Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/12/2018

Dùng tên và ảnh thật trên mạng xã hội : Biện pháp xiết chặt !

Diễm Thi

Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam mới đây đưa ra Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam, trong đó có đề xuất "công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước phải công khai sự xuất hiện trên mạng xã hội bằng cách sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân, công khai cơ quan đang công tác".

tenthat1

Ảnh minh họa một người đang sử dụng facebook. AFP

Tăng cường kiểm soát tư tưởng cán bộ, công chức

Truyền thông trong nước trích lời Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo rằng nội dung cốt lõi để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết với tình hình hiện nay.

Trước giải thích đó, cô Tuyền hiện sống ở TP. HCM có ý kiến :

"Theo em nghĩ thì điều đó không đúng luật vì nó vi phạm quyền riêng tư của người dân. Em nghĩ đây là họ muốn tăng cường kiểm soát người dân. Khi người dân đưa tin gì đó bất lợi cho phía chính quyền thì họ có thể có hành động để người dân chùn bước không dám đưa sự thật lên mạng xã hội nữa.

Từ khi mạng xã hội facebook ra đời thì nhiều sự thật được phanh phui và lan truyền rất nhanh và chính quyền gặp nhiều bất lợi. Trước đây nhiều sự thật được giấu kín".

Với nhà báo Đỗ Cao Cường, nguyên phóng viên báo Pháp Luật thì điều này được đưa ra nhằm hạn chế tối đa quyền bày tỏ của người dân và cũng là cách để che đậy sự thật, và đây là một hình thức nô lệ tư duy :

"Khi họ đưa ra Bộ quy tắc đó thì rõ ràng mục đích là để kiểm soát những công chức trong cơ quan nhà nước. Là một hình thức để những công chức không có tiếng nói, không có sự phản biện, không có quyền bày tỏ quan điểm cá nhân từ cuộc sống, gia đình cho tới quan điểm về đất nước. Đây là một hình thức nô lệ tư duy, là một hình thức để những người trong hệ thống của họ không có quyền tố cáo tham nhũng hoặc đưa ra những sai phạm, tiêu cực trong hệ thống ra xã hội".

Luật sư Nguyễn Duy Bình ở Thành phố Hồ Chí Minh khi trao đổi với RFA về vấn đề này thì ông cho rằng quy định dùng ảnh thật, tên thật là quy định hợp lý, tránh hiện tượng mạo danh, giấu mặt. Quy định này nên áp dụng cho tất cả những ai tham gia các trang mạng không riêng gì cán bộ, công chức. Tuy nhiên, khi Việt Nam đưa ra quy định này đối với cán bộ, công chức họ lại có mục đích sâu hơn, đó là nhằm hạn chế một số cán bộ, công chức tham gia, hạn chế một số cán bộ, công chức có tư tưởng phản biện xã hội và kiểm soát được hành vi của họ nhằm quán triệt tư tưởng, đường lối, chính sách của đảng và Nhà nước. Phía cơ quan chức năng họ có đủ công cụ kiểm tra và giám sát nên tính khả thi khá cao.

Luật sư Ngô Anh Tuấn, một trong những luật sư nhân quyền thì cho rằng nếu Bộ quy tắc ứng xử này được thông qua thì sẽ hạn chế hết các quyền bày tỏ chính kiến của các cán bộ công chức vì lâu nay facebook là sân chơi của họ để họ có thể nói lên quan điểm nhưng không bằng tên thật. Ông nói thêm :

"Nếu dự thảo này được thông qua sẽ có tác động thực sự đến cán bộ, công chức. Có nghĩa là họ sẽ hạn chế những thông tin mà tạm gọi là "thông tin xấu". Khi luật an ninh mạng có hiệu lực nữa thì các thông tin đưa ra họ sẽ dễ dàng kiểm soát. Tôi nghĩ đây là cách để họ kiểm duyệt thông tin một cách gắt gao. Tôi nói thực là các quy định như thế này thì mục đích là để ngăn chặn cái sự mà bên đảng gọi là "tự chuyển hóa" của cán bộ công chức. Họ sợ cán bộ, công chức đưa những thông tin nội bộ, những thông tin không theo ý của họ lên mạng xã hội".

Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử cũng đề xuất cán bộ, công chức không được ứng xử thuận chiều với những thông tin xấu, độc, tin đồn gây ảnh hưởng tiêu cực trên mạng xã hội. Về điều này, Luật sư Nguyễn Duy Bình đưa ra ý kiến của mình :

"Quy định không được ứng xử thuận chiều với "thông tin xấu" có nội dung, nội hàm không rõ ràng, thế nào là "thông tin xấu" chưa được quy định rõ. Mặt khác, theo thông lệ, những thông tin mà nhà nước không thích thì bị cho là xấu. Nếu vậy, quy định này sẽ hạn chế nếu không nói là bóp nghẹt tư tưởng của cán bộ, công chức khi họ muốn "ứng xử thuận chiều" - đồng tình với những thông tin được nhân dân, nhân loại tiến bộ cho là tốt, là tích cực".

Liệu có khả thi ?

Mạng xã hội hiện nay thực tế vẫn là mạng ảo dù Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng từng phát biểu "mạng xã hội không phải là ảo nữa, mà thật rồi…", do đó không kiểm soát việc người dùng có sử dụng tên thật hay ảnh thật hay không. Một người muốn có bao nhiêu tài khoản facebook thì cứ việc tạo, facebook không quản lý. Vậy nếu Nhà nước ra luật mà muốn khả thi thì phải có sự hợp tác từ các nhà cung cấp dịch vụ, kể cả facebook.

tenthat2

Người dân sử dụng laptop tại một quán cà phê ở Hà Nội hôm 7/12/2017. AFP

Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết hiện tại luật không bắt buộc vì facebook là mạng xã hội ảo. Thực tế facebook chưa đưa vào luật ở Việt Nam. Ông nhấn mạnh :

"Luật pháp Việt Nam làm sao can thiệp vào chính việc kinh doanh của người khác được. Nếu pháp luật mà quy định như thế thì nó vượt quá thẩm quyền.

Việc quy định như thế không khả thi trên thực tế vì một người có thể lập cả chục tài khoản mà không ai biết được cả. Nếu vậy thì phải có điều kiện là facebook Việt Nam phải yêu cầu bắt buộc người dùng cung cấp thông tin cá nhân như chứng minh thư chẳng hạn. Hiện tại thì tôi thấy họ chưa áp dụng".

Nhiều người dùng facebook, trong đó có cả những cán bộ công chức đã sử dụng tài khoản cá nhân với tên thật hoặc tên giả để nói lên những vấn nạn trong xã hội, về những thông tin không có trên báo chí chính thống. Vậy nếu Bộ quy tắc ứng xử được thông qua thì liệu họ có còn dám lên tiếng dưới tên thật của mình hay không, nhà báo Đỗ Cao Cường nhận định số lượng đó cũng sẽ giảm đi rất nhiều vì nó đụng đến miếng cơm manh áo của người ta :

"Bây giờ nhiều công chức nhà nước chỉ dám lập những phây ảo cho an toàn chứ họ không dám dùng tên thật để bày tỏ vì họ còn nặng gánh gia đình. Bây giờ đưa ra quy tắc đó thì facebook cũng như các mạng xã hội khác phải yêu cầu người dùng phải có thông tin cá nhân rõ ràng. Đây là một sự kiểm soát hoàn toàn kể cả người dùng lẫn các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội ở Việt Nam".

Cô Tuyền, một người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh thì cho rằng nhà cầm quyền càng cố ngăn cản thì những tiếng nói phản biện sẽ càng mạnh, nhưng họ thể hiện theo cách khác :

"Em nghĩ những người dám làm dám chịu, có gan nói lên sự thật thì họ vẫn nói. Còn những người chưa vượt qua nỗi sợ hãi thì họ sẽ lui về "ở ẩn", sẽ chùn bước nhưng họ sẽ vẫn ngấm ngầm ủng hộ những người nói lên sự thật. Nhà cầm quyền có làm cách nào thì cũng không thể ngăn được tiếng nói phản biện. Càng cố ngăn cản thì tiếng nói sẽ càng mạnh hơn".

Với luật sư Ngô Anh Tuấn thì số người làm việc cho nhà nước mà lên tiếng về các vấn đề tiêu cực trong xã hội chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông cho rằng những người dám nói từ đầu thì sau này họ vẫn nói tiếp, nhưng những người bày tỏ bằng tên giả trên facebook thì chắc chắn sau này họ không dám nói nữa, bởi họ sợ :

"Họ sợ, vì ở Việt Nam nhiều người họ quen làm công chức, ra ngoài họ khó sống nên muốn hay không họ vẫn phải bám trụ với nhà nước và buộc lòng họ phải thỏa hiệp. Không biết điều đó là tốt hay xấu với bản thân họ, nhưng đó là điều không tốt với sự phát triển của xã hội, sự phản biện của xã hội".

Mạng xã hội, đặc biệt là facebook đã quá quen thuộc với người Việt Nam những năm qua.

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc thì mức độ thâm nhập Internet của Việt Nam hơn 60% dân số và Việt Nam hiện là nước đứng thứ bảy trên thế giới với số lượng người dùng facebook là 58 triệu.

*******************

‘Lý tưởng cách mạng’ chỉ là cụm từ cửa miệng ! (RFA, 13/12/2018)

Vấn đề không có lý tưởng cách mạng, bị kích động, đi ngược lại đường lối chính sách của đảng lại được ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập khi đến dự đại hội.

tenthat3

Sinh viên tại trường Đại học Hà Nội. AFP

Do đó, ông yêu cầu sinh viên cần quan tâm rèn luyện chính trị, không để phai nhạt lý tưởng chính trị, sống thực dụng và xa rời truyền thống Việt Nam.

Đài Á Châu Tự Do có liên lạc với một số bạn sinh viên cũng như giới trẻ tại Việt Nam để tìm hiểu về sự việc và được bạn Cát Linh hiện đang sống tại Hà Nội chia sẻ với chúng tôi rằng, lý tưởng chính trị đối với giới trẻ hiện nay là một điều gì đó xa vời không có thực tiễn.

"Em nghĩ giới trẻ Việt Nam nghĩ về lý tưởng cách mạng thì nó đã phai nhạt nhiều và ngay cả bản thân em nó cũng đã phai nhạt dần, không còn cảm giác gì cả. Bời vì mình học toàn những thứ được tuyên truyền và hầu như cái gì cũng tốt, giờ mình nghĩ lại thì nó cũng không hoàn toàn là như thế, được tô vẻ lên rất nhiều cho nên nói về lý tưởng cách mạng trong lòng giới trẻ hiện nay thì CL thấy nó hơi xa vời".

Một bạn trẻ khác tên Ngọc cũng ra trường được vài năm và hiện đang làm việc tại Hà Nội trao đổi với chúng tôi rằng, bạn không quan tâm đến chính trị hay lý tưởng cách mạng, bạn cho rằng nó là môt điều gì đó mơ hồ.

"Em không quan tâm anh ơi, đối với em cách mạng nó là một cái gì nó rất là mơ hồ, nó quá chung chung và nó không liên quan gì đến cuộc sống hằng ngày của em cả. Và nó là những cái mà người chỉ hô hào thôi, em không thấy nó hiện hữu và nó không có gì liên quan gần gần đến cuộc sống của em cả. Cho nên phải định nghĩa được cách mạng nó được thể hiện qua các điều nào, đối với em từ trước đến nay cái đó vẫn là cái gì chung chung và không có thực tiễn và chỉ mang tính cổ động thôi".

Ngoài ra, bạn Ngọc còn chia sẻ thêm rằng, sự quan tâm chính trị đối với giới trẻ Việt Nam hiện nay khắc hẳn so với thời còn đi học của bạn này.

"Khi học lớp 11, 12 học về mấy bài liên quan lịch sử về tuyên ngôn…. Thì em thấy như học công thức ấy và em không bao giờ cố gắng hiểu hoặc cắt nghĩa những chuyện ấy như thế nào. Nhưng giới trẻ bây giờ tụi nó có nhiều thắc mắc hơn, có phản biện hơn khi nghe bất cứ cái gì nó đều phân tích chứ nó không nghe như mình hồi xưa nữa và những cái quan tâm đời sống chính trị thì nó không phải là lớn lao đâu".

Theo nhà báo Võ Văn Tạo, một nhà quan sát chính trị hiện đang sống tại Nha Trang cho chúng tôi biết, phai nhạt lý tưởng cách mạng nó không phải đặc biệt đối với sinh viên mà ngay cả Đảng viên và nhiều tầng lớp khác nhau của xã hội.

"Theo tôi mọi tầng lớp đều có độ phai nhạt chính trị hết, đúng là sinh viên so với trước đây thì độ phai nhạt nó mạnh hơn rất nhiều so với tầng lớp cựu chiến binh. Lớp trẻ được tiếp cận nhiều thông tin và thứ hai do cuộc sống bây giờ khác hồi xưa về vật chất và giải trí nó đa dạng hơn thì bản chất của giới trẻ thì họ sẽ quan tâm nhiều đến giải trí hơn. Do tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhiều vấn đề khác chi phối cho nên chắc chắn so vơi thế hệ chúng tôi thì phai nhạt lý tưởng mạnh hơn rất nhiều, nói thẳng ra hồi đó chúng tôi còn ngu lắm, bây giờ tụi trẻ bớt ngu rồi mặc dù các ông nhà nước vẫn cố gắng níu kéo đó nhưng cũng không được mấy đâu".

Cũng tại Đại hội Sinh viên Việt Nam, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng một bộ phân sinh viên thiếu động cơ học tập, là đối tượng dễ bị kích động, lôi kéo và tham gia vào các hoạt động trái với quy định của pháp luật nên chưa chuẩn bị tốt để khởi nghiệp và lập nghiệp.

tenthat4

Ảnh minh họa. AFP

Cát Linh từ Hà Nội chia sẻ :

"Thứ nhất em nghĩ là mình cũng nhìn nhận lại nền giáo dục Việt Nam bởi vì giáo dục Việt Nam không dạy cho học sinh cách phản biện và cách phản ứng trước những thông tin đa chiều mà hiện nay trong đất nước Việt Nam không có nhiều thông tin đa chiều ngoài mạng xã hội ra. Thứ hai nói về học sinh bị kích động lôi kéo bởi các thế lực thù địch, ông nói như thế cũng là một phần coi thường người dân và giới trẻ. Vì mặc dù ông có thể nói rằng là nền giáo dục kém nhưng mà mỗi người đều có một quan điểm riêng, tư duy riêng chứ không ai giống nhau cả cho nên dứng trước những vấn đề khác nhau thì người ta cũng biết phân biệt đúng sai".

Một thầy giáo hiện đang làm giảng viên tại một trường đại học tại Sài Gòn không muốn nêu tên chia sẻ với chúng tôi rằng, việc sinh viên có thể bị kích động, lôi kéo tham gia hoạt động trái luật thì đối với các sinh viên đang theo học trong môi trường của Việt Nam điều này rất khó xảy ra và hoàn toàn không dễ dàng. Cho nên việc nói như vậy chỉ là câu cửa miệng thôi.

Ngoài ra, vị giảng viên còn cho biết thêm, không phải vì công nghệ phát triển nên việc tiếp cận thông tin dễ dàng mà các bạn trẻ có thể quan tâm đến chính trị mà các bạn chỉ quan tâm vấn đề mang tính giải trí là chính.

"Ngay cả học viện báo chí tuyên truyền khi được hỏi về tình hình chung thì rất là quan tâm chính trị nhưng khi mà hỏi thủ tướng hoăc phó thủ tướng thì họ không phân biệt được là ai mà. Thật ra mối quan tâm của họ là đối với công nghệ 4.0 đang phát triển thì việc tiếp cận thông tin mang tính giải trí nhiều hơn thật sự quan tâm chính trị. Như thế nào là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa thì đâu có phân biệt được, hay là kinh tế tư bản và kinh tế thị trường như thế nào đâu có phân biệt được đâu chỉ biết lơ mơ vậy thôi".

Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề này được nói tại các đại hội, hội nghị toàn quốc. Vào ngày 11/12/2017 tại đại hội đoàn toàn quốc, ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói rằng các đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cần tránh "nhạt đảng, khô đoàn, xa rời chính trị". Trước đây, ông Trọng cũng từng nhắc đến cụm từ này trong một văn bản về giáo dục tư tưởng từ năm 2009.

Nguồn : RFA, 13/12/2018

Quay lại trang chủ
Read 635 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)