Cách đây không lâu, Huang Xiangmo là một trong hai người Trung Quốc có ảnh hưởng mạnh mẽ lên chính giới và hai đảng chính trị lớn nhất của Úc, đảng Lao động và đảng Cấp tiến. Người kia là Chau Chak Wing. Cả hai được tuyên dương vì các đóng góp từ thiện đáng kể cũng như hỗ trợ tài chánh cho các hoạt động của chính đảng.
Lãnh đạo đảng đối lập, Bill Shorten, cầm bức hình có ngoại trưởng Úc, Julie Bishop, và doanh gia Trung Quốc, Huang Xiangmo, trong phần chất vấn tại Quốc hội Úc, 14 tháng Sáu, 2017.
Giờ đây âm mưu đằng sau hai nhân vật này đã được vạch trần trên phương tiện truyền thông Úc. Cả hai ông Huang và Chau bị tố cáo làm cánh tay dài của Bắc Kinh. Ông Chau (biệt danh CC3) cũng bị dân biểu Andrew Hastie tố cáo tại Quốc hội Úc về hành vi lũng đoạn Liên Hiệp Quốc qua vụ hối lộ cố Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc John Ashe. Còn hồ sơ xin gia nhập công dân của ông Huang thì mới đây đã bị từ chối, và tư cách thường trú nhân của ông cũng bị hủy bỏ. Tuy có biệt thự trị giá 13 triệu đô la tại Sydney, ông Huang hiện đang ở ngoài Úc (có nguồn tin cho rằng ông đang ở Bắc Kinh, nguồn khác thì nói Hồng Kông) nên có xác xuất là ông không bao giờ được quay về lại ngôi nhà này của mình. Quyết định của chính phủ Úc đối với hồ sơ di trú của ông Huang đã gửi một thông điệp mạnh mẽ nhất đến các chính quyền nước ngoài, đặc biệt là Bắc Kinh, rằng nếu có ý đồ sử dụng tiền để lũng đoạn chính trị tại đây thì nên nghĩ lại.
Ông Huang là ai và đã làm gì để gây ảnh hưởng tại Úc ?
Đến Úc năm 2011, ông Huang đã tìm cách tạo ảnh hưởng lên xã hội và chính trị Úc trong một thời gian ngắn. Trong vòng 5 năm, ông Huang đã ủng hộ các chính đảng số tiền lên đến 2,7 triệu đô la, bảo trợ3,5 triệu đô la cho trường đại học Western Sydney để thành lập viện Nghệ thuật và Văn hóa Úc-Trung, và 1,8 triệu đô la để thành lập Viện Nghiên cứu Quan hệ Úc-Trung tại trường đại học UTS (xếp đặt cựu Thủ hiến Sydney và Ngoại trưởng Úc Bob Carr làm chủ tịch). Không lâu sau đó, ông trở thành Chủ tịch của Hội đồng Úc Châu để Thúc đẩy sự Thống nhất Hòa bình của Trung Quốc (CPPRC). Đây là một nhóm hoạt động mang tính cộng đồng của Trung Quốc ở hải ngoại mà về sau được phát giác là có nhiệm vụ phát triển mạng lưới ảnh hưởng của Bắc Kinh. Sau này nhiều người mới biết rằng CPPRC là một trong nhiều nhóm mang danh nghĩa xã hội dân sự được Bắc Kinh quản lý, tuyển dụng bởi giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, bề ngoài ra vẻ độc lập nhưng chủ yếu phục vụ cho các chính sách của đảng.
Nhờ các việc làm trên, ông Huang đã gặp gỡ được hầu hết các lãnh đạo hàng đầu của đảng cầm quyền lẫn đối lập tại Úc, và chụp hình chung với tất cả các lãnh đạo này. Ảnh hưởng và tên tuổi của ông Huang ngày càng gia tăng vào năm 2016, cho đến khi các biến cố tại Biển Đông nổi lên. Vào ngày 12 tháng Bảy năm 2016 Tòa Trọng tài Thường trực The Hague quyết định Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Philippines, và đường lưỡi bò mà Trung Quốc đòi chủ quyền toàn bộ là không có cơ sở pháp lý. Liền sau đó, chính quyền Úc, đặc biệt bà Julie Bishop người đứng đầu Bộ Ngoại giao, đã kêu gọi Trung Quốc cũng như các bên tranh chấp tôn trọng phán quyết sau cùng này, và khẳng định rằng Úc cũng như mọi quốc gia khác đều có quyền sử dụng hải phận và đường bay theo luật quốc tế. Bắc Kinh đã nổi giận về lập trường của Úc, và tỏ vẻ muốn dạy cho Úc một bài học, như thái độ trịch thượng của họ trước đây với các nước láng giềng khác, mà Việt Nam đã có quá nhiều kinh nghiệm.
Liền sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực, Bắc Kinh đã sử dụng mọi phương tiện và biện pháp có thể để tạo áp lực tối đa lên nước Úc. Đầu tiên là bật đèn xanh cho các nhóm cộng đồng người Hoa mà đã bị họ ảnh hưởng bấy lâu nay (không phải cộng đồng người Hoa tự do), xuống đường biểu tình trên đường phố Melbourne yêu cầu chính quyền Úc không can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc. Kế đến là các áp lực về kinh tế và thương mại. Nên nhớ nền kinh tế của Úc phụ thuộc khá nhiều vào kinh tế của Trung Quốc, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 33,7 phần trăm, nhập khẩu 22,5 phần trăm, tổng cộng là 28,2 phần trăm, đứng đầu danh sách giao thương giữa Úc và một nước khác. Bắc Kinh hiểu rõ và lợi dụng ưu thế này để gây khó khăn về thương mại giữa hai nước, điều mà họ thường làm với các quốc gia khác. Họ đã ngâm tôm các sản phẩm nhập cảng từ Úc, Mỹ và nhiều nơi khác, đến mức hư hại, khi có thái độ hay lời nói tiêu cực về phía họ.
Ông Huang cũng đã nhập cuộc sau đó. Biết rằng chính sách ngoại giao của chính quyền Úc lẫn đối lập đã rõ ràng về Biển Đông, ông Huang đe dọa rút lại số tiền đã hứa ủng hộ cho đảng Lao động là 400 ngàn đô la khi người phát ngôn về quốc phòng của đảng này, Thượng nghị sĩ Stephen Conroy, đã ví quan điểm của Bắc Kinh về Biển Đông là "cực kỳ vô lý". Và hình như không còn sự chọn lựa nào khác nên lá bài cuối cùng của Huang là vận động một thượng nghị Lao động Sam Dastyari để nhái lại các quan điểm của Bắc Kinh về Biển Đông. Chỉ vì một vài ngàn đô la mà Thượng nghị sĩ Dastyari đã phát biểu ngược lại với quan điểm của đảng Lao động. Khi vụ này bị truyền thông Úc phanh phui thì tương lai chính trị đang sáng lạn của Dastyari kể từ đó lao xuống vực thẳm. Nhưng chưa hết. Trong lần gặp gỡ vào cuối tháng Mười năm 2016 tại biệt thự của Huang, Dastyari cảnh báo cho Huang nên cẩn thận vì điện thoại của Huang có thể bị các cơ quan chính quyền, kể cả chính quyền Mỹ, nghe lén. Chắc là có nghe lén thật nên sự kiện này gần một năm sau bị phơi bày. Và đây là giọt nước làm tràn ly vì Dastyari chứng tỏ chẳng quan tâm bao nhiêu đến quyền lợi và an ninh quốc gia của Úc. Trước bao áp lực ngày càng gia tăng, Thượng nghị sĩ Dastyari đã phải chính thức từ nhiệm và từ dã chính trường vào cuối năm qua.
Sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông, các cơ quan truyền thông Úc, dẫn đầu là sự kết hợp tài tình giữa các phóng viên chuyên nghiệp của Fairfax và ABC, đã điều tra và phanh phui quan hệ giữa các tỷ phú người Trung Quốc tại Úc với các lãnh đạo chính trị và quân sự tại Bắc Kinh và Đảng Cộng sản Trung Quốc, và các ảnh hưởng mà họ muốn đạt được với chính giới Úc. Cuộc điều tra mang tên "Quyền lực và ảnh hưởng" gồm ba phần (1, 2 và 3) đã được trình chiếu vào giữa năm 2017, phanh phui bao nhiêu sự kiện mà ít ai được biết trước đây, làm chấn động nước Úc. Thật ra cơ quan tình báo của Úc là ASIO đã biết rất rõ các vấn đề này và đã từng cảnh báo các chính đảng về âm mưu xâm nhập ảnh hưởng từ bên ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Nhưng vì cần tiền hoạt động, hay vì coi nhẹ hay coi thường các âm mưu từ Trung Quốc, nên không đảng nào tích cực tìm biện pháp thích hợp để đối phó cho đến khi các cơ quan truyền thông nỗ lực điều tra và đưa thông tin đến người dân. Đến lúc đó các chính đảng và chính trị gia đã phải chứng tỏ khả năng lãnh đạo của mình trong việc đối phó với sự xâm nhập của ngoại bang (điều mà đã xẩy ra cho Hoa Kỳ qua sự can thiệp của Nga ; đối với Úc thì đối tượng chính là Trung Quốc).
Sau vụ điều tra giữa năm 2017 nói trên, đến cuối năm 2017 chính giới Úc đã nhanh chóng thảo luận về dự luật can thiệp từ nước ngoài (foreign interference) và tình báo/gián điệp để có biện pháp tối hảo trong việc ngăn chặn, ngăn ngừa, và trừng phạt những ai vi phạm. Sau một thời gian tranh luận gắt gao, hai bộ luật được thông qua vào giữa năm 2018 và bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm 2018. Bộ luật này sẽ có những tác động lên các hoạt động của các bộ phận tay, chân, mắt, tai của Bắc Kinh tại Úc, nhưng cụ thể ra sao, chẳng hạn như tác động lên Viện Khổng Tử, CPPRC hay các cơ quan truyền thông của Trung Quốc tại Úc, thì chưa rõ.
Bắc Kinh và chiến lược đổ bộ âm thầm vào nước Úc
Trong thời gian qua, Bắc Kinh rất bất bình với Úc vì họ cho rằng bộ luật này được làm ra để nhắm vào họ. Vì thế mà các cuộc gặp gỡ giữa các quan chức cao cấp chính quyền của hai bên bị đình trệ nhiều lần. Việc xin visa để các phóng viên Úc vào Trung Quốc vào giữa năm 2018 do chính Bob Carr thực hiện, người đứng đầu Viện Quan hệ Úc-Trung mà chính ông Huang đã tài trợ, như đề cập trên, cũng gặp sự thinh lặng khó hiểu. Trong khi đó, một phóng viên nhà bình luận có quốc tịch Úc là Yang Hengjun, bay từ New York sang Trung Quốc vào tháng Giêng vừa qua, đã bị bắt giữ tại Quảng Đông khi đang chờ chuyến bay sang Thượng Hải vì bị tình nghi "làm nguy hiểm an ninh quốc gia". Đây là một trong các hàng loạt bắt vớ và kết tội của Trung Quốc đối với các công dân nước ngoài sau khi Hoa Kỳ yêu cầu Canada dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của Huawei. Ngược lại, sau một thời gian dài xem xét trường hợp xin nhập tịch của ông Huang, Úc đã không những từ chối hồ sơ nhập tịch mà còn hủy bỏ tư cách thường trú nhân của ông Huang lúc ông đang ngoài Úc. Đây là một thông điệp mạnh mẽ từ chính quyền Úc, mặc dầu không công khai bởi sự ràng buộc của luật bảo vệquyền riêng tư.
Tình hình Biển Đông cũng như Ấn Độ - Thái Bình Dương, tuy có vẻ yên tĩnh trên bề mặt phần nào đó, nhưng những đợt sóng ngầm và các thế cờ vây dường như đang bủa tới. Trên mặt trận này, Trung Quốc tuy bỏ ra bao nhiêu tiền để mua ảnh hưởng nhưng dường như vẫn cô đơn và đồng minh thì hiếm hoi. Úc, trong khi đó, có vô số đồng minh và liên minh, trong đó có Bộ Tứ (Úc, Mỹ, Nhật và Ấn), mặt dầu đây không phải là liên minh giống kiểu NATO tại Châu Âu. Nếu Úc không bày tỏ thái độ cứng rắn với một tên bully thì không chỉ thiệt thòi về nhiều mặt mà xác xuất tái diễn cũng sẽ rất cao. Việc Úc từ chối và hủy bỏ visa của ông Huang mới đây là trường hợp đầu tiên áp dụng luật can thiệp nước ngoài được ban hành năm ngoái. Nó cũng cho thấy lãnh đạo của Úc có bản lãnh và đã chuẩn bị chiến lược để âm thầm lẫn công khai để đối phó với thách thức và hiểm họa của sự trổi dậy của Trung Quốc trong những năm trước mặt.
Điều đáng nói trong các sự kiện nêu trong bài này là vai trò không thể thay thế của truyền thông tại Úc. Nhờ tính chuyên môn và hoàn toàn độc lập của các cơ quan truyền thông cũng như các chuyên gia về chính trị học như Clive Hamilton, tác giả cuộc Xâm lược Âm thầm (Silent Invasion), nên người Úc đã biết rõ được các vấn đề phức tạp và chuyên môn về hoạt động tình báo của Trung Quốc. Qua đó, mọi công dân có thể thảo luận và tranh luận tích cực về nguyên nhân, hậu quả cũng như các biện pháp cho những vấn đề phức tạp đối diện với quyền lợi và an ninh quốc gia của mình.
Úc Châu, 07/02/2019
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 08/02/2019