Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/12/2018

Đêm tối trời Việt Nam và cú đánh úp giá điện ập đến !

Minh Quân

Phần 1

Dường như có một mối quan hệ đáng ngờ, rất đáng ngờ giữa chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Bộ Công thương và EVN.

evn1

Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành và Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An trong một lần tiếp đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ.

Tháng Mười Hai năm 2018, Bộ Công Thương đưa ra 4 kịch bản về giá điện năm 2019. Quan chức công bố là Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - nhân vật và từ lâu được dư luận xem là nằm trong nhóm lợi ích điện lực và cổ súy nhiệt tình một cách đầy nghi ngờ cho các chiến dịch EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) tăng giá điện bất chấp quẫn bách dân sinh.

Cứ theo cái cách mà Đỗ Thắng Hải nêu, khả năng tăng giá điện vào năm 2019 là hiển nhiên, là ‘không cho chúng nó thoát’. Quyền duy nhất của ‘chúng nó’ - tức dân chúng nói chung và nhất là cái phần thảm thương nhất của xã hội - chỉ còn là lựa chọn một trong 4 phương án mà Bộ Công thương ‘định hướng’. Nhưng đó cũng chỉ là sự lựa chọn mang tính ‘tham khảo’, bởi không phải dân mà chính Bộ Công thương và tập đoàn lợi ích điện lực mới là những kẻ quyết định. Một cách khôn ngoan và lọc lõi, những kẻ này đã làm khá nhuần nhuyễn một thủ đoạn tâm lý: sau khi vống lên nhiều phương án tăng giá điện, nhóm này ban ơn cho dân chúng bằng cách chọn ‘phương án tăng giá thấp nhất’ như cái cách ‘tăng giá phải như vặt lông vịt, vặt từ từ để vịt khỏi kêu toáng lên’.  

Tròn một năm sau cú đánh úp giá điện vào một đêm tối trời cuối năm 2017, một lần nữa EVN và Bộ Công thương sẽ tái hiện hành vi đen tối đó.

Quan hệ ‘ăn đủ’ EVN - Bộ Công thương - Thủ tướng Phúc ?

Ngày 1/12/2017, chế độ "thu cùng diệt tận giai đoạn cuối" đã bất chấp tiếng kêu oán thán của nhân dân và khuyến nghị của giới trí thức khi giáng thêm một đòn xây xẩm mặt mặt người nghèo và doanh nghiệp : giá điện tăng thêm 6,08% thành 1.720,65 đồng/1kw chưa kể thuế VAT.

Khi đó, Chính phủ ‘liêm chính, kiến tạo và hành động’ của Thủ tướng Phúc và Bộ Công thương - cơ quan kế thừa kẻ tội đồ tham nhũng, ‘cõng rắn cắn gà nhà’ và ‘tăng đủ thứ’ là cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng - đã có một "kịch bản hoàn hảo", rất lạnh lùng và tàn nhẫn, khiến dân tình và báo chí không kịp trở tay.

Trước đó vào cuối tháng Sáu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký phê duyệt đề án tái cơ cấu EVN, nhưng đã không có bất cứ một cải cách nào để xóa bỏ vai trò độc quyền tàn hại dân sinh của tập đoàn mà báo chí quốc tế đặt cho biệt hiệu "cậu ấm hư hỏng" này.

Trong đề án trên, EVN vẫn nắm 100% vốn ở các khâu truyền tải, phân phối mà không hề có một chút hơi hướng nào về điều mà giới quan chức hay phủ dụ là "hướng đến thị trường điện cạnh tranh".

Cũng trong đề án trên, nhiều doanh nghiệp tham gia khâu phát điện nhưng chỉ có một đầu mối EVN mua điện và bán điện. Mặt khác, theo quyết định của chính phủ thì nhà nước nắm 100% vốn ở công ty này, như vậy tư nhân không hề có cơ hội để tham gia…

Dung dưỡng độc quyền đã "nối giáo" cho chuyên chế tăng giá điện.

Ngay sau đề án tái cơ cấu EVN được Thủ tướng Phúc ký phê duyệt, nỗi lo sợ thường trực của nhân dân đã biến thành sự thật khi cũng chính thủ tướng này lại ký tiếp quyết định số 24/2017, thay thế quyết định số 69/2013 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện, có hiệu lực từ ngày 15 Tháng Tám, 2017.

Quyết định trên cho phép EVN được tự quyết tăng giá điện hai lần mỗi năm với mức từ 3% đến dưới 5%, Bộ Công thương được quyết tăng giá điện từ 5% đến 10%.

Lẽ đương nhiên, nhóm lợi ích điện lực chỉ cần có thế !

Cùng với Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản của "cá mập" EVN, cho đến lúc đó sự nghiệp "lobby tăng giá" của EVN đã thành công bước đầu.

Vì đối với nhóm lợi ích EVN và Bộ Công thương mà từ rất lâu rồi người ta vẫn ví là "nhóm cá mập" hay "bạch tuộc," chỉ cần được chính phủ bật đèn xanh tăng giá điện và tăng vài chục phần trăm mỗi năm mà chưa cần đến việc Bộ Công thương xin ý kiến chính phủ cho trường hợp tăng giá điện trên 10%, đã đã đủ để "bù giá vào dân".

Theo đó và trong trường hợp "nhân đạo" nhất, EVN sẽ được quyền tự quyết định tăng giá điện dưới 5% và được tăng hai lần một năm, nghĩa là giá điện ngay trong năm 2017 sẽ tăng khoảng gần 10%.

Còn kém "nhân đạo" hơn, không phải EVN mà chính là Bộ Công thương sẽ "trảm" dân. Nối tiếp truyền thống "đi đêm" và "bảo kê" từ thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đương kim Bộ trưởng Trần Tuấn Anh của bộ này - nhân vật suýt thành công với người anh em cọc chèo Lê Phước Vũ trong dự án Thép Hoa Sen-Cà Ná ở Ninh Thuận, sẽ có hai lần tăng giá điện trong năm với biên độ gần 10%/lần, để "kết quả dân chúng" bằng tỷ lệ tăng cả năm lên đến gần 20% !

Dường như có một mối quan hệ đáng ngờ, rất đáng ngờ giữa chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Bộ Công thương và EVN.

**************

Phần 2

Núi lỗ ba chục ngàn tỷ đồng từ 10 năm trước vẫn kéo dài hậu quả cho đến tận ngày hôm nay, nhưng cái di họa tàn bạo và kinh khủng nhất là EVN đã bắt cả dân tộc phải chịu chung núi lỗ mà nó gây ra.

evn2

EVN đang nằm trong danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2015 của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Người dân than trời !

"Giá điện bị ‘đánh úp’ : Người dân than trời !" - một ít tờ báo nhà nước lại rền rĩ, trong lúc hai tầng lớp thu nhập trung bình và người nghèo Việt Nam còn nặng gánh lo toan về chuyện vừa tiện tặn vừa khốn khó hơn cả những năm trước.

Chị Lan Hồng (nhà ở quận 12, Sài Gòn) cho biết khi giá điện tăng 6,08%, tính ra gia đình chị mỗi tháng phải trả thêm khoảng 200.000-300.000 đồng. "Hiện tại người dân đã vất vả vì viện phí, học phí… tăng, nay lại thêm tiền điện tăng. Các mặt hàng tiêu dùng tới đây cũng sẽ "té nước theo mưa" tăng theo, trong khi thu nhập của những thành viên trong gia đình không tăng" – chị Hồng thở dài.

Từ nhiều ngày trước khi thông tin tăng giá điện mới được công bố, các chủ trọ ở Sài Gòn đã sớm thông báo cho người thuê phòng về việc sẽ tăng nâng giá điện cao hơn bình thường. Bà Nguyễn Thị Dung (chủ khu trọ hơn 20 phòng ở quận Thủ Đức, Sài Gòn) cho biết, khu trọ của bà đa số là sinh viên và công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Với mức giá hiện hành vào năm 2017, mỗi tháng đến kỳ đóng tiền điện, người thuê trọ đã than lên than xuống, còn khi nhà nước tăng giá thì buộc bà cũng phải tăng theo. "Thu nhập của công nhân, sinh viên chẳng được bao nhiêu mà điện, nước, chi phí sinh hoạt cứ tăng lên như vậy thì làm sao họ chịu nổi ?", bà Dung nói.

Cũng như bà Dung, bà Lê Thị Hạnh (chủ hai dãy phòng trọ tại Khu đô thị Đại học Quốc gia) cho hay, bình thường giá điện áp dụng cho các phòng trọ là 3.500 đồng/kwh, nay nhà nước tăng giá thì bà cũng tăng thêm khoảng 1.000 đồng/kwh. Dù mức tăng không cao lắm nhưng khi tính chung cả khu trọ cộng lại, kèm theo thuế VAT nữa thì sinh viên ở trọ cũng phải tăng thêm một khoản kha khá để bù vào tiền điện.

Sinh viên Nguyễn Thị Mỹ Linh (ở trọ tại quận Thủ Đức, Sài Gòn) cho biết, với giá điện như hiện nay đã là gánh nặng rồi, giờ tăng thêm sẽ khiến nhiều sinh viên phải chắt chiu hơn trong các khoản sinh hoạt để trả tiền điện. "Lâu nay bọn em đóng 3.000 đồng/kwh, cách đây mấy ngày, chủ trọ qua thông báo sẽ tăng lên 4.500 đồng/kwh do giá điện nhà nước tăng. Bình thường mỗi tháng phải trả 300.000 đồng tiền điện là bọn em đã thấy khó rồi, giờ tăng lên nhiều như vậy, bọn em chưa biết xoay xở thế nào", Linh lo lắng.

Tương tự, chị Trần Thị Lan Anh (công nhân thuê nhà tại quận Bình Tân) rất lo lắng khi giá điện tăng thêm hơn 6% khiến mỗi tháng gia đình chị chi phí thêm khoảng 500.000 đồng. Chị cũng lo ngại giá điện tăng thì giá cả hàng hóa khác cũng sẽ tăng theo. "Vợ chồng tôi tổng lương thu nhập, tính cả tăng ca chỉ khoảng 15 triệu đồng/tháng. Chi phí đó vừa đủ trả tiền thuê nhà trọ, nuôi hai đứa con đi học, còn dư vài trăm để dành phòng khi đau ốm. Giờ điện tăng, gas tăng, thực phẩm tăng nữa… tôi chưa biết phải xoay thế nào khi năm hết, tết đến", chị Lan Anh nói.

Điện tăng giá không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của công nhân, người dân ở thành thị mà người dân sống bằng nghề nông cũng thấp thỏm lo âu khi chi phí cho sản xuất nông nghiệp tăng thêm. "Cộng tiền điện, phân bón, công chăm sóc thì mỗi sào rau làm ra lời lãi chẳng được bao nhiêu. Giờ điện lại tăng giá thì mỗi tháng chúng tôi phải thêm vài triệu đồng cho việc tưới tiêu, thắp đèn chiếu sáng, nông dân thêm khó khăn", ông Hoàng Văn Nam (54 tuổi, nông dân trồng rau ở quận 12, Sài Gòn) nói.

Ở góc độ sản xuất, tiền điện chiếm phần không nhỏ trong tổng giá thành sản xuất của một doanh nghiệp. Vì vậy, khi giá điện tăng, tức là giá thành sản phẩm cũng tăng. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bị tác động mạnh từ việc tăng giá điện, đặc biệt là các lĩnh vực sử dụng lượng điện lớn như thép, xi măng, dệt may, nhựa, thủy sản.

Trong khi đó, trong bối cảnh không thể tăng giá bán sản phẩm thì lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ ngày càng sụt giảm. Còn nếu tăng giá bán sản phẩm thì gánh nặng lúc ấy sẽ đổ lên người tiêu dùng…

Cặp song sinh tàn phá đất nước

Ở Việt Nam, EVN là một trong những dẫn chứng sống động và dối trá nhất về việc chính thể độc đảng đã mượn dĩ vãng kinh tế chỉ huy để trục lợi như thế nào. Trong điều kiện nền chính trị độc đảng, thủ đoạn lợi dụng càng trở nên có ý nghĩa hơn. Độc quyền và đặc lợi cũng vì thế đồng nghĩa với tội đồ, đối với nền kinh tế và đời sống dân sinh.

Năm 2011, vào lúc nền kinh tế Việt Nam dợm chân vào suy thoái, sự đổ bể của hai thị trường chứng khoán và bất động sản đã kéo theo một phát minh không tiền khoáng hậu kể từ thời mở cửa : những doanh nghiệp nhà nước đặc trưng bởi chủ thuyết "giá chỉ có tăng chứ không giảm" như EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) và Petrolimex (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) đã tạo thành cặp song sinh có chung hậu môn. Hàng loạt chiến dịch đầu tư trái ngành của các tập đoàn này vào chứng khoán, bất động sản và bảo hiểm rốt cuộc đã tích đọng gánh nợ đến trên 40.000 tỷ đồng.

Trong suốt nhiều năm qua, toàn bộ số nợ nần đó đã được EVN và Petrolimex tuồn qua tuyến đại tràng để đổ lên đầu người dân đóng thuế.

evn3

Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex Bùi Ngọc Bảo và Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành ký kết thỏa thuận hợp tác ngày 19/04/2018

Nhưng cũng trong suốt nhiều năm qua, bất chấp những đợt tăng giá điện vô tội vạ của EVN và Petrolimex, đã không có bất cứ cuộc kiểm tra nào được làm tới nơi tới chốn.

Như một quy luật, giá điện và giá xăng dầu tìm mọi cách tăng vào thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội. Còn trong thời gian phiên họp Quốc hội, những nhà làm giá lập tức áp dụng chính sách giảm giá, nhưng chỉ là giảm cho có, để thường sau khi Quốc hội "thành công tốt đẹp", giá lại ào ào tăng lên.

Nhưng những cú tăng giá ‘nhân đạo’ vào những năm trước đã không đủ để bù lỗ cho EVN. Đến quý 1 năm 2015, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải lần đầu tiên phải thừa nhận thế cùng quẫn của "đứa con hoang đàng" của mình : Nếu không tăng và thậm chí không tăng mạnh giá điện, EVN sẽ phá sản !

Nếu EVN phá sản, đó sẽ là thất bại ghê gớm đối với cơ chế độc quyền nhà nước "nói mãi vẫn không chuyển" và "ăn của dân không chừa thứ gì". Nhưng trên tất cả, đó sẽ một sự báo oán lớp dân chúng cùng các đời con cháu của họ không biết làm gì nên tội.

Nếu không tăng giá "bù lỗ vào dân", phá sản là chắc chắn. Bởi vào những năm 2007-2009, EVN đã trở thành tác nhân gây ra khoản lỗ khủng khiếp lên đến 30.000 tỷ đồng khi đầu tư trái ngành vào bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm. Cho đến năm 2018, hậu quả đầu tư lỗ lã và chôn vốn ấy vẫn chưa được EVN xử lý xong.

Cuối năm 2017, một khoản nợ khổng lồ lên đến 9,3 tỷ USD của EVN được công bố. Chi tiết cần đặc tả không kém là vốn vay của EVN phần lớn là nợ vay được chính phủ bảo lãnh.

Nhưng 9,3 tỷ USD chưa phải hết. Kết luận của hãng kiểm toán Delotte Việt Nam, đơn vị kiểm toán cho EVN đã nhấn mạnh : Tổng nợ phải trả của tập đoàn này đã lên đến xấp xỉ 487 ngàn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Hiện thời, EVN nằm trong nhóm quán quân về "chúa chổm" trong số các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam.

Núi lỗ ba chục ngàn tỷ đồng từ 10 năm trước vẫn kéo dài hậu quả cho đến tận ngày hôm nay, nhưng cái di họa tàn bạo và kinh khủng nhất là EVN đã bắt cả dân tộc phải chịu chung núi lỗ mà nó gây ra.

Minh Quân

Nguồn : VNTB, 17/12/2018

Quay lại trang chủ
Read 570 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)