Ngân sách quốc gia phải cùng lúc nuôi bộ máy hành chính nhà nước và bộ máy hành chính của đảng cộng sản Việt Nam
Tổng thu Ngân sách Nhà nước năm 2022 dự ước đạt 1.803,6 nghìn tỷ đồng
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết bên cạnh phòng, chống tham nhũng, việc phòng, chống lãng phí cũng cần quan tâm, vì đây là vấn nạn còn nghiêm trọng hơn cả tham nhũng.
Mới đây trong gặp gỡ cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng muốn công tác phòng, chống tham nhũng đạt kết quả cao, phải đẩy mạnh phòng ngừa trước khi chống. Theo Chủ tịch nước, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua được Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành, địa phương luôn quan tâm và làm rất tốt, đạt được những kết quả tốt.
Bên cạnh phòng, chống tham nhũng, theo Chủ tịch nước, đẩy mạnh công tác phòng, chống lãng phí cũng là vấn đề cần quan tâm. Vì đây là vấn nạn còn nghiêm trọng hơn cả tham nhũng.
Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, từ năm 2023, phát động trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính phủ tổ chức phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong nhân dân với chủ đề, nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả.
Từ năm 2023, thường xuyên đánh giá hiệu quả và chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh các bất cập, mâu thuẫn nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Chú trọng xây dựng chính sách quốc gia về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng giai đoạn đối với một số lĩnh vực then chốt, như tiết kiệm năng lượng ; quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản.
Bàn luận quanh vấn đề trên, ghi nhận trong một hội luận của nhóm nhân sĩ đang cộng tác với trang Việt Nam Thời Báo, thì nếu ông chủ tịch nước nhìn nhận "lãng phí là vấn nạn còn nghiêm trọng hơn cả tham nhũng", xem ra rất cần thẳng thắn việc đã lãng phí đến mức độ nào về chuyện ngân sách quốc gia phải cùng lúc nuôi bộ máy hành chính nhà nước và bộ máy hành chính của đảng cộng sản Việt Nam.
Cách đặt vấn đề trên không phải là "phản động" vì đây chính là điều mà ông Phạm Minh Chính lúc còn là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã "thí điểm thực hiện".
Theo đó, trong quá trình xây dựng và phát triển, tỉnh Quảng Ninh nhận thấy những mâu thuẫn trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển và thực tế tại địa phương, trong đó có mâu thuẫn giữa đổi mới hệ thống chính trị chưa tương xứng với đổi mới kinh tế.
Đặc biệt qua rà soát tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập, tỉnh này nhận thấy, bộ máy cồng kềnh chức năng nhiệm vụ trùng chéo.
Giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, có nhiều chức năng nhiệm vụ tương đồng có thể bổ sung, hỗ trợ nhau nhưng thiếu cơ chế bảo đảm tính thống nhất nên có thể làm nảy sinh tình trạng buông lỏng, bỏ sót hoặc phát sinh khâu trung gian như cơ quan tổ chức của cấp ủy với cơ quan nội vụ của chính quyền ; cơ quan ủy ban kiểm tra của Đảng với thanh tra nhà nước.
Bộ máy phục vụ hình thành bên trong mỗi tổ chức chiếm tỷ lệ cao. Tổ chức hội nhiều nhưng hoạt động chưa mạnh, chưa thể hiện được rõ vị thế, vai trò, tính tự nguyện, tự quản, tự trang trải, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật còn thấp.
Vậy là Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đi đến quyết định thực hiện thí điểm hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy với cơ quan chuyên môn khối chính quyền cấp huyện, trong đó giao cho Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy phối hợp triển khai xây dựng, thực hiện đề án hợp nhất và dự thảo quy chế làm việc của cơ quan sau hợp nhất…
Tiếp đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định phê duyệt các Đề án hợp nhất Ban Tổ chức cấp ủy với Phòng Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra cấp huyện. Trên cơ sở này, các huyện, thị, thành phố đồng bộ triển khai thực hiện mô hình Cơ quan Tổ chức – Nội vụ, Cơ quan Kiểm tra – Thanh tra theo đề án đã được phê duyệt.
Thực tế cho thấy, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội có hệ thống tổ chức riêng, hoạt động tương đối độc lập với hệ thống tổ chức của Đảng. Điều này dẫn tới hiện tượng song trùng tổ chức bộ máy có chức năng, nhiệm vụ gần giống nhau giữa một số cơ quan trong hệ thống tổ chức Đảng với cơ quan bên chính quyền như Tổ chức với Nội vụ, Thanh tra với Kiểm tra.
Từ thực tế đó, nếu không có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa công tác tổ chức với công tác nội vụ, công tác kiểm tra của Đảng với công tác thanh tra của chính quyền sẽ dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất, chồng chéo, giải quyết vụ việc không kịp thời.
Xuất phát từ đó đòi hỏi thực tiễn cần phải hợp nhất Ủy ban kiểm tra và Thanh tra, Tổ chức và Nội vụ nhằm tăng cường sức mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả, thông qua việc phát huy thế mạnh ở mỗi cơ quan, tận dụng năng lực chuyên môn của cán rút ngắn quy trình công tác, tránh trùng lắp ; khắc phục những hạn chế, tồn tại trước đây để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị hiện nay.
Tuy nhiên vào ngày 07/7/2022, Bộ Chính trị ban hành Thông báo Kết luận số 16-TB/TW với yêu cầu "tạm dừng thực hiện các thí điểm các mô hình sau :
1) Hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền cùng cấp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.
2) Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra cấp ủy đồng thời là Chánh Thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện.
3) Trưởng ban Tổ chức cấp ủy cấp tỉnh đồng thời là Giám đốc Sở Nội vụ; Trưởng ban Tổ chức cấp ủy cấp huyện đồng thời là Trưởng Phòng Nội vụ cấp huyện.
4) Chánh Văn phòng cấp ủy cấp huyện đồng thời là Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Các địa phương đã triển khai thực hiện thí điểm các mô hình trên thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương chỉ đạo sắp xếp lại theo mô hình chung của hệ thống chính trị".
Như vậy mọi việc quay trở lại mốc ban đầu, bất chấp bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng nhiệm vụ trùng chéo.
Tên gọi ở đây chính là "lãng phí chất xám" lẫn "lãng phí tiền thuế" của dân chúng cho chuyện "nuôi" hai bộ máy "song trùng" mà chính đảng cộng sản cũng nhận ra nhưng lại không muốn xóa bỏ.
Trần Dzạ Dzũng
Nguồn : VNTB, 04/01/2023
Sao lại phải giải cứu… nhà nước ?
Hoài Nguyễn, VNTB, 02/12/2022
Căn nhà là giấc mộng trăm năm
Trên thế giới, không quốc gia nào đặt vấn đề giải cứu doanh nghiệp bất động sản, vì thị trường bất động sản cũng được coi như một trong các loại thị trường hàng hóa khác. Việt Nam thì khác, vì nhà nước là "đại diện chủ sở hữu đất đai", nên gặp lúc khốn khó như hiện tại, cần phải… "giải cứu".
Ở Việt Nam, khi cần đất đai cho cú áp phe làm ăn nào đó, thì nhân danh quyền lực nhà nước trong vai trò là "đại diện chủ sở hữu", người ta không mấy khó khăn đề "quy hoạch – thu hồi", ví dụ như vụ Thủ Thiêm của hai mươi năm trước, hay "vườn rau Lộc Hưng" của mấy năm gần đây.
Góc nhìn chuyên môn về thị trường đất đai, có ý kiến, trên thế giới, người ta thường dùng chỉ số tính bằng tỷ lệ giữa giá nhà ở trung bình trên đồng lương trung bình của người lao động để đánh giá hiệu quả của thị trường bất động sản.
Theo đó, các nước Châu Âu và Bắc Mỹ có chỉ số này khoảng từ 2 đến 4. Điều này có nghĩa giả sử mỗi người lao động có thể dành được 25% tiền lương để giải quyết nhà ở, tức là sau 4 năm thì dành được nguyên 1 năm lương cho nhà ở. Như vậy, họ mua được nhà ở sau 8 năm khi chỉ số trên là 2, và sau 16 năm khi chỉ số trên là 4. Chỉ số này ở Thái Lan bên cạnh Việt Nam, chỉ số ấy cũng chỉ là 7.
Còn ở Việt Nam – một quốc gia mà khi tổng kết hai nhiệm kỳ của khóa 11 và 12 cũng như sang luôn nhiệm kỳ thứ 3 ở khóa 13 mà ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng bí thư, được cho rằng "Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", thì chỉ số này từ lâu rồi đã đến ở mức hàng chục là 25.
Có nghĩa theo cách tính như trên, thì nếu đủ sức để thắt lưng buộc bụng, không thất nghiệp nửa chừng, lạm phát hay giảm phát đều vừa phải, và sức khỏe trường thọ thì sau 100 năm, người lao động mới mua được nhà ở.
(Con số của cách tính toán đó góp phần lý giải vì sao người dân ở vườn rau Lộc Hưng đã phải uất hận đến cùng cực, khi năm hết Tết đến, chính quyền đã xua quân đến cưỡng chế đất đai, đập phá nhà cửa bất chấp quy định của pháp luật ; thậm chí Bí thư Thành ủy còn chụp mũ chính trị với bất kỳ ai dám đứng lên kêu gọi thực thi công lý theo đúng pháp luật hiện hành…).
Ai mới là cần được ‘giải cứu’ ở đây ?
Thời sự gần cả năm nay về chuyện thị trường bất động sản ở Việt Nam, là thị trường này đang gặp khó khi nguồn cung ít, thanh khoản kém, cả doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư bất động sản đang rất khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng…
Từ lẽ đó nên một số hội đoàn của nhà nước cho rằng, cần ‘giải cứu’ thị trường bất động sản tránh để rơi vào suy thoái, khủng hoảng có thể kéo theo suy thoái, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.
Đơn cử như Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đưa ra đề nghị tới Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ về ‘giải cứu’ qua việc xem xét nới trần (room) tín dụng thêm 1%, nâng tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 lên 15% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng hơn 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế và sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12/2022 đến trước Tết Quý Mão 2023.
Theo HoREA, các tiêu chí để doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà và nhà đầu tư có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng là các dự án có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi hoặc đang xây dựng dở dang, nhất là các dự án sắp hoàn thành xây dựng, các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở giá vừa túi tiền của các doanh nghiệp có uy tín…
"Nếu tiếp tục rót tiền cứu bất động sản, giá nhà, thì giá đất sẽ còn tăng đến đâu ? Việc lô đất Thủ Thiêm trúng thầu 2,44 tỷ đồng/m2 là giọt nước tràn ly, nếu tiếp tục giải cứu bất động sản bằng cách bơm tiền vào, thì giá đất sẽ còn tăng. Vậy cứu doanh nghiệp bất động sản, ai sẽ giải cứu những người có nhu cầu mua nhà ở thực ?", một luật sư là thân hữu trang Việt Nam Thời Báo, đặt câu hỏi.
Câu chuyện đất đai Thủ Thiêm hay khu "vườn rau Lộc Hưng" chẳng hạn, cho thấy thị trường bất động sản nhà ở tại Việt Nam không phải phục vụ người lao động, mà đó là phục vụ cho giới giàu lên từ bất động sản với những cú áp phe bắt tay làm ăn nhân danh "đại diện chủ sở hữu đất đai".
Thật ra thì chuyện nhân danh này chẳng gì phải chê trách, nếu như "đại diện chủ sở hữu đất đai" hiểu cần phải làm gì hiệu quả nhất để cải cách thị trường bất động sản nhà ở theo hướng giảm giá cho phù hợp với thu nhập bình quân của lực lượng lao động xã hội, rút ngắn con số chờ đợi "trăm năm dành dụm" mới mua được căn nhà…
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 05/12/2022
************************
Đại diện chủ sở hữu cụ thể ở đây là ai ?
Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 05/12/2022
Theo cách hiểu của Đảng cộng sản Việt Nam, thì quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý là cần thiết và quan trọng nhằm duy trì ổn định chính trị – xã hội của đất nước, bảo đảm sinh kế cho người nông dân.
Đất đai là của Đảng
Tài liệu phục vụ tuyên truyền của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương về "Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước đại diện chủ sở hữu ở Việt Nam", viết rằng, quan điểm của Đảng ta là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, giao cho Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý và sử dụng hiệu quả.
Quan điểm này được Nhà nước thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật. Điều 53 Hiến pháp năm 2013 quy định : "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nuyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý".
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định : "Xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là đất đai.
Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đất đai, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện đại hóa lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai.
Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bền vững, hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng đất. Phát triển lành mạnh thị trường quyền sử dụng đất, chú trọng thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng đầu cơ đất.
Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngăn chặn tình trạng để đất hoang hóa, sử dụng đất lãng phí, tăng cường quản lý, khắc phục suy thoái đất.
Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả đất công, đất có nguồn gốc nông, lâm trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các vi phạm, tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi, làm thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất. Hoàn chỉnh công tác điều tra cơ bản, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên đất, nước, rừng, biển, khoáng sản và đa dạng sinh học" (*).
Ông chủ lớn là Đảng không thể vô can
Như vậy với nội dung không chỉ là tuyên truyền mà còn là yêu cầu của văn kiện đảng về chính sách đất đai, cho thấy ông chủ thật sự ở đây về đất đai không phải là nhà nước, mà đó là Đảng cộng sản ; bởi nhà nước ở đây chỉ là "ủy quyền đại diện" của Đảng.
Và với cách nhìn thẳng vấn đề ấy, từ những sai phạm đất đai mà báo chí đăng công khai, cần thiết xem xét trách nhiệm của "ông chủ lớn nhất" đang nhân danh quyền lực tối cao trong đảng ở việc điều hành quốc gia theo điều 4, Hiến pháp 2013.
Một dẫn chứng thời sự cho việc cần thiết xử trí như yêu cầu trên, để qua đó giúp Đảng cộng sản luôn hiểu cần phải phụng sự đất nước chứ không phải chỉ là chuyện nội bộ Đảng như "đốt lò tham nhũng" lâu nay.
Sáng 2/12/2022, tại cuộc họp báo thông tin việc cưỡng chế 26 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại buôn Cuôr Kắp, lãnh đạo UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã thông tin một số nội dung về hành vi hủy hoại đất, mua bán, chuyển đổi, xây dựng trái phép của ông Phan Ngọc Diễn (46 tuổi, trú thành phố Buôn Ma Thuột, giám đốc chi nhánh Ngân hàng HD tại Đắk Lắk) ở buôn Kom Leo, xã Hòa Thắng.
Ông Diễn đã nhận chuyển nhượng 28 thửa đất tại buôn Kom Leo với tổng diện tích gần 8,4ha. Tất cả 28 thửa đất mà ông Diễn nhận chuyển nhượng có quy hoạch là đất trồng lúa, đất rừng và trồng cây lâu năm. Trong 28 thửa đất này chỉ có duy nhất một thửa đất số 73, tờ bản đồ 35, diện tích khoảng 2,5ha đã được cấp sổ đỏ do bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, vợ ông Diễn, đứng tên. 27 thửa còn lại đều chưa có sổ đỏ, việc mua bán đều trái quy định.
Sau khi nhận chuyển nhượng, ông Diễn đã cho khoan đục lấy đá bán, san lấp mặt bằng để xây dựng sân golf mini.
Hành vi tự ý san ủi, làm biến dạng địa hình của ông Diễn đã bị UBND tỉnh Đắk Lắk xử phạt hành chính hai lần với tổng số tiền 165 triệu đồng và buộc phải khôi phục hiện trạng ban đầu.
Tại họp báo sáng ngày 2/12/2022 về việc cưỡng chế 26 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại buôn Cuôr Kắp, khi được báo chí đề cập trường hợp 28 thửa đất chuyển nhượng trái quy định của ông Phan Ngọc Diễn, thì ông Nguyễn Ngọc Lân – trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Buôn Ma Thuột – giải thích đầy khó hiểu : "Trước nay các trường hợp vi phạm mình chưa thu hồi bao giờ, nay thực hiện với ông Diễn sợ không công bằng".
Như vậy nếu đã gọi là "đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý", thì "trị tận gốc" trong vụ việc 28 thửa đất nêu trên, chí ít cũng cần xem xét trách nhiệm hai vị đứng đầu cơ quan đảng : Bí thư tỉnh ủy Đắc Lắc, và Bí thư Chi bộ đảng của Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank).
Trần Dzạ Dzũng
Nguồn : VNTB, 05/12/2022
Chú thích :
(*) Đảng cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn toàn quốc lần thứ XIII, nhà xuất bản. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, trang 152-153.
Bội thu ngân sách nhà nước : Chuyện không thể có ?
Diễm Thi, RFA, 05/03/2021
Bộ Tài chính Việt Nam vào ngày 11 tháng 11 năm 2020 cho trình Quốc hội bản "báo cáo ngân sách dành cho công dân về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021". Mục đích được nói nhằm cung cấp thông tin đơn giản, dễ hiểu nhất về ngân sách nhà nước năm 2021 cho người dân.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước ở Hà Nội. AFP
Trong đó, Nhà nước dự kiến mức thu ngân sách khoảng một triệu ba trăm năm mươi nghìn tỷ đồng. Dự kiến mức chi là khoảng một triệu bảy trăm nghìn tỷ đồng.
Cũng vào quý sau cùng của năm 2020, Chính phủ dự kiến thâm hụt ngân sách năm 2021 là hơn ba trăm năm mươi nghìn tỷ đồng. Dự kiến này dựa theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước về tình hình thực hiện dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách năm 2021.
Trong khi đó, cuối tháng hai năm 2021, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo sơ bộ về tính hình thu, chi Ngân sách Nhà nước từ đầu năm cho thấy Ngân sách Nhà nước đang bội thu bảy mươi hai nghìn tỷ đồng.
Với mức bội thu như vậy thì liệu mức thâm hụt có xảy ra hay giảm đi trong năm 2021 hay không ?
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Quang A nhận định :
"Nếu đó là con số trong một tháng rưỡi thì cũng có thể là vì đầu năm chưa ai làm gì cả. Giải ngân các dự án chưa có. Kế hoạch của năm mới cũng chưa đâu vào đâu cả. Muốn biết năm 2021 bội chi hay thâm hụt ngân sách thì phải đến tháng 4, tháng 5 năm sau mới chính xác, nhưng không có chuyện bội thu đâu. Khái niệm đấy không có trong Luật ngân sách của Việt Nam.
Tuy vậy, chuyện bội thu nghe hơi lạ vì cách đây khoảng 15 năm tôi đã viết trên báo chí chính thống là ngay cả khái niệm bội thu ngân sách ở trong Luật ngân sách cảu Việt Nam là không có từ nào như vậy cả. Bây giờ mà bội thu như thế thì phải xem lại như thế nào. Đấy là điều tương đối phi lý bởi vì năm nay nào là Covid, nào là tăng chi tiêu công để kích chi tiêu nhằm bảo đảm tăng trưởng dương thì không hiểu làm sao lại bội thu được".
Bộ Tài chính Việt Nam cho hay, ngân sách nhà nước năm 2021 sẽ tiếp tục siết chặt tài chính, tiết kiệm ngân sách nhà nước, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, sắp xếp tổ chức lại bộ máy nhà nước.
Nhà nước sẽ ưu tiên chi ngân sách cho đầu tư để phục hồi tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm chi thường xuyên, tinh gọn bộ máy nhà nước, tinh giản biên chế, cắt giảm tối đa kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước và các khoản chi không cần thiết. Ngoài ra, cần đảm bảo chi phí dự phòng, dự trữ quốc gia để đảm bảo xử lý kịp thời các trường hợp cấp bách phát sinh trong năm.
Chuyên gia tài chánh Nguyễn Trí Hiếu đánh giá về việc bội thu trong gần hai tháng đầu năm 2021 :
"Điều này cũng không bất thường lắm vì tuy dịch bệnh nhưng thật sự nền kinh tế ở Việt Nam không đóng băng. Tuy nhiên, nhiều dự án hay chi tiêu của chính phủ càng về nửa năm sau thì càng nhiều. Nhất là những chương trình đầu tư công thì đã có dự toán nhưng cần thời gian triển khai để giải ngân, chưa thể chi nhiều vào những tháng đầu năm.
Chúng ta mới trải qua hơn hai tháng của năm 2021 cho nên tất cả những chi tiêu của chính phủ còn một đoạn đường rất dài để có thể có một dự đoán chính xác. Tuy trong hai tháng đầu năm mà chính phủ đã bội thu như thế nhưng việc bội chi ngân sách đến 340 nghìn tỷ vẫn có thể xảy ra. Có điều mức bội chi có thể thấp hơn.
Tại thời điểm này chính phủ phải chi ra rất nhiều trong khi nguồn thu giảm rất mạnh do dịch bệnh tác động mạnh tới các doanh nghiệp dẫn tới việc họ thiếu thuế từ năm trước đến bây giờ".
Tình trạng bội chi ngân sách của Việt Nam liên tục xảy ra trong những năm gần đây. Theo Tổng cục thống kê, tính từ đầu năm đến ngày 15 tháng 11 năm 2020, ngân sách Nhà nước bội chi gần một trăm ba mươi nghìn tỷ đồng. Những năm trước đó cũng bội chi hàng trăm ngàn tỷ đồng, chẳng hạn năm 2016 bội chi hơn một trăm chín mươi hai ngàn tỷ đồng ; năm 2015, bội chi hai trăm năm mươi sáu ngàn tỷ đồng ; năm 2014 là hơn hai trăm bốn mươi chín ngàn tỷ đồng.
Để tăng nguồn thu ngân sách, năm 2018, Bộ Tài chính từng đề xuất sửa đổi luật thuế và ban hành thêm luật thuế tài sản. Mục đích được nêu ra là nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đề xuất vấp phải phản ứng của công luận do lo ngại người thu nhập nhấp càng thêm khó khăn.
Tại hội thảo "Đánh giá tác động của việc tăng thuế VAT lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức tại Hà Nội ngày 28 tháng sáu năm 2018. Các chuyên gia thuộc VEPR cho rằng, nếu tăng thuế VAT lên 12%, Việt Nam sẽ có thêm 240.000 người nghèo.
Giải thích lý do bội chi ngân sách xảy ra nhiều năm ròng mà chưa có những biện pháp hữu hiệu để giảm bớt tình trạng này. Tiến sĩ Ngô Trí Long từng lý giải với RFA :
"Tại vì năng suất, chất lượng, hiệu quả đầu tư kém ; tham nhũng vẫn còn phổ biến. Mà biết điều đó rồi không phải giải quyết một sớm một chiều, ngày một ngày hai là được mà là cả một quá trình. Mặc dù đã sửa đổi rất nhiều cơ chế quản lý và thể chế ví dụ như nâng cao hiệu quả đầu tư công hay tăng cường kỷ luật trong chi tiêu ngân sách. Đây là một vấn đề nan giải và khó giải quyết được, giống như căn bệnh tham nhũng, đã biết từ lâu và đưa ra nhiều biện pháp nhưng thực sự chưa có hiệu quả".
Bội chi ngân sách nhà nước là số chi lớn hơn số thu trong năm ngân sách. Sự mất cân đối ngân sách phản ánh sự thiếu hụt của nền tài chính. Bội chi ngân sách kéo dài sẽ rối loạn lưu thông tiền tệ và giá cả, dẫn đến lạm phát.
Một trong các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước là cân đối các khoản thu, chi được dự toán và quyết định trong một năm.
Vào mỗi đầu năm, Bộ Tài chính ban hành một quyết định về việc công bố công khai dự toán ngân sách nhà nước. Trong đó chỉ nêu dự toán mức bội chi chứ chưa bao giờ nêu dự toán mức bội thu. Với năm 2021, mức bội chi ngân sách được cho phép là khoảng 4% GDP.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 05/03/2021
********************
Lại kêu gọi phá sản những dự án thua lỗ
RFA, 05/03/2021
Các dự án yếu kém của ngành công thương nếu không thể phục hồi thì cần kiên quyết thanh lý, phá sản theo quy định của pháp luật, thu hồi tối đa tài sản Nhà nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi như vậy tại cuộc họp Chính phủ về các dự án kém hiệu quả của ngành công thương, chiều 3/3/2021.
Cuộc họp Thường trực Chính phủ về các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương hôm 03/03/2021.- Courtesy chinhphu.vn
Ông Nguyễn Xuân Phúc nói rõ, trong danh sách 12 dự án kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, nếu dự án nào không thể phục hồi thì phải nói rõ để tìm cách cho phá sản... chứ không nói chung chung là đang tốt hơn... nhưng trong thực tế vẫn đang lỗ, có khi còn lỗ nặng, càng xử lý, càng mất vốn.
Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Kinh tế Tài chính Việt Nam, vào ngày 5 tháng 3 nhận định với RFA về việc này :
"Vấn đề quan trọng trong các dự án không có hiệu quả là nếu như càng để càng lỗ, năm này qua năm khác thì còn tệ hơn. Cho nên nếu đã không hiệu quả mà cần cho phá sản thì nên cắt một lần đi cho xong. Tức là phải chịu lỗ, trong đó có một việc rất quan trọng là mang ra bán đấu giá, ban đầu theo giá trước đây đã xây dựng, nhưng nếu không ai mua thì cũng phải xem xét những người trả giá thấp để bán. Thà đau một lần, nhưng cắt khối ung nhọt khỏi cơ thể thì chúng ta mới mạnh khỏe. Có như vậy mới tập trung phát triển kinh tế trong trật tự tốt hơn".
Theo Bộ Công thương, trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ điển hình như : Đạm Ninh Bình ; Đạm Hà Bắc ; Công nghiệp tàu thủy Dung Quất ; Nhà máy DAP số 1-Hải Phòng ; DAP số 2-Lào Cai ; Nhà máy thép Việt-Trung ; Nhà máy Đình Vũ ; Công ty Gang thép Thái Nguyên... hiện có 1 công ty tài chính và 17 ngân hàng thương mại đang cấp tín dụng cho 12 dự án này, với tổng số dư nợ là gần 21 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng còn cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư có liên quan là gần 23 ngàn tỷ đồng.
Đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo Chính phủ kêu gọi như vậy. Vì sao những dự án này thua lỗ nhiều như vậy, cơ quan chức năng cũng biết, mà không thể phá sản ?
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương khi trả lời RFA hôm 5/3, nhận định :
"Việt Nam thì cái chữ phá sản rất là nặng nề, vả lại để mà phá sản thì phải làm đầy đủ các thủ tục, tức là báo cáo về tài sản, các khoảng nợ, rồi thì phải thanh toán... Nếu như mà không làm được đầy đủ các thủ tục đó thì lúc bấy giờ sẽ rất khó mà phá sản. Còn theo Schumpeter thì phá sản là một sự tàn phá sáng tạo, nếu mà có phá sản, có ông chủ mới đầu tư vào đó, thì lúc bấy giờ có thể sẽ có một con phượng hoàng từ đống tro tàn bay lên. Kinh tế học nói như vậy, tuy nhiên không phải là dễ dàng, cho nên là phá sản là một thủ tục khó khăn ở Việt Nam, nếu không muốn nói đấy là một điều đau đớn đối với một số người có trách nhiệm trong việc quyết định các dự án đầu tư đó".
Doanh nghiệp nhà nước Việt Nam làm ăn không hiệu quả, theo các chuyên gia kinh tế là do mục tiêu kinh doanh không rõ ràng và các vấn đề liên quan chính trị. Cải cách doanh nghiệp nhà nước là một xu thế tất yếu, không thể đảo ngược được. Nếu để những tập đoàn của nhà nước mà làm ăn kém hiệu quả sẽ gây thất thoát ngân sách, lãng phí, dẫn đến bội chi của ngân sách nhà nước, có nghĩa là tiền thuế của dân đã đội nón ra đi.
Công ty Gang Thép Thái Nguyên. Courtesy of toquoc.vn
Nhưng để phá sản các doanh nghiệp hay dự án này, liệu những vướng mắc pháp lý có thể giải quyết, khi trước đây Bộ Công thương từng nhìn nhận có nhiều dự án ngàn tỷ làm với Trung Quốc thua lỗ không thể kiện ? PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giải thích :
"Thực tế thì cũng sẽ có những vướng mắt nhất định, và cũng có những cái phải xử lý. Bởi vì có những dự án hoàn thành nhưng chưa bàn giao, thậm chí có những dự án dở dang, nên nếu thanh lý sẽ có vướng mắt giữ nhà thầu và chủ đầu tư. Nếu nhà thầu không đúng với hợp đồng họ phải chịu trách nhiệm, còn nếu chúng ta không đúng và có những cái dây dưa kéo dài dự án thì phải xem xét trách nhiệm bồi thường hợp đồng theo trách nhiệm chung của hợp đồng giao thầu. Bắt buộc phải xử lý thôi".
Trong báo cáo do Bộ trưởng Công Thương gửi các Đại biểu Quốc hội hôm 20 tháng 5 năm 2020 về kết quả xử lý yếu kém của 12 dự án thua lỗ thuộc các doanh nghiệp ngành Công Thương, có đến 5 dự án, doanh nghiệp có tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC, dù đã đàm phán nhiều lần với đối tác Trung Quốc nhưng không thành công. Dù tổng vốn đầu tư của 5 dự án này lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, tuy nhiên chủ đầu tư được khuyên không nên kiện, vì ít khả năng thắng.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, các hợp đồng ký kết với phía Trung Quốc mà sau đó không có khả năng kiện, chứng tỏ việc ký kết các hợp đồng đó thiếu tính chuyên nghiệp và việc kiểm định giám sát các hợp đồng đó rất lỏng lẻo. Ông nói tiếp :
"Đấy là một vấn đề, cần phải làm rõ các bên liên quan và làm rõ các thủ tục. Nếu như mà nhà thầu Trung Quốc không có mặt, không hoàn thành đầy đủ các thủ tục giấy tờ, thì sẽ rất khó khăn cho việc phá sản. Có lẽ trong trường hợp đó phải khai báo và có một quyết định đặc cách, thì mới có thể làm được theo Luật Phá sản của Việt Nam".
Ngoài ra, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nếu không thể khiếu kiện tổng thầu, thì có thể kiện từng nhà thầu phụ mà tổng thầu đã ký lại :
"Hợp đồng tổng thầu là hợp đồng lớn, nhà tổng thầu có quyền ký lại với các nhà thầu phụ. Còn nếu không có tổng thầu thì phía Việt Nam có thể ký trực tiếp với từng nhà thầu một, như vậy mình có quyền hủy từng hợp đồng và khiếu kiện với từng hợp đồng. Còn thường với tổng thầu thì những việc đó tùy thuộc vào quan hệ của tổng thầu với phía Trung Quốc, và việc khiếu kiện trở nên khó khăn và phức tạp hơn".
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do vào ngày 16/9/2020 liên quan vấn đề này cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước, đúng ra phải cố gắng trong đổi mới sáng tạo để làm sao nâng hiệu quả của chính mình và lôi kéo các ngành hàng cùng đổi mới theo hướng sáng tạo sao cho phù hợp với xu hướng chung của Việt Nam.
Tuy nhiên theo Bà Phạm Chi Lan, lâu nay các doanh nghiệp nhà nước này cũng nói nhiều tới việc đổi mới, nhưng chưa có gì rõ rệt. Thậm chí có khi những hình ảnh không đẹp về doanh nghiệp nhà nước, làm ảnh hưởng chung đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Nguồn : RFA, 05/03/2021
Vụ "Bộ Chính trị đồng ý chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư metro số 1 và 2 ở Sài Gòn lên 95.000 tỷ đồng" đã bị Ban Tuyên giáo trung ương và có thể còn ở cấp cao hơn thế chỉ đạo xóa sạch khỏi mặt báo quốc doanh sau khi bị mạng xã hội lên án ‘đảng ngồi xổm trên pháp luật’.
Hành vi Bộ Chính trị bất chấp Luật Đầu tư công 2014, vội vã ‘ngồi xổm trên pháp luật’ để chấp thuận điều chỉnh tổng mức đầu tư metro số 1 và 2 lên đến 95.000 tỷ đồng phải chăng là một động tác nhằm hợp thức hóa số tiền khổng lồ đã chui gọn vào túi giới quan tham trong dự án này ? Và nếu đúng là như thế, những kẻ nào hay nhóm lợi ích nào đã ‘lobby’ để ‘tập thể Bộ Chính trị’ qua mặt Quốc hội khi thực hiện sự thông qua - chỉ có thể gọi đúng nghĩa là bất hợp pháp - như thế ?
Theo quy định tại Luật Đầu tư công 2014, dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỉ đồng trở lên thuộc dự án trọng điểm quốc gia, phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và Thủ tướng Chính phủ ra quyết định đầu tư. Nhưng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tự phê duyệt điều chỉnh dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 - một biểu hiện quá rõ ràng về tội ‘cố ý làm trái’. Rồi sau đó, tổ chức có tên là ‘Bộ Chính trị’ thậm chí còn làm thay công việc của Quốc hội khi điều chỉnh tổng mức đầu tư của không chỉ một mà đến hai dự án metro.
Tuy thế đến lúc này, dấu hỏi cực lớn là ‘tiền đâu làm dự án’.
Bởi cho tới nay Nhật Bản - nhà tài trợ cho dự án Metro số 1 - vẫn chưa hề cam kết là sẽ bố trí vốn tài trợ cho dự án này, lồng trong cảnh dự án Metro số 1 bị đội vốn đến hơn 30.000 tỷ đồng, từ hơn 17 ngàn tỷ lên đến 47 ngàn tỷ, lập kỷ lục đội vốn trong số các công trình xây dựng giao thông thuộc loại ‘đơn giá đắt nhất hành tinh’ và tỷ lệ ‘ăn chia’ lên đến 50 - 70% giá trị công trình mà chỉ có ở dải đất chữ S thời độc đảng và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong khi đó, phía Việt Nam lại bị Nhật Bản kéo áo đòi số tiền 100 triệu USD còn thiếu nhà thầu Nhật trong thi công dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên ở Sài Gòn. Tất đáng chú ý là cú đòi nợ của Nhật đã từ nhà thầu lên tới cấp đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam rồi đến cấp bộ trưởng ngoại giao Nhật. Có thể cho rằng là lần đầu tiên Nhật Bản - quốc gia mà Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất từ nguồn vốn phát triển chính thức ODA và luôn mơn trớn người Nhật để được vay mượn và nhận viện trợ không hoàn lại nhiều hơn thế, đã công khai phi vụ đòi nợ cho quốc tế biết, bất chấp phía Việt Nam kiên định giữ kín câu chuyện đáng xấu hổ này.
Trước đây, Nhật Bản là quốc gia tỏ ra hào phóng nhất trong chính sách cung cấp viện trợ ODA cho Việt Nam. Từ năm 1992 khi cơ chế ODA được Nhật nối lại với Việt Nam, cho tới nay Nhật đã cung cấp cho Hà Nội khoảng 25 tỷ USD. Trong 5 tính theo năm tài chính Nhật Bản 2012-2016, trung bình mỗi năm, Nhật Bản hỗ trợ ODA cho Việt Nam là 160 tỷ yên (32.500 tỷ đồng) theo hình thức vốn vay, 2,3 tỷ yên (467 tỷ đồng) theo hình thức viện trợ không hoàn lại và 8,7 tỷ yên (1.760 tỷ đồng) theo hình thức hợp tác kỹ thuật.
Ngay vào thời gian những năm 2015 và 2016 khi các chủ nợ lớn nhất của Việt Nam là Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đồng loạt tuyên bố Việt Nam không còn được vay tín dụng với lãi suất ưu đãi và thời gian ân hạn kể từ tháng Bảy, 2017, Nhật Bản vẫn "trung thành" với Việt Nam khi tiếp tục đều đặn rót vào nước này từ 1 – 1,5 tỷ USD hàng năm cho các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở.
Nhưng từ đầu năm 2017, viện trợ ODA của Nhật cho Việt Nam đã giảm dần.
2018, sau vài chục năm "vay mượn, vay mượn ồ ạt cho đến khi sụp đổ", ngân sách Việt Nam đã biến thành một tổ mối đúng nghĩa : tỉ lệ nợ công/GDP vượt xa giới hạn nguy hiểm, còn cộng đồng tài chính quốc tế đang thẳng tay "cấm cửa" vay mượn ODA đối với chính thể mà ngay giới chuyên gia quốc tế còn rành rẽ một giai thoại dân gian : một chương trình an sinh xã hội của chính phủ Việt Nam nhận nguồn ODA có tên là ‘Chương trình 135’, nhưng khi tiền được phân bổ từ cấp cơ quan trung ương xuống cơ quan địa phương rồi đến tay người dân thì đã biến thành công thức ‘5 - 3 - 1’, tức những người khốn khổ nhất trong xã hội lầm than này chỉ nhận một phần quá nhỏ nhưng vẫn phải tự nguyện ‘cám ơn đảng và nhà nước ta’, cũng tự nguyện làm bình phong để giới quan chức có cớ ‘xóa đói giảm nghèo’ để xin ODA.
Từ nhiều năm qua, ODA đã trở thành một trong những quốc nạn về tham nhũng ở Việt Nam. Tỷ lệ thất thoát bình quân tại nhiều dự án ODA được đồn đoán khoảng 20 – 25%.
2018, sau vài chục năm nhận ‘lộc trời’, ODA đã trở thành một trong những bi kịch ‘vĩ đại’ nhất của chính thể Việt Nam.