Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/01/2019

‘Bộ Chính trị điều chỉnh…’ nhưng đào đâu ra tiền ?

Thường Sơn

Vụ "Bộ Chính trị đồng ý chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư metro số 1 và 2 ở Sài Gòn lên 95.000 tỷ đồng" đã bị Ban Tuyên giáo trung ương và có thể còn ở cấp cao hơn thế chỉ đạo xóa sạch khỏi mặt báo quốc doanh sau khi bị mạng xã hội lên án ‘đảng ngồi xổm trên pháp luật’.

tien1

Hành vi Bộ Chính trị bất chấp Luật Đầu tư công 2014, vội vã ‘ngồi xổm trên pháp luật’ để chấp thuận điều chỉnh tổng mức đầu tư metro số 1 và 2 lên đến 95.000 tỷ đồng phải chăng là một động tác nhằm hợp thức hóa số tiền khổng lồ đã chui gọn vào túi giới quan tham trong dự án này ? Và nếu đúng là như thế, những kẻ nào hay nhóm lợi ích nào đã ‘lobby’ để ‘tập thể Bộ Chính trị’ qua mặt Quốc hội khi thực hiện sự thông qua - chỉ có thể gọi đúng nghĩa là bất hợp pháp - như thế ?

Theo quy định tại Luật Đầu tư công 2014, dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỉ đồng trở lên thuộc dự án trọng điểm quốc gia, phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và Thủ tướng Chính phủ ra quyết định đầu tư. Nhưng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tự phê duyệt điều chỉnh dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 - một biểu hiện quá rõ ràng về tội ‘cố ý làm trái’. Rồi sau đó, tổ chức có tên là ‘Bộ Chính trị’ thậm chí còn làm thay công việc của Quốc hội khi điều chỉnh tổng mức đầu tư của không chỉ một mà đến hai dự án metro.

Tuy thế đến lúc này, dấu hỏi cực lớn là ‘tiền đâu làm dự án’.

Bởi cho tới nay Nhật Bản - nhà tài trợ cho dự án Metro số 1 - vẫn chưa hề cam kết là sẽ bố trí vốn tài trợ cho dự án này, lồng trong cảnh dự án Metro số 1 bị đội vốn đến hơn 30.000 tỷ đồng, từ hơn 17 ngàn tỷ lên đến 47 ngàn tỷ, lập kỷ lục đội vốn trong số các công trình xây dựng giao thông thuộc loại ‘đơn giá đắt nhất hành tinh’ và tỷ lệ ‘ăn chia’ lên đến 50 - 70% giá trị công trình mà chỉ có ở dải đất chữ S thời độc đảng và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong khi đó, phía Việt Nam lại bị Nhật Bản kéo áo đòi số tiền 100 triệu USD còn thiếu nhà thầu Nhật trong thi công dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên ở Sài Gòn. Tất đáng chú ý là cú đòi nợ của Nhật đã từ nhà thầu lên tới cấp đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam rồi đến cấp bộ trưởng ngoại giao Nhật. Có thể cho rằng là lần đầu tiên Nhật Bản - quốc gia mà Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất từ nguồn vốn phát triển chính thức ODA và luôn mơn trớn người Nhật để được vay mượn và nhận viện trợ không hoàn lại nhiều hơn thế, đã công khai phi vụ đòi nợ cho quốc tế biết, bất chấp phía Việt Nam kiên định giữ kín câu chuyện đáng xấu hổ này.

Trước đây, Nhật Bản là quốc gia tỏ ra hào phóng nhất trong chính sách cung cấp viện trợ ODA cho Việt Nam. Từ năm 1992 khi cơ chế ODA được Nhật nối lại với Việt Nam, cho tới nay Nhật đã cung cấp cho Hà Nội khoảng 25 tỷ USD. Trong 5 tính theo năm tài chính Nhật Bản 2012-2016, trung bình mỗi năm, Nhật Bản hỗ trợ ODA cho Việt Nam là 160 tỷ yên (32.500 tỷ đồng) theo hình thức vốn vay, 2,3 tỷ yên (467 tỷ đồng) theo hình thức viện trợ không hoàn lại và 8,7 tỷ yên (1.760 tỷ đồng) theo hình thức hợp tác kỹ thuật.

Ngay vào thời gian những năm 2015 và 2016 khi các chủ nợ lớn nhất của Việt Nam là Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đồng loạt tuyên bố Việt Nam không còn được vay tín dụng với lãi suất ưu đãi và thời gian ân hạn kể từ tháng Bảy, 2017, Nhật Bản vẫn "trung thành" với Việt Nam khi tiếp tục đều đặn rót vào nước này từ 1 – 1,5 tỷ USD hàng năm cho các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở.

Nhưng từ đầu năm 2017, viện trợ ODA của Nhật cho Việt Nam đã giảm dần.

2018, sau vài chục năm "vay mượn, vay mượn ồ ạt cho đến khi sụp đổ", ngân sách Việt Nam đã biến thành một tổ mối đúng nghĩa : tỉ lệ nợ công/GDP vượt xa giới hạn nguy hiểm, còn cộng đồng tài chính quốc tế đang thẳng tay "cấm cửa" vay mượn ODA đối với chính thể mà ngay giới chuyên gia quốc tế còn rành rẽ một giai thoại dân gian : một chương trình an sinh xã hội của chính phủ Việt Nam nhận nguồn ODA có tên là ‘Chương trình 135’, nhưng khi tiền được phân bổ từ cấp cơ quan trung ương xuống cơ quan địa phương rồi đến tay người dân thì đã biến thành công thức ‘5 - 3 - 1’, tức những người khốn khổ nhất trong xã hội lầm than này chỉ nhận một phần quá nhỏ nhưng vẫn phải tự nguyện ‘cám ơn đảng và nhà nước ta’, cũng tự nguyện làm bình phong để giới quan chức có cớ ‘xóa đói giảm nghèo’ để xin ODA.

Từ nhiều năm qua, ODA đã trở thành một trong những quốc nạn về tham nhũng ở Việt Nam. Tỷ lệ thất thoát bình quân tại nhiều dự án ODA được đồn đoán khoảng 20 – 25%.

2018, sau vài chục năm nhận ‘lộc trời’, ODA đã trở thành một trong những bi kịch ‘vĩ đại’ nhất của chính thể Việt Nam.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 08/01/2019

Quay lại trang chủ
Read 510 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)