Diễn đàn kinh tế thế giới Davos tại Thuỵ sĩ tháng 1 năm 2019 có sự tham dự của 3.000 người từ 115 quốc gia trên thế giới với nhiều lãnh đạo cấp cao và tập đoàn lớn cùng góp mặt. Đây là dịp để ông Phúc tiếp thị quốc gia và mời chào các nhà lãnh đạo, chủ các công ty lớn và các nhà đầu tư đến Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên khai mạc Cuộc gặp các nhà lãnh đạo về chương trình nghị sự hành động đại dương. (Ảnh : Thống Nhất/TTXVN)
Davos – "EVFTA vận" khắp nơi
Lịch làm việc của ông Phúc kín mít vì phải gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia từ đông sang tây cũng như lãnh đạo các tập đoàn lớn trên thế giới.
Trước hết dĩ nhiên là Tổng thống nước chủ nhà Thuỵ Sỹ Ueli Maurer. Thuỵ Sỹ đã cam kết viện trợ 90 triệu đô la mỹ ODA cho Việt nam trong các năm 2017 – 2020 và ông Phúc đã vô cùng biết ơn Thuỵ Sỹ về điều đó.
Sau đó lần lượt có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Romania Ana Birchall, ông Phúc đề cao mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè truyền thống ở khu vực Đông Âu. Khi gặp Thủ Tướng Hoà Lan Mark Rutte, ông Phúc mong được hỗ trợ thêm nhiều chương trình mới ngoài các chương trình về môi trường, giáo dục, nông nghiệp.
Với Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis, ông Phúc cảm ơn Chính phủ Cộng hòa Séc đã tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sở tại hòa nhập, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Séc và làm cầu nối cho quan hệ hai nước ngày càng gắn bó.
Ở cả ba cuộc gặp với các lãnh đạo Châu Âu nay, ông Phúc đều bày tỏ mong muốn các quốc gia thành viên EU là Romania, Hoà Lan và Cộng hoà Sec thúc đẩy EU sớm ký chính thức và phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Ông Phúc cũng bày tỏ nguyện vọng tương tự khi tiếp xúc với ngài Jyrki Katainen, Phó chủ tịch Cộng Đồng Châu Âu thúc đẩy quy trình ký kết để EVFTA có thể được ký kết vào quý 1 năm 2019 ; đồng thời cũng nhắc luôn ngài Phó chủ tịch EU rằng Việt Nam đang cần được Châu Âu xoá thẻ vàng thuỷ sản.
Ngoài ra với Thuỵ Sỹ, ông Phúc "mong muốn" Thụy Sỹ và Khối Thương mại Tự do Châu Âu (EFTA) có cách tiếp cận linh hoạt, phù hợp với thực tế để sớm thông qua Hiệp định EVFTA, đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp hai bên.
Trong các buổi gặp gỡ với các tập đoàn kinh doanh lớn của EU như Tổng Giám đốc Công ty AB Carlos Brito, Chủ tịch Tập đoàn Procter & Gamble Mages-vanran Suranjan, Giám đốc Tập đoàn Adidas Kasper Rorsted, Tổng Giám đốc Điều hành Carlsberg Cees’t Hart ; ông Phúc cũng không ngần ngại yêu cầu các vị này "tích cực thúc đẩy Liên Hiệp Châu Âu (EU) sớm đẩy nhanh tiến trình thông qua Hiệp định EVFTA để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam và Châu Âu thúc đẩy hợp tác đầu tư thời gian tới."
Chừa ra cửa Đức
Trong số các lãnh đạo chính trị Châu Âu còn có Thủ tướng Ý Giuseppe Conte, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, và đặc biệt Angela Merkel, Thủ tướng Đức. Ông Phúc có lẽ đã tránh không giáp mặt bà Merkel vì vụ Trịnh Xuân Thanh.
Trong lần gặp mặt ở G-20 tháng 7 năm 2017 ở Hamburg, bà Merkel đã có một buổi tiếp ông Phúc bên lề hội nghị. Từ lúc xảy ra vụ bắt có Trịnh Xuân Thanh cho tới nay đã hơn một năm rưỡi nhưng phía Việt Nam vẫn chưa trao trả lại Xuân Thanh cho Đức như phía Đức yêu cầu.
Đức vốn là một nhà đầu tư lớn vào Việt Nam và tiếng nói của Đức để giúp cho EVFTA được phê chuẩn sẽ có trọng lượng rất nhiều nhưng lại không được ông Phúc tận dụng trong lần đi Davos này. Nhưng báo đảng lại không hề hé lộ tin tức ông Phúc có gặp bà Merkel và có khẩn cầu nước Đức nói vào một tiếng cho EU sớm thông qua hiệp định EVFTA hay không.
Vụ việc chưa yên, trong khi ông Phúc vất vả đi cạy cục lãnh đạo từng quốc gia trong khối EU cũng như các ông lớn trong các tập đoàn kinh tế nói giúp cho Việt Nam một tiếng để sớm ký được EVFTA, thì chưa đầy một tuần lễ sau, ông Trọng lại phong hàm cấp Đại tướng cho ông Tô Lâm, một người mà báo chí Đức, Slovakia và các quốc gia Châu Âu khác cáo buộc đã nhúng tay vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Rõ là người xây người phá !
Điều nay chẳng khác gì lại là một sự thách thức lớn khác với nước Đức khi ông Trịnh Xuân Thanh vẫn còn phải thụ án ở Việt Nam, và mối quan hệ Đức Việt vẫn chưa được nồng ấm trở lại.
Bà Merkel sẽ từ chức năm 2021, từ giờ cho tới đó, ông Phúc vẫn còn phải đi năn nỉ các quốc gia Châu Âu dài dài để có được EVFTA một khi vụ Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa được khép lại.
EVFTA vận từ trong nước vận ra
Chỉ một ngày trước khi diễn đàn kinh tế thế giới 2019 diễn ra, ngày 22 tháng1 năm 2019 phái đoàn Việt Nam đã bị rát mặt trong phiên điều trần về nhân quyền tại Geneva khi các quốc gia trên thế giới xoay Việt Nam về luật An ninh Mạng, các điều khoản ILO, án tử hình...
Và ngay hôm sau đó, ngày 23 tháng 1 năm 2019, đã có thông tin chính thức EVFTA sẽ bị hoãn lại do "lý do kỹ thuật". Lý do kỹ thuật ở đây chính là các vi phạm nhân quyền mà phái đoàn Việt Nam đã cố gắng phủ nhận trong phiên điều trần chiều ngày 22 tháng 1.
Ông Phúc cũng đã có cuộc gặp gỡ với Phó Chủ tịch Facebook Nick Cleggtại Davos. Ông Phúc vẫn bày tỏ mong muốn Facebook tăng cường hợp tác phát triển ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam, mà nhất là trong lĩnh vực khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thông tin, phát triển kinh doanh qua các mạng xã hội.
Ông Phúc yêu cầu Facebook phải tuân thủ các quy định luật pháp Việt Nam mà có thể hiểu một cách rõ ràng ở đây đó là Luật An ninh Mạng buộc Facebook phải lưu trữ dữ liệu người dùng ở Việt Nam và trình xuất cho công an khi có yêu cầu mà không cần lệnh của toà án.
Để cho EU thông qua EVFTA chỉ cần cải thiện điều kiện nhân quyền ở Việt Nam. Để làm được điều đó trước hết phải hết hèn để dám thừa nhận những vi phạm nhân quyền chứ không phải chối tất và cho rằng luật lệ đặt ra là vì đặc thù của đất nước.
Tiếp theo đó là sửa đổi các điều luật vô lý mà các nước đã nêu ra trong Luật An ninh Mạng , luật Hình sự, và thực hiện các điều khoản mà ILO yêu cầu về quyền của người lao động.
Nếu làm xong, tự khắc EU phê chuẩn EVFTA mà không cần ông Phúc phải vất vả năn nỉ làm gì. Lúc đó là lúc Việt Nam đã biết nâng tầm quốc gia lên ngang tầm các quốc gia văn minh khác trên thế giới.
Tất cả đều nằm trong tay Hà Nội chứ chẳng phải nghị sĩ hay lãnh đạo EU nào.
Diên Vỹ
Nguồn : VNTB, 01/02/2019