Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/10/2018

Liệu ‘nhất thể hóa’ có giúp giải tỏa những điểm nghẽn trong quản trị quốc gia ?

Thảo Vy

Nhất thể hóa là thuật ngữ của Đảng Cộng sản Việt Nam, để chỉ việc một số chức danh tổ chức đảng kiêm nhiệm chức danh tương đồng của chính quyền và các đoàn thể chính trị, xã hội. Mục đích là để tinh giản số cán bộ được hưởng lương và phụ cấp, tinh giản biên chế trong toàn hệ thống chính trị.

nhat1

Tứ trụ ngày hôm qua sẽ trở thành tam trụ ngày mai ? Ảnh minh họa. 

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, phần "Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị" đã xác định phải "tinh giản tổ chức, bộ máy gắn với tiếp tục phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các tổ chức; thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh và tinh giản biên chế trong toàn hệ thống chính trị... Trên cơ sở đó, tinh giản số cán bộ được hưởng lương và phụ cấp".

Tuân thủ theo Hiến pháp hay tuân thủ theo ‘chủ trương của Đảng’?

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương, trình bày với báo chí về lý do phải ‘nhất thể hóa’ : "Qua lý luận và thực tế về việc nhất thế hóa chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã và huyện cho thấy chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống nhanh hơn.

Trên thực tế nếu chưa nhất thể hóa chức danh Bí thư đồng thời Chủ tịch UBND cấp xã và huyện, ở một số nơi đã xảy ra việc nhiều chủ trương của Đảng ban hành, nhưng bên chính quyền không thực hiện hoặc triển khai rất chậm. Do đó, qua việc thí điểm và khảo sát của chúng tôi cho thấy nên làm việc "nhất thể hóa" vì khi Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã và huyện thì triển khai các công việc, chủ trương đường lối của Đảng rất nhanh. Đây chính là ưu điểm lớn nhất, quan trọng nhất, chứ không phải là mục đích bớt đi một biên chế".

Phản biện về ‘nhất thể hóa’, dễ thấy rằng chưa vội bàn tới chuyện có vi Hiến hay không, trước tiên muốn ‘nhất thể hóa’ hai chức bí thư và chủ tịch huyện/xã thì phải sửa luật, chứ không phải đảng bảo thế là làm được ngay. Chủ tịch huyện/xã do Hội đồng Nhân dân cùng cấp bầu ra, chứ bí thư là bí thư của đảng, do đảng tự bầu ra, dân không bầu ra bí thư. Do vậy, về cơ bản, muốn ‘nhất thể hóa’ thì phải sửa đổi chí ít hai luật bầu cử và tổ chức chính quyền địa phương.

Vấn đề đó cũng tương tự như sắp tới đây ông Tổng bí thư của đảng lại ngồi thêm ghế của Chủ tịch nước, vốn thuộc nhiệm kỳ Quốc hội, nghĩa là từ lá phiếu cử tri, trong đó có cử tri đảng viên.

Chỉ cần chấm dứt ‘xin ý kiến cấp ủy’

Ở hội thảo về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, do Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, trong tham luận của tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, phân tích : "Việc Đảng quyết định quá nhiều vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước và hoạt động của các đoàn thể chính trị, xã hội dẫn đến tình trạng Đảng bao biện làm thay một cách thiếu sâu sát, thiếu chuyên nghiệp. Điều này làm cho vai trò của Nhà nước và các đoàn thể lu mờ, cũng là nguyên nhân làm cho hệ thống chính trị chưa thực sự đổi mới, chưa theo kịp những đòi hỏi của nền kinh tế thị trường…".

Có một số trường hợp việc gì cũng muốn "xin ý kiến" của cấp ủy Đảng, cho nên có những việc lẽ ra chính quyền hoặc các đoàn thể hoàn toàn có quyền, trách nhiệm và có khả năng giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ của mình thì lại đùn đẩy cho Đảng ra các quyết sách.

Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, sự chồng chéo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các đoàn thể chính trị, xã hội khác làm cho bộ máy của Đảng cồng kềnh, thiếu hiệu quả, sa vào sự vụ trong chỉ đạo điều hành, thiếu tầm chiến lược; tạo nhiều điểm nghẽn trong quản trị quốc gia.

Giải quyết những gút mắc đó, cần phải đi đến luật hóa sự lãnh đạo của Đảng. Cụ thể, trên cơ sở của Hiến pháp, cần phải phân định rõ chức năng lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước bao gồm cả Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp. Tránh tình trạng lâu nay Quốc hội chỉ làm nhiệm vụ thể chế hóa, hợp thức hóa các quyết định của Đảng.

Trước tiên, thay vì loay hoay thí điểm ‘nhất thể hóa’, cần mạnh dạn bỏ quy định cán bộ chủ chốt của bộ máy nhà nước bắt buộc phải là đảng viên, nhằm tránh hiện tượng chạy chức, chạy quyền và vào Đảng với động cơ vụ lợi cá nhân.

Thậm chí chủ tịch Quốc hội không nhất thiết phải là thành viên của cơ quan lãnh đạo của Đảng, mà chỉ cần là người được cử tri và các đại biểu Quốc hội tín nhiệm. Nếu được như thế thì sẽ có sự phản biện mạnh mẽ hơn nữa giữa Quốc hội với các cơ quan lãnh đạo của Đảng, và tất cả phải đứng trên nền tảng của Hiến pháp và pháp luật.

Cần có luật về đảng chính trị

Nói theo cách của tuyên giáo, thì việc sớm ban hành một luật riêng về Đảng cũng là thể hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm của tổ chức này với vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội. Bởi Đảng luôn tự hào là không có lợi ích và không đứng ngoài lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân.

Những cụm từ ghi ở Điều 4, Hiến pháp 2013 rất chung chung về trách nhiệm, trong khi quyền lực của Đảng cộng sản lại được thả nỗi : "Lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" duy nhất, tạo cơ sở để việc "chịu sự giám sát của nhân dân", nhất là "chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình" của Đảng chỉ mang ý nghĩa khi được cụ thể hóa bằng các đạo luật của Nhà nước.

Một khi chưa có sự rạch ròi về luật định, thì cơ sở nào để nhân dân yêu cầu các cấp ủy, đảng viên phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật về những hành vi lãnh đạo của mình ? Lâu nay dễ rơi vào trách nhiệm hành chính, hay trách nhiệm chính trị chung chung trong Đảng.

Đến nay, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, mọi tổ chức đều có luật điều chỉnh, riêng tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam mang tiếng là nòng cốt trong hệ thống chính trị, song lại chưa có luật. Chính điều đó dẫn đến nhiều quyết định của Đảng cộng sản được đánh giá là tùy tiện, không tuân thủ Hiến pháp và pháp luật hiện hành, mà chính sách ‘nhất thể hóa’ là một dẫn chứng.

Người viết đồng ý Việt Nam là nhà nước Cộng sản do đảng lãnh đạo, tuy nhiên đảng cần tránh sự trịch thượng với cử tri, khi Tổng bí thư Đảng cộng sản tự cho mình cái quyền kiêm nhiệm luôn chức danh Chủ tịch nước, vốn thuộc thẩm quyền bầu chọn của các đại biểu được lá phiếu nhân dân tín nhiệm.

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 03/10/2018

Quay lại trang chủ
Read 780 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)