10 ngày sau cuộc họp đặc biệt giữa Quốc Vụ khanh đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis với Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn ở Berlin vào ngày 1/11/2018, Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa được chính thể độc đảng Việt Nam giao trả lại cho người Đức, còn quan hệ đối tác chiến lược Việt - Đức vẫn chưa hề phục hồi !
Dường như ông Bùi Thanh Sơn đã chẳng có thẩm quyền nào để quyết định về vụ Trịnh Xuân Thanh mà chỉ đơn giản là ‘đi nghe rồi về báo cáo lại’ cho còn ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng.
Vào tháng Mười năm 2018, vài chuyên gia và quan chức thân nhà nước Việt Nam đã bắn ý cho báo chí về khả năng sắp phục hồi mối quan hệ đối tác chiến lược Việt - Đức, sau khi quan hệ này đã bị treo từ tháng chín năm 2017 do phía Đức chủ động tạm cắt bởi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.
Ngày 8/11/2018, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam, trả lời câu hỏi của phóng viên quốc tế về mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức liên đới chặt chẽ với vụ Trịnh Xuân Thanh,Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng - vẫn bị nhiều dư luận ví như ‘vẹt ngoại giao’ - đã một lần nữa "Việt Nam luôn coi trọng củng cố và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Đức vì lợi ích của nhân dân hai nước. Thời gian vừa qua hai bên đã có những cuộc trao đổi và tiếp xúc để thúc đẩy quan hệ hai nước. Trịnh Xuân Thanh vi phạm pháp luật ở Việt Nam đã được đưa ra xét xử một cách công khai theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và hiện đang trong quá trình thi hành án".
Câu trả lời hết sức chung chung trên chỉ mang một hàm ý đáng chú ý : trước nhiều tin tức dồn dập xuất hiện trên mạng xã hội về việc Trịnh Xuân Thanh đã được đưa đến Berlin để "trao trả tù binh’, Bộ Ngoại giao và chắc chắn đứng đằng sau đó là Bộ Chính trị Việt Nam muốn tái khẳng định là Trịnh Xuân Thanh vẫn còn nằm nguyên trong nhà lao cộng sản với hai cái án chung thân mà chưa thể sang Đức để... uống bia và chơi golf.
Nhưng lại có một khác biệt rất lớn trong câu trả lời của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam so với trước đây : không hề nhắc lại việc ‘Trịnh Xuân Thanh đã tự nguyện về nước đầu thú’.
Vào đầu tháng Tám năm 2017, một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố phản đối hành động mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết ‘Trịnh Xuân Thanh đã tự nguyện về nước đầu thú’ và bà "rất tiếc về phát ngôn này".
Chi tiết đáng chú ý là tuy "lấy làm tiếc", nhưng cái cách phản ứng đầu tiên của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không cho thấy một câu hay từ ngữ nào phủ nhận cáo buộc của phía Đức về việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc.
Nói cách khác, Việt Nam có thể đã gián tiếp thừa nhận về hành vi mật vụ Việt Nam đã xông thẳng vào Berlin để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào tháng Bảy năm 2017, dẫn đến cơn khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt và đang lan sang cả Slovakia.
Cho đến nay, cái ‘án treo’ về tạm ngừng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước mà người Đức tuyên vào tháng Chín năm 2017 vẫn còn sờ sờ một cách đầy đe dọa. Từ tháng Chín ấy đến nay, toàn bộ các chương trình dự án mới về viện trợ và kinh tế của Đức cho Việt Nam đã tạm ngưng. Nhưng ‘đau khổ’ nhất cho cả hai bên vẫn là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã cứa một vết rất sâu vào một trong những cái nôi nhà nước pháp quyền tiêu biểu nhất ở Châu Âu, khiến cho chính phủ Đức không thể bỏ qua, lồng trong bối cảnh Đức là quốc gia có ảnh hưởng nhất trong việc tác động đến Nghị viện Châu Âu để quyết định có phê chuẩn hay không cho Việt Nam được tham gia vào EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu) vào tháng Ba năm 2019.
Cũng trong thời gian trên, phía Việt Nam đã không có bất kỳ một lời xin lỗi nay cam kết ‘sẽ không tái phạm’ nào về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh với người Đức. EVFTA cũng bởi thế vẫn nằm nguyên trong tư thế bị cột chặt cả tứ chi.
Không những thế, Việt Nam rất có thể một lần nữa khiến người Đức bị hố do những lời hứa cuội về ‘sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức’. Có lẽ chính vì lời hứa cuội ấy mà vào tháng Mười năm 2018 phía Đức đã sẵn sàng cấp visa cho một đoàn quan chức Việt Nam sang Đức để tiếp tục đàm phán về vụ Trịnh Xuân Thanh. Đoàn đàm phán này được phụ trách bởi Thứ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn, nhưng dường như ông Sơn đã chẳng có thẩm quyền nào để quyết định về vụ Trịnh Xuân Thanh mà chỉ đơn giản là ‘đi nghe rồi về báo cáo lại’, còn ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng mới là người nắm giữ sinh mạng Trịnh Xuân Thanh và quan hệ đối tác chiến lược Việt - Đức.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 12/11/2018