Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/03/2021

Ngân sách nhà nước : Tại sao Hà Nội cứ phải vẽ rắn thêm chân ?

Diễm Thi - RFA tiếng Việt

Bội thu ngân sách nhà nước : Chuyện không thể có ?

Diễm Thi, RFA, 05/03/2021

Bộ Tài chính Việt Nam vào ngày 11 tháng 11 năm 2020 cho trình Quốc hội bản "báo cáo ngân sách dành cho công dân về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021". Mục đích được nói nhằm cung cấp thông tin đơn giản, dễ hiểu nhất về ngân sách nhà nước năm 2021 cho người dân.

ngansach1

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước ở Hà Nội. AFP

Trong đó, Nhà nước dự kiến mức thu ngân sách khoảng một triệu ba trăm năm mươi nghìn tỷ đồng. Dự kiến mức chi là khoảng một triệu bảy trăm nghìn tỷ đồng.

Cũng vào quý sau cùng của năm 2020, Chính phủ dự kiến thâm hụt ngân sách năm 2021 là hơn ba trăm năm mươi nghìn tỷ đồng. Dự kiến này dựa theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước về tình hình thực hiện dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách năm 2021.

Trong khi đó, cuối tháng hai năm 2021, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo sơ bộ về tính hình thu, chi Ngân sách Nhà nước từ đầu năm cho thấy Ngân sách Nhà nước đang bội thu bảy mươi hai nghìn tỷ đồng.

Với mức bội thu như vậy thì liệu mức thâm hụt có xảy ra hay giảm đi trong năm 2021 hay không ?

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Quang A nhận định :

"Nếu đó là con số trong một tháng rưỡi thì cũng có thể là vì đầu năm chưa ai làm gì cả. Giải ngân các dự án chưa có. Kế hoạch của năm mới cũng chưa đâu vào đâu cả. Muốn biết năm 2021 bội chi hay thâm hụt ngân sách thì phải đến tháng 4, tháng 5 năm sau mới chính xác, nhưng không có chuyện bội thu đâu. Khái niệm đấy không có trong Luật ngân sách của Việt Nam.

Tuy vậy, chuyện bội thu nghe hơi lạ vì cách đây khoảng 15 năm tôi đã viết trên báo chí chính thống là ngay cả khái niệm bội thu ngân sách ở trong Luật ngân sách cảu Việt Nam là không có từ nào như vậy cả. Bây giờ mà bội thu như thế thì phải xem lại như thế nào. Đấy là điều tương đối phi lý bởi vì năm nay nào là Covid, nào là tăng chi tiêu công để kích chi tiêu nhằm bảo đảm tăng trưởng dương thì không hiểu làm sao lại bội thu được".

Bộ Tài chính Việt Nam cho hay, ngân sách nhà nước năm 2021 sẽ tiếp tục siết chặt tài chính, tiết kiệm ngân sách nhà nước, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, sắp xếp tổ chức lại bộ máy nhà nước.

Nhà nước sẽ ưu tiên chi ngân sách cho đầu tư để phục hồi tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm chi thường xuyên, tinh gọn bộ máy nhà nước, tinh giản biên chế, cắt giảm tối đa kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước và các khoản chi không cần thiết. Ngoài ra, cần đảm bảo chi phí dự phòng, dự trữ quốc gia để đảm bảo xử lý kịp thời các trường hợp cấp bách phát sinh trong năm.

Chuyên gia tài chánh Nguyễn Trí Hiếu đánh giá về việc bội thu trong gần hai tháng đầu năm 2021 :

"Điều này cũng không bất thường lắm vì tuy dịch bệnh nhưng thật sự nền kinh tế ở Việt Nam không đóng băng. Tuy nhiên, nhiều dự án hay chi tiêu của chính phủ càng về nửa năm sau thì càng nhiều. Nhất là những chương trình đầu tư công thì đã có dự toán nhưng cần thời gian triển khai để giải ngân, chưa thể chi nhiều vào những tháng đầu năm.

Chúng ta mới trải qua hơn hai tháng của năm 2021 cho nên tất cả những chi tiêu của chính phủ còn một đoạn đường rất dài để có thể có một dự đoán chính xác. Tuy trong hai tháng đầu năm mà chính phủ đã bội thu như thế nhưng việc bội chi ngân sách đến 340 nghìn tỷ vẫn có thể xảy ra. Có điều mức bội chi có thể thấp hơn. 

Tại thời điểm này chính phủ phải chi ra rất nhiều trong khi nguồn thu giảm rất mạnh do dịch bệnh tác động mạnh tới các doanh nghiệp dẫn tới việc họ thiếu thuế từ năm trước đến bây giờ".

Tình trạng bội chi ngân sách của Việt Nam liên tục xảy ra trong những năm gần đây. Theo Tổng cục thống kê, tính từ đầu năm đến ngày 15 tháng 11 năm 2020, ngân sách Nhà nước bội chi gần một trăm ba mươi nghìn tỷ đồng. Những năm trước đó cũng bội chi hàng trăm ngàn tỷ đồng, chẳng hạn năm 2016 bội chi hơn một trăm chín mươi hai ngàn tỷ đồng ; năm 2015, bội chi hai trăm năm mươi sáu ngàn tỷ đồng ; năm 2014 là hơn hai trăm bốn mươi chín ngàn tỷ đồng.

Để tăng nguồn thu ngân sách, năm 2018, Bộ Tài chính từng đề xuất sửa đổi luật thuế và ban hành thêm luật thuế tài sản. Mục đích được nêu ra là nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đề xuất vấp phải phản ứng của công luận do lo ngại người thu nhập nhấp càng thêm khó khăn.

Tại hội thảo "Đánh giá tác động của việc tăng thuế VAT lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức tại Hà Nội ngày 28 tháng sáu năm 2018. Các chuyên gia thuộc VEPR cho rằng, nếu tăng thuế VAT lên 12%, Việt Nam sẽ có thêm 240.000 người nghèo.

Giải thích lý do bội chi ngân sách xảy ra nhiều năm ròng mà chưa có những biện pháp hữu hiệu để giảm bớt tình trạng này. Tiến sĩ Ngô Trí Long từng lý giải với RFA :

"Tại vì năng suất, chất lượng, hiệu quả đầu tư kém ; tham nhũng vẫn còn phổ biến. Mà biết điều đó rồi không phải giải quyết một sớm một chiều, ngày một ngày hai là được mà là cả một quá trình. Mặc dù đã sửa đổi rất nhiều cơ chế quản lý và thể chế ví dụ như nâng cao hiệu quả đầu tư công hay tăng cường kỷ luật trong chi tiêu ngân sách. Đây là một vấn đề nan giải và khó giải quyết được, giống như căn bệnh tham nhũng, đã biết từ lâu và đưa ra nhiều biện pháp nhưng thực sự chưa có hiệu quả".

Bội chi ngân sách nhà nước là số chi lớn hơn số thu trong năm ngân sách. Sự mất cân đối ngân sách phản ánh sự thiếu hụt của nền tài chính. Bội chi ngân sách kéo dài sẽ rối loạn lưu thông tiền tệ và giá cả, dẫn đến lạm phát.

Một trong các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước là cân đối các khoản thu, chi được dự toán và quyết định trong một năm.

Vào mỗi đầu năm, Bộ Tài chính ban hành một quyết định về việc công bố công khai dự toán ngân sách nhà nước. Trong đó chỉ nêu dự toán mức bội chi chứ chưa bao giờ nêu dự toán mức bội thu. Với năm 2021, mức bội chi ngân sách được cho phép là khoảng 4% GDP.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 05/03/2021

********************

Lại kêu gọi phá sản những dự án thua lỗ

RFA, 05/03/2021


Các dự án yếu kém của ngành công thương nếu không thể phục hồi thì cần kiên quyết thanh lý, phá sản theo quy định của pháp luật, thu hồi tối đa tài sản Nhà nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi như vậy tại cuộc họp Chính phủ về các dự án kém hiệu quả của ngành công thương, chiều 3/3/2021.

ngansach2

Cuộc họp Thường trực Chính phủ về các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương hôm 03/03/2021.- Courtesy chinhphu.vn

Ông Nguyễn Xuân Phúc nói rõ, trong danh sách 12 dự án kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, nếu dự án nào không thể phục hồi thì phải nói rõ để tìm cách cho phá sản... chứ không nói chung chung là đang tốt hơn... nhưng trong thực tế vẫn đang lỗ, có khi còn lỗ nặng, càng xử lý, càng mất vốn.

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Kinh tế Tài chính Việt Nam, vào ngày 5 tháng 3 nhận định với RFA về việc này :

"Vấn đề quan trọng trong các dự án không có hiệu quả là nếu như càng để càng lỗ, năm này qua năm khác thì còn tệ hơn. Cho nên nếu đã không hiệu quả mà cần cho phá sản thì nên cắt một lần đi cho xong. Tức là phải chịu lỗ, trong đó có một việc rất quan trọng là mang ra bán đấu giá, ban đầu theo giá trước đây đã xây dựng, nhưng nếu không ai mua thì cũng phải xem xét những người trả giá thấp để bán. Thà đau một lần, nhưng cắt khối ung nhọt khỏi cơ thể thì chúng ta mới mạnh khỏe. Có như vậy mới tập trung phát triển kinh tế trong trật tự tốt hơn".

Theo Bộ Công thương, trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ điển hình như : Đạm Ninh Bình ; Đạm Hà Bắc ; Công nghiệp tàu thủy Dung Quất ; Nhà máy DAP số 1-Hải Phòng ; DAP số 2-Lào Cai ; Nhà máy thép Việt-Trung ; Nhà máy Đình Vũ ; Công ty Gang thép Thái Nguyên... hiện có 1 công ty tài chính và 17 ngân hàng thương mại đang cấp tín dụng cho 12 dự án này, với tổng số dư nợ là gần 21 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng còn cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư có liên quan là gần 23 ngàn tỷ đồng.

Đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo Chính phủ kêu gọi như vậy. Vì sao những dự án này thua lỗ nhiều như vậy, cơ quan chức năng cũng biết, mà không thể phá sản ?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương khi trả lời RFA hôm 5/3, nhận định :

"Việt Nam thì cái chữ phá sản rất là nặng nề, vả lại để mà phá sản thì phải làm đầy đủ các thủ tục, tức là báo cáo về tài sản, các khoảng nợ, rồi thì phải thanh toán... Nếu như mà không làm được đầy đủ các thủ tục đó thì lúc bấy giờ sẽ rất khó mà phá sản. Còn theo Schumpeter thì phá sản là một sự tàn phá sáng tạo, nếu mà có phá sản, có ông chủ mới đầu tư vào đó, thì lúc bấy giờ có thể sẽ có một con phượng hoàng từ đống tro tàn bay lên. Kinh tế học nói như vậy, tuy nhiên không phải là dễ dàng, cho nên là phá sản là một thủ tục khó khăn ở Việt Nam, nếu không muốn nói đấy là một điều đau đớn đối với một số người có trách nhiệm trong việc quyết định các dự án đầu tư đó".

Doanh nghiệp nhà nước Việt Nam làm ăn không hiệu quả, theo các chuyên gia kinh tế là do mục tiêu kinh doanh không rõ ràng và các vấn đề liên quan chính trị. Cải cách doanh nghiệp nhà nước là một xu thế tất yếu, không thể đảo ngược được. Nếu để những tập đoàn của nhà nước mà làm ăn kém hiệu quả sẽ gây thất thoát ngân sách, lãng phí, dẫn đến bội chi của ngân sách nhà nước, có nghĩa là tiền thuế của dân đã đội nón ra đi.

ngansach3

Công ty Gang Thép Thái Nguyên. Courtesy of toquoc.vn

Nhưng để phá sản các doanh nghiệp hay dự án này, liệu những vướng mắc pháp lý có thể giải quyết, khi trước đây Bộ Công thương từng nhìn nhận có nhiều dự án ngàn tỷ làm với Trung Quốc thua lỗ không thể kiện ? PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giải thích :

"Thực tế thì cũng sẽ có những vướng mắt nhất định, và cũng có những cái phải xử lý. Bởi vì có những dự án hoàn thành nhưng chưa bàn giao, thậm chí có những dự án dở dang, nên nếu thanh lý sẽ có vướng mắt giữ nhà thầu và chủ đầu tư. Nếu nhà thầu không đúng với hợp đồng họ phải chịu trách nhiệm, còn nếu chúng ta không đúng và có những cái dây dưa kéo dài dự án thì phải xem xét trách nhiệm bồi thường hợp đồng theo trách nhiệm chung của hợp đồng giao thầu. Bắt buộc phải xử lý thôi".

Trong báo cáo do Bộ trưởng Công Thương gửi các Đại biểu Quốc hội hôm 20 tháng 5 năm 2020 về kết quả xử lý yếu kém của 12 dự án thua lỗ thuộc các doanh nghiệp ngành Công Thương, có đến 5 dự án, doanh nghiệp có tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC, dù đã đàm phán nhiều lần với đối tác Trung Quốc nhưng không thành công. Dù tổng vốn đầu tư của 5 dự án này lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, tuy nhiên chủ đầu tư được khuyên không nên kiện, vì ít khả năng thắng.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, các hợp đồng ký kết với phía Trung Quốc mà sau đó không có khả năng kiện, chứng tỏ việc ký kết các hợp đồng đó thiếu tính chuyên nghiệp và việc kiểm định giám sát các hợp đồng đó rất lỏng lẻo. Ông nói tiếp :

"Đấy là một vấn đề, cần phải làm rõ các bên liên quan và làm rõ các thủ tục. Nếu như mà nhà thầu Trung Quốc không có mặt, không hoàn thành đầy đủ các thủ tục giấy tờ, thì sẽ rất khó khăn cho việc phá sản. Có lẽ trong trường hợp đó phải khai báo và có một quyết định đặc cách, thì mới có thể làm được theo Luật Phá sản của Việt Nam".

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nếu không thể khiếu kiện tổng thầu, thì có thể kiện từng nhà thầu phụ mà tổng thầu đã ký lại :

"Hợp đồng tổng thầu là hợp đồng lớn, nhà tổng thầu có quyền ký lại với các nhà thầu phụ. Còn nếu không có tổng thầu thì phía Việt Nam có thể ký trực tiếp với từng nhà thầu một, như vậy mình có quyền hủy từng hợp đồng và khiếu kiện với từng hợp đồng. Còn thường với tổng thầu thì những việc đó tùy thuộc vào quan hệ của tổng thầu với phía Trung Quốc, và việc khiếu kiện trở nên khó khăn và phức tạp hơn".

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do vào ngày 16/9/2020 liên quan vấn đề này cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước, đúng ra phải cố gắng trong đổi mới sáng tạo để làm sao nâng hiệu quả của chính mình và lôi kéo các ngành hàng cùng đổi mới theo hướng sáng tạo sao cho phù hợp với xu hướng chung của Việt Nam.

Tuy nhiên theo Bà Phạm Chi Lan, lâu nay các doanh nghiệp nhà nước này cũng nói nhiều tới việc đổi mới, nhưng chưa có gì rõ rệt. Thậm chí có khi những hình ảnh không đẹp về doanh nghiệp nhà nước, làm ảnh hưởng chung đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Nguồn : RFA, 05/03/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi, RFA tiếng Việt
Read 452 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)