Vụ án một người đàn ông tên là Kim Chol (được cho là Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un) bị ám sát tại Malaysia đang thu hút sự quan tâm của công chúng Việt Nam vì trong hai nghi phạm bị cảnh sát Malaysia bắt giữ và truy tố hình sự có một cô gái người Việt tên là Đoàn Thị Hương, quê ở Nam Định (và người còn lại là Siti Aisyah, người Indonesia). Xin không lạm bàn về các tình tiết hay nội dung vụ án này, chỉ xin nói về cách ứng xử, ở góc độ lãnh sự, tức bảo vệ công dân người Việt ở nước ngoài, và cách truyền tải thông tin về vụ việc đến công chúng.
Nghi phạm Đoàn Thị Hương đối mặt với án tử hình nếu bị kết tội theo luật pháp của Malaysia.
Phiên tòa đầu tiên xử vụ này trong bối cảnh nữ nghi phạm người Việt không có luật sư chỉ định từ phía Việt Nam, chỉ có luật sư chỉ định của Malaysia, trong khi phía Indonesia chỉ định 5 luật sư bào chữa cho công dân nước mình. Cáo trạng của tòa được truyền thông quốc tế và Việt Nam dẫn lại ghi rằng : Hai nữ nghi phạm, cùng 4 người khác vẫn đang lẩn trốn, vào ngày 13/2/2017, tại sảnh khởi hành ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur KILA2, Sepang, quận Sepang, bang Selangor Darul Ehsan, có chung âm mưu sát hại ông Kim Chol, và do đó phạm tội danh bị xử lý theo Điều 302 của Bộ Luật Hình sự và Điều 34 của cùng Bộ Luật. Khi được hỏi có hiểu cáo trạng mà thông dịch viên đã đọc hay không, cả hai nghi phạm đều trả lời có". Tôi hiểu nhưng tôi không có tội", nghi phạm Đoàn Thị Hương nói. Hai nữ nghi phạm đối mặt với án tử hình nếu bị kết tội theo luật pháp của Malaysia.
Về lý thuyết, để công dân Việt Nam phải một mình nơi xứ người, đối diện với một vụ án hình sự (dù sự thật có là gì đi chăng nữa) cho thấy chức năng lãnh sự của cơ quan lãnh sự Việt Nam tại Malaysia hay của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Malaysia chưa được thể hiện đầy đủ. Về luật quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao mà cụ thể là đại sứ quán, hay cơ quan lãnh sự là lãnh sự quán, có nhiệm vụ và chức năng bảo vệ công dân của nước họ ở quốc gia sở tại dựa theo những nguyên tắc ngoại giao mà Công ước Viên 1961 và Công ước Viên 1963 quy định. Tôi tin là các nhà làm công tác ngoại giao và lãnh sự của Việt Nam hiểu rõ điều này. Tuy nhiên nếu so sánh với Indonesia, phản ứng của Việt Nam có phần chậm hơn. Bằng chứng rõ nhất là khi so với nữ nghi phạm là công dân Indonesia, Đoàn Thị Hương thiệt thòi hơn về mặt luật sư.
Tuy nhiên trên thực tế, các thông tin trên các diễn đàn mạng xã hội cho thấy cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Malaysia vốn được phản ánh là rất chuyên nghiệp. Nhiều Facebooker đăng đàn chia sẻ rằng họ từng đến Malaysia và gặp rắc rối về thủ tục giấy tờ (vì gặp sự cố, mất hành lý, mất giấy tờ...), phản ứng của các nhân viên đại sứ quán Việt Nam ở đây rất kịp thời, thậm chí không ngại giúp người dân nước mình ngoài giờ làm việc. Mặt khác, thông tin từ phía thân nhân Đoàn Thị Hương cho thấy phía cơ quan chính quyền Việt Nam ở Việt Nam cũng liên hệ với gia đình, hướng dẫn cách thuê luật sư bào chữa (với giá 2,5 triệu đồng/giờ) và hướng dẫn cách viết đơn để xin nhà nước hỗ trợ. Theo tôi, giai đoạn đầu với một nghi phạm là rất quan trọng, nhất là trong việc cho lời khai, cũng như yếu tố tâm lý (vì chỉ có một mình). Thiết nghĩ công tác thân nhân và hỗ trợ Đoàn Thị Hương ở giai đoạn đầu cần phải nhanh hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn (nếu không được 5 luật sư như Indonesia thì chí ít cũng phải được 1). Như vậy, việc quy trách nhiệm cho đại sứ quán trong trường hợp này là chưa hợp lý, mà cần nhìn rộng hơn về kinh nghiệm ứng xử còn thiếu hiệu quả từ phía cơ quan chính quyền có khả năng chỉ đạo ở Việt Nam. Hy vọng rằng vào phiên tòa tiếp theo, Đoàn Thị Hương sẽ được quốc gia mẹ đẻ của mình bảo vệ.
Vấn đề thứ hai cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp của Việt Nam chính là công tác làm thông tin. Trong thời buổi mạng xã hội bao trùm, hệ thống tin giả, tin sai sự thật, tin cực hữu là rất nhiều. Khi Đoàn Thị Hương bị bắt, báo chí và phát ngôn chính thức từ phía Việt Nam như "nhỏ giọt". Khi một vụ án giết người nghiêm trọng liên quan đến ngoại giao, lại là quan hệ với quốc gia có tiếng là khó chơi như Bắc Triều Tiên, thì tin tức này trở nên nóng, nhiều bạn đọc "khát" và đó là kẻ hở để tin giả, tin suy diễn nở rộ. So với phía Indonesia, thông tin từ Việt Nam vừa chậm, vừa ít, trong khi các bài viết trên Facebook mang tính đoán mò, suy diễn nở rộ vì nhiều đất sống. Phía Indonesia ngay từ đầu đã công bố xác minh quốc tịch nghi phạm, tuyên bố bảo vệ nghi phạm nếu đó chính xác là công dân Indonesia. Trong một khoảng thời gian rất nhanh, song song với việc chờ đợi lãnh sự được tiếp xúc với nghi phạm, Indonesia tiến hành chuẩn bị 5 luật sư để phiên tòa đầu tiên nữ nghi phạm Indonesia được bảo hộ một cách tốt nhất. Các thông tin kịp thời từ chính quyền trong nước và cơ quan đại diện ngoại giao của Indonesia cho thấy không chỉ chức năng bảo vệ người dân của họ rất chuyên nghiệp, mà công tác thông tin của họ cũng rất hiệu quả.
Nhắc lại lần nữa, cách làm việc của đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia xưa nay được đánh giá cao, vậy khả năng họ phản ứng thông tin chậm là rất khó xảy ra. Như vậy, rào cản có lẽ vẫn nằm ở cơ quan thông tin và quản lý thông tin. Điều này có lẽ phải kể đến cơ quan quản lý báo chí ở Việt Nam, và bên cạnh đó là ban tuyên giáo. Sự phối hợp giữa đại sứ quán và các cơ quan thông tin lẽ ra cần hiệu quả hơn, kịp thời hơn để lượng thông tin mang tính suy diễn giảm bớt ; đồng thời gia tăng lòng tin của dân chúng về chức năng bảo vệ người Việt Nam ở nước ngoài của các cơ quan đại sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam.
Cao Huy Huân
Nguồn : VOA, 09/03/2017