Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/01/2019

Việt Nam đang trở thành "mẫu" tiếp theo của phương thức tham nhũng BRI ?

Hoa Nghi

Sáu năm về trước (2013), sáng kiến đầy tham vọng của Bắc Kinh mang tên "Một vành đai, một con đường" (BRI) ra đời nhằm kết nối cơ sở hạ tầng dọc con đường tơ lụa trên bộ, nối Trung Quốc với Âu châu, và nguồn tiền được bảo trợ bởi Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (tiếng Anh : Asian Infrastructure Investment Bank - AIIB) của Bắc Kinh.

bri1

Đến năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức một tiệc chiêu đãi 28 lãnh đạo các quốc gia nhằm giới thiệu BRI với các nước.

Tại vùng Đông Nam Á, Trung Quốc chi hàng tỷ USD để thuyết phục các nước về sáng kiến này, như một tham vọng của một cường quốc mới nổi.

Ngày 16/12/2018, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 4 Lào, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Việt Nam thúc đẩy việc kết nối sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc với kế hoạch BRI của Việt Nam.

Ngày 20/12/2018, tại Diễn đàn Xúc tiến Kinh tế Việt Nam – Trung Quốc, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong bài phát biểu cũng cho biết : để triển khai có hiệu quả sáng kiến của Trung Quốc, chính quyền Hà Nội mong rằng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giữa Hà Nội, các tỉnh, Thành phố của Việt Nam với các tỉnh, Thành phố của Trung Quốc.

Trong tuyên bố chung nhân chuyến thăm của ông TBT Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc vào đầu năm 2017, cũng khẳng định : Tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, bao gồm kết nối khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với BRI.

Những dữ kiện nêu trên cho thấy tiến trình gắn kết dài hơi về mặt chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam với BRI. 

Tuy nhiên, sáng kiến của Trung Quốc đang vấp phải những phản ứng ngược của các nước trong thời gian gần đây, khi câu chuyện "bẫy nợ từ sáng kiến" đang khiến các quốc gia dè chừng. Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh trong bài viết ngày 16/1 đã đặt câu hỏi "Sáng kiến Tập Cận Bình : Hỗn độn hay nguy hiểm ?", theo đó, sáng kiến Vành đai và Con đường còn bị lợi dụng để triển khai các dự án bất khả thi và tham nhũng.

Và thực sự, sáng kiến này đang trở thành một con đường tham nhũng thực sự, với sự duy trì quyền và tiền từ Bắc Kinh theo hướng "dùng tham nhũng nuôi BRI".

Mới đây nhất, hãng tin FP đã có bài viết sâu về tình trạng này qua trường hợp của Malaysia.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak, người từng bắt tay nhiệt thành với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi lễ chào mừng Diễn đàn về BRI tại Bắc Kinh vào ngày 15.5.2017. Và một năm sau, khi ông Najib Razak bị phế truất, chủ thể xuống tinh thần nhất lại là những quan chức ở Bắc Kinh.

Najib Razak – kẻ từng là Thủ tướng và giờ là tên tham nhũng tại Malaysia đã trải thảm đó tối đa cho Trung Quốc vào Malaysia. Các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ do Trung Quốc hậu thuẫn mọc lên khắp nơi, cho đến khi vụ nổ 1MDB diễn ra.

Najib Razak bị cáo buộc là sử dụng số tiền mà Trung Quốc đổ vào Malaysia để nạp vào quỹ đang cạn kiệt (1MDB - cạn kiệt do ông Thủ tướng tham nhũng).

Wall Street Journal sau đó đã tiết lộ rằng, trong cuộc họp giữa quan chức Malaysia với các đối tác Trung Quốc, Malaysia lúc đó đề nghị Bắc Kinh tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng tại Malaysia với kinh phí đội vốn (tiền mặt). Hàm ý rằng, số tiền "đội" lên này có thể được dùng để giải quyết khoản nợ của 1MDB.

Nếu đúng như những gì bị cáo buộc, thì rõ ràng, Trung Quốc đã khai thác các chế độ tham nhũng để thúc đẩy BRI. Cụ thể là, trình tự và thủ tục của việc cho phép một quốc gia bên ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng trên vùng lãnh thổ luôn là một trình tự và thủ tục đặc biệt, nhất là tại các quốc gia đề cao sự minh bạch. Thế nhưng, tại các quốc gia tham nhũng, thì các khoản bôi trơn có thể làm cho mọi chuyện trở nên dễ dãi hơn. Điều này đồng nghĩa, sáng kiến này tương hợp với các chế độ tham nhũng, và mối quan hệ này có lợi hai chiều, khi các nhà lãnh đạo nhận BRI coi đây là cơ hội để duy trì và hợp pháp hóa tham nhũng của chính họ.

Nhiều quốc gia nhận đầu tư BRI phải chịu mức độ tham nhũng cao. Trong Ma trận rủi ro hối lộ của TRACE, hầu hết các quốc gia tham gia BRI đều xếp hạng ở mức dưới 50%. Điều này không khó giải thích, khi các chế độ tham nhũng thường có các quy trình lập pháp mơ hồ, cơ chế trách nhiệm yếu, các tổ chức truyền thông bị trói buộc và chính phủ độc tài không cho phép bất đồng chính kiến (nhằm phản biện).

Đối với các chính trị gia ở các quốc gia này, BRI cung cấp một loạt các công cụ để cho phép tham nhũng : cho phép chuyển đổi tiền mặt dễ dàng, cơ sở hạ tầng hoành tráng để xoa dịu dư luận xã hội, và mối quan hệ tốt với một trong những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.

Malaysia đã thể hiện sự năng động này.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã được trả trước 2 tỷ USD cho hai dự án đường ống của Malaysia mà nó mới chỉ bắt đầu xây dựng. Một dự án BRI khác, dự án hỏa xa Bờ Đông (East Coast Railway Link) của Malaysia, đắt đến nỗi các nhà chức trách nghi ngờ chi phí của nó bị thổi phồng một cách giả tạo (20 tỷ USD).

Và như đề cập phía trên, số tiền bị "thổi lên" đã được chính quyền Najib chi trả cho các khoản nợ của 1MDB.

Kazakhstan là một quốc gia nằm trong danh sách các nước hiện diện BRI, quốc gia dầu khí nhưng gắn với chế độ chuyên quyền này là một "mẫu ưa thích" của Bắc Kinh : Chính phủ Kazakhstan, một Chính phủ tham nhũng bậc cao, xếp hạng 3/180 quốc gia (từ dưới lên) theo Chỉ số Nhận thức Tham nhũng năm 2017 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế.

Trở lại với câu chuyện Việt Nam, trong một nghiên cứu của Centre for Flobal Development đã cho thấy, 8.000 tỷ USD mà Trung Quốc đổ vào hạ tậng BRI trên khắp Á, Âu và Phi đang cho thấy sự thiếu bền vững trong diện rộng, gia tăng vỡ nợ có chủ quyền ở các nước tương đối nhỏ và nghèo, Việt Nam mặc dù được xếp hạng rủi ro thấp tuy nhiên, việc các nhà lãnh đạo cao cấp Việt Nam trong năm 2017 tuyên bố "hoan nghênh sáng kiến" cũng đã cho thấy những rủi ro tiềm năng đối với đất nước. Đó là vì sao, Việt Nam, bằng cách nào đó cũng đã và đang có khả năng trở thành "mẫu" tiếp theo của Trung Quốc (sau sự đổ vỡ ở các nước như Malaysia) trong triển khai dự án này.

Hoa Nghi

Nguồn : VNTB, 17/01/2019

Quay lại trang chủ
Read 693 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)