Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/12/2018

2018, một năm quá nhem nhuốc của ngành giáo dục Việt Nam

Song Chi

Thật ra bức tranh toàn cảnh của ngành giáo dục Việt Nam dưới chế độ độc tài do đảng cộng sản lãnh đạo đã nhem nhuốc từ lâu lắm rồi chứ không phải bây giờ. Nhưng phải nói năm nay là một năm mà những vụ bê bối về đạo đức của những con người mang danh nhà giáo, hoặc làm việc trong ngành giáo dục, càng bung bét ở "tầm cao mới", khiến dư luận không khỏi phẫn nộ.

giaoduc1

Thí sinh làm thủ tục tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Ảnh : Nhật Nam

Những năm trước, báo chí đã đưa tin những vụ cô giáo, bảo mẫu bạo hành trẻ, thậm chí có trường hợp làm trẻ phải tử vong. Những vụ việc như vậy khá nhiều, chì cận google cụm từ "bảo mẫu, cô giáo mầm non bạo hành trẻ" là ra hàng loạt.

Lớn hơn một chút ở bậc tiểu học, trung học cô sở, trung học phổ thông là những vụ thầy đánh trò, trò đánh thầy, học trò, cả nam lẫn nữ, đánh nhau chửi nhau ; cô giáo xúc phạm học sinh đến mức uất ức phải tự tử : "Bị cô giáo xúc phạm, một học sinh nhảy lầu tự tử ?", VOV, chuyện xảy ra năm 2012 với một nữ sinh lớp 12A7 (SN 1994, trú tại xã Đông Sơn, Đông Hưng, Thái Bình), "Nam sinh lớp 7 treo cổ, gia đình tố cáo nhà trường", VietnamNet, chuyện xảy ra năm 2013 ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh)… Những chuyện bê bối như thầy giáo gạ tình nữ sinh, học sinh bị lạm dụng tình dục, thậm chí bị cưỡng hiếp vì những người kẻ không xứng đáng làm thầy, như vụ ở tỉnh Phú Thọ, năm 2010 ("Thầy giáo dạy toán hại đời nữ sinh lớp 10", báo Dân Trí), Thanh Hóa, năm 2014 : ("Thầy giáo "yêu râu xanh" hại đời nữ sinh 16 tuổi", báo Người Lao động), Thanh Hóa, năm 2015 ("Nữ sinh 14 tuổi 2 lần bị thầy giáo cưỡng bức", báo Đất Việt) v.v…

Một trong những vụ việc gây chấn động xã hội nhất là vụ ông Sầm Đức Xương, nguyên hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, Hà Giang, mua dâm một số học sinh từ 13 đến 17 tuổi. Đáng nói hơn, có những em không chỉ bán dâm cho hiệu trưởng mà còn bị ép bán cho người khác theo sự chỉ dẫn của ông Sầm Đức Xương. Trong phiên sở thẩm lần hai vào tháng 3 năm 2010 ông Sầm Đức Xương đã bị tuyên 9 năm tù giam. Việc xét xử vụ án cũng làm lộ nhiều nghi vấn về các quan chức tỉnh có liên quan đến vụ án, trong đó có ông Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch UBND Tỉnh Hà Giang.

Nghĩa là đạo đức của ngành giáo dục xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã rớt xuống đáy từ lâu rồi, có lẽ chỉ là do tần suất các vụ scandal trong ngành giáo năm nay dày đặc hơn thôi.

Càng ngày dư luận càng được nghe/đọc/chứng kiến những "ông thầy, bà cô" hoàn toàn không có phẩm chất đạo đức, tính cách, tư cách phù hợp của một nhà giáo, nhưng lại đứng lớp và có những hành vi vô cùng phản giáo dục, hay thậm chí vô đạo đức, đối với học trò của mình.

Đầy dẫy những câu chuyện thầy cô bạo hành học sinh về mặt tinh thần, tâm lý lẫn thể chất :

Mắng chửi học sinh, học viên bằng những từ ngữ thô tục, cãi tay đôi với học viên v.v… như vụ cô giáo một trung tâm dạy tiếng Anh xưng mày tao, chửi học viên là "óc lợn" vì không chịu nộp phạt 100, 000, sau đó mới vỡ lẽ ra cô giáo này chỉ có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán ("Mạt sát học viên 'mặt người óc lợn' : Đừng biến giáo dục thành cái chợ",Tiền Phong). Và nhiều vụ việc khác "Đắng lòng những vụ thầy cô chửi mắng học sinh gây sốc dư luận", Dân Việt.

Trừng phạt học sinh bằng những biện pháp cực kỳ phản giáo dục :

Cô giáo trường tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng) bắt một em học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng "Cô giáo Hải Phòng phạt học sinh lớp 3 uống nước giặt giẻ lau bảng vì nói chuyện riêng trong lớp", báo Thời Đại.

Cô giáo trường Trung học cơ sở Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình trừng phạt học sinh bằng cách để cho các bạn khác trong lớp tát vào mặt tổng cộng 231 cái, đáng nói hơn trước đó cô từng nhiều lần sử dụng biện pháp phản giáo dục này ("Ba tháng làm chủ nhiệm lớp, cô giáo "tặng" học trò hơn 900 bạt tai ?"). Và từng có hành vi bạo hành học sinh ở trường cũ - trường Trung học cơ sở Hải Ninh ("Tiết lộ bất ngờ về cô giáo phạt học sinh 231 cái tát ở Quảng Bình", Tin Mới)…

Sự việc này chưa kịp lắng xuống thì lại "Xôn xao giữa Thủ đô, học sinh lớp 2 bị cô giáo phạt tát 50 cái ?", xảy ra tại trường tiểu học Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội…

Thầy cô thiếu đạo đức còn thể hiện qua nhiều vự việc khác như "Sóc Trăng : Hiệu trưởng mầm non tham ô hơn nửa tỉ đồng tiền ăn của trẻ", Một Thế Giới ; Đà Nẵng : "Khởi tố cựu hiệu trưởng ăn chặn tiền của học sinh mầm non", báo Giao thông ; Hậu Giang, Hiệu trưởng, giáo viên "Xén suất ăn sáng của trẻ mẫu giáo, lấy tiền chia nhau", Đất Việt…

Những vụ lạm dụng tình dục, kể cả cưỡng hiếp học sinh vẫn xảy ra nơi này nơi khác, nhưng gây shock mới nhất là vụ ông Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ bị tố cáo lạm dụng tình dục hàng chục nam sinh trong nhiều năm liền ("Rùng mình lời tố cáo hiệu trưởng ép hàng loạt nam sinh quan hệ tình dục", Tuổi Trẻ)… Hiện tại, tay Hiệu trưởng đồi bại này đã bị bắt để điều tra.

Từ tất cả bức tranh xám xịt này của ngành giáo dục, đã làm nổi lên những vấn đề rất đáng phải suy nghĩ :

1. Tại sao những con người có ăn có học, được đào tạo để trở thành những nhà giáo, những viên chức trong ngành giáo dục, lại có thể hành xử vô đạo đức, vô lương tâm, tàn ác và cực kỳ thiếu hiểu biết về giáo dục, về pháp luật như vậy ?

Do "đầu vào" : sự lựa chọn không nghiêm túc, rành mạch, công minh khiến một số người không đủ phẩm chất, năng lực làm nghề giáo hoặc làm viên chức ngành giáo dục (không loại trừ những trường hợp con ông cháu cha, chạy chức, chạy "ghế"…) nhưng vẫn lọt vào ?

Với những người bạo hành học sinh, có phần do những bức bối trong đời sống hàng ngày dồn nén lại và không biết trút vào đâu bèn trút lên đầu những đứa trẻ vô tội, những học sinh của mình ?

Trong cả hai trường hợp : bạo hành hay lạm dụng tình dục học sinh, là do bản thân họ không hề có ý thức tôn trọng trẻ/học sinh, và coi thường pháp luật ?

2. Khi sự việc xảy ra, điều khiến dư luận thêm phần phẫn nộ không chỉ là sự dối trá của bản thân người làm nên hành động sai trái vô đạo đức, mà cả sự bao che, vô cảm, vô trách nhiệm những người xung quanh.

Như vụ cô giáo trừng phạt học sinh bằng cách cho các học sinh khác tát 231 cái (trong đó cái cuối cùng là của chính cô giáo), trước đó đã từng sử dụng biện pháp tương tự với nhiều học sinh khác nhưng nhà trường vẫn làm lơ, khi phóng viên tới điều tra về vụ 231 cái tát, bà Hiệu trưởng còn yêu cầu đừng làm lớn chuyện sợ ảnh hưởng tới tiếng tăm của nhà trường ! Sau đó bà Hiệu trưởng này còn cho các em học sinh làm bản khai về việc đã tát bạn với những câu hỏi chủ yếu nhằm giảm nhẹ sự việc, chứ không phải vì mục đích khảo sát như bà phân bua !

Trong vụ tay Hiệu trưởng lạm dụng tình dục hàng chục nam sinh trong nhiều năm trời, và theo như lời kể của các nạn nhân thì có vẻ như một số thầy cô giáo cũng đoán biết nhưng tại sao họ lại im lặng ? Thậm chí đáng kinh sợ hơn là có thể có những sự tiếp tay, đồng lõa ở mức độ nào đó. ("Giáo viên không vô can nếu biết hiệu trưởng xâm hại học sinh", VietnamNet), "Cái xấu tồn tại bởi sự vô tâm, vô trách nhiệm của giáo viên", Người Lao Động). Chỉ vì sợ mất việc, sợ ảnh hưởng đến thành tích của trường mà họ mặc kệ cho các em bị hành hạ hay sao ? Nếu chuyện đó xảy ra với chính con em họ thì họ sẽ cảm thấy như thế nào ?

3. Sau bao nhiêu năm, giáo dục xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chứng tỏ là một nền giáo dục thất bại hoàn toàn. Song nếu không đi tìm nguyên nhân từ gốc rễ, thay đổi tận gốc rễ thỉ sẽ chẳng ăn thua gì-đó là một nền giáo dục không đặt Con Người lên trên hết, không dạy làm Người trước khi dạy kiến thức, không dạy cho con người lòng tự trọng, sự tự chủ, tự do-nên mới sinh ra bao thế hệ con người không biết và không dám phản ứng với cái sai, cái xấu. Một nền giáo dục dối trá, hoàn toàn thiếu vắng tính nhân bản, nên đã tạo ra những con người gian dối, vô cảm, thậm chí tàn ác, vô lương tâm.

Riêng việc không giáo dục kỹ càng về giới tính để học sinh biết cách tự bảo vệ mình, thật ra cũng là nằm trong việc không đặt học sinh/con người lên trên hết, không dạy cho học sinh biết tôn trọng chính mình.

4. Nếu nhìn vào những người đứng đầu ngành giáo dục xã hội chủ nghĩa lâu nay thì phải nói thật là chả có gương mặt nào có đủ tâm đủ tầm, nhưng ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đương nhiệm thì quả là một nhân vật mà từ thần thái, lời ăn tiếng nói, cho tới hành động hoàn toàn không xứng đáng với cương vị. Cũng như các quan chức Việt Cộng khác, ông Phùng Xuân Nhạ cũng bằng cấp đầy mình : giáo sư, tiến sĩ ngành Kinh tế, chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước. Giáo sư mà nói ngọng không thèm sửa ! Bị tố cáo có các hành vi đạo văn và đăng bài ở các tạp chí giả khoa học, đạo văn của người khác, lũng đoạn Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước khi vào tháng 10/2016, với tư cách Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, ông Nhạ ký quyết định công nhận mình đạt chuẩn giáo sư chuyên ngành kinh tế !

Nhiều người đã lên tiếng kêu gọi ông Nhạ từ chức. Nhưng tất nhiên, cũng như bao nhiêu quan chức khác, như ông cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước kia hay bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức, ông Nhạ vẫn ung dung tại vị !

Nhìn vào người đứng đầu như thế thì giáo dục Việt Nam không nát mới là lạ. Và năm sau, năm sau nữa, khả năng rất cao là chúng ta lại sẽ đọc thấy những câu chuyện tổi tệ tương tự hoặc hơn, của ngành giáo dục trong bức tranh toàn cảnh nhem nhuốc chung của nhiều lĩnh vực khác ở Việt Nam.

Song Chi

Nguồn : RFA, 19/12/2018 (songchi's blog)

Quay lại trang chủ
Read 687 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)