Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/12/2018

Hãy học cách "làm người" thay vì "làm bánh"

Cánh Cò

Hãy học cách "làm người" thay vì "làm bánh", hỡi các hiệu trưởng ơi !

Bản tin của tờ Tuổi Trẻ đăng ngày 27 tháng 12 năm 2018 tuy ngắn nhưng có khả năng kéo dài suy nghĩ của người đọc. Nó liên quan tới nền giáo dục nước nhà cũng như hé lộ mặt trái của cái được gọi là "phần thưởng" dành cho các chức sắc trong ngành :

"Nhằm đa dạng môn nghề phổ thông trong trường học cũng như học phần dinh dưỡng, ngày 27/12 hiệu trưởng các trường Trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đến nhà máy bánh ở đường Đồng Minh, Thành phố Cao Hùng, Đài Loan tiếp xúc, học cách làm bánh dứa.

banh0

Các hiệu trưởng trường Trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh học trải nghiệm làm bánh dứa để mang về cho học sinh, làm phong phú học phần dinh dưỡng. (Ảnh: Thảo Thương)

Mỗi thầy, cô được nhận nguyên liệu gồm nhân dứa, bột mì, trứng, bơ. Các hiệu trưởng thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật làm bánh và cho vào 3 khuôn.

Sau 20 phút khi bánh đã nướng chín, thầy cô thưởng thức, mang sản phẩm và công thức về cho trường, cho học trò".

Theo thông tin của Sở Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh thì hiện có 131 trường Trung học phổ thông và 6 trường chuyên trên toàn thành phố và nếu thông tin của báo Tuổi Trẻ chính xác thì gần 200 hiệu trưởng có mặt trong chuyến đi này. Với gần hai trăm hiệu trưởng sang Đài Loan chỉ để học làm một môn bánh dứa thì liệu có phải Sở Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh xem thường phụ huynh học sinh của nó một cách quá lộ liễu hay không ?

Nhìn bản tin chi tiết người đọc không khỏi ngạc nhiên về tư duy của Sở Giáo dục khi xác định thành phần dinh dưỡng dứa, trứng, bơ và bột mì có trong chiếc bánh dứa tại thành phố Cao Hùng đáng phải mang hai trăm hiệu trưởng sang để học rồi về truyền lại cho thầy cô giáo khác dạy cho học sinh trong các trường. "Sau 20 phút khi bánh đã nướng chín, thầy cô thưởng thức, mang sản phẩm và công thức về cho trường, cho học trò". Quả thật chưa thấy quốc gia nào xài tiền dân một cách phung phí như vậy, tốn tiền vé máy bay, nơi ăn chốn ở cho hai trăm con người để mang về mấy cái bánh dứa mà bất cứ chợ quê nào của Việt Nam cũng đều có bán.

Bánh Việt Nam không đủ tiêu chuẩn dinh dưỡng chăng ? Vậy thì các vị Tiến sĩ ngành hóa sinh đâu không xăn tay áo lên làm một nghiên cứu về vấn đề này mà lại để nhọc công các vị hiệu trưởng đáng kính của chúng ta phải lặn lội sang tận xứ Đài mà học bài học làm bánh vậy ?

Ngành Giáo dục bộ chưa đủ xấu hổ về chuyện của Hiệu trưởng ấu dâm đồng tính Đinh Bằng My hay sao lại vẽ ra thêm chuyện đi Đài Loan học làm bánh, một thứ bánh mà bất cứ ai cũng có thể học tại Việt Nam trong vòng hai giờ đồng hồ. Các chức sắc của Sở Giáo dục muốn ban thưởng cho thuộc hạ thì hiếm gì cách sao lại mang cái cách mà ai cũng có thể thấy ngay là "kệch cỡm" tới mức chỉ cần nghĩ tới cũng đủ thấy tư duy của quý vị suy dinh dưỡng tới mức nào.

Nếu báo chí Đài Loan chia sẻ tin này thì thật là....nhục nhã cho ngành giáo dục Việt Nam không biết lấy gì mà chứa cho hết.

Thay vì gửi các hiệu trưởng sang Đài Loan học cách điều hành ngôi trường của mình, cách theo dõi kết quả giảng dạy, cách xét đoán năng lực học sinh, làm sao tăng hiệu quả của việc dạy và học.....thì lại học cách làm bánh. Hỡi các ngài hiệu trưởng quý vị có nhục không khi ngồi 6 giờ đồng hồ trên máy bay như những du khách hạng nhất chỉ để học môn học dành cho phụ nữ trong tiết mục nữ công gia chánh ?

Quý vị không xấu hổ chút nào hay sao khi nhận tấm vé máy bay sang Đài Loan như một tờ giấy thông hành đi về nơi mà quý vị không hề được dạy khi ngồi dưới mái trường từ tiểu học tới đại học rồi chuyên ngành sư phạm. Có bài học nào dạy quý vị nam nhi lại đi học làm bánh như phụ nữ ? Trong khi các kỹ năng khác quý vị mù tịt và nếu có gợi ý được đi học dài ngày thì ai trong quý vị cũng thoái thoát ?

Chính quý vị chứ không ai khác đã và đang tiếp tay cho sự rơi tự do của ngành giáo dục mà câu chuyện học làm bánh này chỉ là một thí dụ rất nhỏ. Nhỏ nhưng nó minh họa toàn diện tư cách, khả năng, tư duy và cả hành vi của quý vị khi mang trọng trách của một hiệu trưởng.

Khi ngồi trên máy bay trở về Việt Nam, có bao giờ quý vị nghĩ rằng những điều mà quý vị "học" được từ xứ Đài sẽ được truyền dạy lại cho học sinh trong ngôi trường của quý vị và chúng sẽ áp dụng kinh nghiệm này trong cuộc đời chúng hay không, nhất là những nam sinh không hề biết nấu một nồi cơm giúp mẹ ?

Có bao giờ quý vị cắn rứt về đồng tiền mà một bà bán hàng rong cắn răng đóng cho quý vị để đi học những thứ mà bà ấy dư sức dạy cho quý vị ?

Có bao giờ quý vị nghĩ rằng câu chuyện đi học của quý vị sẽ là trò cười cho mọi người và ngay cả gia đình quý vị nếu có ai còn chút liêm sĩ sẽ lắc đầu cho cái ghế mà quý vị đang ngồi ?

Nếu những cái "có bao giờ" ấy được quý vị nghĩ tới thì nền giáo dục nước nhà sẽ không tồi tệ như hiện nay. Không lẽ vì thấy nó tồi tệ quá không phương cứu vãn mà quý vị buông tay mặc cho Bộ giáo dục đưa đẩy ra sao thì ra vì quý vị nghĩ rằng mình chỉ là một con tốt thí trong cái hệ thống chằng chịt này ? Và quý vị chỉ im lặng ngửa tay nhận đồng lương cũng như những bổng lộc khác mà họ bố thí cho quý vị để đẩy con cái chúng tôi vào con đường phi giáo dục ?

Cái bánh dứa Đài Loan góp phần làm cho câu chuyện giáo dục thêm dày sau khi hàng trăm ngàn câu chuyện khác đầy ắp trong tâm trí người dân. Đầy nhưng chưa tràn, tới khi nó tràn thì quý vị còn nhiều cơ hội đi học những khóa "làm người" chứ không phải làm "hiệu trưởng" nữa.

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 31/12/2018 (canhco's blog)

Quay lại trang chủ
Read 578 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)