Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/12/2022

Ngân sách nhà nước không đủ để bù đắp những vụ lỗ lớn

Hoài Nguyễn - Trần Dzạ Dzũng

Sao lại phải giải cứu… nhà nước ?

Hoài Nguyễn, VNTB, 02/12/2022

Căn nhà là giấc mộng trăm năm

Trên thế giới, không quốc gia nào đặt vấn đề giải cứu doanh nghiệp bất động sản, vì thị trường bất động sản cũng được coi như một trong các loại thị trường hàng hóa khác. Việt Nam thì khác, vì nhà nước là "đại diện chủ sở hữu đất đai", nên gặp lúc khốn khó như hiện tại, cần phải… "giải cứu".

giaicuu1

Ở Việt Nam, khi cần đất đai cho cú áp phe làm ăn nào đó, thì nhân danh quyền lực nhà nước trong vai trò là "đại diện chủ sở hữu", người ta không mấy khó khăn đề "quy hoạch – thu hồi", ví dụ như vụ Thủ Thiêm của hai mươi năm trước, hay "vườn rau Lộc Hưng" của mấy năm gần đây.

Góc nhìn chuyên môn về thị trường đất đai, có ý kiến, trên thế giới, người ta thường dùng chỉ số tính bằng tỷ lệ giữa giá nhà ở trung bình trên đồng lương trung bình của người lao động để đánh giá hiệu quả của thị trường bất động sản.

Theo đó, các nước Châu Âu và Bắc Mỹ có chỉ số này khoảng từ 2 đến 4. Điều này có nghĩa giả sử mỗi người lao động có thể dành được 25% tiền lương để giải quyết nhà ở, tức là sau 4 năm thì dành được nguyên 1 năm lương cho nhà ở. Như vậy, họ mua được nhà ở sau 8 năm khi chỉ số trên là 2, và sau 16 năm khi chỉ số trên là 4. Chỉ số này ở Thái Lan bên cạnh Việt Nam, chỉ số ấy cũng chỉ là 7.

Còn ở Việt Nam – một quốc gia mà khi tổng kết hai nhiệm kỳ của khóa 11 và 12 cũng như sang luôn nhiệm kỳ thứ 3 ở khóa 13 mà ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng bí thư, được cho rằng "Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", thì chỉ số này từ lâu rồi đã đến ở mức hàng chục là 25.

Có nghĩa theo cách tính như trên, thì nếu đủ sức để thắt lưng buộc bụng, không thất nghiệp nửa chừng, lạm phát hay giảm phát đều vừa phải, và sức khỏe trường thọ thì sau 100 năm, người lao động mới mua được nhà ở.

(Con số của cách tính toán đó góp phần lý giải vì sao người dân ở vườn rau Lộc Hưng đã phải uất hận đến cùng cực, khi năm hết Tết đến, chính quyền đã xua quân đến cưỡng chế đất đai, đập phá nhà cửa bất chấp quy định của pháp luật ; thậm chí Bí thư Thành ủy còn chụp mũ chính trị với bất kỳ ai dám đứng lên kêu gọi thực thi công lý theo đúng pháp luật hiện hành…).

Ai mới là cần được ‘giải cứu’ ở đây ?

Thời sự gần cả năm nay về chuyện thị trường bất động sản ở Việt Nam, là thị trường này đang gặp khó khi nguồn cung ít, thanh khoản kém, cả doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư bất động sản đang rất khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng…

Từ lẽ đó nên một số hội đoàn của nhà nước cho rằng, cần ‘giải cứu’ thị trường bất động sản tránh để rơi vào suy thoái, khủng hoảng có thể kéo theo suy thoái, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.

Đơn cử như Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đưa ra đề nghị tới Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ về ‘giải cứu’ qua việc xem xét nới trần (room) tín dụng thêm 1%, nâng tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 lên 15% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng hơn 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế và sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12/2022 đến trước Tết Quý Mão 2023.

Theo HoREA, các tiêu chí để doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà và nhà đầu tư có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng là các dự án có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi hoặc đang xây dựng dở dang, nhất là các dự án sắp hoàn thành xây dựng, các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở giá vừa túi tiền của các doanh nghiệp có uy tín…

"Nếu tiếp tục rót tiền cứu bất động sản, giá nhà, thì giá đất sẽ còn tăng đến đâu ? Việc lô đất Thủ Thiêm trúng thầu 2,44 tỷ đồng/m2 là giọt nước tràn ly, nếu tiếp tục giải cứu bất động sản bằng cách bơm tiền vào, thì giá đất sẽ còn tăng. Vậy cứu doanh nghiệp bất động sản, ai sẽ giải cứu những người có nhu cầu mua nhà ở thực ?", một luật sư là thân hữu trang Việt Nam Thời Báo, đặt câu hỏi.

Câu chuyện đất đai Thủ Thiêm hay khu "vườn rau Lộc Hưng" chẳng hạn, cho thấy thị trường bất động sản nhà ở tại Việt Nam không phải phục vụ người lao động, mà đó là phục vụ cho giới giàu lên từ bất động sản với những cú áp phe bắt tay làm ăn nhân danh "đại diện chủ sở hữu đất đai".

Thật ra thì chuyện nhân danh này chẳng gì phải chê trách, nếu như "đại diện chủ sở hữu đất đai" hiểu cần phải làm gì hiệu quả nhất để cải cách thị trường bất động sản nhà ở theo hướng giảm giá cho phù hợp với thu nhập bình quân của lực lượng lao động xã hội, rút ngắn con số chờ đợi "trăm năm dành dụm" mới mua được căn nhà…

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 05/12/2022

************************

Đại diện chủ sở hữu cụ thể ở đây là ai ?

Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 05/12/2022

Theo cách hiểu của Đảng cộng sản Việt Nam, thì quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý là cần thiết và quan trọng nhằm duy trì ổn định chính trị – xã hội của đất nước, bảo đảm sinh kế cho người nông dân.

Đất đai là của Đảng

Tài liệu phục vụ tuyên truyền của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương về "Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước đại diện chủ sở hữu ở Việt Nam", viết rằng, quan điểm của Đảng ta là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, giao cho Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý và sử dụng hiệu quả.

chusohuu1

Quan điểm này được Nhà nước thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật. Điều 53 Hiến pháp năm 2013 quy định : "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nuyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý".

Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định : "Xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là đất đai.

Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đất đai, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện đại hóa lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai.

Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bền vững, hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng đất. Phát triển lành mạnh thị trường quyền sử dụng đất, chú trọng thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng đầu cơ đất.

Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngăn chặn tình trạng để đất hoang hóa, sử dụng đất lãng phí, tăng cường quản lý, khắc phục suy thoái đất.

Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả đất công, đất có nguồn gốc nông, lâm trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các vi phạm, tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi, làm thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất. Hoàn chỉnh công tác điều tra cơ bản, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên đất, nước, rừng, biển, khoáng sản và đa dạng sinh học" (*).

Ông chủ lớn là Đảng không thể vô can

Như vậy với nội dung không chỉ là tuyên truyền mà còn là yêu cầu của văn kiện đảng về chính sách đất đai, cho thấy ông chủ thật sự ở đây về đất đai không phải là nhà nước, mà đó là Đảng cộng sản ; bởi nhà nước ở đây chỉ là "ủy quyền đại diện" của Đảng.

Và với cách nhìn thẳng vấn đề ấy, từ những sai phạm đất đai mà báo chí đăng công khai, cần thiết xem xét trách nhiệm của "ông chủ lớn nhất" đang nhân danh quyền lực tối cao trong đảng ở việc điều hành quốc gia theo điều 4, Hiến pháp 2013.

Một dẫn chứng thời sự cho việc cần thiết xử trí như yêu cầu trên, để qua đó giúp Đảng cộng sản luôn hiểu cần phải phụng sự đất nước chứ không phải chỉ là chuyện nội bộ Đảng như "đốt lò tham nhũng" lâu nay.

Sáng 2/12/2022, tại cuộc họp báo thông tin việc cưỡng chế 26 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại buôn Cuôr Kắp, lãnh đạo UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã thông tin một số nội dung về hành vi hủy hoại đất, mua bán, chuyển đổi, xây dựng trái phép của ông Phan Ngọc Diễn (46 tuổi, trú thành phố Buôn Ma Thuột, giám đốc chi nhánh Ngân hàng HD tại Đắk Lắk) ở buôn Kom Leo, xã Hòa Thắng.

Ông Diễn đã nhận chuyển nhượng 28 thửa đất tại buôn Kom Leo với tổng diện tích gần 8,4ha. Tất cả 28 thửa đất mà ông Diễn nhận chuyển nhượng có quy hoạch là đất trồng lúa, đất rừng và trồng cây lâu năm. Trong 28 thửa đất này chỉ có duy nhất một thửa đất số 73, tờ bản đồ 35, diện tích khoảng 2,5ha đã được cấp sổ đỏ do bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, vợ ông Diễn, đứng tên. 27 thửa còn lại đều chưa có sổ đỏ, việc mua bán đều trái quy định.

Sau khi nhận chuyển nhượng, ông Diễn đã cho khoan đục lấy đá bán, san lấp mặt bằng để xây dựng sân golf mini.

Hành vi tự ý san ủi, làm biến dạng địa hình của ông Diễn đã bị UBND tỉnh Đắk Lắk xử phạt hành chính hai lần với tổng số tiền 165 triệu đồng và buộc phải khôi phục hiện trạng ban đầu.

Tại họp báo sáng ngày 2/12/2022 về việc cưỡng chế 26 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại buôn Cuôr Kắp, khi được báo chí đề cập trường hợp 28 thửa đất chuyển nhượng trái quy định của ông Phan Ngọc Diễn, thì ông Nguyễn Ngọc Lân – trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Buôn Ma Thuột – giải thích đầy khó hiểu : "Trước nay các trường hợp vi phạm mình chưa thu hồi bao giờ, nay thực hiện với ông Diễn sợ không công bằng".

chusohuu2

Như vậy nếu đã gọi là "đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý", thì "trị tận gốc" trong vụ việc 28 thửa đất nêu trên, chí ít cũng cần xem xét trách nhiệm hai vị đứng đầu cơ quan đảng : Bí thư tỉnh ủy Đắc Lắc, và Bí thư Chi bộ đảng của Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank).

Trần Dzạ Dzũng

Nguồn : VNTB, 05/12/2022

Chú thích :

(*) Đảng cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn toàn quốc lần thứ XIII, nhà xuất bản. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, trang 152-153.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoài Nguyễn, Trần Dzạ Dzũng
Read 307 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)