Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/02/2019

Venezuela là một thảm họa mang tên chủ nghĩa xã hội

Bret Stephens

Điều dễ nhận thấy là sự vắng mặt của danh từ "chủ nghĩa xã hội" trong phần lớn các tin tức dòng chính về cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela. Thật vậy, bất kỳ một nhà quan sát tinh tường, nhạy cảm nào cũng đều đồng ý rằng một đất nước Mỹ Latinh, đã một thời là một quốc gia giàu có nhất, nằm ở ngay trên đỉnh của một bể chứa dầu được chứng minh là lớn nhất thế giới, nay đã là một "ca" khủng hoảng kinh tế, một thảm họa nhân đạo và một chế độ độc tài mà sự sụp đổ của nó có thể sẽ không thể đến sớm. 

vene1

Tranh vẽ trên tường ở Venezuela - Ảnh minh họa

Nhưng … xã hội chủ nghĩa ư ? Cầu xin chuyện đó đừng bao giờ xảy ra (nguyên văn : "But … socialist ? Perish the thought").

Hay như cái lập luận mà vốn vẫn nhất mực cho rằng cái danh xưng hay ho chủ nghĩa xã hội không thể bị hủy hoại bởi những kết quả (mà thường là từ tồi tệ đến rất tồi tệ - người dịch) của những trải nghiệm (của thế giới từ gần một thế kỷ qua - người dịch). Ở Venezuela, những gì (những ngôn từ - người dịch) mà bạn có lẽ thường xuyên đọc thấy vẫn là rằng : cuộc khủng hoảng là sản phẩm của tham nhũng, của chủ nghĩa thân hữu, của chủ nghĩa dân túy, của ách độc đoán, chuyên chế, của sự phụ thuộc vào tài nguyên, của các biện pháp trừng phạt và lừa đảo của Hoa Kỳ, thậm chí là tàn dư của chính chủ nghĩa tư bản. Xin đừng đề cập (ý là nói xấu – người dịch) gì đến chữ S- (tác giả chơi chữ, lấy chữ S của chữ Socialist – người dịch), bởi vì, quý vị biết đấy, nó vận hành rất tốt ở Đan Mạch (nói rộng ra, là ở các nước Bắc Âu, làm cứ như là ở Bắc Âu, người ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội vậy ! - người dịch).

Thật kỳ lạ, đó không phải là những ngôn từ mà những người ngưỡng mộ chế độ Venezuela đã sử dụng để nói về "chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21", như nó đã được Hugo Chávez vinh danh. Jeremy Corbyn (sinh 1949, hiện là lãnh đạo đảng Công nhân của Anh quốc, Việt Nam vẫn dịch là Công đảng Anh, làm cứ như đảng Công nhân của Anh quốc là một con chiên ghẻ trong phong trào các đảng Công nhân quốc tế khác ! Ông Corbyn hiện đang lãnh đạo phe đối lập tại Quốc hội Anh, chống đối dữ dội kế hoạch Brexit của bà Theresa Mary May, Thủ tướng Anh – người dịch), một người Anh, đã nói rằng Tổng thống Venezuela, người đã quá cố, Hugo Chávez (1954 - 2013), "đã cho chúng ta thấy có một phương thức khác biệt và tốt hơn để thực hiện một điều gì đó. Điều gì đó chính là chủ nghĩa xã hội, là công bằng xã hội, và đó là điều mà Venezuela đã đạt được một bước tiến lớn về phía trước". Nhà ngôn ngữ học Noam Chomsky (Avram Noam Chomsky, sinh 1928, nhà ngôn ngữ học, nhà triết học, nhà logic học, nhà bình luận chính trị, và nhà hoạt động người Mỹ - người dịch) cũng nhiệt tình tương tự khi, vào năm 2009, đã ca ngợi Chávez rằng "Cái mà rốt cuộc khiến ta hứng thú, phấn khích khi đến thăm Venezuela là rằng tôi có thể nhận thấy một thế giới tốt đẹp hơn đang được tạo ra và có thể chuyện trò với người mà đã truyền cảm hứng cho nó như thế nào". Nhiều những fan hâm mộ của Chávez lại không quá lo lắng về những khía cạnh đen tối hơn của chế độ của ông ta. Chomsky thì đã rút lại một số lời ca tụng của ông ta khi mà Venezuela trở thành một nhà nước ngày càng độc tài, chuyên chế một cách công khai hơn, nhưng những người khác thuộc cánh tả thì lại không nhạy cảm được đến mức như thế. Trong một bản cáo phó dài lê thê đăng trên tờ The Nation, ông Greg Grandin, giáo sư thuộc Đại học New York đã nêu ý kiến cho rằng "vấn đề lớn nhất mà Venezuela gặp phải trong thời gian Chávez cầm quyền không phải là Chávez độc đoán mà là ông ta đã không độc đoán đủ ở mức cần thiết".

Ít nhất thì Grandin đã ngầm thừa nhận rằng chủ nghĩa xã hội rốt cuộc cũng đòi hỏi một sự ép buộc, cưỡng chế để đạt tới những mục tiêu chính trị của nó ; trong trường hợp ngược lại, bản chất con người là ở chỗ con người ta sẽ tìm ra những kẽ hở và những con đường vòng, lách luật để bảo toàn được càng nhiều tài sản của họ càng tốt. Điều đó còn nhiều hơn những gì có thể nói về một số người trước đây từng bênh vực, biện hộ cho Chávez, những người mà đã muốn quên đi một thực tế là Venezuela đã bám sát kịch bản xã hội chủ nghĩa chính thống đến như thế nào. Chính quyền đã chi tiêu cho các chương trình xã hội ư ? Xin hãy kiểm chứng : Từ năm 2000 đến 2013, chi tiêu từ G.D.P. đã tăng từ 28 phần trăm lên đến 40 phần trăm. Tăng lương tối thiểu ư ? Xin hãy kiểm chứng. Nicolás Maduro, Tổng thống hiện tại, đã tăng lương tối thiểu không dưới sáu lần, riêng chỉ trong một năm ngoái, (mặc dù điều đó không tạo ra một sự khác biệt nào khi đối mặt với siêu lạm phát). Một nền kinh tế dựa trên các hợp tác xã, chứ không phải dựa trên các tập đoàn ư ? Xin hãy kiểm chứng thêm một lần nữa. Như Naomi Klein đã viết trong cuốn sách của bà, xuất bản năm 2007, cuốn "Học thuyết Sốc" (nguyên văn : "The Shock Doctrine"), "ông Chávez đã đưa các hợp tác xã trở thành ưu tiên chính trị hàng đầu… Đến năm 2006, đã có khoảng 100.000 hợp tác xã ở nước này, sử dụng hơn 700.000 công nhân".

Và, chúng ta xin đừng quên rằng tất cả những điều này đã được thực hiện khi Chávez đã giành thắng lợi hết trong cuộc bầu cử này đến cuộc bầu cử khác trong những năm dầu mỏ lên ngôi hậu. Thật vậy, một trong những lập luận chính yếu của việc rao bán học thuyết Chavez cho những người hâm mộ phương Tây là rằng đó không những là một ví dụ của chủ nghĩa xã hội, mà còn là một ví dụ của chủ nghĩa xã hội dân chủ nữa (nguyên văn : "one of the chief selling points of Chavismo to its Western fans wasn’t just that it was an example of socialism, but of democratic socialism, too").

Nếu các phương dược, kê đơn bốc thuốc mang tính chính sách là quen thuộc, thì hậu quả của những phương dược ấy cũng quen thuộc không kém, nghĩa là có thể nhìn thấy trước được.

Việc chi tiêu quá mức của chính quyền (Chavez) tạo ra những thâm hụt mang tính thảm họa khi giá dầu giảm mạnh. Người công nhân các hợp tác xã bị trói buộc trong tay của những nhà chính trị thân hữu bất tài và tham nhũng. Chính quyền đối phó với các vấn đề ngân sách bằng cách in tiền, dẫn đến lạm phát. Lạm phát dẫn đến kiểm soát giá cả, dẫn đến thiếu hụt. Sự thiếu hụt dẫn đến các cuộc biểu tình, dẫn đến đàn áp và phá hủy nền dân chủ. Từ đó mà có nạn đói lan rộng, có tình trạng thiếu hụt thuốc men nghiêm trọng, có bùng nổ tội phạm và có thảm họa khủng hoảng tị nạn mà có thể sánh với thảm họa khủng hoảng tị nạn ở Syria.

Tất cả những điều này (trong quá khứ gần đây của tất cả các loại mô hình chủ nghĩa xã hội – người dịch) đã từng quá rõ ràng, nhưng trong thời đại của Alexandria Ocasio-Cortez (còn được viết tắt thành AOC, sinh 1989, là một chính trị gia và nhà hoạt động người Mỹ, là Hạ nghị sĩ Liên bang Hoa kỳ kể từ ngày 3 tháng 1 năm 2019), nó cần phải được giải thích lại. Tại sao chủ nghĩa xã hội lại không bao giờ vận hành, không bao giờ hoạt động cho ra hồn ? Bởi vì, như bà Margaret Thatcher (1925 - 2013) đã giải thích, "cuối cùng thì bạn cũng đã phung phí hết tiền của những người khác".

Còn giờ đây tình hình ra sao ? Chính quyền Trump đã thực hiện một bước đi hoàn toàn đúng đắn trong việc công nhận nhà lãnh đạo Quốc hội Juan Guaidó (sinh 1983) là tổng thống hợp hiến của Venezuela. Chính quyền Trump có thể củng cố an ninh cá nhân cho Juan Guaidó bằng cách cảnh báo các tướng tá Venezuela rằng nếu gây tổn hại cho Juan Guaidó thì họ sẽ lãnh đủ những tổn hại đối với chính họ. Chính quyền Trump có thể nâng cao vị thế chính trị của Juan Guaidó bằng cách cung cấp quyền truy cập vào các ngân quỹ mà có thể giúp Juan Guaidó thành lập một chính quyền thay thế và lôi kéo các nhân vật đang còn dao động trong phe Maduro để đảo cánh. Chính quyền Trump có thể đưa Venezuela vào danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố nhà nước và cảnh báo Cuba rằng họ sẽ được đưa trở lại danh sách nếu còn tiếp tục hỗ trợ cho bộ máy tình báo của Caracas.

Và chính quyền Trump có thể dàn xếp một sự miễn trừ pháp lý và một chiếc máy bay cho Maduro, cho gia đình của ông ta và các thành viên hàng đầu khác của chế độ nếu họ đồng ý từ chức ngay bây giờ. Chắc chắn là có một khuôn viên tại Havana nơi mà băng đảng đó có thể sống nốt những ngày tàn của chúng để không còn gây thêm những hành động bạo ngược cho dân tộc nữa (nguyên văn : "where that gang can live out their days without tyrannizing a nation").

Đồng thời, bài học lớn hơn về thảm họa Venezuela cần phải được học tập, nghiên cứu. Hai mươi năm chủ nghĩa xã hội, cái mà được chào đón, cổ vũ bởi Corbyn, Klein, Chomsky và những người khác, đã dẫn đến sự hủy hoại của cả một quốc gia. Họ (Corbyn, Klein, Chomsky) có thể không quá cảm thấy xấu hổ, họ có thể ít bị tổn hại cá nhân hơn, bởi những gì mà họ đã giúp (cho Chavez và bộ hạ) đang thực hiện tại Venezuela. Nhưng chúng ta, những người còn lại, thì cần phải quan tâm đến việc để nó (chủ nghĩa xã hội) không bao giờ được thực hiện đối với chúng ta. (Chủ nghĩa xã hội ư ? Cám ơn và xin phép được từ chối ! – người dịch).

Bret Stephens

Nguồn : Yes, Venezuela Is a Socialist Catastrophe,The New York Times International Edition, 25/01/2019

Mai Hưng dịch

Nguồn : VNTB, 03/02/2019

Quay lại trang chủ
Read 664 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)