉnh thành và cấp Bộ trong Chính phủ. Tóm lại, có ít nhất 5% nhân sự ở hai cấp quyền lực cao nhất sẽ phải bổ sung, thay vào các ghế hiện đã trống. Nhưng nói như vậy thì sẽ là điều bình thường gần như đương nhiên đối với một bộ máy bị khuyết nhân sự. Vậy nội dung "nhân sự cấp chiến lược" được nhấn mạnh mang ý nghĩa gì trong kỳ Đại hội này ?

Trước hết, khái niệm "cán bộ cấp chiến lược" là một từ rất mới trong ngôn ngữ chính trị. Thông thường, người ta hay nói "chiến lược tổ chức ; chiến lược xây dụng cán bộ ; chiến lược đào tạo cán bộ.v.v". chứ không nói "cán bộ cấp chiến lược". Đặc biệt hơn, Bộ chính trị và Trung ương đảng vốn là hai bộ máy ở cấp cao nhất của hệ thống chính trị Việt Nam. Ý nghĩa và lời giải đã được hé lộ ngay trong ngày đầu tiên của Hội nghị Trung ương 7 ngày 7/5/2018. Truyền thông được bật đèn đâu đó đã xuất hiện "mong Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ứng cử nhiệm kỳ tới". Phải chăng đây chính là "chiến lược" sống còn của Đảng cộng sản Việt Nam trong tình hình chính trị Việt Nam hiện tại và cả tương lai không gần mà Đảng cộng sản Việt Nam vẫn nắm giữ vai trò thống trị ?

Đã có không ít những lời ca ngợi đối với ông Trọng như một bậc "sĩ phu" đầy mưu lược, một minh quân dám mạnh tay tuyên chiến với tham nhũng, điều mà nhiều Tổng bí thư trước chưa ai dám làm. Hiện tại, khi mà cuộc chiến chống tham nhũng trong mấy năm qua, nếu chỉ xét về số lượng lãnh đạo cao cấp bị rơi rụng vào khoảng 5%, bài toán giản đơn nhất là phải thay máu 50% nhân sự dính vào tham nhũng so với thực tế gần như 100% của Việt Nam thôi thì cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng sẽ còn mất ít nhất 20-30 năm với tốc nhanh gấp 2 lần hiện nay.

Đấy là chỉ nói trên khía cạnh ông Trọng là cái đỉnh trên ngọn cờ chống tham nhũng. Nhưng hoạt động của một bộ máy để thay máu cả bộ máy cấp quốc gia không thể chỉ là một cá nhân. Xuyên suốt cuộc chiến chống tham nhũng mà ông Trong khởi xướng, gần như không thấy có nhân vật nào có chức vụ đáng kể trong Đảng cộng sản Việt Nam nổi bật đồng hành ở vai trò quyền lực, nắm giữ vai trò lớn. Các quan chức và và tổ chức thừa hành thường được sử dụng không phải là một cơ quan cố định như ở Trung Quốc. Các vụ án luôn được khởi đầu bằng các thông tin "bất ngờ" từ đâu đó mà truyền thông sẽ đóng vai trò đi tiên phong, sau đó là một cuộc thanh tra để kết luận với các nhân sự cũng không cố định hay thuộc bộ phận nào chuyên biệt một cách rõ ràng, kể cả là cơ quan Thanh tra Chính phủ hay Ban kiểm tra Trung ương Đảng. Điều đó chỉ ra rằng : Ông Trọng và ê kíp của ông cực kỳ thận trọng và công cụ sức mạnh áp chế để xử lý được thực hiện bởi một lực lượng vô cùng bí mật, hoặc đơn giản chỉ là mượn tay phe này triệt hạ phe kia trong bối cảnh tham nhũng và lợi ích nhóm ở Việt Nam là quá nhiều phe nhóm lợi ích ở nhiều cấp khác nhau. Đây cũng là bí mật có tính yếu điểm chết người mà cuộc chiến chống tham nhũng do ông Trọng dẫn đầu phải hết sức cẩn thận che giấu.

Mang yếu điểm cốt tử nói trên, chắc chắn nhân sự bổ sung tối thiểu phải đáp ứng được hai điều kiện tối thiểu, ưu tiên hàng đầu là người cùng phe cánh và ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng đang diễn ra. Trong hai điều kiện then chốt này này, điều kiện thứ hai lại là cực kỳ khó khăn để tìm được người phù hợp. Đương nhiên, vai trò của ông Trọng bắt buộc vẫn phải giữ nguyên, vừa là đứng mũi chịu sào vừa làm tấm bình phong để che đỡ cho bộ máy và chiến lược thực hiện chống tham nhũng. Nó đồng nghĩa, sau đại hội này sẽ dẫn tới việc sửa luật nhằm mục đích dọn đường cho ông Trọng tiếp tục tại vị. Bởi theo luật hiện nay, ông Trọng đã quá tuổi không thể tiếp tục đảm nhận chức Tổng bí thư trong nhiệm kỳ tới.

Một số đồn đoán về những gương mặt sẽ thay thế bổ sung đã được đưa ra. Nhưng khả năng cao là vị trí "tứ trụ" sẽ chưa có thay đổi nào trong và sau kỳ họp này vì chưa có dấu hiệu cho thấy ai có thể đảm đương vị trí Chủ tịch nước thay ông Quang như đồn đoán.

nhat3

Chủ tịch nước Trần Đại Quang vẫy tay chào giả từ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở lại đảm nhiệm thay ? Ảnh minh họa

Hiện nay, ông Trọng đang dẫn dắt Đảng cộng sản Việt Nam hướng tới mục tiêu nhất thể hóa. Nghĩa là nhân sự vị trí Chủ tịch nước phải là người sẽ đảm nhận cả chức Tổng bí thư. Nói cách khác, nếu ông Quang bị loại ra lúc này vì bất cứ lý do gì thì sẽ không ai khác ngoài ông Trọng sẽ kiêm luôn Chủ tịch nước.

Nếu kịch bản này xảy ra, tình hình chính trị trong nội bộ Trung ương Đảng nói riêng và tình hình chính trị, xã hội Việt Nam nói chung sẽ chính thức đi vào giai đoạn các mâu thuẫn được dồn nén và đẩy lên mức cao nhất trong năm tới.

Thiên Điểu

Nguồn : VNTB, 09/05/2018

Published in Diễn đàn
Trang 1 đến 2