Tổng Giám đốc dầu khí Nghệ An giúp đưa Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài bị bắt (RFA, 27/11/2018)
Ông Đường Hùng Cường, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư - thương mại dầu khí Nghệ An bị bắt hôm 21/11 do liên quan đến đường dây đưa ông Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài.
Ông Đường Hùng Cường (bên trái) và Trịnh Xuân Thanh (phải) - Courtesy Cafef & AFP, RFA edit
Mạng báo Tuổi Trẻ ngày 27/11 dẫn nguồn tin giấu tên từ Công an Nghệ An cho hay, việc bắt giữ thực hiện bởi Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an sau đó cùng với công an tỉnh này khám xét nhà ông Cường tại xóm 17, xã Nghi Phú, TP Vinh (Nghệ An).
Tuy nhiên, Phó Tổng giám đốc thường trực công ty dầu khí Nghệ An lại cho biết, chưa nhận được thông báo chính thức từ Công an về việc bắt ông Cường.
Ông Đường Hùng Cường, năm nay 41 tuổi, có trình độ Kiến trúc sư và Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh quốc tế. Ông này giữ chức Tổng Giám đốc công ty dầu khí Nghệ An từ tháng 11 năm 2009 cho đến nay.
Theo báo "The Guardian" của Anh, ông Trịnh Xuân Thanh mang hộ chiếu ngoại giao đã bỏ trốn qua Lào vào khoảng cuối tháng 7/2016, ông đến Thái Lan, sau đó sang Thổ Nhĩ Kỳ để tới nước Đức.
Ngày 31/07/2017, báo chí nhà nước loan tin việc nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh đột nhiên xuất hiện tại Trực ban hình sự Bộ Công an tại Hà Nội đầu thú.
Nước Đức sau đó cáo buộc các mật vụ Việt Nam đã tổ chức bắt cóc ông Thanh tại Berlin hôm 23/7 năm ngoái.
Vụ việc này gây ra căng thẳng ngoại giao giữa Việt Nam và các nước Châu Âu như Đức, Slovakia...
Hôm 25/07/2018, Tòa án Đức tuyên án 3 năm 10 tháng tù giam đối với ông Nguyễn Hải Long, quốc tịch Séc vì bị cáo buộc tham gia trợ giúp mật vụ Việt Nam bắt cóc cựu quan chức ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức.
Ông Trịnh Xuân Thanh hồi đầu năm 2018 bị tuyên 2 án chung thân với tội danh "Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng", và "Tham ô tài sản" xảy ra tại công ty PVN và PVC.
**********************
Một Tổng Giám đốc dầu khí bị bắt do dính líu đến vụ Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn (VOA, 27/11/2018)
Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an Việt Nam, cách đây ít ngày đã bắt giữ ông Đường Hùng Cường, lãnh đạo một công ty dầu khí ở Nghệ An do "liên quan đến đường dây đưa Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài", theo tin hôm 27/11 trên các trang Sputnik Việt Nam và Msn Tin tức.
Ông Trịnh Xuân Thanh ra tòa hồi tháng 1/2018
Trang Msn dẫn lại tin của Tuổi Trẻ, trong khi Spunik không thể hiện tin gốc được lấy từ nguồn nào ở Việt Nam, dù nội dung không khác gì tin của Tuổi Trẻ.
Bản tin đăng trên Msn nói một nguồn tin từ Công an Nghệ An cho Tuổi Trẻ biết vụ bắt giữ ông Đường Hùng Cường, 41 tuổi, đã diễn ra hôm 21/11. Ở thời điểm bị bắt, ông là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư - thương mại dầu khí Nghệ An.
Vẫn theo bản tin, Cục Cảnh sát Hình sự của bộ cũng đã phối hợp Phòng Cảnh sát Hình sự của Công an tỉnh Nghệ An khám xét nhà ông Cường ở thành phố Vinh.
Tin tức về vụ bắt giữ được trang web của báo Tuổi Trẻ đăng lên lúc 4h chiều ngày 27/11 nhưng đến khoảng 6h chiều cùng ngày đã không còn tồn tại.
VOA cố liên lạc với Cục Cảnh sát Hình sự để xác nhận tin này song họ không phản hồi. Trong khi đó, một nguồn tin báo chí ở Việt Nam nắm thông tin về vụ việc khẳng định với VOA rằng việc bắt giữ "chắc chắn đã diễn ra", và nhận định rằng có thể Tuổi Trẻ phải rút lại tin vì "đường dây liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh nó lớn thế nào đó".
Ông Trịnh Xuân Thanh, 51 tuổi, từng là chủ tịch của PVC, một công ty trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đã bỏ trốn sang Đức khi bị truy tố liên quan đến một vụ án tham nhũng.
Hồi tháng 7/2017, ông Thanh được đưa trở lại Việt Nam sau một diễn biến mà chính quyền Đức cáo buộc là "các đặc vụ Việt Nam bắt cóc"ông Thanh khi ông đang xin tị nạn. Ngược lại, Hà Nội bác bỏ cáo buộc đó và trưng ra bằng chứng là ông Thanh đã "đầu thú".
Đầu năm nay, ông Thanh bị một tòa án Việt Nam kết án chung thân về tội tham ô.
****************
Lãnh đạo Đà Nẵng nói 'Có quyết tâm rất lớn' để xử Vũ 'Nhôm' (BBC, 27/11/2018)
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói với cử tri thành phố rằng các vụ án liên quan ông Vũ 'Nhôm' sẽ "được xử đến nơi đến chốn".
Ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ 'nhôm')
Tin mới nhất trên các báo Việt Nam cho hay ông Phan Văn Anh Vũ 'có hộ chiếu Antigua'.
Ông Nghĩa tiếp xúc cử tri Đà Nẵng ngày 27/11, cùng lúc khi ông Phan Văn Anh Vũ, lần thứ hai ra tòa ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Vũ, cùng ông Trần Phương Bình nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DAB), và 24 người ra tòa hôm 27/11.
Từ Đà Nẵng, nói với cử tri, ông Trương Quang Nghĩa phát biểu rằng ông Vũ "nhôm" đã và sẽ trải qua ít nhất ba phiên tòa của ba vụ án khác nhau.
Mới đây, ông Phan Văn Anh Vũ, 43 tuổi, được tòa ở Hà Nội giảm một năm, còn 8 năm tù trong vụ xử vì tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.
Trong vụ thứ hai ở Ngân hàng Đông Á, ông Vũ bị truy tố tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản".
Theo cáo trạng, ông Vũ đã chiếm đoạt 12,73% cổ phần của ngân hàng Đông Á, gây thiệt hại cho đơn vị này 200 tỷ đồng.
Phát biểu với cử tri Đà Nẵng ngày 27/11, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nói về vụ án ở ngân hàng Đông Á : "Vụ này cũng rất nặng nề, tội của Vũ nhôm rất nặng nề, mức án có lẽ rất cao".
Ông Trương Quang Nghĩa nói tiếp : "Còn vụ thứ ba là lạm dụng chức vụ quyền hạn, vụ này có liên quan trực tiếp Đà Nẵng".
"Với quyết tâm của Đảng, chính phủ, các vụ án như Vũ nhôm sẽ được xử đến nơi đến chốn. Tới đây, không xa lắm, cử tri sẽ thấy các bước tiếp theo".
"Có những người bị kỷ luật Đảng, nhưng có những người bị điều tra, khởi tố. Riêng vụ án Vũ nhôm, đang có sự quyết tâm rất lớn", ông Nghĩa nói.
Vụ Tất Thành Cang
Ông Nghĩa cũng nói thêm về vụ kỷ luật Phó Bí thư Thường trực Thành phố Hồ Chí Minh Tất Thành Cang.
"Về ông Tất Thành Cang, quý vị cử tri hơi sốt ruột về xử lý".
"Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Tất Thành Cang có những sai phạm rất nghiêm trọng. Mà ủy ban kết luận rất nghiêm trọng, quý vị cử tri có thể hình dung mức độ kỷ luật đến đâu".
"Theo quy trình, hiện nay ông Tất Thành Cang đang phải dự các cuộc họp kỷ luật từ cấp chi bộ trở lên. Trong thời gian sớm nhất của Hội nghị Trung ương, mức độ sai phạm, kỷ luật ông Cang thế nào, cũng sẽ sớm được biết thôi", ông Nghĩa cho hay.
Trong khi đó, chiều 27/11, gặp cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nói về trường hợp ông Tất Thành Cang.
"Tháng 12 tới, Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo Bộ Chính trị. Sau đó, Bộ Chính trị sẽ có mức kỷ luật chính thức đối với ông Cang", ông Nhân nói.
*******************
Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin 13 lãnh đạo các ban của Báo Thanh Niên bị cho thôi chức vì không phải là đảng viên cộng sản.
Một người đọc báo Thanh Niên trên vỉa hè ở Hà Nội hôm 22/9/2018 AFP
Nhà văn Nguyễn Viện, Cựu Trưởng ban Văn Nghệ báo Thanh Niên tối ngày 24/11 xác nhận với Đài Á Châu Tự Do thông tin "13 lãnh đạo các ban của báo Thanh Niên bị cho thôi chức vì không phải là đảng viên Cộng sản"là đúng, nhưng ông cho rằng đây là "việc chẳng đặng đừng". Ông Nguyễn Viện cho biết ông nhận được thông tin này từ những nguồn tin cẩn ở báo Thanh Niên.
Ngày 26/11, Đài Á Châu Tự Do gửi email tới tòa soạn báo Thanh Niên để hỏi về vụ việc nhưng không nhận được phản hồi.
Các tờ báo nhà nước không đưa dòng nào về vụ việc. Đài Á Châu Tự Do cũng không có nguồn độc lập để xác nhận.
Ngày 23/11, thông tin từ tài khoản Facebook cá nhân của nhà báo Ngô Thị Kim Cúc từng làm ở tờ báo này cho hay có tổng cộng 13 người thâm niên ở tờ báo này bị xuống chức.
Cụ thể, có 2 Trưởng ban Văn Nghệ và Mạng xã hội là Thu Nga và Kim Trí bị cho thôi chức, các ban còn lại như Giáo dục, Thể Thao, Công tác bạn đọc, Phóng viên Báo Điện tử chức Phó bị "rớt".
Các ban không quan trọng như Tài vụ hay Quảng cáo, chức vụ Phó ban cũng bị "sờ tới"; riêng Tòa soạn tiếng Anh thì có ông Thế Vinh, Thư ký tòa soạn.
Theo nhà văn Nguyễn Viện, cho đến tối 24/11 những người bị cho thôi chức chưa nhận được văn bản chính thức và xảy ra sự việc nhiều người nòng cốt của tờ báo không phải là đảng viên Cộng sản bắt nguồn từ việc chống chủ nghĩa lý lịch của Tổng Biên tập cũ Nguyễn Công Khế.
"Thông tin đó tất nhiên có lẽ trong tòa soạn thì ai cũng biết, cái lý do gì dẫn đến tình trạng trên thì tôi biết do quy định chung tất cả các Trưởng Phó ban nói riêng hay nói chung, những người tạm gọi là các quan chức trong chính quyền này đều phải là Đảng viên. Riêng trường hợp báo Thanh Niên sở dĩ xảy ra sự việc như hôm nay là nó có tiền sử của nó, bởi vì trước kia ông Nguyễn Công Khế là Tổng biên tập, có lẽ ổng là người đầu tiên phát động chiến dịch chống lại chủ nghĩa lý lịch. Bởi thế khi mà tuyển phóng viên vào Thanh niên hay đề bạt các chức vụ thì không bao giờ báo Thanh Niên đặt vấn đề có đảng viên hay không, hay là lý lịch gốc gác như thế nào mà chủ yếu xét trên năng lực. Và chính vì lý do đó mà nó có hiện tượng là cho đến hôm nay có mười mấy trưởng phó ban không phải là Đảng viên",nhà văn Nguyễn Viện nói với RFA qua ứng dụng Skype.
Hồi tháng 8/2017, Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam ra Quyết định số 89 có chữ ký của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Trong quyết định này thì về mặt chính trị tư tưởng, cán bộ quản lý, lãnh đạo phải "chấp hành chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình".
Ngoài ra, cán bộ phải "đặt lợi ích của Đảng, quốc gia - dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân", một quy định khác mà nhiều người nói tới là "có ý thức nghiên cứu, học tập, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh".
"Những gì mà tôi biết được thì báo Thanh Niên cũng bị thúc ép về vấn đề này, tất là phải làm theo quy định là Trưởng, Phó ban phải là Đảng viên. Mà đến giờ này mới phải thi hành thì tôi nghĩ lý do riêng của nó phải thuộc về tổ chức cơ quan, mà có lẽ mình nhìn cách tổng thể bên ngoài nhìn vào báo Thanh Niên thì hiện nay đây là lực lượng nòng cốt của tờ báo. Trong tình trạng hiện nay mà những người này bị cho thôi chức thì báo Thanh Niên rất khó khăn trong việc điều hành công việc. Có lẽ vì vậy mà cho đến nay Thanh Niên mới phải thi hành việc này, có lẽ là việc chẳng đặng đừng",nhà văn Nguyễn Viện nhận định.
Ông Viện cũng cho rằng, giải pháp tạm thời hiện nay là 13 người này vẫn sẽ xử lý các công việc như Trưởng, Phó ban bình thường, tuy nhiên sau này "nếu ai cảm thấy có thể vào Đảng được thì họ sẽ cứu xét và phục chức sau".
Danh sách các lãnh đạo báo Thanh Niên bị thôi chức được lan truyền trên FB - Courtesy FB
"Còn như người nào cảm thấy mình không thích hợp để vào đảng thì họ vẫn giữ lập trường của họ và báo Thanh Niên sẽ kiếm người khác", nhà văn từng có thâm niên 7 năm ở báo Thanh Niên chia sẻ.
Báo Thanh Niên trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam ra đời vào năm 1986, khi đó gọi là Tuần Tin Thanh niên.
Tháng 7/2017, báo Thanh niên bị Bộ Thông tin & Truyền thông xử phạt 15 triệu đồng vì bị cho là thông tin sai sự thật trong bài "Doanh nghiệp tặng xe sang được tỉnh "xử nhẹ"sai phạm".
Tháng 12/2016, Phó Tổng Biên tập Đặng Ngọc Hoa (Đặng Việt Hoa) bị thu thẻ nhà báo vì đã bị xử lý kỷ luật cảnh cáo.
Một lãnh đạo khác là ông Võ Văn Khối cũng bị thu thẻ nhà báo vì bị xử lý kỷ luật cách chức ủy viên Ban Biên tập, Tổng thư ký tòa soạn báo in báo Thanh niên tiếng Việt.
Trước đó vào tháng 10/2016, báo Thanh Niên cùng Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố nhiều loại nước mắm của Việt Nam có nhiễm thạch tín gây xôn xao dư luận.
Báo này bị xử phạt 200 triệu trong vụ "mập mờ giữa Arsen hữu cơ và vô cơ".
Tháng 9/2015, ông Đỗ Hùng - Phó Tổng thư ký tòa soạn Báo điện tử Thanh niên bị miễn nhiệm chức vụ và thu hồi thẻ nhà báo vì viết một bài trên Facebook kể về "cách mạng Việt Nam" với toàn dấu sắc mang tính chất trào phúng.
Cuối năm 2018, đồng sáng lập tờ báo và là Tổng Biên tập có thâm niên nhất Nguyễn Công Khế bị mất chức và điều chuyển sang "giữ ghế" Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty truyền thông Thanh Niên và Giám đốc Hãng phim Thanh Niên.
Thanh Niên là một trong số hơn hàng trăm cơ quan báo chí được phép hoạt động ở Việt Nam. Tất cả các cơ quan báo chí ở Việt Nam dù có các tổng biên tập riêng nhưng vẫn chịu sự kiểm soát chung về nội dung của đảng.
*****************
Chục lãnh đạo báo Thanh Niên bị cho thôi chức vì không phải đảng viên : "Việc chẳng đặng đừng !"
Nguồn : RFA, 28/11/2018
Hai tháng sau cái chết của Trần Đại Quang, ngày 27/11/2018 là thời điểm diễn ra hai sự kiện chính trị cùng lúc và rất có thể liên đới mật thiết với nhau về yếu tố ‘phe cánh chính trị’ : trong khi cựu thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ ‘Nhôm’ chính thức khai ra một cái tên khác của ông ta là Trần Đại Vũ, Bộ Công an đã lần đầu tiên bắt người đầu tiên liên quan đến đường dây đưa Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài - ông Đường Hùng Cường, 41 tuổi, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư – thương mại dầu khí Nghệ An.
Trịnh Xuân Thanh trong phiên tòa tại Việt Nam.
Hai sự kiện một bản chất
Bị di lý từ Hà Nội vào Sài Gòn để phục vụ phiên tòa xử vụ Ngân hàng DongABank, Vũ ‘Nhôm’ đã khai ra cái tên Trần Đại Vũ với toàn bộ phụ âm và nguyên âm rất gần với người mà từ lâu được đồn đoán là ‘chú của Phan Văn Anh Vũ’ - tức ông Trần Đại Quang.
Vào tháng Tư năm 2017, lần đầu tiên hàng loạt tài liệu đóng dấu TỐI MẬT và TUYỆT MẬT được một bàn tay bí ẩn nào đó và hầu như không thể khác ‘nội bộ đảng ta’ tung lên mạng xã hội về công ty bình phong của Vũ ‘Nhôm’ của Tổng cục Tình báo Bộ Công an, do chính hai thứ trưởng công an thời đó là Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân ký giới thiệu một cách đầy ưu ái với Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác để ‘quan hệ làm việc’, mà thực chất là việc Vũ ‘Nhôm’ đã khai thác triệt để sức mạnh của những công văn này để giành được nhiều khu đất vàng ở Sài Gòn. Sau khi Vũ ‘Nhôm’ bị bắt tại cửa khẩu Singapore - Malaysia vào tháng Giêng năm 2018 và được dẫn độ về Hà Nội, một trận ‘thay máu’ nhân sự bộ Công an đã xảy ra, trên bề mặt là chiến dịch ‘tái cơ cấu Bộ Công an’ mà trọng điểm là xóa xổ toàn bộ 6 tổng cục trong đó có Tổng cục Tình báo, về bản chất cả hai tướng Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân đều bị Bộ Chính trị và Ban Bí thư kỷ luật, dù cho đến nay vẫn chưa bị bắt.
Tuy nhiên khác nhiều với vụ Vũ ‘Nhôm’ mà dù sao đã manh nha tìm ra được một đường dây giúp Vũ trốn khỏi Việt Nam vào những ngày cuối tháng Mười Hai năm 2017, việc Trịnh Xuân Thanh biến mất khỏi Việt Nam vào những tháng cuối năm 2016 cho tới gần đây - tức trước vụ bắt Đường Hùng Cường - vẫn còn là một bí ẩn mang tính truyền thuyết.
Truyền thuyết đến độ nghe nói ‘Cụ Tổng’ đến mất ăn mất ngủ bởi vụ Trịnh Xuân Thanh và những hệ quả tiếp liền theo đó.
Một thế lực cực mạnh !
Theo một số nguồn tin trên mạng xã hội xuất hiện vào năm 2017 sau khi Trịnh Xuân Thanh ‘ra đi tìm đường cứu nước’, Trịnh Xuân Thanh đã bị Bộ Công an đưa vào tầm ngắm từ tháng 5/2016, khi đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu Ban Kiểm tra TW làm rõ nguồn gốc chiếc xe tư nhân Lexus biển xanh của Trịnh Xuân Thanh, điều mà người ta cho rằng là cái cớ để truy tố đàn anh của ông Thanh là Ủy viên bộ chính trị kiêm Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng. Tuy nhiên Trịnh Xuân Thanh đã được sự tiếp tay và giúp đỡ từ ‘lãnh đạo cao cấp trong Bộ Công an’ nên đã bỏ trốn từ cuối tháng 7/2016. Lần cuối cùng người ta nhìn thấy là vào lúc 21g15, ông Trịnh Xuân Thanh đi từ nhà riêng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lên một chiếc xe biển xanh đi đâu không rõ. Tuy nhiên có nguồn tin cho rằng, hình ảnh của camera an ninh tại cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn có ghi lại được hình ảnh Trịnh Xuân Thanh xuất cảnh qua Trung Quốc thông qua cửa khẩu này.
Một số thông tin khác cũng cho biết theo Trịnh Xuân Thanh cho mọi người biết thì ngay sau khi nhận được thông tin hồ sơ của mình bị chuyển sang cho công an thụ lý, ông Thanh đã xác định được tương lai của mình chắc chắn sẽ là nhà tù. Do đó, ông đã từ Hậu Giang lên Thành phố Hồ Chí Minh để báo cáo với một cán bộ lãnh đạo cao cấp tại đây để xin chỉ thị. Sau đó, ông Thanh trở ra Hà Nội thu xếp công việc và đến gặp Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng để trao đổi các vấn đề liên quan mà hai bên chưa giải quyết xong. Ngay sau đó, ông Thanh đến một địa điểm bí mật tại Hà Nội ở một thời gian, ông Thanh đã rời Việt Nam bằng đường bộ. Việc trốn chạy của Trịnh Xuân Thanh đã làm cho dư luận hết sức ngạc nhiên. Vì trong một chế độ công an trị, việc quản lý, giám sát công dân hết sức nghiêm ngặt, việc một cán bộ mắc một loạt sai phạm, lại nằm trong danh sách bị khởi tố lại có thể thoải mái trốn sang nước ngoài. Dư luận cho rằng, phải có người giúp đỡ nên ông Thanh mới có thể dễ dàng tẩu thoát ra nước ngoài, và để làm được việc đó phải là người của công an.
Sau khi nổ ra hai vụ đồng thời gây chấn động về ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ - theo một công bố của Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam vào đầu tháng Tám năm 2017, và vụ ‘Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc tại Berlin vào tháng 7/2017’ do Bộ Ngoại giao Đức tố cáo, nhiều cựu thần và giới cách mạng lão thành đã khẩn thiết yêu cầu Nguyễn Phú Trọng phải cho điều tra khẩn trương xem thế lực chính trị nào đã cả gan tiếp tay cho Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài ngay trước mũi ‘công an giỏi nhất thế giới’. Tuy nhiên, hiện tượng hết sức lạ lùng là cho đến tận phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh vào đầu năm 2018, vẫn chẳng có bất kỳ một tin tức nào được tiết lộ về thế lực nào đã giúp Thanh bỏ trốn. Dù văn phòng của Tổng bí thư Trọng đã làm hết sức để tuy chứng cứ tại tòa không đủ sức thuyết phục mà vẫn giáng xuống đầu Trịnh Xuân Thanh không phải một mà đến hai cái án chung thân, đã không có một dấu hiệu rõ rệt nào cho thấy các cơ quan đảng của ông Trọng lần mò ra được đường dây nào đã giúp Thanh bỏ trốn.
Hoặc một giả thiết khác đáng thuyết phục hơn : ở Việt Nam mọi thứ đều là bí mật nhưng lại chẳng có gì được giữ bí mật, cũng như cái đường dây nào đó đã giúp Trịnh Xuân Thanh đào tẩu thì Tổng Trọng và Tổng cục 2 tình báo quân đội nhắm mắt cũng biết là ai. Chỉ có điều, cái thế lực bảo kê cho vụ đào thoát Trịnh Xuân Thanh phải lớn đến mức cả Bộ Chính trị không làm gì nổi.
Đó là nguồn cơn khiến tình hình truy tìm ‘đường dây’ lâm vào bế tắc. Sau khi phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh kết thúc, vụ ‘đường dây’ cũng dần chìm lắng, báo chí và giới cựu thần trong đảng cũng không còn quá xôn xao về ông A ông B đã giúp Thanh bỏ trốn mà nhường chỗ cho nhiều sự kiện ’đốt lò’ khác rạo rực hơn.
Đến thời ‘chạy loạn’
Động thái Cục Cảnh sát hình sự (C45) thuộc Bộ Công an vào ngày 27/11/2018 lần đầu tiên ra tay bắt một người liên quan đến đường dây giúp Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài đã khuấy động toàn bộ ký ức xưa cũ. Lịch sử bị lôi xềnh xệch trở lại. Chắc chắn trong những ngày tới, báo đảng và toàn bộ hệ thống báo chí nhà nước sẽ được bật đèn xanh để lao vào một chiến dịch hồi tố mới : thế lực nào, hoặc cụ thể hơn là những quan chức đủ cao cấp nào đã tiếp tay cho Thanh ?
Chính trị nội bộ đang giương móng vuốt cào cấu cái phần thân thể xơ xác tím tái và đổ máu của chính nó. Nếu quả thật có một mối liên đới ruột rà giữa hai cái tên Trần Đại Vũ và Trần Đại Quang, việc lật lại hồ sơ ban đầu không bao giờ là quá muộn. Và nếu quả thật có một đường dây ‘cán bộ cao cấp Bộ Công an’ đã giúp cho Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài vào nửa cuối năm 2016, hẳn đây là lúc tân chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng biết cách tận dụng ‘thiên thời’ để thỏa mãn thông tin cho giới cách mạng lão thành - với một số người trong đó đang kỳ vọng ông Trọng sẽ trở thành ‘Minh quân’ và thậm chí ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’.
Còn những kẻ không biết tận dụng lịch sử sẽ bị lịch sử chôn vùi. Không chóng thì chầy, cánh của quan chức chủ tịch nước mà giờ đây chỉ còn nổi lên từ ‘cố’ ở phía trước sẽ bị lịch sử bóp nghẹt trong bóng tối mênh mông hoang hầm hập của nó. Sau cái chết của Trần Đại Quang, rất có thể đã biến động một cuộc chạy loạn, còn những kẻ không kịp chạy thì đương nhiên sẽ phải bị tống vào ‘lò’.
Cái tên Đường Hùng Cường vừa bị Bộ Công an bắt chỉ là ‘chuyện nhỏ’, và có thể chỉ là một cái tên dân sự nhỏ bé được công khai, trong khi còn có những cái tên hình sự lớn hơn nhiều có thể đã bị bắt kín mà chưa thể ló ra công luận.
Hai cứ điểm Cục Cảnh sát điều tra và Cục An ninh điều tra của Bộ Công an - hai thanh kiếm sắc bén trong phong trào ‘bắt, bắt nữa, bắt mãi’ mà Nguyễn Phú Trọng chiếm gọn vào tháng Tám năm 2018 - đang bắt đầu phát huy tác dụng ‘bảo vệ chính trị nội bộ’ lạnh lẽo, tàn nhẫn và ‘chỉ phù thịnh không phù suy’.
Trước mặt Nguyễn Phú Trọng giờ đây là con đường thẳng tắp của một thứ quyền lực vô song chứ không còn phải cong cong quẹo quẹo như chỉ vài tháng trước.
Một đợt thanh trừng mới đối với tướng tá công an lại sắp nổ ra, nằm trong giai đoạn 3 của chiến dịch ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng - giai đoạn có thể ồn ào và sắc máu nhất. Hầu như không còn một ‘bức tường’ nào đủ kiên cố để chặn bước Nguyễn Phú Trọng nếu quả thực ông ta muốn ‘rửa mặt’ từ vụ Trịnh Xuân Thanh.
Nhưng chiến dịch thanh trừng sắp tới - khác với số phận dù sao còn là may mắn của một số viên tướng công an chỉ bị kỷ luật mà không bị thiêu cháy vào khoảng thời gian trước tháng Mười Một năm 2018 - sẽ có thể là bắt bớ và nhà tù.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 27/11/2018
10 ngày sau cuộc họp đặc biệt giữa Quốc Vụ khanh đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis với Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn ở Berlin vào ngày 1/11/2018, Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa được chính thể độc đảng Việt Nam giao trả lại cho người Đức, còn quan hệ đối tác chiến lược Việt - Đức vẫn chưa hề phục hồi !
Dường như ông Bùi Thanh Sơn đã chẳng có thẩm quyền nào để quyết định về vụ Trịnh Xuân Thanh mà chỉ đơn giản là ‘đi nghe rồi về báo cáo lại’ cho còn ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng.
Vào tháng Mười năm 2018, vài chuyên gia và quan chức thân nhà nước Việt Nam đã bắn ý cho báo chí về khả năng sắp phục hồi mối quan hệ đối tác chiến lược Việt - Đức, sau khi quan hệ này đã bị treo từ tháng chín năm 2017 do phía Đức chủ động tạm cắt bởi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.
Ngày 8/11/2018, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam, trả lời câu hỏi của phóng viên quốc tế về mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức liên đới chặt chẽ với vụ Trịnh Xuân Thanh,Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng - vẫn bị nhiều dư luận ví như ‘vẹt ngoại giao’ - đã một lần nữa "Việt Nam luôn coi trọng củng cố và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Đức vì lợi ích của nhân dân hai nước. Thời gian vừa qua hai bên đã có những cuộc trao đổi và tiếp xúc để thúc đẩy quan hệ hai nước. Trịnh Xuân Thanh vi phạm pháp luật ở Việt Nam đã được đưa ra xét xử một cách công khai theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và hiện đang trong quá trình thi hành án".
Câu trả lời hết sức chung chung trên chỉ mang một hàm ý đáng chú ý : trước nhiều tin tức dồn dập xuất hiện trên mạng xã hội về việc Trịnh Xuân Thanh đã được đưa đến Berlin để "trao trả tù binh’, Bộ Ngoại giao và chắc chắn đứng đằng sau đó là Bộ Chính trị Việt Nam muốn tái khẳng định là Trịnh Xuân Thanh vẫn còn nằm nguyên trong nhà lao cộng sản với hai cái án chung thân mà chưa thể sang Đức để... uống bia và chơi golf.
Nhưng lại có một khác biệt rất lớn trong câu trả lời của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam so với trước đây : không hề nhắc lại việc ‘Trịnh Xuân Thanh đã tự nguyện về nước đầu thú’.
Vào đầu tháng Tám năm 2017, một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố phản đối hành động mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết ‘Trịnh Xuân Thanh đã tự nguyện về nước đầu thú’ và bà "rất tiếc về phát ngôn này".
Chi tiết đáng chú ý là tuy "lấy làm tiếc", nhưng cái cách phản ứng đầu tiên của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không cho thấy một câu hay từ ngữ nào phủ nhận cáo buộc của phía Đức về việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc.
Nói cách khác, Việt Nam có thể đã gián tiếp thừa nhận về hành vi mật vụ Việt Nam đã xông thẳng vào Berlin để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào tháng Bảy năm 2017, dẫn đến cơn khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt và đang lan sang cả Slovakia.
Cho đến nay, cái ‘án treo’ về tạm ngừng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước mà người Đức tuyên vào tháng Chín năm 2017 vẫn còn sờ sờ một cách đầy đe dọa. Từ tháng Chín ấy đến nay, toàn bộ các chương trình dự án mới về viện trợ và kinh tế của Đức cho Việt Nam đã tạm ngưng. Nhưng ‘đau khổ’ nhất cho cả hai bên vẫn là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã cứa một vết rất sâu vào một trong những cái nôi nhà nước pháp quyền tiêu biểu nhất ở Châu Âu, khiến cho chính phủ Đức không thể bỏ qua, lồng trong bối cảnh Đức là quốc gia có ảnh hưởng nhất trong việc tác động đến Nghị viện Châu Âu để quyết định có phê chuẩn hay không cho Việt Nam được tham gia vào EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu) vào tháng Ba năm 2019.
Cũng trong thời gian trên, phía Việt Nam đã không có bất kỳ một lời xin lỗi nay cam kết ‘sẽ không tái phạm’ nào về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh với người Đức. EVFTA cũng bởi thế vẫn nằm nguyên trong tư thế bị cột chặt cả tứ chi.
Không những thế, Việt Nam rất có thể một lần nữa khiến người Đức bị hố do những lời hứa cuội về ‘sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức’. Có lẽ chính vì lời hứa cuội ấy mà vào tháng Mười năm 2018 phía Đức đã sẵn sàng cấp visa cho một đoàn quan chức Việt Nam sang Đức để tiếp tục đàm phán về vụ Trịnh Xuân Thanh. Đoàn đàm phán này được phụ trách bởi Thứ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn, nhưng dường như ông Sơn đã chẳng có thẩm quyền nào để quyết định về vụ Trịnh Xuân Thanh mà chỉ đơn giản là ‘đi nghe rồi về báo cáo lại’, còn ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng mới là người nắm giữ sinh mạng Trịnh Xuân Thanh và quan hệ đối tác chiến lược Việt - Đức.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 12/11/2018
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 8/11 khẳng định Trịnh Xuân Thanh đang thi hành án sau khi có thông tin Hà Nội và Berlin đang đàm phán việc trao trả ông Thanh về Đức.
Tại buổi họp báo ở Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), đã "bị xét xử công khai minh bạch theo quy định của pháp luật Việt Nam, và hiện đang trong quá trình thi hành án theo phán quyết của tòa án".
Đầu tháng này, một phái đoàn ngoại giao Việt Nam do Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đã có cuộc gặp với phía Đức tại Bộ Ngoại giao nước này ở Berlin để thương lượng việc trả lại ông Thanh về Đức, theo nhật báo TAZ. Trước khi bị bắt cóc, ông Thanh đang trong quá trình xin tị nạn ở Đức.
Một nguồn tin ngoại giao Đức xác nhận với VOA về cuộc gặp cấp cao này nhưng không xác nhận hoặc bác bỏ thông tin trên. Tại các cuộc thương thảo, Quốc vụ khanh Đức Andreas Michaelis một lần nữa nhấn mạnh với Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam rằng vụ bắt cóc ông Thanh là một "hành động vi phạm luật pháp quốc tế không thể chấp nhận được và gây tổn hại tới lòng tin".
Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam tiến hành vụ bắt cóc nhưng Hà Nội khăng khăng cho rằng ông Thanh đã trở về và tự ra đầu thú.
Nguồn tin ngoại giao cho biết Đức lên tiếng ủng hộ ông Thanh và vẫn đang tiếp tục thảo luận với phía Việt Nam.
Tại buổi họp báo hôm 8/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định "thời gian qua hai bên đã có những trao đổi và tiếp xúc để thúc đẩy quan hệ hai nước".
"Việt Nam luôn coi trọng củng cố và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Đức vì lợi ích của nhân dân hai nước", bà Hằng nói với các phóng viên.
Cũng trong ngày 8/11, nhật báo TAZ của Đức đưa tin rằng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đã được nối lại. Tháng 9 năm ngoái, Đức tuyên bố tạm ngừng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam sau khi xảy ra vụ bắt cóc ông Thanh ở Berlin.
Báo TAZ trích dẫn nguồn tin từ người đứng đầu bộ phận Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Đức, nói rằng việc nối lại quan hệ đối tác chiến lược đã xóa bỏ những hạn chế về các mối quan hệ song phương.
Việt Nam đang theo đuổi hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EU), trong đó có Đức và Slovakia, một nước khác cũng có liên quan tới vụ bắt cóc ông Thanh. Hiệp định thương mại tự do với EU được cho là sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 3,2 tỷ USD vào năm 2020, và khoảng 7,2 tỷ USD vào năm 2030.
Hôm 17/10, Ủy ban Châu Âu ở Brussels đã phê duyệt hiệp định này. Nhưng trước khi chính thức thông qua hiệp định, cần phải có sự phê chuẩn của các nước thành viên EU và Nghị viện Châu Âu.
*******************
Việt Nam có đưa Trịnh Xuân Thanh sang Đức hay không ? (RFA, 07/11/2018)
Khủng hoảng ngoại giao Việt Nam và Đức tiếp tục là vấn đề được nhiều người quan tâm ; đặc biệt mới đây tin từ Đức cho hay Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn sang gặp người đồng nhiệm ở Berlin để bàn về việc Việt Nam đưa trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức, sau khi đã bắt cóc ông này ở Berlin vào cuối tháng 7 năm 2017, rồi đưa về Việt Nam kết án chung thân về tội tham nhũng.
Ông Trịnh Xuân Thanh ra tòa tại Hà Nội, đầu năm 2018. AFP
Người đưa tin này ra công chúng là nhà báo Lê Trung Khoa, của tờ báo Việt ngữ Thời báo tại Thủ đô Berlin. Ông Lê Trung Khoa đã được Bộ Ngoại giao Đức trả lời rằng :
"Họ khẳng định với phía Việt Nam những yêu cầu mà Bộ Ngoại giao Đức đã đưa ra trước đó về vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Đó là phải trả lại nguyên trạng, tức là đưa ông Thanh sang Đức. Thứ hai là phải xin lỗi bằng cách nào đó, và thứ ba là hứa không tái phạm".
Chúng tôi có liên lạc với Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin để xác nhận nguồn tin này nhưng không liên lạc được.
Ông Lê Trung Khoa cũng có nói là đã nói chuyện với luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh, và được bà này cho biết là bà hy vọng rằng thân chủ của bà sẽ sang Đức, mặc dù không tiết lộ thêm chi tiết.
Câu hỏi liệu Việt Nam có đưa Trịnh Xuân Thanh về lại Đức hay không đã được giới quan sát tình hình chính trị và ngoại giao của Việt Nam chú ý đến từ ngay sau khi có cáo buộc về vụ bắt cóc hồi năm 2017.
Vấn đề càng được chú ý hơn khi Việt Nam bắt đầu đàm phán với Cộng đồng Châu Âu về hiệp định tự do thương mại.
Tháng sáu năm 2018, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, nhà báo độc lập tại Sài Gòn trích dẫn báo chí từ Đức cho rằng :
"Các nguồn tin từ báo chí Đức thì có thể xác tín được. Và còn một chuyện nữa là chuyện luật sư Nguyễn Văn Đài. Đây là người mà chính quyền Việt Nam sợ nhất mà họ còn thả ra cho phía Đức, tức là họ xuống nước lắm rồi, cho nên thả Trịnh Xuân Thanh chỉ là vấn đề thời gian thôi".
Luật sư Nguyễn Văn Đài là người thành lập tổ chức Hội Anh em Dân chủ, chủ trương đấu tranh bất bạo động, tiến tới cạnh tranh chính trị trong một xã hội đa đảng tại Việt Nam. Tổ chức của ông bị bắt bớ rất nhiều trong thời gian qua, và bản thân ông bị kết án 15 năm tù giam, với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân. Ông được trả tự do và tống xuất sang Đức vào tháng sáu năm 2018.
Vào tháng 9/2018 Luật sư Đài cho chúng tôi biết nhận xét của ông về khả năng trả Trịnh Xuân Thanh sang Đức, dựa trên tình tiết là mặc dù khi bị xử án ông Thanh rất hăng hái tranh cãi, nhưng sau đó lại rút lại đơn kháng án :
"Việc đó chứng tỏ họ có thỏa thuận gì với nhau rồi, nhưng vấn đề là cho ông Thanh sang Đức bây giờ thì không tránh khỏi bị truyền thông phương Tây lẫn tiếng Việt chú ý và việc đó rất bất lợi cho Việt Nam. Có thể họ sẽ thả bằng một cách nào đấy".
Tháng tám năm 2018, Giáo sư Vũ Tường, giảng dạy chính trị tại Đại học Oregon, Hoa Kỳ, nói với đài RFA rằng :
"Họ có thể trả tự do sớm cho Trịnh Xuân Thanh rồi để ông ta đi Đức".
Những ý kiến thiên về phía Việt Nam sẽ cho ông Thanh đi Đức có chung một lý do là Việt Nam đang rất cần hiệp định thương mại tự do với Châu Âu, mà nước Đức là một quốc gia quan trọng nhất trong khối kinh tế này.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam sẽ không đưa ông Thanh sang Đức, như ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, chuyên viên kinh tế đang sống tại Na Uy. Ông cho rằng làm như vậy là mất mặt lẫn nhau.
Hiệp định thương mại với Châu Âu của Việt Nam được Ủy ban Châu Âu chấp nhận vào ngày 17/10/2018, để đệ trình lên Quốc hội Châu Âu phê chuẩn.
Khi việc này xảy ra, chúng tôi có hỏi chuyện ông Lê Trung Khoa rằng có phải Châu Âu nói chung và nước Đức nói riêng bỏ qua chuyện ông Trịnh Xuân Thanh để ký kết hiệp định vì những mối lợi kinh tế hay không ?
Ông Khoa trả lời rằng việc chính quyền những nước Châu Âu có thể ưu tiên cho các mục tiêu kinh tế không có nghĩa là ngành tư pháp của họ sẽ bỏ qua chuyện này, vì họ độc lập.
Sau khi tin tức về phái đoàn ngoại giao của Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn sang Đức được đưa ra, có tin lan ra trên mạng xã hội là nội bộ những người cầm quyền ở Việt Nam đang tranh cãi nhau, Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương muốn giao ông Thanh sang Đức, nhưng người đứng đầu Đảng Cộng sản là ông Nguyễn Phú Trọng không đồng ý.
Chúng tôi không có nguồn tin nào để phối kiểm chuyện này.
Cho tới hiện nay, tin tức chính thức của nhà nước Việt Nam chỉ khẳng định một cách nhất quán rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã về nước đầu thú vào tháng 7/2017. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng thì bình luận với đài RFA rằng nếu Trịnh Xuân Thanh được trao cho phía Đức thì đây là một câu chuyện rất trớ trêu, một nhân vật bị cáo buộc tham nhũng lại được đưa sang nước ngoài, thoát khỏi nhà tù Việt Nam, ăn theo việc cải thiện nhân quyền, mà có thể có khi lại được bên ngoài Việt Nam xem như một trường hợp tị nạn chính trị vì ông Thanh từng viết thư tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam khi đang trốn ở Đức.
Kính Hòa
**********************
Đức ‘giữ quan điểm về Trịnh Xuân Thanh’ (BBC, 08/11/2018)
Chính phủ Đức vẫn chưa xác nhận có phải nước này đã phục hồi quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam hay chưa.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis trong cuộc gặp ngày 1/11/2018
Bản tin của trang Taz.de hôm 8/11 nói họ có nội dung email nội bộ của trưởng ban Đông Nam Á, Bộ Ngoại giao Đức nói Đức và Việt Nam đã khôi phục quan hệ đối tác chiến lược.
"Việc này dỡ bỏ hạn chế về quan hệ song phương", trang Taz.de dẫn lại lời trong email.
Chưa có thông tin chính thức từ hai chính phủ Đức và Việt Nam.
'Giữ quan điểm'
Trả lời BBC ngày 8/11, một nhà ngoại giao Đức từ chối bình luận về tin của trang Taz.de.
Nhưng người này cho biết thêm chi tiết về cuộc gặp ở Berlin ngày 1/11 giữa Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn với Quốc Vụ khanh đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis.
"Ông Michaelis một lần nữa nhấn mạnh khi gặp Thứ trưởng Việt Nam rằng vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là sự xâm phạm luật quốc tế và xâm phạm niềm tin không thể chấp nhận".
"Chính phủ Đức giữ nguyên quan điểm về vụ Trịnh Xuân Thanh và vẫn còn đang thảo luận với phía Việt Nam", nhà ngoại giao Đức tiết lộ cho BBC.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thu Hằng
Petra Isabel Schlagenhauf, luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức, nói với BBC hôm 8/11 rằng bà còn đang chờ "thông tin cụ thể hơn" về thân chủ người Việt.
Trong khi đó ở Hà Nội chiều 8/11, tại một cuộc họp báo, người phát ngôn ngoại giao Việt Nam nhận được câu hỏi có phải đang diễn ra đàm phán song phương để đưa ông Trịnh Xuân Thanh về Đức.
Bà Lê Thu Hằng trả lời : "Trịnh Xuân Thanh vi phạm pháp luật ở Việt Nam đã được đưa ra xét xử một cách công khai theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và hiện đang trong quá trình thi hành án".
Bà Hằng nói thời gian vừa qua hai bên đã có những cuộc trao đổi và tiếp xúc để thúc đẩy quan hệ hai nước và Việt Nam "luôn coi trọng củng cố và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Đức vì lợi ích của nhân dân hai nước".
Đại sứ quan Việt Nam ở Berlin, Đức. AFP
Quan hệ Đức - Việt gặp khủng hoảng sau vụ liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh mà phía Đức nói là bị mật vụ Việt Nam "bắt cóc tại Berlin" hè 2017 rồi chuyển về Hà Nội đưa ra tòa.
Berlin đã tạm ngưng đối tác chiến lược với Hà Nội sau đó.
Ông Trịnh Xuân Thanh đã nhận hai án chung thân trong hai vụ án riêng rẽ ở Việt Nam.
Thanh lại… uống bia và chơi golf ?
Dù vẫn chưa có tin tức nào từ cuộc họp đặc biệt giữa Quốc Vụ khanh đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis với Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn ở Berlin vào ngày 1/11/2018, nhưng bằng vào thái độ ‘phấn khởi’ bất thường của cựu Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng khi ông Hưng bình luận trên Facebook cá nhân "Chắc chắn sự hợp tác ở tầm chiến lược giữa hai nước sẽ còn phát triển mạnh hơn trong tương lai", người ta có thể tưởng tượng một cách không còn hoang tưởng về hình ảnh Trịnh Xuân Thanh, nếu không phải ngay lúc này thì cũng chẳng còn bao lâu nữa, sẽ được những mật vụ Việt Nam ‘dìu’ từ máy bay Vietnam Airlines xuống một sân bay nào đó ở Đức - cảnh tượng tuyệt đối tương phản với hình ảnh ‘một người đàn ông lảo đảo được hai mật vụ Việt Nam ‘dìu’ lên máy bay ở sân bay Bratislava, Slovakia’ vào tháng Bảy năm 2017 là lúc người Đức bừng bừng phẫn nộ vì vụ Thanh bị bắt cóc ngay tại Berlin - để ngay sau đó kẻ bị bắt cóc lại tiếp tục… uống bia và chơi golf.
Bao giờ thì Trịnh Xuân Thanh lại được 'dìu' trở lại Đức ?
Bất chấp hai bản án chung thân mà Nguyễn Phú Trọng - khi còn chưa gấp rút thay thế Trần Đại Quang để trở thành chủ tịch nước - đã khiến Thanh phải khóc nức lên mà ‘cháu xin lỗi bác tổng bí thư’…
Đây là lần đầu tiên kể từ thời điểm nổ ra cuộc khủng hoảng Đức - Việt vào tháng Tám năm 2017, Đoàn Xuân Hưng biểu thị cái nhìn tràn trề hy vọng đến thế về tương lai phục hồi quan hệ Việt - Đức. Còn trước đó, viên đại sứ này đã biến thành một con rối câm nín, né tránh hầu hết báo đài Đức và báo chí phương Tây soi xóc về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Thậm chí vào tháng Tư năm 2017 khi Tòa thượng thẩm Berlin mở phiên tòa xét xử Nguyễn Hải Long tham gia vào đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Đoàn Xuân Hưng còn là một trong 4 quan chức Việt Nam bị tòa triệu tập để hỏi cung. Về thực chất, Hưng bị cảnh sát Đức nghi ngờ là đã tiếp tay chặt chẽ cho kế hoạch lén lút bắt cóc Trịnh Xuân Thanh của phía Việt Nam, được tiến hành bởi một viên trung tướng an ninh của Bộ Công an cũng tên là Hưng - Đường Minh Hưng.
Cảm xúc lộ liễu trên của Đoàn Xuân Hưng lộ ra cùng với việc báo đảng ở Việt Nam thông tin "Quốc Vụ khanh Andreas Michaelis hứa sẽ thu xếp sớm thăm Việt Nam vào thời gian phù hợp để tiến hành Đối thoại chiến lược giữa hai Bộ Ngoại giao".
Đó là thông tin hiện ra lần đầu tiên kể từ xảy ra con địa chấn khủng hoảng Đức - Việt. Còn trong hơn một năm trước đó, dù đã diễn ra nhiều cuộc đàm phán ngầm giữa Hà Nội và Berlin về vụ Trịnh Xuân Thanh, nhưng đã không có bất kỳ một quan chức cao cấp nào của Đức đến ‘thăm Việt Nam’.
Trong khi đó, cái ‘án treo’ về tạm ngừng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước mà người Đức tuyên vào tháng Chín năm 2017 vẫn còn sờ sờ một cách đầy đe dọa. Từ tháng Chín ấy đến nay, toàn bộ các chương trình dự án mới về viện trợ và kinh tế của Đức cho Việt Nam đã tạm ngưng. Nhưng ‘đau khổ’ nhất cho cả hai bên vẫn là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã cứa một vết rất sâu vào một trong những cái nôi nhà nước pháp quyền tiêu biểu nhất ở châu Âu, khiến cho chính phủ Đức không thể bỏ qua, lồng trong bối cảnh Đức là quốc gia có ảnh hưởng nhất trong việc tác động đến Nghị viện châu Âu để quyết định có phê chuẩn hay không cho Việt Nam được tham gia vào EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu) vào tháng Ba năm 2019.
Cũng trong thời gian trên, phía Việt Nam đã không có bất kỳ một lời xin lỗi nay cam kết ‘sẽ không tái phạm’ nào về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh với người Đức. EVFTA cũng bởi thế vẫn nằm nguyên trong tư thế bị cột chặt cả tứ chi.
Kẻ đói ăn không thể chịu đựng hơn được nữa ?
Đến tháng Mười năm 2018, chính thể độc đảng ở Việt Nam đã tiến đến EVFTA gần hơn bao giờ hết khi cuộc họp ở thủ đô Bruselles của nước Bỉ, nơi đặt trụ sở của Liên minh châu Âu, đã quyết định thông qua dự thảo EVFTA cùng với ‘gói nhân quyền’ để trình cho Hội đồng châu Âu xem xét việc ký kết hiệp định này, trước khi trình cho Nghị viện châu Âu.
Tức bất chấp điều được xem là ‘thành công lớn’ sau chuyến đi vận động EVFTA của Thủ tướng Phúc tại ba nước châu Âu vào tháng Mười năm 2018, hiệp định mang thời gian thai nghén quá lâu này vẫn còn phải trải qua hai công đoạn then chốt nữa, với cái nhìn nghiêm khắc của người Đức.
Rất có thể không hề ngẫu nhiên, cuộc đàm phán mang tính then chốt giữa hai bộ ngoại giao Đức và Việt Nam về vụ Trịnh Xuân Thanh đã diễn ra chỉ chưa đầy một tháng sau cuộc điều trần EVFTA - nhân quyền do Ủy ban châu Âu tổ chức tại Bỉ và trong giai đoạn bản dự thảo EVFTA đang trình cho Hội đồng châu Âu.
Cũng rất có thể đang diễn ra kịch bản những người mang danh nghĩa cộng sản ở Việt Nam rốt cuộc đã phải đầu hàng trước áp lực liên tục của người Đức, phải ‘nhả’ Trịnh Xuân Thanh để đổi lấy Hiệp định EVFTA - tương tự phương châm ‘đổi tù nhân chính trị lấy lợi ích thương mại’ mà họ đã vừa âm thầm vừa trơ tráo thực hiện đổi chác với Mỹ và phương Tây trong nhiều năm qua.
Nếu trong thời gian tới, Trịnh Xuân Thanh quả thực sẽ uống bia và chơi golf ở Đức, tâm thế đầu hàng của nhà nước cộng sản Việt Nam sẽ hiện hình một cách đầy ý nghĩa : hiện tượng này phản ánh tiến trình ‘vận nước đang lên’ và cuộc đấu lực lẫn đấu trí của nhà nước này với người Đức, Liên minh châu Âu và người Mỹ đã chạm vào ngưỡng trên của giới hạn chịu đựng. Nguyễn Phú Trọng và cái túi ngân sách thủng toang hoác của chế độ ông ta khó mà có thể chịu đựng cơn đói ăn hơn nữa.
Không thể cứ khư khư ôm lấy quan điểm ‘chấp nhận trả giá đối ngoại để ưu tiên giải quyết đối nội’, cũng không còn cách nào khác, phải trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức.
Cho dù việc trả Trịnh Xuân Thanh sẽ là một bằng chứng hùng hồn nhất cho tuyên truyền ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ là giả dối đến thế nào, về vụ bắt cóc Thanh do mật vụ Việt Nam và những cấp lãnh đạo có thể là rất cao đã chỉ đạo phi vụ này, cho dù sau khi trở lại Đức, Trịnh Xuân Thanh sẽ trở thành tiêu điểm phỏng vấn ghi hình của báo chí Đức và báo chí phương Tây mà sẽ khiến lộ ra gương mặt ‘nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa’ của Việt Nam là nhơ nhuốc đến thế nào…, sự việc vẫn cứ như lời thơ xưa của các bậc tiền nhân : ‘Gặp thời thế thế thời phải thế’.
Sự thật là trong con mắt nước Đức, một kẻ tham nhũng như Trịnh Xuân Thanh nếu có được phía Việt Nam trả lại cho Đức cũng chẳng có ý nghĩa gì lớn. Mà trên hết, người Đức cần được chế độ vi phạm nhân quyền quá trầm trọng ở Việt Nam thật sự tôn trọng như một nhà nước pháp quyền, mà vụ Trịnh Xuân Thanh là một phép thử rất lớn.
Cuối năm 2018, tình thế đã trở thành thế triệt buộc đối với nhà nước cộng sản Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên đã xuất hiện ‘tin nội bộ’ về việc hai cơ quan liên quan mật thiết đến vai trò chính trị và đàm phán CPTPP lẫn EVFTA là Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương đã hối thúc Bộ Chính trị đảng phải trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức để đổi lấy tương lai ‘không ngừng nâng cao uy tín Việt Nam trên trường quốc tế’ và để Việt Nam được tham gia vào bàn tiệc đứng EVFTA.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 05/11/2018
Đức xác nhận thảo luận vụ Trịnh Xuân Thanh với Việt Nam ở Berlin (VOA, 07/11/2018)
Một nguồn tin ngoại giao Đức mới xác nhận với VOA tiếng Việt về cuộc họp cấp cao với quan chức Việt Nam ở Berlin giữa tuần trước, trong đó đôi bên có trao đổi về vụ "bắt cóc" ông Trịnh Xuân Thanh.
">
Hình ảnh ông Thanh được cho là "tự thú" trên Truyền hình Việt Nam năm ngoái.
Nguồn thạo tin không muốn nêu danh tính cho biết rằng "Quốc vụ khanh Đức Andreas Michaelis một lần nữa nhấn mạnh trong các cuộc thảo luận với Thứ trưởng Ngoại giao [Bùi Thanh Sơn] rằng vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là một hành động vi phạm luật pháp quốc tế không thể chấp nhận được và gây tổn hại tới lòng tin".
"Chính phủ liên bang Đức lên tiếng ủng hộ vụ Trịnh Xuân Thanh và vẫn đang trong quá trình thảo luận với phía Việt Nam", nguồn tin nói.
Tuy nhiên, quan chức Đức này không xác nhận hay bác bỏ thông tin đăng trên báo chí nước này cũng như từ cộng đồng người Việt về chuyện họ nói là "Berlin đang thương lượng trả ông Trịnh Xuân Thanh về Đức".
Báo chí Việt Nam đưa tin về cuộc gặp trên, nhưng không nhắc tới việc Đức tiếp tục cáo buộc Hà Nội "bắt cóc" ông Thanh, cũng như quan điểm của Berlin trong cuộc họp về vụ việc gây nhiều sóng gió trong quan hệ hai nước này.
Ông Thanh được giải tới tòa hồi đầu năm nay.
Trên trang Facebook cá nhân, Đại sứ Việt Nam tại Đức, ông Đoàn Xuân Hưng, hôm 1/11 đăng tải một dòng trạng thái kèm theo hình ảnh ông chụp chung với Thứ trưởng Sơn.
Nhà ngoại giao cấp cao nhất của Việt Nam ở Đức viết : "Hôm nay là một ngày vui đối với tôi, đối với chúng ta. Thứ trưởng Thường trực BNG Việt Nam Bùi Thanh Sơn sang thăm CHLB Đức theo lời mời của BNG bạn".
Công viên Tiergarten, nơi Đức cáo buộc Việt Nam "bắt cóc" ông Trịnh Xuân Thanh.
Đây được coi là cuộc trao đổi chính thức và cấp cao nhất giữa hai nước ở Berlin kể từ tháng Chín năm ngoái, sau khi bùng ra vụ việc khiến quốc gia Tây Âu tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược với nước Đông Nam Á.
Ông Hưng trong ngày 1/11 cũng đăng tải các hình ảnh quan chức hai nước tham gia cuộc họp ở Berlin, với dòng chú thích rằng "nền tảng quan hệ hai nước rất vững chắc", "tiềm năng hợp tác trên mọi lĩnh vực rất lớn" và rằng "chắc chắn sự hợp tác ở tầm chiến lược giữa hai nước sẽ còn phát triển mạnh hơn trong tương lai".
Tuy nhiên, hiện không thấy các hình ảnh này công khai trên trang Facebook của ông Hưng. Chưa rõ liệu nhà ngoại giao này có để chế độ riêng tư, dành riêng cho bạn bè xem các bức ảnh mà có ý kiến coi là "các tín hiệu cho thấy hai nước có thể sẽ nối lại quan hệ đối tác chiến lược trong tương lai gần".
Bà Schlagenhauf, luật sư của ông Thanh ở Đức.
Trả lời VOA Việt Ngữ, luật sư của ông Thanh ở Đức, bà Petra Isabel Schlagenhauf, cho rằng cuộc gặp hôm 1/11 là "bước đi cấp cao đầu tiên" ở Berlin nhằm tìm cách "xử lý xung đột ngoại giao giữa Việt Nam và Đức".
"Tôi hy vọng rằng phía Việt Nam giờ thấy rõ điều cần làm để giảm căng thẳng", bà nói. "Tôi đang chờ các kết quả cụ thể về việc trả lại thân chủ của tôi về Đức. Chúng ta phải chờ xem trong vài tuần nữa".
Nữ luật sư người Đức này cũng bác bỏ các tin tức đăng trên Facebook cuối tuần trước về việc ông Thanh đã "lên máy bay" vềBerlin. "Ông ấy chưa trở lại Đức", bà Schlagenhauf nói.
Hồi đầu năm nay, cựu quan chức dầu khí Việt Nam đã hai lần bị kết án tù chung thân trong hai vụ án.
Berlin từng yêu cầu Hà Nội thả ông Thanh về Đức để được cân nhắc đơn xin tị nạn.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng từng nói rằng Hà Nội "đang tiếp tục trao đổi chặt chẽ với phía Đức" và "luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức vì lợi ích của nhân dân hai nước".
******************
Berlin tiếp tục can thiệp cho Trịnh Xuân Thanh được trở lại Đức (RFI, 06/11/2018)
Trong cuộc hội đàm với Thứ trưởng thường trực Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn ngày 01/11/2018 tại Berlin, quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis, một lần nữa, lên án rõ ràng và rành mạch rằng vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là một sự vi phạm công pháp quốc tế hoàn toàn không thể chấp nhận được, phá vỡ lòng tin trong quan hệ giữa hai nước.
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn (trái) và quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis, Berlin, ngày 01/11/2018 (with courtesy of @AA)
Từ Berlin, thông tín viên Trung Khoa cho biết thêm thông tin :
Một nguồn tin xin ẩn danh thuộc Bộ Ngoại giao Đức, trong quá khứ chính phủ Liên bang Đức đã can thiệp mạnh mẽ cho Trịnh Xuân Thanh, và sẽ tiếp tục nói chuyện với phía Việt Nam về trường hợp này.
Theo nguồn tin trên, trong quá trình trao đổi tích cực và chặt chẽ từ hơn một năm nay, Đức và Việt Nam đã làm việc để khôi phục quan hệ song phương. Để làm việc này, chính phủ Đức đã lưu ý đến các đáp ứng tích cực của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền. Quan hệ giữa hai nước, giờ đây, đang đứng trước một sự khởi đầu mới.
Bản tin chính thức đăng trên Cổng thông tin điện tử chính phủ cho biết, quốc vụ khanh Andreas Michaelis sẽ thu xếp sớm thăm Việt Nam vào thời gian phù hợp để tiến hành đối thoại chiến lược giữa hai Bộ Ngoại giao.
Trong buổi gặp gỡ, giao lưu với người Việt tại chợ Đồng Xuân ở Berlin, thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đã nói : Qua chuyến công tác lần này, quan hệ hai nước Việt Nam và Đức đã vượt qua giai đoạn khó khăn và đang từng bước cải thiện. Ông khẳng định, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đức đều đang nỗ lực hết mình để thúc đẩy sự hợp tác và đưa quan hệ hai nước trở lại quỹ đạo như trước đây.
RFI tiếng Việt
*********************
Liên Bộ Công thương và Ngoại giao Việt Nam đang gây áp lực trả Trịnh Xuân Thanh về Đức ? (VNTB, 04/11/2018)
Các quan chức của Việt Nam và Đức đang thương lượng việc trả lại Trịnh Xuân Thanh, người mà Berlin cáo buộc bị mật vụ Việt bắt cóc hồi năm ngoái, trong bối cảnh Hà Nội muốn đạt được một hiệp định thương mại với Liên minh Châu Âu.
Đại sứ Đức Christian Berger và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trong buổi Lễ Quốc khánh Đức ngày 5/10/2018
Nhật báo TAZ của Đức cho biết các quan chức chính phủ của Việt Nam đã gặp các quan chức của Đức tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở Berlin hôm 1/11 để bàn thảo việc trả lại cựu quan chức ngành dầu khí đã bị Hà Nội kết 2 án chung thân hồi đầu năm nay cho phía Đức.
Nhật báo quốc gia duy nhất của Đức nói họ biết tin về cuộc đàm phán từ giới thân cận với Bộ Ngoại giao Việt Nam. Theo nguồn tin này, cuộc thương lượng được thực hiện theo lời mời của chính phủ Đức. Phái đoàn Việt Nam tham gia đàm phán tại Bộ Ngoại giao Đức hôm 1/11 do một thứ trưởng Bộ Ngoại giao dẫn đầu. TAZ không nêu tên vị thứ trưởng này nhưng theo Thoibao.de, người dẫn đầu đoàn Việt Nam là ông Bùi Thanh Sơn. Ông Sơn chính là người tới tham dự buổi lễ Quốc khánh Đức ngày 5/10 tại Hà Nội, nơi Đại sứ Đức Christian Berger nói sẽ thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Đức ngày càng phát triển tích cực.
Vào tháng 9 năm ngoái, Đức đã tuyên bố tạm ngừng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam sau khi Việt Nam bắt cóc ông Thanh tại Berlin ngày 23/7/2017 nhưng Hà Nội nói rằng ông Thanh tự về đầu thú.
Trước khi bị bắt cóc, ông Thanh đang xin tị nạn tại Đức. Sau khi "trở về đầu thú", ông Thanh bị đưa ra tòa xử và bị tuyên hai án tù chung thân cho tội danh tham ô và quản lý kém gây thất thoát tài sản nhà nước. Ông Thanh bị cho là làm thất thoát hơn 3.000 tỷ đồng trong thời gian làm chủ tịch PVC, một công ty của tập đoàn dầu khí Việt Nam.
Đức đã yêu cầu Việt Nam trao trả lại ông Thanh sau vụ bắt cóc mà Đức nói là vi phạm luật pháp nước này.
Theo nguồn tin từ phía Việt Nam mà TAZ có được, vấn đề trả ông Thanh trở lại Đức đang gây tranh cãi tại Hà Nội.
"Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương Việt Nam đang gây áp lực để trả Trịnh Xuân Thanh cho phía Đức. Họ biết rằng đây là cách duy nhất để phục hồi toàn diện quan hệ giữa hai nước. Nhưng các quan chức cao cấp về nội vụ muốn ngăn chặn điều này bằng mọi giá", nguồn tin thân cận với Bộ Ngoại giao Việt Nam cho TAZ biết.
Vẫn theo nguồn tin này, những người ngăn chặn bao gồm những người có liên quan đến vụ bắt cóc và cho rằng Đức đã ban hành lệnh bắt giữ quốc tế đối với họ.
Theo Tổng Công tố viện Liên bang Đức, ông Thanh gần như chắc chắn bị đưa ra khỏi khu vực Schengen của liên minh Châu Âu bởi một chuyên cơ của chính phủ Slovakia. Điều này cũng đang làm mối quan hệ giữa Việt Nam và Slovakia căng thẳng khi Slovakia yêu cầu Hà Nội giải thích liệu họ có bị phía Việt Nam lợi dụng để tiến hành vụ bắt cóc hay không.
Việt Nam hiện đang theo đuổi hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu, trong đó Đức và Slovakia là những thành viên. Hiệp định này được cho là sẽ giúp tăng GDP của Việt Nam thêm 3,2 tỷ USD vào năm 2020 và khoảng 7,2 tỷ USD vào năm 2030.
Hôm 17/10, Ủy ban Châu Âu ở Brussels đã phê duyệt hiệp định này. Nhưng để hiệp định được chính thức thông qua, cần phải có sự phê chuẩn của các nước thành viên EU và Nghị viện Châu Âu.
Nhật báo TAZ của Đức hôm nay có đăng một bài báo về cuộc đàm phán này. Sau đây là bản dịch :
Việt Nam và Đức đàm phán trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức
Kể từ khi vụ bắt cóc xảy ra, quan hệ giữa Đức và Việt Nam bị khủng hoảng. Chính phủ hai nước đang cố gắng tiến gần lại với nhau.
Hôm nay thứ Năm ngày 01/11/2018 tại Bộ Ngoại giao Đức ở Berlin, Chính phủ Đức và Việt Nam đã đàm phán về việc trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức, ông Thanh chính là người bị kết 2 án tù chung thân tại Hà Nội hồi đầu năm nay. Cựu cán bộ cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam, người mà bị thất sủng tại Hà Nội, đã đào thoát đến Đức xin tị nạn hồi giữa năm 2016 và sau đó đã bị mật vụ Việt Nam từ Hà Nội sang Đức bắt cóc đem về nước hồi cuối tháng 7 năm 2017. Việc bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước phụ thuộc vào kết quả thỏa thuận về trường hợp của ông.
Tờ TAZ đã biết tin về cuộc đàm phán ngày hôm nay từ giới lân cận với Bộ Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội. Cuộc đàm phán được thực hiện theo lời mời của Chính phủ Liên bang Đức. Dẫn đầu phái đoàn đàm phán cấp cao của Việt Nam là Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Bộ Ngoại giao Đức chỉ xác nhận với tờ TAZ là "có cuộc đàm phán tại Bộ Ngoại giao hôm nay ngày thứ Năm" như là một phần của "quá trình trao đổi chặt chẽ" với Việt Nam về "các vấn đề quốc tế và song phương". Bộ Ngoại giao Đức không nói gì về việc trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức. Tuy nhiên, rõ ràng là Đức luôn ràng buộc điều kiện đó với việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, mà trước đây ở cấp độ Ngoại giao "quan hệ đối tác chiến lược". Ngoài ra, phản ứng với hành vi bắt cóc vi phạm Công pháp quốc tế, Đức đã đình chỉ các cuộc tiếp xúc trao đổi với các chính trị gia Việt Nam, ngoại trừ trao đổi về vấn đề bắt cóc này.
Theo nguồn tin nêu trên từ Việt Nam, vấn đề trả Trịnh Xuân Thanh trở về lại Đức đang gây tranh cãi tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hình như không được ủy nhiệm (không được giao cho quyền) đưa ra lời cam kết với phía Đức. Trong khi đó, "Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương Việt Nam đang gây áp lực để trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức. Họ biết rằng đây là cách duy nhất để phục hồi toàn diện quan hệ giữa hai nước. Nhưng các quan chức cao cấp về nội vụ muốn ngăn chặn điều này bằng mọi giá", người cung cấp tin (từ giới lân cận với Bộ Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội) giải thích. Những người muốn ngăn chặn bao gồm những người có liên quan đến vụ bắt cóc và cho rằng Đức đã ban hành lệnh bắt giữ quốc tế đối với họ.
Theo Tổng Công tố viện Liên bang Đức, nạn nhân bắt cóc Trịnh Xuân Thanh gần như chắc chắn bị đưa ra khỏi khu vực Schengen bởi một chuyên cơ của chính phủ Slovakia.
Bộ trưởng Nội vụ Slovakia, Robert Kalinak, đã cho Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm mượn chiếc chuyên cơ, vì ông Tô Lâm phải nhanh chóng đến cuộc hẹn gấp ở Moscow, mà sự thật là không có cuộc hẹn nào ở đó. Hiện nay Slovakia đang điều tra, ông Kalinak vào thời điểm lúc đó có biết rằng nạn nhân bị bắt cóc ngồi trên chuyên cơ hay không. Ông Kalinak đã phủ nhận và nói ông không biết gì.
Việt Nam phủ nhận việc nạn nhân bị bắt cóc có mặt trên chuyên cơ. Slovakia yêu cầu Hà Nội giải thích cách thức Trịnh Xuân Thanh đã về Hà Nội như thế nào và đe dọa sẽ có hậu quả nếu không có lời giải thích xác đáng. Các lực lượng có suy nghĩ chín chắn ở Hà Nội thì không muốn có một đám cháy lan rộng về Ngoại giao.
Một Đại sứ mới cho sự khởi đầu mới
Vào tháng 8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bổ nhiệm Đại sứ Việt Nam mới tại Đức, ông Nguyễn Minh Vũ, thay thế ông Đoàn Xuân Hưng. Theo quan điểm của Hà Nội, cho một khởi đầu mới đáng tin tưởng về quan hệ Ngoại giao thì nhất thiết cần phải có một Đại sứ mới, không có liên quan gì đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Kể từ khi vụ bắt cóc xảy ra hồi cuốt tháng 7/2017, Chính phủ Đức cũng như những nhà Ngoại giao nước khác đã cắt giảm quan hệ với Đại sứ cũ Đoàn Xuân Hưng, mà trong Đại sứ quán của ông nạn nhân bị bắt cóc Trịnh Xuân Thanh có lẽ đã bị nhốt 2 ngày trong đó trước khi được chuyển đến Bratislava (thủ đô Slovakia). Ông Hưng đã gây chú ý trong dư luận về việc ông uống bia và chơi golf với những người Việt Nam định cư ở Đức, mà những người này bị cảnh sát để ý đến.
Tân Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ đã được bổ nhiệm nhưng chưa được phía Đức chấp nhận
Mặc dù Đại sứ mới đã được chính thức bổ nhiệm, nhưng Đại sứ cũ vẫn tiếp tục chức vụ. Bộ Ngoại giao Đức đã tuyên bố, như một người trong nội bộ tiết lộ với tờ TAZ, chỉ khi nào điều kiện trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức được đáp ứng, thì Đức mới đồng ý chấp nhận Ủy nhiệm thư của Tân Đại sứ Nguyễn Minh Vũ. Nếu không, ông Vũ -người có một một vị thế vững chắc hơn người tiền nhiệm của mình- sẽ bị "đốt cháy".
Nguồn VOA và Thoibao.de
*********************
Thanh lại sang Đức… uống bia và chơi golf ? (VNTB, 04/11/2018)
Một điều thật khôi hài và trớ trêu là nhân vật Trịnh Xuân Thanh - quan chức đã bị không phải một mà đến hai cái án chung thân bởi ‘bác tổng bí thư’- đang tràn trề cơ hội để trở sang Đức… uống bia và chơi golf !
Trịnh Xuân Thanh sẽ tiếp tục tận hưởng mùa thu nước Đức ?
Cuộc họp đặc biệt giữa Quốc Vụ khanh đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis với Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn ở Berlin vào ngày 1/11/2018 đã lộ ra cơ hội đó.
Ngay sau cuộc họp trên, cựu Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng bình luận trên Facebook cá nhân "Chắc chắn sự hợp tác ở tầm chiến lược giữa hai nước sẽ còn phát triển mạnh hơn trong tương lai", còn báo đảng ở Việt Nam thì thông tin "Quốc Vụ khanh Andreas Michaelis hứa sẽ thu xếp sớm thăm Việt Nam vào thời gian phù hợp để tiến hành Đối thoại chiến lược giữa hai Bộ Ngoại giao".
Về thực chất, "thắng lợi vĩ đại" nhất từ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là sự "kiến tạo" một bước ngoặt lớn trong trang sử quan hệ Ngoại giao Đức-Việt và EU-Việt, làm thay đổi hẳn nhận thức của giới quan chức Đức và Liên Minh Châu Âu đối với phương châm "Việt Nam luôn làm bạn với tất cả các nước".
Khi nổ ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và ít ngày sau đó, có lẽ Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tính toán không ít kế hoạch để đối phó với Đức và với dư luận. Nhưng dù mắt trước mắt sau đến thế nào, họ vẫn quên hoặc không thể nhận thức được - như một trí não bình thường - về một nhân tố căn cơ và mang tính quyết định : Đức là một nhà nước pháp quyền, lấy pháp quyền làm giá trị hàng đầu để điều hành xã hội và đối ngoại.
Tam quyền phân lập là một trong những giá trị pháp quyền ấy. Với tư cách là một thành phần độc lập trong thể chế chính trị tam quyền phân lập, tòa án Đức tách rời một cách tương đối với những quyết định của chính phủ và Bộ Ngoại giao Đức.
Sự thật là trong con mắt nước Đức, một kẻ tham nhũng như Trịnh Xuân Thanh nếu có được phía Việt Nam trả lại cho Đức cũng chẳng có ý nghĩa gì lớn. Mà trên hết, người Đức cần được chế độ vi phạm nhân quyền quá trầm trọng ở Việt Nam thật sự tôn trọng như một nhà nước pháp quyền, mà vụ Trịnh Xuân Thanh là một phép thử rất lớn.
Vào năm 2018, thách thức đối ngoại mà đảng cầm quyền của Nguyễn Phú Trọng phải đối mặt còn khó khăn hơn so với năm 2017. Nếu không chịu nhượng bộ trong việc ‘trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức’, ông Trọng có thể sẽ phải nhận thêm hậu quả về một cuộc khủng hoảng Ngoại giao lan rộng giữa các nước Châu Âu với Việt Nam, không những tuyệt vọng về EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt nam- EU) mà còn có thể tuyệt giao về quan hệ Ngoại giao, để khi đó số phận của chính thể độc đảng ở Việt Nam sẽ biến thành… Bắc Triều Tiên.
Cũng bởi thế, vào tháng Năm năm 2018 đã xuất hiện một số suy đoán cho rằng để xử lý khủng hoảng đối ngoại trên, ông Trọng đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp ‘vận động Trịnh Xuân Thanh rút đơn kháng cáo’ ngay trước phiên xử phúc thẩm Trịnh Xuân Thanh, mà theo đó sau khi ông Thanh đã ‘yên tâm ở tù chung thân’, phía Việt Nam sẽ đàm phán với Đức để âm thầm trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức theo hình thức ‘áp dụng luật đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại của Nhà nước’.
Luồng suy đoán trên cũng nêu ra cơ sở là với các nhà lãnh đạo Việt Nam, sau khi đã xử Trịnh Xuân Thanh, đặc biệt ‘ông anh’ của Trịnh Xuân Thanh là Đinh La Thăng, đã phần nào đáp ứng nguyện vọng "trừng trị những kẻ tham nhũng" trong một bộ phận dân chúng, cũng thể hiện được uy quyền "đốt lò" của mình. Con bài Trịnh Xuân Thanh đã hết hạn sử dụng, không nên là vật cản cho quan hệ hai nước Việt – Đức, đặc biệt quan hệ Việt Nam – EU. Hiệp định thương mai tự do Việt nam – EU phải được ký kết sớm, và cần giải toả con bài Trịnh Xuân Thanh càng sớm càng tốt.
Đến đầu tháng Sáu năm 2018 thì sự việc trở nên rõ hơn nhiều. Tờ Nhật báo Frankfurt Phổ thông (Frankfurter Allgemeine Zeitung – FAZ) của Đức cho biết Trịnh Xuân Thanh sẽ được trả tự do "trong thời gian tới đây". Dựa trên nhiều nguồn tin, tờ nhật báo này nói rằng chính phủ Hà Hội đã cam kết với nước Đức sẽ cho phép Trịnh Xuân Thanh xuất cảnh sang nước Cộng Hòa Liên bang Đức sau khi vụ xét xử một người giúp đỡ bắt cóc ở Berlin đi đến kết thúc.
Cũng theo thông tin của nhật báo này, một phần của sự nhượng bộ từ phía Việt Nam cũng là việc trả tự do cho luật sư Nguyễn Văn Đài.
Với những vụ trả tự do như thế, Hà Nội hy vọng sẽ cải thiện được quan hệ kinh tế với nước Đức và EU, báo FAZ tường thuật. Đại diện EU cũng nói với Hà Nội rằng việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam vào đầu năm 2019 sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận của Đức trong Hội đồng Châu Âu. Thuộc vào trong số những nhượng bộ về Ngoại giao của Việt Nam cũng là việc cải thiện những điều kiện giam giữ cho các tù nhân chính trị khác.
Hai cái tên – một Trịnh Xuân Thanh quan chức tham nhũng nhưng được ‘ăn theo’ nhân quyền, và một Nguyễn Văn Đài nhà hoạt động nhân quyền – rõ ràng là những bằng chứng đầu tiên cho thấy chính thể độc trị ở Việt Nam bắt đầu phải nhượng bộ Chính phủ Đức nói riêng và EU nói chung về pháp quyền và nhân quyền.
Nếu trong thời gian tới, Trịnh Xuân Thanh quả thực sẽ uống bia và chơi golf ở Đức, tâm thế đầu hàng của nhà nước cộng sản Việt Nam sẽ hiện hình một cách đầy ý nghĩa : hiện tượng này phản ánh tiến trình ‘vận nước đang lên’ và cuộc đấu lực lẫn đấu trí của nhà nước này với người Đức, Liên minh Châu Âu và người Mỹ đã chạm vào ngưỡng trên của giới hạn chịu đựng. Nguyễn Phú Trọng và cái túi ngân sách thủng toang hoác của chế độ ông ta khó mà có thể chịu đựng cơn đói ăn hơn nữa.
Thường Sơn
****************
Việt - Đức sắp khôi phục quan hệ đối tác chiến lược ? (BBC, 03/11/2018)
Đức và Việt Nam tiến gần hơn đến việc chính thức khôi phục quan hệ Đối tác chiến lược sau khủng hoảng vì cáo buộc 'bắt cóc' ông Trịnh Xuân Thanh.
Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin, Đức
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đang ở Berlin, có cuộc họp với Quốc Vụ khanh đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis.
Truyền thông nhà nước Việt Nam nói Quốc Vụ khanh Andreas Michaelis hứa sẽ thu xếp sớm thăm Việt Nam vào thời gian phù hợp để tiến hành Đối thoại chiến lược giữa hai Bộ Ngoại giao.
Trong một cuộc gặp Việt kiều tại Berlin, ông Bùi Thanh Sơn không đề cập cụ thể trường hợp Trịnh Xuân Thanh, nhưng nói quan hệ Việt - Đức thời gian tới "sẽ có nhiều tiến triển".
Quan hệ Đức - Việt gặp khủng hoảng sau vụ liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh mà phía Đức nói là bị mật vụ Việt Nam "bắt cóc tại Berlin" hè 2017 rồi chuyển về Hà Nội đưa ra tòa.
Berlin đã tạm ngưng đối tác chiến lược với Hà Nội sau đó.
Ông Trịnh Xuân Thanh đã nhận hai án chung thân trong hai vụ án riêng rẽ ở Việt Nam.
Trong khi đó, trang Facebook cá nhân của Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng đưa hình ảnh cho thấy Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Quốc Vụ khanh Đức gặp nhau tại Berlin bàn thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược hai nước ngày 1/11.
Ông Đoàn Xuân Hưng bình luận trên Facebook cá nhân : "Chắc chắn sự hợp tác ở tầm chiến lược giữa hai nước sẽ còn phát triển mạnh hơn trong tương lai".
*********************
Chính phủ Đức và Việt Nam tiến hành thương lượng vụ "trả" lại ông Trịnh Xuân Thanh tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở Berlin từ hôm 1 tháng Mười Một, 2018, tin do nhật báo TAZ của Đức tiết lộ.
Ông Trịnh Xuân Thanh bị dẫn giải ra tòa hôm 22 tháng Giêng, 2018, tại Hà Nội. (Hình : Vietnam News Agency/AFP/Getty Images)
"Việc bình thường hóa quan hệ Đức-Việt tùy thuộc vào thỏa thuận về vụ Trịnh Xuân Thanh. Cuộc thương lượng được thực hiện theo lời mời của chính phủ Đức. Đại diện Việt Nam là một thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức xác nhận cuộc thương lượng là một phần của ‘quá trình thảo luận chặt chẽ’ với Việt Nam về ‘các vấn đề quốc tế và song phương,’" nhật báo TAZ tường thuật.
Tin đồn về việc Việt Nam sắp sửa trả lại ông Trịnh Xuân Thanh cho phía Đức đã râm ran từ vài tháng nay và đã dấy lên suy đoán rằng ông Thanh "sẽ đi Đức trước cuối năm 2018".
Đức đã tuyên bố ngưng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam sau khi chính thức đưa ra cáo buộc Việt Nam bắt cóc ông Thanh tại Berlin ngày 23 tháng Bảy, 2017.
Tờ báo của Đức cũng hé lộ thêm, vụ trả lại ông Trịnh Xuân Thành cho Đức "đang gây tranh cãi ngay tại Hà Nội". Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương Việt Nam được cho là muốn thúc đẩy việc này sớm vì đây là cách duy nhất để khôi phục quan hệ Ngoại giao với Đức nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt từ những giới chức cao cấp liên quan đến vụ bắt cóc ông Thanh.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (phải) và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì họp báo kết thúc Hội nghị liên bộ - Ảnh minh họa
TAZ không nêu danh tính vị thứ trưởng Bộ Ngoại giao CSVN, nhưng theo Thoibao.de, đó là ông Bùi Thanh Sơn, người đến dự lễ quốc khánh Đức ngày 5 tháng Mười tại Hà Nội.
Thông tin này trùng khớp với một post lúc 8 giờ tối 2 tháng Mười Một trên trang Facebook cá nhân của ông Đoàn Xuân Hưng, đại sứ Việt Nam tại Đức, với hình ảnh và nội dung : "Thứ Trưởng Thường Trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Quốc Vụ Khanh Bộ Ngoại giao Đức gặp nhau tại Berlin bàn thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược hai nước (1 tháng Mười Một, 2018)".
"Nền tảng quan hệ hai nước rất vững chắc. Tiềm năng hợp tác trên mọi lĩnh vực rất lớn. Chắc chắn sự hợp tác ở tầm chiến lược giữa hai nước sẽ còn phát triển mạnh hơn trong tương lai", ông Đoàn Xuân Hưng bình luận trên Facebook cá nhân.
Cũng vậy, một bản tin đăng trên báo VOV của Đài Tiếng Nói Việt Nam hôm 2 tháng Mười Một cho hay : "Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc theo lời mời của phía Đức, hôm 1 tháng Mười Một, tại trụ sở Bộ Ngoại giao Đức, Thứ trưởng thường tTrực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc hội đàm với ông Andreas Michaelis, quốc vụ khanh đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Đức. Tại hội đàm trong không khí vui vẻ, cởi mở và thân tình, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước. Phía Đức đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam thời gian qua cũng như vai trò, vị trí quan trọng của Việt Nam trong ASEAN và tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương ; cho rằng đây là cơ sở quan trọng để hai bên hợp tác trong thời gian tới".
Tất nhiên, báo này không đả động gì về vụ thương lượng trả lại ông Thanh là nội dung chính của cuộc họp.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn (phải) và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis. (Hình : Facebook Hung Doan)
Trong khi đó, nhà văn Trần Quốc Quân ở Ba Lan viết trên trang cá nhân : "Một nguồn tin mới nhất về Trịnh Xuân Thanh cho biết : Vào lúc 23 giờ 15 phút đêm 2 tháng Mười Một, 2018, công an đã đưa ông Trịnh Xuân Thanh đi vào cửa sau sân bay Nội Bài để chuẩn bị cho chuyến bay Air Vietnam 37 từ Hà Nội đi Berlin. Đi theo chuyến bay là phụ tá của ông Đại sứ Đức Christian Berger từ Hà Nội. Chuyến bay sẽ đáp xuống FrankFurt lúc 14 giờ 45 phút giờ địa phương để đổi sang máy bay Lufthansa 188 đến Berlin. Cả hai phía Đức và Việt Nam sẽ giữ kín thông tin này và ông Thanh được cho là cũng sẽ không tiết lộ với báo chí vì đây là cam kết giữa ba bên".
Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam – PVC), bị kết án chung thân hai lần hồi đầu năm 2018.
Hà Nội đang đặt nhiều hy vọng vào Hiệp định Thương mại Tự do với EU (EVFTA) nhưng vấn đề là quan hệ Ngoại giao với Đức và Slovakia, hai thành viên của khối này, đang rơi vào khủng hoảng về vụ Trịnh Xuân Thanh.
Hồi tháng trước, theo hãng thông tấn nhà nước TASR, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Slovakia Boris Gandel tuyên bố : "Quan hệ song phương Slovakia-Việt Nam sẽ bị đóng băng cho đến khi Bratislava nhận được lời giải thích đáng tin cậy từ Hà Nội về vụ ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc đã kết thúc tại Việt Nam như thế nào".
Thời điểm đó, tuần báo Spectator và nhật báo Denník N của Slovakia tiết lộ một chi tiết ít người biết về vụ bắt cóc : "Một passport trong đoàn Việt Nam thiếu visa Schengen theo yêu cầu. Tên của người đó trên passport là Trung Việt Lưu và ngày tháng năm sinh là 2 tháng Chín, 1968. Người này nhiều khả năng chính là Trịnh Xuân Thanh. Các nhân viên cận vệ của Slovakia mô tả rằng họ để ý trong số ba người Việt cuối cùng lên máy bay, hai người khống chế người còn lại. Slovakia có thể cấp ngoại lệ ra vào nước này mà không cần visa Schengen vì ba lý do : nhân đạo, lợi ích của nhà nước hoặc cam kết quốc tế". (T.K.)
********************
Vụ Trịnh Xuân Thanh : Việt Nam tìm cách hàn gắn quan hệ với Đức (RFI, 03/11/2018)
Ngày 01/11/2018, thứ trưởng thường trực bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã sang Berlin để đàm phán với phía Đức nhằm hàn gắn lại mối quan hệ Ngoại giao đã bị khủng hoảng sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Ông Trịnh Xuân Thanh bị cảnh sát áp tải đến một phiên tòa tại Hà Nội, ngày 8/1/2018. VNA/Doan Tan via Reuters
Tường trình của thông tín viên Trung Khoa từ Berlin :
Tờ TAZ đã có tin về cuộc đàm phán này từ giới thân cận với bộ Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội. Cuộc đàm phán được thực hiện theo lời mời của chính phủ Liên bang Đức. Tuy nhiên, bộ Ngoại giao Đức chỉ xác nhận với tờ TAZ là "có cuộc đàm phán tại bộ Ngoại giao ngày hôm nay, thứ Năm" như là một phần của "quá trình trao đổi chặt chẽ" với Việt Nam về "các vấn đề quốc tế và song phương". Bộ Ngoại giao không nói gì về việc trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức. Nhưng rõ ràng là Đức luôn ràng buộc điều kiện đó với việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, mà trước đây ở mức "quan hệ đối tác chiến lược". Ngoài ra, phản ứng với hành vi bắt cóc vi phạm Công pháp quốc tế, Đức đã đình chỉ các cuộc tiếp xúc trao đổi với các chính trị gia Việt Nam, ngoại trừ trao đổi về vấn đề bắt cóc này.
Theo nguồn tin nêu trên ở Việt Nam, vấn đề trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức đang gây tranh cãi tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hình như không được ủy quyền đưa ra lời cam kết với phía Đức. Trong khi đó, "bộ Ngoại giao và bộ Công thương Việt Nam đang gây áp lực để trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức. Họ biết rằng đây là cách duy nhất để phục hồi toàn diện quan hệ giữa hai nước. Nhưng các quan chức cao cấp về nội vụ muốn ngăn chặn điều này bằng mọi giá". Người cung cấp tin (từ giới thân cận với bộ Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội) giải thích. Những người muốn ngăn chặn bao gồm những người có liên quan tới vụ bắt cóc và cho rằng Đức đã ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với họ.
Tháng 8 vừa qua, Việt Nam đã bổ nhiệm ông Nguyễn Minh Vũ làm đại sứ mới ở Đức thay ông Đoàn Xuân Hưng. Họ cho rằng, để có sự khởi đầu mới về quan hệ Ngoại giao thì phải có một đại sứ mới không liên quan gì tới vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Tuy nhiên, theo một nguồn tin từ bộ Ngoại giao Đức tiết lộ với báo TAZ, dường như ông Nguyễn Minh Vũ chưa được chấp nhận cho tới khi hai bên giải quyết xong vụ Trịnh Xuân Thanh.
Kể từ khi vụ bắt cóc xảy ra cuối tháng 7/2017, chính phủ Đức cũng như những nhà Ngoại giao nhiều nước khác đã cắt giảm quan hệ với đại sứ Đoàn Xuân Hưng, vì Trịnh Xuân Thanh xem chừng đã bị nhốt hai ngày trong đại sứ quán trước khi được chuyển tới Bratislava để đưa về Việt Nam. Ông Hưng đã gây chú ý trong dư luận về việc ông uống bia và chơi golf với những người Việt Nam định cư ở Đức. Đây là những người bị cảnh sát Đức để ý.
Sau khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra, chính phủ Đức đã quyết định tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam kể từ ngày 22/09/2017. Sau đó chính phủ Đức còn tạm đình chỉ hiệp định giữa hai nước về việc miễn visa đối với hộ chiếu Ngoại giao Việt Nam. Hiện nay Đức vẫn tiếp tục tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Trung Khoa
Các quan chức của Việt Nam và Đức đang thương lượng việc trả lại Trịnh Xuân Thanh, người mà Berlin cáo buộc bị mật vụ Việt bắt cóc hồi năm ngoái, trong bối cảnh Hà Nội muốn đạt được một hiệp định thương mại với Liên minh Châu Âu.
Nhật báo TAZ của Đức cho biết các quan chức chính phủ của Việt Nam đã gặp các quan chức của Đức tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở Berlin hôm 1/11 để bàn thảo việc trả lại cựu quan chức ngành dầu khí đã bị Hà Nội kết 2 án chung thân hồi đầu năm nay cho phía Đức.
Nhật báo quốc gia duy nhất của Đức nói họ biết tin về cuộc đàm phán từ giới thân cận với Bộ Ngoại giao Việt Nam. Theo nguồn tin này, cuộc thương lượng được thực hiện theo lời mời của chính phủ Đức. Phái đoàn Việt Nam tham gia đàm phán tại Bộ Ngoại giao Đức hôm 1/11 do một thứ trưởng Bộ Ngoại giao dẫn đầu. Taz không nêu tên vị thứ trưởng này nhưng theo Thoibao.de, người dẫn đầu đoàn Việt Nam là ông Bùi Thanh Sơn. Ông Sơn chính là người tới tham dự buổi lễ Quốc khánh Đức ngày 5/10 tại Hà Nội, nơi Đại sứ Đức Christian Berger nói sẽ thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Đức ngày càng phát triển tích cực.
Vào tháng 9 năm ngoái, Đức đã tuyên bố tạm ngừng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam sau khi Việt Nam bắt cóc ông Thanh tại Berlin ngày 23/7/2017 nhưng Hà Nội nói rằng ông Thanh tự về đầu thú.
Trước khi bị bắt cóc, ông Thanh đang xin tị nạn tại Đức. Sau khi "trở về đầu thú", ông Thanh bị đưa ra tòa xử và bị tuyên hai án tù chung thân cho tội danh tham ô và quản lý kém gây thất thoát tài sản nhà nước. Ông Thanh bị cho là làm thất thoát hơn 3.000 tỷ đồng trong thời gian làm chủ tịch PVC, một công ty của tập đoàn dầu khí Việt Nam.
Đức đã yêu cầu Việt Nam trao trả lại ông Thanh sau vụ bắt cóc mà Đức nói là vi phạm luật pháp nước này.
Theo nguồn tin từ phía Việt Nam mà TAZ có được, vấn đề trả ông Thanh trở lại Đức đang gây tranh cãi tại Hà Nội.
"Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương Việt Nam đang gây áp lực để trả Trịnh Xuân Thanh cho phía Đức. Họ biết rằng đây là cách duy nhất để phục hồi toàn diện quan hệ giữa hai nước. Nhưng các quan chức cao cấp về nội vụ muốn ngăn chặn điều này bằng mọi giá", nguồn tin thân cận với Bộ Ngoại giao Việt Nam cho TAZ biết.
Vẫn theo nguồn tin này, những người ngăn chặn bao gồm những người có liên quan đến vụ bắt cóc và cho rằng Đức đã ban hành lệnh bắt giữ quốc tế đối với họ.
Theo Tổng Công tố viện Liên bang Đức, ông Thanh gần như chắc chắn bị đưa ra khỏi khu vực Schengen của liên minh Châu Âu bởi một chuyên cơ của chính phủ Slovakia. Điều này cũng đang làm mối quan hệ giữa Việt Nam và Slovakia căng thẳng khi Slovakia yêu cầu Hà Nội giải thích liệu họ có bị phía Việt Nam lợi dụng để tiến hành vụ bắt cóc hay không.
Việt Nam hiện đang theo đuổi hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu, trong đó Đức và Slovakia là những thành viên. Hiệp định này được cho là sẽ giúp tăng GDP của Việt Nam thêm 3,2 tỷ USD vào năm 2020 và khoảng 7,2 tỷ USD vào năm 2030.
Hôm 17/10, Ủy ban Châu Âu ở Brussels đã phê duyệt hiệp định này. Nhưng để hiệp định được chính thức thông qua, cần phải có sự phê chuẩn của các nước thành viên EU và Nghị viện Châu Âu.
******************
Truyền thông Đức : Việt Nam và Đức đàm phán trả Trịnh Xuân Thanh về Đức (RFA, 02/11/2018)
Tờ báo Đức TAZ hôm 1/11 trích nguồn tin thân cận với Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết một đoàn cấp cao Việt Nam hiện đang có mặt tại Berlin để đàm phán với phía Đức về quan hệ hai nước và khả năng trao trả cựu quan chức ngành dầu khí Việt Nam bị kết tội tham nhũng Trịnh Xuân Thanh về Đức.
Trịnh Xuân Thanh (giữa) bị giải ra tòa ở Hà Nội hôm 22/1/2018 AFP
Theo TAZ, cuộc đàm phán được thực hiện theo lời mời của chính phủ Liên bang Đức. Dẫn đầu phái đoàn Việt Nam thực hiện đàm phán là thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Bộ Ngoại giao Đức không xác nhận cụ thể về nội dung đàm phán với TAZ nhưng cho biết có cuộc gặp giữa hai bên tại Bộ Ngoại giao Đức hôm thứ Năm, ngày 1/11. Bộ Ngoại giao Đức cho biết cuộc gặp là một phần của "quá trình trao đổi chặt chẽ" với Việt Nam về "các vấn đề quốc tế và song phương". Bộ Ngoại giao Đức không xác nhận thông tin về đàm phán trao trả Trịnh Xuân Thanh về Đức.
Quan hệ giữa Việt Nam và Đức đã xấu đi từ tháng 7 năm ngoái khi Hà Nội cho an ninh sang Berlin để bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam. Ông Trịnh Xuân Thanh lúc đó đang xin tỵ nạn tại Đức. Sau đó tại phiên tòa ở Hà Nội vào đầu năm nay, ông Trịnh Xuân Thanh bị kết án chung thân về tội tham nhũng.
Ngay sau vụ bắt cóc xảy ra, phía Đức đã chính thức lên tiếng cáo buộc Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức, vi phạm luật pháp Đức và quốc tế. Vì điều này, Đức đã đóng băng quan hệ chiến lược với Việt Nam. Đức yêu cầu Việt Nam phải trao trả Trịnh Xuân Thanh về Đức để làm đúng thủ tục pháp lý cần thiết. Đây cũng là một điều kiện ràng buộc trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Hà Nội từ trước đến nay vẫn khẳng định Trịnh Xuân Thanh đã tự về nước đầu thú.
Ngoại trưởng Miroslav Lajcak của Slovakia (trái) và Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, (ảnh minh họa). Reuters
Theo nguồn tin của TAZ, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn không có quyền quyết định để đưa ra bất cứ lời hứa nào về việc trao trả Trịnh Xuân Thanh về Đức. Tuy nhiên "Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao Việt Nam đang gây sức ép đòi trả Thanh về lại Đức".
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh còn làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa Việt Nam và Slovakia, nước có liên quan đến việc cho đoàn của Bộ trưởng Công an Tô Lâm mượn máy bay công vụ hồi năm 2017 để đưa Trịnh Xuân Thanh sang Moscow.
Hôm 19/10 vừa qua, Bộ Ngoại giao Slovakia cho biết quan hệ song phương giữa Slovakia và Việt Nam sẽ bị đóng băng. Thông báo này được đưa ra sau khi có những kêu gọi từ đảng đối lập ở quốc gia này đòi chính phủ Slovakia phải có điều tra nghiêm túc về việc cho mượn máy bay tham gia vụ bắt cóc và trục xuất đại sứ Việt Nam về nước, đồng thời đòi hỏi Việt Nam phải có lời giải thích chính thức với Slovakia về những cáo buộc được nói tới.
Sắp mở tòa !
Cho đến thời điểm tháng Chín năm 2018, đã có một điểm tương đồng đặc biệt trong cơn địa chấn mang tên Trịnh Xuân Thanh: cả hai cơ quan cảnh sát Đức và Slovakia đều tạm kết thúc giai đoạn đầu tiên về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trong vòng khoảng 2 tháng, tuy khác nhau về thời gian. Với người Đức là từ tháng Tám đến tháng Mười năm 2017, còn với Slovakia là từ tháng Tám đến tháng Mười năm 2018.
Đài truyền hình VTV phát trên cả nước: Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú tại đồn công an ở Hà Nội hôm 3/8/2017.
Kể từ tháng Tám năm 2018 khi vụ Trịnh Xuân Thanh bị ‘vận chuyển’ qua sân bay Bratislava của Slovakia bị các tờ báo của Đức và Slovakia tung loạt bài điều tra mang tính phát hiện và gây chấn động chính trường Slovakia, hai tháng là khoảng thời gian tối đa mà quốc hội nước này yêu cầu phải kết thúc công việc điều tra của cảnh sát, và sau đó vấn đề này đã được trực tiếp chỉ thị bởi Tổng thống Slovakia Andrej Kiska và Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini.
Mới đây, trang thoibao.de cho biết sau 2 tháng điều tra, Viện Công tố Slovakia đã ra quyết định bắt đầu tiến hành truy tố hình sự (khởi tố) về vụ án dùng chuyên cơ chính phủ Slovakia đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen. Hai cảnh sát (hộ tống phái đoàn công an cấp cao do Bộ trưởng Tô Lâm dẫn đầu) đã khai với cơ quan điều tra Slovakia rằng họ đã nhìn thấy một người đàn ông Việt Nam, có lẽ là Trịnh Xuân Thanh, bị kéo lết lên chuyên cơ của chính phủ Slovakia.
Đáng chú ý, quyết định khởi tố vụ án trên của Viện Công tố Slovakia diễn ra ngay sau những cuộc gặp giữa hai công tố trưởng của Slovakia và Đức và giữa bộ trưởng nội vụ của Đức và Slovakia về vụ Trịnh Xuân Thanh ; cũng diễn ra ngay sau cuộc nói chuyện ngắn gọn của Ngoại trưởng Slovakia Lajcak với Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh bên lề cuộc họp tại New York vào tháng Chín năm 2018.
"Nếu quý vị tiếp tục nói rằng quý vị không lạm dụng lòng hiếu khách của chúng tôi và công dân bị bắt cóc của quý vị không có mặt trên chuyến phi cơ của chính phủ Slovakia, thì tôi yêu cầu quý vị hãy đưa ra lời giải thích không sai sót về việc quý vị đã đưa ông ta từ Đức về Việt Nam bằng cách nào", và "Bất kỳ cách giải thích gây hiểu nhầm nào từ phía quý vị cũng sẽ gây ra những hậu quả cho quan hệ song phương giữa chúng ta, và chúng tôi cũng đang sẵn sàng có những hành động hạn chế trên cơ sở vì lợi ích của EU" - một phát ngôn mang tính ‘tối hậu thư’ của Lajcak dành cho Phạm Bình Minh !
Slovakia từ chối tiếp Nguyễn Phú Trọng ?
Quyết định bắt đầu tiến hành truy tố hình sự (khởi tố) về vụ án ‘dùng chuyên cơ chính phủ Slovakia đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen’ của Viện Công tố Slovakia cho thấy vụ Trịnh Xuân Thanh đã không thể chìm xuồng ở Slovakia theo cách mà giới chóp bu Việt Nam hết sức mong muốn.
Một số thông tin cho biết trước đó đã có những ‘vận động’ từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam và cả những hứa hẹn ‘sẽ tạo môi trường thuận lợi về đầu tư và thương mại ở Việt Nam cho Slovakia’, nhưng đã không được chính phủ của Thủ tướng Peter Pellegrini hồi đáp.
Một dấu hỏi lớn vẫn đang hiện ra là liệu Slovakia có nằm trong kế hoạch ‘công du 3 nước Châu Âu’ của Nguyễn Phú Trọng - người đang rất cần tính ‘chính danh chủ tịch nước’ ngay sau cái chết của Trần Đại Quang ? Bởi vào đầu tháng Chín năm 2018, ông Trọng đã chỉ bay đến hai quốc gia được Việt Nam xem là ‘thân thiện’ là Nga và Hungary. Phải chăng phía Slovakia đã từ chối tiếp ‘đảng trưởng’ Đảng Cộng sản Việt Nam ?
Quyết định khởi tố vụ án Trịnh Xuân Thanh của Viện Công tố Slovakia cũng cho thấy quan điểm của những lãnh đạo cấp cao nước này là lạnh lẽo và cứng rắn hơn nhiều so với những gì thể hiện trước đó với giới chóp bu Việt Nam, và chiều hướng của ngành tư pháp Slovakia là rất có thể sẽ dẫn tới một phiên tòa lớn để xét xử những quan chức Slovakia dính líu đến vụ ‘tiếp tay cho bắt cóc’, theo cách mà Tòa án Thượng thẩm Berlin vào tháng Tư năm 2018 đã mở phiên tòa xử Nguyễn Hải Long - một người Việt tham gia vào đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, dẫn đến việc Long phải chịu án tù giam gần 4 năm sau khi đã phải khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của y.
Còn khi cơn địa chấn bắt cóc lan sang Slovakia, cựu Đại biện lâm thời Đại sứ quán Slovakia tại Hà Nội Lê Hồng Quang được báo chí Đức và Slovakia xem là nhân chứng rất quan trọng trong việc móc nối cho đoàn quan chức công an Việt Nam, dẫn dắt bởi Bộ trưởng công an Tô Lâm, mượn máy bay của Chính phủ Slovakia để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, đưa từ Bratislava sang Moscow vào ngày 26/7/2017.
Thế nhưng vào đầu tháng Tám năm 2018, Lê Hồng Quang đã biến khỏi căn hộ của ông ta, chỉ ít ngày sau khi Tổng thống Andrej Kiska và Thủ tướng Peter Pellegrini của Slovakia quyết định chỉ đạo Bộ Nội vụ và cảnh sát nước này mở cuộc điều tra về vụ Trịnh Xuân Thanh.
Sau đó, có tin và cả hình ảnh về Lê Hồng Quang đã ‘trốn an toàn’ về Hà Nội và được hiểu rằng ông ta đã được Đảng Cộng sản Việt Nam ‘bảo kê’.
Kaliňák sẽ phải nhận án ?
Dù Lê Hồng Quang đã ‘bỏ trốn thành công’, vẫn còn một nhân chứng khác không thể đào thoát : cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kaliňák - một nghi can và cũng là một dấu hỏi rất lớn dính líu vụ ‘vận chuyển Trịnh Xuân Thanh’ và vụ ‘Tô Lâm làm bình phong’.
Đến lúc này, đã chắc chắn rằng cựu Bộ trưởng nội vụ Kaliňák không còn giữ được tư thế bất khả xâm phạm, mà ông ta ít nhất đã bị cảnh sát Slovakia điều tra thẩm vấn về mối quan hệ cá nhân của Kaliňák với giới quan chức mật vụ Việt Nam ‘đặc biệt’ đến thế nào mà khiến ông ta lại nhiệt tình đến độ sẵn sàng cho nhóm Bộ trưởng công an Tô Lâm mượn chuyên cơ để bay thẳng từ Bratislava đến Hà Nội.
Tháng Chín năm 2018, phóng viên của Đài phát thanh và truyền hình RTV của Slovakia đã nêu ra với ông Kaliňák những nghi vấn của những nhà báo và luật sư ở Berlin rằng có ai đó ở Slovakia đã nhận hai triệu Euro trong vụ đưa Trịnh Xuân Thanh về nước ?
"Tôi đã nhận hai triệu Euro ư? Đừng đánh lạc hướng vấn đề như thế, thực sự là ngu xuẩn", ông Robert Kaliňák trả lời phóng viên Đài RTV Slovakia. "Bắt cóc tên tội phạm đã ăn cắp 130 triệu, tôi thực sự không thương hại hắn", cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia nói (Thoibao.de).
Nếu sắp tới kết quả điều tra của cảnh sát Slovakia làm rõ về trách nhiệm dính líu của Kaliňák với những kẻ bắt cóc, ông ta thậm chí có thể bị bắt giam và bị xử án về hành vi ‘tiếp tay cho bắt cóc’.
Sau khởi tố là gì ?
Quyết định khởi tố vụ án Trịnh Xuân Thanh của Viện Công tố Slovakia còn cho thấy Chính phủ nước này dường như quyết định sẽ lặp lại những biện pháp trừng phạt ngoại giao mà Nhà nước Đức đã tiến hành mạnh mẽ vào năm 2017.
Sau tháng Bảy năm 2017, khủng hoảng Đức - Việt đã bùng phát và kéo theo quá nhiều hậu quả. Không chỉ trục xuất vài cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức về nước, Nhà nước Đức còn thẳng tay tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 10/2017 và một tháng sau đó đã thông báo ngừng luôn hiệp định về miễn trừ visa đối với quan chức Việt Nam đi công tác ở Đức.
Một năm sau, vào ngày 9/8/2018, Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak đã tuyên bố chính thức sẽ không bổ nhiệm đại sứ của Slovakia ở Hà Nội cho đến khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh được điều tra rõ ràng. Khủng hoảng Slovakia - Việt Nam đã chính thức bùng nổ với động tác hạn chế ngoại giao đầu tiên như thế.
Những thông tin từ hải ngoại cho biết đến nay các cơ quan cảnh sát và tư pháp Slovakia đã nắm trong tay nhiều tài liệu và bằng chứng về vụ ‘vận chuyển Trịnh Xuân Thanh’, được cung cấp bởi cảnh sát Đức và tự điều tra. Thậm chí còn có tin (khó kiểm chứng) cho biết một số tài liệu - nhằm bạch hóa vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và có thể mang mục đích đấu đá chính trị nội bộ - đã được chuyển đến cảnh sát đặc biệt Đức từ… Việt Nam.
Với hệ thống bằng chứng và chứng cứ phong phú như thế, xác suất Chính phủ Slovakia công bố biện pháp chế tài ngoại giao với đối với chính thể độc đảng ở Việt Nam là khá cao và có thể xảy ra trong tháng Mười hoặc tháng Mười Một năm 2018. ‘Hạ cấp ngoại giao’, triệu hồi đại sứ của Slovakia về nước (hiện tại chỉ là Đại biện lâm thời), và tuyên bố trục xuất Đại sứ của Việt Nam tại Slovakia - ông Dương Trọng Minh - về nước theo yêu cầu của Phó Chủ tịch Quốc hội Slovakia là ông Bela Bugar có thể sẽ là những động tác trừng phạt mạnh hơn của Slovakia, làm tiền đề để Liên Hiệp Châu Âu phải xem xét lại mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam và cả về số phận mành chỉ treo chuông của EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Châu Âu).
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 04/10/2018
Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Việt Nam-Đức và Việt Nam-Slovakia liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức ngành dầu khí vẫn đang tiếp diễn.
Bộ trưởng ngoại giao Slovakia Miroslav Lajcak và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh có cuộc gặp bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 73 ở New York ngày 237/09/2018.
Hôm 27/9/2018, trong cuộc họp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Miroslav Lajcak và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 73 ở New York thì phía Slovakia đã "mạnh mẽ lên án" hành động bắt cóc này và nói rằng đây là hành động "vi phạm nền tảng luật pháp quốc tế và lạm dụng trắng trợn hệ thống khối Schengen, gây tác động tiêu cực lên quan hệ Việt Nam-Slovakia" (1).
Trong buổi kỷ niệm quốc khánh Việt Nam tại Đức (hôm 18/9/2018) thì phía Đức chỉ cử một quan chức cấp thấp là bà Ina Lepel, Vụ trưởng châu Á-Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Đức đến dự và câu kết thúc bài phát biểu, đại diện phía Đức đã nhấn mạnh : "Tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ mang lại nhiều cơ hội để cho nhân dân hai nước gặp gỡ và để cho quan hệ song phương được phục hồi và phát triển nhanh chóng". Bà cũng đã từ chối bắt tay đại sứ Đoàn Xuân Hưng (2).
Rất nhiều bình luận và chỉ trích hành động bắt cóc Trịnh Xuân Thanh của chính quyền Việt Nam làm ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa Việt Nam và Châu Âu đã được đưa ra suốt 9 tháng qua. Thật ra thì nhiều người đã không còn lạ gì bản chất khủng bố, làm bậy, làm càn bất chấp luật pháp quốc tế của chính quyền cộng sản. Trong đó đáng nói nhất là hành động tước bỏ quyền làm người của hơn 90 triệu người dân Việt Nam.
Bản chất của chính quyền Việt Nam xưa này vẫn thế và không hề thay đổi. Câu hỏi đặt ra là tại sao lần này Châu Âu mà cụ thể là Đức và Slovakia lại làm lớn chuyện vụ Trịnh Xuân Thanh ? Các vụ scandal liên quan đến ngành ngoại giao của Việt Nam vẫn xảy ra thường xuyên từ trước đến nay nhưng có sao đâu ? Ví dụ việc nhân viên đại sứ quán Việt Nam buôn lậu sừng tê giác ở Nam Phi, ô tô ở Ấn Độ hay vi cá mập ở Chi-lê ?…
Có ba lý do khiến Mỹ và các nước dân chủ luôn đối xử mềm mỏng, nếu không muốn nói là nhân nhượng rất nhiều cho chính quyền Việt Nam thời gian qua :
- Mỹ luôn muốn cô lập Trung Quốc vì vậy không thể mạnh tay trừng phạt Việt Nam vì không muốn Việt Nam ngả hẳn vào vòng tay của Trung Quốc. Họ thừa biết Việt Nam "đu dây" nhưng họ vẫn mặc kệ và chấp nhận điều đó.
- Bài học can thiệp quân sự của Mỹ vào Việt Nam vẫn còn đó với sự ‘thất bại’ của Mỹ, dù đã rất tốn kém về người lẫn tiền của. Từ sau 1975, Mỹ (và phương Tây) thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận với Việt Nam. Họ sẽ không bao giờ can thiệp quân sự nữa.
- Sau khi khối xã hội chủ nghĩa tại Nga và Đông Âu sụp đổ thì Mỹ không còn ‘quan tâm’ đến Việt Nam. Họ sẵn sàng đối đầu với Nga và Trung Quốc chứ không đối đầu với một nước nhỏ và trọng lượng không đáng kể như Việt Nam. Trước đây Mỹ can thiệp vào Việt Nam là muốn chặt đứt một mắt xích trong khối cộng sản, nay họ không còn nhu cầu đó.
Như chúng tôi đã phân tích trong các bài viết trước. Sau khi khối xã hội chủ nghĩa sụp đổ tại Nga và Đông Âu thì Mỹ và các nước dân chủ cho rằng chủ nghĩa cộng sản đã kết thúc, phe dân chủ đã toàn thắng. Vấn đề đối đầu giữa hai khối tự do dân chủ và độc tài cộng sản không cần đặt ra nữa, từ nay chỉ lo tập trung làm kinh tế. Tuy nhiên sau 40 năm hợp tác và chung sống với các nước độc tài thì Mỹ và các nước dân chủ đã nhận ra rằng thay vì mang lại sự cởi mở về dân chủ cho các nước độc tài trong quá trình phát triển kinh tế thì kết quả hoàn toàn ngược lại. Trung Quốc, Nga, Việt Nam… càng phát triển và có tiền thì họ càng đàn áp dân chúng mạnh hơn và càng ngày càng lộng hành, và "đe dọa" Mỹ và khối dân chủ.
Tất nhiên là sẽ như thế vì ý thức hệ cộng sản (độc tài) và dân chủ (tự do) như nước với lửa, chúng không thể nào chung sống với nhau. Thời gian "sống thử" giữa độc tài và dân chủ đã kết thúc.
Cuộc li dị lần này sẽ rất dứt khoát và không thể đảo ngược. Bắt đầu từ sự kiện Putin dùng vũ lực cưỡng chiếm bán đảo Crimea và hai tỉnh vùng Donbass của Ukraine. Mỹ và Châu Âu giật mình choàng tỉnh và đồng thuận lấy quyết định áp đặt cấm vận Nga từ đấy đến giờ. Quan hệ giữa Châu Âu và Nga không thể hàn gắn dù Putin đã dịu giọng đi rất nhiều. Trong vụ đầu độc một cựu sĩ quan Nga ở Anh, Mỹ và khối dân chủ đã trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga trên toàn thế giới, trước đó Obama cũng đã trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa hai cơ sở ngoại giao của Nga ở Mỹ… đây là những hành động chưa từng xảy ra suốt bốn thập niên qua, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Sự "trỗi dậy không hòa bình" của Trung Quốc với việc chiếm đóng và quân sự hóa Biển Đông, vung tiền cho dự án khổng lồ "một vành đai, một con đường" để gây ảnh hưởng trên phạm vi toàn thế giới và cuối cùng là tham vọng không cần che giấu là sẽ thay thế Mỹ để trở thành siêu cường vào năm 2025… đã làm giọt nước tràn ly. Hiệp ước đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) ra đời là vì thế. Sự ngập ngừng và chậm chạp trong việc triển khai hiệp ước này của Obama đã được tiếp tục bằng các biện pháp dứt khoát và vỗ mặt của tổng thống dân túy Donald Trump. Trump đã vứt bỏ mọi nghi thức ngoại giao và phong cách cổ điển của các chính trị gia truyền thống để "đánh" trực diện Trung Quốc bằng việc áp thuế lên hàng hóa của Trung Quốc vào thị trường Mỹ.
Việc Trump "đánh" Trung Quốc là do trào lưu chống lại "sự bành trướng" của các nước độc tài mà Nga và Trung Quốc là đại diện đã đến lúc chín mùi chứ không phải vì Trump ghét Trung Quốc và Nga. Đừng quên là Trump đã tìm mọi cách xích lại gần với Putin nhưng đã bị quốc hội và tư pháp Mỹ ngăn cản và chống đối quyết liệt.
Trong bài phát biểu mới đây trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Trump đã công khai lên án các nước cộng sản và phe xã hội chủ nghĩa còn sót lại đồng thời kêu gọi "tất cả các quốc gia trên thế giới cần chống lại chủ nghĩa xã hội và sự bần cùng mà nó mang lại cho tất cả mọi người". Đây là lập trường chung của chính quyền Mỹ và các nước dân chủ mà Trump chỉ là người đại diện và phát ngôn.
Đường lối chung này đang được Châu Âu áp dụng với Việt Nam. Việt Nam là một nước độc tài nên cũng sẽ bị khối dân chủ "tấn công" mà cuộc khủng hoảng ngoại giao liên quan vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là "phát súng" mở màn. Đức đã chọn đúng thời điểm để biến một chuyện "nhỏ như con thỏ" thành một con voi. Chính quyền Việt Nam bị động hoàn toàn và không thể làm gì được trong vụ này. Nếu Việt Nam thừa nhận là đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và sẽ trả Thanh về Đức thì bộ mặt khủng bố của chính quyền cộng sản sẽ được cả thế giới và nhân dân Việt Nam biết đến và lên án. Khi đó quan hệ giữa Việt Nam và Châu Âu có thể càng khó khăn hơn.
Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục im lặng và lảng tránh thì Đức và Slovakia sẽ tiếp tục gây sức ép lên Việt Nam. Ông Bộ trưởng ngoại giao Slovakia đã tăng nhiệt khi đưa ra câu hỏi là nếu Việt Nam không đưa Trịnh Xuân Thanh về nước bằng máy bay mượn của Slovakia thì Thanh về Việt Nam bằng cách nào ? Ông công khai đe dọa : "Chúng tôi đang và đã sẵn sàng thực hiện các bước hạn chế theo quy định của Liên Hiệp Châu Âu". Như vậy đây không chỉ là quan hệ giữa Việt Nam và Slovakia mà là giữa Việt Nam với Liên Hiệp Châu Âu (EU). Đức đã chuyền bóng để Slovakia đá phạt 11m. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU có lẽ chỉ là một giấc mơ xa ngoài tầm tay và mọi việc không dừng ở đó. Hàng hóa của Việt Nam nhập vào EU sẽ gặp rất nhiều rào cản mà thủy hải sản là một ví dụ nhãn tiền sau khi bị "thẻ vàng" về nguồn gốc đánh bắt được cho là bất hợp pháp.
Thời gian ân hạn cho các chế độ độc tài đã kết thúc. Venezuela vừa bị 6 nước hàng xóm (Châu Mỹ) đệ đơn lên Tòa án Hình sự Quốc tế của Liên Hợp Quốc yêu cầu điều tra chính quyền Maduro về tội ác chống lại nhân loại. Bắc Triều Tiên sau khi bị Trung Quốc bỏ rơi đã nhanh tay bám lấy người anh em Hàn Quốc, hứa hẹn đủ điều để mong thoát nạn không bị thế giới trừng phạt…
Làn sóng dân chủ thứ ba bị khựng lại sau khi Liên Xô và khối Đông Âu sụp đổ đã chuyển mình thành làn sóng dân chủ thứ tư. Làn sóng này đang dần tích tụ thành một cơn cuồng phong và sẽ quét đi các nước độc tài còn sót lại trên thế giới dù đó là Trung Quốc, Nga hay Việt Nam.
"Làn sóng dân chủ thứ tư, bắt đầu từ năm 2010, nhắm vào các chế độ độc tài mở cửa về mặt kinh tế. Các chế độ này không thể tồn tại lâu hơn ; chúng không dựa trên một tư tưởng chính trị nào cả, ngay cả nếu đôi khi những khẩu hiệu nhàm chán, như "xây dựng chủ nghĩa xã hội", được nhắc lại một cách gượng gạo. Chúng thuần túy là những chế độ cướp bóc không nhân danh một lý tưởng nào hay một dự án chính trị nào. Chúng không có ngay cả một ảo tưởng. Chúng hoàn toàn dựa trên đàn áp để tồn tại. Tất cả đều là những chính quyền què quặt. Trong hai vế cần thiết của quyền lực chính trị, sự chính đáng và bạo lực, chúng chỉ có bạo lực và vì thế phải tận dụng bạo lực".
"Làn sóng dân chủ mới này cũng đang xô đẩy chế độ dân chủ giả dối tại Nga và hai chế độ cộng sản còn lại tại Việt Nam và Trung Quốc, nơi mà hai đảng cộng sản đã biến thành hai giai cấp bóc lột sống tách biệt với quần chúng phẫn nộ. Ngoài ra các chính quyền Trung Quốc và Việt Nam sẽ còn gặp bối rối lớn vì chính sách kinh tế dựa trên xuất khẩu không còn phù hợp với trật tự kinh tế hậu khủng hoảng".
"Cùng với làn sóng dân chủ này thế giới đang hoàn tất một cuộc chuyển hóa trọng đại để bước vào một kỷ nguyên mới. Đó là kỷ nguyên đặt nền tảng trên những giá trị đã tạo ra sức mạnh của các nước tiên tiến : hòa bình, tự do, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng, nhà nước pháp trị, đối thoại, hợp tác, lợi nhuận, môi trường và liên đới. Những thành tựu văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật và kinh tế quyết định chỗ đứng và sự vinh nhục của các dân tộc, với điều kiện có thể chế dân chủ ổn vững và lành mạnh để tiếp tục tồn tại. Giáo dục và đào tạo sẽ là cuộc thế chiến mới và là mặt trận sống còn của mọi dân tộc".
Dự án Chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nhận định rằng các chế độ độc tài đang phải sống những ngày tháng cuối một cách khó khăn và sẽ sớm bị đào thải.
Người Việt Nam phải làm gì để đón nhận cơ hội dân chủ hóa đất nước ?
Chỉ có một con đường duy nhất là tham gia và ủng hộ cho một tổ chức chính trị dân chủ đối lập đứng đắn với một giải pháp thay thế thích hợp cho đất nước và phù hợp dòng chảy lịch sử thì người Việt chúng ta mới có thể thay đổi được số phận của dân tộc mình.
Hãy lạc quan vì :
"Lý do quan trọng nhất để chúng ta vững lòng tin là hầu như tất cả mọi vấn đề, kể cả những vấn đề nghiêm trọng nhất, đều là những vấn đề đáng lẽ không có. Chúng đều do chế độ cộng sản mà có và vì thế cũng sẽ có giải pháp nhanh chóng một khi chế độ cộng sản đã chấm dứt".
Việt Hoàng
(30/09/2018)
(1) https://thongluan2016.blogspot.com/2018/09/slovakia-canh-cao-viet-nam-ve-hau-qua.html
(2) https://thoibao.de/buc-anh-hay-nhat-nam-2018-ve-moi-quan-giua-hai-nuoc-duc-viet
Cựu Bộ trưởng nội vụ Slovakia Robert Kaliňák - một ‘nghi can’ và cũng là một dấu hỏi rất lớn dính líu vụ ‘vận chuyển Trịnh Xuân Thanh’ và vụ ‘Tô Lâm làm bình phong’, đã rất nhanh chuyển từ tư thế ‘không biết gì’ sang những dấu hiệu đặc biệt của hành vi ‘thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’- nói theo từ ngữ pháp lý ở trong Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Trịnh Xuân Thanh được dẫn đến tòa án tại Hà Nội.
Bằng chứng ngày càng rõ
Thoibao.de - trang tin của cộng đồng người Việt ở Đức - dẫn từ nhật báo Dennik N của Slovakia cho biết Tòa án Đức vừa phát ra tin tức mới và nóng bỏng : Slovakia ngỏ ý cấp một chuyên cơ bay thẳng đến Hà Nội, nhưng phía Việt Nam không muốn.
Theo một báo cáo của cảnh sát Đức vào đầu năm 2018, Bộ trưởng Tô Lâm đã từ chối đề nghị của Slovakia vì "cách thức này cũng bao gồm việc vận chuyển về Việt Nam, nhưng nó sẽ phải được chuẩn bị nhiều hơn, cần khoảng 2 ngày để có được tất cả hộ chiếu giấy tờ cho việc quá cảnh một nước thứ ba".
"Theo thông tin từ các thẩm phán Đức, Bộ Nội vụ Slovakia đã cung cấp cho một phái đoàn Việt Nam chiếc chuyên cơ mà được dùng để chở phái đoàn cùng với nạn nhân bị bắt cóc đến Moscow. Slovakia cũng ngỏ ý cung cấp một chiếc chuyên cơ bay thẳng đến Hà Nội, nhưng phía Việt Nam không muốn", bà Lisa Jani - phát ngôn viên của tòa án Berlin - cho biết.
Như vậy, hệ thống bằng chứng về việc Chính phủ Slovakia đã cho đoàn quan chức của Bộ trưởng công an Tô Lâm mượn một chiếc chuyên cơ để từ sân bay Bratislava bay qua không phận Ba Lan và đáp xuống Moscow của Nga đang trở nên sáng hẳn, nếu so sánh với cái lắc đầu mù mịt của Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini và lời khẳng định của ông ta ‘Slovakia không liên quan gì đến vụ bắt cóc’ trước báo giới quốc tế, trong bối cảnh sau cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin vào đầu tháng Năm năm 2018.
Điều an ủi nhỏ nhoi cho chính phủ Slovakia và có thể cho cả Robert Kaliňák là theo tòa án Đức, có thể chính phủ Slovakia đã không biết gì về mục đích thật sự của chuyến bay là phục vụ cho vụ bắt cóc.
Hai tháng quyết định số phận Kaliňák
Đến lúc này, đã chắc chắn rằng cựu bộ trưởng nội vụ Kaliňák không còn giữ được tư thế bất khả xâm phạm, mà ông ta ít nhất sẽ bị cảnh sát Slovakia điều tra thẩm vấn về mối quan hệ cá nhân của Kaliňák với giới quan chức mật vụ Việt Nam ‘đặc biệt’ đến thế nào mà khiến ông ta lại nhiệt tình đến độ sẵn sàng cho nhóm Bộ trưởng công an Tô Lâm mượn chuyên cơ để bay thẳng từ Bratislava đến Hà Nội.
Tháng Tám năm 2018 vẫn chưa trôi hết. tháng Tám năm ngoái, ngay sau khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh bị phát hiện ở Đức, Bộ Ngoại giao Đức ra thông cáo báo chí phản ứng mạnh mẽ Việt Nam về vụ ‘luật rừng’ này, và trong hai tháng sau đó cảnh sát Đức đã khép kín toàn bộ quy trình điều tra vụ bắt cóc, để đến tháng Mười, Chính phủ Đức đột ngột tuyên bố tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam - một đòn ngoại giao nặng nề và vượt khỏi trí tưởng tượng của giới chóp bu Hà Nội mà có thể đã làm cho những tác giả của vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh phải liên tục uống thuốc ngủ.
Giờ đây, những thước phim của tháng Tám năm ngoái dường như đang được chiếu lại, nhưng trong khung cảnh đất nước Slovakia xinh đẹp. Chỉ chưa đầy 3 tuần sau loạt bài viết điều tra trên tờ báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức và báo Dennik N của Slovakia về ‘Robert Kaliňák đã giúp Bộ trưởng công an Việt Nam Tô Lâm đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia’, chỉ sau 2 tuần từ thời điểm cả Tổng thống Andrej Kiska lẫn Thủ tướng Peter Pellegrini của Slovakia phải đồng loạt chỉ thị cảnh sát nước này gấp rút mở cuộc điều tra về vụ bắt cóc, chính trường Slovakia đã rơi vào khoảng im lặng đáng sợ trong bối cảnh cảnh sát âm thầm điều tra, còn Quốc hội Slovakia thì yêu cầu thời gian của cuộc điều tra này không được kéo dài quá 1 - 2 tháng để có thể chấm dứt những mầm mống khủng hoảng trong nội các chính phủ nước này.
Nghĩa là chậm nhất đến tháng Mười năm 2018, kết quả cuộc cuộc điều tra sẽ phải rõ trắng đen, hành vi và động cơ của cựu Bộ trưởng nội vụ Slovakia Robert Kaliňák sẽ phải được lôi ra ánh sáng, số phận của Kaliňák sẽ phải được quyết định.
Vào đầu tháng Tám năm 2018, Robert Kaliňák đã phản ứng lập tức và quyết liệt, cho rằng những bài viết điều tra trên tờ báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức và báo Dennik N của Slovakia là ‘bịa đặt’. Tuy nhiên khi đó Kaliňák lại chẳng thể tự bảo vệ mình khi không chứng minh được báo chí bịa đặt về ông ta ra sao.
Trong khi đó, những tờ báo trên lại mô tả một cách chi tiết :
"Bộ trưởng Tô Lâm là người đầu tiên bước lên chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia, tiếp theo là các thành viên của phái đoàn Việt Nam, tất cả 12 người. Trịnh Xuân Thanh là người cuối cùng được đưa lên máy bay, rõ ràng là ông ta bị thương, trông có vẻ đờ đẫn và được hai mật vụ Việt Nam xốc nách hai bên dìu đi…" (1).
Còn tới nay và sau khi cuộc điều ta của cảnh sát Slovakia đã chính thức vào guồng, người ta nhận ra Robert Kaliňák im bặt.
Những dấu hỏi mới
Giờ đây, có lẽ Kaliňák chỉ còn biết cầu nguyện là các cơ quan tư pháp và báo chí sẽ chỉ nhìn thấy ở ông ta hành vi ‘thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’ chứ không phải ‘cố ý làm trái’, rằng ông ta quả thực chẳng biết biết gì về hình ảnh ‘Trịnh Xuân Thanh lảo đảo được hai mật vụ Việt Nam ‘dìu’ lên máy bay ở sân bay Bratislava’ vào cái ngày oan nghiệt 26 tháng Bảy năm 2017 ấy, và giữa ông ta với giới mật vụ Việt Nam thực ra không có mối quan hệ ‘đặc biệt’ nào.
Nhưng có lẽ không phải và không thể ngẫu nhiên, vào thời gian đầu tháng Tám năm 2018 khi Kaliňák bắt đầu bị báo chí đưa lên ‘bàn mổ’, trong giới facebook ở Việt Nam bỗng dưng xuất hiện thông tin, từ một nhà báo mà từ lâu được xem là nhạy tin nội bộ - về việc khi còn là bộ trưởng nội vụ Slovakia, Kaliňák đã được những quan chức Việt Nam nào đó mời sang nghỉ dưỡng tại đảo Phú Quốc ở Việt Nam, và Kaliňák đã ‘vui lòng nhận lời’.
Nếu sắp tới kết quả điều tra của cảnh sát Slovakia làm rõ về trách nhiệm dính líu của Kaliňák với những kẻ bắt cóc, ông ta thậm chí có thể bị bắt giữ về hành vi ‘tiếp tay cho bắt cóc’.
Nhưng lại đang phát sinh những dấu hỏi mới : vì sao theo tiết lộ của Tòa án Đức, đoàn mật vụ của Bộ trưởng công an Tô Lâm đã từ chối đề nghị nhiệt tình của Kaliňák cung cấp một chuyên cơ bay thẳng về Hà Nội, mà lại phải bay vòng qua Moscow rồi từ đó mới về Hà Nội ? Liệu lý do ‘phải mất hai ngày làm hộ chiếu’ của phái đoàn Tô Lâm nếu bay thẳng từ Bratislava về Hà Nội có phải là một giả thiết đứng vững ?
Trong thực tế, chuyến ‘vận chuyển Trịnh Xuân Thanh’ từ Moscow về Hà Nội đã hoàn toàn trót lọt mà không hề bị báo chí Nga phát hiện dù chỉ một kẽ tóc, để đúng vào ngày đầu của tháng Tám năm 2017, Trịnh Xuân Thanh bất ngờ hiện ra trước cửa trực ban của Bộ Công an để ‘tự nguyện về nước đầu thú’ (nhưng vẫn phải lãnh đến hai cái án chung thân sau đó).
Phải chăng ở Nga, Bộ Công an Việt Nam có mạng lưới tình báo dày đặc hơn và hiệu quả hơn, để cùng với những bóng đen lẩn khuất trong tòa đại sứ Việt Nam ở Moscow, đã chẳng có gì khó khăn và ‘không gì là không thể’ trong việc đạo diễn để Trịnh Xuân Thanh ‘hồi hương’ trong trạng thái tâm thần giống hệt hôn mê ?
Chẳng lẽ cảnh sát và an ninh Nga lại không biết được câu chuyện giống hệt những bộ phim gián điệp thời Chiến tranh lạnh ấy ? Hoặc nếu biết, thái độ và trách nhiệm của người Nga sẽ như thế nào trước đòi hỏi minh bạch hóa vụ bắt cóc của người Đức và Liên minh châu Âu ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 24/08/2018
(1) Thoibao.de dịch từhttp://bit.ly/2Kk7jh3)
*****************
Vụ Trịnh Xuân Thanh : Slovakia muốn cho Việt Nam mượn chuyên cơ bay thẳng về Việt Nam (RFA, 24/08/2018)
Liên quan đến vụ bắt cóc cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh, Slovakia đã ngỏ ý cho phái đoàn Việt Nam mượn một chiếc máy bay để bay thẳng về Hà Nội thay vì bay đến Moscow như lời đề nghị nhưng phía Việt Nam không muốn.
Trịnh Xuân Thanh (giữa) bị dẫn ra tòa ở Hà Nội hôm 22/1/2018 - AFP
Mạng báo Dennik N vào ngày 23 tháng 8 loan tin dẫn trả lời của Phát ngôn viên tòa thượng thẩm Đức, bà Lisa Jani, rằng theo kết quả điều tra của cảnh sát Đức thì có thể đoàn Việt Nam không muốn mượn chuyên cơ bay thẳng về Hà Nội là vì cách này sẽ tốn công chuẩn bị hơn, mất ít nhất 2 ngày để làm hộ chiếu giấy tờ cho việc quá cảnh ở một nước thứ 3.
Phát ngôn viên tòa án Đức cũng khẳng định bộ Nội vụ Slovakia đã cung cấp cho phái đoàn Việt Nam một chiếc máy bay đến Moscow và chiếc máy bay đó có chở ông Trịnh Xuân Thanh. Nhưng cũng theo tòa án Đức, có thể chính phủ Slovakia đã không biết mục đích thực sự của chuyến bay là để phục vụ cho một vụ bắt cóc.
Bộ Nội vụ Slovakia đã bác bỏ thông tin ngỏ ý cung cấp cho Việt Nam một chiếc máy bay đến Hà Nội, trong khi cựu bộ trưởng Nội vụ Slovakia ông Robert Kalinak, người được nói có dính líu đến vụ việc, đã từ chối trả lời về thông tin này.
Ông Trịnh Xuân Thanh từng là một quan chức dầu khí của Việt Nam, bị cáo buộc tham nhũng và chạy sang Đức xin quy chế tị nạn nhưng được nói đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ngay tại Berlin. Sau đó ông Thanh bị đưa về thành phố Brno của Séc, rồi tiếp tục đưa đến Bratislava, thủ đô của Slovakia trên một chiếc xe do mật vụ Việt Nam thuê. Sau đó các nguồn tin nói rằng Việt Nam tiếp tục mượn máy bay của Slovakia để chở ông Thanh sang Moscow, trước khi đưa về Hà Nội.