Có rất nhiều điều để lạc quan về nước Mỹ năm 2019, nhưng con người càng ngày càng cô độc tại Tòa Bạch Ốc không phải là một trong những điều đó.
Rác vương vãi trong khuôn viên National Mall hôm 2 Tháng Giêng, 2019, tại Washington, DC, khi chính phủ Hoa Kỳ đóng cửa một phần đã 12 ngày. (Hình : Mark Wilson/Getty Images)
Với hai năm đầu của nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump đang từng bước đi đến lúc kết thúc, những chuyện xảy ra vào tuần qua đã cho thấy một cách quá rõ những ảnh hưởng tai hại đối với một chính quyền tại Washington và nó phải làm cho mọi người Mỹ thuộc mọi khuynh hướng suy nghĩ và quan ngại.
Hôm Thứ Năm, 20 Tháng Mười Hai, 2018, một trong những người cuối cùng còn lại được người ta kính trọng về tinh thần phục vụ và khả năng chuyên nghiệp của chính quyền Trump đã tuyên bố từ chức vì những lý do mà ông giải thích trong một bức thư dài rất lịch sự nhưng thật là tai hại cho ông Trump.
Đến Thứ Bảy, một phần chính phủ bị đóng cửa nghỉ (lần thứ hai trong nhiệm kỳ) vì Thượng Viện từ chối không chịu cho tiền cho việc xây dựng một bức tường dọc theo biên giới với Mexico. Một bức tường mà tổng tổng thống bị ám ảnh dù rằng biết nó không có tác dụng gì và chỉ làm phí phạm hàng tỷ đô la tiền thuế của dân chúng.
Và giữa hai sự kiện đó là thị trường chứng khoán trải qua tuần lễ tệ hại nhất kể từ 2011, một lá phiếu bất tín nhiệm của giới đầu tư quan ngại trước những chính sách của ông Trump.
Tất cả những sự kiện đó đều có một mẫu số chung : Cách cai trị liều lĩnh và hỗn loạn dựa trên cảm tính của ông Donald Trump.
Vào lúc nhiệm kỳ tổng thống của ông đi vào điểm giữa, người ta đã đến lúc phải tự hỏi rằng liệu nước Mỹ còn có thể chịu đựng được bao lâu nữa.
Quyết định của ông tổng thống triệt thoái tất cả binh sĩ Mỹ ra khỏi Syria không những làm tiêu tan chiến thắng quân sự tại một chiến trường then chốt mà còn là một sự phản bội một đồng minh nữa. Nó là lý do cuối cùng khiến ông James Mattis phải từ chức để phản đối.
Ông Mattis là bộ trưởng quốc phòng đầu tiên làm như vậy kể từ khi chức vụ này được lập ra vào năm 1947. Bức thư từ chức của ông rất là bình tĩnh và lễ độ, nhưng cũng vì vậy mà nó càng làm nổi bật cái sự khác biệt giữa hai người. Mọi người Mỹ đều nên đọc.
Ông Mattis viết : "Tuy rằng Hoa Kỳ vẫn còn là quốc gia không thể thay thế được trong thế giới tự do, nhưng chúng ta không thể bảo vệ cho quyền lợi của chúng ta hay thực hiện vai trò đó một cách hữu hiệu mà không duy trì những liên minh mạnh mẽ và tôn trọng những đồng minh đó".
Và ông viết thêm : "Tôi tin rằng chúng ta phải kiên quyết và không trù trừ trong cách đối phó với những quốc gia mà quyền lợi chiến lược càng ngày càng đối chọi với chúng ta".
Ông Mattis hiểu rằng hai nguyên tắc đó – vốn đã giúp nhiều cho nước Mỹ kể từ Thế Chiến Thứ Hai – không thể tách rời nhau. Và đó là điều mà đoạn sau trong thư cho nó có một sức mạnh làm người ta phải suy nghĩ : "Bởi vì ông có quyền có một vị bộ trưởng quốc phòng mà quan điểm phù hợp hơn với quan điểm của ông trong các vấn đề trên cũng như các vấn đề khác, tôi nghĩ rằng tôi nên rời khỏi chức vụ này".
Nói một cách khác, một trong những người hiếm hoi bảo vệ ông Trump khỏi những cái tệ hại của chính ông Trump nay đã rút lui. Và điều đáng buồn là không có bao nhiêu người Cộng Hòa tại Quốc Hội có can đảm gánh vác công việc đó, mà ngược lại họ lựa chọn việc chiều chuộng thỏa mãn những bản năng tệ hại nhất của ông tổng thống như là cuộc bàn thảo chung quanh việc xây bức tường dọc theo biên giới Mỹ Mexico cho thấy.
Ngay cả nếu việc xây bức tường là một biện pháp tốt – và nó rõ ràng là không phải – việc đóng cửa dù là một phần chính phủ để đạt được chuyện đó cũng là một hành động ngu xuẩn. Những người Dân Chủ vừa nắm được quyền kiểm soát Hạ Viện. Điều đó có nghĩa là nhân dân Hoa Kỳ đã cho họ hoàn toàn quyền chia sẻ trách nhiệm quyết định về chi tiêu công quỹ. Phải chăng ông tổng thống muốn qua mặt sự thật này bằng cách làm reo đóng cửa chính phủ ? Cái khuynh hướng bất chấp hiện thực của ông người ta đã biết, nhưng lần này có vẻ như nó còn trải ra đến lãnh vực chính trị.
Tuần lễ này, ông đã áp đặt những đau khổ không cần thiết lên nhiều công chức chính phủ và cho nền kinh tế nói chung – không phải để thực hiện một chuyện gì hay để bảo vệ một nguyên tắc nào, nhưng chỉ để nịnh bợ chiều lòng đám cực đoan trong đảng ông cũng như là giận dữ khi bị ngăn chặn không thỏa mãn. Những người Cộng Hòa tại Quốc Hội đã nuông chiều ông quá lâu, hồi Tháng Mười Một vừa qua đáng lẽ phải là một lời kêu gọi cảnh tỉnh.
Ít nhất thì một vài người Cộng Hòa cũng bắt đầu từ từ nhận thức các chính sách mậu dịch của ông Trump là một thảm họa như thế nào. Cuộc chiến mậu dịch của ông với Trung Cộng chỉ đạt được một số nhượng bộ nhỏ nhoi trong lúc đã làm thiệt hại đáng kể cho công nhân, người tiêu thụ, nông dân và doanh nghiệp Mỹ. Thế nhưng ông Trump có vẻ vẫn tiếp tục quyết tâm làm cho tình thế tệ hơn bất chấp những hậu quả kinh tế.
Trừ phi có một cái gì thay đổi, đặc biệt nếu những người Cộng Hòa tại Quốc Hội chứng tỏ họ có một can đảm nào đó, hai năm thêm nữa có thể là đủ để thử nghiệm xem nước Mỹ có thể chịu đựng được mô hình cai trị tồi tệ kiểu Trump hay không. Tuần qua chúng ta đã có một thoáng nhìn trước về bước đầu của một sự tan rã mà cuối cùng có thể sẽ xảy ra cho chính Hoa Kỳ.
Lê Mạnh Hùng
Nguồn : Người Việt, 02/01/2019