Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/02/2019

40 năm Chiến tranh Biên giới Việt-Trung : Hé mở để an dân

Phạm Viết Đào

Ngày 17/2/2019 là dịp tròn 40 năm nổ ra cuộc chiến tranh do Trung Quốc đưa quân xâm lấn biên giới phía bắc Việt Nam.

pvd1

Một cuộc tưởng niệm của người dân Việt Nam về cuộc chiến Biên giới Việt - Trung nổ ra ngày 17/2/1979

Từ quãng 1992-2014, tự nhiên báo chí Việt Nam im bặt về sự kiện này.

Vào tháng 5/ 2014 sau sự kiện Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 981 vào sâu trong lãnh hải Việt Nam, tại Hà Nội đã nổ ra một cuộc biểu tình lớn, có tổ chức từ phía chính quyền.

Từ đó, một số báo bắt đầu đăng, đưa tin lẻ tẻ về sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa, Gạc Ma, các trận đánh chống lại sự lấn chiếm biên giới phía bắc trong đó có chiến sự tại Vị Xuyên.

Nhưng năm nay, trước dịp kỷ niệm cuộc chiến tranh này, ngày 17/12/2018, Ban Tuyên giáo Trung ương đã soạn "Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc".

Tại Hà Nội 4/01/2019 đã tổ chức mít tinh, có sự tham dự của các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Quốc Vượng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đọc diễn văn tại buổi lễ.

Với cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược biên giới phía bắc, Ban Tuyên giáo Trung ương không có đề cương, chỉ thấy báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đưa tin về một cuộc giao ban ngày 17/1/2019.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW đã yêu cầu các báo cáo viên cần tập trung tuyên truyền nội dung "Kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17/2/1979 - 17/2/2019)".

Thứ tư ngày 6/2/2019 tức mồng Hai Tết Nguyên đán, báo Nhân Dân điện tử đưa tin :

"Bộ Tư lệnh Biên phòng thăm, chúc Tết quân và dân xã Hải Sơn… Ngày 6/2, (mùng 2 Tết), Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và tỉnh Quảng Ninh do Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã tới dâng hương tại Thành phố Móng Cái".

pvd2

Một phần tin bài đánh dấu 40 năm cuộc chiến trên báo mạng VietnamNet

Pò Hèn là nơi xảy ra vụ thảm sát 86 cán bộ chiến sĩ và cán bộ nông trường do Trung Quốc gây ra trong những ngày đầu sau 17/2/1979 tại khu vực đồn Biên phòng Pò Hèn.

Như vậy, sau khi có chỉ thị của Ban Tuyên giáo và mở đầu bằng "phát súng hiệu" trên Nhân Dân điện tử mồng hai Tết, báo chí Việt Nam đã rầm rộ viết bài về cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược 1979.

Nguyên nhân của sự "bật lò xo" của báo chí là do bấy lâu nay bị kìm nén :

- Các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn tin vào thiện chí của các nhà lãnh đạo Trung Quốc : hai nước có thể hòa thuận với nhau để làm ăn, buôn bán và giữ trật tự an ninh chung, củng cố tình hữu nghị để cùng giữ chế độ Cộng sản. Có thể xuất phát từ niềm tin này, khiến cho các nhà lãnh đạo Việt Nam cố nhẫn nhịn, do đó nên báo chí buộc phải bị kiềm chế…

- Phía Trung Quốc ngày càng gia tăng sức ép, khiến các nhà lãnh đạo Việt Nam phải "tự giác ngộ" vì họ tự hiểu rằng : Nếu cứ tự mình xoay xở, để cho "Đảng và nhà nước lo" thì ngày càng bị Trung Quốc lấn lướt, đẩy vào tình thế kẹt không chỉ trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, chính trị và quan hệ ngoại giao quốc tế…và cái chính là đi ngược với lòng dân, một việc vô cùng nguy hiểm.

- Hàng loạt các dự án đầu tư-kinh doanh thua lỗ, tổn hại môi trường, mất trật tự an ninh…có nguồn gốc do hợp tác với Trung Quốc ; Trung Quốc ngày càng tỏ ra trắng trợn gây sức ép trên Biển Đông, phá, chặn túi tiền từ nguồn khai thác dầu của Việt Nam trên Biển Đông, việc đánh bắt cá của ngư dân…

"Dễ muôn lần không dân cũng chịu ; Khó vạn lần dân liệu cũng xong"- khẩu hiệu được dân Quảng Bình thường hô hào nhau trong chiến tranh ác liệt với không quân Mỹ, có vẻ như nay được giới tuyên giáo Việt Nam viện tới trong việc giải quyết quan hệ với Trung Quốc.

Một số binh chủng 'thông tin chiến lược' bị tuột xích ?

Trong thời kỳ chiến tranh hai 'binh chủng' âm nhạc, văn thơ được coi là những món ăn tinh thần không thể thiếu đối với bộ đội và nhân dân. Nó có sức động viên rất lớn. Thế nhưng dịp kỷ niệm 40 năm về cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược này, hai binh chủng này lại có vẻ như đang bị tê cứng, bị rỉ sét, tụt xích ? Chúng ta thử lướt qua các tờ báo của giới văn chương trong cuộc ra quân ồ ạt này :

Đọc năm tờ báo chuyên về văn học đó là Văn Nghệ, Văn Nghệ Quân đội, Tạp Chí Nhà văn, Hồn Việt, Tạp chí Thơ… những số báo ra dịp Tết, đúng dịp kỷ niệm 40 năm chiến tranh chống Pol Pot ở biên giới Tây Nam, 40 năm cuộc chiến chống 60 vạn quân Trung Quốc tại phía bắc ; những cuộc chiến tranh đã khiến cho hàng vạn bộ đội và nhân dân đã đổ máu, không có một dòng nào đề cập tới hai sự kiện này.

Còn âm nhạc thì đã rõ, mở ti vi chỉ thấy tràn ngập trò chơi âm nhạc có thưởng, tràn ngập những bài hát 'không tải' về nội dung mà chỉ sướt mướt chuyện em anh, chuyện tình tan vỡ và gần đây là nhạc Bolero (nhạc vàng) có thời bị kiểm soát gắt gao.

pvd3

Một phần thuộc trang Chuyên đề đánh dấu 40 năm cuộc chiến trên báo mạng Đất Việt, Diễn đàn thuộc các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Xảy ra tình trạng này là do các văn nghệ sĩ lớp lớn tuổi thì đã cùn mòn cảm xúc, văn nghệ sĩ lớp trẻ thì phần lớn họ không hề biết một chút thông tin gì về cuộc Chiến tranh Biên giới 2/1979.

Họ càng không hề biết tại Vị Xuyên, Hà Giang từng xảy ra những trận đánh ác liệt kéo dài gần một chục năm vì thông tin bị bưng bít.

Họ không được cung cấp thông tin mà thậm chí trước đây đề tài chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược bị coi là "húy kỵ".

Thực ra cũng khó lòng trách giới văn chương, ngay đối với các cựu chiến binh, nhiều người rất dũng cảm trong chiến tranh, được phong anh hùng, thế nhưng khi tôi gặp họ, đề nghị cung cấp tài liệu để viết về cuộc chiến với Trung Quốc, họ đều tìm cớ thoái thác.

Tôi gặp phải tình cảnh này khi liên hệ qua điện thoại xin được gặp với một số sĩ quan cao cấp, có những ông tôi đề nghị Hội Nhà văn liên hệ giúp đều từ chối cung cấp thông tin.

Trước tết Nguyên Đán, tôi có liên hệ với một gia đình tại Hà Nội có con được phong anh hùng trong cuộc chiến Trung Quốc tại khu vực pháo đài Đồng Đăng, Lạng Sơn.

Người anh hùng này, thuộc lính của sư đoàn 3 Sao Vàng và trang Tri ân liệt sĩ đã viết :

"Đồng chí chiến đấu rất dũng cảm, mưu trí, biết cơ động, nghi binh lừa địch, chờ quân địch đến gần mới nổ súng, khi dùng lựu đạn, khi dùng tiểu liên bắn. Đồng chí bị thương vẫn tiếp tục ở lại chiến đấu, đến khi chỉ còn một quả lựu đạn, đồng chí dũng cảm chờ địch đến gần mới ném vào giữa đội hình địch. Trận này đồng chí đã diệt 70 tên địch và anh dũng hy sinh…"

Đọc những dòng tin trên trang mạng này, tôi bán tín bán nghi về chiến công của người anh hùng Hà Nội. Cách đây mấy năm, tôi đến nhà tìm gặp bố mẹ người anh để tìm hiểu, nhà ở quận Hai Bà Trưng.

Ông bố kể cho tôi : "Cháu được phát 25 viên AK và mấy quả lựu đạn. Sở dĩ cháu lập được thành tích bắn hạ 70 lính Trung Quốc là do trước đây nhà ở Hàng Buồm, liệt sĩ này biết tiếng Trung Quốc nên binh vận thêm được một số vũ khí…".

Hiện nay bố mẹ của liệt sĩ này không còn và có khi sang bên kia may ra hai ông bà mới biệt được chiến công đích thực của con ông bà.

pvd4

Tác giả Phạm Viết Đào (đầu tiên từ trái sang) tham dự lễ ra mắt Ban Liên lạc Cựu Chiến binh Sư đoàn 356 của Việt Nam, một đơn vị từng tham gia cuộc chiến.

Tôi gặp ông chú, một anh hùng trong chiến tranh chống Mỹ, ông cho biết :

"Trong trận đó, quân Trung Quốc tràn sang, quân ta rút lui không kịp mang theo một kho vũ khí hiện đại. Kho vũ khí này nếu bị rơi vào tay Trung Quốc rất nguy hiểm. Đơn vị lấy tinh thần, ai xung phong quay lại phá hủy kho vũ khí này. Người anh hùng này mới binh nhất, nhập ngũ 8 tháng mặc dù là y tá, anh đã xung phong quay lại. Anh đã dụ địch tới gần mới cho nổ kho vũ khí… kết quả anh hy sinh cùng 70 lính Trung Quốc".

Tôi tin vào thông tin của ông chú, thế nhưng tôi lấy làm buồn. Tại sao một chiến công anh hùng như vậy mà không được công khai, đến bố mẹ sinh ra anh ta cũng không biết. Hiện dân Hà Nội, nhất là lớp trẻ có ai biết về chiến công của thanh niên Hà Nội 21 tuổi này không ?

Cho đến thời điểm hiện tại, người anh hùng này tiếp tục mai danh ẩn tích vì không một tờ báo nào đưa tin.

Tôi dự định đưa vụ này lên trang Facebook và blog của tôi trong dịp tháng 2/2019, kiến nghị với chính quyền Hà Nội chọn một đường phố đặt tên cho anh, một thanh niên Hà Nội.

Khi tôi gọi điện liên lạc với người thân anh hùng- liệt sĩ, nêu ý định này lên và hẹn lịch xin gặp bàn. Gia đình lúc đầu rất phấn khởi, sắp xếp lịch nhưng rồi sau đó thoái thác, không muốn gặp tôi.

Các cựu chiến binh từng chống Trung Quốc xâm lược

Ngày 26/12/2018 vừa qua, Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh sư đoàn 356, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Vị Xuyên đã tổ chức họp, ra mắt tại Hà Nội. Có hơn 600 cựu chiến binh từ Hà Tĩnh trở ra đã tham dự bằng kinh phí đi lại, ăn ở tự lo.

Tôi với tư cách thân nhân cũng liệt sĩ cũng đã được mời tham gia.

pvd5

Thiếu Tướng Nguyễn Đức Huy nguyên Phó Tư lệnh Quân Khu 2, phát biểu tại buổi ra mắt Ban Liên Lạc Cựu Chiến Binh Sư đoàn 356 ngày 26/12/2018 (hình do tác giả cung cấp)

Tại đây, sau khi ôn lại những chiến công của Sư đoàn 356, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, Nguyên Phó Tư lệnh-Tham mưu trưởng Quân khu 2, Trưởng Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên toàn quốc cho biết rằng Ban liên lạc đang kiến nghị với các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước cho phép thành lập Hội Cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên, cho phép Hội có pháp nhân, tài khoản, con dấu…để động viên, huy động nguồn lực trong dân để tham gia giải quyết các vấn đề hậu chiến.

Ngoài ra Tướng Nguyễn Đức Huy cũng nói, cùng Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Ban liên lạc Cựu chiến binh Vị Xuyên đề nghị Nhà nước sớm tuyên dương các danh hiệu cao quý cho các đơn vị, cá nhân từng lập nhiều công trạng trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.

Theo Tướng Nguyễn Đức Huy, kiến nghị này đang được xem xét nhưng không rõ có được ủng hộ không.

Vị tướng năm nay đã gần 90 đã phải thốt lên tại diễn đàn này :

"Chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược đã xảy ra cách đây 30-40 năm rồi mà không chịu ghi công cho các anh hùng liệt sĩ ; Đợi tất cả chúng ta cùng xuống âm ty rồi thì tuyên dương cho ai ? Trong khi đó Trung Quốc vừa tuyên tặng 10 danh hiệu cao cho binh sĩ của họ từng tham chiến ở Lão Sơn".

pvd6

Bản thảo tác phẩm liên quan cuộc chiến của nhà văn Phạm Viết Đào mà tác giả cho hay chưa tìm được nơi cho xuất bản chính thức ở Việt Nam.

Là người đầu tiên, sớm phát hiện và xới các thông tin về chiến trường Vị Xuyên để đưa lên mạng xã hội từ sau năm 2010 cùng với Đài BBC, tôi đã dồn nhiều công sức tâm huyết cho tập Bút ký-Tiểu luận-Điều tra về cuộc chiến Vị Xuyên.

Bản thảo dày 400 trang A4 gồm trên 80 bài viết của tôi và của một vài cựu chiến binh nhưng chưa có một nhà xuất bản nào cấp phép xuất bản.

Điều này cho thấy dư luận nhân dân rất quan tâm tới cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược tại các tỉnh biên giới phía Bắc giai đoạn sau 1975.

Đây là một đề tài lớn, lôi cuốn người đọc nhưng giới văn chương chưa được quyền tự do công bố tác phẩm của mình.

Cửa cho đề tài này mới chỉ được mở hé !

Phạm Viết Đào (Hà Nội)

Nguồn : BBC, 16/02/2019

*****************

'Phải khẳng định đánh Việt Nam, Trung Quốc được lợi rất nhiều' (BBC, 15/02/2019)

Không thể nói là không có ai được lợi trong cuộc chiến Biên giới Việt - Trung bốn mươi năm trước, mà phải khẳng định cho rõ rằng 'đánh Việt Nam, Trung Quốc được lợi rất nhiều', ý kiến một sử gia từ Hoa Kỳ bình luận với BBC trong dịp đánh dấu tròn bốn thập niên sự kiện.

pvd7

Ông Đặng Tiểu Bình gặp Tổng thống Mỹ Jimmy Carter ở Nhà Trắng năm 1979

Ngoài ra, cần phải rút ra bài học về cách mà Trung Quốc chuẩn bị các chính sách rất 'lâu dài' như 'đi những nước cờ xa' trong chiến lược của nước này, nhà nghiên cứu sử học, Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói với BBC Tiếng Việt.

Các ý kiến khác của các nhà nghiên cứu chính trị từ Việt Nam và Mỹ trong dịp này cũng so sánh bang giao quốc tế giữa Việt Nam và các cựu thù là Mỹ và Trung Quốc, và đề cập một số lưu ý mà Việt Nam cần quan tâm khi 'ôn cố tri tân' về cuộc chiến sau 40 năm chẵn.

Hôm 14/2/2019, sử gia thuộc Đại học Maine, Hoa Kỳ nêu quan điểm với Bàn tròn thứ Năm từ London :

"Cuộc chiến tranh 1979 không phải là chỉ bắt đầu vào năm 1978, 1979, nhưng mà có vấn đề lịch sử ở trong đó. Tại sao lại nhắc đến vấn đề đó ? Là vì Trung Quốc có những chính sách rất lâu dài. Cái bốn hiện đại mà Mao đưa ra, Chu Ân Lai đưa ra, rồi sau đó Đặng Tiểu Bình đưa ra năm 1975 là cần phải có sự giúp đỡ của Mỹ về mặt đầu tư, về mặt kỹ thuật, về vấn đề quân sự.

"Chúng ta nên nhớ Nixon đã bình thường hóa với [quan hệ của Mỹ] với Trung Quốc vào năm 1972, nhưng tại sao đến năm 1979 mới hoàn tất ? Năm 1979 mới hoàn tất vì hai bên mới đồng ý đánh Việt Nam như một cuộc chiến tranh quy ước chống Liên Xô.

"Mà Trung Quốc muốn chứng minh Trung Quốc bấy giờ thực sự là đồng minh của Mỹ, thành ra nó [cuộc chiến] mới giúp cho Mỹ tin tưởng vào Trung Quốc. Cho nên cứ nói chiến tranh 'không ai có lợi' thì không đúng. Trung Quốc đánh Việt Nam là được lợi rất nhiều và mở cửa ra với Mỹ, với các nước khác, kể cả với Nhật Bản. Bởi vì Mỹ bắt Nhật đưa nhiêu viện trợ sang Trung Quốc, thì Trung Quốc mới được có ngày nay.

"Chúng ta là những người nghiên cứu phải nhìn lại vấn đề này và như BBC đặt câu hỏi về bài học gì rút ra, thì bài học là chúng ta phải thấy Trung Quốc đi những nước cờ xa như thế nào để chúng ta chuẩn bị, chứ không nên xem thường", sử gia từ Đại học Maine nhấn mạnh.

'Nước nhỏ cần luôn cảnh giác'

pvd8

Ông Đặng Tiểu Bình, ở vị trí Phó Thủ tướng, tiếp đại sứ George Bush và Tổng thống Gerald Ford ở Bắc Kinh tháng 12/1975

Từ góc nhìn của mình, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp về chính trị thuộc Viện Đông Nam Á (Iseas-Singapore) nói với Bàn tròn :

"Đã qua 40 năm rồi, nhưng nhìn kỹ ra hơn chút nữa, thì phải nhìn lại mấy nghìn năm lịch sử có những chuyện người ta cứ đánh mình [Việt Nam], người ta cứ xâm lược mình, người ta to, mình bé, người ta cứ bắt nạt.

"Thế thì bài học đầu tiên từ nay trở đi là gì ? Là đừng bao giờ quên rằng ở Trung Quốc, có những nhóm lãnh đạo, không phải là tất cả, họ luôn theo chủ nghĩa bá quyền, kể cả lúc họ yếu. Họ yếu nhất vào lúc năm 1940 - 1945, khi mà họ bị chia cắt đất nước, họ bị đủ thứ.

"Từ khi họ sang Việt Nam giải giáp quân đội Nhật, thì họ đã bày đặt ra bao nhiêu chuyện. Rồi cuối cùng là rất phiền cho đất nước này [Việt Nam].

"Năm 1954 họ rất yếu, nhưng họ can thiệp Hội nghị Geneva về Việt Nam, là Hội nghị Hòa bình, rồi đến tất cả những sự kiện như các năm 1972, 1974, 1979, 1984, 1988 và hiện nay nữa.

"Thì tất cả những điều này, về bài học, tôi chỉ nhắc lại là đứng cạnh một anh to như thế, và ở trong ấy lại có những bộ phận người lãnh đạo của họ [Trung Quốc] là theo chủ nghĩa bá quyền, thì đất nước nhỏ như Việt Nam phải luôn cảnh giác. Đấy là bài học thứ nhất.

"Thứ hai, đường lối của Việt Nam từ bấy lâu nay tôi nghĩ rằng họ rất là đúng - là cái gì hợp tác được thì hợp tác. Thế còn những gì phải bàn với nhau, có tính chất đấu tranh, thì người ta đấu tranh. Đấy là cái mà tôi thấy là người ta [Việt Nam] tổng kết và người ta cũng đang thực hiện và nó phù hợp, đúng đắn.

"Thế còn lúc này, giữa Việt Nam và Trung Quốc, về mặt lợi ích quốc gia mà nói, Trung Quốc cứ khẳng định về đảo, biển hơn 90% Biển Đông là của họ, còn Việt Nam cũng như một số nước khác ở Đông Nam Á cũng nói rằng chỗ nọ, chỗ kia là của mình, tức là có tranh chấp.

"Những cái này có lẽ còn lâu lâu nữa mới xử lý được và xử lý không chỉ là Trung Quốc xử lý Việt Nam, hay là mấy nước ở trong khu vực, mà còn phải có sự tham gia của các nước khác, đặc biệt là những nước lớn như là Mỹ.

"Đấy là vấn đề phải rút kinh nghiệm ở trong tương lai, còn những gì hợp tác được, thì vẫn tiếp tục, sẽ làm sao cho bình đẳng mà thôi", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp bình luận.

Ba vấn đề khi ôn cố, tri tân

pvd9

Quân Trung Quốc khi đánh Việt Nam tháng 2/1979

Từ Đại học George Mason, Hoa Kỳ, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra mấy luận điểm trước Bàn tròn khi nhìn lại cuộc chiến nổ ra bốn thập niên trước, ông nói :

"Vấn đề này, tôi xin nói ba điểm chính. Điểm thứ nhất, cuộc chiến tranh Biên giới là một biến cố lịch sử rất quan trọng, vì vậy cần có sự nghiên cứu, nghiên cứu lịch sử, đặt vấn đề cho đúng. Tôi thấy xét lại việc nghiên cứu là điều cần thiết.

"Điểm thứ hai là yếu tố quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam trên cả chiều dài lịch sử, tôi thấy có hai yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến bang giao giữa hai nước. Thứ nhất là địa lý : Việt Nam ở gần Trung Quốc, Việt Nam nhỏ, Trung Quốc lớn.

"Thứ hai là lịch sử, trong lịch sử với Trung Quốc, Việt Nam chịu nhiều vấn đề gọi là bá quyền và chủ trương mà Việt Nam gọi là chủ trương Đại Hán. Chủ trương Đại Hán này là một yếu tố lịch sử mà chúng ta [Việt Nam] đã trải qua, chúng ta biết.

"Còn yếu tố bá quyền, là một nước lớn bao giờ cũng ép nước nhỏ. Cái đó là một thực tế chính trị trong bang giao quốc tế. Thành ra lịch sử có thể thay đổi, có thể chuyển động khác đi, nhưng địa chính trị không có thay đổi gì cả.

"Điểm thứ ba, ông Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp có nói chuyện Việt Nam với Mỹ có thù nghịch, cuộc chiến tranh rồi cũng hòa giải, thì tôi thấy trong cái này hơi có điểm phải để ý.

"Đó là Việt Nam với Mỹ trong chiến tranh cũng đã từng thù nghịch, sau chiến tranh dần dần hàn gắn những vết thương đó, Mỹ không ở lại Việt Nam nữa, Mỹ hiện nay không đe dọa gì cho Việt Nam cả.

"Trong khi quan hệ Trung Quốc - Việt Nam, sau chiến tranh rồi, lại hòa hoãn với nhau, rồi tìm cách sống chung hòa bình với nhau, nhưng với điều mà ông Hà Hoàng Hợp mới nói ra về việc Biển Đông, thì yếu tố Biển Đông là một đe dọa thường xuyên cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

"Gần đây yếu tố Biển Đông luôn luôn làm cho người dân Việt chống Trung Quốc, thành ra gây nhiều áp lực đối với chính sách của chính quyền Việt Nam", nhà nghiên cứu bang giao quốc tế nói với BBC.

Quay lại trang chủ
Read 701 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)