Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/03/2021

Phụ nữ Việt Nam cần được hỗ trợ kinh doanh tốt hơn

Thanh Trúc

So với năm 2019 về Chỉ Số Nữ Doanh Nhân (MIWE 2019), do Mastercard thực hiện, Việt Nam tụt 7 bậc trong báo cáo Chỉ Số Nữ Doanh Nhân 2020 (MIWE 2020).

phunu1

Hai phụ nữ đang lựa chọn các đồ tái chế từ các đồ điện tử bỏ đi tại Bắc Ninh hôm 1/7/2020 - Reuters

Với 63,78 điểm, Việt Nam xếp hạng 25 trên 58 nền kinh tế được nghiên cứu. Riêng tại châu Á, Việt Nam xếp hạng 10 về chỉ số MIWE 2020.

Như vậy, so với 2019 thì môi trường hỗ trợ phụ nữ kinh doanh của Việt Nam năm 2020 bị coi là kém hơn các quốc gia lân bang.

Báo cáo của Mastercard đánh giá một cách tổng thể mức độ thành công của từng nền kinh tế trong việc thúc đẩy kinh doanh cho phụ nữ so với nam giới bằng phương pháp luận riêng kèm phân tích chi tiết dựa trên 12 chỉ số chính và 25 chỉ số phụ.

Phúc trình chi tiết của Mastercard cho thấy trong 26,5% tổng số doanh nghiệp trên cả nước do phụ nữ làm chủ, Việt Nam xếp thứ 9 trên 58 nước có phụ nữ trong vai trò lãnh đạo và tham gia vào lực lượng lao động.

Mặt khác, Việt Nam đứng thứ 44 về chỉ số "Đánh Giá Điều Kiện Hỗ Trợ Doanh Nghiệp".

Đối với Mastercard, điều này chứng tỏ Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm để hỗ trợ nữ doanh nhân Việt.

Là người từng công tác lâu năm tại Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội, tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho rằng sự đánh giá của Mastercard về Chỉ Số Nữ Doanh Nhân và Điều Kiện Hỗ Trợ Doanh Nghiệp ở Việt Nam không có gì sai :

"Có thể là cũng đúng với thực tế thôi. Quả thực những hỗ trợ hoặc trợ giúp cho phụ nữ trong kinh doanh ở Việt Nam không có nhiều. Tức là bình thường nếu so sánh với những chương trình khác như ‘bảo trợ phụ nữ bị bạo hành’, ‘bảo trợ phụ nữ bị đối xử không công bằng trong tiếp cận các dịch vụ công’, ‘phụ nữ không có tiếng nói trong gia đình’ hoặc là ‘bảo vệ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em’ hay là ‘hỗ trợ phụ nữ nghèo’ chẳng hạn…Đó là những cái được quan tâm nhiều và đang được triển khai, chứ còn khía cạnh hỗ trợ phụ nữ trong kinh doanh, tức là những người đã có năng lực và đã tự kinh doanh được nhưng cần sự hỗ trợ để có thể làm tốt hơn nữa, thì thực sự cũng chưa nghe nói về cái này ở Việt Nam".

Sự thiếu sót hay khiếm khuyết này làm Chỉ Số Doanh Nhân Nữ Việt Nam bị yếu đi. Trong khi Việt Nam đứng vị trí 25 trên bảng xếp hạng thì các nước bạn Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines và Indonesia được xếp vào số 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới với những điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho phụ nữ làm kinh doanh.

Nói Việt Nam tụt hạng là điều có thể hiểu được, là nhận định tiếp của tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương :

"Nguyên nhân vì sao thì tôi nghĩ trong khi những nước xung quanh họ có những chương trình và chính sách hỗ trợ thật sự thì xếp hạng của họ tăng lên là vì họ có hỗ trợ cụ thể. Thế còn Việt Nam nếu không làm gì cả mà vẫn giữ nguyên tình trạng như cũ thì có nghĩa mình đã tụt hạng so với những nước xung quanh. Người ta tiến lên mà mình đứng tại chỗ thì coi như mình tụt hạng so với họ".

Chẳng phải trước giờ Việt Nam hoàn toàn không có những đề án hỗ trợ môi trường kinh doanh cho phụ nữ, chỉ có điều những dự án đó mang tính thời vụ và không tới nơi tới chốn : 

"Trước đợt (dịch) Covid-19 thì cũng có những chương trình Start-Up (khởi nghiệp) rất là rầm rộ cho những người khởi nghiệp kinh doanh các thứ. Gọi là hỗ trợ chung chứ không chú ý hơn hoặc nhấn mạnh hơn đến các khó khăn riêng của phụ nữ đến mức có thể nhận thấy. Khi có Covid rồi thì mọi cái gần như bị xếp lại một bên".

"Một cái nữa là phụ nữ đứng ra kinh doanh rất cần hỗ trợ đào tạo nghề hay hỗ trợ vay vốn… Cái này là điểm yếu của Việt Nam nói chung chứ không phải riêng phụ nữ. Việt Nam nói chung mà yếu thì phụ nữ lại càng khó khăn hơn".

Nhà báo Bích Vi, một cây viết về kinh tế và xã hội lâu năm trên tờ Tuổi Trẻ và Phụ Nữ, tin rằng trước mùa đại dịch hoặc khi đại dịch Covid-19 đã bị đẩy lùi, vấn đề môi trường hỗ trợ kinh doanh cho phụ nữ ở Việt Nam vẫn sẽ tồn tại :

"Theo ý kiến của tôi, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là dư luận Việt Nam vốn coi thường, không quan tâm để giải quyết những vấn đề khó khăn mà các nữ doanh gia, kể cả chị em tiểu thương, giới buôn bán nhỏ, phải đối phó".

"Khó khăn hàng đầu của họ bao giờ cũng là vốn, lúc nào cũng cần vốn, từ vốn khởi nghiệp đến vốn phát triển, mở rộng kinh doanh, chưa kể vốn dự trữ để đối phó với tình huống rủi ro. Ai sẽ cho họ vay và vay với lãi suất nào, tôi không tin là các ngân hàng thương mại làm tốt việc này".

Trích dẫn một bài báo mới rồi, ký giả Bích Vi cho biết tỉnh Đắc Lắc loan báo tuyên bố dành ra 1,7 tỉ đồng cho chị em tiểu thương vay và giúp quảng bá sản phẩm trên mạng :

"1,7 tỉ đồng, chưa tới 80.000 USD, cho 500 cơ sở cho chị em vay, trung bình mỗi cơ sở chưa tới 200 Mỹ kim sẽ không giúp ích họ được gì".

"Thực tế cho thấy phần lớn chị em giám đốc các cơ sở thương mại, buôn bán nhỏ, cho đến người bán nước sâm, bán chuối chiên… ở Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn, đều phải vay nóng với i lãi suất lên tới 20%/ngày.Tôi xin nhấn mạnh một ngày chứ không phải một tháng, tức là vay 1 triệu đồng thì phải trả 200.000 đồng tiền lãi/ngày. Cuối cùng là giật nợ, bỏ trốn vì không trả được lãi".

Không có môi trường hỗ trợ kinh doanh cho phụ nữ là thêm vào những khó khăn cho hoạt động buôn bán, làm ăn và kiếm sống của những người mẹ trong xã hội, nhà báo Bích Vi phân tích :

"Tôi biết có nhiều tổ chức tín dụng hoạt động từ thiện, đứng ra cho ra chị em vay nhưng không thành công vì việc làm ăn ở Việt Nam không giản dị là vấn đề kinh tế mà còn liên quan đến xã hội, đến vấn đề giáo dục cộng đồng, cả phương cách đưa phụ nữ ra khỏi môi trường đầy dẫy tệ nạn xã hội như cờ bạc, lạm dụng sức lao động phụ nữ vân vân… trước khi đưa họ vào môi trường kinh doanh".

Theo tổ chức tài chính kinh doanh Mastercard, Việt Nam đứng hạng 9 ở chỉ số ‘kết quả tiến bộ của phụ nữ’ bên cạnh các nền kinh tế Châu Á có thứ hạng cao hơn như Philippines, Thái Lan và New Zealand.

Giáo sư Hà Tôn Vinh, từ Mỹ về Việt Nam mở trường đào tạo nhân lực Stella Management cả chục năm nay, cho rằng điều vừa nêu là xác thực vì :

"Chính phủ chỉ làm tốt góc độ pháp lý thôi. Trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam tôi không thấy các rào cản phụ nữ làm kinh doanh. Đó là sự tiến bộ trong việc công nhận quyền phụ nữ kinh doanh ngang hàng với nam giới"

"Nhưng phụ nữ làm kinh doanh trong xã hội thì lại ít có sự hỗ trợ của chính phủ. Nếu nói môi trường kinh doanh cho phụ nữ Việt Nam không tiến bằng các nước khác hay tụt hạng mà bên Mastercard đánh giá thì cũng đúng"

 "Nếu mà chính phủ tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ, giúp phụ nữ có thời giờ để đi làm, đi ra ngoài. Giả dụ như bên Mỹ họ đã làm những nhà trẻ sát các công sở. Người mẹ đi làm buổi trưa ra gặp con, buổi chiều ra gặp con thay vì gởi con ở nơi xa".

Đó là một trong những cách hỗ trợ thiết thực nhất mà chính phủ hoặc doanh nghiệp có thể thực hiện, Giáo sư Hà Tôn Vinh kết luận.

Việt Nam đã có Hội Liên Hiệp Phụ Nữ, trong đó vài năm trở lại đây có thêm Hội Doanh Nhân Nữ và Hội Trí Thức Nữ. Theo tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, đây là 2 chi hội có thể thúc đẩy vận động môi trường hỗ trợ kinh doanh cho phụ nữ Việt Nam.

Tuy nhiên theo nhà báo Bích Vi :

"Đáng tiếc là cơ quan bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ ở Việt Nam lâu nay là Hội Liên hiệp Phụ nữ, có một hệ thống chân rết từ trung ương đến địa phương, nhưng chỉ là một đoàn thể hữu danh vô thực không hơn không kém".

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 05/03/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Trúc
Read 411 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)