RFA, 26/01/2024
"Để thực hiện tốt việc này thì phải tạo được niềm tin trong nhân dân, huy động vàng trong nhân dân thì nhân dân phải tin tưởng".
Người dân xếp hàng vào một tiệm vàng ở Hà Nội trước đây. AFP.
Đó là một trong những ý kiến của Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện kinh tế và quản lý Thành phố Hồ Chí Minh khi trả lời RFA hôm 26/1, về kiến nghị lập sàng vàng, bỏ thuế độc quyền vàng miếng SJC để nền kinh tế có thêm 400 tấn vàng mà người dân đang tích trữ, thành vốn phát triển kinh tế, tại toạ đàm diễn ra hôm 25/1/2024.
Tiến sĩ Trần Quang Thắng, thừa nhận rằng, việc "hút" vàng trong dân góp phần tăng nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, ông khẳng định, "việc tạo niềm tin" nhằm hai mục đích :
Người ta (người dân-pv) phải thấy có cơ sở, một mặt là có nghĩa vụ đóng góp cho đất nước, một mặt là vẫn bảo toàn được nguồn vốn mà người ta tham gia đóng góp.
Việc thu hút được người dân tham gia sàn giao dịch vàng hay không, theo Tiến sĩ Thắng, còn phụ thuộc vào sự hấp dẫn của sàn vàng. Ông Thắng giải thích thêm :
"Người dân tham gia sàn vàng thì có những lợi ích phụ như thế nào ? Ngoài vấn đề bảo đảm mức lãi suất tương đối hấp dẫn, nhà nước cần cho thấy được cơ sở để thực hiện để tạo sự an tâm cho sự đồng thuận của người dân, cái đó là cái quan trọng. Việc lập sàn vàng thì tôi hoàn toàn nhất trí và thấy hợp lý, nhưng biện pháp tiến hành phải như thế nào đủ sức hấp dẫn, bên cạnh kêu gọi sự nhiệt tình đóng góp của người dân, thì cũng phải có gì bảo đảm về mặt nhà nước".
Từ năm 2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Bình đã trình Thủ tướng Chính phủ khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng về chủ trương thu hút vàng trong dân. Từ đó cho đến nay, Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại chủ trương này, và mới nhất là hôm 25/1, đề tài này tiếp tục được đưa ra bàn thảo.
RFA hôm 26/1/2024 đã hỏi ý kiến một số người dân về chủ trương trên của Chính phủ Việt Nam.
Ông Trung Kiên ở Đồng Nai nêu ý kiến của mình :
"Cơ chế quản lý xã hội hiện tại do nhà nước độc tài toàn trị nắm giữ nên mọi công việc không có tính minh bạch, nên người dân họ không có sự tin tưởng. Theo tôi cho dù có mở sàn giao dịch công khai, nhưng trong suy nghĩ sâu xa người dân vẫn không tin tưởng về việc làm của Nhà nước".
Từ Việt Nam hôm 26/1, ông Lê Quý Lộc nói với RFA :
"Theo quan điểm của tôi thì việc mở sàn huy động vàng trong dân theo tinh thần người dân tự nguyện thì đúng theo quy định pháp luật. Nhưng hiện nay người dân không còn như thời năm 1982 nữa, thời bị dụ vào hợp tác xã rồi lấy đất của dân, rồi gọi là người dân tự nguyện hiến đất cho hợp tác xã. Người dân hiện nay đã biết thế nào là cộng sản rồi ! Nên việc huy động vàng trong dân sẽ không thực hiện được. Không ai tin nữa đâu".
Một người dân sinh sống ở miền Trung Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, cho RFA biết ý kiến hôm 26/1 :
"Đã từ lâu, khoảng 3-4 năm trước, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra ý kiến "Làm thế nào để huy động 500 tấn vàng trong dân". Tuy nhiên, từ đó đến nay mới chỉ dừng tại đó, có lẽ qua thăm dò thì thấy không khả thi. Bây giờ vấn đề này lại được nêu ra, nhưng không có phương án cụ thể. Với tư cách người dân, về mặt tâm lý, nếu tui có vàng tui cũng không thể tham gia "sàn giao dịch vàng" vì không tin tưởng bộ máy quản lý của Ngân hàng Nhà nước, trong đó không loại trừ có lợi ích nhóm, sân sau của các quan chức Ngân hàng Nhà nước".
Mặt khác theo người này, người dân sẽ không an tâm khi thay vì giữ vàng trong két của mình thì họ chỉ giữ cái tờ giấy gọi là ‘giấy chứng nhận’ số vàng mà họ gửi do Ngân hàng Nhà nước cấp. Thực tế đã chứng minh qua câu chuyện về "trái phiếu chính phủ". Người này nói tiếp :
"Thực tế khoảng 30 năm trước, ‘trái phiếu chính phủ’ mà người dân bỏ tiền thật để mua, sau này lấy lại thì thấy mất giá thê thảm" !
Người này cũng xác nhận, việc mở sàn vàng để huy động 400 tấn vàng trong dân’ sẽ không khả thi.
Phân tích sâu hơn về đề xuất "mở sàn giao dịch vàng", Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy hôm 26/1 cho biết, trong lịch sử hiện đại của Việt Nam diễn ra trong khoảng nửa thế kỷ nay, những thay đổi về chính trị và chính sách kinh tế vĩ mô đột ngột đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tài sản và đời sống của vô số người dân. Những di sản đó theo ông Vũ vẫn còn ám ảnh và để lại một bài học sâu sắc trong dân chúng rằng, cần phải tích cóp và giữ gìn tài sản đặc biệt là vàng để phòng thân. Ông Vũ nói tiếp :
"Vàng là một công cụ lưu trữ tài sản ít mất giá, dễ di chuyển và có tính thanh khoản cao. Vì vậy mà nhiều người đã chọn vàng như một công cụ để tích trữ tài sản. Chính quyền nên tôn trọng quyết định này của nhân dân và nên thiết lập những chính sách dựa trên sự tôn trọng này. Một trong những điều chính quyền cần làm đó là nên để thị trường vàng được hoạt động đúng nghĩa theo nguyên tắc thị trường. Hãy để một số doanh nghiệp được cấp phép được quyền nhập, mua bán, trao đổi vàng. Có như vậy, sự cạnh tranh tự nó sẽ làm tối ưu thị trường vàng trong nhân dân. Cái mà nhà nước cần làm đó là kiểm soát chất lượng vàng và các đơn vị đo lường liên quan đến vàng".
Đối với các ý kiến cho rằng số vàng này trong dân là tài sản, và tài sản này cần đầu tư để phát triển quốc gia, câu trả lời theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ là :
"Chính quyền nên tạo ra một nền kinh tế ổn định, ít lạm phát, có nhiều cơ hội đầu tư xuất hiện, và lúc đó, thay vì giữ tài sản dưới dạng vàng, người dân thấy những cơ hội mới, đem lại lợi nhuận cao, ít rủi ro, họ tự khắc sẽ dùng vàng của mình để chuyển thành những khoản đầu tư đem lại lợi nhuận và qua đó phát triển quốc gia. Hãy làm chính sách trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc của thị trường và tôn trọng quyền sở hữu chính đáng của người dân, ở đây là quyền sở hữu vàng".
Việc người dân lựa chọn nhiều hình thức sở hữu tài sản, trong đó có việc giữ vàng, theo ông Vũ không hẳn là xấu. Bởi lẽ, ông Vũ cho rằng, trong một nền kinh tế chịu nhiều bất ổn, nơi mà giá cả thay đổi liên tục thì việc sở hữu vàng của người dân, một tài sản có đặc tính lưu giữ giá trị lâu dài, cũng là giúp cho nền kinh tế giảm thiểu tác động đối với những bất ổn lớn.
Nguồn : RFA, 26/01/2024
**************************
Bộ Công thương Việt Nam đề xuất tiếp tục tăng giá điện trong năm nay vì EVN vẫn lỗ nặng
VOA, 27/01/2024
Một thứ trưởng Bộ Công thương của Việt Nam mới đây kiến nghị cần tiếp tục tăng giá điện trong năm 2024 sau khi đã có 2 lần tăng giá hồi năm ngoái, báo chí Việt Nam đưa tin hôm 26 và 27/1.
Dù tăng giá điện 2 lần trong năm 2023 song EVN vẫn ghi nhận khoản lỗ khoảng 17.000 tỷ đồng
VnExpress, Tiền Phong và một số báo cho biết đề xuất trên được nữ Thứ trưởng Phan Thị Thắng nêu ra trong một cuộc họp của Ban chỉ đạo giá hồi đầu tuần này.
Việc tăng giá điện lại được đặt ra sau khi tập đoàn nhà nước Eviệt Nam nắm hầu hết hệ thống truyền tải bị lỗ gần 38.000 tỷ đồng trong hai năm 2022 và 2023, bên cạnh đó, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 7,5%, lên gần 2.093 đồng/kWh trong năm ngoái.
Bà Thắng được báo chí trích dẫn lời nói trong cuộc họp rằng cần xem xét điều chỉnh giá điện để đảm bảo phản ánh biến động của các thông số đầu vào của giá điện, đồng thời để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nguồn thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.
Cũng tham gia cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói rằng đối với việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu, bao gồm cả giá điện, các bộ, ngành phải chuẩn bị tốt và sớm về các phương án và lộ trình điều chỉnh giá để tránh bị động.
Ông Khái nói thêm rằng "Thời điểm điều chỉnh cần tính toán phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát", VnExpress, Tiền Phong và một số báo thuật lại.
Hồi đầu năm nay, trong một cuộc họp của EVN, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh đã nhận định rằng nếu không tăng giá điện trong năm, sẽ không giải quyết được khoản lỗ 17.000 tỷ đồng trong năm 2023 của tập đoàn này, theo Tiền Phong.
Các báo cáo tài chính của Eviệt Nam cho thấy vào năm ngoái, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần nhưng vẫn không đủ bù đắp cho chi phí sản xuất điện và EVN tiếp tục bị lỗ trong sản xuất, kinh doanh điện năm thứ hai liên tiếp.
Giải trình với Bộ Công thương bằng văn bản, tổng giám đốc của Eviệt Nam viết rằng lỗ xảy ra chủ yếu do giá bán ra của Eviệt Nam vẫn thấp hơn giá thành. Tập đoàn này tính toán rằng cứ mỗi kWh bán ra, họ chịu lỗ 142,5 đồng.
Một số chuyên gia được VnExpress và Tiền Phong trích lời nói rằng việc tăng giá điện sẽ khiến một số doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều điện và một bộ phận người dân sẽ gặp khó khăn, nhà nước phải tính toán liều lượng và thời điểm điều chỉnh phù hợp để cân bằng lợi ích cả ba bên gồm doanh nghiệp, người dân và nhà nước.
Nguồn : VOA, 27/01/2024
Việc dùng "phương pháp" so sánh để "giải thích" vấn đề ngày càng được sử dụng phổ biến. Mỹ cũng có tội phạm, ăn xin đứng đầy đường, hút chích ma túy tràn lan… Mỹ cũng có tình trạng mua bằng bán chức, Mỹ cũng có hiện tượng "chạy trường" cho con… Thử đến Paris xem, phân chó đầy đường… Tuy nhiên, bản chất sự việc và tính tương đồng không nằm ở bề mặt…
Nhu cầu điện đang là thách thức quan trọng của EVN. (Ha Nguyen/VOA)
Ví dụ thời sự nhất là giá điện. So sánh giá điện giữa Mỹ và Việt Nam để chứng minh việc tăng giá điện tại Việt Nam là hợp lý và chẳng có gì khác thường thật ra là điều rất không bình thường. Khi so sánh giá, người ta đã không xét đến vô số yếu tố khác ảnh hưởng đến giá điện. Trong khi việc quản lý điện năng và định giá điện ở Việt Nam nằm trong "cơ chế" hoàn toàn độc quyền, giá điện tại Mỹ tùy thuộc vào thị trường. Chẳng có mức giá cụ thể nào ở Mỹ, kể cả giá trung bình, có thể dùng để so sánh một cách hợp lý và thuyết phục so với Việt Nam.
Tại Mỹ, giá điện không ổn định. Nó thay đổi liên tục, tùy thuộc thời điểm sử dụng (một số nhà cung cấp đưa chương trình giảm giá, thậm chí miễn phí, đối với hộ dân xài điện từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng). Ngoài ra, thời gian sử dụng cũng ảnh hưởng giá. Tháng hè có giá khác tháng đông. Tại các bang nóng, giá điện mùa hè có thể tăng so với mùa đông vì tỷ lệ người sử dụng máy lạnh tăng. Và nơi bạn sống cũng ảnh hưởng giá điện. Mỗi bang mỗi khác. Thậm chí trong cùng một bang, giá điện từng vùng cũng khác, dựa vào mức thu nhập và mật độ tập trung công nghiệp. Nơi có nhiều hộ dân bình thường sẽ có giá điện khác với nơi có nhiều nhà máy. Theo một nguồn (1), tính đến thời điểm cập nhật mới nhất (tháng 3-2019), giá điện trung bình tại Mỹ là 13,19 cent/kWh. Cụ thể tại tiểu bang Alabama, giá điện tháng 6-2018 là 12,41 cent/kWh - giảm 2,971% so với tháng 6-2017; tại bang California, tháng 6-2018 là 19,90 cent/kWh - tăng 2,630% so với tháng 6-2017; tại bang New York, tháng 6-2018 là 19,30 cent/kWh – tăng 2,878% so với tháng 6-2017…
Còn một yếu tố nữa cần xem xét. Đó là chính sách cho người có thu nhập thấp. Ở Việt Nam, nhà nghèo đóng tiền điện với mức giá như nhà giàu. Tỉnh miền núi cũng đóng tiền điện bằng giá như thành phố lớn. Tại Mỹ, các tiểu bang đều có chính sách giảm giá. Riêng tại California, ngoài chính sách hỗ trợ của chính quyền bang, các công ty điện lực còn có chương trình giảm giá riêng biệt, được áp dụng tùy thành phố. Với khách hàng của công ty Thành phố Palo Alto ("City of Palo Alto"), người bệnh tật có thể được giảm đến 20% hóa đơn điện-nước và khí đốt; với khách hàng "City of Ukiah", người già có thể được giảm hàng tháng tối đa 25 USD và gia đình thu nhập thấp được giảm tối đa 20 USD; với khách hàng "Sacramento Municipal Utility District", người ta có chương trình "EnergyHELP" với sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện địa phương và tổ chức phi lợi nhuận như Sacramento Food Bank Services, Salvation Army, Folsom Cordova Community Partnership và Travelers Aid, theo đó, người nghèo có thể được hỗ trợ đến 200 USD/năm trong hóa đơn tiền điện không chi trả nổi [xem thêm (2)].
Lấy ví dụ thêm về "nạn dùng súng ở Mỹ". Không ít người đã nhắc đến việc sử dụng tràn lan tại Mỹ để đối chiếu và "minh họa" cho sự ổn định xã hội Việt Nam. Người ta chỉ nói đến hiện tượng bề mặt mà không nhắc đến yếu tố căn bản rằng việc sử dụng súng tại Mỹ thuộc khuôn khổ quyền công dân được hiến định, tức được Hiến pháp bảo vệ, theo đó, mọi người đều có quyền tự bảo vệ mình. Một khi Hiến pháp Việt Nam không có những điều khoản tôn trọng quyền tự do tối đa của con người, cùng với vô số hàng rào luật kèm theo và một bộ máy luật pháp lẫn công quyền hoạt động chặt chẽ để kiểm soát xã hội, thì không thể so sánh với Mỹ. Nếu các trường hợp xả súng tại Mỹ được thực hiện bởi những kẻ có vấn đề tâm thần hoặc khủng hoảng tâm lý thì tại Việt Nam, một khi được quyền sử dụng súng được cho phép, thì người gây án sẽ là những ai, tỷ lệ bắn chết người bừa bãi sẽ "biến động theo năm tháng" như thế nào, mỗi tháng có bao nhiêu vụ bắn người, mức độ kiểm soát được thực hiện ra sao…, trong một xã hội mà chỉ cần "nhìn đểu" đã có thể lập tức lãnh một nhát dao chí mạng?
Ở đâu cũng có tham nhũng nhưng tham nhũng ở Mỹ, Hàn Quốc hoặc Nhật đều bị "quyền lực thứ tư" phanh phui đến cùng, con cái tổng thống (như trường hợp hai con trai của cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung) đều bị ra tòa, kể cả tổng thống cũng có thể ngồi tù. Mỹ cũng xảy ra tình trạng "mua điểm" nhưng hệ thống quản lý giáo dục Mỹ đã không bao che điều đó. Mỹ cũng đầy ăn xin nhưng "ăn mày" Mỹ được tôn trọng quyền con người đến mức chẳng ai có quyền bắt và tống họ vào nhà tế bần…
Khi so sánh, cần xét đến cơ chế vận hành, cấu trúc hệ thống, chính sách nhà nước và cả cấu trúc chính trị. So sánh yếu tố giá là dễ. So sánh cơ chế tạo ra giá mới là vấn đề cần bàn. So sánh tham nhũng thì dễ. So sánh yếu tố tạo ra cơ chế tham nhũng và yếu tố trừng phạt tham nhũng mới cần đáng nói. Một khi hai mô hình không tương đồng, thậm chí trái nghịch, so sánh bề mặt dễ trở thành những diễn giải ngụy biện. So sánh cần đề cập thêm đến so sánh bản chất chứ không phải hiện tượng. Nói đến sự kiện, ở đâu cũng có các sự kiện ít nhiều giống nhau. Nói đến "tiêu cực", ở đâu cũng có "mặt trái", vì bản chất con người ở đâu cũng gần như giống nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là ở đâu thì người ta xử lý vấn đề theo cách như thế nào, để chặn đứng "tiêu cực" và sự phát triển của "mặt trái". Sự khác biệt này, nếu không nhắc đến, thì tốt hơn là nên tránh so sánh.
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 01/05/2019
(1) https://www.electricchoice.com/electricity-prices-by-state/
(2) https://www.needhelppayingbills.com/html/california_utility_and_cooling.html
Phần 1
Dường như có một mối quan hệ đáng ngờ, rất đáng ngờ giữa chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Bộ Công thương và EVN.
Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành và Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An trong một lần tiếp đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ.
Tháng Mười Hai năm 2018, Bộ Công Thương đưa ra 4 kịch bản về giá điện năm 2019. Quan chức công bố là Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - nhân vật và từ lâu được dư luận xem là nằm trong nhóm lợi ích điện lực và cổ súy nhiệt tình một cách đầy nghi ngờ cho các chiến dịch EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) tăng giá điện bất chấp quẫn bách dân sinh.
Cứ theo cái cách mà Đỗ Thắng Hải nêu, khả năng tăng giá điện vào năm 2019 là hiển nhiên, là ‘không cho chúng nó thoát’. Quyền duy nhất của ‘chúng nó’ - tức dân chúng nói chung và nhất là cái phần thảm thương nhất của xã hội - chỉ còn là lựa chọn một trong 4 phương án mà Bộ Công thương ‘định hướng’. Nhưng đó cũng chỉ là sự lựa chọn mang tính ‘tham khảo’, bởi không phải dân mà chính Bộ Công thương và tập đoàn lợi ích điện lực mới là những kẻ quyết định. Một cách khôn ngoan và lọc lõi, những kẻ này đã làm khá nhuần nhuyễn một thủ đoạn tâm lý: sau khi vống lên nhiều phương án tăng giá điện, nhóm này ban ơn cho dân chúng bằng cách chọn ‘phương án tăng giá thấp nhất’ như cái cách ‘tăng giá phải như vặt lông vịt, vặt từ từ để vịt khỏi kêu toáng lên’.
Tròn một năm sau cú đánh úp giá điện vào một đêm tối trời cuối năm 2017, một lần nữa EVN và Bộ Công thương sẽ tái hiện hành vi đen tối đó.
Quan hệ ‘ăn đủ’ EVN - Bộ Công thương - Thủ tướng Phúc ?
Ngày 1/12/2017, chế độ "thu cùng diệt tận giai đoạn cuối" đã bất chấp tiếng kêu oán thán của nhân dân và khuyến nghị của giới trí thức khi giáng thêm một đòn xây xẩm mặt mặt người nghèo và doanh nghiệp : giá điện tăng thêm 6,08% thành 1.720,65 đồng/1kw chưa kể thuế VAT.
Khi đó, Chính phủ ‘liêm chính, kiến tạo và hành động’ của Thủ tướng Phúc và Bộ Công thương - cơ quan kế thừa kẻ tội đồ tham nhũng, ‘cõng rắn cắn gà nhà’ và ‘tăng đủ thứ’ là cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng - đã có một "kịch bản hoàn hảo", rất lạnh lùng và tàn nhẫn, khiến dân tình và báo chí không kịp trở tay.
Trước đó vào cuối tháng Sáu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký phê duyệt đề án tái cơ cấu EVN, nhưng đã không có bất cứ một cải cách nào để xóa bỏ vai trò độc quyền tàn hại dân sinh của tập đoàn mà báo chí quốc tế đặt cho biệt hiệu "cậu ấm hư hỏng" này.
Trong đề án trên, EVN vẫn nắm 100% vốn ở các khâu truyền tải, phân phối mà không hề có một chút hơi hướng nào về điều mà giới quan chức hay phủ dụ là "hướng đến thị trường điện cạnh tranh".
Cũng trong đề án trên, nhiều doanh nghiệp tham gia khâu phát điện nhưng chỉ có một đầu mối EVN mua điện và bán điện. Mặt khác, theo quyết định của chính phủ thì nhà nước nắm 100% vốn ở công ty này, như vậy tư nhân không hề có cơ hội để tham gia…
Dung dưỡng độc quyền đã "nối giáo" cho chuyên chế tăng giá điện.
Ngay sau đề án tái cơ cấu EVN được Thủ tướng Phúc ký phê duyệt, nỗi lo sợ thường trực của nhân dân đã biến thành sự thật khi cũng chính thủ tướng này lại ký tiếp quyết định số 24/2017, thay thế quyết định số 69/2013 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện, có hiệu lực từ ngày 15 Tháng Tám, 2017.
Quyết định trên cho phép EVN được tự quyết tăng giá điện hai lần mỗi năm với mức từ 3% đến dưới 5%, Bộ Công thương được quyết tăng giá điện từ 5% đến 10%.
Lẽ đương nhiên, nhóm lợi ích điện lực chỉ cần có thế !
Cùng với Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản của "cá mập" EVN, cho đến lúc đó sự nghiệp "lobby tăng giá" của EVN đã thành công bước đầu.
Vì đối với nhóm lợi ích EVN và Bộ Công thương mà từ rất lâu rồi người ta vẫn ví là "nhóm cá mập" hay "bạch tuộc," chỉ cần được chính phủ bật đèn xanh tăng giá điện và tăng vài chục phần trăm mỗi năm mà chưa cần đến việc Bộ Công thương xin ý kiến chính phủ cho trường hợp tăng giá điện trên 10%, đã đã đủ để "bù giá vào dân".
Theo đó và trong trường hợp "nhân đạo" nhất, EVN sẽ được quyền tự quyết định tăng giá điện dưới 5% và được tăng hai lần một năm, nghĩa là giá điện ngay trong năm 2017 sẽ tăng khoảng gần 10%.
Còn kém "nhân đạo" hơn, không phải EVN mà chính là Bộ Công thương sẽ "trảm" dân. Nối tiếp truyền thống "đi đêm" và "bảo kê" từ thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đương kim Bộ trưởng Trần Tuấn Anh của bộ này - nhân vật suýt thành công với người anh em cọc chèo Lê Phước Vũ trong dự án Thép Hoa Sen-Cà Ná ở Ninh Thuận, sẽ có hai lần tăng giá điện trong năm với biên độ gần 10%/lần, để "kết quả dân chúng" bằng tỷ lệ tăng cả năm lên đến gần 20% !
Dường như có một mối quan hệ đáng ngờ, rất đáng ngờ giữa chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Bộ Công thương và EVN.
**************
Phần 2
Núi lỗ ba chục ngàn tỷ đồng từ 10 năm trước vẫn kéo dài hậu quả cho đến tận ngày hôm nay, nhưng cái di họa tàn bạo và kinh khủng nhất là EVN đã bắt cả dân tộc phải chịu chung núi lỗ mà nó gây ra.
EVN đang nằm trong danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2015 của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
Người dân than trời !
"Giá điện bị ‘đánh úp’ : Người dân than trời !" - một ít tờ báo nhà nước lại rền rĩ, trong lúc hai tầng lớp thu nhập trung bình và người nghèo Việt Nam còn nặng gánh lo toan về chuyện vừa tiện tặn vừa khốn khó hơn cả những năm trước.
Chị Lan Hồng (nhà ở quận 12, Sài Gòn) cho biết khi giá điện tăng 6,08%, tính ra gia đình chị mỗi tháng phải trả thêm khoảng 200.000-300.000 đồng. "Hiện tại người dân đã vất vả vì viện phí, học phí… tăng, nay lại thêm tiền điện tăng. Các mặt hàng tiêu dùng tới đây cũng sẽ "té nước theo mưa" tăng theo, trong khi thu nhập của những thành viên trong gia đình không tăng" – chị Hồng thở dài.
Từ nhiều ngày trước khi thông tin tăng giá điện mới được công bố, các chủ trọ ở Sài Gòn đã sớm thông báo cho người thuê phòng về việc sẽ tăng nâng giá điện cao hơn bình thường. Bà Nguyễn Thị Dung (chủ khu trọ hơn 20 phòng ở quận Thủ Đức, Sài Gòn) cho biết, khu trọ của bà đa số là sinh viên và công nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Với mức giá hiện hành vào năm 2017, mỗi tháng đến kỳ đóng tiền điện, người thuê trọ đã than lên than xuống, còn khi nhà nước tăng giá thì buộc bà cũng phải tăng theo. "Thu nhập của công nhân, sinh viên chẳng được bao nhiêu mà điện, nước, chi phí sinh hoạt cứ tăng lên như vậy thì làm sao họ chịu nổi ?", bà Dung nói.
Cũng như bà Dung, bà Lê Thị Hạnh (chủ hai dãy phòng trọ tại Khu đô thị Đại học Quốc gia) cho hay, bình thường giá điện áp dụng cho các phòng trọ là 3.500 đồng/kwh, nay nhà nước tăng giá thì bà cũng tăng thêm khoảng 1.000 đồng/kwh. Dù mức tăng không cao lắm nhưng khi tính chung cả khu trọ cộng lại, kèm theo thuế VAT nữa thì sinh viên ở trọ cũng phải tăng thêm một khoản kha khá để bù vào tiền điện.
Sinh viên Nguyễn Thị Mỹ Linh (ở trọ tại quận Thủ Đức, Sài Gòn) cho biết, với giá điện như hiện nay đã là gánh nặng rồi, giờ tăng thêm sẽ khiến nhiều sinh viên phải chắt chiu hơn trong các khoản sinh hoạt để trả tiền điện. "Lâu nay bọn em đóng 3.000 đồng/kwh, cách đây mấy ngày, chủ trọ qua thông báo sẽ tăng lên 4.500 đồng/kwh do giá điện nhà nước tăng. Bình thường mỗi tháng phải trả 300.000 đồng tiền điện là bọn em đã thấy khó rồi, giờ tăng lên nhiều như vậy, bọn em chưa biết xoay xở thế nào", Linh lo lắng.
Tương tự, chị Trần Thị Lan Anh (công nhân thuê nhà tại quận Bình Tân) rất lo lắng khi giá điện tăng thêm hơn 6% khiến mỗi tháng gia đình chị chi phí thêm khoảng 500.000 đồng. Chị cũng lo ngại giá điện tăng thì giá cả hàng hóa khác cũng sẽ tăng theo. "Vợ chồng tôi tổng lương thu nhập, tính cả tăng ca chỉ khoảng 15 triệu đồng/tháng. Chi phí đó vừa đủ trả tiền thuê nhà trọ, nuôi hai đứa con đi học, còn dư vài trăm để dành phòng khi đau ốm. Giờ điện tăng, gas tăng, thực phẩm tăng nữa… tôi chưa biết phải xoay thế nào khi năm hết, tết đến", chị Lan Anh nói.
Điện tăng giá không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của công nhân, người dân ở thành thị mà người dân sống bằng nghề nông cũng thấp thỏm lo âu khi chi phí cho sản xuất nông nghiệp tăng thêm. "Cộng tiền điện, phân bón, công chăm sóc thì mỗi sào rau làm ra lời lãi chẳng được bao nhiêu. Giờ điện lại tăng giá thì mỗi tháng chúng tôi phải thêm vài triệu đồng cho việc tưới tiêu, thắp đèn chiếu sáng, nông dân thêm khó khăn", ông Hoàng Văn Nam (54 tuổi, nông dân trồng rau ở quận 12, Sài Gòn) nói.
Ở góc độ sản xuất, tiền điện chiếm phần không nhỏ trong tổng giá thành sản xuất của một doanh nghiệp. Vì vậy, khi giá điện tăng, tức là giá thành sản phẩm cũng tăng. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bị tác động mạnh từ việc tăng giá điện, đặc biệt là các lĩnh vực sử dụng lượng điện lớn như thép, xi măng, dệt may, nhựa, thủy sản.
Trong khi đó, trong bối cảnh không thể tăng giá bán sản phẩm thì lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ ngày càng sụt giảm. Còn nếu tăng giá bán sản phẩm thì gánh nặng lúc ấy sẽ đổ lên người tiêu dùng…
Cặp song sinh tàn phá đất nước
Ở Việt Nam, EVN là một trong những dẫn chứng sống động và dối trá nhất về việc chính thể độc đảng đã mượn dĩ vãng kinh tế chỉ huy để trục lợi như thế nào. Trong điều kiện nền chính trị độc đảng, thủ đoạn lợi dụng càng trở nên có ý nghĩa hơn. Độc quyền và đặc lợi cũng vì thế đồng nghĩa với tội đồ, đối với nền kinh tế và đời sống dân sinh.
Năm 2011, vào lúc nền kinh tế Việt Nam dợm chân vào suy thoái, sự đổ bể của hai thị trường chứng khoán và bất động sản đã kéo theo một phát minh không tiền khoáng hậu kể từ thời mở cửa : những doanh nghiệp nhà nước đặc trưng bởi chủ thuyết "giá chỉ có tăng chứ không giảm" như EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) và Petrolimex (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) đã tạo thành cặp song sinh có chung hậu môn. Hàng loạt chiến dịch đầu tư trái ngành của các tập đoàn này vào chứng khoán, bất động sản và bảo hiểm rốt cuộc đã tích đọng gánh nợ đến trên 40.000 tỷ đồng.
Trong suốt nhiều năm qua, toàn bộ số nợ nần đó đã được EVN và Petrolimex tuồn qua tuyến đại tràng để đổ lên đầu người dân đóng thuế.
Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex Bùi Ngọc Bảo và Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành ký kết thỏa thuận hợp tác ngày 19/04/2018
Nhưng cũng trong suốt nhiều năm qua, bất chấp những đợt tăng giá điện vô tội vạ của EVN và Petrolimex, đã không có bất cứ cuộc kiểm tra nào được làm tới nơi tới chốn.
Như một quy luật, giá điện và giá xăng dầu tìm mọi cách tăng vào thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội. Còn trong thời gian phiên họp Quốc hội, những nhà làm giá lập tức áp dụng chính sách giảm giá, nhưng chỉ là giảm cho có, để thường sau khi Quốc hội "thành công tốt đẹp", giá lại ào ào tăng lên.
Nhưng những cú tăng giá ‘nhân đạo’ vào những năm trước đã không đủ để bù lỗ cho EVN. Đến quý 1 năm 2015, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải lần đầu tiên phải thừa nhận thế cùng quẫn của "đứa con hoang đàng" của mình : Nếu không tăng và thậm chí không tăng mạnh giá điện, EVN sẽ phá sản !
Nếu EVN phá sản, đó sẽ là thất bại ghê gớm đối với cơ chế độc quyền nhà nước "nói mãi vẫn không chuyển" và "ăn của dân không chừa thứ gì". Nhưng trên tất cả, đó sẽ một sự báo oán lớp dân chúng cùng các đời con cháu của họ không biết làm gì nên tội.
Nếu không tăng giá "bù lỗ vào dân", phá sản là chắc chắn. Bởi vào những năm 2007-2009, EVN đã trở thành tác nhân gây ra khoản lỗ khủng khiếp lên đến 30.000 tỷ đồng khi đầu tư trái ngành vào bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm. Cho đến năm 2018, hậu quả đầu tư lỗ lã và chôn vốn ấy vẫn chưa được EVN xử lý xong.
Cuối năm 2017, một khoản nợ khổng lồ lên đến 9,3 tỷ USD của EVN được công bố. Chi tiết cần đặc tả không kém là vốn vay của EVN phần lớn là nợ vay được chính phủ bảo lãnh.
Nhưng 9,3 tỷ USD chưa phải hết. Kết luận của hãng kiểm toán Delotte Việt Nam, đơn vị kiểm toán cho EVN đã nhấn mạnh : Tổng nợ phải trả của tập đoàn này đã lên đến xấp xỉ 487 ngàn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Hiện thời, EVN nằm trong nhóm quán quân về "chúa chổm" trong số các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam.
Núi lỗ ba chục ngàn tỷ đồng từ 10 năm trước vẫn kéo dài hậu quả cho đến tận ngày hôm nay, nhưng cái di họa tàn bạo và kinh khủng nhất là EVN đã bắt cả dân tộc phải chịu chung núi lỗ mà nó gây ra.
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 17/12/2018
Từ 1 tháng 12, giá điện đã tăng thêm 6%. Quyết định tăng giá được công bố vào ngày 30 tháng 11 và có hiệu lực từ 0 giờ ngày 1 tháng 12.
Quốc kỳ Trung Quốc tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Hình minh họa. Ảnh : Lê Anh Hùng.
Theo Bộ Công Thương Việt Nam thì lý do cơ quan này chuẩn y đề nghị tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là vì EVN đang lỗ. Năm ngoài EVN lãi 2.658 tỉ đồng nhưng đó là lãi thu về từ "các hoạt động sản xuất kinh doanh khác liên quan đến điện" chứ "hoạt động sản xuất kinh doanh điện thuần túy" thì lỗ, thậm chí lỗ nặng (khoảng 600 tỉ đồng) vì giá bán thấp hơn giá thành.
Cũng theo Bộ Công Thương Việt Nam thì EVN (tập đoàn nhà nước độc quyền cung ứng điện năng) không thể lấy lãi từ "các hoạt động sản xuất kinh doanh khác liên quan đến điện" bù đắp cho khoản lỗ từ "hoạt động sản xuất kinh doanh điện thuần túy" vì trước giờ, khoản lỗ 9.500 tỉ đồng của EVN do "chênh lệch tỉ giá" vẫn chưa được cân đối và vì vậy, chính phủ Việt Nam cho phép EVN tăng giá điện để xóa lỗ.
Cả các chuyên gia lẫn báo giới đã đề nghị cho biết chi tiết hơn về hoạt động của EVN để đối chiếu thực hư cũng như nguyên nhân thực tạo ra các số liệu liên quan đến lãi/lỗ nhưng từ Bộ Công Thương tới EVN cùng từ chối.
Để xoa dịu sự nghi ngại và bất bình của dân chúng đối với EVN, chính phủ Việt Nam từng thành lập một Tổ Công tác thẩm tra giá thành sản xuất điện. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, thành viên trong tổ công tác vừa kể thú thật với tờ Lao Động là không chỉ ông ta mà nhiều thành viên trong Tổ Công tác thẩm tra giá thành sản xuất điện "bất ngờ" trước sự kiện giá điện tăng ! Ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam, một thành viên khác của tổ công tác, tiết lộ, đến nay, kế hoạch điều chỉnh giá bán điện vẫn là "tài liệu mật". Hóa ra chuyện thành lập tổ công tác với những thành viên đại diện cho dân chúng cũng như doanh giới "thẩm tra giá thành điện" chẳng khác gì dụng… hư chiêu !
Tờ Tuổi Trẻ kể rằng, hôm 30 tháng 11, tại cuộc họp báo về giá điện, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương, nhắn nhủ dân chúng và doanh giới rằng, tuy giá điện tăng nhưng hệ thống công quyền Việt Nam sẽ hạn chế tối đa tác động của quyết định này tới các gia đình, đặc biệt là những gia đình nghèo và các doanh nghiệp (?).
Tuy lời trấn an này hết sức phản động nhưng lạ là các viên chức chính phủ vẫn dùng thường xuyên. Khi giá điện tăng thì lấy gì để kềm giá các dịch vụ, sản phẩm thiết yếu khác không tăng ? Giá điện tăng, doanh giới không tăng giá bán sản phẩm, giá cung cấp dịch vụ thì dùng gì để bù lỗ ? Giá bán các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu tăng thì các gia đình, đặc biệt là những gia đình nghèo có thể tự in tiền để chi dùng hay phải thắt lưng buộc bụng chặt hơn ?
Theo lời ông Tuấn, giá điện tăng chỉ khiến chỉ số giá tăng thêm 0,08%. Các gia đình, đặc biệt là những gia đình nghèo có bị ảnh hưởng nhiều không ? Câu trả lời là có. Thậm chí rất nặng nề.
Cách nay ba tháng, ông Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia kinh tế làm việc tại Đại học Fulbright, từng công bố một phân tích kèm cảnh báo, người nghèo đang bị tổn thương nặng nề vì năm, bảy năm gần đây, giá của các loại sản phẩm, dịch vụ liên tục gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, y tế. So với tháng 8 năm 2016 thì tháng 8 năm 2017, giá dịch vụ giáo dục tăng 11,5%, giá dịch vụ y tế tăng 64.8%. Đây là những dịch vụ không thể thay thế, không thể mặc cả và tất cả mọi người chỉ còn một cách là… chịu đựng. Cũng theo lời ông Vũ Thành Tự Anh thì có thể khống chế được lạm phát, kiểm soát tình trạng vật giá phi mã nếu… muốn làm.
Làm sao khống chế được lạm phát, kiểm soát tình trạng vật giá phi mã khi giá điện tăng như đã kể ?
Làm sao giá điện không tăng khi EVN phát triển hàng loạt nhà máy đốt than để phát điện và bây giờ, giá than trên thị trường thế giới tăng gấp đôi ? Làm sao giá điện không tăng khi chính phủ Việt Nam chỉ đạo EVN phải mua than của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) để giữ cho bằng được một "anh cả" của "nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" dù giá bán than của TKV mắc hơn cả than nhập cảng ? Làm sao giá điện không tăng khi đầu tháng 10, Bộ Công Thương đột ngột ra lệnh ngưng mua điện từ thị trường phát điện cạnh tranh (hình thành năm 2012 nhằm phá vỡ tình trạng độc quyền về nguồn điện, khuyến khích doanh nghiệp ngoại quốc, doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào sản xuất điện, buộc EVN phải mua điện của những nhà máy điện báo giá thấp nhất), chuyển qua mua điện của các nhà máy phát điện bằng khí đốt dù giá điện mà các nhà máy này của một số "anh cả" bán cao ngất ngưởng ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 07/12/2017