Các quan chức an ninh Đức nói với Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang rằng những vụ việc như vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh "không được tái diễn".
Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Đức Hans-Georg Engelke và Bộ trưởng Công an Việt Nam Lương Tam Quang
Theo thông báo của Bộ Công an Việt Nam, Bộ trưởng Công an, Đại tướng Lương Tam Quang đã có chuyến công tác tại Đức từ ngày 26-29/10/2024 và có cuộc gặp với lãnh đạo Bộ Nội vụ Đức (Bộ Nội vụ và Cộng đồng).
Đại diện Bộ Nội vụ Đức nói với BBC News tiếng Việt rằng vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh vào năm 2017 và các vấn đề nhân quyền đã được nêu lên trong cuộc họp kéo dài một tiếng giữa hai bên.
Điểm đáng chú ý
Một điểm đáng chú ý là chuyến đi Đức của Đại tướng Lương Tam Quang diễn ra từ 26-29/10 nhưng tận 29/10 - ngày cuối cùng của chuyến công tác - Bộ Công an mới thông báo và báo chí đồng loạt đưa tin với cùng một nội dung.
Cụ thể, Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an viết rằng ông Lương Tam Quang đã có "các cuộc hội đàm" với Bộ Nội vụ và Cơ quan tình báo Đức.
Hình ảnh do Bộ Công an Việt Nam đăng tải cho thấy Đại tướng Lương Tam Quang đã có cuộc gặp với Giám đốc Cơ quan tình báo Liên bang Đức Bruno Kahl và Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Hans-Georg Engelke.
Ông Lương Tam Quang với tư cách là bộ trưởng Công an Việt Nam sang thăm Đức theo lời mời của các cơ quan thực thi pháp luật Đức và người đứng ra tiếp đón ông không phải là Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser mà là cấp dưới của bà - ông Hans-Georg Engelke.
Bộ Nội vụ Đức do bà Nancy Faeser đứng đầu có tới bốn quốc vụ khanh. Theo trang web của bộ này, ông Hans-Georg Engelke là người phụ trách các lĩnh vực bao gồm : an ninh, cảnh sát liên bang, an ninh mạng và thông tin, vấn đề ngoại giao quốc tế và Châu Âu.
Chức vụ của ông Engelke có thể được xem tương đương với thứ trưởng. Như vậy có thể thấy ông Lương Tam Quang với cấp bậc là bộ trưởng, ủy viên Bộ Chính trị nhưng người đứng ra tiếp ông tại Đức lại là một trong bốn thứ trưởng của Bộ Nội vụ. Điều này cho thấy có sự chênh lệch về cấp bậc giữa hai bên.
Một điều khá trùng hợp là Bộ trưởng Lương Tam Quang được thăng hàm đại tướng vào ngày 20/10, chỉ hai ngày trước thềm chuyến công tác liên tục đến Tây Ban Nha và Đức từ 22-29/10.
Hồi tháng 8, hai ngày trước khi lên đường cùng Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc, ông Quang cũng đã được bầu vào Bộ Chính trị.
Có thể thấy, ngay trước hai chuyến công tác nước ngoài, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang đã được thăng cấp bậc, chức vụ.
Bộ trưởng Công an Việt Nam Lương Tam Quang và Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Đức Hans-Georg Engenke
Việt Nam nói có, Đức nói không
Một điểm đáng chú ý là thông báo của Bộ Công an Việt Nam và thông tin của Bộ Nội vụ Đức về nội dung cuộc gặp giữa hai bên có những điểm bất đồng.
Bộ Công an Việt Nam viết rằng trong "các cuộc hội đàm" của Đại tướng Lương Tam Quang tại Đức, hai bên đã "nhất trí thúc đẩy ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự, Hiệp định dẫn độ tội phạm và Hiệp định Chuyển giao người bị kết án phạt tù".
Như vậy, có thể hiểu là Việt Nam và Đức đã đồng thuận thúc đẩy việc ký kết ba hiệp định, gồm :
- Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự
- Hiệp định dẫn độ tội phạm
- Hiệp định Chuyển giao người bị kết án phạt tù
Đây đều là những hiệp định cực kỳ quan trọng với Việt Nam và Hà Nội đã nhiều lần hối thúc Berlin ký kết.
Vào 2017, sau khi ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, báo chí Việt Nam đã dẫn lời đại diện Bộ công an nói rằng việc dẫn độ ông Thanh sẽ gặp khó khăn, phức tạp nếu ông này bỏ trốn sang Đức do hai nước chưa ký Hiệp định tương trợ tư pháp, Hiệp định dẫn độ tội phạm.
Hơn nữa, sau khi xảy ra vụ Trịnh Xuân Thanh vào năm 2017 dẫn tới khủng hoảng pháp lý và ngoại giao giữa Đức và Việt Nam thì việc "nhất trí thúc đẩy ký kết hiệp định", như mô tả của Bộ Công an Việt Nam, là dấu hiệu cho thấy quan hệ đã bình thường và nồng ấm trở lại.
Đặc biệt, sau vụ ông Trịnh Xuân Thanh thì hiện còn có một nhân vật khác đang bị Việt Nam truy nã là doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu chủ tịch Công ty AIC. Bà Nhàn được cho là đã bỏ trốn sang Đức.
Bà Nhàn bị truy tố trong 5 vụ án hình sự khác nhau và đã có ba vụ được tuyên án, một vụ đang xét xử. Ở ba vụ trước, bà bị xử vắng mặt và lãnh các mức án gồm 30 năm tù, 24 năm tù và 10 năm tù.
Như vậy, nếu Việt Nam và Đức tiến hành ký kết những hiệp định về tư pháp và đẫn độ nói trên thì sẽ mở đường cho Việt Nam thực hiện truy bắt tội phạm, những người đã bị kết án mà đang lẩn trốn ở Đức một cách dễ dàng hơn nhờ vào sự hỗ trợ của Đức.
Do đó, việc đưa bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn về chịu án có thể sẽ dễ dàng và công khai hơn vụ ông Trịnh Xuân Thanh năm 2017.
Đoàn đại biểu Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Đức
Tuy nhiên, phía Bộ Nội vụ Đức đã chia sẻ những thông tin khác với những gì Bộ Công an Việt Nam công bố như được nêu ở trên.
Người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức xác nhận với BBC News tiếng Việt qua email rằng Bộ trưởng Công an Việt Nam Lương Tam Quang và Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Đức Hans-Georg Engelke đã có cuộc họp kéo dài một tiếng đồng hồ vào ngày 28/10 tại trụ sở Bộ Nội vụ, tên chính thức là Bộ Nội vụ và Cộng đồng.
"Cuộc đối thoại giữa họ tập trung vào các vấn đề hợp tác song phương và quốc tế, đặc biệt là về an ninh và thực thi pháp luật, chẳng hạn công tác chống buôn người và ma túy.
"Trong bối cảnh đó, vấn đề tình hình nhân quyền Việt Nam cũng được đề cập".
Khi được hỏi về việc liệu có hay không chuyện Việt Nam và Đức "nhất trí thúc đẩy Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự, Hiệp định dẫn độ tội phạm và Hiệp định Chuyển giao người bị kết án phạt tù" như thông báo của phía Bộ Công an Việt Nam, người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức đã trả lời như sau :
"Việc dẫn độ những cá nhân cụ thể và việc ký kết các thỏa thuận cho phép thực hiện điều đó đã không được bàn tới. Việc trục xuất các cá nhân cụ thể và các thỏa thuận liên quan nằm trong thẩm quyền của Bộ Tư pháp".
Như vậy, theo Bộ Nội vụ Đức, vấn đề ký kết này đã không được bàn tới trong cuộc gặp giữa hai bên, trái ngược với những gì Bộ Công an tuyên bố là hai bên "nhất trí thúc đẩy ký kết".
Thêm nữa, các quyết định liên quan tới những thỏa thuận này lại thuộc thẩm quyền Bộ Tư pháp Đức, chứ không phải Bộ Nội vụ hay cơ quan tình báo.
Số phận bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Đức là nơi ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức Việt Nam đã chạy sang để lánh nạn vào năm 2016 sau khi bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Sau thời gian lẩn trốn, vào năm 2017, ông Thanh đã bất ngờ xuất hiện tại Việt Nam. Chính quyền Việt Nam nói ông Thanh đã tự nguyện về đầu thú, trong khi phía Đức nói ông bị bắt cóc về với sự tham gia của lực lượng an ninh Việt Nam.
Trả lời BBC vào tháng 11/2024, người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức cho biết vụ Trịnh Xuân Thanh đã được đề cập trong cuộc gặp với Đại tướng Lương Tam Quang :
"Cụ thể, một điều đã được nêu rõ là những vụ bắt cóc như vậy không được phép tái diễn".
Như vậy, sau hơn 7 năm, phía Đức vẫn tiếp tục đưa ra thông điệp rõ ràng, thẳng thắn về cách hành xử của Việt Nam trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
Sau khi xảy ra vụ bắt cóc vào năm 2017, chính phủ Đức đã trục xuất hai nhà ngoại giao Việt Nam và nói đây là hệ quả của vụ Trịnh Xuân Thanh.
Đức cũng lên án hành vi "bắt cóc trắng trợn" của an ninh Việt Nam và nói rằng đây là điều "không thể chấp nhận được".
Bộ Ngoại giao Đức lúc bấy giờ cho biết đã thông báo với đại sứ Việt Nam tại Berlin rằng mối quan hệ chiến lược giữa hai nước tạm thời bị đình chỉ. Sau khi ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên Đài truyền hình quốc gia VTV và thú tội, phía Đức đã yêu cầu Việt Nam trao trả ông Thanh.
Vào tháng 8/2017, cựu Phó Vụ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Xương Hùng đã nói với BBC rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam mà đứng đầu là Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã phải đi giải quyết hậu quả mà Bộ Công an gây ra.
Đây được xem là vụ bê bối ngoại giao nghiêm trọng nhất của chính quyền Việt Nam trong những năm gần đây.
Việc Bộ Nội vụ Đức nhắc lại vụ Trịnh Xuân Thanh với Bộ trưởng Lương Tam Quang và nhấn mạnh "không được phép tái diễn" cho thấy với Đức, đây vẫn là khúc mắc và nước này sẽ không dung thứ cho hành động tương tự.
Chuyến công tác của ông Lương Tam Quang diễn ra trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về khả năng bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), người đang trốn lệnh truy nã, sẽ sớm bị bắt vì Việt Nam liên tục thể hiện quyết tâm truy bắt bà Nhàn.
Tuy nhiên, đài Deutsche Welle (DW) của Đức trong một bài báo hồi tháng 10/2023 đã viết như sau :
"Dù quan hệ Việt Nam và Đức đã được cải thiện, nhưng vào tháng 8/2023, chính phủ Đức đã cảnh báo rằng Hà Nội sẽ chịu 'những hậu quả ngoại giao nghiêm trọng' nếu cố gắng bắt cóc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, một người Việt Nam đã chạy trốn sang Đức để thoát khỏi sự truy bắt của cơ quan chức năng Việt Nam".
Như vậy, sau những gì xảy ra từ vụ Trịnh Xuân Thanh, cũng như lập trường mà Bộ Nội vụ Đức nhấn mạnh, có thể loại trừ khả năng phía Việt Nam tiến hành một vụ bắt cóc đối với bà Nhàn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người được cho là đang trốn ở Đức, đang đối mặt với 5 bản án và án nào cũng lớn nên vai trò của bà rất quan trọng để giải quyết vụ án, nhất là qua lời khai của các bị cáo tại tòa cho thấy bà Nhàn là người có mối quan hệ thân thiết với một số lãnh đạo cấp tỉnh và trung ương.
Khi Bộ Công an ra thông báo Việt Nam và Đức nhất trí thúc đẩy ký kết các hiệp ước về hỗ trợ tư pháp, hiệp ước dẫn độ, hiệp ước chuyển giao người bị kết án tù thì đã có những suy đoán rằng bà Nhàn sẽ sớm được đưa về Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Đức đã phủ nhận việc bàn bạc các hiệp định này và cũng nói rõ "việc dẫn độ những cá nhân cụ thể không được bàn tới", nghĩa là câu chuyện dẫn độ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng đã không được nói đến.
Quan trọng hơn, theo Bộ Nội vụ Đức thì việc dẫn độ này và các thỏa thuận liên quan là thuộc thẩm quyền Bộ Tư pháp mà trong chuyến thăm này, Bộ Công an Việt Nam không cho biết ông Quang đã họp với bên Bộ Tư pháp Đức.
Do đó, khả năng Việt Nam sắp đạt được thỏa thuận dẫn độ với Đức là không có, trừ khi có các diễn biến mới trong thời gian tới.
Vụ Trịnh Xuân Thanh
Ông Trịnh Xuân Thanh là một cựu quan chức lãnh đạo của Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam).
Sau khi rời doanh nghiệp nhà nước, ông đã trở thành phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang và là đại biểu Quốc hội khóa 14 cho tới khi bị truy tố.
Tháng 6/2016, báo chí đồng loạt đưa tin việc ông Trịnh Xuân Thanh, khi đó là phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, sử dụng xe cá nhân Lexus có gắn biển xanh.
Vụ bê bối này được coi là "mồi lửa" và nhanh chóng bùng lên thành "đám cháy" khiến ông Thanh thành "củi tươi" trong công cuộc đốt lò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Trọng đã chỉ đạo các cơ quan kiểm tra xem xét vụ chiếc xe Lexus biển xanh của ông Thanh, đồng thời truy xét vấn đề thua lỗ ở Tổng công ty PVC, nơi ông Thanh từng giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ năm 2007 đến năm 2013 và lý do vì sao ông Thanh vẫn tiếp tục được bổ nhiệm làm phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang dù thua lỗ.
Tới giữa tháng 7/2016, ông Thanh bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội và sau đó, ông Trọng tiếp tục giao Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương điều tra việc để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013) ở PVC.
Tháng 9/2016, ông Thanh bị khai trừ đảng và sau đó bị Bộ Công an khởi tố tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165 Bộ luật Hình sự. Trước khi bị khai trừ, ông Thanh đã gửi đơn xin ra khỏi đảng.
Khoảng nửa cuối năm 2016, ông Trịnh Xuân Thanh được cho là đã bỏ trốn sang Đức để xin tị nạn. Sau đó, Bộ Công an Việt Nam đã phát lệnh truy nã quốc tế.
Đến ngày 3/8/2017, Đài truyền hình quốc gia VTV phát hình ảnh ông Thanh đang ở Việt Nam và nhận tội.
Lúc bấy giờ, nhà chức trách Đức khẳng định rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã bị một số người có vũ khí bắt cóc tại Berlin vào ngày 23/7/2017.
Ông Thanh được cho là đã bị lôi lên xe hơi rồi đưa tới Bratislava, thủ đô Slovakia vào thời điểm Bộ trưởng Công an Tô Lâm đang ở thăm Slovakia.
Tại đây, giới chức Đức nghi ngờ rằng ông đã bị đưa lên một chiếc máy bay mà chính phủ Slovakia cho phái đoàn quan chức cấp cao của Việt Nam mượn và được đưa về Việt Nam qua ngả Moscow.
Trong khi đó, Hà Nội khẳng định ông Thanh tự nguyện trở về để đầu thú nhưng không nói rõ ông Thanh về nước bằng cách nào. Ông Thanh sau đó đã bị tòa án ở Việt Nam đưa ra xét xử và lãnh hai án tù chung thân.
Ông Robert Kalinak, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia thời điểm đó, đã phủ nhận các cáo buộc từ truyền thông Đức rằng nước này có một vai trò nhất định trong vụ bắt cóc ông Thanh.
Nhưng tới tháng 4/2018, Bộ Nội vụ Slovakia lại thừa nhận việc đã cho phái đoàn quan chức cấp cao của Bộ Công an Việt Nam, gồm có ông Tô Lâm, mượn máy bay chính phủ "để đưa họ từ Prague tới Bratislava và sau đó tới Moscow".
Bộ Nội vụ Slovakia nêu quan ngại rằng chuyến thăm của Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm năm 2017 có thể đã bị "lợi dụng" cho những mục đích vượt ra ngoài phạm vi hợp tác và hữu nghị song phương.
Bộ Ngoại giao Đức cáo buộc Việt Nam vi phạm luật của Đức và luật quốc tế khi cho người bắt cóc ông Thanh, một người đã xin tị nạn tại Đức và đang được xem xét hồ sơ. Phía Đức gọi đây là vụ bắt cóc "kiểu Chiến tranh Lạnh".
Bộ Ngoại giao Đức đã triệu tập đại sứ Việt Nam tại Đức vào ngày 1/8/2017 và tuyên bố tùy viên tình báo của tòa đại sứ là "persona non grata" (tức người không được hoan nghênh) và tuyên bố người này phải rời khỏi Đức trong vòng 48 tiếng. Nhân vật này được xác định là ông Nguyễn Đức Thoa.
Tháng 4/2018, tòa án tại Đức đã mở phiên xét xử nghi phạm đầu tiên trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh - ông Long N. H. Ông này sau đó bị kết án 3 năm 10 tháng tù.
Đã có nhiều người Việt bị nêu tên trong buổi xét xử. BBC được biết có ba người trong số này được xác định là thuộc cơ quan an ninh Việt Nam, gồm Trung tướng Đường Minh Hưng cùng các ông Le Anh Tu và Vu Quang Dung. Một số người làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin và ông Nguyễn Đức Thoa cũng bị nêu tên.
Nguồn : BBC, 09/11/2024
Báo cáo về tình hình dân chủ toàn cầu tiếp tục nêu Việt Nam trong nhóm toàn trị không có dấu hiệu thay đổi
RFA, 02/12/2022
Việt Nam cùng Lào và Campuchia vẫn là các nước độc tài toàn trị không có những dấu hiệu rõ ràng về thay đổi. Dù Việt Nam, giống Trung Quốc và Singapore đạt được thành quả kinh tế và được công khai thừa nhận, nhưng không trao quyền cho người dân.
Buổi công bố báo cáo về tình hình dân chủ toàn cầu năm 2022 - IIDEA
Đó là nhận định được đưa ra trong báo cáo về tình hình dân chủ toàn cầu năm 2022 (The Global State of Democracy 2022) được công bố ngày 2/12. Báo cáo do Viện Quốc tế về Dân chủ và Hỗ trợ Bầu cử (IIDEA) trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển thực hiện.
Cũng theo báo cáo này, Việt Nam thuộc nhóm các nước đưa ra những luật mới nhằm hạn chế quyền tự do biểu đạt của người dân trên mạng. Cụ thể Hà Nội đã cho thực hiện Luật An Ninh Mạng.
Báo cáo năm nay của IIDEA là ấn bản lần thứ tư và được đưa ra vào lúc nền dân chủ trên toàn thế giới bị tấn công theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Thăm dò của IIDEA cho thấy hiện niềm tin của công chúng vào các giá trị dân chủ đang suy giảm. Tại nhiều nơi trên thế giới, người ta phải đấu tranh giành lại dân chủ bằng những cách khó khăn nhất. Hiện có những người phải đối mặt với những nguy cơ lớn lao để đòi hỏi các quyền và tự do dân chủ.
************************
Vụ Trịnh Xuân Thanh bị Slovakia mở lại sau phiên tòa mới ở Đức
RFA, 02/12/2022
Cơ quan Hình sự Quốc gia Slovakia mở lại hồ sơ điều tra tham nhũng có dính líu đến vụ một người Việt được cho bị bắt cóc hồi năm 2017. Công tác này được tiến hành sau khi phiên xử nghi can thứ hai trong vụ bắt cóc cựu quan chức dầu khí Việt Nam Trịnh Xuân Thanh đang diễn ra tại Đức. Mạng báo Euractiv.sk loan tin ngày 1/12.
Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo khác nghe bản án trong phiên tòa xét xử tại Tòa án Nhân dân Hà Nội vào ngày 22 tháng 1 năm 2018. AFP
Trong vụ việc liên quan, phía Slovakia, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ lúc bấy giờ Robert Kalinak, bị nghi ngờ dù biết rõ nội tình mà vẫn đồng ý cho phía Việt Nam mượn máy bay ; rồi còn yêu cầu Ba Lan cho bay qua không phận nước này với lý do công vụ dù ông bộ trưởng Robert Kalinak không có mặt trên đó.
Hồi ngày 23/8/2018, Mạng báo Dennik N loan tin dẫn trả lời của Phát ngôn viên tòa thượng thẩm Đức, bà Lisa Jani khẳng định Bộ Nội vụ Slovakia đã cung cấp cho phái đoàn Việt Nam một chiếc máy bay đến Moscow và chiếc máy bay đó có chở ông Trịnh Xuân Thanh. Nhưng cũng theo tòa án Đức, có thể chính phủ Slovakia đã không biết mục đích thực sự của chuyến bay là để phục vụ cho một vụ bắt cóc.
Bộ Nội vụ Slovakia đã bác bỏ thông tin ngỏ ý cung cấp cho Việt Nam một chiếc máy bay đến Hà Nội, trong khi cựu bộ trưởng Nội vụ Slovakia ông Robert Kalinak, người được nói có dính líu đến vụ việc, đã từ chối trả lời về thông tin này.
Slovakia đã mở cuộc điều tra về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ ngày 3/8/2018.
Ông Trịnh Xuân Thanh từng là một quan chức dầu khí của Việt Nam, bị cáo buộc tham nhũng và chạy sang Đức xin quy chế tị nạn nhưng được nói đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ngay tại Berlin. Sau đó ông Thanh bị đưa về thành phố Brno của Séc, rồi tiếp tục được đưa đến Bratislava, thủ đô của Slovakia trên một chiếc xe do mật vụ Việt Nam thuê. Sau đó các nguồn tin nói rằng Việt Nam tiếp tục mượn máy bay của Slovakia để chở ông Thanh sang Moscow, trước khi đưa về Hà Nội.
Vụ Trịnh Xuân Thanh gây nên cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Berlin và Hà Nội. Đức ngưng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam cũng như ngưng miễn visa cho quan chức mang hộ chiếu ngoại giao của Việt Nam.
Diễn biến mới nhất liên quan vụ này là vào ngày 2/11/2022 Tòa Thượng thẩm Berlin bắt đầu xét xử nghi phạm thứ hai. Người này bị cho đã hỗ trợ và tiếp tay cho việc tước đoạt quyền tự do và hoạt động như một mật vụ.
Bị cáo là ông Lê Anh Tú, 32 tuổi, Ông sinh sống tại thủ đô Prague, Cộng Hòa Séc vào thời điểm gây án hồi năm 2017.
Sở dĩ ông Tú bị bắt và xét xử sau khi vụ án xảy ra đã năm năm là vì ông này đã về Việt Nam lẩn trốn ngay sau khi vụ án xảy ra. Khi vừa quay trở lại Prague vào tháng sáu năm nay, ông Tú ngay lập tức bị bắt và dẫn độ sang Đức.
************************
Thanh niên tham gia phản đối dự luật Đặc khu bị từ chối khóa học đào tạo sĩ quan hàng hải
RFA, 02/12/2022
Học viên Đặng Ngọc Thanh, người từng tham gia biểu tình chống dự luật Đặc khu kinh tế năm 2018, bị Trung tâm Nhân lực và Huấn luyện Hàng hải thuộc Trường Đại học Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh buộc dừng khóa học đào tạo sĩ quan hàng hải.
Ông Đặng Thanh cầm tờ giấy trắng với công thức Friedman để biểu lộ sự ủng hộ các phản đối chống chính sách Không COVID tại Trung Quốc - Facebook Đặng Thanh
Anh Thanh, sinh năm 1993 ở tỉnh Trà Vinh, cho phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết sau vài tháng theo học Lớp sĩ quan vận hành khóa 1 tại trung tâm này thì được giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Tân thông báo không được tiếp tục học nữa.
Tuy nhiên, giáo viên chủ nhiệm này chỉ thông báo miệng và trung tâm không đưa ra văn bản chính thức nào về việc dừng học, người thanh niên này nói.
"Tôi đi học được khoảng ba tháng nay. Khi lên học thì trong hồ sơ bên công an có ghi tôi từng tham gia in ấn và rải truyền đơn phản đối cho Trung Quốc thuê đặc khu.
Bên nhà trường tạm giữ hồ sơ đó và hỏi tôi có bị cấm xuất cảnh không. Tôi có sang bên Campuchia để chứng minh tôi không bị cấm xuất cảnh".
Anh cho biết thêm nhà trường có gọi điện cho công an Trà Vinh để hỏi liệu anh có hoạt động chính trị không, rồi mới chấp nhận cho anh tham gia khóa học.
Anh Thanh khẳng định mình không hoạt động chính trị mà chỉ rải tờ rơi năm 2018, và có chia sẻ bức xúc trên mạng xã hội. Anh cho rằng nguyên nhân anh bị dừng học có thể là do anh đã tham gia biểu tình ở thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10/6/2018 để phản đối Dự luật Đặc khu Kinh tế.
"Tôi không tham gia hoạt động chính trị gì hết nhưng có lần khi nhà nước cộng sản Việt Nam định cho nước ngoài thuê đặc khu 99 năm thì tôi đã in với số lượng lớn tờ rơi có nội dung Không cho Trung Quốc thuê 99 năm và rải khắp thành phố Hồ Chí Minh. Tôi có bị bắt và bị phạt hành chính".
Anh cho biết thái độ của giáo viên và nhà trường rất không đàng hoàng.
"Khi tôi hỏi các thầy thì các thầy mập mờ không nói ra giống như có một thế lực nào đó can thiệp vào công việc học hành của tôi. Tôi chỉ muốn bình yên và đi học để có một công việc đàng hoàng chứ không có mưu đồ chính trị gì hết".
Phóng viên có gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Tân và được người này cho biết :
"Bạn Thanh này, trường và cấp trên kiểm tra lý lịch của bạn ấy, thấy lý lịch khai không đúng, và không phù hợp nên trường không nhận bạn ấy vào học sĩ quan hàng hải".
Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị giải thích thêm thì ông Tân từ chối, nói không làm việc qua điện thoại mà cần gặp ông trực tiếp hoặc liên hệ với cấp trên của ông.
Anh Thanh cho rằng lý do ông Tân đưa ra không thuyết phục vì trước lúc nhập học, anh đã nộp đầy đủ giấy tờ có công chứng theo yêu cầu của Trung tâm cho khóa học 30 tháng đào tạo thuỷ thủ cho tàu vận tải quốc tế.
Chúng tôi có gọi điện nhiều lần vào số điện thoại của giáo vụ Trung tâm Nhân lực và Huấn luyện Hàng hải nhưng không ai nghe máy. Phóng viên có gửi email cho Trung tâm này và trường Đại học Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh nhưng chưa nhận được trả lời.
Người thanh niên Thanh cho biết nhiều giáo viên và hơn một nửa học viên của khóa học mà anh đang theo học ủng hộ anh được quay lại lớp học.
Chia sẻ về việc tham gia rải truyền đơn phản đối Dự luật Đặc khu, anh cho biết anh không bị bắt ngay trong ngày hàng chục nghìn người xuống đường biểu tình 10/6 mà bị công an huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh và công an huyện Bình Chánh của thành phố Hồ Chí Minh bắt sau đó vài ngày.
Ban đầu, công an Trà Vinh mời lên làm việc nhưng anh không đến. Hôm sau thì anh bị bắt khi đang ngồi uống cà phê ở gần nhà. Công an phường 5, thành phố Trà Vinh có đánh và giữ anh một ngày rồi mới thả cho về.
Một thời gian sau thì anh nhận được quyết định phạt hành chính 7,5 triệu đồng bởi công an thị trấn Tân Túc của huyện Bình Chánh.
Khi bắt anh, phía công an đưa ra những video và hình ảnh anh đang rải truyền đơn có nội dung phản đối cho Trung Quốc thuê đất 99 năm, nhưng khi họ xử phạt hành chính lại nói lý do là "nói xấu công an huyện Bình Chánh".
Giữa năm 2018, Quốc hội Việt Nam có ý định thông qua hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng. Hàng chục nghìn người đã đổ ra đường ở nhiều thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương trong ngày 10/6 để phản đối hai dự luật trên.
Lực lượng an ninh đã áp dụng các biện pháp bạo lực để đối phó với cuộc biểu tình. Hàng nghìn người đã bị bắt trong thời gian này, nhiều trong số họ bị giam giữ nhiều ngày, bị tra khảo và bị đánh đập. Cơ quan chức năng còn áp dụng biện pháp phạt vi phạm hành chính cũng như cả khởi tố, giam giữ và kết án một số người tham gia biểu tình.
Slovakia trục xuất nhà ngoại giao Việt Nam vì liên quan vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (VOA, 06/02/2020)
Slovakia vừa loan báo trục xuất một nhà ngoại giao Việt Nam và ra thời hạn cho người này phải rời khỏi Slovakia trong vòng 48 tiếng vì liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức vào năm 2017, truyền thông Slovakia đưa tin hôm 6/2.
Ông Trịnh Xuân Thanh bị đưa ra tòa án Hà Nội xét xử vào ngày 22/1/2018.
Tin cho hay thông báo của Bộ Ngoại giao Slovakia với nội dung "một trong những nhà ngoại giao của ông phải rời khỏi đất nước trong vòng 48 giờ" vì "không được hoan nghênh" đã được gửi đến Đại sứ Dương Trọng Minh ở Bratislava.
"Slovakia đưa ra quyết định nghiêm trọng này có liên quan đến phán quyết cuối cùng của tòa án phúc thẩm Đức về vụ bắt cóc một người Việt Nam", TASR dẫn lời cơ quan báo chí Slovakia cho biết, đồng thời nói thêm rằng "sẽ có những hậu quả nghiêm khắc về ngoại giao" một khi "những nghi ngờ nghiêm trọng về việc (Việt Nam) lạm dụng lòng hiếu khách của Slovakia được chính thức xác nhận".
Trước đó, hôm 4/2, tòa án liên bang Đức đã bác bỏ kháng cáo của bị cáo Long N.H., nghi phạm cuối cùng trong vụ bắt cóc cựu quan chức-doanh nhân dầu khí Trịnh Xuân Thanh trong thời gian ông này đang xin tị nạn tại Đức tại thời điểm mất tích. Ông Long đã bị một tòa án quận Berlin kết án 3 năm và 10 tháng tù vào tháng 7/2018 về tội gián điệp và tòng phạm trong vụ bắt giữ phi pháp ông Trịnh Xuân Thanh.
Phía Đức nói ông Trịnh Xuân Thanh đã bị tình báo Việt Nam bắt cóc trên một con phố ở thủ đô Berlin và được chở qua Slovakia, sau đó mang về Việt Nam bằng máy bay mượn của Slovakia để đưa sang Nga, từ đó đem về Hà Nội, nơi ông bị xét xử và kết án tù chung thân vào năm 2018 vì tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản".
Hiện Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia chưa đưa ra bình luận gì về thông tin này.
Slovakia ban đầu phủ nhận mọi thông tin trên truyền thông và khẳng định không liên quan gì đến việc tạo điều kiện để đưa Trịnh Xuân Thanh về nước.
Bất chấp các cuộc điều tra và phán quyết từ tòa án Đức, cho tới nay, Hà Nội vẫn khẳng định Trịnh Xuân Thanh "tự về nước đầu thú".
******************
Vụ Trịnh Xuân Thanh : Slovakia cho một nhà ngoại giao Việt Nam '48 tiếng' để về nước (BBC, 06/02/2020)
Một cán bộ ngoại giao Việt Nam bị buộc phải rời Slovakia vì vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức.
Ông Trịnh Xuân Thanh đã bị tuyên hai án tù chung thân trong hai phiên tòa sơ thẩm tại Hà Nội hồi tháng 1 và tháng 2/2018
Một nhân viên ngoại giao Việt Nam đã trở thành "nhân vật không được hoan nghênh" (persona no grata) và "có 48 giờ" để rời khỏi Slovakia, theo Bộ Ngoại giao Slovakia sau khi có phán quyết của Toà phúc thẩm ở Đức về vụ "bắt cóc" cựu quan chức ngành dầu khí Việt Nam, Trịnh Xuân Thanh.
Trang Spectator ở Slovakia cho biết Bộ Ngoại giao Slovakia đã trao một văn bản cho Đại sứ Việt Nam tại Slovakia, Dương Trọng Minh về vấn đề này.
Vụ việc từ 2017 mà ở Việt Nam có người tưởng như đã không còn dư âm gì thì lại đang được hâm nóng lại ở châu Âu.
Theo nhà báo độc lập Lê Mạnh Hùng từ Berlin, thì phía Slovakia chịu sức ép từ Đức, quốc gia chủ chốt của EU ở vùng Trung Âu và Đông Âu.
"Ngay sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin đưa về Việt Nam vào tháng 7 năm 2017, chính phủ Đức bởi tin vào những bằng chứng và sự điều tra nhanh chóng đã có thái độ phản đối quyết liệt, lập tức công bố trục xuất hai nhà ngoại giao của Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin về nước và triệu đại sứ Đoàn Xuân Hưng tới chất vấn.
Theo báo Slovakia trích nguồn cơ quan điều tra của Đức thì "Slovakia đã dính líu đến toàn bộ vụ việc, qua cách cung cấp phi cơ của chính quyền cho phía quan chức Việt Nam",
"Trong các phiên tòa xử nghi can Nguyễn Hải Long tội tham gia vụ bắt cóc, phía Đức đã đi tới kết luận đây là tội phạm mang tính quốc gia và cơ quan trực tiếp chỉ đạo thực hiện vụ này là ở cấp bộ (Bộ Công an Việt Nam). Những người trực tiếp được điều sang Berlin thực hiện vụ bắt cóc là các sĩ quan an ninh của Bộ Công an Việt Nam, mang hộ chiếu ngoại giao của Việt Nam".
Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức, bà Petra Isabel Schlagenhauf
Xin nhắc lại Đức đã không ít lần tạo sức ép muốn Slovakia phải có thái độ trách nhiệm và làm rõ điều này. Thủ tướng Angela Merkel trong một lần tiếp đón thủ tướng Slovakia tại Berlin cũng đã trực tiếp công khai đề nghị như vậy.
Những phản ứng của phía Slovakia ở cấp nhà nước cho đến nay dường như vẫn chưa rõ ràng, chưa đầy đủ.
Giờ đây sau khi có bản phán quyết cuối cùng của tòa án tối cao Cộng hòa liên bang Đức kết luận về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, có lẽ là thời điểm Slovakia không còn thể làm ngơ trước sự đòi hỏi của phía Đức và sự im lặng từ phía Việt Nam, theo nhà báo Lê Mạnh Hùng từ Berlin.
Ông Hùng cũng nói :
"Sự xâm phạm thô bạo tới chủ quyền, an ninh và danh dự của Đức, quốc gia đứng đầu khối EU, thể theo luật pháp, văn hóa Đức khó có chuyện dễ dàng cho vào quên lãng bằng thời gian, nhất là một khi quốc gia mắc lỗi đó có vị thế còn khá khiêm tốn trên trường quốc tế như Việt Nam".
Sự kiện vụ ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại chính trị và báo chí châu Âu xảy ra vào thời điểm Liên hiệp châu Âu chuẩn bị thông qua Hiệp định Thương mại EVFTA với Việt Nam.
Nhiều cách giải thích trái ngược nhau
Hôm 30/1, luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh, bà Petra Isabel Schlagenhauf, vào ngày 28/1 đã ra thông cáo với báo giới, khẳng định việc Việt Nam tiếp tục giam giữ ông Trịnh Xuân Thanh, thân chủ của bà là trái luật quốc tế.
Trả lời BBC News Tiếng Việt trong thư điện tử gửi từ Berlin, bà Petra Isabel Schlagenhauf khẳng định rằng, bằng quyết định bác bỏ đơn kháng cáo của ông Nguyễn Hải Long, Tòa án Tối cao liên bang Đức đã xác nhận rằng, việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh - thân chủ của bà - là trái luật pháp quốc tế.
Trao đổi với BBC qua thư điện tử, bà viết :
"Một trong những người tham gia vào vụ bắt cóc khách hàng của tôi [tức Trịnh Xuân Thanh] đã bị bắt ở Prague, bị dẫn độ về Đức. Sau một phiên tòa kéo dài vài tháng, ông ta đã bị Tòa Thượng thẩm ở Berlin (Kammergericht - tòa án cao nhất ở Berlin với trường hợp này) kết án là đã tham gia vào việc bắt cóc và làm việc cho một tổ chức bí mật ở nước ngoài ở Đức và lãnh án 3 năm 10 tháng tù."
Thăm Slovakia hồi tháng 2/2019 bà Merket thảo luận với lãnh đạo nước chủ nhà về vụ ông Trịnh Xuân Thanh.
"Với quyết định này, Tòa án Tối cao liên bang Đức đã xác nhận rằng, việc bắt cóc khách hàng của tôi là trái luật pháp quốc tế và việc giam giữ khách hàng của tôi tại Việt Nam, từ quan điểm pháp lý của Đức, là bất hợp pháp".
"Với quyết định này, việc Việt Nam phải trả tự do cho khách hàng của tôi là điều không còn có gì cần bàn cãi nữa", thư điện tử của bà Petra Isabel Schlagenhau gửi BBC News Tiếng Việt nhấn mạnh.
Hồi tháng 5/2018, Đại sứ Việt Nam tại Slovakia, ông Dương Trọng Minh, sau khi bị Bộ Ngoại giao nước chủ nhà triệu lên chất vấn, đã nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh chưa từng tới Slovakia, theo trang tin spectator.sme.sk.
Đại sứ Việt Nam nói như vậy với giới chức cao cấp nhất ở Slovakia, theo phía Slovakia nói với báo chí hôm 18/5/2018.
Bộ Ngoại giao Đức từng cho rằng ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc trong lúc đang xin quy chế tị nạn tại Berlin.
Đại sứ Dương Trọng Minh (thứ hai, từ bên phải) bị Bộ Ngoại giao Slovakia triệu lên làm việc hôm 3/5/2018. Ông Minh nói rằng nhân vật mà phía Slovakia nhắc tên "chưa hề tới Slovakia"
Trong khi đó, Truyền thông nhà nước Việt Nam dẫn nguồn Bộ Công an Việt Nam là không hề có chuyện bắt cóc ông Thanh từ Đức mà ông Thanh tự ý về đầu thú để mong được hưởng sự khoan hồng.
Thông cáo chính thức, được truyền thông Việt Nam đưa lại viết :
"Ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh, sinh ngày 13/2/1966, đăng ký hộ khẩu thường trú tại...Tây Hồ, Hà Nội; hiện là bị can bị truy nã theo Quyết định số 20/C46-P12 ngày 19/9/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú".
Sau đó, ông Thanh liên tiếp bị đưa ra tòa xét xử với các tội danh khác nhau. Trong đó, có 2 án tù chung thân với cáo buộc "cố ý làm trái và tham ô tài sản" khi ông Trịnh Xuân Thành còn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí VIệt Nam".
Sân bay Bratislava - hình chỉ có tính minh họa. Cho đến tháng 5/2018, phía Việt Nam nói ông Trịnh Xuân Thanh chưa hề có mặt tại Slovakia nhưng cả Đức và Slovakia cho rằng ông ta được đưa đi bằng đường hàng không khỏi EU từ Bratislava
Cho đến nay, vụ Trịnh Xuân Thanh cho thấy mâu thuẫn nội bộ trong hệ thống chính trị Việt Nam, giữa cách xử lý theo các tiêu chuẩn quốc tế, và cách làm việc theo cách đặc thù của nước này.
Hiện tượng đối ngoại lúc tiến, lúc lui bị cho là do xu hướng chuyên chế cỗ hữu tác động, theo một số bình luận.
Ngoài ra, những gì xảy ra sau vụ ông Trịnh Xuân Thanh "về nước" bị một số ý kiến cho là biểu hiện của nghiệp vụ yếu kém của ngành công an, an ninh Việt Nam, khiến ngoại giao, quốc thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Luật sư của Trịnh Xuân Thanh hy vọng Đức tiếp tục gây sức ép lên Việt Nam sau phán quyết của tòa án Đức
Thanh Trúc, RFA, 29/01/2020
Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh, bà Petra Isabel Schlagenhauf, vào ngày 28 tháng 1 ra thông cáo báo chí yêu cầu chính phủ Đức tiếp tục can thiệp với phía Việt Nam trả tự do cho thân chủ của bà.
Hình minh họa. Ông Trịnh Xuân Thanh ra tòa ở Hà Nội hôm 22/1/2018 - AFP
Thông cáo báo chí được đưa ra ngay sau khi bà này nhận được Quyết Định của Tòa án Tối Cao Đức, bác bỏ đơn kháng án của Nguyễn Hải Long, người trước đó đã bị tóa án Đức kết án 3 năm 10 tháng tù giam vì tham gia vào vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đưa về Việt Nam hồi cuối tháng 7 năm 2017.
Khi đó Bộ Ngoại Giao Đức cho rằng ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc trong lúc đang xin qui chế tị nạn tại Berlin. Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn nguồn Bộ Công an Việt Nam là không hề có chuyện bắt cóc ông Thanh từ Đức mà ông Thanh tự ý về đầu thú để mong được hưởng sự khoan hồng.
Hình minh họa. Truyền hinh Việt Nam chiếu hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh thú tội. Reuters
Tòa án Việt Nam hồi đầu năm 2018 đã xét xử và kết tội Trinh Xuân Thanh 2 án tù chung thân với cáo buộc "cố ý làm trái và tham ô tài sản’ khi làm chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam - PVC, thuộc Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam.
Nay với yêu cầu can thiệp trả tự do cho thân chủ mà luật sư Schlagenhauf đưa ra với báo chí, hồ sơ Trịnh Xuân Thanh coi như được lần giở lại. Giải thích với đài Á Châu Tự Do từ văn phòng mình ở Đức, luật sư Petra Schlagenhauf giải thích :
"Khi một quốc gia không xin dẫn độ và không đợi cho đến lúc thủ tục dẫn độ hoàn tất mà lại tiến hành bắt cóc người, và nếu quốc gia nơi người bị bắt cóc đến đã có phản đối ngay lập tức và đòi người như trường hợp Đức đã làm với Trịnh Xuân Thanh, thì nước bắt cóc mà trường hợp này là Việt Nam không thể tiếp tục quá trình pháp lý (kết án) đối với người bị bắt cóc. Đây là luật quốc tế".
Luật sư Schlagenhauf giải thích hơn về nội dung quyết định mà tòa án ở Đức mới đưa ra :
"Tòa án nước Đức phải quyết định xem Việt Nam giữ thân chủ của tôi như vậy có đúng luật quốc tế không. Và tòa đã diễn giải là không vì Việt Nam đã bắt cóc, còn phía chính phủ Đức đã ngay lập tức phản đối và đòi trả Trịnh Xuân Thanh. Vì vậy, theo luật quốc tế, Việt Nam không thể tiếp tục các thủ tục pháp lý với khách hàng của tôi được nữa. Do đó việc tiếp tục giam giữ Trịnh Xuân Thanh của Việt Nam theo phía Đức diễn giải là hành vi trái pháp luật".
Tòa án Tối cao là cơ chế pháp lý cao nhất của Cộng hòa Liên Bang Đức, nơi ông Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam tổ chức bắt cóc mang về nước. Nếu Đức thành công với áp lực trả lại Trịnh Xuân Thanh thì ông Thanh sẽ được đưa trở lại Đức và được hưởng quy chế tỵ nạn đã được phía Đức cấp. Luật sư Schlagenhauf trình bày :
"Ông ấy có quyền trở lại Đức vì từ tháng 12/2017 chính phủ Đức đã cấp quy chế tỵ nạn cho ông rồi. Lúc đó ông ấy đã bị bắt cóc. Ông ấy có quyền quay lại, nhận passport và ở lại Đức… nếu ông ấy ở Đức thì không ai ở Việt Nam có thể yêu cầu dẫn độ ông ấy về lại Việt Nam nữa. Một khi ông ấy quay lại Đức, ông ấy có thể ở lại Đức"
Dưới cái nhìn của luật sư Sclagenhauf, vấn đề giữa Đức và Việt Nam lúc này không còn nằm ở phần pháp lý nữa vì nếu đúng theo luật thì Hà Nội đáng ra phải trả Trịnh Xuân Thanh lại Đức từ ngày đầu tiên.
"Nhưng vấn đề nằm ở lãnh vực ngoại giao. Sau vụ việc, phía Đức đã đóng băng quan hệ với Việt Nam, thế nhưng giờ mối quan hệ hai nước đang dần quay lại vì những lợi ích kinh tế… Tuy nhiên trường hợp thân chủ của tôi hãy còn là vấn đề trong quan hệ song phương. Quan hệ song phương không chỉ có mặt pháp lý mà có cả mặt ngoại giao nữa".
Được hỏi bà hy vọng bao nhiêu cũng như phải chờ bao lâu đối với yêu cầu chính phủ Đức can thiệp trả tự do cho Trịnh Xuân Thanh, luật sư Schlagenhauf trả lời :
"Tôi phải đợi phía chính phủ Đức gây sức ép lên Việt Nam để giải quyết trường hợp khách hàng của tôi. Họ có tạo sức ép nhưng tôi chỉ có thể hy vọng là những sức ép này sẽ có kết quả".
Hình minh họa. Tòa án hình sự ở Berlin xét xử Nguyen Hai Long hôm 24/4/2018. AFP
Vẫn theo lời bà, Việt Nam sẽ không bao giờ thừa nhận việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Và nếu họ có thả khách hàng của bà ra thì cũng thả một cách im lặng, họ sẽ không bao giờ thừa nhận là họ làm sai. Chính phủ Việt Nam không muốn bị mất mặt trong vụ việc Trịnh Xuân Thanh, là khẳng định của luật sư Schlagenhauf.
Từ Đức, luật sư, cựu tù nhân nhân quyền Nguyễn Văn Đài cho biết ông đồng ý với luật sư Schlagenhauf :
"Người ta biết rằng đứng đằng sau vụ bắt cóc này là ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công an, ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Đảng ủy Công an trung ương. Ông ta là người trực tiếp lên kế hoạch cũng như chỉ huy vụ bắt cóc này. Nếu trao lại Trịnh Xuân Thanh cho phía Đức thì đương nhiên ông (Thanh) sẽ khai ra và đương nhiên ông Tô Lâm là người số một rồi. Điều này sẽ đặt Đảng Cộng sản Việt Nam vào thế rất khó xử"
"Việt Nam sẽ tìm cách thương lượng, thương thảo với phía Đức để trì hoãn cho đến khi Đại Hội Đảng kết thúc, cũng như ông Tô Lâm kết thúc nhiệm kỳ Bộ trưởng Công an của mình. Sau đó họ tìm cách phân giải và trả ông Trịnh Xuân Thanh cho phía Đức vào năm 2021 tới đây thôi".
Cũng từ nước Đức, người theo dõi và thông tin vụ việc Trinh Xuân Thanh từ những ngày đầu, blogger Bùi Thanh Hiếu, nói rằng không dễ buộc Việt Nam nhìn nhận làm sai, còn luật sư Đức mạnh miệng cãi là vì rõ ràng Hà Nội vi phạm pháp luật :
"Bao giờ Việt Nam đứng ra nhận có bắt cóc thì lúc đấy mới nói chuyện thả Trịnh Xuân Thanh và giao trả về được. Khi vụ Trịnh Xuân Thanh dấy lên thời Chủ tịch nước là Trần Đại Quang thì ông ta chủ trương sau này một thời gian sẽ đàm phán để Đức trả Trịnh Xuân Thanh về. Nhưng cuối cùng ông chết đột ngột thì người lên làm Chủ tịch nước là ông Nguyễn Phú Trọng lại chủ mưu vụ bắt cóc Trinh Xuân Thanh".
"Bây giờ mà để Nguyễn Phú Trọng đứng ra nhận là không có, ít nhất cũng phải chờ qua hết nhiệm kỳ Nguyễn Phú Trọng thì người sau này sẽ tìm cách nào đấy trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức. Chắc chắn là họ sẽ phải thả Trịnh Xuân Thanh thôi".
Từ hồ sơ Trịnh Xuân Thanh được lật lại ở đây, người biện hộ cho ông ta là luật sư Schlagenhauf cho rằng không khéo vụ việc sẽ ít nhiều tác động đến Hiệp Định Thương Mại Tự Do EU-Việt Nam đang chờ được phê chuẩn :
"Tôi có quan ngại (EVFTA được thông qua). Tuy nhiên có nhiều vấn đề còn tồn tại, bao gồm cả vấn đề nhân quyền và trường hợp khách hàng của tôi cũng là vấn đề nhân quyền".
EVFTA đã được EU và Việt Nam ký kết vào cuối tháng 6 năm ngoái. Theo dự kiến vào tháng 2 tới, Quốc hội Châu Âu sẽ nhóm họp và bỏ phiếu cho Hiệp định này. Nếu được thông qua, Hiệp định sẽ đi vào hiệu lực khoảng 1 tháng sau khi hai bên thông báo cho nhau việc hoàn tất các thủ tục pháp lý.
Luật sư Schlagenhauf cho rằng nếu Việt Nam vẫn kiên quyết không trả Trịnh Xuân Thanh về Đức theo yêu cầu của chính phủ Đức thì Việt Nam sẽ mãi mãi mang cái mác là "quốc gia bắt cóc".
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 29/01/2020
**********************
Tòa án tối cao Cộng hòa liên bang Đức ra phán quyết cuối cùng về vụ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin
Hiếu Bá Linh, thoibao.de, 28/01/2020
Phán quyết cuối cùng của Tòa án Tối cao Cộng hòa liên bang Đức (số 3 StR 562/18) vừa được đưa ra hôm 28/1/2020 kết luận Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã cử mật vụ đột nhập lãnh thổ Đức để bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, vi phạm vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các công ước mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết.
Luật sư Schlagenhauf ngay lập tức yêu cầu Chính phủ Đức can thiệp trả tự do cho ông Trịnh Xuân Thanh đang bị giam giữ tại Hà Nội.
Trịnh Xuân Thanh và Luật sư Schlagenhauf - Ảnh minh họa
Hôm 28/01/2020 bà Schlagenhauf, luật sư của Trịnh Xuân Thanh tại Đức, đã ra một Thông cáo báo chí, trong đó bà yêu cầu Chính phủ Đức tiếp tục can thiệp với phía Việt Nam để trả tự do cho thân chủ của bà là Trịnh Xuân Thanh.
Thông cáo báo chí mở đầu bằng Quyết định của Tòa án Tối cao Cộng hòa liên bang Đức bác bỏ đơn kháng án của Nguyễn Hải Long mà bà mới vừa nhận được hôm nay 28/01/2020.
Thông cáo báo chí của Luật sư Schlagenhauf hôm 28/01/2020
Với Quyết định này (ra ngày 07/08/2019), Tòa án Tối cao Cộng hòa liên bang Đức xác định rằng trong vụ bắt Trịnh Xuân Thanh, bị cáo Nguyễn Hải Long đã bị buộc tội đúng theo luật pháp về hoạt động tình báo như là một điệp viên, cũng như tiếp tay cưỡng đoạt tự do trong 2 trường hợp (Trịnh Xuân Thanh và người tình Đỗ Thị Minh Phương), và bản án 3 năm 10 tháng tù đối với bị cáo Nguyễn Hải Long đã được xác nhận.
Như vậy Nguyễn Hải Long bị y án 3 năm 10 tháng tù. Đây là tòa án cao nhất nước Đức, không còn tòa án nào nữa để chống án.
Bị cáo Nguyễn Hải Long bị kết án 3 năm 10 tháng vì hoạt động gián điệp cho nhà nước Việt Nam để tổ chức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức
Trong Thông cáo báo chí, bà luật sư Schlagenhauf nhấn mạnh, Tòa án Tối cao cũng đưa ra dẫn giải rằng "trong suốt quá trình xét xử, việc giam giữ bởi một nhà-nước-bắt-cóc không thể nào được coi là chính đáng trong mọi trường hợp. Do đó, việc giam giữ sau vụ bắt cóc vi phạm Công pháp quốc tế thì được chứng minh là bất hợp pháp căn cứ vào vụ án hình sự này…" (trích nguyên văn từ Quyết định của Tòa án Tối cao).
Cuối cùng trong Thông cáo báo chí, luật sư Schlagenhauf kết luận :
Như vậy, Tòa án hình sự cao nhất nước Đức một lần nữa xác định rằng vụ bắt cóc thân chủ tôi là một hành vi của Nhà nước Việt Nam vi phạm Công pháp quốc tế, cũng như thế, việc giam giữ thân chủ tôi tại Việt Nam kéo dài cho đến nay là bất hợp pháp từ quan điểm của Đức.
Bản Thông cáo báo chí kết thúc bằng lời yêu cầu Chính phủ Đức "không giảm bớt nổ lực để trả tự do cho thân chủ tôi khỏi nhà tù Việt Nam".
Hiếu Bá Linh
Nguồn : Thoibao.de, 28/01/2020
Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Đức bắt đầu thăm Việt Nam hôm 24/3, gần một tháng sau chuyến công du Berlin của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và vụ "bắt cóc" ông Trịnh Xuân Thanh được cho là có trong chương trình nghị sự.
Đại sứ quán Đức tại Hà Nội cho biết rằng ông Peter Altmaier cùng một phái đoàn kinh tế cấp cao và một số nghị sĩ quốc hội liên bang Đức thăm Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 24 tới 26/3.
Tin cho hay, ông Altmaier "sẽ tiến hành nhiều cuộc trao đổi song phương với đại diện chính phủ Việt Nam và tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc".
Bộ trưởng Kinh tế Đức được trích lời nói trong một thông cáo rằng "Việt Nam là một đối tác kinh tế trung tâm của Đức tại Châu Á".
"Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam sẽ tạo ra một động lực mới và sẽ giúp giới kinh tế Đức hiện diện được rộng khắp hơn nữa ở Châu Á. Tôi ủng hộ việc nhanh chóng ký kết hiệp định này trong thời gian sớm nhất có thể, vì câu trả lời cho những thách thức toàn cầu chỉ có thể là cùng nhau nỗ lực cho một nền thương mại cởi mở, tự do và công bằng trên thế giới", ông Altmaier nói.
Chuyến thăm của quan chức phụ trách kinh tế liên bang Đức diễn ra khoảng một tháng sau khi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tới Berlin.
Sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hôm 20/2 nói rằng "từng có những bất đồng đáng chú ý giữa Đức với Việt Nam, đặc biệt là vì vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh ở Berlin".
"Hôm nay chúng tôi muốn đạt một thỏa thuận về cách thức chúng tôi có thể thiết lập lại mối quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Đức, và vun đắp nó bằng chất liệu mới", ông Maas nói.
Theo Đại sức quán Đức ở Hà Nội, ngoài việc trao đổi với quan chức chủ nhà, trong chuyến thăm Việt Nam, ông Altmaier "sẽ đến thăm một doanh nghiệp Đức, dự một diễn đàn kinh tế với doanh nghiệp Đức và doanh nghiệp Việt Nam và tham dự lễ khai trường 'Ngôi nhà Đức ở Thành phố Hồ Chí Minh', nơi có văn phòng của Tổng lãnh sự quán Đức, của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức và của các doanh nghiệp Đức".
Hiện chưa rõ vụ việc liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh có được mang ra thảo luận trong chuyến thăm Việt Nam của quan chức Đức, hay liệu ông Altmaier có cuộc tiếp xúc nào với nhân vật từng đẩy quan hệ Berlin và Hà Nội xuống mức thấp nhất trong nhiều năm hay không.
********************
Bộ trưởng Đức đề cập vụ Trịnh Xuân Thanh với Thủ tướng Việt Nam (RFA, 27/03/2019)
Bộ trưởng Kinh tế & Năng lượng Cộng hòa liên bang Đức, ông Peter Almaier, đề cập đến vấn đề nhân quyền Việt Nam và vụ bắt cóc cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh trong cuộc hội đàm ngày 25 tháng 3 với ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc (trái) và Thủ tướng Đức Angela Markel tại thượng đỉnh G20 tại Đức, 7/2017. Vài tháng sau Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc trên đất Đức. AFP
Ông Peter Altmaier bày tỏ hy vọng vụ việc làm xấu đi mối quan hệ song phương Đức- Việt vụ như bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức sẽ không lặp lại.
Thông tin vừa nêu được một phóng viên Đức tháp tùng ông Bộ trưởng viết lại trên twitter, sau đó tờ Thời báo, một tờ báo Việt ngữ tại thủ đô Berlin trích dịch lại.
Một blogger người Việt tại Đức là ông Bùi Thanh Hiếu thì trích dẫn các báo Đức, chỉ trích chuyện bắt cóc Trịnh Xuân Thanh của Việt Nam, cho rằng chính phủ Đức đã gầy dựng lại quan hệ với Việt Nam vì lợi ích của các tập đoàn tư bản, mà lại bỏ qua chuyện phi pháp của Việt Nam, cũng như những hành động vi phạm nhân quyền của quốc gia này.
Báo chí Việt Nam không đưa tin về chuyện nước Đức đề cập đến chuyện Trịnh Xuân Thanh, và cũng không rầm rộ đưa tin về cuộc thăm viếng này, mà chỉ có một số tờ báo ca ngợi quan hệ hai bên, trích lời ông Bộ trưởng Đức Peter Altmaier về những thành công của các công ty Đức tại Việt Nam.
Vụ bắt cóc cựu quan chức dầu khí Việt Nam Trịnh Xuân Thanh từ Berlin rồi đưa về Hà Nội qua ngã Slovakia và Matxcova diễn ra vào cuối tháng 7 năm 2017. Đến tháng 9, Berlin cho ngưng quan hệ đối tác chiến lược với phía Việt Nam.
‘Đưa quan hệ Đối tác chiến lược tiếp tục phát triển sâu rộng’ : Lại dối trá !
Thường Sơn, VNTB, 23/02/2019
Lần đầu tiên kể từ khi Nhà nước Đức cáo buộc bị mật vụ Việt Nam sang tận Berlin bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào tháng 7 năm 2017 và gây ra cơn địa chấn khủng hoảng ngoại giao quan hệ Đức - Việt, đến nay một ít tờ báo nhà nước Việt Nam mới dám hé lộ sự thật về ‘khôi phục quan hệ Việt - Đức’.
Tờ báo mà gần đây được xem là ‘thân đảng’ như Thanh Niên, với tựa đề "Đức muốn 'làm mới' quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam" - là một trong số tờ báo hiếm hoi trên mà có lẽ đã quá chán ngán cái cảnh ‘đảng và nhà nước ta’ phủ áo lên mặt cố che giấu một sự thật đã từ lâu rành rành trong dư luận xã hội.
Nhưng nhiều tờ báo đảng vẫn dối trá không biết liêm sỉ : "Đưa quan hệ Đối tác chiến lược tiếp tục phát triển sâu rộng", hay ‘Thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược với Đức’…
Vậy ‘đối tác chiến lược’ ấy thực chất ra sao ?
2 tháng sau khi ra thông báo phản đối Việt Nam về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Nhà nước Đức đã tuyên bố tạm ngừng vô thời hạn vào tháng 9 năm 2017. Tháng tiếp theo, Đức hoãn thêm một hiệp định về miễn thị thực cho cán bộ Việt Nam đi công tác ở Đức. Cùng lúc , hàng loạt chương trình viện trợ kinh tế - xã hội của Đức cho Việt Nam cũng bị đình hoãn.
Hơn một năm rưỡi qua, trong lúc phía Việt Nam vẫn chưa chịu trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức và ‘xin lỗi, cam kết không tái phạm’ về vụ này, quan hệ Đức - Việt đã hầu như đóng băng, khiến giá trị giao thương song phương giữa hai nước có phần sút giảm, đặc biệt là hàng Việt Nam khó khăn hơn khi vào thị trường Đức - thị trường mà nhờ đó hàng năm Việt Nam xuất siêu được đến 5 tỷ Euro.
Vào tháng 11 năm 2017, lần đầu tiên phía Đức bắn tiếng ‘phục hồi quan hệ đối tác chiến lược’, cùng lúc với quá trình đàm phán vụ Trịnh Xuân Thanh tưởng đâu đã có lối ra. Nhưng sau đó phía Việt Nam lại ngậm miệng và tất cả chìm vào bóng tối.
Còn vào lần này, tháng 2 năm 2019 - lần đầu tiên mà cấp bộ trưởng ngoại giao như Phạm Bình Minh công cán đến Đức kể từ vụ khủng hoảng Trịnh Xuân Thanh, những điều kiện cho triển vọng phục hồi đối tác chiến lược đã không còn dễ thở như năm 2017.
"Trong thời gian qua đã có những khác biệt có thể nhận thấy rõ rệt giữa Đức và Việt Nam – đặc biệt là vì vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh ở Berlin. Hôm nay chúng tôi đã trao đổi với nhau về việc chúng tôi có thể điều chỉnh lại mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức như thế nào và làm sao có thực chất trở lại. Theo quan điểm của chúng tôi, một quan hệ đối tác chiến lược cũng bao gồm sự tôn trọng các giá trị chung, đặc biệt là tôn trọng nhân quyền phổ quát" - một thông cáo báo chí cho biết như thế sau cuộc họp của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas với Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh tại Berlin.
Một từ ngữ đặc biệt mà Ngoại trưởng Đức Heiko Maas dùng là ‘điều chỉnh’ trong quan hệ đối tác chiến lược, nếu quan hệ này được phục hồi. Điều đó có nghĩa là sẽ có những thay đổi, thậm chí là thay đổi đáng kể về nội dung quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Hoàn toàn có thể hiểu rằng kể từ nay trở đi và chỉ sau khi Trịnh Xuân Thanh được trao trả lại cho Đức, quan hệ đối tác chiến lược mới được đàm phán lại, nhưng sẽ được bổ sung vào đó ít nhất nội dung nhân quyền.
Còn nếu chính quyền Việt Nam vẫn không chịu trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức và không có bất kỳ cải thiện nào về nhân quyền, cái gọi là ‘đưa quan hệ Đối tác chiến lược tiếp tục phát triển sâu rộng’ trên mặt báo đảng Việt Nam sẽ biến thành một vết đen đúa không cách nào tẩy xóa được khi quan hệ đối tác chiến lược này sẽ bị người Đức thẳng tay hủy bỏ.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 23/02/2019
*********************
'Chỉ có Đức mới cần Việt Nam' (!?)
Phương Thảo, VNTB, 23/02/2019
Chuyến công du tới Đức không chính thức lần này của ông Phạm Bình Minh không gì khác hơn là nhằm hâm nóng lại mối quan hệ giữa Đức và Việt Nam đã bị đóng băng từ năm 2017 sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
'Chỉ có Đức mới cần Việt Nam' (!?)
Nói láo quen mồm ...
Báo chí Việt Nam đã đưa tin " Đức muốn nối lại quan hệ với Việt Nam" và trong đó đã lặp lại thông tin rằng hai quốc gia Việt-Đức đã có những điều khác biệt kể từ khi Trịnh Xuân Thanh trở về nước đầu thú hơn một năm rưỡi về trước.
Vậy là cho đến giờ họ vẫn có thể nói ngược được như thể người dân trong nước không ai biết gì hoặc không người dân nào có thể đọc được các thông tin chính thức được chính quyền Đức đưa ra.
Có những điều truyền thông lề phải không dám nhắc đến vì không được phép mở miệng như việc ông Đại sứ Việt Nam ở Đức đã phải chờ mấy tháng trời mới được phép trình quốc thư bổ nhiệm Đại sư lên tổng thống Đức. Ông Nguyễn Minh Vũ đã được bổ nhiệm làm tân Đại sứ của Việt Nam tại Đức sau từ ngày 25 tháng 7 năm 2018 để thay thế ông Đoàn Xuân Hưng, nhưng cho đến tận cuối tháng 12 ông Vũ mới đến Đức.
Báo Đảng cũng không nhắc đến việc ông Phúc tại Davos hồi cuối tháng 1 năm 2019 cũng đã phải tránh mặt không dám gặp bà Merkel để hối thúc bà và nước Đức thúc đẩy việc ký kết EVFTA như đã hào phóng và hồ hởi đưa tin ông Phúc đã lên tiếng nhờ vả lãnh đạo các quốc gia châu Âu và chủ tịch các tập đoàn kinh tế lớn giúp cho thoả thuận EVFTA sớm được Quốc hội Châu Âu thông qua.
Báo đảng lại càng tuyệt nhiên không dám đề cập đến việc Trinh Xuân Thanh đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ngay trên đất Đức dưới sự chỉ huy của ông tướng Công an Tô Lâm người vừa mới được phong hàm Đại Tướng mới đây khiến cho mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Đức đã bị đình chỉ từ ngày 27 tháng 9 năm 2017. Chính ông cựu đại sứ Đoàn Xuân Hưng cũng đã từng được báo chí Đức nhắc đến tên vì đã cho nhốt Trịnh Xuân Thanh 2 ngày tại Đại sứ quán trước khi bi bắt đưa về Hà Nội qua ngả Slovakia đồng thời gây tổn hại luôn mối quan hệ với quốc gia Đông Âu anh em Slovakia.
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Đức về cuộc gặp gỡ với ông Phạm Bình Minh mới đây đã cho biết hai bên đang xem xét điều chỉnh lại mối quan hệ đối tác chiến lược và rằng " đã từng có những khác biệt đáng chú ý giữa Đức và Việt Nam - đặc biệt là vì vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh ở Berlin". Nhưng báo chí Việt Nam và cơ quan chủ quản lại một lần nữa lại bỏ qua chi tiết quan trọng này và không muốn thừa nhận sự thật một cách công khai.
Chỉ có Đức cần !?
Đảng, ban tuyên giáo và báo chí lề phải cứ làm như vì Đức cần Việt Nam nên "muốn nối lại quan hệ chiến lược" chứ Việt Nam chẳng cần phải cạy cục gì.
Nhưng thực tế cho thấy các cán bộ ngoại giao Việt nam đã phải chạy xấp ngửa ngược xuôi kể từ tháng 9 năm 2017 để hầu mong nối lại được quan hệ ngoại giao chiến lược mà Đức đã đơn phương đình chỉ sau khi Việt Nam không đáp ứng yêu cầu trả lại Trịnh Xuân Thanh cho phía Đức.
Tháng 11 năm 2018, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt nam Bùi Thanh Sơn mới có mặt ở Berlin. Tin tức về vụ Trịnh Xuân Thanh không được đưa ra nhưng cả ông Sơn lẫn ông Đoàn Xuân Hưng đều tiết lộ " mối quan hệ chiến lược sẽ có những tiến triển mới" và phát triển mạnh hơn trong tương lai.
Mãi cho đến cuối tháng Hai năm 2019, Việt Nam mới được Đức chấp thuận cho cấp bộ trưởng có một chuyến công du không chính thức đến nước này mà ai cũng có thể hiểu được là chuyện được ưu tiên trong chương trình nghị sự sẽ lại vẫn là Trịnh Xuân Thanh, nguyên nhân chính của khủng hoảng ngoại giao Đức Việt.
Nếu không nối kết lại quan hệ đối tác chiến lược thì ai sẽ thiệt ?
Thương mại song phương Đức và Việt Nam lên tới 13,8 tỷ Euro trong năm 2018, trong đó 9,7 tỷ Euro là hàng nhập khẩu từ Việt Nam và 4,1 tỷ euro xuất khẩu sang Việt Nam. Nếu EVFTA được ký kết thì có khả năng kim ngạch thương mại hai nước sẽ tăng lên mức 20 tỷ đô la vào năm tới. Một con số đáng kể cho Hà Nội.
Chỉ có Đức cần thì tại sao từ vài năm nay cứ mỗi lần quan chức Việt Nam sang công cán ở EU lại nghe nói đến "mong muốn được EU sớm thông qua EVFTA". Hết báo đài tới quan chức cứ trông cho EVFTA được thông qua cuối năm 2018 rồi lại phải dời mong muốn vào quý một năm 2019 rồi lại tiếp tục nuôi hi vọng trước tháng 4.
Trong lần ông Phạm Bình Minh đi Đức lần này, người đồng cấp của ông, ông Maas, cuối cùng cũng đã đưa cho Hà Nội củ cà rốt khi cho biết sẽ "tác động" vào việc phê chuẩn hiệp định thương mại EVFTA.
Còn giờ chưa có được EVFTA thì Phạm Bình Minh lại ngỏ lời xin viện trợ ODA của Đức tạm vậy.
Đức cần Việt Nam thật !
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức đã nêu rõ điều Đức cần ở Việt Nam đó là"sự tôn trọng các giá trị chung, đặc biệt là tôn trọng các quyền con người phổ quát".
Cái cần đầu tiên mà phía Đức đã nói rõ từ tháng 9 năm 2019 là Trịnh Xuân Thanh. Không phải Đức cần bản thân Trịnh Xuân Thanh nhưng đó là biểu tượng của sự tôn trọng pháp luật của một quốc gia có chủ quyền, một trong những giá trị chung mà Việt Nam đã không thèm đếm xỉa đến hồi tháng 8 năm 2017. Phía Đức vẫn đang tiến hành điều tra vụ việc và chắc chắn sẽ đi cho tới cùng.
Hà Nội vẫn cứ trì hoãn không chịu đáp ứng nhu cầu của Đức. Báo bên nhà vẫn cứ lải nhải nhắc cho dân chúng biết bắt được Trịnh Xuân Thanh " về nước đầu thú" là nước cờ cao tay của kỳ thủ đốt lò theo luật rừng rồi bỏ mặc cho chính phủ và bộ Ngoại giao phải đi hàn gắn khủng hoảng ngoại giao với Đức. Trịnh Xuân Thanh có được trở lại Đức hưởng hậu vận nhàn hạ hay không vẫn còn phải "hạ hồi phân giải" vì Tổng Chủ vẫn né chưa quyết gì.
Đức cần Việt Nam tôn trọng quyền con người. Cái quyền này lại là một thứ xa xỉ ở quốc gia cộng sản cầm quyền khi ngay đầu năm họ đã ban hành luật An ninh Mạng để bóp chặt quyền tự do ngôn luận, bỏ tù hàng trăm nhà bất đồng chính kiến chỉ vì dám lên tiếng phản đối chính quyền. Những quyền tự do tôn giáo, tự do hội họp, biểu tình, tự do tôn giáo, công đoàn độc lập… đều được nhà cầm quyền cho vào cái khung " tự do trong khuôn khổ" để biện minh cho các cáo buộc xâm phạm nhân quyền liên tục trong thời gian qua.
Nhưng không chỉ có Đức và Châu Âu lại cũng cần Việt Nam ở đây. Châu Âu trước giờ vốn không gắt gao về vấn đề nhân quyền, nhưng cho đến giờ, Châu Âu lại sử dụng cây gậy nhân quyền để buộc Việt Nam phải chấp nhận và thực thi các giá trị lâu đời nhằm đảm bảo quyền con người thật sự cho người dân Việt Nam.
Phương Thảo
Nguồn : VNTB, 23/02/2019
**********************
Việt Nam lại hứa hẹn sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức ?
Thường Sơn, VNTB, 22/02/2019
Người ‘ăn ốc’ chưa bao giờ lộ mặt mà toàn bộ quy trình đàm phán vụ Trịnh Xuân Thanh chỉ phó thác cho Bộ Ngoại giao Việt Nam...
Thông báo mới nhất từ Ngoại trưởng Đức Heiko Maas vào ngày 20/2/2019 cho thấy cuộc đàm phán về vụ Trịnh Xuân Thanh giữa Việt Nam và Đức đã một lần nữa nhuốm chút hy vọng ‘phục hồi quan hệ đối tác chiến lược’ giữa hai nước - quan hệ mà Nhà nước Đức đã tuyên bố tạm ngừng vô thời hạn vào tháng 9 năm 2017 - 2 tháng sau khi ra thông báo phản đối Việt Nam cho mật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin.
Sau khi kết thúc cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, Bộ Ngoại giao Đức đã ra một bản tin và một Thông cáo báo chí, trong đó Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Heiko Maas đã nhấn mạnh mối quan tâm của ông đến một sự hợp tác chặt chẽ dựa trên sự tôn trọng các giá trị chung :
"Trong thời gian qua đã có những khác biệt có thể nhận thấy rõ rệt giữa Đức và Việt Nam – đặc biệt là vì vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh ở Berlin. Hôm nay chúng tôi đã trao đổi với nhau về việc chúng tôi có thể điều chỉnh lại mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức như thế nào và làm sao có thực chất trở lại. Theo quan điểm của chúng tôi, một quan hệ đối tác chiến lược cũng bao gồm sự tôn trọng các giá trị chung, đặc biệt là tôn trọng nhân quyền phổ quát". (Thoibao.de)
Cách nói mở đường của Maas cho thấy nhiều khả năng Phạm Bình Minh đã hứa hẹn ‘Việt Nam sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức’.
Tuy nhiên theo thông tin từ phía Bộ Ngoại giao Đức và được giới truyền thông quốc tế đưa tin, trước đây Việt Nam cũng đã hứa hẹn không dưới một lần về ‘Việt Nam sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức’, nhưng sau đó bặt tăm.
Liệu có gì bảo chứng cho những hứa hẹn của Phạm Bình Minh vào lần này, không chỉ bởi bộ ngoại giao của ông Minh đã ‘hứa lèo’ không ít lần với Đức, mà còn bởi trọng lượng thật sự của Ủy viên bộ chính trị Phạm Bình Minh đã được lịch sử chứng minh là khá nhẹ cân.
Người ta vẫn còn nhớ một sự kiện bi hài chính trị : 3 tháng sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức Hội nghị trung ương 6, trong đó Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh hiện ra với bản báo cáo chuyên đề về… dân số.
Về sau này, nhiều thông tin không chính thức cho rằng ông Minh đã bị thất sủng từ sau vụ Trịnh Xuân Thanh với lý do tế nhị là ông ta không muốn bị biến thành kẻ ‘đổ vỏ’. Còn trên bình diện ngoại giao, đã có những dấu hiệu cho thấy Phạm Bình Minh và bộ ngoại giao của ông ta muốn ‘chạy làng’ khỏi vụ Trịnh Xuân Thanh.
Vậy có giá trị gì cho lời hứa của một đương sự ‘đổ vỏ’, trong khi ngồi trên ông ta mới có thể là một đương sự khác - chính là người ‘ăn ốc’ - nhưng có quyền lực mang tính quyết định hơn nhiều, người mà nếu chính miệng ông ta nói rằng ‘sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức’ thì người Đức mới có chút cơ sở để tin đó là sự thật.
Nhưng bởi người ‘ăn ốc’ chưa bao giờ lộ mặt mà toàn bộ quy trình đàm phán vụ Trịnh Xuân Thanh chỉ phó thác cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, chẳng có gì chắc chắn là báo cáo và kiến nghị của Phạm Bình Minh sau cuộc đàm phán với Đức vào tháng 2 năm 2019 sẽ nhận được cái gật đầu dễ dàng của ‘Tổng chủ’.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 22/02/2019
Dấu hiệu quan hệ Việt-Đức đang sang trang (VOA, 22/02/2019)
Có dấu hiệu cho thấy Hà Nội và Berlin đang hàn gắn mối quan hệ bị sứt mẻ nặng nề sau vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, với chuyến công du của Phó Thủ Tướng kiêm Ngoại Trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đi thăm nước Đức.
Tư liệu : Phó Thủ Tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh. (AP Photo/Tran Van Minh)
Tại Berlin, ông Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam luôn luôn "trân quý quan hệ đối tác chiến lược với nước Đức", truyền thông trong nước tường thuật.
Hãng tin Reuters hôm 21/2 dẫn lời Ngoại trưởng Cộng hòa liên bang Đức Heiko Maas nói hôm 20/2 rằng ông sẽ thảo luận với Ngoại trưởng Việt Nam về việc nối lại quan hệ song phương, khép lại một giai đoạn đầy khó khăn mới đây vì vụ bắt cóc ộng Trịnh Xuân Thanh.
Trang mạng VNA cho biết trong cuộc gặp gỡ ở Berlin với ông Hans-Peter Friedrich, Phó Chủ tịch Quốc hội Đức, ông Phạm Bình Minh ca ngợi quốc hội Đức và Nhóm Thân hữu Đức-ASEAN trong quốc hội đã luôn theo sát tình hình Biển Đông.
Ông Minh kêu gọi Berlin hãy tiếp tục mạnh mẽ lên tiếng hậu thuẫn lập trường đúng đắn của Việt Nam và ASEAN, là giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển – UNCLOS. Ông Minh kêu gọi các bên hãy tự chế, không sử dụng vũ lực, đồng thời nên thực thi đầy đủ và một cách hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trong Biển đông (DOC), hướng tới việc hình thành một Bộ Quy tắc Ứng xử trong Biển Đông - COC.
Dịp này, Phó Thủ Tướng Việt Nam cũng đề nghị Quốc hội Đức hãy tiếp tục ủng hộ việc cấp viện trợ đầu tư phát triển (ODA) cho Việt Nam.
Về phần mình, Phó Chủ tịch Quốc hội Đức Hans-Peter Friedrich cũng bày tỏ hài lòng về các quan hệ đang phát triển giữa hai viện lập pháp Đức-Việt, và nói ông hy vọng rằng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước sẽ tiếp tục lớn mạnh.
Hai nhà lãnh đạo nêu bật tầm quan trọng của hiệp định thương mại tự do Việt-EU (EVFTA), và đồng ý hối thúc EU ký hiệp định này vì quyền lợi thương mại của cộng đồng doanh thương của cả hai bên.
Trong một buổi làm việc với Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức Peter Altmaier, ông Phạm Bình Minh nêu lên rằng Đức còn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên hiệp Châu Âu. Ông lưu ý về tiềm năng to lớn của thị trường Việt Nam cho giới đầu tư Đức.
Dịp này, Phó Thủ Tướng Phạm Bình Minh cảm tạ chính phủ Đức đã cấp viện trợ phát triển (ODA) cho Việt Nam trong nhiều năm qua, ông nói các dự án ODA đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp sự phát triển kinh tế và xã hội VN.
Ông Altmaier cam kết sẽ hợp tác với Việt Nam trong các dự án được tài trợ bằng ODA và loan báo nay mai sẽ khánh thành Deutsches Haus -Ngôi Nhà Đức ở Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đặt trụ sở của Tổng lãnh sự quán Cộng hòa Liên bang Đức và là nơi hoạt động của các doanh nghiệp, các trung tâm văn hóa xã hội và kinh tế của Đức tại Việt Nam. Đây được coi là một biểu tượng quan trọng trong việc đưa mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước tiến xa hơn nữa.
*******************
Đức nhắm đến việc thiết lập lại quan hệ với Việt Nam sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (RFA, 21/02/2019)
Ngoại trưởng Cộng hòa liên bang Đức Heiko Maas hôm thứ tư 20 tháng 2 năm 2019 cho biết ông sẽ nhân buổi họp với người đồng cấp phía Việt Nam để thảo luận về việc nối lại quan hệ giữa 2 nước sau những khác biệt trong quá khứ vì vụ bắt cóc cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas. Courtesy of Bộ Ngoại giao Việt Nam
Hãng tin Reuters hôm 21/1 dẫn lời quan chức của phía Đức cho biết như trên nhân chuyến thăm nước Đức của Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Ông Heiko Maas nói rằng Việt Nam là một đối tác chiến lược của Đức ở Đông Nam Á và ca ngợi Hà Nội đã đạt được tiến bộ quan trọng trong việc mở cửa nền kinh tế và ban hành các cải cách khác trong những năm gần đây. Đức là đối tác hàng đầu về thương mại của Việt Nam tại Liên minh Châu Âu.
Trong một tuyên bố được đưa ra Ngoại trưởng Đức nêu rõ :
"Trong quá khứ đã có những khác biệt đáng chú ý giữa Đức và Việt Nam, trên hết là vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.
Hôm nay chúng tôi muốn đạt được một thỏa thuận về việc thiết lập lại đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức và vun đắp bằng chất liệu mới".
Quan hệ giữa Đức và Việt Nam trở nên tệ hơn vào năm 2017 khi nước này cáo buộc Việt Nam đã dùng mật vụ để bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh khi đang xin quy chế tị nạn tại Berlin.
Ông Trịnh Xuân Thanh, cựu quan chức dầu khí Việt Nam, sau đó đột nhiên xuất hiện trên truyền thông Việt Nam và nói mình tự về Hà Nội để đầu thú, các phiên tòa sau đó tuyên ông này 2 án tù chung thân với cáo buộc tham ô tài sản và cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong một tuyên bố trước cuộc gặp ở Berlin với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, ông Maas nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền con người và các giá trị phổ quát trong bất kỳ quan hệ đối tác chiến lược nào. Hai quan chức đã không tổ chức một cuộc họp báo nào.
"Việt Nam, giống như Đức, cam kết tự do thương mại và đa phương. Việt Nam đã đảm nhận trách nhiệm toàn cầu ngày càng tăng và tham gia bảo vệ khí hậu.
Đây là tất cả các lĩnh vực mà Đức và Việt Nam có thể hợp tác chặt chẽ hơn trong tương lai", ông Maas cho hay.
Ngoại trưởng Heiko Maas cũng tiết lộ, Đức ủng hộ một thỏa thuận nhanh chóng về hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam.
Hai nước bắt đầu quan hệ ngoại giao vào năm 1975 và nâng mối quan hệ của họ lên quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2011 nhưng quan hệ này bị tạm hoãn vào năm 2017 khi Đức trục xuất 2 quan chức của Đại sứ quán Việt Nam về nước vì cho rằng họ có liên quan trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh và một cô gái từ đường phố Berlin về nước.
Báo chí nhà nước Việt Nam khi tường thuật về chuyến thăm Đức của ông Phạm Bình Minh không nhắc gì đến tuyên bố liên quan đến Trịnh Xuân Thanh của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas.
Theo tường thuật của TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc trong 2 ngày 20 và 21/2, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp với các lãnh đạo cấp cao của Đức như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Heiko Maas, Phó Chủ tịch Quốc hội Liên bang Đức Hans-Peter Friedrich và Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức Peter Altmaier.
Theo cơ quan thông tin chính thức của Nhà nước Việt Nam, sau cuộc gặp với Phó Chủ tịch Quốc hội Liên bang Đức Hans-Peter Friedrich, hai bên đã nhất trí tầm quan trọng của Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), và cho rằng cần thúc đẩy EU sớm ký và phê chuẩn EVFTA vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp hai nước ; đồng thời chia sẻ vai trò quan trọng của các cơ chế đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Trong các cuộc gặp, Phó Thủ tướng Việt Nam cũng đánh giá cao các dự án ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) của phía Đức và đề nghị Quốc hội Liên bang Đức tiếp tục ủng hộ cung cấp ODA cho Việt Nam.
********************
Đức muốn nối lại quan hệ với Việt Nam sau vụ Trịnh Xuân Thanh (VOA, 21/02/2019)
Ngoại trưởng Đức sẽ nhân cuộc họp với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh thảo luận chuyện nối lại các mối quan hệ bị rạn nứt sau vụ Berlin tố cáo Hà Nội bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, Ngoại trưởng Heiko Maas cho biết hôm 20/2. Ngoại trưởng Phạm Bình Minh của Việt Nam đang thực hiện chuyến thăm Đức từ ngày 20-21 tháng này.
Ông Trịnh Xuân Thanh, nhân vật chính trong vụ xích mích ngoại giao Việt-Đức.
Ông Maas nói Việt Nam là một đối tác quan trọng của Đức ở Đông Nam Á, đồng thời ca ngợi Hà Nội đã có những tiến bộ đáng kể trong việc mở cửa kinh tế và thi hành các cải cách khác trong những năm gần đây. Đức là bạn hàng số một của Việt Nam ở Châu Âu.
"Thời gian qua có những bất đồng đáng kể giữa Đức với Việt Nam, trên hết là về vụ bắt cóc công dân Việt Nam, Trịnh Xuân Thanh, ở Berlin", Ngoại trưởng Đức tuyên bố.
"Hôm nay chúng tôi muốn đạt thỏa thuận về chuyện lập lại đối tác chiến lược giữa Việt Nam với Đức và vun đắp bằng chất liệu mới", ông Maas nói.
Quan hệ đôi bên căng thẳng hồi 2017 sau khi Đức tố cáo Việt Nam vi phạm luật quốc tế qua việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, người đang xin tị nạn Đức, từ lãnh thổ Đức đem về Việt Nam tuyên án tù chung thân.
Một tòa án Đức hồi tháng 7 năm ngoái tuyên phạt một người gốc Việt 3 năm, 10 tháng tù sau khi ông này thú nhận đã tiếp tay với mật vụ Việt Nam bắt cóc ông Thanh.
Trong thông cáo công bố trước cuộc họp với Ngoại trưởng Phạm Bình Minh tại Berlin, Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân quyền và các giá trị chung trong bất kỳ đối tác chiến lược nào. Đôi bên không tổ chức họp báo sau cuộc họp.
"Việt Nam, cũng như Đức, cam kết tự do thương mại và đa phương", Ngoại trưởng Đức nói.
Ông Maas cũng cho biết thêm rằng Đức ủng hộ thỏa thuận tự do thương mại giữa Liên hiệp Châu Âu với Việt Nam.
Việt-Đức bắt đầu quan hệ ngoại giao vào năm 1975. Đến năm 2011, hai nước nâng mối quan hệ lên thành đối tác chiến lược.
Không có gì là quá muộn để người Đức quên lãng vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh khi phía Việt Nam vẫn cho rằng còn quá sớm để trao trả nhân vật này cho Berlin.
Thủ tướng Đức, Angela Merkel.
Chưa có gì gọi là ‘đóng hồ sơ’
Tròn một năm rưỡi sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã một lần nữa đề cập đến vụ này trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini, khi bà Merkel đến thăm và tham dự cuộc họp của nguyên thủ quốc gia của 4 nước Đông Âu là Hungary, Slovakia, Cộng hòa Czech và Ba Lan tại Bratislava - thủ đô Slovakia - vào tháng 1 năm 2019.
Thêm một dấu hiệu chẳng tốt lành gì, nếu không muốn nói là ‘rông nguyên năm’, cho Nguyễn Phú Trọng và bộ sậu Bộ Chính trị của ông ta.
Nếu trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin vào tháng 5 năm 2018, Thủ tướng Peter Pellegrini còn cười rất ngoại giao mà đã không trả lời thẳng câu hỏi của bà Merkel về dấu hỏi ‘Chính phủ Slovakia đã đóng vai trò gì trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Berlin đưa về nước hồi mùa hè năm ngoái ?’, đồng thời mạnh miệng khẳng định với đám đông các nhà báo vây quanh là Chính phủ Slovakia không dính dáng gì đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, thì từ sau đó đến nay Peter Pellegrini đã không còn lảng tránh trách nhiệm của người đứng đầu một nội các mà có thể bị tan vỡ bởi cơn địa chấn bắt cóc đang quốc tế hóa với tốc độ tên lửa này.
Không chỉ Thủ tướng Peter Pellegrini mà cả Tổng thống Slovakia Andrej Kiska đã phải xuất hiện vào tháng 8 năm 2018 để làm dịu sóng phun trào của ngọn núi lửa mang tên ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ chỉ chực chờ bùng tóe cả bầu trời xanh sẫm của đất nước Slovakia tươi đẹp, đặc biệt sau phản ứng quyết liệt từ các đảng đối lập ở Slovakia. Cáo buộc về sự dính líu của chính phủ Slovakia đã gây căng thẳng trong liên minh cầm quyền gồm ba đảng của nước này. Một đối tác phụ trong liên minh là Đảng Most-Hid thậm chí còn tuyên bố rằng họ sẽ không thể ở lại trong liên minh nếu tin tức mà báo chí loan tải được xác nhận là có thật.
Không phải ngẫu nhiên mà cả hai tờ báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức và báo Dennik N của Slovakia cùng ‘song kiếm hợp bích’ vào thời điểm tháng 8 năm 2018. Frankfurter Allgemeine Zeitung là tờ báo đã theo dõi và viết khá nhiều bài về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ nửa cuối năm 2017 đến nay, và vào năm 2018 đã tiết lộ thông tin Nhà nước Việt Nam sẽ trả lại Trịnh Xuân Thanh cho Đức để làm dịu khủng hoảng ngoại giao và cũng nhằm đạt được Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) được Nghị viện Châu Âu thông qua sớm.
Khủng hoảng Slovakia - Việt đã chính thức bắt đầu vào năm 2018 và còn vượt trên khủng hoảng Đức - Việt một bậc : trong khủng hoảng Đức - Việt, các cơ quan tư pháp Đức chỉ làm rõ chứng cứ vụ bắt cóc đến Nguyễn Hải Long và một quan chức công an bậc trung là Đường Minh Hưng trong bối cảnh chuyến đi Đức của tướng Hưng là lén lút chứ không công khai và càng không chính thức, thì chuyến đi của Bộ trưởng công an Tô Lâm đến Slovakia ngay sau khi xảy ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức, cùng cuộc gặp chính thức của Tô Lâm với bộ trưởng nội vụ Slovakia khi đó là Robert Kaliňák đã xác nhận rằng Tô Lâm là một đại diện chính thức của Chính phủ Việt Nam, là tiền đề kéo theo mức độ xung đột ngoại giao giữa Slovakia và Việt Nam là xung đột cấp nhà nước.
‘Những người Châu Á’ là ai ?
"Thưa bà Thủ tướng ! Trong năm gần đây, người ta biết rằng một doanh nhân người Việt Nam bị bắt cóc tại Berlin. Sau đó cũng có sự tham gia của cơ quan chính phủ Slovakia vào vụ bắt cóc này. Bà nhận thấy như thế nào, liệu lòng tin và sự hợp tác giữa hai nước có bị ảnh hưởng hay không và bà đánh giá cuộc điều tra của Slovakia đã tiến triển làm sáng tỏ đầy đủ chưa ?" - phóng viên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ), đặt câu hỏi.
"Vâng, chúng tôi đã bàn thảo ngắn về vấn đề này, vì tất nhiên chúng tôi quan tâm đến việc làm sáng tỏ vụ việc. Nhưng tôi không nghi ngờ gì về việc Slovakia đang làm tất cả những điều cần thiết để làm rõ vụ bắt cóc" - Thủ tướng Đức Merkel trả lời trong cuộc họp báo sau hội đàm giữa 2 nước Đức và Slovakia vào tháng 1 năm 2019.
Ngay sau khi báo chí Đức và Slovakia đăng tải loại bài điều tra về vụ ‘vận chuyển Trịnh Xuân Thanh’ ở sân bay Bratislava và bị đưa ra khỏi khu vực Schengen bằng bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia Chính phủ Slovakia đã chính thức mở cuộc điều tra về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ ngày 3/8/2018.
Theo Thoibao.de, hiện nay Tòa án Liên bang Đức vẫn đang thụ lý hồ sơ kháng nghị phúc thẩm của bị cáo Nguyễn Hải Long đã tiếp tay cho vụ bắt cóc. Dự kiến Tòa án Liên bang sẽ ra phán quyết cuối cùng trong ít tuần tới.
Điểm cần lưu ý là cuộc điều tra của Tổng Công tố Liên bang Đức cho đến nay vẫn chưa kết thúc, hiện nay vẫn đang tiếp tục tiến hành điều tra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Về phía Slovakia cũng vậy, vẫn tiếp tục điều tra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Công tố viên Sona Juřičková nói rằng, các thanh tra viên sẽ chỉ tập trung vào việc điều tra "những người Châu Á - mà có nhiều khả năng nhất là các công dân của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam", tức những người đã đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi Berlin.
Những diễn biến liên đới
Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Đức Angela Merkel lại nhắc lại một cách công khai với báo chí về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trong một hội nghị quốc tế hoàn toàn không liên quan gì đến vụ này.
Thông điệp tối thiểu mà bà Merkel muốn gửi đến chính quyền Việt Nam là người Đức vẫn kiên định nguyên tắc nhà nước pháp quyền và những đòi hỏi Việt Nam phải tôn trọng pháp luật Đức và trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức dù Thanh rất có thể là một quan chức tham nhũng, phải xin lỗi và cam kết không tái phạm, bất chấp phía Việt Nam đã tìm cách ‘câu giờ’ hoặc đánh bài lờ trong suốt một năm rưỡi qua.
Một thông điệp khác của bà Merkel mà có thể ngầm được hiểu là chiến dịch phối hợp giữa các cơ quan cảnh sát và công tố của Đức và Slovakia để điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc có thể đang đến hồi kết thúc, với những bằng chứng xác thực và đủ tính thuyết phục, để nếu Bộ Chính trị Việt Nam vẫn không chịu đáp ứng những đòi hỏi của Đức và Slovakia thì rất có thể sẽ là một cuộc họp báo liên quốc gia Đức - Slovakia để công bố những bằng chứng ấy cho toàn thế giới biết.
Cho tới nay, vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vẫn hầu như chưa được phía Việt Nam giải quyết với Đức, khiến cho mối quan hệ Đức - Việt vẫn đóng băng, quan hệ đối tác chiến lược giữa Đức và Việt Nam vẫn bị tạm ngừng, các chương trình viện trợ của Đức cho Việt Nam bị tạm hoãn và kéo theo rất nhiều khó khăn cho giới doanh nhân Việt Nam sang Đức làm ăn và với giới Việt kiều sinh sống tại Đức.
Trong khi đó, tương lai của những tháng tiếp tới trong quan hệ Slovakia - Việt Nam là cực kỳ khó đoán định. Sẽ không loại trừ khả năng do phải chịu áp lực từ dư luận đủ lớn tại Slovakia, từ Chính phủ Đức và từ giới báo chí quốc tế, phản ứng tối thiểu của Chính phủ Slovakia đối với Việt Nam sẽ là hạ cấp mối quan hệ ngoại giao và thương mại mà được xem là ‘tốt đẹp’ trước đây.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng công an Việt Nam là Tô Lâm - nhân vật bị Đức và Slovakia nghi ngờ là đã dẫn đầu ‘đoàn đại biểu Việt Nam’ quá cảnh ở sân bay Bratislava để ‘vận chuyển’ Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam - đã được đích thân ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng thăng cấp hàm đại tướng vào tháng Giêng năm 2019.
Cũng vào tháng Giêng năm 2019 lại nổ ra một vụ việc mà đang được dư luận đánh giá là có thể phát triển thành vụ ‘Trịnh Xuân Thanh thứ hai’ : một blogger được xem là bất đồng chính kiến - ông Trương Duy Nhất - khi đang làm thủ tục tị nạn chính trị tại Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Bangkok, đã bị mất tích. Ngay sau đó đã bùng nổ nhiều đồn đoán về khả năng blogger này đã bị một cơ quan an ninh (công an hoặc quân đội) của Việt Nam tổ chức bắt cóc ngay trên đất Thái. Đồng thời, có tin cho biết Nhà nước Đức rất quan tâm đến vụ Trương Duy Nhất vì vụ này có nhiều chi tiết giống với vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 13/02/2019
Thủ tướng Đức đề cập đến vụ Trịnh Xuân Thanh trong chuyến thăm Slovakia (RFA, 11/02/2019)
Bà thủ tướng Đức, Angela Merkel, trong chuyến thăm Slovakia hôm 7 tháng 2 đề cập đến vụ Việt Nam sang Đức bắt cóc cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh rồi đưa qua ngả Slovakia về Việt Nam.
Hình minh họa. Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini bắt tay sau cuộc họp báo ở cung điện Brastislava hôm 7/2/2019 - AFP
Mạng báo Slovak Spectator loan tin dẫn phát biểu của bà Merkel với báo giới là hai phía Đức và Slovakia cũng có thảo luận về vụ bắt cóc vừa nêu.
Bà Angela Merkel được dẫn lời nói rằng không nghi ngờ gì về việc Slovakia đang thực hiện mọi việc để điều tra vụ bắt cóc.
Slovak Spectator cũng dẫn phát biểu của thủ tướng Slovakia, ông Peter Pellegrini, rằng các nhóm điều tra đang tiến hành thu thập chứng cứ, những nghi phạm đã bị tạm giữ. Ông này nói thêm tình hình tại Slovakia đang ổn định và hãy để cho các viên chức điều tra thực hiện công tác của họ.
Vụ bắt cóc cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh diễn ra vào cuối tháng 7 năm 2017. Tin tức cho biết ông Trịnh Xuân Thanh bị phía chức năng Hà Nội bắt cóc ngay tại Berlin khi ông này đang đệ đơn xin qui chế tỵ nạn tại Đức.
Tin cho biết tiếp sau đó ông Trịnh Xuân Thanh được một phái đoàn do chính ông Bộ Trưởng Công An Tô Lâm dẫn đầu thăm Slovakia đưa qua Nga bằng máy bay công vụ mượn của chính phủ Bratislava.
Ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên truyền hình Việt Nam với lời tự thú và sau đó vào đầu năm 2018 bị tòa Việt Nam tuyên án chung thân với cáo buộc tham nhũng.
Do vụ ông Trịnh Xuân Thanh, quan hệ đối tác chiến lược giữa Đức và Việt Nam bị ngưng lại. Slovakia cũng tuyên bố ngưng quan hệ với phía Việt Nam cho đến khi nào Hà Nội có giải thích thỏa đáng về vụ Trịnh Xuân Thanh.
Công luận hiện cũng đang xôn xao về tình trạng mất tích của blogger, nhà báo bất đồng chính kiến Trương Duy Nhất khi đến Thái Lan tìm qui chế tỵ nạn vào tháng 1 vừa qua.
*******************
Đức chưa bỏ qua vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (Người Việt, 09/02/2019)
Trong bối cảnh vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tưởng chừng như đã được dàn xếp để khép lại giữa Đức và Việt Nam thì tờ Slovak Spectator của Slovakia hôm 7 tháng Hai bất ngờ cho hay Thủ tướng Đức Angela Merkel đề cập vụ này trong chuyến thăm nhằm cải thiện quan hệ với Slovakia.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini họp báo chung tại Bratislava, Slovakia ngày 7 tháng Hai, 2019. (AP Photo/Petr David Josek)
Tờ báo tường thuật : "Trong cuộc hội đàm, Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đồng cấp Peter Pellegrini đã thảo luận về trường hợp của doanh nhân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh, người bị bắt cóc ở Đức và đưa về Việt Nam qua ngả Slovakia, bằng cách tận dụng máy bay của chính phủ nước này".
Bà Merkel được báo Slovak Spectator dẫn lời: "Tôi không có nghi ngờ gì về việc Slovakia đang làm mọi thứ để điều tra vụ bắt cóc này".
"Các nhóm điều tra vẫn đang thu thập thêm bằng chứng trong vụ này", Thủ tướng Pellegrini nói và cho biết thêm rằng nghi phạm chính đã bị bắt giam.
Tiết lộ của báo Slovak Spectator cho thấy Đức chưa "bỏ qua" cho nhà cầm quyền Việt Nam về vụ Trịnh Xuân Thanh trong lúc Đại sứ Nguyễn Minh Vũ vừa trình quốc thư.
Theo VietnamPlus, ngày 8 tháng Hai, Nguyễn Minh Vũ, đại sứ Việt Nam tại Đức đã trình quốc thư lên Tổng Thống Frank-Walter Steinmeier.
Tờ báo cho hay : "Đại sứ Vũ khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Đức, đối tác hàng đầu của Việt Nam tại EU trên hầu hết các lĩnh vực".
Hệ lụy của vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là quan hệ ngoại giao Đức-Việt Nam đã rơi vào khủng hoảng trong nhiều tháng liền. Đồng thời, vụ này còn khiến Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu–Việt Nam (EVFTA) được dự báo gần như không thể thông qua trong năm 2019 vì vụ bắt cóc là bằng chứng rõ rệt nhất cho tình trạng vi phạm nhân quyền và coi thường luật pháp quốc tế của Việt Nam.
Dường như tình hình vận động cho EVFTA chưa được cải thiện vì Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc được ghi nhận đã tránh gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Hội nghị Davos diễn ra hồi trung tuần tháng Giêng, 2019.
Liên quan đến vụ này, hồi cuối năm 2018, giới quan sát suy đoán rằng Việt Nam sẽ "gửi trả" ông Thanh, người đang thụ hai án chung thân ở Hà Nội, cho nước Đức để nhằm cứu vãn quan hệ. Tuy nhiên, đến nay, điều đó chưa xảy ra.
Bà Nguyễn Thanh Mai, thành viên của Văn Lang, một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong cộng đồng người Việt Nam tại Châu Âu bình luận trên trang Luật Khoa Tạp Chí hôm 9 tháng Hai : "Đã sang năm 2019 và hiệp định EVFTA vẫn chưa thấy đâu. Trên trang mạng của Quốc hội Châu Âu có thể đọc thấy lý do của sự chậm trễ này là tình trạng nhân quyền hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa được cải thiện và diễn biến trong lĩnh vực này có thể dẫn đến việc Quốc hội hoãn hoặc từ chối chấp nhận phê chuẩn".
Bà Mai dẫn chứng là trong năm 2017, các tòa án tại Việt Nam do Đảng cộng sản kiểm soát "đã kết án 15 blogger và các nhà hoạt động", và con số đó "tăng gần ba lần, lên tới 42 người trong năm 2018". (T.K.)
Điều tra viên Slovakia bác đơn khiếu tố trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (VOA, 04/12/2018)
Nhân viên Điều tra viên của Bộ Nội vụ Slovakia đã bác bỏ đơn khiếu tố hình sự trong vụ công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc sử dụng đã sử dụng một chiếc máy bay đặc biệt của chính phủ Slovakia, theo trang The Slovak Spectator.
Ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trong một phiên tòa tại Việt Nam.
Bộ phận báo chí của Bộ Nội vụ Slovakia nói với hãng tin SITA rằng : "Ông ấy đi tới quyết định này vì không có lý do gì để truy tố hình sự hay hành động nào khác. Quyết định đó được công tố viên giám sát xác nhận. Viên công tố này cũng đã bác bỏ đơn khiếu nại do một người cung cấp tin trong vụ việc này trình lên".
SITA trích thông tin từ Bộ Nội vụ cho biết : "Cơ quan cảnh sát điều tra đã quyết định công bố quyết định bác bỏ khiếu nại tội phạm này vì sự việc được công chúng quan tâm và bởi vì nhân viên điều tra viên đã đồng ý như vậy".
Trước đó, hồi tháng 10, báo Denník N daily đã đưa tin rằng hai sĩ quan cảnh sát nói với các điều tra viên người Slovakia rằng khi ở tại sân bay, họ đã trông thấy ông Trịnh Xuân Thanh được đưa vào một chiếc máy bay của chính phủ.
Vào đầu tháng 10, Công tố viện Slovakia đã quyết định khởi tố vụ án dùng chuyên cơ chính phủ Slovakia đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen.
Bộ Nội vụ Slovakia đã cho 44 nhân viên được miễn trách nhiệm bảo mật thông tin để phục vụ cuộc điều tra, nghĩa là họ được phép khai tất cả cho cơ quan điều tra.
Các nhân viên này thuộc các bộ, ngành và cảnh sát hộ tống cùng những người phục vụ cho chuyến đến thăm và làm việc của Bộ trưởng Tô Lâm với Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak hôm 26/07/2017
Bộ trưởng Nội vụ Slovakia vào lúc đó là ông Robert Kaliňák đã bác bỏ bất kỳ sự can dự nào của Slovakia trong vụ việc này.
**************
Hai cựu quan chức Lê Mạnh Hà và Nguyễn Trọng Dũng bị kỷ luật (RFA, 04/12/2018)
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Lê Mạnh Hà và Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Dũng bị kỷ luật do có trách nhiệm liên quan trong Dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu An Viên (AVG).
Ông Lê Mạnh Hà, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ bị kỷ luật liên quan thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG. Courtesy : Ảnh chụp màn hình dantri.com.vn
Truyền thông trong nước, vào ngày 4 tháng 12 loan tin vừa nêu, dẫn thông báo theo Quyết định 1673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lê Mạnh Hà và thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Trọng Dũng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào trung tuần tháng 11 cũng đã thi hành kỷ luật về Đảng đối với ông Lê Mạnh Hà và ông Nguyễn Trọng Dũng.
Thanh tra Chính phủ, vào ngày 14/3/2018, công bố kết luận điều tra vụ việc MobiFone mua lại 95% cổ phần của AVG. Theo đó, đây là vụ án kinh tế nghiêm trọng với nguy cơ thiệt hại hơn 7000 tỷ đồng của Nhà nước do mua phải nợ phải trả hơn 1100 tỷ đồng của AVG.
Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ sai phạm của 4 bộ ngành, bao gồm Bộ Thông Tin - Truyền Thông, Bộ tài chính, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công An trong quá trình từ khâu thẩm định dự án, tham mưu phê duyệt và phê duyệt dự án.
Cho đến nay, trong vụ Mobifone mua AVG có ba cựu bộ trưởng bị kỷ luật gồm hai ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đều là cựu Bộ trưởng Bộ Thông Tin-Truyền Thông và ông Bùi Quang Vinh, cựu Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch- Đầu Tư.
********************
Foxconn, nhà lắp ráp lớn nhất của iPhone cân nhắc vào VN (BBC, 04/12/2018)
Tập đoàn Foxconn Technology, nhà sản xuất, lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple, đang có kế hoạch mở một nhà máy iPhone mới tại Việt Nam.
Foxconn là công ty Đài Loan
Dự án này được coi như bước đi nhằm giảm thiểu tác động của cuộc thương chiến Mỹ-Trung.
Foxconn đang trong quá trình đàm phán với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội về việc mở nhà máy, theo báo chí Việt Nam.
Việt Nam và Thái Lan được nhắc tới như những điểm đến ưa thích để các công ty chuyển dịch hoạt động tới nhắm 'tránh bão' cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc, tuy vẫn bị coi là các thị trường thiếu nhân công có tay nghề và cơ sở hạ tầng chưa tốt, Reuters tường thuật.
Foxconn đã có mặt nhưng làm các dịch vụ khác ở VN
Hãng Foxconn của Đài Loan vốn đã có sự hiện diện tại Việt Nam với hoạt động sản xuất điện thoại di động hiệu Nokia.
Ngoài ra, Sharp Group thuộc sở hữu của Foxconn cũng có nhà máy tại Việt Nam.
Chính thức vào Việt Nam từ 3/2007, cho tới nay, Foxconn đã có ba cơ sở nhà xưởng tại Việt Nam, một tại tỉnh Bắc Ninh và hai tại tỉnh Bắc Giang.
Tại nhà máy ở Bắc Ninh, Foxconn sử dụng trên 34 ngàn lao động, và doanh thu năm 2016 đạt trên 1,5 tỷ đô la, VietNam News tường thuật.
Việc đưa hoạt động sản xuất sang thị trường Việt Nam và các thị trường khác còn phụ thuộc vào diễn tiến của cuộc thương chiến Mỹ-Trung, và Foxconn hiện đang trong giai đoạn đánh giá tình hình, trang tin United Daily News của Đài Loan nói.
Một lao động nữ của Samsung - hình minh họa
Nếu như Foxconn đem hoạt động lắp ráp iPhone vào Việt Nam, thì đây sẽ là bước đi làm rung chuyển ngành sản xuất điện thoại di động tại thị trường này.
Việt Nam là nơi hiện Samsung đang đóng vai trò hàng đầu, nên sự xuất hiện của một tập đoàn lớn nữa sẽ tạo sự cạnh tranh lớn hơn trong mảng nhân công và đem lại nhiều cơ hội làm ăn hơn cho các nhà cung ứng địa phương, theo đánh giá của báo Đầu tư Nước ngoài.
Cho đến nay, Samsung là hãng có đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam, sử dụng khoảng 160 ngàn lao động tại các nhà máy của hãng ở quốc gia này.
Trong năm 2015, hoạt động của hãng tại Việt Nam xuất khẩu khoảng 32,5 tỷ đô la, với 50% tổng điện thoại di động của hãng được lắp ráp tại Việt Nam.
Riêng hai nhà máy của Samsung tại Bắc Ninh đã cung ứng 200 triệu điện thoại di động cho toàn cầu.
*******************
Giữ con hay giữ việc ? Nữ thực tập sinh Việt ở Nhật phải chọn (VOA, 04/12/2018)
Nhiều thực tập sinh nước ngoài ở Nhật Bản đang bị dồn vào tình huống phải làm một chọn lựa vô cùng khó khăn. Nữ thực tập sinh lỡ mang thai bị chủ nhân hoặc các tổ chức liên hệ buộc phải chọn : giữ việc hay giữ con ?
Lao động Việt Nam ở Nhật Bản (Ảnh chụp màn hình VnEconomy)
Trong một số trường hợp, các tổ chức đào tạo để chuẩn bị cho chương trinh học nghề cấm thực tập sinh có quan hệ tình cảm, nếu mang thai sẽ bị phạt vạ. Các chuyên gia pháp lý lo ngại những cách hành xử này có thể cấu thành tội vi phạm nhân quyền.
Báo Asahi Shimbun của Nhật Bản thuật lại câu chuyện của một thực tập sinh Việt Nam, bị dằn vặt trước quyết định liệu có nên phá thai để tiếp tục làm việc hầu trả nợ cho gia đình, hoặc rời Nhật Bản để có thể giữ giọt máu của mình, rốt cuộc đã chọn giải pháp chạy trốn khỏi nơi làm việc.
Cô gái 22 tuổi đã tìm đến một nhà tạm trú do một tổ chức nhân quyền điều hành ở Tokyo để ẩn náu. Cô tâm sự : "Em có thai hai tháng". Cô cho biết chỉ phát hiện ra mình có thai sau khi hoàn tất 1 tháng đào tạo tiền thực tập. Theo lời kể thì cha của thai nhi là một người đàn ông Việt Nam cô gái quen trước khi sang Nhật, nhưng ông này đã chối bỏ, nói ông không phải là cha của thai nhi.
Cấp trên của cô ra tối hậu thư và đề nghị có thể cho cô thuốc phá thai nếu cần :
Xuất thân từ một khu vực nghèo ở miền Bắc, cô gái sang làm việc tại một hãng sản xuất giấy ở Tây Nhật Bản theo một chương trình đào tạo thực tập sinh. Cô cho biết cô quyết định đi Nhật vì gia đình túng bấn do mẹ cô lâm trọng bệnh phải chữa trị, đẩy cả gia đình vào tình cảnh mang nợ nần. Bà của cô đã phải mượn 1 triệu yen, tương đương 8,813 đôla, để đưa cô sang Nhật Bản.
Qua các dịch vụ kết nối mạng, cô thiếu nữ lâm vào đường cùng kêu cứu Sơ Maria Lan, một nữ tu Công giáo ở Kawaguchi, quận Saitama. Và Công đoàn Lao động Zentouitsu thu xếp để cô thoát khỏi tình trạng bế tắc này.
Tại một cơ sở đào tạo tiền thực tập ở miền Tây Nhật Bản, các ứng viên buộc phải ký vào đơn, chấp nhận các điều kiện như "cấm có quan hệ tình cảm với người khác phái". Các quy định nêu lên rõ rệt "phái nam và phái nữ không được tới phòng thăm viếng nhau".
Tuy các quy định đó chỉ áp dụng cho các thực tập sinh trong thời kỳ trước thực tập, đơn này còn có thêm một điều khoản đòi hỏi các thực tập sinh phải "tuân thủ các quy định của công ty, vốn về phần lớn cũng tương tự như những quy định của chúng tôi, thế cho nên đừng mất cảnh giác, và tiếp tục tuân thủ các quy định ấy trong 3 năm tới".
Trong một tài liệu phân phối cho các giảng viên, cơ sở này ghi rõ :
"Nếu muốn sinh con, một nữ thực tập sinh bị buộc phải trở về nước và trả tiền phạt".
Sơ Lan cho biết bà đã nhận hàng loạt email và điện thoại kêu cứu của các nữ thập sinh người Việt lâm vào cảnh tương tự như trong câu chuyện này. Sơ Lan kể chuyện về một thai phụ 32 tuổi có ý định quyên sinh sau khi chạy trốn khỏi nơi làm việc vì bị chủ nhân buộc phải rời Nhật Bản.
Đền Nisshinkutsu ở một quận nhỏ tại Tokyo đã từng làm lễ tang cho một số học sinh và thực tập sinh chết ở Nhật Bản. Từ năm 2012 tới cuối tháng Bảy năm 2018, đền này ghi nhận có 101 ca tử vong, trong số này có 24 trẻ sơ sinh chết trong bụng mẹ, hoặc bị phá.