Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/02/2019

Suy thoái về tư tưởng chính trị là gì ?

Trúc Giang

Theo giải thích của từ điển tiếng Việt, ‘suy thoái’ là động từ dùng để chỉ tình trạng suy yếu và sút kém dần, có tính chất kéo dài. Ví dụ hay được viện dẫn là ‘suy thoái kinh tế’.

suythoai1

Phải tiến những tiến như thế nào ? Ảnh biếm họa

Còn theo cách của ngôn ngữ tuyên giáo đảng, ‘suy thoái về tư tưởng chính trị’ có nghĩa là người dân và đảng viên đang ngờ vực, hoặc không còn tin tưởng vào vai trò đảng cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam. Nôm na, nếu mở ra cuộc trưng cầu ý dân, rất có thể sẽ nhiều lá phiếu được nhân dân chọn bỏ vào thùng bất tín nhiệm đảng cộng sản Việt Nam.

Sự suy thoái về tư tưởng chính trị đã được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chia làm 27 nội dung cụ thể (xem Toàn văn Nghị quyết Trung ương 4 - Khóa XII).

3 điều đầu tiên của dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, như sau :

"1) Phai nhạt lý tưởng cách mạng ; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

2) Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng ; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái.

3) Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị ; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước".

Nếu căn cứ vào Hiến pháp 2013, thì 3 nội dung kể trên có dấu hiệu vi hiến. Điều 4 của Hiến pháp nói rằng vai trò của đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng cộng sản Việt Nam chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của đảng và đảng viên đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Như vậy, khi người dân sử dụng quyền giám sát để chỉ trích, phê phán về những sai lầm của đảng, thì đảng không thể dùng quyền lực để chụp mũ người dân là ‘hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh’, là ‘không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội’, rồi biến họ thành những tù nhân lương tâm. Đảng là ‘lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội’, thì trước tiên Bộ Chính trị với người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải đặt trách nhiệm tối thượng là phục vụ cho ‘Nhà nước và xã hội’, chứ không phải cho chính bản thân đảng cộng sản như nội dung của Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII.

Hiến pháp 2013, Điều 14 cho biết ở Việt Nam, "các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".

Quyền công dân về chính trị đã bảo hộ cho mọi người dân có hay không là đảng viên, quyền tự do cá nhân về tư tưởng chính trị. Quyền này chỉ bị hạn chế khi sự tự do cá nhân đó về tư tưởng chính trị đưa đến chủ quyền quốc gia bị xâm hại, chứ không phải là đảng bị thiệt hại.

Muốn nhân dân đồng thuận, nhất trí, đoàn kết, thúc đẩy tính tích cực chính trị của nhân dân, thì trước hết phải quan tâm đến lợi ích của dân, chứ không phải lợi ích của đảng cộng sản theo kiểu khẩu hiệu ‘còn đảng – còn mình’, hay ‘tuyệt đối trung thành với đảng cộng sản’. 

Quản trị quốc gia phải lấy lợi ích thiết thân của người lao động làm cơ sở để xây dựng chủ trương, chính sách, xây dựng và phát triển đất nước, chứ không phải cứ khăng khăng định hướng xã hội chủ nghĩa, bất chấp những điều không phù hợp thực tế Việt Nam. 

Về mặt luật pháp cũng cần phải xây dựng các thiết chế tạo điều kiện, có cơ sở để đảm bảo rằng mọi người dân đều có thể thực thi đầy đủ quyền làm chủ trực tiếp của mình. 

Còn nói theo ngôn từ báo chí tuyên giáo, thì cần thông qua công tác dân vận để đảng cầm quyền và người dân cùng tìm ra những tương đồng chung, biết gác lại những khác biệt và hành động trên cơ sở những tương đồng chung ấy. Nếu tất cả thành phần trong xã hội, từ đảng cầm quyền, cán bộ nhà nước cho tới từng người lao động thành thị, nông thôn, hải đảo… đều lấy mục tiêu dân giàu nước mạnh, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết thì sẽ không khó có sự đồng tâm nhất trí.

Đó còn là 'lấy dân làm gốc' như nhận định của tác giả Thảo Vy trên trang Việt Nam Thời Báo hôm 6/2 vừa qua.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 08/02/2019

Quay lại trang chủ
Read 730 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)