Sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời hôm 21/9, việc lựa chọn một người thay thế đã làm vấn đề nhất thể hóa, trong đó hợp nhất hai chức danh cao nhất của Đảng và Nhà nước, nóng trở lại.
Việc lựa chọn một người thay thế đã làm vấn đề nhất thể hóa, trong đó hợp nhất hai chức danh cao nhất của Đảng và Nhà nước, nóng trở lại.
Việc nhất thể hóa này sẽ khác ở Trung Quốc ?
Câu trả lời sẽ là không. Vì lý do cơ bản : Đó là xu hướng tất yếu tập trung quyền lực để khắc phục tình trạng Đảng cộng sản ngày càng tách xa nhà nước, chính phủ trong quá trình chuyển đổi từ kinh tế tập trung sang thị trường. Hy vọng về sự cam kết tiến tới 'mô hình cộng hoà bán tổng thống' không thể có được trong hệ thống chính trị hiện hành. Kinh nghiệm Trung Quốc trong bối cảnh quốc tế hiện nay cho thấy nhất thể hóa không thể ngăn được tình hình bất ổn thể chế độc đảng cộng sản lãnh đạo.
Người dân suy nghĩ đơn giản rằng họ đóng thuế để nuôi bộ máy lãnh đạo quá cồng kềnh, tham nhũng và 'hành là chính', như hiện nay, thì cần cắt giảm đi để họ bớt khổ, để có hy vọng cơ hội làm ăn. Sức nóng này khiến tạo nên các bình luận rằng đây là 'thời cơ' để gộp hai chức danh cao nhất, sau đó là đến các ban, bệ ở trung ương và bộ máy chính quyền địa phương.
Những đồn đoán, suy luận xoay quanh các nhân sự có khả năng thay thế. Nhưng rõ ràng có hai phương án : giữ nguyên 'tứ trụ' và gộp lại để còn 'tam trụ'. Người ta đưa ra các lập luận cho mỗi phương án và từng nhân sự tiềm năng, thậm chí 'úp mở' về nguồn tin.
Ngày 30/9 xuất hiện bài viết lan rộng trên mạng xã hội về nhất thể hoá, tuy còn 'úp mở' về nhân sự cụ thể, nhưng có vẻ việc nhập hai vị trí tổng bí thư đảng và chủ tịch nước được xác quyết. Bình luận về nguồn tin 'lề trái', không chính thức này được cho là 'có độ tin cậy', được 'bật đèn xanh', bởi vì trước đây, từ nguồn này đã có tin 'được kiểm chứng', cụ thể, tin gần đây nhất về tình hình sức khoẻ của cố chủ tịch Trần Đại Quang, khi ông đi điều trị bệnh tại Nhật Bản.
Hội nghị Trung ương 8 đang họp từ ngày 2 đến 6/10, hôm nay 3/10 'đã thống nhất 100% giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV (khai mạc ngày 21/10). Điều đó đã chấm dứt cho những bàn cãi phương án, nhưng nhất thể hóa vẫn tiếp tục sẽ là vấn đề nóng trong cải cách thể chế ở Việt Nam.
Theo lối tư duy văn hóa Á Đông 'thiên thời, địa lợi, nhân hoà' và sức ép từ nhu cầu cải cách thể chế đã khiến đưa nhận định hợp nhất hai chức danh là 'thời cơ'. Viễn cảnh được mô tả rằng 'nhất thể hóa tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam', VN sẽ tiến gần hơn tới một nền cộng hoà bán tổng thống', Chủ tịch 'là cái ghế mà chỉ ai thực sự là một chính trị gia hàng đầu mới nên ngồi vào', 'Thủ tướng chỉ nên là một nhà kỹ trị' và nếu có dấu hiệu phe nhóm thì 'phải đối diện với các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hay thậm chí bị bắt bớ'…
Nhớ lại, một số vấn đề phức tạp liên quan được bàn đến 'bên lề' các hội thảo về cải cách thể chế kinh tế, do Quốc hội chủ trì, vào những năm 2014-2015, nghĩa là trước thềm Đại hội Đảng khóa 12. Các tài liệu bây giờ được lưu trữ để tham khảo, nhưng sự kiện như vậy không có 'chỗ' để bàn thảo công khai về thể chế chính trị.
Các nhà quan sát chính trị cho rằng nhất thể hóa đã được nhắc đến từ nhiều năm trước, rằng các nước xã hội chủ nghĩa láng giềng như Trung Quốc và Lào đã thực hiện trong một, hai nhiệm kỳ đại hội đảng rồi. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa thể tiến hành do 'điều kiện đặc thù'. Một trong những lý do là nguy cơ 'độc tài' khi quyền lực tập trung cao độ vào một cá nhân.
Nay lại được Đảng đặt ra. Hơn 2 năm trước từng 'thí điểm' quy mô nhỏ ở Quảng Ninh. Tại Hội nghị 5 khóa 12 đặt vấn đề thí điểm mở rộng hơn.
Sự ra đi đang chức của cố Chủ tịch nước có thể thúc đẩy quá trình này nhanh hơn ở cấp Trung ương.
Câu hỏi lớn nhất cho nhất thể hóa là liệu 'quyền lực tuyệt đối' có 'dẫn đến tha hóa tuyệt đối', mà Lord Acton đã cảnh báo từ thế kỷ 19, và được phân tích nhiều, đặc biệt khi cạnh tranh gay gắt giữa hai mô hình thể chế : cộng sản và tư bản trong thế kỷ 20. Hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, nhưng còn đó mô hình Trung Quốc ở châu Á và sự thất bại của một số nước theo mô hình dân chủ phương Tây vẫn tạo nên chủ đề nóng.
Thiếu vắng nền tảng lý thuyết về mô hình chuyển đổi từ thể chế tập trung sang thị trường, cho nên Trung Quốc vẫn đang là kinh nghiệm đáng giá nhất cho Việt Nam, vì tính tương đồng của hai hệ thống chính trị. Yếu tố Trung Quốc trong đời sống chính trị Việt Nam luôn phức tạp và 'nhạy cảm', không chỉ về kinh tế, xã hội mà đặc biệt chính trị, khi 'tình hữu nghị giữa hai Đảng cộng sản và các nhà lãnh đạo' luôn được ca ngợi và đề cao.
Quá trình cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình đã đưa Trung Quốc lên vị trí kinh tế thứ 2 thế giới như ngày nay. Tuy nhiên, cải cách kinh tế càng sâu rộng sang thị trường thì Đảng cộng sản ngày càng 'tách xa' nhà nước, chính phủ. Điều này tạo nên những 'bất ổn', trước hết là trong kinh tế sau là xã hội. Đây là nguyên nhân quan trọng mang tính thể chế khiến Trung Quốc xuất hiện 'Hoàng đế đỏ', khi lãnh đạo Tập Cận Bình được quy hoạch đã 'chín muồi'.
Trong Đại hội 19 Đảng cộng sản Trung Quốc tháng 10/2017, Tổng bí thư Tập Cận Bình, không những chỉ kiêm Chủ tịch nước, mà còn tự phong là 'lãnh đạo hạt nhân', sánh với tư tưởng Mao Trạch Đông… Tất cả được củng cố trong sửa đổi điều lệ đảng và hiến pháp của Trung Quốc hiện hành.
Người ta nói rằng quyền lực cần tập trung để thực hiện 'Giấc mộng Trung hoa'. Theo các lộ trình qua các mốc thời gian năm 2025, 2035 và 2049… Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, trở thành cường quốc số 1, bành chướng để làm bá chủ thế giới với các chiến lược 'Một vành đai, một con đường', quân sự hóa biển Đông …
Mỹ và nhiều nước phương Tây không cho là như vậy. Cuộc chiến thương mại do Tổng thống D. Trump phát động để 'đòi lại sự công bằng trong buôn bán, đầu tư và sở hữu trí tuệ…' từ nhiều tháng nay và ngày càng căng thẳng. Trước hết, nó tác động đến kinh tế qua việc cả hai nước Mỹ và Trung Quốc tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu của nhau.
Trung Quốc đang trở nên bất lợi khi tăng trưởng kinh tế giảm sút do các vấn đề trong nước, như 'núi' nợ công cao, tham nhũng nặng nề, chênh lệch giàu nghèo, phân hóa xã hội, già hóa dân số, quá tải đô thị, ô nhiễm môi trường, vi phạm tự do tôn giáo và nhân quyền… Bởi vậy, những ảnh hưởng đến chính trị đang lớn dần.
Đằng sau sự đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới, về thực chất, là sự cạnh tranh thể chế giữa hai hệ thống chính trị, kiểu độc đảng cộng sản ở Trung Quốc và hệ thống dân chủ, kiểu phuơng Tây ở Mỹ. Ngoài chuẩn bị các biện pháp kinh tế, chính quyền Tổng thống D. Trump đang thúc đẩy theo hướng này.
Việt Nam có một nền kinh tế nhỏ, nhưng có 'độ mở cao' ra khu vực và thế giới, nên chắc chắn chịu ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại 'mở rộng' này.
Vì tương đồng về thể chế chính trị, cải cách mở cửa ở Việt Nam luôn 'nhìn' sang Trung Quốc để học tập, vì thế lộ trình và chính sách luôn chậm hơn nhiều năm. Một số chính sách tưởng như được 'rút kinh nghiệm', nhưng rốt cuộc không khác biệt là mấy khi đi thực thi trong thực tế.
Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam trước biến động phức tạp của thế giới có thể có những biến thể của nhất thể hóa dưới chế độ đảng toàn trị, tuy nhiên bản chất của nó sẽ không thay đổi.
Phạm Quý Thọ
Nguồn : BBC, 05/10/2018
Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ gửi cho BBC tiếng Việt từ Học viện Chính sách và Phát triển, Hà Nội.