Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/02/2019

Thấy gì từ ‘tôn trọng quyền tự do hàng không ở Biển Đông’ ?

Thường Sơn

Giờ đây, hy vọng mỏng manh còn lại cho nhu cầu ăn dầu và trám rỗng ngân sách của Việt Nam chỉ còn là Mỹ - đối trọng quân sự duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông.

hanghai0

Máy bay của Mỹ và Hàn Quốc trong cuộc tập trận quân sự chung vào ngày 18 tháng 9 năm 2017. (SOUTH KORESE DEFENSE MINISTRY / AFP)

"Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông của các quốc gia" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ‘sáng tạo’ một cụm từ mới trong cuộc họp báo vào ngày 15/02/2019 về việc tàu hải quân Mỹ vừa đi qua khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trước đó vào ngày 11/2, Hải quân Mỹ thông báo hai khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Spruance và USS Preble của nước này đã áp sát Đá Vành Khăn của quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Đá Vành Khăn nằm trong số 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và ngang nhiên bồi đắp thành đảo nhân tạo trong vài năm gần đây.

Đây là lần đầu tiên chính quyền Việt Nam không chỉ ‘tôn trọng tự do hàng hải’ mà còn ‘tôn trọng tự do hàng không’.

Hơn một tháng trước lời ‘lên tiếng’ vào ngày 15/02/2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng ‘can đảm’ giang thẳng cánh tay "Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, và kêu gọi các nước đóng góp cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông" vào ngày 9/1/2019, và nói thêm rằng "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế". Phát ngôn này nằm trong bối cảnh nữ phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương Rachel McMarr cho biết tàu USS McCampbell đã thực hiện hoạt động "tự do hàng hải" trong phạm vi 12 hải lý thuộc Quần đảo Hoàng Sa "để thách thức các tuyên bố chủ quyền hàng hải quá mức". Đó là các đảo Cây, đảo Lin Côn và đảo Phú Lâm.

Như vậy đã có đến hai lần trong hai tháng đầu năm 2019 và hầu như đã mang tính hệ thống và logic, Bộ Ngoại giao và đứng phía sau là Bộ Chính trị Việt Nam đã không phản đối, nếu không muốn nói là có thể hiện thái độ cổ vũ, trước hoạt động áp sát quần đảo Hoàng Sa của các tàu chiến Mỹ.

Cách phát ngôn ‘tôn trọng tự do hàng không’ của Bộ Ngoại giao Việt Nam rất có thể đang mở đường cho máy bay chiến đấu của Mỹ hoạt động trên không phận Biển Đông như một hàm ý ‘máy bay Mỹ bay qua vô hại ở Biển Đông’, tiếp nối khẩu ngữ ‘tàu Mỹ đi qua vô hại ở Biển Đông’ bật ra lần đầu tiên vào đầu năm 2016.

Ngày 31 tháng Giêng năm 2016, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình đã lần đầu tiên dạo tiếng thăm dò "Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải" về hành động tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của hải quân Hoa Kỳ áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa trong "chiến dịch tự do hàng hải" (FONOP) của Hoa Kỳ. Đó là lần đầu tiên kể từ thời "đu dây" giữa Trung Quốc và Mỹ, nhà cầm quyền Việt Nam mới có được một tuyên bố "minh bạch" đến thế, cho dù tất cả mới chỉ trên phương diện phát ngôn.

Vì sao từ đầu năm 2016 đến nay, giới lãnh đạo Việt Nam lại tỏ ra "can đảm" lạ thường về ‘tự do hàng hải’ lẫn ‘tự do hàng không’ ?

Phải chăng đây chỉ là một động tác mị dân để cho thấy dàn lãnh đạo vừa cũ vừa mới trong Bộ Chính Trị không đến nỗi quá "thân Trung" như dư luận đánh giá ?

Hay đã xuất hiện ra một mối nguy hiểm nào đó từ phía Trung Quốc mà Hà Nội không thể nhún nhường hơn ?

Nếu mối quan hệ Việt-Trung vào năm 2016 diễn ra tạm thời êm ả, thì đến giữa năm 2017 bắt đầu sóng gió. Trước sức ép của Trung Quốc và thậm chí Trung Quốc còn đe dọa sẽ tấn công các cứ điểm quân sự của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, vào ngày 24 tháng Bảy, chính quyền Việt Nam đã phải yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol - công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam - ngay tại Bãi Tư Chính luôn được xem là "thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam", cùng lúc phải ngậm đắng nuốt cay khi không thể khoan và xuất cảng dầu ở Bãi Tư Chính để bù đắp cho lỗ hổng toang hoác của nền ngân sách rỗng ruột.

Sau đó, Trung Quốc còn gây sức ép thêm một lần nữa vào tháng 3 năm 2018 tại Bãi Tư Chính khiến Repsol có thể đã phải ‘một đi không trở lại’. Không những thế, Trung Quốc còn gây sức ép ở mỏ Lan Đỏ và Cá Voi Xanh mà đã khiến Bộ Chính trị Việt Nam mất ăn ngay trên ‘vùng biển chủ quyền không tranh cãi’ của mình.

Giờ đây, hy vọng mỏng manh còn lại cho nhu cầu ăn dầu và trám rỗng ngân sách của Việt Nam chỉ còn là Mỹ - đối trọng quân sự duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 18/02/2019

Quay lại trang chủ
Read 576 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)