Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/02/2019

Việt Nam tụt hạng trong chỉ số CPI chống tham nhũng

Ánh Liên

Tụt 10 hạng trong chỉ số CPI chống tham nhũng khi cuộc chiến 'đốt lò' vẫn đang tiếp tục ?

Ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hiện giờ tin tưởng vào ‘đạo đức cách mạng’ và sự ‘cứng rắn’ về mặt luật định mà ông tự nghĩ ra. Tuy nhiên, sự chủ quan này chỉ giúp ông ghi điểm trong phòng chống tham nhũng trong giai đoạn đầu, nó chỉ tác động ở một bộ phận hoặc vài đối tượng cụ thể, và chỉ mang tính chất răn đe tạm thời. 

cpi1

Chỉ số tham nhũng Việt Nam tụt hạng

Trong một chia sẻ trên Facebook cá nhân, cô Lê Nguyễn Hương Trà  đã chia sẻ sự kiện Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI) vừa công bố chỉ số CPI xếp hạng các quốc gia/vùng lãnh thổ về tham nhũng. Theo đó, thì ông Việt Nam 2018 xếp hạng 107/180 nước, tụt 10 hạng so với năm ngoái và bằng 2016. 

‘Đây là kết quả khá hài hước giữa bối cảnh đốt lò của Tổng Tịch Trọng’, blogger Lê Nguyễn Hương Trà chia sẻ.

Tại sao lại như vậy, trong bối cảnh ‘đốt lò’, với được diễn dịch trên báo chí chính thống là làm cho niềm tin của nhân dân đối với công cuộc chống tham nhũng của Đảng gia tăng, và gia cố sức lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước ?

Lý giải cho sự tụt hạng này có thể đến từ việc, nguồn dữ liệu của CPI đo lường các khía cạnh của tham nhũng, trong đó có hai yếu tố quan trọng là : mức độ phổ biến của việc các cán bộ nhà nước lợi dụng vị trí để tư lợi mà không lo đối mặt với các hậu quả (1) ; nhà nước bị khống chế bởi các nhóm lợi ích nhỏ (2) ; tiếp cận thông tin về các vấn đề công của xã hội dân sự (3).

Xét trên mức độ gắn nhãn 1-2-3 nêu trên, thì khi mà sự tiếp cận thông tin về các vấn đề công của xã hội dân sự bị hạn chế, thì nó sẽ khiến 1-2 nổi lên. Lý do nằm ở việc, nhà nước sẽ không thể giám sát bằng luật pháp hay các quy định (về mặt đảng) nếu như bản thân việc giám sát đó được thực hiện bởi chính cán bộ nhà nước. Nó không khác gì việc người đứng đầu cơ quan Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng từng được trao giữ chức Trưởng ban Phòng chống tham nhũng cách đây không lâu.

Tại Việt Nam hiện tại, câu chuyện xã hội dân sự và minh bạch hiện thời đều không được tạo thuận lợi. Trong khi luật Phòng, chống tham nhũng đề cao cái gọi là 'công khai minh bạch’ (với 11 lần đề cập trong luật và có hẳn mục công khai, minh bạch về tổ chức và hỏa động của cơ quan, đơn vị). Tuy nhiên, việc tiếp cận thông tin hiện nay là khó khăn, bởi Luật tiếp cận thông tin (2018), tại Khoản 4, Điều 3 đã gián tiếp hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân, theo đó, hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Tiếp đó, tại Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước (2018) trong phạm vi bí mật nhà nước (Điều 7), danh mục bí mật của nhà nước được trải dài, bao gồm cả các thông tin về dự án kinh tế - xã hội công.

Về mặt xã hội dân sự, Quy định số 102-QĐ/TW về việc cấm đảng viên đòi hỏi thực hiện thể chế xã hội dân sự, gián tiếp cấm đảng viên bàn về xã hội dân sự tác động khá lớn. Bởi đội ngũ đảng viên hiện giờ phần lớn nằm trong bộ máy nhà nước, và những nhà lãnh đạo hoạch định chính sách công phải là những đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Nói cách khác, bản thân Quy định số 102 đã ‘khóa’ vai trò của xã hội dân sự đối với việc giám sát và truy vấn thông tin của giới xã hội dân sự đối với các vấn đề liên quan đến việc tư lợi hay không tư lợi, lợi ích nhóm hay không lợi ích nhóm. Nói cách khác, sự ‘tiếp cận thông tin về các vấn đề công của xã hội dân sự’ biến mất ngay trong bộ máy nhà nước hiện thời.

Trong khi chính quyền Việt Nam tìm cách loại bỏ yếu tố xã hội dân sự, vì đây bị coi như một lực lượng đối trọng vô hình trong giành quyền lực mà bản thân Đảng cộng sản Việt Nam đang nắm giữ, thì bên ngoài, xã hội dân sự được coi là lực lượng chính yếu cùng với nhà nước khống chế tham nhũng.

Vào tháng 7/2019, trong nỗ lực chống tham nhũng ở Châu Phi, Liên minh Châu Phi (AU) đã tổ chức Hội nghị diễn đàn chống tham nhũng xã hội dân sự lần III. Với nhận định rằng, tham nhũng vẫn đang cản trở sự phát triển ở nhiều nước Châu Phi, AU đã tuyên bố năm 2018 là năm chống tham nhũng ở Châu Phi. Và mục tiêu chính của diễn đàn là xác định tiềm năng xây dựng liên minh lớn hơn và kết nối rộng hơn của các tổ chức xã hội dân sự (CSOs), các cơ quan và nhà báo hiện tại của AU để tạo ra sự khả thi và bền vững trong việc chống tham nhũng trên lục địa.

Chủ tịch Hội đồng tư vấn AU về tham nhũng (AUABC), Hon. Mairom Begote kêu gọi AU tạo ra một môi trường cho phép CSO và phương tiện truyền thông để buộc các Chính phủ chịu trách nhiệm. Bản thân mối quan hệ giữa chính phủ và CSO thường căng thẳng, trong khi CSO thiếu sự hỗ trợ cần thiết của chính phủ cần thiết để thực hiện các dự án chống tham nhũng ở cấp địa phương.

Nhưng tại sao lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam lại ngăn cấm bàn về thể chế xã hội dân sự ?. Như đề cập trên, họ lo sợ về sự cạnh tranh quyền lực và giành lấy niềm tin trong dân chúng. 

Họ lo ngại rằng, niềm tin xã hội dân sự sẽ chiếm lĩnh và đẩy lùi về niềm tin về sự lãnh đạo toàn diện của đảng với các vấn đề của nhà nước. Trên cả, khi một xã hội dân sự phát triển, người dân sẽ phản đối sự bất công, và bắt đầu thách thức chính quyền, họ sẽ đổ xuống đường và khơi gợi nhu cầu thay đổi hệ thống khi mà hệ thống đó trở nên ù lỳ trước tham nhũng. 

Georgia hay cuộc cách mạng hoa hồng vào tháng 11/2003, nơi các chiến lược hợp tác của xã hội dân sự được thực hiện bởi các cá nhân và tổ chức. Họ buộc tổng thống Shevardnadze phải từ chức 20 ngày sau khi ông giành chiến thắng. Hay tại Ấn Độ, năm 2011, xã hội dân sự trở thành phương tiện liên lạc giữa hàng ngàn người biểu tình chống tham nhũng trên khắp đất nước (diễn ra tại 40 tỉnh thành của nước này). 

Vấn đề là, tất cả những gì mà xã hội dân sự làm không phải là thách thức quyền lực chính quyền hợp pháp, mà xã hội dân sự tạo áp lực của Chính phủ hành động ‘vì dân’ hơn. Xã hội dân sự buộc chính quyền phải minh bạch và chịu trách nhiệm chống tham nhũng ở cả khu vực công và tư. Bản thân nó tạo ra ý chí chính trị cần thiết về tất cả các cấp chính quyền, giám sát các hoạt động tham nhũng trong khu vực công và tư nhân, thúc đẩy khả năng cần phải được hình sự hóa các hành vi này. 

Xã hội dân sự cũng chống lại các nhà lãnh đạo khu vực công và tư nhân tham nhũng bằng sự vận động, và gây áp lực lên nhà nước và các cơ quan chống tham nhũng. Theo dõi chặt chẽ xem các chính trị gia có tôn trọng các cam kết của họ để chống tham nhũng không. 

Quay lại câu chuyện Việt Nam, thực sự, Đảng cộng sản Việt Nam hay Nhà nước Việt Nam không thiếu quyền lực hay thậm chí là khả năng ‘đẻ luật’ để phòng chống tham nhũng. Những gì còn thiếu là thực thi và ý chí chính trị cần thiết để thực thi nó mà không phân biệt đối xử. Khi xã hội dân sự tiếp tục với những nỗ lực vận động của mình, các cuộc gọi để thực thi luật pháp hiện hành sẽ củng cố luật liên quan đến tội phạm tài chính và tất cả những người liên quan đến các hoạt động đó. Xã hội dân sự cần phải là một yếu tố mà Nhà nước cần hợp tác để vạch trần tham nhũng trong cả khu vực công và tư nhân và gây áp lực cho các cuộc điều tra và trừng phạt, đảm bảo tính độc lập – minh bạch và cứng rắn trong phòng chống tham nhũng.

Ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hiện giờ tin tưởng vào ‘đạo đức cách mạng’ và sự ‘cứng rắn’ về mặt luật định mà ông tự nghĩ ra. Tuy nhiên, sự chủ quan này chỉ giúp ông ghi điểm trong phòng chống tham nhũng trong giai đoạn đầu, nó chỉ tác động ở một bộ phận hoặc vài đối tượng cụ thể, và chỉ mang tính chất răn đe tạm thời. Trong khi tính tham nhũng liên tục biến đổi và tinh vi, hoạt động không chỉ một bộ phận cụ thể hoặc chỉ dừng cấp trung ương, mà biến tấu liên tục tại nhiều khu vực, nhiều dạng thức và tham nhũng vặt vẫn công nhiên xuất hiện khi cuộc chiến đốt lò đang diễn ra.

Và cơ chế hiện thời cũng không thể giải quyết được vấn đề cốt lõi đẻ ra tham nhũng ‘nhà nước bị khống chế bởi các nhóm lợi ích nhỏ’, khi mà bản thân cơ chế là một nhóm lợi ích nhỏ áp đặt quan điểm và giá trị lên trên cộng đồng. Chính yếu tố này đã dẫn đến sự cần thiết của xã hội dân sự trong giám sát và điều chỉnh các hành vi của ‘nhóm nhỏ’ này, tránh một hệ thống tham nhũng ‘tuyệt đối và toàn diện, có hệ thống’ trong Nhà nước. Ngược lại, thì công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam chỉ ở mức tạm thời, và mà tính chất răn đe chính trị ngắn hạn hơn là một ‘cuộc chiến đốt lò’ tham nhũng toàn diện.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 01/02/2019

Quay lại trang chủ
Read 613 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)