Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/12/2018

Số doanh nghiệp ‘chết’ tăng mạnh : Kinh tế không suy thoái thì là cái gì ?

Minh Quân

Khi nền kinh tế Việt Nam kéo lê cái thân hình ‘thế nước đang lên’ gần hết năm 2018,Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải thừa nhận có đến 97.838 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Con số này tăng 6,7% so với 10 tháng năm 2018 (91.711 doanh nghiệp).

doanhnghiep1

'Thế nước đang lên', đến chuột cũng chết !

Cũng trong tháng 11 năm 2018, số doanh nghiệp được thành lập mới là 11.637 doanh nghiệp, tăng 6,5%. Luỹ kế 11 tháng năm 2018, cả nước có 121.248 doanh nghiệp thành lập mới tăng 4,5%.

Vào tháng Mười năm 2018, những số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố cho thấy số doanh nghiệp thành lập mới trong quý III/2018 là 96.611, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động lại nhiều bất thường, với 24.501 doanh nghiệp, tăng 76%. Tính chung 9 tháng kể từ đầu năm, có 73.103 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, so với cùng kỳ năm 2017 tăng 48,1%.

Tuy trong 11 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp thành lập mới vẫn cao hơn số doanh nghiệp ‘chết’, nhưng hiện tượng đáng lo lắng là tất cả 17 ngành, nghề kinh doanh chính đều đang đối mặt với tình trạng số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tăng cao.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc gia tăng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động do những hạn chế cố hữu của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chưa được giải quyết, dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp. Trong đó, hạn chế về năng lực quản trị, đổi mới sáng tạo, năng suất lao động làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, năng suất lao động Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 7% năng suất lao động của Singapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan, 42,3% của Indonesia, 56,7% của Philippines và bằng 87,4% của Lào.

Nhưng có thực đó là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp phải ‘chết’ ?

Tình trạng tham nhũng trong hệ thống thủ tục ‘hành là chính’, thiếu đầu ra và quá dễ phá sản là những nguồn cơn khiến nhiều doanh nghiệp không còn mặn mà với các chương trình khuyến mãi cho vay vốn của ngân hàng, trong tình trạng ngân hàng đang thừa mứa tiền không tiêu thụ được - hệ lụy của nạn in tiền quá nhiều từ Nhà máy In tiền quốc gia của Ngân hàng nhà nước và hình ảnh cơ suy thoái kinh tế Việt Nam đã kéo sang năm thứ 10 kể từ năm 2008. Nhiều doanh nghiệp vẫn không thể quên được vào năm 2011 họ đã phải vay ngân hàng với lãi suất cắt cổ lên đến 25 - 30%/năm (chưa kể phí ‘bôi trơn’), để sau đó không ít doanh nghiệp đã coi đó là thuốc độc mà ngân hàng bắt họ phải uống.

Cũng vào tháng Mười năm 2018, một bản báo cáo của cơ quan Kiểm toán Nhà nước Việt Nam được công bố vào đã phải thừa nhận rằng nguồn thu từ 3 khu vực kinh tế không đạt dự toán (thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 2,9%, đạt 4.908 tỷ đồng ; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,1%, đạt 33.646 tỷ đồng ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 2,2% đạt 4.855 tỷ đồng).

Khi năm 2017 trôi qua, chính Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã phải đánh giá rằng thu từ sản xuất kinh doanh của 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh trong khoảng 3 năm liền kề đều thấp hơn so với dự toán với mức khá lớn và đều thấp hơn số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội.

Mặc dù Ủy ban Tài chính - Ngân sách không nêu cụ thể thực trạng ‘thấp hơn’ là bao nhiêu, nhưng một số chuyên gia đã ước tính tỷ lệ thu từ khối doanh nghiệp nhà nước và kinh tế ngoài quốc doanh chỉ đạt khoảng 80 -85% so với dự toán – tức thấp hơn rất nhiều so với kết quả của những năm trước.

Mà khi thu thuế từ 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh bị giảm mạnh, lấy đâu ra ‘Kinh tế Việt Nam đạt thành tích tăng trưởng 7,31% GDP’ - gấp gần 3 lần tỷ lệ tăng trưởng của Mỹ và EU - như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên rao đầy tự hào vào cuối năm 2017, hay ‘GDP vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng 6,7% trong năm 2018’ như báo cáo của chính phủ ông Phúc và được các bộ ngành, giới chuyên gia cận thần và báo đảng đồng ca đầy sống sượng lẫn trơ tráo ?

Minh Quân

Nguồn : VNTB, 07/12/2018

Quay lại trang chủ
Read 557 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)