Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/01/2019

Phản ứng của Việt Nam ra sao sau khi EVFTA bị hoãn vô thời hạn ?

Thường Sơn

Lần đầu tiên trang tin chính phủ Việt Nam phải gián tiếp thừa nhận vai trò của ‘các tổ chức dân sự’.

Một tuần sau khi Liên Hiệp Châu Âu quyết định hoãn vô thời hạn việc phê chuẩn EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu), toàn bộ các cơ quan đảng và chính quyền của Việt Nam, từ cấp tổng bí thư đến thủ tướng, các bộ ngành kinh tế vẫn im như thóc mà không có nổi một phản ứng ra hồn. Cùng lúc, hệ thống báo đảng và nhiều tờ báo nhà nước khác cũng im bặt, trái ngược với không khí ‘hồ hởi, náo nức’ đón chào ‘Hiệp định EVFTA sắp được ký kết và thông qua’ trước đó.

vet0

Từ trái sang phải : Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường ; Federica Mogherini, Đại diện cấp cao của EU về đối ngoại và an ninh ; Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, ngày 19 tháng 10 năm 2018 tại Brussels - Ảnh minh họa

Phản ứng duy nhất chỉ đến từ… Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng : "Hiện nay, cả Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu (EU) đang tích cực các nỗ lực và thủ tục để sớm có thể chính thức phê chuẩn và đưa Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đi vào thực thi".

Nhưng để EVFTA ‘đi vào thực thi’, hiệp định này lại cần được ký kết giữa Hội đồng Châu Âu với Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên kể từ sau cuộc điều trần EVFTA - nhân quyền tại Brussels của Bỉ vào tháng 10/2018 và sau tờ trình của Ủy ban Châu Âu cho Hội đồng Châu Âu, đã không có bất kỳ tín hiệu nào từ phía hội đồng này về việc có khả năng chấp thuận cho Ủy ban Châu Âu hoặc chính hội đồng này sẽ ký kết EVFTA với phía Việt Nam. 

Như vậy, ‘đường về nhà còn xa lắm’ - như tựa đề một bộ phim của Việt Nam. Chưa ký và không biết chừng nào mới ký EVFTA thì không thể hình dung ra tương lai hiệp định này khi nào mới được đưa vào lịch trình làm việc của Hội đồng Châu Âu để phê chuẩn. Càng không thể mơ màng đến việc bản hiệp định này được tiến hành bước tiếp theo là trình ra Nghị viện Châu Âu để bỏ phiếu thông qua.

Chưa kể đến một thủ tục khác và quan trọng không kém vai trò phê chuẩn của Hội đồng Châu Âu : Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu - một cơ quan tham mưu cho Nghị viện Châu Âu về EVFTA. Thậm chí ngay cả trường hợp Hội đồng Châu Âu muốn phê chuẩn EVFTA nhưng ủy ban này phản đối thì cũng rất khó để Nghị viện Châu Âu gật đầu cho hiệp định này ‘qua đò’.

Vậy quan điểm của Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu ra sao ?

Mới đây, bất chấp thái độ nôn nóng muốn thúc đẩy nhanh thủ tục hiệp định này của một số nghị sĩ và doanh nghiệp Châu Âu, cùng sự vận động ráo riết của giới quan chức Việt Nam, Bernd Lange - Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Quốc hội EU - tuy là người được xem là ôn hòa, giờ đây cũng phải quyết liệt : "Nếu không có tiến bộ nào về nhân quyền, và đặc biệt là quyền của người lao động, thì sẽ không có bất cứ hiệp định nào được Quốc hội Châu Âu thông qua hết".

Bernd Lange là quan chức cao cấp của Châu Âu đã đến Hà Nội vài ba lần trong hai năm 2017 và 2018, đã tiếp xúc với nhiều quan chức của chính phủ Việt Nam, kể cả với Bộ trưởng công an Tô Lâm, để thuyết phục Việt Nam cải thiện nhân quyền nhằm thỏa mãn một điều kiện của EVFTA mà về sau này đã trở nên một đòi hỏi dứt khoát của Nghị viện Châu Âu. Tuy vậy, các quan chức Việt Nam vẫn cố thủ trong não trạng bảo thủ và tiếp tục đàn áp quyền làm người ở dải đất hình chữ S.

Tình trạng vi phạm nhân quyền bất chấp trên chính là nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp mà đã khiến vào ngày 15/11/2018, gần một tháng sau khi chính thể độc đảng ở Việt Nam đã tưởng như chắc ăn khi Ủy ban Châu Âu đồng thuận làm tờ trình cho Hội đồng Châu Âu để xem xét việc ký kết EVFTA với Việt Nam, Nghị viện Châu Âu đã bất ngờ tung ra nghị quyết 2018/2925(RSP) về nhân quyền Việt Nam. Bản nghị quyết này còn cứng rắn hơn cả bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam mang số hiệu 2016/2755(RSP) công bố vào tháng Sáu năm 2016.

vet2

Nghị quyết của Nghị viện Châu Âu ra ngày 15 tháng 11 năm 2018, đặc biệt là tình hình tù nhân chính trị (2018/2925 (RSP) - Ảnh minh họa 

Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, nạn bắt bớ người hoạt động nhân quyền, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…

Chưa bao giờ diễn ra mối đồng cảm và sự phối hợp đồng bộ, nhịp nng như hiện nay giữa các tổ chức nn quyền quốc tế và nhiều nhà nước ở Châu Âu. Rõ ràng là tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng ghê gớm của chính thể độc đảng ở Việt Nam, cộng hưởng với vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin, đã khiến phát sinh hiệu ứng nước tràn ly và nhiều chính phủ đã phải bày tỏ thái độ phản ứng trực tiếp với sự trơ tráo của Hà Nội.

Ngay trước khi cuộc họp của Hội đồng Châu Âu về EVFTA diễn ra, một bản yêu cầu khẩn cấp của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (Human Right Watch) đã được gửi đến Nghị viện Châu Âu, Hội đồng Châu Âu và các cơ quan liên quan, kèm theo chữ ký của 17 tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài Việt Nam, yêu cầu hoãn EVFTA do nhà nước Việt Nam đã không chịu có bất kỳ cải thiện nah6n quyền nào.

Trong một bức thư gửi cho Thủ tướng Shinzo Abe trong năm 2018, Giám đốc của HRW (Tổ chức Theo dõi Nhân quyền) tại Nhật Bản Kanae Doi viết : "Chính phủ Việt Nam vẫn là một trong các chế độ đàn áp nhất thế giới. Trong tư cách là nước cấp viện lớn nhất của Việt Nam, Nhật Bản có cơ hội và nghĩa vụ phải lên tiếng về những hành động vi phạm nhân quyền đối với các công dân Việt Nam".

Những tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài Việt Nam - giới mà chính quyền luôn coi thường ‘chỉ có một nhúm người’ và hoàn toàn không phải là đối trọng chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã làm nên một chiến thắng lịch sử. Thắng lợi này đã dẫn ra một định đề ‘sáng mắt sáng lòng’ đối với Đảng Cộng sản Việt Nam : nếu ở trong nước, đảng có thể huy động hàng trăm ngàn công an để bóp nghẹt quyền làm người của người dân, đàn áp dã man các cuộc biểu tình và đình công, bắt bớ giới đấu tranh dân chủ nhân quyền, thì khi ra sân chơi quốc tế lại là một câu chuyện khác hẳn. Dù chỉ là ‘một nhúm người’, nhưng giới tổ chức xã hội dân sự với hành động đấu tranh cho quyền lợi của người dân lại có sức ảnh hưởng quốc tế và hiệu quả quốc tế vận cao hơn rất nhiều so với Bộ Ngoại giao và các tổ chức ‘cánh tay nối dài của đảng’ chỉ biết mị dân và dối trá về nhân quyền.

Hẳn đó là nguồn cơn vì sao trong bản tin của Chính phủ Việt Nam về cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao về EVFTA có đoạn "trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin một số tổ chức dân sự kêu gọi EU hoãn bỏ phiếu thông qua EVFTA".

Có thể xem đây là lần đầu tiên trang tin chính phủ Việt Nam phải gián tiếp thừa nhận vai trò của ‘các tổ chức dân sự’, hay nói cách khác là của xã hội dân sự mà đã hình thành và tồn tại trong lòng xã hội Việt Nam từ hàng chục năm qua, đặc biệt từ năm 2014 đến nay, như một thực thể và hơn thế là một thực thể đáng gờm trong tác động phản biện ra quốc tế đối với những chính sách của chính quyền Việt Nam.

Những ngày giáp Tết nguyên đán 2019

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 31/01/2019

Quay lại trang chủ
Read 759 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)