Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

30/09/2018

Vụ Trịnh Xuân Thanh là một "điềm báo" rất xấu cho Việt Nam !

Việt Hoàng

Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Việt Nam-Đức và Việt Nam-Slovakia liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức ngành dầu khí vẫn đang tiếp diễn.

slovak1

Bộ trưởng ngoại giao Slovakia Miroslav Lajcak và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh có cuộc gặp bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 73 ở New York ngày 237/09/2018.

Hôm 27/9/2018, trong cuộc họp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Miroslav Lajcak và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 73 ở New York thì phía Slovakia đã "mạnh mẽ lên án" hành động bắt cóc này và nói rằng đây là hành động "vi phạm nền tảng luật pháp quốc tế và lạm dụng trắng trợn hệ thống khối Schengen, gây tác động tiêu cực lên quan hệ Việt Nam-Slovakia" (1).

Trong buổi kỷ niệm quốc khánh Việt Nam tại Đức (hôm 18/9/2018) thì phía Đức chỉ cử một quan chức cấp thấp là bà Ina Lepel, Vụ trưởng châu Á-Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Đức đến dự và câu kết thúc bài phát biểu, đại diện phía Đức đã nhấn mạnh : "Tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ mang lại nhiều cơ hội để cho nhân dân hai nước gặp gỡ và để cho quan hệ song phương được phục hồi và phát triển nhanh chóng". Bà cũng đã từ chối bắt tay đại sứ Đoàn Xuân Hưng (2).

Rất nhiều bình luận và chỉ trích hành động bắt cóc Trịnh Xuân Thanh của chính quyền Việt Nam làm ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa Việt Nam và Châu Âu đã được đưa ra suốt 9 tháng qua. Thật ra thì nhiều người đã không còn lạ gì bản chất khủng bố, làm bậy, làm càn bất chấp luật pháp quốc tế của chính quyền cộng sản. Trong đó đáng nói nhất là hành động tước bỏ quyền làm người của hơn 90 triệu người dân Việt Nam.

Bản chất của chính quyền Việt Nam xưa này vẫn thế và không hề thay đổi. Câu hỏi đặt ra là tại sao lần này Châu Âu mà cụ thể là Đức và Slovakia lại làm lớn chuyện vụ Trịnh Xuân Thanh ? Các vụ scandal liên quan đến ngành ngoại giao của Việt Nam vẫn xảy ra thường xuyên từ trước đến nay nhưng có sao đâu ? Ví dụ việc nhân viên đại sứ quán Việt Nam buôn lậu sừng tê giác ở Nam Phi, ô tô ở Ấn Độ hay vi cá mập ở Chi-lê ?…

Có ba lý do khiến Mỹ và các nước dân chủ luôn đối xử mềm mỏng, nếu không muốn nói là nhân nhượng rất nhiều cho chính quyền Việt Nam thời gian qua :

- Mỹ luôn muốn cô lập Trung Quốc vì vậy không thể mạnh tay trừng phạt Việt Nam vì không muốn Việt Nam ngả hẳn vào vòng tay của Trung Quốc. Họ thừa biết Việt Nam "đu dây" nhưng họ vẫn mặc kệ và chấp nhận điều đó.

- Bài học can thiệp quân sự của Mỹ vào Việt Nam vẫn còn đó với sự ‘thất bại’ của Mỹ, dù đã rất tốn kém về người lẫn tiền của. Từ sau 1975, Mỹ (và phương Tây) thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận với Việt Nam. Họ sẽ không bao giờ can thiệp quân sự nữa.

- Sau khi khối xã hội chủ nghĩa tại Nga và Đông Âu sụp đổ thì Mỹ không còn ‘quan tâm’ đến Việt Nam. Họ sẵn sàng đối đầu với Nga và Trung Quốc chứ không đối đầu với một nước nhỏ và trọng lượng không đáng kể như Việt Nam. Trước đây Mỹ can thiệp vào Việt Nam là muốn chặt đứt một mắt xích trong khối cộng sản, nay họ không còn nhu cầu đó.

Như chúng tôi đã phân tích trong các bài viết trước. Sau khi khối xã hội chủ nghĩa sụp đổ tại Nga và Đông Âu thì Mỹ và các nước dân chủ cho rằng chủ nghĩa cộng sản đã kết thúc, phe dân chủ đã toàn thắng. Vấn đề đối đầu giữa hai khối tự do dân chủ và độc tài cộng sản không cần đặt ra nữa, từ nay chỉ lo tập trung làm kinh tế. Tuy nhiên sau 40 năm hợp tác và chung sống với các nước độc tài thì Mỹ và các nước dân chủ đã nhận ra rằng thay vì mang lại sự cởi mở về dân chủ cho các nước độc tài trong quá trình phát triển kinh tế thì kết quả hoàn toàn ngược lại. Trung Quốc, Nga, Việt Nam… càng phát triển và có tiền thì họ càng đàn áp dân chúng mạnh hơn và càng ngày càng lộng hành, và "đe dọa" Mỹ và khối dân chủ.

Tất nhiên là sẽ như thế vì ý thức hệ cộng sản (độc tài) và dân chủ (tự do) như nước với lửa, chúng không thể nào chung sống với nhau. Thời gian "sống thử" giữa độc tài và dân chủ đã kết thúc.

Cuộc li dị lần này sẽ rất dứt khoát và không thể đảo ngược. Bắt đầu từ sự kiện Putin dùng vũ lực cưỡng chiếm bán đảo Crimea và hai tỉnh vùng Donbass của Ukraine. Mỹ và Châu Âu giật mình choàng tỉnh và đồng thuận lấy quyết định áp đặt cấm vận Nga từ đấy đến giờ. Quan hệ giữa Châu Âu và Nga không thể hàn gắn dù Putin đã dịu giọng đi rất nhiều. Trong vụ đầu độc một cựu sĩ quan Nga ở Anh, Mỹ và khối dân chủ đã trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga trên toàn thế giới, trước đó Obama cũng đã trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa hai cơ sở ngoại giao của Nga ở Mỹ… đây là những hành động chưa từng xảy ra suốt bốn thập niên qua, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Sự "trỗi dậy không hòa bình" của Trung Quốc với việc chiếm đóng và quân sự hóa Biển Đông, vung tiền cho dự án khổng lồ "một vành đai, một con đường" để gây ảnh hưởng trên phạm vi toàn thế giới và cuối cùng là tham vọng không cần che giấu là sẽ thay thế Mỹ để trở thành siêu cường vào năm 2025… đã làm giọt nước tràn ly. Hiệp ước đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) ra đời là vì thế. Sự ngập ngừng và chậm chạp trong việc triển khai hiệp ước này của Obama đã được tiếp tục bằng các biện pháp dứt khoát và vỗ mặt của tổng thống dân túy Donald Trump. Trump đã vứt bỏ mọi nghi thức ngoại giao và phong cách cổ điển của các chính trị gia truyền thống để "đánh" trực diện Trung Quốc bằng việc áp thuế lên hàng hóa của Trung Quốc vào thị trường Mỹ.

Việc Trump "đánh" Trung Quốc là do trào lưu chống lại "sự bành trướng" của các nước độc tài mà Nga và Trung Quốc là đại diện đã đến lúc chín mùi chứ không phải vì Trump ghét Trung Quốc và Nga. Đừng quên là Trump đã tìm mọi cách xích lại gần với Putin nhưng đã bị quốc hội và tư pháp Mỹ ngăn cản và chống đối quyết liệt.

Trong bài phát biểu mới đây trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Trump đã công khai lên án các nước cộng sản và phe xã hội chủ nghĩa còn sót lại đồng thời kêu gọi "tất cả các quốc gia trên thế giới cần chống lại chủ nghĩa xã hội và sự bần cùng mà nó mang lại cho tất cả mọi người". Đây là lập trường chung của chính quyền Mỹ và các nước dân chủ mà Trump chỉ là người đại diện và phát ngôn.

Đường lối chung này đang được Châu Âu áp dụng với Việt Nam. Việt Nam là một nước độc tài nên cũng sẽ bị khối dân chủ "tấn công" mà cuộc khủng hoảng ngoại giao liên quan vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là "phát súng" mở màn. Đức đã chọn đúng thời điểm để biến một chuyện "nhỏ như con thỏ" thành một con voi. Chính quyền Việt Nam bị động hoàn toàn và không thể làm gì được trong vụ này. Nếu Việt Nam thừa nhận là đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và sẽ trả Thanh về Đức thì bộ mặt khủng bố của chính quyền cộng sản sẽ được cả thế giới và nhân dân Việt Nam biết đến và lên án. Khi đó quan hệ giữa Việt Nam và Châu Âu có thể càng khó khăn hơn.

Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục im lặng và lảng tránh thì Đức và Slovakia sẽ tiếp tục gây sức ép lên Việt Nam. Ông Bộ trưởng ngoại giao Slovakia đã tăng nhiệt khi đưa ra câu hỏi là nếu Việt Nam không đưa Trịnh Xuân Thanh về nước bằng máy bay mượn của Slovakia thì Thanh về Việt Nam bằng cách nào ? Ông công khai đe dọa : "Chúng tôi đang và đã sẵn sàng thực hiện các bước hạn chế theo quy định của Liên Hiệp Châu Âu". Như vậy đây không chỉ là quan hệ giữa Việt Nam và Slovakia mà là giữa Việt Nam với Liên Hiệp Châu Âu (EU). Đức đã chuyền bóng để Slovakia đá phạt 11m. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU có lẽ chỉ là một giấc mơ xa ngoài tầm tay và mọi việc không dừng ở đó. Hàng hóa của Việt Nam nhập vào EU sẽ gặp rất nhiều rào cản mà thủy hải sản là một ví dụ nhãn tiền sau khi bị "thẻ vàng" về nguồn gốc đánh bắt được cho là bất hợp pháp.

Thời gian ân hạn cho các chế độ độc tài đã kết thúc. Venezuela vừa bị 6 nước hàng xóm (Châu Mỹ) đệ đơn lên Tòa án Hình sự Quốc tế của Liên Hợp Quốc yêu cầu điều tra chính quyền Maduro về tội ác chống lại nhân loại. Bắc Triều Tiên sau khi bị Trung Quốc bỏ rơi đã nhanh tay bám lấy người anh em Hàn Quốc, hứa hẹn đủ điều để mong thoát nạn không bị thế giới trừng phạt…

Làn sóng dân chủ thứ ba bị khựng lại sau khi Liên Xô và khối Đông Âu sụp đổ đã chuyển mình thành làn sóng dân chủ thứ tư. Làn sóng này đang dần tích tụ thành một cơn cuồng phong và sẽ quét đi các nước độc tài còn sót lại trên thế giới dù đó là Trung Quốc, Nga hay Việt Nam.

"Làn sóng dân chủ thứ tư, bắt đầu từ năm 2010, nhắm vào các chế độ độc tài mở cửa về mặt kinh tế. Các chế độ này không thể tồn tại lâu hơn ; chúng không dựa trên một tư tưởng chính trị nào cả, ngay cả nếu đôi khi những khẩu hiệu nhàm chán, như "xây dựng chủ nghĩa xã hội", được nhắc lại một cách gượng gạo. Chúng thuần túy là những chế độ cướp bóc không nhân danh một lý tưởng nào hay một dự án chính trị nào. Chúng không có ngay cả một ảo tưởng. Chúng hoàn toàn dựa trên đàn áp để tồn tại. Tất cả đều là những chính quyền què quặt. Trong hai vế cần thiết của quyền lực chính trị, sự chính đáng và bạo lực, chúng chỉ có bạo lực và vì thế phải tận dụng bạo lực".

"Làn sóng dân chủ mới này cũng đang xô đẩy chế độ dân chủ giả dối tại Nga và hai chế độ cộng sản còn lại tại Việt Nam và Trung Quốc, nơi mà hai đảng cộng sản đã biến thành hai giai cấp bóc lột sống tách biệt với quần chúng phẫn nộ. Ngoài ra các chính quyền Trung Quốc và Việt Nam sẽ còn gặp bối rối lớn vì chính sách kinh tế dựa trên xuất khẩu không còn phù hợp với trật tự kinh tế hậu khủng hoảng".

"Cùng với làn sóng dân chủ này thế giới đang hoàn tất một cuộc chuyển hóa trọng đại để bước vào một kỷ nguyên mới. Đó là kỷ nguyên đặt nền tảng trên những giá trị đã tạo ra sức mạnh của các nước tiên tiến : hòa bình, tự do, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng, nhà nước pháp trị, đối thoại, hợp tác, lợi nhuận, môi trường và liên đới. Những thành tựu văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật và kinh tế quyết định chỗ đứng và sự vinh nhục của các dân tộc, với điều kiện có thể chế dân chủ ổn vững và lành mạnh để tiếp tục tồn tại. Giáo dục và đào tạo sẽ là cuộc thế chiến mới và là mặt trận sống còn của mọi dân tộc".

(Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai)

Dự án Chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nhận định rằng các chế độ độc tài đang phải sống những ngày tháng cuối một cách khó khăn và sẽ sớm bị đào thải.

Người Việt Nam phải làm gì để đón nhận cơ hội dân chủ hóa đất nước ?

Chỉ có một con đường duy nhất là tham gia và ủng hộ cho một tổ chức chính trị dân chủ đối lập đứng đắn với một giải pháp thay thế thích hợp cho đất nước và phù hợp dòng chảy lịch sử thì người Việt chúng ta mới có thể thay đổi được số phận của dân tộc mình.

Hãy lạc quan vì :

"Lý do quan trọng nhất để chúng ta vững lòng tin là hầu như tất cả mọi vấn đề, kể cả những vấn đề nghiêm trọng nhất, đều là những vấn đề đáng lẽ không có. Chúng đều do chế độ cộng sản mà có và vì thế cũng sẽ có giải pháp nhanh chóng một khi chế độ cộng sản đã chấm dứt".

(Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai)

Việt Hoàng

(30/09/2018)

(1) https://thongluan2016.blogspot.com/2018/09/slovakia-canh-cao-viet-nam-ve-hau-qua.html

(2) https://thoibao.de/buc-anh-hay-nhat-nam-2018-ve-moi-quan-giua-hai-nuoc-duc-viet

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 2521 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)