Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sự thực về ngày 2 tháng 9, 1945

73 năm nhìn lại :

Hai bản Tuyên ngôn độc lập thay vì một

Lịch sử không thể chỉ được biết có một nửa

Phạm Cao Dương, 23/08/2018

Trong lịch sử tranh đấu giành độc lập của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ hai mươi, hai lần nước ta đã được các nhà cầm quyền đương thời chính thức tuyên bố độc lập.

Lần thứ nhất vào ngày 11 tháng 3 năm 1945 bởi Hoàng đế Bảo Đại và lần thứ hai vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 bởi Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh.

Hai lần cả thảy, nhưng đa số người Việt chỉ biết hay chỉ được học có một lần. Họ chỉ biết hay chỉ được học bản tuyên ngôn của Hồ Chí Minh ngày 2 tháng 9 mà không biết hay không được học bản tuyên ngôn của Vua Bảo Đại ngày 11 tháng 3, 1945, ngót sáu tháng trước đó. Lịch sử do đó chỉ được biết có một nửa thay vì toàn vẹn.

Bài này nhằm bổ khuyết cho tình trạng thiếu sót đó, đồng thời phân tích nội dung và ý nghĩa của từng bản.

tuyengon1

Buổi họp mặt tay ba giữa Hoàng thân Lào Xuphanuvong, Chủ tịch Hồ Chí Minh và cựu Hoàng đế Bảo Đại (Vĩnh Thụy) tại Hà Nội sau ngày 2/9/1945

Bài này được trích đăng một phần từ tác phẩm Trước khi bão lụt tràn tới : Bảo Đại-Trần Trọng Kim và Đế quốc Việt Nam, 9/3/1945-30/8/1945 của tác giả, do Nhà xuất bản Amazon in và phát hành, thể theo lời yêu cầu của một số quý vị độc giả, vì lý do này hay lý do khác, không có cuốn sách này trong tay, muốn biết rõ hơn và đầy đủ hơn về hai bản tuyên ngôn quan trọng này, liên hệ tới định mạng và lịch sử đầy đau thương, máu xương và nước mắt của dân tộc Việt Nam.

I. Tuyên ngôn của Hoàng đế Bảo Đại

1. Hoàn cảnh được công bố

tuyengon2

Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoàng đế Bảo Đại được công bố ngày 11 tháng 3 năm 1945, hai ngày sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương và sau một thời gian dài hơn bốn năm, từ cuối tháng 9 năm 1940, sau khi quân Nhật vào phần đất này của Đông Nam Á, gần năm tháng trước khi Nhật Bản đầu hàng và Thế chiến thứ hai kết thúc.

Trong thời gian này Việt Nam bị sống dưới sự cai trị của cả người Pháp, từ sau khi Hòa ước 1884 được ký kết, lẫn người Nhật, từ ngày 22 tháng 9 năm 1940, với một hậu quả khủng khiếp là Trận đói tháng Ba năm Ất Dậu. Hoàn cảnh này đã làm cho không chỉ riêng những người cộng sản, vốn chủ trương đánh đổ chế độ quân chủ để "cướp chính quyền" (chữ của chính người cộng sản) để từ đó thực thi cách mạng vô sản, mà luôn cả những người không những không có cảm tình với chế độ quân chủ đương thời và còn chủ trương lật đổ chế độ này để thay thế bằng một chế độ dân chủ, không nhìn nhận giá trị đích thực của bản tuyên ngôn này.

Lý do là vì Bảo Đại luôn luôn bị coi như một ông vua bù nhìn, trước kia trong tay người Pháp và lúc đó trong tay người Nhật. Theo họ trước kia người Pháp bảo sao, ông làm vậy và sau đảo chính 9 tháng 3 năm 1945, người Nhật bảo ông tuyên bố độc lập thì ông tuyên bố độc lập, thế thôi. Người ta chỉ hiểu hay được học đơn giản như vậy. Nền độc lập mà Bảo Đại tuyên bố theo họ chỉ là do người Nhật ban cho và bản tuyên ngôn của ông chẳng có một giá trị gì trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của người Việt. Thực chất của nó chỉ là "sự tuyên bố công khai việc thay thầy đổi chủ của triều đình Bảo Đại" (1) không hơn không kém.

Sự thực không đơn giản như vậy. Người Nhật có lý do làm đảo chính lật đổ người Pháp và Bảo Đại có lý do phải chấp nhận yêu cầu của người Nhật tuyên bố Việt Nam độc lập. Lý do của Bảo Đại đã được ông giải thích khi tiếp kiến Trần Trọng Kim và cố gắng thuyết phục ông này chấp nhận làm thủ tướng đầu tiên của chính phủ Nam Triều độc lập. Nguyên văn câu nói của Bảo Đại được Trần Trọng Kim kể lại như sau :

"Trước kia nước Pháp giữ quyền bảo hộ nước ta, nay đã không giữ được nước cho ta, để quân Nhật đánh đổ, vậy những điều trong hiệp ước năm 1884 không có hiệu quả nữa, nên Bộ thượng thư đã tuyên hủy hiệp ước ấy. Trẫm phải đứng vai chủ trương việc nước và lập chính phủ để đối phó mọi việc" (2).

Người ta cần phải nhớ là hơn mười năm trước đó, sau khi du học từ Pháp về tới Huế được hai ngày, ngày tháng 10 tháng 9 năm 1932, Bảo Đại đã ra Dụ số 1 tuyên bố chấp chính và khẳng định chế độ quân chủ của Nam Triều hủy bỏ Quy ước 6 tháng 11 năm 1925 do Hội đồng Phụ Chính, đứng đầu là Tôn Thất Hân, ký với Toàn quyền Đông Dương thời ông còn nhỏ tuổi và đang du học bên Pháp, tước bỏ hầu hết các quyền hành còn lại của nhà vua trừ các quyền có tính cách nghi lễ, ân xá, sắc phong, tế lễ... kèm theo nhiều dụ khác nhằm thực hiện những cải cách qui mô trong nền hành chánh của chính phủ Nam Triều, nhưng đã bị người Pháp ngăn cản và bị thất bại.

Đảo chính 9 tháng 3 năm 1945 và lời yêu cầu tuyên bố độc lập của người Nhật dù gì đi chăng nữa cũng là điều vị hoàng đế còn trẻ tuổi này từ lâu mong đợi.

Ngoài ra theo nhận định và giải thích nhằm thúc đẩy Trần Trọng Kim "chịu khó" lập chính phủ mới. Ông nói :

"Trước kia người mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn, nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta. Vậy ông nên vì nghĩa vụ cố lập thành một chính phủ để lo việc nước" (3).

Hai tiếng "cơ hội" Bảo Đại dùng ở đây cho ta thấy ông từ lâu mong có dịp này. Đồng thời ông cũng hiểu rằng nền độc lập mà ông tuyên cáo chưa phải độc lập hẳn. Chưa hết, tuyên bố rồi ông còn có nhu cầu phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lậpvà nhất là để tránh không cho người Nhật "lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta". Một sự e ngại chỉ có những người có kiến thức về lịch sử và chính trị học mới biết được.

Ngoài ra những tiếng "rất có hại cho nước ta" cũng cho người ta thấy đối tượng của hành động tuyên cáo độc lập của ông không phải là ngôi vua mà là đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam, đất nước của ông và thần dân của ông. Cái nhìn và quan điểm này cũng như sự hiểu biết của ông về tình hình thế giới và thế tất bại của người Nhật về sau đã được ông nói rõ trong hồi ký của ông. Riêng đối với người Nhật, ông đã không tin tưởng ở họ cũng như chiêu bài Đại Đông Á của họ.

Nói cách khác Bảo Đại ở vị thế phải chấp nhận nhập cuộc dù ông hiểu rõ sự phức tạp của vấn đề. Phần khác như ông cũng nói tới trong hồi ký của ông : "Độc lập là ước mơ của tất cả mọi người Việt Nam thời đó".

2. Nội dung bản Tuyên ngôn

Đây là một bản văn tương đối ngắn so với những bản văn cùng loại, nhằm ba mục tiêu chính yếu là hủy bỏ một hòa ước Triều đình Huế trước kia đã ký với nước Pháp, tuyên bố Việt Nam độc lập, đứng vào khối Đại Đông Á trong chương trình phát triển chung, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng vào "lòng thành" của nước Nhật với nguyên văn như sau :

"Cứ tình hình chung trong thiên hạ, tình thế riêng cõi Đông Á, chính phủ Việt Nam tuyên bố từ ngày này điều ước bảo hộ với nước Pháp bãi bỏ và nước Nam khôi phục quyền độc lập.

Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập và theo như lời tuyên ngôn chung của Đại Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vượng chung.

Vậy Chính Phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên" (4).

Bản Tuyên Bố được đề ngày 11 tháng Ba năm 1945, tức ngày 27 tháng Giêng năm Bảo Đại thứ 20, được Bảo Đại ký tên với sáu thượng thư phó thự. Sáu vị thượng thư gồm có : Phạm Quỳnh, bộ Lại, Hồ Đắc Khải, bộ Hộ, Ưng Úy, bộ Lễ, Bùi Bằng Đoàn, bộ Hình, Trần Thanh Đạt, bộ Học, và Trương Như Định, bộ Công. Theo Bảo Đại đây là lần đầu tiên trong lịch sử một văn kiện được ký bởi nhà vua và tất cả các nhân vật quan trọng nhất trong triều đình (5).

Đọc bản Tuyên ngôn Độc lập này của Bảo Đại, người ta cần chú ý tới những chi tiết sau đây :

Thứ nhất : Gọi là tuyên ngôn nhưng thực sự đây chỉ là một văn kiện hủy bỏ một điều ước đã được ký kết trước đó vì do tình hình biến chuyển, một trong hai phía đã không tôn trọng được những gì mình đã ký kết hay không thực thi được những gì mình đã ký kết trong một sinh hoạt quốc tế.

Điều ước bị hủy bỏ ở đây là Hòa ước Giáp Thân được ký kết giữa Triều đình Huế và người Pháp ngày 6 tháng 6 năm 1884, đặc biệt hai điều khoản của hòa ước này là điều khoản thứ nhất, theo đó Việt Nam công nhận và chấp nhận Quyền Bảo Hộ của nước Pháp và điều khoản thứ mười lăm, theo đó nước Pháp cam kết bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của các xứ do vua Việt Nam cai trị và bảo vệ nhà vua chống lại những sự xâm nhập từ bên ngoài và những cuộc nổi loạn từ bên trong (6).

Sự hủy bỏ này phải được hiểu là do người Pháp bất lực không bảo vệ được Việt Nam trước sự bành trướng của quân đội Nhật và cuối cùng là chính người Pháp đã bị người Nhật lật đổ trong cuộc Đảo chính ngày 9 tháng 3 năm 1945.

Sự hủy bỏ này cũng có tính cách đơn phương từ phía Bảo Đại với tư cách là người kế vị chính thống của Triều Đình Nhà Nguyễn căn cứ vào những gì đã xảy ra vào thời điểm này.

Điểm cần được lưu ý ở đây là từ ngữ hòa ước trong văn kiện này được dùng theo số ít, trong tiếng Việt, không có chữ "các" hay "những" đi kèm và trong tiếng Pháp không có chữ "s" theo sau để biểu lộ số nhiều. Điều này có nghĩa là bản tuyên cáo này chỉ hủy bỏ hòa ước bảo hộ, tức Hòa ước Giáp Thân 1884 mà thôi thay vì hủy bỏ tất cả các hòa ước đã được ký kết trước đó. Đó là các Hòa ước Nhâm Tuất 1862 và Hòa ước Giáp Tuất 1874 liên hệ tới xứ Nam Kỳ theo đó xứ này đã bị nhường đứt cho người Pháp và trở thành thuộc địa của họ, không còn thuộc quyền cai trị của Vua và Triều Đình Huế nữa.

Vấn đề thâu hồi xứ Nam Kỳ do đó chưa được giải quyết ngay nhưng đã trở thành mối bận tâm và một phần hành quan trọng của chính Bảo Đại ngay từ buổi nhà vua tiếp kiến Đại sứ Nhật Yokoyama và của Chính phủ Trần Trọng Kim trong gần suốt thời gian chính phủ này tồn tại. Xứ Nam Kỳ chỉ được người Nhật trao trả trong những ngày cuối của chính phủ này và chỉ chính thức trở về với lãnh thổ quốc gia Việt Nam ngót năm năm sau, vào giữa tháng 6 năm 1949, và do Bảo Đại với tư cách Quốc trưởng tiếp nhận từ tay người Pháp. Đây cũng là một sự kiện ít người biết đến.

Thứ hai : "Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập... giúp cho cuộc thịnh vượng chung". Câu này xác định phương thức hoạt động nhằm thực hiện tư cách độc lập (tự phát triển như một quốc gia độc lập không phụ thuộc vào nước ngoài, mà ta phải hiểu ngầm là trong đó có cả Nhật Bản, cho xứng đáng một quốc gia độc lập) và thế đứng của Việt Nam trên trường quốc tế (tự coi mình là một phần tử của Khối Đại Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vượng chung).

Nên để ý tới khẩu hiệu "Châu Á của người Á" do người Nhật đưa ra trong thời gian này, một khẩu hiệu hàm chứa sự độc lập của các nước Á Châu lúc đó còn là thuộc địa của các đế quốc Âu Châu. Đây cũng là một cách nói trước một cách khéo léo để ngăn chặn trước sự can thiệp vào nội tình Việt Nam của người Nhật.

Thứ ba : "Chính phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc...". Câu này nhằm buộc chặt lời hứa của người Nhật bằng cách nhấn mạnh vào sự trung thành với những gì họ đã nói, với quan niệm trung thành như một truyền thống chung của các dân tộc Á Đông.

Thứ tư : "Quyết chí hợp tác với nước Nhật đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên". Mục đích như trên là mục đích gì ? Phải hiểu mục đích này bao gồm hai phần là "tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập" và "giúp cho cuộc thịnh vượng chung"như là một phần tử của khối Đại Đông Á chứ không phải cho Đế Quốc Nhật Bản.

Thứ năm : Vì bản tuyên ngôn của Hoàng đế Bảo Đại được ban hành vào lúc Việt Nam "chưa phải độc lập hẳn" theo Vua Bảo Đại, nên có tác giả cho rằng nó"không thể coi là có giá trị pháp lý quốc tế gì" (7).

Nhận định này cần phải được xét lại nếu ngưòi ta nghĩ tới trường hợp của Bản tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ. Bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ được công bố ngày 4 tháng 7 năm 1776. Lúc đó Hoa Kỳ chưa độc lập chút nào, chứ chưa nói là chưa độc lập hẳn. Chính quyền thuộc địa của người Anh và quân đội Anh vẫn còn đó. Dân chúng 13 thuộc địa của xứ này còn phải chiến đấu thêm hơn bảy năm nữa, mãi đến năm 1783 Thỏa ước Paris mới được ký kết, bảy năm, xin nhắc lại (từ ngày 4 tháng 7 năm 1776 đến ngày 3 tháng 9 năm 1783, sau Chiến thắng Yorktown) và Hoa Kỳ mới được người Anh công nhận là một quốc gia độc lập thực sự.

Còn nếu so sánh tình trạng độc lập của Việt Nam vào lúc Hoàng đế Bảo Đại công bố bản tuyên ngôn của ông, với tình trạng độc lập của Việt Nam vào ngày 2 tháng 9, 1945, lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, mọi chuyện vẫn y nguyên, người Pháp vẫn chưa công nhận mà phải đợi đến ngày 8 tháng 3 năm 1949 với Hiệp định Élysée, hay muộn hơn nữa, với Hiệp định 4 tháng 6 năm 1954.

Có điều một bản tuyên ngôn hay một lời tuyên bố chỉ là một bản tuyên ngôn, một lời tuyên bố mà thôi. Nó chỉ là để người viết hay người nói ra nó bày tỏ quan điểm, chủ trương và ý chí của mình. Nó hoàn toàn chủ quan. Còn giá trị của nó tới đâu là tùy ở nội dung của nó và luận cứ của các đương sự dưới nhãn quan của người đọc.

Luận cứ của Vua Bảo Đại là vì người Pháp bất lực không bảo vệ được Việt Nam trước sức bành trướng của người Nhật hồi đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, theo đúng như Hòa ước Bảo hộ, 6 tháng 6 năm 1884, quy định, nên hòa ước này bị kể như đã không được người Pháp thi hành, do đó không còn hiệu lực nữa và đương nhiên bị hủy bỏ. Luận cứ này đã được các nhà ngoại giao, luật học hay sử gia dùng, để cho rằng chế độ bảo hộ của người Pháp ở Bắc Kỳ và ở Trung Kỳ đã chấm dứt ngay từ ngày 22 tháng 9 năm 1940, chứ không phải đợi đến mãi ngày 9 tháng 3 năm 1945 hay sau này. Xứ Nam Kỳ là một ngoại lệ, không bị chi phối bởi những sự kiện này.

Thứ sáu : Nội dung của bản tuyên ngôn của Vua Bảo Đại không hề chứa đựng lời lẽ lên án, mạt sát hay thù hận người Pháp hay tuyệt giao với nước Pháp, từ đó một cánh cửa được để mở cho các cuộc gặp gỡ ngoại giao để điều đình về sau này, từ đó hai dân tộc ó thể trở thành bạn và hợp tác với nhau về lâu, về dài.

Nói cách khác và tóm tắt lại, đây là một bản văn tuy ngắn ngủi, cô đọng nhưng rất quan trọng vì nó vừa mang tính cách pháp lý, có liên hệ tới nhiều văn kiện ngoại giao khác đã được hình thành trước đó, vừa biểu lộ chủ trương của một quốc gia được trao trả độc lập trong một hoàn cảnh không nhận không được, vô cùng tế nhị và phức tạp, vào lúc tình hình thế giới biến chuyển quá nhanh và hoàn toàn bất lợi cho quân đội và quốc gia đảm nhận sự trao trả nền độc lập này. Mỗi điều nói ra, mỗi chữ được viết đều đòi hỏi người soạn thảo phải vô cùng thận trọng và ước tính kỹ càng.

3. Ai là tác giả của bản tuyên ngôn này ?

Người được nói đến nhiều nhất là Phạm Quỳnh, lúc đó đang giữ chức thượng thư bộ lại. Điều này có nhiều phần đúng nếu người ta để ý tới khả năng nghị luận và viết văn, viết báo kèm theo sự hiểu biết và kinh nghiệm của một học giả, một người làm báo, và sau đó là một ngự tiền văn phòng tổng lý của nhà vua cũng như thượng thư bộ lại lúc đó. Nó cũng được Phạm Khắc Hòe, đương thời là ngự tiền văn phòng đổng lý của Vua Bảo Đại, trong hồi ký của ông này xác nhận (8).

Tuy nhiên theo Nguyễn Kỳ Nam, trong hồi ký của nhà báo này, thì trong một cuộc tình cờ gặp Phạm Quỳnh trên cầu Trường Tiền Huế và được hỏi về bản tuyên này, Phạm Quỳnh đã bác bỏ và cho biết bản văn này là do Đại sứ Yokoyama đưa cho ông ngày 11 tháng 3 yêu cầu các vị thượng thư ký tên (9).

Chuyện này có thể đúng và có thể sai, nhưng sai thì hợp lý hơn vì vào lúc được Nguyễn Kỳ Nam hỏi, Phạm Quỳnh không còn giữ chức vụ gì nữa nên phủ nhận những gì thuộc quá khứ liên hệ tới mình ; ngoài ra nếu sự thực là như vậy, Phạm Khắc Hoè có thể cũng biết và nói ra, trong khi những gì viên Đổng lý văn phòng này kể lại có vẻ đủ chi tiết hợp lý hơn, kể cả chuyện hai thượng thư Hồ Đắc Khải và Trương Như Đính khen "Cụ Lại giỏi thật !".

Phạm Khắc Hoè ghi là sau khi Phạm Quỳnh trình bày lý do của buổi họp của Cơ Mật Viện :

"Bảo Đại hỏi ai có ý kiến gì không ? Thì mọi người đều hoan nghênh việc tuyên bố độc lập và Bùi Bằng Đoàn nói thêm là trong bản tuyên bố cần nói rõ việc xóa bỏ các hiệp ước đã ký kết với Pháp. Phạm Quỳnh mỉm cười và nói ông ta đã không quên việc đó, rồi   với vẻ mặt hớn hở tự đắc, ông ta thò tay vào túi áo rút ra hai tờ giấy và nói tiếp : "Tâu Hoàng đế ! để cho gọn việc, chúng tôi đã trộm phép dự thảo một bản tuyên bố, xin Hoàng đế cho phép tuyên đọc". Phạm Quỳnh trịnh trọng đọc bản quốc văn rồi bản dịch  Hán văn. Bản dự thảo có ba ý kiến chính : Một là tuyên bố Việt Nam độc lập ; hai là xóa bỏ các hiệp ước đã ký với Pháp ; ba là Chính phủ Việt Nam độc lập sẽ hợp tác thân thiện    với Chính phủ Đại Nhật Bản để cùng nhau xây dựng khối thịnh vượng chung Đại Đông Á.

Phạm Quỳnh đọc xong, Hồ Đắc Khải và Trương Như Đính tấm tắc khen "Cụ Lại      giỏi thật !". Còn không ai có ý kiến gì thêm bớt cả. Bảo Đại bảo Phạm Quỳnh đưa bản thảo cho tôi làm mọi việc cần thiết để trong mười lăm phút có văn bản đưa vào ký (10).

Điều đáng tiếc là cho tới nay người ta không rõ những bản văn chính này nằm ở đâu, còn hay đã mất ?

II. Bản Tuyên ngôn của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh

tuyengon3

1. Hoàn cảnh được công bố

Bản tuyên ngôn này đã được Hồ Chí Minh một mình soạn thảo, một mình đứng tên và đọc tại Quảng trường Ba Đình ở Hà Nội vào buổi chiều ngày 2 tháng Chín năm 1945, tức ngót sáu tháng sau bản tuyên ngôn của Bảo Đại, hơn hai tuần lễ sau khi Nhật Bản đầu hàng, mười ba ngày sau khi Việt Minh cướp được chính quyền ở Hà Nội và hai ngày sau khi Bảo Đại chính thức thoái vị.

Sau này nó đã được chính quyền cộng sản chính thức phổ biến như tác phẩm mà ông là tác giả. Điển hình là cuốn Tuyên ngôn Độc lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, do Nhà xuất bản Sự Thật ấn hành năm 1976, với lời giới thiệu của Phạm Văn Đồng và lời chú dẫn của nhà xuất bản, có ghi rõ là "do Hồ Chủ tịch thảo ra và đọc trước cuộc mít-tinh của hơn 50 vạn đồng bàotại Quảng trường Ba-đình (Hà Nội)".

Trong Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 36 (11), dày 923 trang, dành riêng cho Hồ Chí Minh, và Hồ Chí Minh Écrits (1920-1969) (12) cũng đều in bản tuyên ngôn này như tác phẩm riêng của Hồ Chí Minh.

Vì được công bố sau bản tuyên ngôn của Bảo Đại, sau khi người Nhật đã đầu hàng cũng như chế độ bảo hộ của người Pháp đã bị người Nhật lật đổ trước đó, bản tuyên ngôn này đã bị nhiều người cho là thừa, không cần thiết, chưa kể tới sự kiện là chính phủ mới do Hồ Chí Minh thành lập là kế vị chính phủ Nam Triều do Bảo Đại thoái vị nhường cho, dựa theo chiếu thoái vị của Bảo Đại.

Chiếu này đã được chính Hồ Chí Minh và chính phủ mới của ông chấp nhận với những điều kiện đã được Hoàng đế Bảo Đại liệt kê rõ ràng. Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong những điều kiện này đương nhiên kế tục những gì Hoàng đế Bảo Đại và Chính phủ Trần Trọng Kim đã làm trước đó, trong đó có bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 11 tháng 3 năm 1945. Lập luận như vậy là hoàn toàn hợp lý đứng trên phương diện công pháp quốc tế. Một lập luận đơn giản và hoàn toàn dễ hiểu.

Câu hỏi được đặt ra là Hồ Chí Minh, và những cộng sự viên của ông, khi đưa ra bản tuyên ngôn của ông tại Quảng trường Ba Đình có biết là trước đó Bảo Đại đã làm công việc này rồi hay không ? và biết như vậy tại sao ông lại còn làm lại việc đó một lần nữa ?

Cho câu hỏi thứ nhất, câu trả lời là chắc chắn có. Hồ Chí Minh chắc chắn phải biết là Bảo Đại trước đó đã tuyên cáo hủy bỏ hòa ước bảo hộ 1884 rồi, nhưng ông vẫn làm lại công việc này vì ông có nhu cầu phải làm. Những nhu cầu đó là những nhu cầu gì ?

Thứ nhất là vì từ lâu toàn dân ai nấy đều khao khát được thấy nước nhà độc lập, đúng như Bảo Đại đã viết trong hồi ký của ông, độc lập là ước mơ của mọi người dân Việt (13), cũng như nó được phản ảnh ở khắp nước ngay trước và sau ngày 2 tháng 9 năm 1945. Nói tới độc lập vào lúc đó là gõ đúng tần số của bất cứ một người dân Việt Nam nào, từ đó qui công lao và đem lại thanh thế cho người chính thức công bố ra điều đó.

Thứ hai là cho tới ngày 2 tháng 9 năm 1945, cái tên Hồ Chí Minh hoàn toàn xa lạ ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Võ Nguyên Giáp, một trong những cộng sự viên thân cận nhất và có uy thế nhất của Hồ Chí Minh trong thời gian này, đã viết trong hồi ký của mình rằng :

"Ba tiếng Hồ Chí Minh không bao lâu đã vang đi khắp thế giới với những truyền thuyết mà người ta thường dành cho các bậc vĩ nhân. Nhưng vào ngày hôm ấy, cái tên mới của Bác vẫn còn mới lạ với nhiều đồng bào. Số người biết Bác chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc khi đó không nhiều" (14).

Ngay vua Bảo Đại ngày 23 tháng 8 năm 1945, khi nhận được điện tín của của các ông Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kontum và Hồ Hữu Tường - nhân danh Ủy ban Nhân dân Cách mạng, yêu cầu nhà vua thoái vị nhường quyền lãnh đạo quốc gia cho Chính phủ Nhân dân Cách mạng với chủ tịch là "Cụ Hồ Chí Minh" - đã không biết Hồ Chí Minh là ai.

Còn Phạm Khắc Hòe, người được Việt Minh gài vào cạnh nhà vua cũng không biết nốt, phải chạy đi hỏi Tôn Quang Phiệt, một đảng viên cộng sản, rồi Đào Duy Anh, nhưng Tôn Quang Phiệt đi vắng và Đào Duy Anh lục lọi, truy tìm các tài liệu, sách vở ông có nhưng cũng không ra tên này. Cuối cùng Vũ Văn Hiền, ở Bắc về mới xác nhận Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc (15).

Tuyên bố Việt Nam độc lập đối với Hồ Chí Minh vào thời điểm này là cách tự giới thiệu mình tốt nhất và hữu hiệu nhất với toàn thể đồng bào, và để được nhìn và được chấp nhận như là lãnh tụ đầu tiên đã mang lại được độc lập cho tổ quốc và cho toàn dân Việt Nam. Đây là một nhu cầu tối cần thiết, dầu rằng nền độc lập này hoàn toàn không phải do ông hay do Mặt Trận Việt Minh tạo ra mà là do những biến cố khác của lịch sử, trong đó quan trọng nhất là cuộc Đảo Chính ngày 9 tháng 3 năm 1945, qua đó người Nhật đã loại bỏ người Pháp, kèm theo là bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoàng đế Bảo Đại nói trên, và cuối cùng là sự bại trận sau đó của người Nhật.

Chúng ta cũng cần để ý là đối với đa số người Việt Nam thời đó, ngày 2 tháng 9 là Ngày Độc Lập, đúng như Nguyễn Hữu Đang, người được Hồ Chí Minh chỉ định tổ chức ngày này, gọi, qua các văn thư chính thức ông đã gửi cho các cơ quan liên hệ, trong đó có thư gửi cho Thị trưởng Hà Nội (16) và theo bìa in bản tuyên ngôn, bản đầu tiên năm 1945, do Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Hồ Chí Minh đọc trong Ngày Độc Lập (17).

Nhưng đối với Hồ Chí Minh ngày 2 tháng 9 còn có một ý nghĩa quan trọng hơn nữa. Đó là "ngày khép lại cuộc Cách mạng tháng Tám, và khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa", theo lời ông nói với Nguyễn Hữu Đang, "Chú phải nhớ..." (18). Tại sao vậy ?

Tại vì Hồ Chí Minh phải làm chuyện này trước khi quân Đồng Minh kéo vô Việt Nam, đặc biệt là thủ đô Hà Nội, nhằm đặt họ trước một sự đã rồi, không thể đảo ngược đươc. Sự kiện vua Bảo Đại thoái vị được nhắc tới và câu "Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp" là nhằm vào mục tiêu này.

Một lý do khác cũng được người ta nhắc tới là cho mãi đến ngày 2 tháng 9 năm 1945 nền độc lập của Việt Nam vẫn chưa có gì gọi là hoàn toàn, chưa được quốc tế chính thức công nhận hay nếu cộng nhận là qua Vua Bảo Đại, người lãnh đạo hợp pháp chứ không phải với Hồ Chí Minh, một nhân vật vô danh, hoàn toàn xa lạ, nhất là đối với người Pháp. Vấn đề tuy nhiên còn cần phải được xét lại.

Cuối cùng thì những lý do liên hệ tới nhu cầu của cá nhân Hồ Chí Minh và Việt Minh cộng sản vẫn là chính.

2. Nguyên văn bản Tuyên Ngôn

Hỡi đồng bào cả nước,

"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được ; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói :

"Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.

Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những    người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong bể      máu.

Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.

Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.

Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.

Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cầy và dân buôn, trở nên bần cùng.

Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.

Mùa thu năm 1940, phát-xít Nhật đến xâm lăng Đông-dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích : Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.

Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khi giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc bỏ chạy hoặc đầu hàng. Thế mà chẳng những chúng không "bảo hộ" được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật.

Trước ngày 9 tháng 3 biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt Minh nữa.

Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng.

Tuy vậy, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua bên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp chạy ra khỏi nhà giam Nhật, và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ.

Sự thật là từ đầu mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải là thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Sự thật thì dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.

Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa.

Bởi thế cho nên, chúng tôi, Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ hết mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.

Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.

Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê-hê-răng và Cựu-kim-sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.

Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do ! Dân tộc đó phải được độc lập !

Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng :

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững tự do, độc lập ấy.

(Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1976)

3. Phân tích nội dung

Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh, vì được phổ biến rộng rãi và hầu như được coi là duy nhất gắn liền với ngày 2 tháng 9, ngày Quốc khánh của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, rồi Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, nên đã được nhiều người đọc, phân tích và tìm hiểu. Trong phần này người viết chỉ nêu lên những gì ít được mọi người nhắc đến hay để ý đến mà thôi.

Trong khi Tuyên cáo của Hoàng đế Bảo Đại đơn giản chỉ là một bản văn thuần túy pháp lý nhằm hủy bỏ hòa ước bảo hộ mà triều đình Huế đã ký trước đó, căn cứ vào sự bất lực của người Pháp, vì người Pháp đã không giữ được cam kết ghi trong điều khoản thứ nhất và điều khoản thứ mười lăm của hòa ước này, mà không nhằm vào một đối tượng quần chúng hay quốc tế nào, thì bản Tuyên ngôn của Hồ Chí Minh nhằm vào toàn thể người Việt qua lời mở đầu "Hỡi đồng bào cả nước…".

Tuy nhiên ở những đoạn cuối Hồ Chí Minhlại nhắm vào các nước Đồng minh. Điều này phải tinh ý người ta mới nhận ra được. Về tư cách, Bảo Đại nhân danh Hoàng đế Việt Nam, người đứng đầu của một quốc gia độc lập đã tồn tại từ trước khi người Pháp xâm lăng và là người kế thừa chính thống của các vua chúa Nhà Nguyễn, thì Hồ Chí Minh đã nhân danh "Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới". Mới là vì đến ngày đó chính phủ này mới chính thức được ra mắt trước quốc dân.

Lời văn do đó phản ảnh hai tư cách của bản chất của hai con người khác nhau. Một người là hoàng đế kế thừa chính thống của một triều đại đã trị vì một quốc gia từ hơn non bốn trăm năm trước, dù cho là chỉ còn hư vị ; người kia là lãnh tụ của một phong trào cách mạng vừa chủ trương chống Pháp, vừa chủ trương chống Nhật và lật đổ chế độ quân chủ để giành chính quyền. Văn phong trong bản tuyên ngôn của Bảo Đại là văn phong bình thường của người cầm quyền ; còn văn phong của Hồ Chí Minh mang tính cách kêu gọi và ở một mức độ nào đó có tính cách bình dân, kể lể dài dòng và nhất là xách động.

Mở đầu cho bản tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đã trích dẫn một số câu trong phần đầu của Bản Tuyên ngôn Độc lập của người Mỹ và một câu trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách Mạng Pháp. Sự trích dẫn này, vào lúc mà sự hiểu biết của quần chúng Việt Nam còn thấp kém, đặc biệt là về lịch sử Hoa Kỳ và thế giới, chắc chắn không nhằm vào quần chúng người Việt mà nhằm vào người Mỹ và người Pháp.

Lý do là Hồ Chí Minh như là một đảng viên cộng sản quốc tế chắc chắn đ hiểu hơn ai hết là người Mỹ vào thời điểm này đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong chính tình ở Á Châu, trong đó có Việt Nam. Được nguời Mỹ công nhận là coi như làm chủ được chính quyền. Hiểu được như vậy, ngay từ khi còn ở chiến khu Hồ Chí Minh đã tìm cách tiếp xúc và cộng tác với người Mỹ của cơ quan OSS từ hồi còn ở chiến khu, và đã yêu cầu họ cung cấp cho ông một bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, đồng thời nói về lịch sử nước Mỹ như là một cách để chinh phục cảm tình của họ.

Đó chính là lý do tại sao ngày 29 tháng 8 năm 1945, hai ngày trước khi Hồ Chí Minh tuyên đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của ông, lúc 10 giờ 30 sáng, ông đã cho xe tới chở Archemedes L. A. Patti, trưởng nhóm tình báo OSS mới tới Hà Nội không lâu tới gặp ông. Mục đích của cuộc gặp mặt, theo Hồ Chí Minh không phải là để bàn về chuyện người Tàu mà là để nói về những gì ông đã làm vài ngày trước đó (buổi họp ngày 27/8 về Chính phủ Lâm thời) và ít ngày sau đó (ngày 2 tháng 9 đã được chọn là Ngày Độc Lập, Hồ Chí Minh sẽ tuyên bố Việt Nam độc lập và giới thiệu thành phần chính phủ lâm thời) với Patti như là người đầu tiên được biết. Quan trọng hơn hết ở đây là Hồ Chí Minh đã cho Patti coi bản nháp của bản Tuyên ngôn Độc lập của ông bằng tiếng Việt mà Pattti không đọc được và chỉ hiểu sơ sơ qua lời một thông ngôn… (19).

Vì chỉ nhằm mục tiêu lôi cuốn sự chú ý và cảm tình của người Mỹ, Hồ Chí Minh đã không đi xa hơn nữa và rất có thể ông cũng không hiểu rõ hơn hay cố tình không hiểu sự khác biệt trong quá trình giành độc lập của mười ba thuộc địa của người Mỹ vào cuối thế kỷ XVIII và của nước Việt Nam thời năm 1945.Vì vậy ông đã áp dụng quan điểm của người Mỹ về quyền bình đẳng, quyền được sống tự do và mưu cầu hạnh phúc của mọi-người-như-là-những-cá-nhân riêng lẻ theo đúng như tinh thần của bản Tuyên ngôn Độc lập của người Mỹ vào trường hợp chung của cả nước Việt Nam-như-một-quốc-gia đòi quyền độc lập một cách gượng ép hay ít ra là suy luận theo quan điểm chủ quan của ông với dụng ý riêng của ông. Cũng vậy với những gì ông trích dẫn từ bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách Mạng Pháp.

Phần kế tiếp, Hồ Chí Minh lên án người Pháp và người Nhật, đồng thời ông kể công cho Việt Minh : "Trước ngày mồng 9 tháng 3, đã bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật...", sau đó "đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ" và kết luận rằng "Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp". Điều này như người viết đã nói ở trên là không đúng sự thật.

Sự thật là Chính Phủ Bảo Đại - Trần Trọng Kim đã lấy lại được toàn thể nước Việt Nam từ Bắc chí Nam, bao gồm luôn cả xứ Nam Kỳ từ trong tay người Nhật, trước khi người Nhật đầu hàng và Việt Minh đã cướp chính quyền từ trong tay của chính phủ Bảo Đại - Trần Trọng Kim trong những ngày 17 và 19 tháng 8 năm 1945 sau đó, sau khi Nhật đã đầu hàng, nói cách khác sau ngày 15 tháng 8 năm 1945. Lý do là vì Việt Minh "đã có đường riêng của họ rồi", nói theo Phan Anh, Bộ trưởng Thanh niên trong Chính phủ Trần Trọng Kim và sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ Liên hiệp của Hồ Chí Minh (20). Trong những đoạn này Hồ Chí Minh đã dùng các từ ngữ ta hay "dân ta" hay "đất nước ta", nhưng mục đích không nhằm vào người Việt Nam mà vào người Pháp.Ông đã kể công với người Pháp, giữ một cánh cửa mở, phòng ngừa họ trở lại.

Phần cuối cùng của bản văn, từ "Bởi thế cho nên..." cho đến hết, lời văn cho người ta thấy Hồ Chí Minh không hướng về người Việt mà về cả thế giới. Trong phần này ông xưng là "chúng tôi, Lâm thời Chính phủ, đại biểu cho toàn dân Việt Nam" để tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, kêu gọi các nước Đồng minh công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam... Phần này Hồ Chí Minh thay vì nói về quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của mọi-người-như-những-cá-nhân do Tạo hóa ban cho, những quyền phải hiểu là tự nhiên ai cũng có, đã nói về quyền hưởng tự do và độc lập. Đây là một lập luận có tính cách cưỡng ép, hoàn toàn không đúng với tinh thần của bản Tuyên ngôn Độc lập của người Mỹ và nhất là của bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp mà danh xưng của nó đã nói lên một cách rõ ràng : Nhân quyền và Dân quyền, không thể hiểu sai được.

Độc lập của một dân tộc không phải luôn luôn đồng nghĩa với tự do, dân quyền và nhân quyền của mỗi một cá nhân người dân như một thành phần của dân tộc ấy. Không những thế, thay vì coi những quyền này là do Tạo hóa ban cho, Hồ Chí Minh lại lý luận là vì dân tộc Việt Nam là "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do ! Dân tộc ấy phải được độc lập !". Lý luận như vậy người ta phải hiểu, theo Hồ Chí Minh, rằng những dân tộc không gan góc chống lại những thế lực đè nén, áp bức mình và không gan góc đứng về phe Đồng Minh, chống phát-xít là không đáng được tự do, độc lập.

Cũng vậy, với các quyền độc lập, tự do và mưu cầu hạnh phúc của con người như là những cá nhân trong xã hội. Chính vì vậy Luật sư Trần Thanh Hiệp, khi được Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn ngày 2 tháng 9 năm 2007, đã có lý khi ông gọi bản tuyên ngôn của Hồ Chí Minh này là "một bản tuyên ngôn phi nhân quyền" (21) dù cho là nó đã được chính tác giả của nó trích và soạn thảo theo tinh thần của bản Tuyên ngôn Độc lập của người Mỹ và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của người Pháp. Nhưng dù nói thế này hay thế khác sự kiện này đã phản ảnh chủ trương giai đoạn của những người cộng sản Việt Nam mà Hồ Chí Minh ở đây là một trường hợp điển hình.

Về thời gian soạn thảo, nhiều người cho rằng Hồ Chí Minh chỉ có ít ngày sau khi ông từ chiến khu của Việt Minh về Hà Nội, trong khi ông còn phải bận rộn với nhiều vấn đề cấp bách khác. Điều này không đúng vì trước đó từ lâu, như đã nói ở trên, khi tiếp xúc với một sĩ quan người Mỹ, ông nhờ người này kiếm cho ông một bản tuyên ngônđộc lập của người Mỹ rồi (22).

Nói cách khác, Hồ Chí Minh đã nghĩ tới và đã thai nghén bản tuyên ngôn của ông từ lâu chứ không phải chỉ ít ngày trước ngày 2 tháng 9 năm 1945. Do đó những gì ông nói tới, những từ ngữ ông dùng đều được cân nhắc kỹ càng và đều có dụng ý riêng với những mục tiêu riêng mà chỉ sau này phải phân tích kỹ, đối chiếu kỹ và có thể sau này khi mọi việc liên hệ đã xảy ra rồi, người ta mới có thể hiểu được.

Điều đáng tiếc là khi thực thi những gì ông đã trích dẫn và đề cao trong bản tuyên ngôn của ông, Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông và sau này những người nối nghiệp ông trong Đảng cộng sản Việt Nam chỉ thực thi những gì ông đã suy rộng ra theo lối suy luận loại suy (độc lập của dân tộc) mà làm ngược lại những gì đích thực về nhân quyền và quyền tự do mưu cầu hạnh phúc của từng cá nhân con người, theo đúng nguyên bản của bản Tuyên ngôn Độc lập của người Mỹ cũng như bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của ngưòi Pháp.

Nói cách khác, Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông trong đó có Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, cũng như hậu duệ của các ông, thay vì đi theo con đường tự do, dân chủ của các nhà lãnh đạo của cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ, trong đó có Washington, Jefferson, dựa theo đúng tinh thần của bản Tuyên ngôn Độc lập của họ mà các ông đã trích dẫn phần mở đầu, đã theo con đường của Lê-nin, Xít-ta-lin và Mao Trạch Đông.

Hậu quả là 67 năm sau, bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, đã phải công khai nhắc người đồng nhiệm của bà ở Việt Nam và luôn cả các ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng chính phủ và Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam về vấn đề dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.

Người ta không hiểu là khi làm công việc nhắc nhở này, bà Clinton có biết rằng 67 năm trước Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của ông với phần trích dẫn về nhân quyền từ bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ hay không ? Người viết tin là có. Cũng vậy với Đại sứ David Shear khi ông này tới thăm Bác sĩ Nguyễn Đan Quế và Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ ở Sài Gòn.

Nhưng dù có hay không, khi trích dẫn những tài liệu này, Hồ Chí Minh và từ đó Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã mắc một món nợ tinh thần với cả hai dân tộc Mỹ và Pháp và nhân ngày 2 tháng 9 năm 2018 này, những ai quan tâm đến vấn đề nhân quyền và dân quyền ở Việt Nam hiện tại, nhất là người Mỹ và người Pháp, nên nhắc nhở những người đang nắm vai trò lãnh đạo ở quốc gia này phải tôn trọng và thực thi những gì Hồ Chí Minh, người đã khai sáng nên chế độ của họ cần phải "thật thà" như ông thường khuyên mọi người, đặc biệt là các "cháu ngoan" của ông, coi như một giá trị đạo đức, coi trọng những lý tưởng mà người sáng lập ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã viện dẫn từ hai bàn Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp, coi như một hình thức trả nợ mà bình thường mọi người đều phải làm, nếu không muốn mang tiếng là lừa đảo.

Về điểm này, tuy nhiên, người ta cũng cần phải dè dặt vì bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 sau đó đã bị sửa lại nhiều lần cũng giống như bức thư gửi Hồ Chí Minh gửi cho các học sinh nhân lễ khai trường đầu tiên khi nước Việt Nam mới được độc lập cùng năm mà người viết bài này đã phải học thuộc lòng, cho đến giờ này hãy còn nhớ từng chữ.

Người ta không biết những chi tiết nào đã bị sửa nhưng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thành từ Hà Nội, trong bài viết nhan đề "Trong Lịch sử nước ta đã có hai hay ba bản Tuyên ngôn Độc lập" đăng trong Nghiên cứu Lịch sử, số 1 (278), (I- II), 1995, "lại có nhiều dị bản, sai nhau đến 22 từ, được sửa đi sửa lại nhiều lần từ sau ngày 2/9/1945 đến năm 1973 thì thật không thể hiểu nổi" (23).

1945 – 2018. Bảy mươi ba năm đã trôi qua. Đã đến lúc người ta phải trả lại lịch sử những gì gọi là sự thực của nó khi tìm hiểu hai bản tuyên ngôn này, đồng thời trả tất cả những món nợ mà vì bất cứ lý do gì những người đi trước đã mắc phải, nhất là nợ chính đồng bào mình.

Một điều khác vô cùng quan trọng độc giả cũng nên để ý khi tìm hiểu hai bản tuyên ngôn này là mục tiêu tối hậu của những người cộng sản không phải là độc lập cho quốc gia, đất nước và dân tộc Việt Nam mà là cách mạng quốc tế vô sản và xã hội chủ nghĩa theo quan niệm riêng của họ, như người ta đã thấy ngay từ những năm đầu của thập niên 1950 với sự thúc đẩy của Nga Xô và Trung Cộng. Tranh đấu cho nền độc lập của quốc gia chỉ là một chiêu bài, một phương tiện họ dùng để đạt mục tiêu tối hậu này. Những gì Hồ Chí Minh nói trong bản tuyên ngôn của ông do đó chỉ nhằm mục tiêu xách động quần chúng nhất thời, sau đó không còn được chính ông và hậu duệ của ông tôn trọng, chưa nói là làm ngược lại, trong đó có những gì ông nặng nề lên án người Pháp.

Phạm Cao Dương

Khởi sự viết năm 2012, sửa lại mùa Khai trường năm 2018

Chú thích :

(1) Dương Trung Quốc. Việt Nam : Những Sự Kiện Lịch Sử (1919-1945). Hà Nội : Nhà xuất bản Giáo Dục, 2002, tr. 288.

(2) Lệ Thần Trần Trọng Kim. Một Cơn Gió Bụi (Kiến Văn Lục). Sài Gòn : Nhà xuất bản Vinh Sơn, 1969, tr. 49.

(3) nt, tr. 51.

(4) Dương Trung Quốc. Việt Nam, đã dẫn, tr.388 ; Nguyễn Vỹ. Tuấn, Chàng trai nước Việt (Chứng tích thời đại từ 1900 đến 1970), Quyển II. Sài Gòn, 1970. Fort Smith, AR tái bản tại Hoa Kỳ, tr. 512. S. M. Bao Dai. Le Dragon d’Annam. Paris : Plon, 1990. tr. 104 ; Bảo Đại, Con Rồng Việt Nam, Hồi Ký Chánh Trị 1913-1997. Los Alamitos, CA : Nguyễn Phước Tộc xuất bản, 1990, tr. 162 ; Cameron, Alan W. Vietnam Crisis. A Documentary History, Vol. I, 1940-1956. Ithaca, NY : Cornell University Press, 1971. tr. 31-32 ; Hai bản tiếng Việt in trong tác phẩm của Dương Trung Quốc và tác phẩm của Nguyễn Vỹ hơi khác nhau về ngôn từ nhưng hoàn toàn giống nhau về nội dung. David G. Marr trong Vietnam 1945, The Quest for Power (Berkeley : University of California Press, 1995), trang 71 có nói tới bản tiếng Việt và tiếng Pháp ở văn khố Pháp và bản đăng trên tờ Dân Báo, ngày 12 tháng 3. Vũ Ngự Chiêu cũng nói tới tờ Tin Mới, nhưng nhất thời nguời viết bài này chưa đến được các nơi cần đến để tìm kiếm.

(5) S.M. Bao Dai, Le dragon d’Annam, đã dẫn, tr. 104.

(6) Taboulet, Georges. La teste Francaise en Indochine, histoire par les textes de la France en Indochine des origines à 1914, tome II. Paris, Adrien-Maisonneuve, 1956. Tr. 809-812 ; Phan Khoang, Việt Nam Pháp thuộc sử, 1884-1945. Sài Gòn, 1961, tái bản ở Hoa Kỳ, tr. 322-328.

(7) Phạm Hồng Tung, "Trao đổi về một số ý kiến liên quan đến lịch sử Nội cc Trần Trọng Kim và Cách mạng tháng Tám" trong Nghiên Cứu Lịch Sử, Số 8 (424), 2011, tr. 55.

(8) Phạm Khắc Hoè. Từ Triều đình Huế đến Chiến khu Việt Bắc. Huế : Thuận Hóa, 1987, tr. 16.

(9) Nguyễn Kỳ Nam, Hồi ký "1925-1964". Sài Gòn, 1964, tr. 168-169.

(10) Phạm Khắc Hoè, Từ Triều đình Huế…, đã dẫn, tr. 16-17.

(11) Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn chủ biên, Lữ Huy Nguyên sưu tầm biên soạn. Hà Nội : Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1980, tr. 812 – 823.

(12) Hà Nội : Éditions en Langues Étrangères, 1971, tr. 51.

(13) S.M. Bao Dai. Le Dragon…, tr. 103.

(14) Võ Nguyên Giáp. "Những năm tháng không thể nào quên", trong Tổng tập Hồi ký. Hà Nội : Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân, 2006, tr. 255.

(15) Phạm Khắc Hoè. Từ Triều đình Huế…., tr. 76.

(16) Phùng Quán. Ba Phút Sự Thật. Thành Phố Hồ Chí Minh : Nhà xuất bản Văn Nghệ, 2006, tr. 114-115.

(17) Hồ Chí Minh. Tuyên ngôn Độc lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Hà Nội : Nhà xuất bản Sự Thật, 1976, tr. 13. Nguyễn Khánh Toàn và Lữ Huy Nguyên, Tổng tập Văn học Việt Nam, Tập 36. Hà Nội, 1980, tr. 812-823.

(18) nt, tr. 134.

(19) Patti, Archimedes L.A. Why Vietnam ? Prelude to America’s Albatoss. Berkeley ; University of California Press, 1980, tr. 223.

(20) Thụy Khuê, Ni chuyện với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp. California : Văn Nghệ, 2002, tr. 180-181.

(21) Trần Thanh Hiệp và Trương Giang. "Một bản Tuyên ngôn phi nhân quyền", Nhật báo Người Việt, số 7940, ngày Thứ Hai, 3 tháng 9 năm 2007.

(22) Sĩ quan này là Trung úy Dan Phelan, người đã nhảy dù xuống gặp Hồ Chí Minh trong chiến khu của ông này. Xin xem : Fenn, Charles, Ho Chi Minh, A Bibliographical Introduction, New York : Scribner’s Sons, 1973, tr. 81-82 ; Duiker, William J. Ho Chi Minh. New York :Hyperion, 2000, tr. 301 ; Against Japan. Lawrence, Kansas : University of Kansas, 2006, tr. 243-244 ; bản dịch tiếng Việt của Lương Lê Giang nhan đề OSS và Hồ Chí Minh, Đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến chống phát xít Nhật. Hà Nội : Nhà xuất bản Thế Giới, 2007, tr. 367-368. Xin để ý : trong nhan đề tiếng Việt người dịch đã thêm hai chữ phát xít vào danh xưng Nhật.

(23) Số 1 (278), (I- II), 1995, tr. 186. Vì sao giới trẻ Mỹ nay thích chủ nghĩa xã hội ?

----------------------------------------

Tác giả Phạm Cao Dương, Giáo sư Tiến sĩ Sử học, cựu Giáo sư các trường đại học Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Sau 1975, ông là Giáo sư chuyên vế Văn hóa và Lịch sử Việt Nam tại một số đại học Mỹ, trước khi nghỉ hưu.

Published in Diễn đàn

Hôm 19/05 là ngày sinh của Hồ Chí Minh, một nhân vật đã được tôn lên hàng lãnh tụ hay cha già dân tộc. Hồ Chí Minh là một nhân vật khá bí ẩn trong lịch sử, những điều mà chúng ta biết về ông là kết hợp giữa sự thật và những huyền thoại.

Đến nay, người ta vẫn không thể biết hết về cuộc đời con người này, nhưng có một điều chắc chắn rằng ông Hồ không phải là một người tài giỏi. Ông không chỉ là người kém cỏi về tài năng mà còn kém cỏi về mặt đạo đức. Như dưới bút danh Trần Dân Tiên, ông viết hồi kí để tự đánh bóng tên tuổi của mình. Dưới cái tên C.B và một số bút danh khác trên báo Nhân Dân, ông đã xuyên tạc cả về sự thật lịch sử.

hcm1

Một thí dụ về Hồ Chí Minh dưới bút danh C.B. viết trên báo Nhân Dân, số ra ngày 21/12/1953, về Ngày Giáng Sinh (21/12/1953)

Dưới bút danh Trần Lực, ông đã vận động mọi người tin một điều nhảm nhí rằng một mẫu lúa ở Trung Quốc có thể sản xuất được 333 tấn lúa mỗi năm. Dưới cương vị lãnh đạo, Hồ Chí Minh không cho thấy một sự hiểu biết nào của ông về lịch sử, kinh tế hay địa chính trị. Ông có bản lĩnh nhưng là bản lĩnh của một kẻ độc tài, một người tình báo xuất sắc cho Quốc tế cộng sản.

Vậy còn về tội trạng của Hồ Chí Minh thì sao ? Nhiều người cố thanh minh cho ông khi nói ông đã không trực tiếp tham gia vào vụ cải cách ruộng đất, giết chết hàng trăm nghìn người Việt, ông cũng không khởi xướng thảm sát Mậu Thân và "giải phóng miền Nam". Nhưng có một thực tế mà không ai có thể chối cãi rằng chính ông, là người đã mang chủ nghĩa cộng sản về Việt Nam, một thứ chủ nghĩa ôn dịch reo rắc mọi sự đau khổ cho các nước mà nó được du nhập.

Có những lúc ông đứng ở vị trí cao nhất về quyền lực trong đảng, ông đã phải nhìn ra cái tai hại, cái sai mười mươi của chủ nghĩa cộng sản về cả mặt lý luận và mặt đạo đức. Song, ông có ăn năn về sai lầm đó của mình không ? Chúng ta không thấy. Nhưng điều chúng ta biết rất rõ là ông đã không làm gì để sửa chữa những lỗi lầm của mình : ông vẫn chấp nhận là một người cộng sản cho đến lúc qua đời. Trong di chúc, trước lúc chết, ông cũng chỉ muốn ‘đoàn tụ’ với Mác, với Lê nin ở bên kia thế giới thay vì ‘đoàn tụ’ với tổ tiên ông bà. Điều này chứng tỏ ông cũng chẳng hề là một "người yêu nước" chọn nhầm chủ nghĩa Mác-Lê theo như quan điểm của nhiều người.

Đến khi Hồ Chí Minh thất thế thì chính ông cũng trở thành nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản, thứ chủ nghĩa mà ông từng dùng cả cuộc đời để say mê, hoạt động và dấn thân vì nó. Ông trở thành tù nhân và con rối của phe Lê Duẩn. Và ngay cả sau khi ông chết, Hồ Chí Minh lại tiếp tục trở thành công cụ tuyên truyền của chế độ. Ông vừa là thủ phạm, cũng vừa là nạn nhân của chế độ cộng sản.

hcm2

Hồ Chí Minh được đảng cộng sản tôn lên hàng lãnh tụ hay cha già dân tộc.

Nếu không có Hồ Chí Minh thì lịch sử sẽ ra sao ? Trước khi kết tội Hồ Chí Minh, chúng ta hãy đặt câu hỏi trí thức Việt Nam đã làm gì và ở đâu để một kẻ bất tài như ông và đảng cộng sản cướp được chính quyền trong cuộc cách mạng tháng 8 ?

Chúng ta cũng nên đặt câu hỏi để chất vấn lương tri của người Việt là trí thức và nhân dân Việt Nam đã làm gì để cho đến hôm nay, chế độ cộng sản này vẫn kéo dài một cách quá đáng như vậy ? Nếu không có Hồ Chí Minh, không có đảng cộng sản Việt Nam thì có thể tương lai dân tộc chúng ta ngày hôm nay đã khác xa. Dù thế chẳng ai dám chắc rằng, trước sự bàng quan với thời cuộc và thái độ chờ đợi một ‘minh quân’ của trí thức Việt Nam… thì sẽ có một kẻ thức thời khác như Hồ Chí Minh và một băng cướp khác như đảng cộng sản Việt Nam giành được chính quyền ?

Hồ Chí Minh quả thật có trách nhiệm lớn với những thảm kịch của dân tộc, song trí thức Việt Nam cũng có một phần lỗi không nhỏ ở trong đó.

Chúng ta nên có thái độ nào với Hồ Chí Minh ? Chúng ta phải có trách nhiệm nói lên tất cả sự thật về Hồ Chí Minh, nhưng không nên khuyến khích những lời nhục mạ với người quá cố. Bởi lẽ, đằng sau thái độ giận dữ với một người đã chết gần một thế kỉ là một tâm lý bất lực và thiếu văn hóa. Và hơn thế, chúng ta không thể thay đổi những gì đã xảy ra trong quá khứ mà chỉ có thể thay đổi và làm chủ được tương lai.

Sự kiện Hồ Chí Minh, một người thiếu cả tài năng lẫn phẩm chất đã lãnh đạo một băng đảng khủng bố như đảng cộng sản cướp chính quyền thành công là một bài học lớn cho dân tộc chúng ta. Bài học này nhắc nhở rằng trong quá khứ, những người trí thức đã thiếu sự tỉnh táo và trách nhiệm trước thời cuộc như thế nào.

Ngày hôm nay, người trí thức và những người yêu nước Việt Nam cần phải đoàn kết lại trong một vài tổ chức chính trị để làm chủ vận mệnh dân tộc của mình, để những thảm kịch trong quá khứ không lặp lại !

Nguyễn Việt Anh

(20/05/2018)

Published in Quan điểm

Đảng cộng sản muốn lợi dụng sự sùng bái cá nhân Hồ Chí Minh để tuyên truyền rằng nó là tổ chức thích hợp nhứt để lãnh đạo Việt Nam.

Ở Sài Gòn, tôi đã từng nhìn thấy một tấm bảng quảng cáo : Hồ Chí Minh trong chiếc áo phong cách quân sự nổi tiếng đang nhìn vào nhóm quân lính Việt Nam, đang diễn hành đến một địa điểm nào đó của thập niên 60. Nét mặt của Hồ diễn tả sự chấp nhận và nỗi quan tâm sâu sắc. Nó giống như Hồ đang ban phước lành cho nhóm lính khi họ tiến quân cho cuộc thập tự chinh về phía Nam.

hcm1

Ngày nay hình ảnh Hồ Chí Minh không còn gì trong tâm hồn người Việt Nam, kể cả những người đang lãnh đạo đất nước

Thông qua hình ảnh này, Đảng cộng sản Việt Nam muốn truyền tải thông điệp rằng Hồ cảm thông với những nỗi sợ hãi và đau khổ của người lính, chứ không phải cuồng tín vô nhân đạo : "Bác Hồ" không phải là nhà lãnh đạo cách mạng tàn nhẫn và máu lạnh của học thuyết cộng sản. 

Hồ Chí Minh đã lên đến được những đỉnh cao tuyệt đối trong văn hóa Việt Nam và giờ đây Hồ không thể bị công kích. Ông là Jesus Christ - Chúa Jesus của Đảng cộng sản Việt Nam. Hồ mang dép, có bộ râu, trông có vẻ thư thái, độc thân, (hoặc ít nhất là tình nhân của Hồ chưa bao giờ được công khai), yêu trẻ em, có một cuộc sống đơn giản, và ông đã thực hiện được các phép lạ (là đánh bại Pháp và Hoa Kỳ). Tuy nhiên, những người cộng sản vốn là vô thần, không thể tuyên bố Hồ sẽ quay trở lại trái đất một ngày nào đó, mặc dù họ có thể sẽ khẳng định như vậy trong tương lai khi khoa học có thể giúp hồi sinh người chết. Nếu ngày đó đến, xác của Hồ đã sẵn sàng để phục sinh trong lăng mộ kiểu Stalin ở Hà Nội. Hồ đã lên đến những đỉnh cao tôn sùng của sự thờ phượng và không ai có thể hoặc dám chạm tới Hồ. 

Sau nhiều thập niên không mệt mỏi của Đảng cộng sản Việt Nam, cố gắng xây dựng hình ảnh Hồ, sự sùng bái cá nhân (cult of personality) đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân. Nạn sùng bái là công cụ chính, để dập tắt những lời chỉ trích trong nước về sự cai trị của đảng cộng sản. Có nhiều lý do khiến cho sự sùng bái ngày càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Thứ nhất, tư tưởng và học thuyết cộng sản ở Việt Nam ĐÃ CHẾT. Chủ nghĩa cộng sản về mặt tư tưởng và đạo đức đã phá sản toàn diện ở Việt Nam, cũng giống như ở Cuba, Nicaragua, Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Cái ôm hôn thật chặt của Đảng đối với Hồ phản ánh sự phá sản tư tưởng này. Để giải quyết, Đảng cộng sản nhắc đi nhắc lại, tuyên truyền liên tục về quá khứ bằng cách tôn thờ Hồ, bởi sau 60 năm cộng sản ở miền Bắc và 40 năm cộng sản ở miền Nam, chủ nghĩa Mác-Lênin đã chứng minh nó là một sự thất bại. Nếu công chúng Việt Nam thực sự biết sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản thì việc Đảng tiếp tục nắm giữ quyền lực đang vô cùng lâm nguy.

Bằng cách tạo ra hình ảnh Hồ Chí Mình đáng yêu và khôn ngoan là một hình thức quảng bá cho chủ nghĩa cộng sản Việt Nam, Đảng hy vọng sẽ tránh được sự hất cẳng khỏi quyền lực có thể xảy ra.

Thứ hai, vào những năm 1960 và 1970, chủ nghĩa cộng sản có thể đã thích hợp ở Việt Nam. Đảng đã sử dụng chủ nghĩa Mác-Lênin để huy động dân chúng ở miền Bắc và miền Nam đánh bại Hoa Kỳ và thống nhất đất nước. Ngày nay, chiến lược sùng bái cá nhân liên tục nhắc nhở công chúng về thành công của Đảng đối với đế quốc Mỹ. Cuộc chiến là thành tựu lớn nhất của Đảng và Hồ đã dẫn Việt Nam tới thắng lợi. Để nhắc nhở nhân dân về những thành tích trong những năm 1960 và 1970, Đảng tìm cách khôi phục tính chính danh và sự xác đáng vào thời nay. Sự sùng bái của Đảng cộng sản Việt Nam đối với Hồ Chí Minh không khác gì việc Ronald Reagan của đảng Cộng hòa được tôn vinh.

Trong những năm 1980, đảng Cộng hòa đã có đóng góp ý nghĩa. Triết lý kinh tế năng động và theo đuổi học thuyết Oswald Spengler, sự lãnh đạo của tổng thống đảng Cộng hòa đã không bị mất uy tín bởi cuộc chiến thảm khốc tại Iraq và sự sụp đổ tài chính năm 2008 dưới thời tổng thống Bush. Sự sùng bái Ronald Reagan của đảng Cộng hòa là một nỗ lực nhằm lôi kéo người dân Mỹ nhớ đến một kỷ nguyên mà tư tưởng của đảng Cộng hòa vẫn còn chỉ huy được sự tôn trọng và tuân phục. Sự sùng bái là cần thiết khi một hệ tư tưởng và các định chế được thiết lập trên hệ tư tưởng đó, đã đánh mất ảnh hưởng vào hy vọng và nguyện vọng của nhân dân.

Thứ ba, sự sùng bái cá nhân xung quanh Hồ Chí Minh đã làm giảm bớt những nghi vấn công khai về quyết định của Hồ chiến đấu chống lại Hoa Kỳ. Sự chấp nhận của đảng cộng sản về cải cách thị trường và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ trong những năm 1990 đã tạo ra những nghi ngờ nghiêm trọng giữa các đảng viên và quần chúng về sự cần thiết của cuộc chiến với Hoa Kỳ và những hy sinh cũng như thiệt hại quá lớn để giành được chiến thắng. Cụ thể, tại sao đảng cộng sản đưa quân vào miền Nam và khiến cho quá nhiều người phải chết, nếu cuối cùng Đảng lại đón nhận hệ thống kinh tế tư bản mà đảng đã chiến đấu tìm cách để đánh bại ?

Để xua tan những nghi ngờ của công chúng, Đảng cộng sản thông qua hình ảnh bắt mắt, liên tục tuyên bố rằng Hồ và đảng cộng sản quan tâm đến những người lính đã thiệt mạng ở miền Nam. Hơn nữa, nhiều bảng quảng cáo hình ảnh "Hồ và nhi đồng" là nỗ lực mà Đảng cố gắng thuyết phục những người dân đã mất niềm tin rằng Hồ quan tâm đặc biệt đến thế hệ tương lai của Việt Nam.

Nói cách khác, "Bác Hồ" không phải là nhà cách mạng không kiên quyết đã ra quyết định dẫn đến cái chết của hàng triệu người và gây ra chấn thương tâm lý của các thế hệ Việt Nam. Nếu như phần lớn dân tộc Việt Nam một lúc nào đó kết luận rằng Hồ đã mắc sai lầm nghiêm trọng trong cuộc chiến với Hoa Kỳ, thì số phận Đảng xem như đã kết thúc.

Thứ tư, dân tộc Việt Nam rõ ràng là ích kỷ, tư lợi. Sau nhiều thập kỷ chiến tranh và khó khăn kinh tế, họ đã phát triển một một căn bệnh của sự ích kỷ. Khi họ không thẹn thùng tự nâng cao bản thân thì họ một cách trơ trẽn tìm cách thúc đẩy lợi ích của gia đình mình. Chính sự thiếu ý thức xã hội đã dẫn tới sự sụp đổ của miền Nam vào năm 1975. Người miền Nam quan tâm đến sự sống còn của cá nhân và gia đình hơn là sự sống còn của miền Nam như là một quốc gia.

Những người cộng sản đã làm việc cật lực kể từ khi áp dụng các cải cách kinh tế thị trường để thấm nhuần tinh thần dân tộc và trách nhiệm xã hội trong cộng đồng. Sùng bái Hồ đã được sử dụng như một phương tiện bồi dưỡng ý thức xã hội của công chúng. Thông qua hình thức tuyên truyền, Hồ được miêu tả luôn có ý thức xã hội, dễ cảm xúc trước những người bị áp bức và rất yêu nước.

Còn có một nguyên nhân khác mà Đảng tỏ ra quan tâm về trách nhiệm xã hội : nhằm che giấu nạn tham nhũng của các đảng viên và làm cho người dân sao lãng các chính sách kinh tế, đã làm suy yếu chủ quyền, môi trường và sự gắn kết xã hội của đất nướcViệt Nam.

Cuối cùng, Đảng cộng sản muốn lợi dụng sự sùng bái cá nhân Hồ Chí Minh để tuyên bố rằng nó là tổ chức thích hợp nhứt để lãnh đạo Việt Nam. Bởi vì nếu công chúng nhận thức được Đảng đã phạm quá nhiều sai lầm trong quá khứ, cụ thể cuộc chiến chống Mỹ là một sai lầm khổng lồ và tàn phá cuộc sống cũng như hủy diệt nhiều tiềm năng của đất nước, thì tại sao người dân nên tin đảng sẽ làm tốt công việc trong tương lai ?

Tất nhiên, Đảng đã có câu trả lời cho những mối quan tâm đó - nó nằm trong con người của Hồ Chí Minh.

Ở Sài Gòn, có một tấm quảng cáo tuyên truyền : Hồ ở giữa một nhóm công nhân người Việt Nam. Trong tấm hình, mọi người kể cả Hồ đang nhìn về phía trước. Hình nền là các nhà tòa đang nhô cao. Đô thị hóa đang được triển khai. Sự tăng trưởng đang diễn ra. Thông điệp được chuyển tải quá rõ ràng : Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản sẽ lãnh đạo và giúp người dân tiến tới thịnh vượng. Mọi người chỉ cần tin tưởng vào điều đó. Hãy quên đi những thành tích tồi của Đảng : nạn tham nhũng tràn lan, thất bại toàn diện, những cuộc đàn áp và các quyết định tai hại. Và hãy nhớ điều này : Bác Hồ yêu bạn.

Eco in the know

Mai V. Phạm biên dịch

Nguồn : Uncle Ho loves you : Vietnam and the Cult of personality, Eco in tbe Know, 25/09/2015

http://ecointheknow.com/uncategorized/uncle-ho-loves-you-vietnam-and-the-cult-of-personality/

Published in Diễn đàn
jeudi, 22 février 2018 11:13

39 năm vẫn chưa biết nhục !

58 năm sau ngày ông Hồ Chí Minh, cha đẻ của Đảng cộng sản Việt Nam, nói câu tuyên truyền "Đảng ta là đạo đức, là văn minh" thì số cán bộ, đảng viên "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống" và "quan liêu, tham nhũng, lãng phí" tăng cao hơn bao giờ hết.

dang1

Pa -nô "Đảng ta là đạo đức, là văn minh" treo dọc một bờ rào - Ảnh minh họa

Kết quả này là bằng chứng đảng đã hoàn toàn bất lực trong kế hoạch "xây dựng chỉnh đốn đảng" bắt đầu từ khóa đảng VII thời Đỗ Mười làm Tổng bí thư (1991-1997). Bây giờ, dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng khóa đảng XII, tổng cộng 27 năm xây dựng chỉnh đốn đảng mà lãnh đạo vẫn chỉ biết đổ lỗi cho "mặt trái của nền kinh tế thị trường" và số cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh bị sa ngã trước cám dỗ của tiền tài và danh vọng, là nguyên nhân của tình trạng "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" đang đe dọa sự sống còn của đảng.

Như vậy, nếu ông Hồ còn sống thì hẳn ông phải xấu hổ cho những điều ông nói tại buổi lể kỷ niệm 30 năm ngày thành lập đảng (3/2/1930-3/2/1960).

Hồi ấy ông Hồ nói :

Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao

Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình !

Đảng ta là đạo đức, là văn minh

Là thống nhất, độc lập, là hòa bình, ấm no

Công ơn Đảng thật là to

Ba mươi năm lịch sử Đảng

là cả một pho lịch sử bằng vàng

("Lời khai mạc lễ kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Đảng", Thơ Bác Hồ, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1971)

Nhắc lại chuyện xưa của ông Hồ để thấy nhiều điều ông nói chỉ để tuyên truyền gây ảo tưởng và hy vọng hão huyền. Các lớp lãnh đạo sau ông, từ thời Bí thư thứ nhất rồi Tổng bí thư Lê Duẩn (cầm quyền từ 10/9/1960-10/7/1986, 25 năm 303 ngày), đến các tổng bí thư Trường Chinh qua Nguyễn Văn Linh (khóa VI), rồi chuyển cho Đỗ Mười (VII), Lê Khả Phiêu (VIII) đến Nông Đức Mạnh (IX và X) sang Nguyễn Phú Trọng (từ khóa XI), tổng cộng 58 năm mà căn bệnh "suy thoái đạo đức và tư tưởng" của cán bộ, đảng viên vẫn là tiền đề của mọi vấn đề đảng còn phải đối phó.

Nhưng nếu "suy thoái đạo đức" chỉ thu gọn trong phạm vi con người của đảng thì hy vọng sửa sai vẫn có thể làm được nếu lãnh đạo quyết tâm làm đến nơi đến chốn.

Ngược lại, khi "đạo đức" và "văn minh" chỉ còn là tấm bình phong che đậy cho âm mưu xuyên tạc lịch sử thì đạo lý dân tộc và lòng yêu nước đã bị loại bỏ. Càng tệ hại và ô nhục hơn, nếu hành động ấy lại do những người có học vị cao trong xã hội được trao trọng trách bảo tồn và khai sáng đã quay lưng phản bội, theo lệnh của Bộ Chính trị để tránh gây ra phức tạp trong quan hệ Việt-Trung.

Đem suy luận này áp dụng cho hành động sợ Trung Quốc ra mặt của Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam khi họ cố tình lãng quên xương máu của trên 40 ngàn đồng bào và bộ đội đã hy sinh trong cuộc Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979 -1990 thì ta biết ngay tại sao bộ Lịch sử Việt Nam được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát hành ngày 18/08/2017, tuy đã dám viết "quân Trung Quốc xâm lược" nhưng vẫn hời hợt về cuộc chiến này.

39 năm phản bội

Trước hết, trong 39 năm qua, mỗi khi ngày 17 tháng 2 hàng năm trở về, hàng triệu con tim người Việt trong nước đã thổn thức tưởng nhớ về những người đã nằm xuống trong cuộc chiến biên giới 1979-1990, dù trong quân ngũ hay dân thường, cụ già, đàn bà và trẻ thơ. Nhưng ngoài những cuộc thăm viếng nghĩa trang hay tư gia lẻ tẻ của các cựu chiến binh nhớ về đồng đội cũ, tuyệt nhiên không có bất cứ tổ chức, đoàn thể hay chính quyền từ trung ương xuống cơ sở nào đứng ra tổ chức các buổi lễ tưởng niệm và ghi ơn những người đã hy sinh.

Chẳng những thế, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam còn ra lệnh cho công an, công an đội lốt côn đồ ngăn chặn, bắt cóc và tấn công những người dân xuống đường tuần hành hay tập trung dâng hương tại kỳ đài Lý Thái Tổ cạnh Hồ Gươm Hà Nội, hay tại Sài Gòn vào ngày 17/2.

Cũng tương tự, các cuộc tổ chức tưởng niệm 74 chiến sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong trận chống quân Tầu xâm lăng Hoàng Sa năm 1974 và 64 bộ đội đã bỏ mình ở Trường Sa năm 1988 cũng bị ngăn chặn.

Về mặt báo chí truyền thông thì từ 1979 đến 2016, không báo nào hay bất cứ ai được phép khơi lại cuộc chiến biên giới. Lệnh cấm này đã được nới rộng đối với các báo "không chính thống" từ năm 2017, sau khi bị nhiều trí thức và giới sử học chỉ trích.

Tuy nhiên, các cơ quan báo chí "ruột" như Nhân dân, Quân đội nhân dân, Sài gòn giải phóng, Thông tấn xã Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các đài truyền hình chính phủ và quân đội đều đồng loạt được lệnh "ngậm miệng" để được ăn tiền.

Riêng lần kỷ niệm 39 năm cuộc chiến biên giới năm nay (2018), các báo của Bộ Thông tin và truyền thông gồm Infonet, VietNamNet và Tuần Việt Nam đã phổ biến một số bài viết dưới dạng nghiên cứu hay phỏng vấn về diễn tiến của cuộc chiến từ ngày 17/02/1979 cho đến các cuộc giao tranh đẫm máu Việt-Trung tại mặt trận Tỉnh Hà Tuyên cũ, đặc biệt tại Vị Xuyên.

Những bài viết này, tuy có nhiều bằng chứng nhưng chưa được đưa vào sách sử để nói cho các thế hệ người Việt Nam sau này biết tường tận về biến cô đau thương này.

Vì vậy, những sự kiện còn thiếu trong 8 trang (từ trang 351 đến 359) của tập 14 bộ Lịch sử Việt Nam đã để lại một khoảng trống khó hiểu.

Bằng chứng khi nói về cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam ở biên giới phía Bắc, đã có không ít thắc mắc tại sao giới viết sử của Đảng cộng sản Việt Nam phải mở đầu bằng đoạn nịnh Trung Quốc thế này :

"Việt Nam luôn luôn biết ơn sự giúp đỡ tận tình của chính phủ và nhân dân Trung Quốc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước. Việt Nam rất coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc".

Sau đó, sách sử mới Việt Nam lại cố ý liên kết xung đột biên giới Việt-Trung từ năm 1976 với cuộc chiến giữa Việt Nam và quân Khmer đỏ, do Pol Pot lãnh đạo được Bắc Kinh yểm trợ, ở biên giới Tây Nam.

Nhưng sách lại không dám nói đó là hành động của Trung Quốc dùng Khmer đỏ Pol Pot đề phá Việt Nam mà lại viết ỡm ờ thế này :

"Các cuộc xung đột nổ ra ở biên giới Việt-Trung (khu vực Cao Bằng-Lạng Sơn) vào cuối năm 1976 và tháng 3/1977 gần như trùng hợp với thời gian diễn ra tình hình căng thẳng ở biên giới Việt Nam-Campuchia ở phía Tây Nam".

Đến khi viết về cuộc chiến Việt-Trung thì sách sử của Việt Nam chỉ tóm tắt :

" 5g sáng ngày 17/2/1979, 60 vạn quân Trung Quốc đồng loạt vượt biên giới kéo dài 1.400km tiến vào 6 tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai và Yên Bái), Lai Châu, điều động 9 quân đoàn chủ lực, 2.559 khẩu pháo, 500 xe tăng và xe thiết giáp tiến sâu vào đất Lạng Sơn, Lai Châu 10-15km, vào Cao Bằng 40-50km.

Quân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 địch, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự trong đó có 280 xe tăng, xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo và súng cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí, bắt nhiều tên xâm phạm lãnh thổ Việt Nam".

Tuy nhiên, do bị động nên không phải bộ phận nào cũng giữ vững được khả năng chiến đấu. Đoạn trích sau đây trong báo cáo của Đảng đoàn Tổng công đoàn Việt Nam phản ánh một góc độ khác của tình hình :

"Trên mặt trận chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược, các đơn vị tự vệ công nhân viên chức các lâm trường, nông trường, các đoàn địa chất, các xí nghiệp, cơ quan ở sát biên giới đã chiến đấu dũng cảm, góp phần đánh lui nhiều đợt tiến công của địch, tiêu diệt nhiều địch. Tuy nhiên, ít đơn vị chiến đấu được dài ngày do thiếu đạn, thiếu ăn, thiếu chỉ huy thống nhất với bộ đội chủ lực ; một số đơn vị bỏ chạy vô tổ chức do bị động, lãnh đạo không vững vàng…

Ngày 1/3/1979, Trung Quốc đề nghị đàm phán Trung-Việt ở cấp Thứ trưởng ngoại giao để khôi phục hòa bình, an ninh ở biên giới, tiến tới giải quyết tranh chấp về biên giới lãnh thổ. Ngày 14/3/1979, Trung Quốc rút hết quân về nước".

Đọc những dòng chữ "nửa sự thật" này ai cũng thấy lịch sử đã bị bóp méo có chủ trương che giấu nhiều sự thật. Bởi vì trong chiến tranh thì phải có thương vong, nhưng các nhà viết sử cộng sản lại che giấu thương vong của phía Việt Nam trong khi họ được tự do phanh phui số tổn thất về người và quân trang của quân đội Trung Quốc.

Họ cũng vẽ ra thắng lợi bằng cách nói vắn tắt để vơ vào mà không cần phải chứng minh rằng :

"Với thắng lợi của hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam đã bảo vệ được chủ quyền dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, tạo điều kiện để tiếp tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Đồng thời, Việt Nam cũng làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nhân dân Campuchia và nhân dân Lào, tích cực góp phần bảo vệ độc lập dân tộc và hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á".

Lối viết sử mập mờ như vậy chỉ làm cho người đọc thắc mắc thêm, và tất nhiên chẳng mở mang được trí tuệ cho học sinh khi phải học những điều này trong sách Giáo Khoa.

Hơn nữa sẽ chẳng ai hiểu tại sao Việt Nam, dưới thời cộng sản cầm quyền lại phải có "nghĩa vụ quốc tế với nhân dân Campuchia và nhân dân Lào" để làm gì ? Ai đã ra lệnh, chi viện cho Việt Nam làm như thế, và với mục đích gì ?

Sách sử không dám giải thích vì mấy chữ "nghĩa vụ quốc tế", không những mơ hồ mà còn tiềm ẩn tổn thất về người và của mà phía Việt Nam đã tiêu hao ở Lào trong 20 năm theo đuổi chiến tranh xâm lăng Việt Nam Cộng hòa, và thêm 10 năm Việt Nam xâm lăng và chiếm đóng Campuchia để đánh nhau với quân Khmer đỏ của Pol Pot từ 1979 đến 1989.

Sau 10 năm phiêu lưu ở Campuchia, quân Việt Nam phải rút về nước để đổi lấy bình thường quan hệ ngọai giao với Trung Quốc năm 1991, tiếp sau Hội nghị bí mật Việt-Trung ở Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên bên Tầu) năm 1990.

Tổn thất của Việt Nam trong 10 năm ở Campuchia được ước tính khoảng 50 ngàn quân lính chết và lối 30 ngàn bị thương, nhưng không ai biết Việt Nam hay nước nào đền bù thiệt hại này cho những gia đình có người hy sinh ?

Vậy khi sách sử mới của Việt Nam còn thiếu minh bạch thì ai tin được các nhà làm sử khi họ viết rằng :

"Sau thắng lợi của cuộc chiến đấu bảo vệ lãnh thổ ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, nhiệm vụ củng cố quốc phòng và an ninh càng được đẩy mạnh. Chiến công mới : tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận lực lượng phản động FULRO ở vùng Tây Nguyên, bắt gọn nhiều nhóm phản động, gián điệp, thám báo và làm phá sản âm mưu phá hoại của chúng, là thể hiện sự cảnh giác cao của quân và dân Việt Nam".

Đọc những dòng này, ai cũng cảm thấy như có tiếp sức hà hơi tuyên truyền của Ban Tuyên giáo nên giá trị lịch sử đã bị lu mờ. Do đó, Tổng chủ biên bộ sử Việt Nam, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Đức Cường đã nhìn nhận "Nhiều vấn đề quan hệ Việt-Trung chưa được nhắc đến", hoặc ông cũng "Tiếc là cuộc chiến bảo vệ biên giới giai đoạn 1980-1989 chưa đưa được vào bộ sử do tư liệu hầu như không có".

Nên biết sau khi rút quân khỏi Cao Bằng và Lạng Sơn ngày 14/3/1979, quân đội Trung Quốc lại mở ra mặt trận thứ hai từ 1980 đến 1990 đánh vào tỉnh Hà Tuyên (gồm Hà Giang và Tuyên Quang). Cuộc chiến ác liệt đã xẩy ra ở Vị Xuyên, nay thuộc Tỉnh Hà Giang thành lập mới từ năm 1991, kéo dài trong nhiều tháng và gây thương vọng nặng cho Việt Nam.

Nhưng Giáo sư Cường cũng chỉ "nuối tiếc bộ sử chưa nói sâu về quan hệ Việt-Trung các thời kỳ hay sự kiện Gạc Ma năm 1988".

Gạc Ma là bãi đá trong quần đảo Trường Sa thuộc Việt Nam và đã là nơi đã xẩy ra cuộc chiến đẫm máu giữa lực lượng phòng thủ Việt Nam và quân xâm lược Trung Quốc ngày 14/03/1988. 64 lính của Quân đội nhân dân đã thiệt mạng ở đây. Gạc Ma nay nằm trong tay quân Trung Quốc cùng với một số bãi đá đã biến thành đảo nhân tạo và căn cứ quân sự của Bắc Kinh.

Đạo đức của lịch sử

Với những thiếu sót khi biên soạn bộ lịch sử quan trọng, sau 9 năm làm việc và nghiên cứu tài liệu, thử hỏi thứ "đạo đức" và "văn minh" theo tiêu chuẩn của ông Hồ Chí Minh đặt ra năm 1960 thì những nhà viết sử cộng sản có đáng được tưởng thưởng không ?

Hãy nghe Thiếu tướng Lê Mã Lương, người đã chiến đấu 8 năm ở biên giới Việt-Trung và được phong tặng "anh hùng lực lượng võ trang", kể về chiến sự ác liệt tại Vị Xuyên :

"Đã có cả chục ngàn người lính và thường dân ngã xuống và chừng đó người khác bỏ lại một phần thân thể mình dọc biên giới phía Bắc những năm 1979-1988. Khi nói về lịch sử, dân tộc, chúng ta phải công bằng, không ai được phép lãng quên, không ai được cố tình lãng quên sự thật này".

(Theo báo Tuần Việt Nam, 27/07/2017)

Cậu chuyện bi thương thứ hai nên kể về Pháo đài Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Đó là khi :

"Nhắc đến những ngày đương đầu với quân Trung Quốc tại Lạng Sơn, không thể không kể đến trận đánh tại pháo đài Đồng Đăng. Người trực tiếp chiến đấu tại pháo đài này là Đại tá anh hùng Nông Văn Pheo, năm nay 61 tuổi. Ông may mắn sống sót sau trận đánh vô cùng chênh lệch về lực lượng với quân xâm lược.

Để bảo toàn lực lượng, Đại tá Pheo và một số đồng đội đã phải rút lui khỏi pháo đài tìm đường về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Theo thống kê, sau 3 ngày đêm chiến đấu anh dũng, Đại tá Nông Văn Pheo đã trực tiếp tiêu diệt 70 tên địch, góp phần gây tổn thất nặng nề cho quân địch.

Nhưng đau xót thay, sau khi pháo đài Đồng Đăng thất thủ, quân Trung Quốc đã sát hại hàng trăm đồng bào ta. Pháo đài trở thành ngôi mộ tập thể lớn nhất trong chiến tranh biên giới của nhân dân Lạng Sơn.

Trước sự tấn công ồ ạt của quân Trung Quốc, Đồng Đăng và thị xã Lạng Sơn đều bị thất thủ. Quân xâm lược đi đến đâu là tiến hành đốt phá nhà xưởng, công sở, kho tàng bến bãi tới đó. Thị xã Lạng Sơn và nhiều địa phương khác gần như bị phá hủy hoàn toàn sau khi quân Trung Quốc rút đi".

(báo Dân Việt , ngày 17/02/2018)

Chi tiết hơn, nhân chứng Hoàng Văn Liên là một trong hai người sống sót tại pháo đài Đồng Đăng, nấm mồ chung của gần 400 người cả dân thường và bộ đội Việt Nam. Báo Tuần Việt Nam viết ngày 10/02/2018 :

"Nhóm của ông cùng lực lượng biên phòng chiến đấu quyết liệt. Sau ba ngày, bộ đội tại các lực lượng đã hy sinh gần hết. Những người còn lại rút vào cố thủ trong pháo đài và bắn qua lỗ châu mai. Pháo đài có 3 cửa, một cửa đã bị lấp từ trước, 2 cửa còn lại bị lính Trung Quốc chiếm giữ. Đến ngày thứ 4, lính Trung Quốc thả bộc phá và khí ngạt vào hang khiến toàn bộ gần 400 người cả dân và quân thiệt mạng. Ông và một đồng đội khác lợi dụng đêm tối đã lên khỏi hang rút đi, trở thành 2 nhân chứng cuối cùng cho câu chuyện bi tráng ở pháo đài Đồng Đăng.

Pháo đài Đồng Đăng vẫn ở đó, trở thành chứng tích của một sự kiện lịch sử, là nấm mồ chung của gần 400 người Việt Nam".

(Tuần Việt Nam, ngày 10/02/2018)

Nhìn chung, nhiều biến cố đau thương của tỉnh Lạng Sơn trong cuộc chiến tranh biên giới 1979 đã bị sách sử mới của Việt Nam cố tình bỏ quên. Chẳng hạn như chi tiết này của Phóng viên Trường Sơn :

"Theo công bố chính thức, Lạng Sơn đã loại khỏi vòng chiến 19.000 quân Trung Quốc, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn và 4 tiểu đoàn địch, phá hủy 76 xe tăng, thiết giáp, 52 xe quân sự. Để lập nên chiến công này, quân dân Lạng Sơn cũng đã phải chịu hy sinh to lớn : Sư đoàn 3 hy sinh và bị thương gần 1.500 cán bộ chiến sĩ, Sư đoàn 337 hy sinh 650 cán bộ chiến sĩ, Sư đoàn 338 hy sinh 260 cán bộ chiến sĩ, Trung đoàn 197 hy sinh và bị thương 168 cán bộ chiến sĩ…".

(Infonet, ngay 17/02/2018)

Vậy thương vọng đôi bên ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Tuyên) ngày ấy ra sao ? Phóng viên Hoàng Thùy của VnExpress cho biết trong bài viết ngày 25/07/2014 :

"Mặt trận Vị Xuyên-Thanh Thủy được xác định là vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh chống lấn chiếm biên giới phía Bắc 1984-1989. Trong vòng 4 tháng (4/1984-8/1984), Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 7.500 quân Trung Quốc…".

Thương vong của phía quân đội Việt Nam thì nhiều tài liệu nói là có khoảng 4.000 người đã hy sinh, một nửa trong số này vẫn còn nằm ở chiến trường.

Với những tang thương ngất trời như thế mà ở Việt Nam vẫn có những kẻ làm tay sai cho Tầu phương bắc để rước voi về dày mồ như đã thấy ở dự án Bauxite Tây Nguyên và Formosa Hà Tĩnh.

Cách ứng xử này làm gì có "đạo đức" và "văn minh" như ông Hồ tuyên truyền cách nay 58 năm vì nó không phải là của những con người có truyền thống và văn hóa Việt Nam.

Càng đáng khinh hơn khi có những lãnh đạo đã đang tâm đánh đổi xương máu chiến sĩ và đồng bào trong chiền tranh biên giới để được yên thân với giặc Phương Bắc mà không biết hèn và nhục là gì.

Phạm Trần

(22/02/2018)

Published in Diễn đàn

Hàng năm, cứ đến ngày 19 tháng 8, Đảng Cộng sản Việt Nam lại tổ chức mừng "Cách Mạng tháng 8". Ngày đó được báo chí nhà nước mô tả như sau :

"Ngày 15/8/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp chỉ thị cho Hà Nội khởi nghĩa và thành lập Ủy ban khởi nghĩa. Hà Nội tràn ngập không khí Cách mạng. Sáng 19/8/1945, hơn 10 vạn đồng bào Hà Nội đã xuống đường tuần hành thị uy. Cuộc mít tinh lớn ở quảng trường Nhà hát Lớn đã chuyển thành khởi nghĩa giành chính quyền.

"Lực lượng quần chúng nhanh chóng chiếm Phủ Khâm sai, Tòa thị chính thành phố, Trại bảo an và các công sở quan trọng khác. Cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi nhanh chóng. Cuộc khởi nghĩa nổ ra và giành thắng lợi ở Hà Nội đã góp phần làm tan rã nhanh chóng toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền tay sai của Nhật trong cả nước. Đến ngày 28/8/1945, chính quyền trong cả nước đã thuộc về nhân dân".

Sự thật không đúng như vậy !

Một bí ẩn cần được nhắc lại

Có một điều quan trọng mà Đảng Cộng sản Việt Nam không bao giờ nhắc đến, đó là lúc đó Mỹ đang huấn luyện Việt Minh thành một công cụ để chống Nhật, nhưng chưa chiến đấu gì cả. Nhân khi Nhật vừa đầu hàng Đồng Minh, Việt Minh đã thừa cơ hội dùng lực lượng này để cướp chính quyền ngày 19/8/1945.

Trong cuốn "Những bí ẩn lịch sử trong cuộc chiến Việt Nam", xuất bản năm 1999 (Quyển I, tái bản hai lần và đã hết), chúng tôi đã ghi lại khá đầy đủ các diễn biến lịch sử kể từ khi Nhật đổ quân vào Đông Dương cho đến khi Nhật đầu hàng Đồng Minh và Việt Minh cướp chính quyền... căn cứ vào các tài liệu đã được tiết lộ và sự tường thuật của các nhân chứng lịch sử.

hcm1

Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và toán "Deer Team" của Mỹ

Cuốn "Why Vietnam ? Prelude to America’s Albatross" của Archimedes L.A. Patti (1913–1998) đã cung cấp cho chúng ta những tài liệu phong phú. Ông là một Trung tá trong Quân đội Hoa Kỳ, đã chỉ huy các cuộc hành quân của tổ chức Office of Strategic Services (OSS), tiền thân của CIA, chống Nhật ở Côn Minh (thủ phủ của tỉnh Vân Nam) và Bắc Việt trong hai năm 1944 và 1945, nên nắm rất vững các sự kiện xảy ra ở miền Bắc Việt Nam trong thời gian đó. Tài liệu của ông rất hữu ích.

Trong bài này, chúng tôi xin tóm lược lại chuyện ngày xưa Mỹ đã cố gắng biến Việt Minh thành môt công cụ chống Nhật như thế nào và nhờ đó Việt Minh có lực lượng để cướp chính quyền năm 1945, để giúp rút ra những bài học lịch sử khắc nghiệt.

Mỹ quyết định dùng Việt Minh

Mặc dầu đã có một tổ chức chung là Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội (gọi tắt là Việt Cách), các đảng phái Việt Nam không ngồi lại với nhau được vì tranh chấp về quyền hành và vì không tổ chức nào muốn chịu sự điều khiển của những người thuộc tổ chức khác, nên không đáp ứng được yêu cầu của Mỹ và chính phủ Trung Hoa Dân Quốc. Do đó, Đại tá Austin Glass của Mỹ, chuyên gia OSS, và chính phủ Trung Hoa quyết định dùng Hồ Chí Minh và ra lệnh thả Hồ Chí Minh đang bị giam ra.

Sau khi được phóng thích, Hồ Chí Minh đến ở ngay trong hội quán của Việt Cách tại Liễu Châu, Quảng Tây. Ông kiếm một cái ghế bố đặt trong một góc để nằm. Ông khai vô đảng phái. Có ai đến hỏi chuyện, ông tránh né rất khôn khéo. Ông hòa nhã đối với mọi người và âm thầm ngồi chờ thời cơ. Nay thời cơ đã đến.

Năm 1944, do sự thúc đẩy của Mỹ, chính phủ Trung Hoa đã yêu cầu Việt Cách tổ chức một hội nghị tại Liễu Châu, Quảng Tây, vào ngày 19/3/1944 để thành lập một tổ chức đưa trở về Việt Nam hoạt động chống Nhật. Các yếu nhân trong tổ chức Việt Cách đều không muốn xung phong trở về. Do sự sắp xếp trước của tướng Trương Phát Khuê, Tư lệnh Đệ Tứ Quân Khu, Hồ Chí Minh liền giơ tay xung phong. Ông được cấp giấy giới thiệu của tướng Trương Phát Khuê và của Việt Cách, một giấy thông hành dài hạn, một bản đồ quân sự, một số tiền bạc và 20 cán bộ do ông lựa chọn.

Ông Hồ Chí Minh đã chọn 18 cán bộ sau đây : Dương Văn Lộc, Vi Văn Tôn, Hoàng Kim Liên, Phạm Văn Minh, Hoàng Văn Trao, Nông Văn Mưu, Hoàng Sĩ Vinh, Trương Hữu Chí, Hoàng Gia Tiên, Lê Nguyên, Nông Kim Thành, Hoàng Nhân, Hoàng Thanh Thủy, Hà Hiến Minh, Dương Văn Lễ, Đổ Trọng Viên, Lê Văn Tiến và Đỗ Thị Lạc. Đa số thuộc Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội và đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương. Đỗ Thị Lạc về sau có một đứa con với Hồ Chí Minh và đã bị thủ tiêu.

Trước khi lên đường, Hồ Chí Minh xin thêm 1.000 khẩu súng, 6 súng cộng đồng, 4.000 trái lựu đạn, 50.000 quốc tệ, 25.900 tiền Đông Dương và 15.000 viên thuốc quinine. Nhưng ông chỉ được cấp một súng lục tùy thân, thuốc quinine và 76.000 quốc tệ với lời hứa khi các đơn vị chiến đấu được thành lập, Mỹ sẽ huấn luyện và cung cấp vũ khí.

Hồ Chí Minh đã làm lễ tuyên thệ trước cờ của Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, hứa trung thành với Hội và giúp hai chính phủ Trung Hoa và Hoa Kỳ thiết lập hệ thống tình báo tại Việt Nam.

Tháng 7 năm 1944, Hồ Chí Minh đem nhóm cán bộ được tuyển chọn về Việt Nam. Khi đến Bắc Giang, có hai cán bộ bị giết vì không chịu theo Đảng cộng sản. Hồ Chí Minh chia ra hai đoàn, một đoàn do Đặng Văn Ý cầm đầu và một đoàn do chính Hồ Chí Minh lãnh đạo. Đặng Văn Ý là một cựu trung úy của quận đội Pháp, khi về đến Lạng Sơn đã chiêu mộ được một số quân và tổ chức thành những đơn vị chiến đấu rồi mở cuộc tấn công vào đồn Ban Lạc, Hà Giang. Hồ Chí Minh với sự phụ tá của Vũ Nam Long (sau gọi là tướng Nam Long) đã tiến về Cao Bằng, mở cuộc tấn công đồn Đồng Mu, Sóc Giang, rồi quay về Pắc Bó lập căn cứ địa. Ông ra lệnh cho Tỉnh ủy Cao Bằng và Lạng Sơn hoãn lại cuộc khởi nghĩa tại hai tỉnh này như đã dự tính, vì tình hình chưa thuận tiện. Đầu tháng 12, Hồ Chí Minh cho thành lập Đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân. Đội này đã ra mắt ngày 22/12/1944. Bộ chỉ huy đóng tại Pắc Bó, Cao Bằng. Sau đó, ông đi Côn Minh dự Hội nghị đồng minh chống phát xít.

Mặc dầu Pháp đã ban hành Sắc luật ngày 26/9/1939 nghiêm cấm mọi tổ chức của Đảng cộng sản hoạt động trên lãnh thổ Đông Dương, nhưng sau khi Nhật đã tràn vào Đông Dương năm 1940, Pháp đã thay đổi thái độ, chấp nhận để cho Đảng cộng sản hoạt động chống Nhật.

Được Mỹ huấn luyện và trang bị

Trong hai năm 1944 và 1945, các sĩ quan tình báo của Hoa Kỳ trong cơ quan tình báo chiến lược của Hoa Kỳ là Office of Strategic Services (OSS) đã hợp tác với Hồ Chí Minh để chống Nhật. Lúc đó các viên chức OSS nhận xét Hồ Chí Minh là một người "thông minh và có khả năng" (brilliant and capable man), một người ôn hòa và thân Tây Phương.

Đại úy Archimedes L.A. Patti, Trưởng phòng hành quân của OSS đặt tại Côn Minh, nói rằng lúc đầu ông có ý sử dụng tất cả các đảng phái chính trị của Việt Nam càng nhiều càng tốt, nhưng về sau ông thấy hai đảng Đại Việt và Việt Nam Quốc Dân Đảng không đáng tin cậy. Đại Việt là đảng thân Nhật và hoạt động cho tình báo Nhật, còn Việt Nam Quốc Dân Đảng tổ chức theo kiểu Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Ông có sử dụng một vài người của Việt Nam Quốc Dân Đảng, nhưng thấy rằng những người này vừa cung cấp tin tức cho Hoa Kỳ, vừa cung cấp cho Trung Hoa và Pháp. Cuối cùng, ông nhận thấy Việt Minh là nhóm duy nhất có thực lực có thể giúp Đồng Minh đánh Nhật.

Ngày 16/7/1945, một toán biệt kích (commando) Mỹ - Pháp gồm 6 người do Thiếu tá Allison K. Thomas cầm đầu, được gọi là "Deer Team" (Toán Con Hươu), đã đến Việt Nam để thức hiện một sứ mạng được gọi là "Deer Mission" (Công tác Con Hươu). Toán nhảy dù xuống Kim Lung, Tuyên Quang, để huấn luyện cho quân đội của Hồ Chí Minh chống lại Nhật. Trong toán này người ta thấy có 3 người Mỹ là Thiếu tá Allison Thomas, Trung úy William Zeilski, Trung sĩ Logos, một người Pháp là Trung úy Montfort và một người Việt Nam. Hồ Chí Minh đã phái người đến đón họ và đưa về một căn cứ địa ở Cao Bằng. Trước cửa căn cứ có treo một cái biểu ngữ : "Hoan hô những người bạn Mỹ". Tuy nhiên, sau đó Hồ Chí Minh yêu cầu Thiếu tá Thomas cho viên sĩ quan Pháp trở lại Trung Quốc vì ông ta không muốn hợp tác với người Pháp. Ông nói rằng ông thích một số người Pháp, nhưng ghét những gì người Pháp đã làm trên đất nước ông và dân nước ông không chấp nhận sự hổ trợ của người Pháp. Nhưng rồi ông cũng phải nhượng bộ Mỹ và khoe rằng ông hiện đang có 3.000 tay súng ở khắp nơi !

Toán Deer Team đã huấn luyện cho các đơn vị của Võ Nguyên Giáp về hoạt động tình báo, từ thu thập và đánh giá tin tức, đánh cắp tài liệu, chỉ điểm, ám sát... đến tuyên truyền và giải cứu các phi công Đồng Minh bị bắn rơi.

Thiếu tá Thomas đã yêu cầu Hồ Chí Minh cho thành lập một trung tâm huấn luyện du kích và thiết lập một đơn vị biệt kích để ngăn chận sự vận chuyển của Nhật trên đất liền. Theo báo cáo của Thomas thì quân của Hồ gồm khoảng 200 tay súng. Thomas cho lập một phi trường để nhận tiếp tế, phi cơ L-5 có thể hạ cánh được. Công việc lập phi trường do toán AGAS thực hiện và đã hoàn tất vào ngày 20/7/1945. Thomas khuyến cáo Washington đừng tin vào các tin nhảm nói rằng Hồ Chí Minh là cộng sản. Ông quả quyết Hồ Chí Minh "không phải là cộng sản, không do cộng sản kiểm soát hay lãnh đạo".

hcm2

Toán "Deer Team" đang huấn luyện Việt Minh

Thomas lựa ra 100 người khỏe mạnh để huấn luyện. Mỗi ngày huấn luyện từ 5 giờ 30 sáng đến 5 giờ chiều. Sau khi huấn luyện xong, từ 10 đến 14/8/1945 Hoa Kỳ đã gởi đến cho Hồ Chí Minh các loại súng Carbines, Garant M-1, tiểu liên Tommygun, tiểu liên Brens, súng không giật Bazooka, súng phóng lựu, súng cối và lựu đạn.

Tình hình trở nên rối loạn

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngày 10/3/1945 Tổng tư lệnh Nhật tại Đông Dương tuyên bố : "Chánh phủ Đông Kinh long trọng trao trả độc lập cho Việt Nam để cùng lập khối thịnh vượng chung Đông Nam Á". Ngày 12/3/1945 Cao Mên tuyên bố độc lập. Lào tuyên bố độc lập chậm nhất, vào ngày 15/4/1945. Ngày 17/3/1945 vua Bảo Đại tuyên chiếu rằng từ nay vua sẽ đích thân cầm quyền theo nguyên tắc "Dân vi quý" và chỉnh đốn lại quốc gia. Ngày 17/4/1945 chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập. Thành phần chỉnh phủ gồm 10 Bộ và ông là Tổng lý Nội các (Thủ tướng).

Ngày 15/8/1945 Nhật đầu hàng Đồng Minh. Khi nghe tin Nhật đầu hàng, Thomas ra lệnh án binh bất động để đợi tước khí giới Nhật. Như vậy, Việt Minh chưa góp phần gì trong việc hợp tác với Mỹ chống Nhật, trái lại đã tiếp nhận võ khí và hướng dẫn của Mỹ về kỹ thuật hoạt động tình báo và tác chiến. Đây cũng là một lý do khiến Hồ Chí Minh đã cướp được chính quyền.

Ngày 16/8/1945, Thomas và một số cán bộ Việt Minh tiến về Thái Nguyên, dù công việc huấn luyện chưa chấm dứt. Ngày 9/9/1945, Toán Con Hươu về tới Hà Nội bằng đường bộ và ngày 19/9/1945 rời Hà Nội về Mỹ.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ (1898–1967), Chủ tịch Ủy ban Giám đốc Chính trị Miền Bắc, cho biết sáng ngày 14/8/1945, Phó lãnh sự Nhật đã nói với ông : "Nous sommes à votre disposition" (Chúng tôi đặt dưới quyền sử dụng của các ông). Nếu muốn nhờ quân đội Nhật trong một tình thế nào, Nhật sẵn sàng giúp đỡ. Nhật biết Việt Minh sẽ cướp chính quyền nên đã gợi ý như vậy. Ý kiến của Bác sĩ Chữ là nên duy trì chính quyền hiện nay của Triều đình Huế, còn Phan Kế Toại đi theo Việt Minh.

Trong khi tình hình đang lộn xộn thì ông Nguyễn Xuân Tiếu, lãnh tụ đảng Đại Việt Quốc Xã cùng với một người nữa, đến Phủ Khâm Sai yêu cầu Khâm sai Phan Kế Toại từ chức và nhường quyền lại cho ông. Khâm sai Phan Kế Toại cho người đi mời Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ đến. Nguyễn Xuân Tiếu tự giới thiệu là lãnh tụ Đại Việt Quốc Xã và người đi theo là phó lãnh tụ. Ông cho biết đảng ông đã từng hợp tác chặt chẽ với Nhật trong cuộc đảo chánh ngày 6/3/1945 và đang được Nhật yểm trợ để nắm chính quyền. Ông yêu cầu Khâm sai Phan Kế Toại từ chức và trao quyền lại cho ông. Ông nói rằng người Nhật chỉ tin ở ông và giao vũ khí cho ông mà thôi.

Việt Minh chớp thời cơ

Sau khi toán Deer Team rời Hà Nội, Việt Minh đã ra lệnh cho Võ Nguyên Giáp đưa khoảng 100 quân vừa được Mỹ huấn luyện và trang bị, về Hà Nội ngay. Ngày 17/8/1945, các công chức Hà Nội tổ chức một cuộc biểu tình lớn trước Nhà Hát Lớn tại Hà Nội, biểu dương ý chí bảo vệ đất nước và ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Việt Minh lợi dụng cơ hội, cho cán bộ trà trộn vào đám biểu tình, bắn mấy phát súng, trương biểu ngữ của Mặt Trận Việt Minh lên và nhảy lên cướp máy phóng thanh, biến cuộc biểu tình đó thành cuộc biểu tình của Việt Minh.

Tối hôm đó, Đại Việt Quốc Gia Liên Minh họp khẩn cấp. Phía Việt Nam Quốc Dân Đảng có Chu Bá Phượng, Nguyễn Văn Viễn và Lê Khang. Phía Đại Việt Quốc Dân Đảng có Trương Tử Anh và Phạm Khải Hoàn. Đại Việt Quốc Dân Đảng cho rằng Việt Minh có cướp chính quyền thì cũng đi tới mục đích là giành độc lập cho quốc gia. Nhưng Lê Khang nói : "Thì ra đến giờ phút này mà các anh vẫn chưa hiểu rõ ‘Việt Minh cộng sản’ là thế nào cả, huống hồ là dân chúng !".

hcm3

Đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân của Việt Minh

Sáng 19/8/1945, trong khi quân Nhật đang gác trên các đường ở Hà Nội, Việt Minh lại hô hào dân chúng đến biểu tình trước Nhà Hát Lớn. Khoảng 8 giờ, 30 dân quân giải phóng cầm 17 khẩu súng lục tiến vào Nhà Hát Lớn. Một cán bộ đọc những lời hiệu triệu. Đến 10 giờ, đoàn biểu tình kéo về Phủ Khâm Sai. Phan Kế Toại không có mặt. Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ ra lệnh cho lính Bảo an mở cửa, Việt Minh vào tước khí giới. Một toán khác cũng đã chiếm tòa thị chính Hà Nội. Tin được loan đi một cách nhanh chóng : "Đã cướp được Phủ Khâm Sai" !

Ngày 23/8/1945, Việt Minh công bố chính phủ lâm thời. Khi biết Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội, Bảo Đại đã nói : "Trẫm có thiết gì ngôi vua đâu, miễn là bọn Việt Minh giữ được nền tự chủ của nước nhà là đủ. Trẫm muốn làm người dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ".

Ngày 25/8/1945, tại lầu Ngọ Môn, Huế, Bảo Đại tuyên chiếu thoái vị. Sau đó Bảo Đại trao quốc ấn và bảo kiếm cho đại diện của Việt Minh là Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận, và tiếp nhận huy hiệu "Người công dân thứ nhất của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa" và lấy tên là "Công dân Vĩnh Thụy".

Ngày 22/8/1945, Archimedes L.A. Patti cùng với Carleton B. Swift Jr (OSS) và một viên chức Pháp đã đến Hà Nội lo về các tù binh. Ngày 26/8/1945, Patti đã gặp Hồ Chí Minh và giúp Hồ Chí Minh soạn bản tuyên ngôn đọc lập phỏng theo bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Mỹ.

Lịch sử đang được lặp lại

Năm 1944 và 1945, Mỹ phải sử dụng Việt Minh làm công cụ chống Nhật vì các đảng phái quốc gia không được tổ chức chặt chẽ và thiếu đoàn kết. Do đó, Việt Minh đã nắm được thời cơ và cướp chính quyền. Nay Mỹ đã ký tuyên ngôn "đối tác toàn diện" với Đảng Cộng sản Việt Nam về cả chính trị, kinh tế lẫn quân sự với mục tiêu dùng Đảng Cộng sản Việt Nam làm công cụ chận đứng Trung Quốc tràn xuống Đông Nam Á. Lịch sử đang được lặp lại.

Wynne McLaughlin đã từng nói : "Có lẽ lịch sử sẽ không phải lặp lại chính nó nếu chúng ta thỉnh thoảng lắng nghe" (Maybe history wouldn't have to repeat itself if we listened once in a while).

Những người biết ít về lịch sử, thường sợ sự thật lịch sử và thích sống hoang tưởng, rất dễ trở thành nạn nhân của tình trạng lịch sử được lặp lại, nhất là khi người chủ trương lại chính là "Đồng Minh" !

Ngày 17/8/2017

Lữ Giang

Published in Diễn đàn

Ngày 15/8/2017, VOA đã đăng bài "Hồ Chí Minh dưới góc nhìn ca mt cu phiên dch thân cn", ghi lại cuc trò chuyn gia tác gi vi Đi tá Đoàn S, người tng làm phiên dch cho ông Hồ Chí Minh. Đây là phn tiếp theo ca câu chuyn, đc bit là nhm tr li câu hi mà nhiu người quan tâm : "H Chí Minh có phi là H Tp Chương không "? [1]

hcm1

Tượng H Chí Minh ti Hà Ni.

"[…] Thứ hai, C sng rt là keo kit. Nói tht là thế. Cho nên gn C thì vinh d nhưng mà s lm. Ăn ung, sinh hot rt là kh. Không có được cái gì t do c. Bo bác, ‘Cái hoàn cnh tôi ngày xưa… thc ra con quan tht đy, nhưng mà nghèo lm, đói lm… Các chú biết không, Ngh Tĩnh có câu "dân cá g mà...".

"Bác hỏi thì mình trao đi, mình nói nhưng mình không dám nói hết. Thc ra, tôi thy Bác có my ch này. Th nht, Bác rt máy móc trong vic thiu s phc tùng đa s. Cho nên trong Ci cách Rung đt, trong Nghị quyết 9, trong tt c các th, Bác không đng ý, nhưng mà khi mình là thiu s thì Bác vn thun theo. Nhưng mà sau này thy sai ri, đáng l Bác phi can đm, dùng cái uy lc ca mình đ chn cái chuyn đó li thì lúc y Bác li không làm. Bác coi như mt cuc thí đim, mà thí đim tai hi không biết chng nào. Th hai, thc ra mà nói, c cuc đi mình, ông c đi t lòng yêu nước thôi, sang đến bên kia C mi giác ng giai cp, C vào Đng Xã hi, sau đó C mi vào cái đng ca Lenin, trong đó có vấn đ đu tranh cho thuc đa mà… Trong v khng b Bukharin - Zinoviev [tVụ án Moskva], Cụ đã thy rng Nga có vn đ. C đã có suy nghĩ ri. Cho nên tư tưởng ca C, tuy rằng theo Marx-Lenin nhưng ng dn v phía Tôn Dt Tiên, v ch nghĩa tam dân…".

"Vừa ri tôi sang đa ch ca Thanh niên Cách mng Đng chí Hi, tôi gi nhng tài liu ging dy ra. Trong đó có 3 người dy. Người th nht là ông Lưu Thiếu Kỳ, lúc by giChủ tch Công hi Trung Quc. Ông đến ging v phong trào công đoàn. Người th hai là ông Bành Bái, lãnh t phong trào nông dân. Ông ging v phong trào nông dân ca Trung Quc. Còn ông c, tt c bài ging ca ông c là con đường cách mng, trong đó phng phất ch nghĩa tam dân. Tuy rng cũng có lng ch nghĩa Marx-Lenin đy, nhưng mà nó có hơi hướng ca ch nghĩa tam dân. Bây gi còn li bút tích như thế. Thế cho nên mình mi thy là ông c cũng có cái khác, cng c nhn thc ca tôi, là C theo ch nghĩa Marx-Lenin, Cụ dùng Marx-Lenin làm phương tin, nhưng còn mc đích thì C không nói".

"Cho nên vừa ri ông Trương Minh Tun có viết cái bài v vic Bác H xây dng nn kinh tế th trường đnh hướng xã hi ch nghĩa [bài "Kinh tế th trường đnh hướng xã hội chủ nghĩa to ra phát trin ngon mc cho đt nước" của B trưởng Thông tin và truyền thông] thì tôi bo là không phi đâu. Câu y là người ta ghép cho C H thôi, ch trong Di chúc, C có nói gì v chuyn y đâu. C có nói gì đến chuyn xây dng chủ nghĩa xã hội đâu. Chính C li do d chuyn y. Cho nên va ri ông [Giáo sư] Chu Ho và c ông [Giáo sư Nguyn Khc] Mai na đã nói rng, đến giai đon gii phóng dân tc là C bắt đầu bế tc…".

"Có những trường hp C biết, như v Xét li này này. C biết ch sao không biết, là vì x trí ông Vũ Đình Huỳnh, thư ký ca C ; x trí ông Võ Nguyên Giáp là tay chân ca C, v.v. C biết c. Nhưng lúc by gi C b sc ép. Sc ép th nht là do đã phải da vào Trung Quc, cho nên nó ch đo, nó ép C. Sc ép th hai là b phn t khuynh ca ta đã tranh th điu đó đ nm ly quyn lc. C thy như thế cho nên trong nhng trường hp đó, vi v trí ca C, C cũng gn như là đ thí đim xem nó thế nào. Trong v Nhân văn Giai phm cũng thế. C đ cho ông T Hu và ông Nguyn Chí Thanh làm, ch C có dính gì đâu. Nhưng mà cái d nht ca C là thế này, sau khi biết làm có kết qu sai ri thì phi mnh dn nhn ra mà trn chnh cái đó li thì C li không dám làm. Và C b nh hưởng [bi] cái đó rt mnh…".

"Khi ra Nghị quyết 9, chuyn sang đu tranh vũ trang chính thc Min Nam thì C không tán thành. Và lúc by gi Trung Quc khuyên thế này : Đánh nhau thì đánh, có lc lượng thì chun b, c dn dần mà làm, nhưng mà không nên làm quy mô ln. Vì nếu làm quy mô ln lên thì M s nhy vào đy. Kinh nghim Triu Tiên mà. Cho nên C cho rng vn t chc đu tranh Min Nam, vn thế này thế khác, nhưng mà gây dng dn dn v ý thc, như vết du loang thôi, chứ chưa phi đánh nhau ln được. Nhưng mà các c nhà ta li hăng hái quá, c kiên quyết phi đánh, ri thì là lp Đường 559... C không tán thành".

"Hôm bỏ phiếu C b ra ngoài, không tham gia b phiếu. Ông Võ Nguyên Giáp, Ung Văn Khiêm, v.v. không tán thành, cho nên bị k lut c nút đy. Nhưng mà đa s, ông Dun, ông Th, ông Trường Chinh… thì li theo quan đim này ri. Thế thì khi xy ra, C rt đau lòng. Lúc by gi ông [Võ Nguyên] Giáp giao cho ông [Lê Trng] Nghĩa và ông Đ Đc Kiên [Cc trưởng Cục Tác chiến] chun b mt cuc chiến đu có quy mô ln, ch chưa phi cuc tng phn công – mt cuc chiến đu v vn đ chiến lược, đánh mnh đ to áp lc, ch chưa phi tng phn công, vì điu kin chưa đy đ. Thế nhưng các c nhà ta li nghe các báo cáo ở Min Nam ra – bây gi khp nơi tt lm ri, bây gi ni lên mt cái là nó lt nhào ngay… Nhân th đó đ luôn ông Giáp, bt mt lot tay chân ca ông Giáp, t Cc trưởng Tác chiến, Chánh Văn phòng, Cc trưởng Tình báo… k c ông Nguyn Văn Vnh, Trung tướng, Ch nhim U ban Thng nht. Và cô lp C, không cho C tham gia gì c, c ly lý do là C m đau mà, ri tng C đi".

"Chính sai lầm đó mà sau này mt bà nhà văn Pháp đã viết mt cun sách mà ta có dch ra nhưng ct phn đó đi. Bà nói, chính sai lầm Mu Thân đã dn đến cái chết ca ông H Chí Minh. Ch vi điu kin y, ông H Chí Minh [l ra] chưa chết đâu. Nhưng vì ông b tht bi quá nhiu, trong vic thí đim, nào là v Nhân văn, v.v. ri dn đến cái cui cùng là không thc hin được ý đ, mà bị các ông kia ln át, cho nên ông suy nghĩ, suy sp và dn đến cái chết ca ông".

"Ngay từ hôm chun b Tết Mu Thân, ông c đi máy bay t Bc Kinh v Hà Ni, xung đến sân bay thì sân bay xy ra s c [ông Vũ Kỳ tng k v s c bí him có th dn đến tai nạn này – đèn ch huy trên sân bay b chch 15 đ – trong bài "Bác Hồ vi Tết Mu Thân năm y" trên Văn Nghệ s Tết Mu Dn 1998]. Lúc đó ra đón ch có ông Dun, ông Đng, ông Th thôi…".

"Đến Tết, theo quyết đnh ca B Chính tr, C li đi [Trung Quc] ngh. C đi ngh mà có mang gì đâu, mi mt ông Vũ Kỳ thôi. H thng đin đài, h thng thông báo cho Cụ đu b ct hết. Cho nên C có biết gì đâu. Vì vy C rt kh tâm trong chuyn này. Cho nên trong C H nếu nhìn cho k thì nó có cái bi kch, bi kch cuc đi, không đơn gin đâu. Nhưng bây gi tôi rt phn đi có nhng người vi ý đ xu [với Cụ], hết chuyn này chuyn n…".

"Cậu đã có cun ‘H Chí Minh sinh bình kho’ chưa ? Tôi s cho cu mt cun… Là vì thế này, khi tôi sang Qung Châu [thăm tr s Vit Nam Thanh niên Cách mng Đng chí Hi], tôi vào cái bung mt thì [ đó] có c cun này. Người ta [nhng người ph trách di tích] hi tôi, ‘C thy cun này thế nào’ ? Tôi hi li, ‘Các v thy thế nào ?’ H bo, ‘Làm gì có cái chuyn này. Đây là h pha ra thôi, nhưng mà chúng tôi lưu li đây đ tham kho’".

"Trên gác hai di tích trụ s Vit Nam Thanh niên Cách mng Đng chí Hi có mt bung rt to, nh rt nhiu. Lúc mình đến, đu tiên h không cho vào. Mình mi trình bày thì h hn : ‘10h ngày mai mi C đến’. 10h hôm sau mình đi ô tô đến thì mình thy h đã sắp xếp li. Nhng nh nào có nhng người thân thiết vi C H nhà mình thì h đ, nào là Mao, Chu Đc, Lưu Thiếu Kỳ… còn nhng người nào mà mình không khoái (như Đng Tiu Bình) thì h ct đi. Nhưng h li đ nhiu hình nh ca ông Hoàng Văn Hoan, khi sang Trung Quốc thế nào. Khi xem thì tôi ch xem qua, vì tôi biết ri. Bà ph trách ( đó ch 2-3 người thôi) nói : ‘ đây còn mt bung mt, chúng tôi ch m cho mt s cán b nghiên cu, cn biết thì xem thôi. Ông có mun xem không’ ? ‘, thế thì hay quá !’ ‘Nng ch ông xem thôi nhé. Nhng người đi vi ông không vào được đâu nhé.’ Thế là h m, bung nh thôi. Trong đó có c ‘H Chí Minh sinh bình kho’, có c nhng tài liu ca Hoàng Văn Hoan và nhng tài liu khác… Mình xem qua mt lượt xong thì h hi mình, mình bảo : ‘Tôi thì tôi nói tht tôi tuy không lâu nhưng cũng đã tiếp xúc vi C H. Và ngay t thi kỳ đó tôi thy là không th đóng gi C H được. Đóng gi C H thế nào được. Sau này [gp] bà Tng Khánh Linh, bà… v.v. ri v ph trách lp hc cán b cao cấp ca ta trường đng thì nhng Hà Huy Tp, Lê Hng Phong… đu biết C H ch sao không biết. Chuyn đó không gi được, mà ch là pha thôi…".

"Hiện nay tôi có 2-3 bn [H Chí Minh sinh bình kho] gì đy. Nếu cu thích thì ly v tham kho thôi. Ch còn tất c tài liu đó, nó viết nó pha lm, mà nó có nhng cái vô lý lm. Va ri ông Hà Tun Trung [nguyên ủy viên Ủy ban Kim tra Trung ương, Tổng biên tập Tp chí Kim tra] đã vch ra cái sai trái ca chuyn này ri. Nhưng ông mi ch vch sơ sơ thôi...".

"Đứng về chữ nghĩa mà nói, C H ch có 4 th tiếng gii thôi… Còn nhng th tiếng khác nói thế thôi ch không gii đâu… C gii Tiếng Pháp nht. Sau ri đến Tiếng Trung… là vì nhà C đã hc tam thư ngũ kinh Tiếng Hán ri. Sau này sang Nga, C li hc ba khoá Tiếng Nga… nên Tiếng Nga ca C rt khá… T Tiếng Pháp c ln ra Tiếng anh, nhưng Tiếng anh ca C thì va phi thôi…".

"Khi nó viết cái cun y [‘H Chí Minh sinh bình kho’] là nó có ý đ xu ri. Cho nên nó li dng tt c các khía cnh. Ngay trong cun y cũng có những chi tiết mâu thun nhau cơ mà…".

Tác giả [Lê anh Hùng] nói vi Đi tá Đoàn S (v cun "H Chí Minh sinh bình kho") : "Đây là âm mưu ca c Trung Quc ln ban lãnh đo Vit Nam. Trung Quc thì rõ ràng ri. Lãnh đo Vit Nam thì mun trên không gian mạng, công chúng c cãi nhau v mt chuyn v vn, vô b, mt chuyn không có tht, làm mt thi gian và gây chia r. Riêng chuyn này đã gây chia r ri. Đó là th nht. Th hai, h có ý đ là mun dân chúng hiu rng ‘, bây gi Vit Nam đang l thuộc Trung Quc đy, nhưng chúng tôi đang phi gii quyết hu qu ca cái ông H Tp Chương kia đ li.’ Lý do th ba là h mun to điu kin, dn đường v dư lun cho Hoàng Trung Hi lên na".

Xem toàn bộ cuc trò chuyn gia Đi tá Đoàn S và nhà báo Lê anh Hùng trên Youtube 

Lê Anh Hùng

Nguồn : VOA, 16/08/2017

Ghi chú :

[1] Lưu ý, đây là góc nhìn ca mt người tng làm phiên dch cho H Chí Minh, tng có thi gian sng bên cnh ông. V phần mình, tôi đã có hai bài viết v nhân vt này :

(i) "Cái giá của t do là s cnh giác thường trc", và

(ii) "Các ông trùm gây tội ác vi đng loi như thế nào ?".

Published in Diễn đàn

Hồ Chí Minh là mt nhân vt gây rt nhiu tranh cãi không ch Vit Nam, mà c trên thế gii. Gn na thế k đã trôi qua k t ngày người khai sinh ra nước Vit Nam Dân ch Cng hòa giã t trn thế, song hình nh ca ông vn ph bóng lên gn như mi sinh hoạt chính tr quan trng trên di đt hình ch S, đng thi in đm trong tâm trí hàng triu người dân Vit. Chng đó đ cho thy vic mô t chân dung nhân vt lch s này nhy cm và d đng chm đến thế nào.

hcm1

Ông Đoàn Sự (hàng đu bên phi) và H Chí Minh ti Bc Kinh năm 1957. nh do Đại tá Đoàn S cung cp.

Tuy nhiên, khi thời gian càng lùi xa thì người ta càng có cơ hi đ hình dung ra bc tranh nhân cách đy đ ca ông t nhng góc nhìn đa chiu. Dưới đây là hình nh ông H Chí Minh qua con mt mt người tng là phiên dch thân cn, qua cuc trao đi ca tác gi vi ông vào ngày 31/7 va qua.

Đại tá Đoàn Sự nguyên là phiên dch Tiếng Trung trong đi bn doanh ca Đi tướng Võ Nguyên Giáp ti Điện Biên Ph. Năm 1955, khi đang dy Tiếng Trung cho Thiếu tướng Trn Quý Hai, Phó Tng tham mưu trưởng, ông được điu sang Trung Quc đ làm phiên dch cho mt nhóm cán bộ quân đi cao cp đang hc ti mt trường quân s Nam Kinh, do Thượng tướng Tng Nhim Cùng (cu Phó Tng Tư lnh Chí nguyn quân ti Triu Tiên, v sau là Phó Ch tch Quân u trung ương) làm hiu trưởng. Khóa hc gm chng 20 người, vi nhng tên tuổi như Vương Tha Vũ, Phùng Thế Tài, Hoàng Minh Tho…

hcm2

Đại tá Đoàn Sự (phải) nguyên là phiên dch tiếng Trung trong đi bn doanh ca Đi tướng Võ Nguyên Giáp ti Điện Biên Ph

Vài tháng sau, Đại s Hoàng Văn Hoan đến thăm Hiu trưởng Tng Nhim Cùng thì gp người em trai ca Đi tá Lê Trng Nghĩa (tên tht là Đoàn Xuân Tín, Chánh văn phòng B Quc phòng, Cc trưởng Cc Quân báo, trợ tá thân cn ca Đi tướng Võ Nguyên Giáp). Viên Đi s lin điu ông v Bc Kinh tăng cường cho phòng quân s ca Đi S Quán (Đại sứ quán - lúc đó mi ch có 2 người và còn thiếu kinh nghim). Ông được giao nhim v làm bí thư th ba và tr lý cho tuỳ viên quân sự Đại sứ quán, và đy cho đến đu năm 1960 mi v nước.

Lúc bấy gi c Đại sứ quán Vit Nam ti Bc Kinh ch có 4 người thành tho Tiếng Vit và Tiếng Trung (ông v Đại sứ quán mt thi gian thì Đi s Hoàng Văn Hoan v nước, ông Nguyn Khang sang thay) : Phó Đi sứ Phm Bình ; mt người Trung Quc ; ông Đng Nghiêm Hoành, người v sau tr thành Đi s ti Trung Quc t 1989-1997 ; và ông Đoàn S. Ông Phm Bình là Phó Đi s nên làm phiên dch không tin ; ông người Trung Quc cũng vy ; ông Đng Nghiêm Hoành thì chưa phải đng viên. Vì thế, Đại sứ quán quy đnh là nhng vic gì liên quan đến đng (nht là nhng chuyn cơ mt) thì ông Đoàn S được giao nhim v làm phiên dch. Vy nên mi khi ông Hồ Chí Minh sang Trung Quc thì ông Đoàn S li đi theo.

"Đi theo nhưng thc ra mình có làm cái gì đâu. Ông Cụ nói thng ch có cn gì… Ông C c thoăn thot sang luôn…"

Nhiệm v ch yếu ca ông Đoàn S vì thế là đ theo dõi xem các v lãnh đo trao đi vi nhau nhng gì, có gì quên không ghi li hay không ; và đ nhc nh lãnh t trong trường hợp ông đang nói chuyện vi nhiu người mà vi v thế nguyên th quc gia, ông không nên nói Tiếng Trung.

Bấy gi Liên Xô tng cho Vit Nam 1 chiếc máy bay IL-18 (h còn tng cho Mao Trch Đông và Chu Ân Lai mi người 1 chiếc). Do Vit Nam chưa có người lái cũng như ch cha máy bay nên chiếc IL-18 này được gi li Bc Kinh. Khi nào ông H cn sang Trung Quc thì viên phi công người Trung Quc s bay t Bc Kinh sang Hà Ni đ đón ông. Ông Đoàn S vì thế cũng thường xuyên đi đi v v gia Bc Kinh và Hà Ni.

"[…] Lần này… khong tháng Sáu, tháng By gì đy, Bác đi Liên Xô d hi ngh 61 đng v [Bc Kinh]. Bác vào thăm ông Mao Trch Đông. Ông y bo : ‘Này, tôi trông anh sc thái không được kho. li đây ngh mt thi gian. Anh v bây gi công vic bn ri m đấy’. C H thì rt n. Người khác mà nói [thế] là không được vi C đâu. C nói thế này : ‘Vâng. Tôi xin chp hành ch th ca Ch tch’. Thế là ông li…".

"Sống vi ông C thì thy vinh d, nhưng mà rt khó sng… vì ông C khó tính lm, ch không phi d đâu. C ch d tính vi my bà ph n thôi… mun cái gì cho cái đó, rt là thân thiết… Còn my ông con trai, nht là my ông có tui đến, là C mng cho sa s đy…".

"Tư tưởng H Chí Minh là gì ? Tư tưởng H Chí Minh là đa nguyên đa đng. Lúc đu, năm 1945, Cụ cho thành lp Đng Dân ch, Đng Xã hi. Ngoài ra còn có Quc dân đng, Vit Nam Cách mng Đng minh Hi. Năm đng cơ mà…".

"Cụ bo, lúc nào trong con người ta cũng có cái nhân và cái nghĩa, có cái thin và cái ác. Có người cái thin nhiu, cái ác ít. Nhưng người nào cũng có c. Cho nên phi làm thế nào đ gim bt cái ác, phát huy cái thin ca người ta. Đng quan nim rng đã là k thù là xu…".

hcm3

Tháng 8/1945, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh kỷ niệm với đơn vị OSS

"Thực ra ban đu C v, C rt mun đi theo con đường quan h vi M đy… Tôi còn có tài liu v vic C gi cành đào cho ông Ngô Đình Diệm. Chính C rt mun li dng chuyn đó… Xy ra cuc chiến tranh Vit - Pháp là C đã hết sc nhân nhượng ri, nhưng vì rng tình thế lúc đó, cng vi các nước cng sn đã mun rng đây là mt chiến trường đ th thách. Do đó buộc ta phi nhy vào chiến tranh. Trong chiến tranh, v sau này, khi trn Đin Biên Ph xong ri… chuyn sang thi kỳ đánh M. Quan đim ca C v chuyn đó là khác. C rt mun đ cuc chiến tranh y c gng gi mc đ nào đó đ M không vào được. Nhưng mà các ông nhà ta cứ làm…".

"Khi thành lập nước, C H cho gii tán trường lut. Điu đó là không được, vì lúc đó C quan nim trường lut là theo lut pháp ca đế quc, cho nên C gii tán. Chính ra là phi bo v trường lut đ sau này xây dng h thng pháp luật".

Ông Đoàn Sự va sang Qung Châu t ngày 30/5 - 9/6, thăm di tích tr s Vit Nam Thanh niên Cách mng Đng chí Hi. Ông tìm ông Hoàng Tranh, nguyên Phó Vin trưởng Vin Khoa hc xã hi Qung Tây, người tng viết mt cun sách v bà Tăng Tuyết Minh, nhưng không gặp. Năm 1955, ông tng đến thăm bà Tăng Tuyết Minh. Ln này ông đến thì bà đã mt (t năm 1991). Người ta nói là phn m ca bà không có, vì khi mt, bà yêu cu thiêu xác và th tro xung dòng sông Hng.

"Cụ H có bao nhiêu v thì tôi không l gì, nhưng trong s nhng người quan h vi C thì ch có bà Tăng Tuyết Minh là có làm l thành hôn rõ ràng…".

hcm4

Bà Tăng Tuyết Minh là có làm l thành hôn rõ ràng

Khoảng năm 1955-1956, H Chí Minh gp Bí thư Tnh u Qung Đông Đào Chú. Trong cuc gp đó, Đào Chú mun đưa bà Tăng Tuyết Minh v vi H Chí Minh, nhưng ông Hồ t chi, nói rng vi v trí ca mình lúc này mà có v là người nước ngoài thì s mang tiếng. Ý kiến ca B Chính tr là không nên, mà ch yêu cu Trung Quc giúp đ cho bà tn ti thôi. Bà Tăng Tuyết Minh không ly ai c. Khi v hưu bà được hưởng trợ cp đc bit. Năm 1955, ông Đoàn S đã cùng Đi s Hoàng Văn Hoan bí mt đến thăm bà. Lúc by gi ông H Chí Minh giao cho Đại sứ quán hàng năm đến thăm và tng quà cho bà. Ông Hoàng Văn Hoan dn ông là phi gi bí mt v chuyến đi, không được nói cho ai biết. (Ông Hồ Chí Minh không gp li bà Tăng Tuyết Minh ln nào na.)

"…Tôi còn tìm hiểu và biết là C H còn nhiu đám lm… Nguyn Th Minh Khai, k c vi bà Tng Khánh Linh… Năm 1924 [ ?] c tng sang Vienna, c yêu c bà Tng Khánh Linh đy. Khi tôi đưa C về Thượng Hi đ thăm bà Tng Khánh Linh thì đi chiếc xe mui trn. Lúc by gi bà Tng Khánh Linh là Phó Ch tch nước… Hôm đó tháng Sáu, tháng By gì đó… C H ngi bên cnh bà Tng Khánh Linh… Gii nng, ông c ly cái mũ chp lên đu bà y… Khi v đến chỗ ca bà Tng Khánh Linh, C H gi Tng Khánh Linh là "Tng mui"… Bn tôi mi thm thì : "Gm, sao mà đp đôi thế !"… Bác H không k [chuyn tình vi bà Khánh Linh], nhưng qua nhng chuyn đó, ri qua [vic] ông Vũ Kỳ k li nhng mi tình ca Bác… Ôngy [Vũ Kỳ] k c bà Tng Khánh Linh, ông y k c v ca ông H Tùng Mu na cơ… vân vân… nhiu lm… Ti vì thế này này, thi kỳ hot đng cách mng, các ông y c ghép nhau… Cũng như là bà Nguyn Th Minh Khai, có do sng vi C H đy ch, mà đăng ký đi học là v chng đy ch…".

"Thế nhưng nhng chuyn đó là bình thường thôi… ta bây gi c xoay vào đó, ri thì là khoét sâu nó… thc ra chng ra gì c. Khi tôi Hàng Châu vi C, có hôm th By ri rãi, tôi mi bo bà Tng Minh Phương là hi xem người yêu của C H có nhng ai và đâu, vì anh Vũ Kỳ c bo rng ông y [Hồ Chí Minh] có quyn s tay ghi tháng nào thì phi gi thư cho bà Madam này, Madam kia… Mình mi g hi… Đang vui v cười thế này. Bà Tống Minh Phương với C H bình thường rt là thân, cho nên bà mi bo dn bo : ‘Bác ơi, Bác k nhng mi tình ca Bác cho chúng tôi nghe vi nào’. Thế là C nghiêm mt li C bo : ‘Bây gi có l không còn chuyn gì đ moi chuyn tôi na nên các cô các chú li… K ra bây gi thì chưa phi lúc. Nhưng mà thôi, hôm nay tôi cũng nói sơ cho cô chú… Tôi là người, ch tôi không phi là ông thánh. Tôi có nhu cu tt c mi th. Khi ra ngoài tôi đâu tôi cũng có người yêu c. Mà người yêu không phi ch là [quan h] v vn, người yêu là phi sng vi nhau như v chng đy. Nhưng mà tôi phi có ngh lc…’. Sau ri C mi ch vào mình… : ‘Khi tôi nước ngoài, tôi din hơn các cô các chú nhiu lm. Tôi không ăn mc thế này đâu. Sau này về Trung Quc ri, tôi thy mc thế này nó tin hơn. Nó phù hp vi Á Đông hơn…’".

"Ông Cụ cũng có nhng cái hóm hnh lm. Thí d như hôm tôi đưa C đi đo Hi Nam v, [ch tay lên tường] khi chp cái nh này này. Khi lên bên Châu Giang Qung Châu… [người ta] huy đng dân Qung Châu đông lm, đng bên sông hoan nghênh. Ô tô t trên tàu chy thng lên. C ngi trên xe vy tay. V ch ngh ri chúng tôi mi hi, ‘Ti sao dân hoan nghênh đông thế nh ?’. C bo, ‘Chú S xem ti sao ?’. ‘Thưa Bác, vì Bác là bạn thân ca ông Mao, bn thân ca ông Lưu Thiếu Kỳ, bn thân ca ông này ông khác... Ch cháu Trung Quc 8 năm nay ri, cháu đi rt nhiu nơi ri, nhưng mà cháu chưa thy các nguyên th quc gia các nước khác đến các tnh người ta hoan nghênh lm, người ta bình thường thôi, ch my ông lãnh đo gp nhau thôi’. Thế là C cười, C bo, ‘, thế cũng có lý. Nhưng mà này, người ta hoan nghênh chúng ta là người giương cao ngn c gii phóng dân tc, người ta không hoan nghênh chúng ta bi chúng ta là cng sản đâu’. Lúc bấy gi cách đây 60 năm nhé. Tôi mi thy l quá. Tôi không dám hi gì. Tôi im. Sau tôi quay li tôi hi ông Vũ Kỳ, ‘Quái nh. C H 100% là cng sn mà sao C nói câu g thế nh ?’. Ông Vũ Kỳ vut râu bo, ‘Cái này phi suy nghĩ lâu dài. Ông c nói là có hàm ý sâu sắc lm đy’.

"60 năm sau, tôi nhớ li chuyn này. Va ri tôi sang [Trung Quc] tôi đã đến bến Châu Giang, cái nơi mà tôi đón C H đ tôi nh li cái đó, là ngay t đó C H đã có cái suy nghĩ như vy. Do đó nên va ri rt nhiu người viết rt nhiu chuyn v C H... thì có cái tôi công nhn [đúng]".

Lê Anh Hùng

Nguồn : VOA, 15/08/2017

Published in Diễn đàn

Chương mở đầu Hồi ký Tống Văn Công có đoạn :

Ông nội tôi có ba người con, nhưng chỉ có cha tôi là trai. Sau khi cha tôi bị bắt vì tội "làm cộng sản", ông nội tôi sốt ruột chuyện "nối giòng". Có người mai mối má tôi là Nguyễn Thị Thâm ở làng Giồng Tre (xã An Ngãi Trung) cho cha tôi...

Sau lễ ra mắt, hai họ quyết định các bước kế tiếp theo tập tục. Cha tôi phải tới "ở rể" tại nhà ông bà ngoại tôi. Trong bữa cơm đầu tiên, ông ngoại tôi cầm chai rượu lên hỏi : "Con có biết uống rượu không" ? Cha tôi đáp : "Dạ, có chút đỉnh". Ông ngoại tôi rót đầy ly nhỏ, đưa cho cha tôi. Cha tôi cầm lấy, cám ơn và uống cạn. Ông ngoại tôi cười lớn nói bỗ bã : "Tao thích mày !".

Tui thì thích hết hai ông : ông ngoại và ông cha của nhà báo Tống Văn Công bởi cả hai đều vui tính, hảo rượu, và (chắc) đều là những trang hảo hớn. Bởi tui cũng sinh trưởng ở trong Nam nên nói như vậy (nghe) cũng kỳ kỳ, và e có điều tiếng eo sèo là mình hơi nhiều máu địa phương hay phân biệt vùng/miền.

Để tránh dị nghị, tôi xin mạn phép mượn đôi lời của một nhân vật khác – từ một vùng đất khác – ghi nhận về những nét "dễ thương" của nơi mà mình chôn rau cắt rún :

Về tính cách ham vui của người dân Nam Bộ, tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ở cùng phố với tôi, có anh bạn một hôm đến rủ tôi đến nhà anh ăn mừng sinh nhật Bác Hồ ngày 19/5. Đương nhiên là tôi đi. Đúng một tháng sau, anh lại đến rủ tôi đi liên hoan. Tôi hỏi, dịp gì thế ? Anh ta bảo, hôm nay "đầy tháng" Bác Hồ !

Chưa hết, anh rủ tôi đến nhà ăn giỗ bà già. Đúng một tháng sau anh lại đến rủ tôi, nói : hôm nay giỗ bà già tôi ! Nghe vậy tôi ngạc nhiên quá, vì vừa ăn giỗ tháng trước. Anh hiểu sự ngạc nhiên này nên giải thích ngay : năm nay nhuận hai tháng tám phải giỗ hai lần !

Vẫn chưa hết. Ngày Phật Đản, anh rủ tôi rồi đến ngày Noel mừng Thiên Chúa Giáng Sinh anh cũng đến mời tôi đi ăn mừng. Tôi thắc mắc vì anh theo đạo Phật cơ mà, anh cười, nói tôi đa tôn giáo ! Thế nên hèn chi, ca dao Nam Bộ mới có câu : "Ra đường thấy vịt cũng lùa. Thấy duyên cũng kết, thấy chùa cũng tu !".

loi1

Lê Phú Khải, Lời Ai Điếu, Westminster, CA : Người Việt, 2016

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, tác giả cuốn hồi ký thượng dẫn sinh năm 1942 tại Hà Nội, học văn khoa tại trường ĐH Sư Phạm Hà Nội 1967, làm việc cho đài Tiếng Nói Việt Nam và sau này bị/được ‘lưu đày’ vào Nam. Ông đã nghỉ hưu, nhưng vẫn còn viết cho truyền thông … lề trái".

Dù ở hoàn cảnh "lưu đầy" nhưng Lê Phú Khải yêu qúi và rành rẽ Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long ít ai sánh kịp. Ngoài gần chục tác phẩm viết về miền đất này, ông còn tìm ra được hằng trăm từ kép mà người dân hai miền Nam/Bắc "chia nhau" (trước/sau hay sau/trước) một cách vô cùng độc đáo :

"...ô dù, ốm đau, buồn rầu, bơi lội, bóc lột, cố gắng, co kéo, chọc ghẹo, chán ngán, chặt đốn, cưng chiều, chén bát, chờ đợi, chửi rủa, chậm trễ, cần thiết, cạn kiệt, chia xớt, đưa rước, dạy bảo, dòmn ngó, dọn dẹp, dụ dỗ, đùa giỡn, đùi vế, đau ốm, đĩ điếm, khờ dại, điên khùng, dư thừa, giỡn chơi, đui mù, dòm ngó, dọa nạt, đe dọa, hư hỏng, hao tốn, hăm dọa, hối thúc, hù dọa, hung dữ, ham thích, hoảng sợ, hèn nhát... Ví dụ như đui mù thì người Nam nói đui, người Bắc nói mù".

Thiệt là bất ngờ và thú vị !

Hèn chi mà gíáo sư Nguyễn Văn Tuấn không tiếc lời ca ngợi : "Đây là một cuốn sách cần phải có trong tủ sách gia đình. Một cuốn sách bổ sung tuyệt vời cho các tác phẩm của Vũ Thư Hiên, Bùi Tín, Xuân Vũ, Dương Thu Hương, Trần Đĩnh, Huy Đức...".

Tôi rất tán thành với nhận định ("một cuốn sách tuyệt vời") và chỉ hơi lấy làm tiếc là đã không hoàn toàn chia sẻ được với nhà báo Lê Phú Khải về vài đoạn văn (ngăn ngắn) trong hồi ký của ông. Xin đơn cử một thí dụ : 

"Đó là vào năm 1992, một đoàn nhà báo, gồm toàn những nhà báo có ‘máu mặt’, tổ chức lên Đà Lạt nhằm bênh vực chị Đặng Việt Nga, kiến trúc sư và anh Phương cũng kiến trúc sư, hai chủ nhân của ‘Ngôi nhà trăm mái’ đang bị địa phương bắt tháo dỡ vì nhiều lý do không chính đáng.

Đường xa, hết chuyện bàn, tôi nêu câu hỏi : Nếu bây giờ phải chọn hai gương mặt tiêu biểu cho Việt Nam thế kỷ qua thì các vị chọn ai ? Mọi người đều chọn nhân vật số một là Hồ Chí Minh. Vậy còn người thứ hai ? Cả xe im lặng. Có vị nói : Võ Nguyên Giáp ! Tôi phản đối và đưa ra nhân vật thứ hai là Dương Thu Hương ! Cả xe nhao nhao phản đối. Có người hỏi : Dương Thu Hương là cái quái gì mà ông lại cho là nhân vật thứ hai sau Hồ Chí Minh ? Tôi trả lời : chẳng là cái quái gì mà tự cho mình có quyền đứng ngang hàng và dám vỗ vai nhắc nhở các vị đang cai trị dân chúng, thì đó là dân chủ, là xã hội công dân chứ còn gì nữa ! Độc lập và dân chủ là hai phạm trù lớn nhất, được cả dân tộc nhắc đến nhiều nhất trong thế kỷ qua. Độc lập thì Hồ Chí Minh là hình tượng, còn dân chủ thì đến đại tướng cũng không dám đối thoại với tổng bí thư Lê Duẩn, Dương Thu Hương là thảo dân mà lại tự cho mình quyền ăn nói ngang hàng với các vị đang đứng trên đầu dân, thì đó là hình tượng của dân chủ. Sau hình tượng của dân tộc phải là hình tượng của dân chủ… Chẳng thấy ai trên xe nói gì nữa !".

loi2

Hành trình theo dấu chân Bác - Ảnh : photphet

Tôi không có mặt trong chuyến xe lên Đà Lạt vào năm 1992, và cũng không có khả năng tranh luận nên xin phép được mượn lời của nhà bình luận thời cuộc Vũ Quang Thuận và bác sĩ Phạm Hồng Sơn để góp ý thêm về ông Hồ Chí Minh – nhân vật mà theo nhà báo Lê Phú Khải là "một hình tượng độc lập tiêu biểu của nước Việt Nam" trong thế kỷ vừa qua.

Vũ Quang Thuận :

Thằng đó nó khốn nạn lắm. Nó lừa dân mình. Dân mình ngu si không biết lại còn tung hô, dựng nó lên thành thánh.

Phạm Hồng Sơn :

Theo tôi, hiện nay nếu muốn đất nước có tiến bộ, có dân chủ thực sự hay thậm chí là chỉ muốn chính quyền phải cương quyết hơn với sự đe dọa, xâm lấn từ Trung Quốc thì chúng ta rất không nên lấy "cụ Hồ" ra làm tấm gương, trừ khi chúng ta không có đủ thông tin hoặc chỉ muốn có tiến bộ giả dối, nửa vời và chỉ muốn chính quyền vẫn lệ thuộc Trung Quốc. Chỉ cần xem lại một chút lịch sử chúng ta sẽ thấy điều này rất rõ.

Lãnh tụ nào và chính thể nào đã đưa vòng lệ thuộc, cống triều phương Bắc trở lại Việt Nam gần 80 năm sau khi sự phụ thuộc đó đã bị hủy bỏ hoàn toàn kể từ Hiệp ước Patenôtre 1884 ? Còn lãnh tụ nào và chính quyền nào nếu không phải là chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắc những cây cầu "răng môi", "núi liền núi sông liền sông" cho sự lệ thuộc, cống triều (kiểu mới) phương Bắc trở lại Việt Nam từ năm 1950 ?

...

Ai là người vừa là Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch đảng cầm quyền trong lúc ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng hạ bút ký một công hàm công nhận lãnh hải Trung Quốc bao phủ cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ? Chắc chắn 54 năm chưa phải là thời gian quá lâu để mọi người quên mất người đó là Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tại miền Bắc Việt Nam), kiêm chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam và là một chí hữu, một "người thầy vĩ đại" đương thời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng...

Cái đau xót và đau buồn chính là việc những người bị trị, những người đang mất tự do, bị áp bức, những người không muốn đi theo cái ác lại vẫn quì lạy, sùng kính một con người đã đưa họ từ những xiềng xích thô kệch, rỉ sét sang những gông xiềng êm ả, tinh vi, bền chắc hơn, đã khai sinh ra một chế độ suy đồi mà họ đang ta thán, đã là một ông trùm của các thủ đoạn dân chủ giả hiệu vẫn được duy trì cho tới hôm nay, đã là một chuyên gia về các kỹ thuật mị dân lão luyện tới mức khiến cho cả một dân tộc đa phần vẫn cứ an tâm, ngáo ngác, trông đợi tự do trong gông cùm và thờ kính chính kẻ đã quàng vào họ bộ gông cùm mới.

Tôi không hề có dụng ý mượn lời của Vũ Quang Thuận và Phạm Hồng Sơn để chỉ trích nhà báo Lê Phú Khải. Tôi chào đời trước hai nhân vật này, và sinh sau tác giả của cuốn hồi ký Lời Ai Điếu. Giữa ba ông tôi chỉ (tình cờ) là một độc giả thuộc thế hệ bắc cầu nên thấy cần ghi lại quan điểm của cả ba để rộng đường dư luận !

Courage sometimes skips a generation. Lòng dũng cảm đôi khi bỏ qua cả một thế hệ.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 25/05/2017 (tuongnangtien's blog)

Published in Văn hóa
Trang 3 đến 3