Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/02/2019

Sự kiện ông Trương Duy Nhất : cần thận trọng trong truyền tải thông tin

Nguyễn Hiền

Kiểm chứng thông tin và hạn chế âm mưu trong thông tin luôn là điều cần thiết, cũng là trách nhiệm đối với mỗi nhà đấu tranh, hoạt động, quan sát nhân quyền Việt Nam.

tingia1

Ông Trương Duy Nhất "bị mất tích".

Câu chuyện của ông được một trang báo Anh ngữ (nhưng nhóm biên tập là người Việt) đưa tin, dựa trên mối quan hệ với những nhà hoạt động người Việt đang thường trú (xin tỵ nạn) tại Thái Lan.

Nhưng trước đó, nữ nhà báo Dương Hằng Nga cũng đã thông tin việc ông Trương Duy Nhất xuất cảnh, và bà Nga cũng là người từng bị công an Thành phố Đà Nẵng cấm xuất cảnh vì "viết bài xúc phạm lợi ích hợp pháp của công ty và cá nhân ông Vũ".

Câu chuyện trở nên kỳ bí hơn dưới cách viết lách của blogger Bui Thanh Hieu (Người buôn gió) khi mô tả đầy đủ và có phần ly kỳ về việc ông Trương Duy Nhất bị Tổng cục 2 (Bộ Quốc phòng) bị bắt giữ tại Thái Lan, gây xôn xao không ít người dùng mạng xã hội Facebook. Cùng thời điểm đó, Facebooker Thuy Doan (chủ bút trang TTXVA) đi vào mệnh đề giải thích "tại sao Trương Duy Nhất bị bắt ?", phân tích mối quan hệ giữa ông Trương Duy Nhất, Người Buôn Gió, Bạch Hồng Quyền và một số cá nhân, tổ chức người Việt có liên quan. 

Báo Tiếng Dân, trang web tổng hợp thông tin có số lượng người xem đông đảo cũng đăng tải bài viết của tác giả Hồng Hà, kéo dài 5 kỳ với tiêu đề "Đi tìm chân dung Trương Duy Nhất, kẻ cơ hội !". Trong các kỳ bài viết này, thay vì đặt ông Trương Duy Nhất trong bối cảnh "bị bắt cóc", thì tác giả Hồng Hà lại phân tích ông Trương Duy Nhất dưới góc độ sai phạm có liên quan đến Vũ Nhôm và tòa soạn báo Đại Đoàn kết. Nói đúng hơn, tác giả Hồng Hà đặt ông Trương Duy Nhất như là một cây bút phục vụ phe nhóm hơn là một nhà hoạt động đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền thực sự.

Trong một động thái mang tính chính thống hơn, bà Cao Thị Xuân Phượng, vợ ông Trương Duy Nhất đã có đơn "thỉnh cầu giúp đỡ tìm người thân" đến các cơ quan ban ngành Việt Nam, nhằm xác định ông Trương Duy Nhất đang ở đâu, cũng như bài tỏ sự lo lắng cho tính mạng của ông. Nhưng ngay cả trong lá đơn của người vợ, thì việc ông Nhất đến Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn (UNHCR) tại Thái Lan cũng chỉ là dựa trên thông tin đồn thổi.

Ông Trương Duy Nhất, bằng cách nào đó trở thành một chủ thể mất tích tạm thời.

Facebooker Phạm Việt Thắng, trong thông tin đưa vào cuối ngày 13/02 đã cho biết, ông Trương Duy Nhất đã có mặt tại Việt Nam, trước đó ông được cho là nhập cảnh trái phép tại Thái Lan, và sau đó ông bị bắt giữ tại Lào. Lý do ông có mặt tại Việt Nam là do liên quan đên đến tòa nhà văn phòng báo Đại Đoàn Kết tại Đà Nẵng được bán cho Vũ Nhôm, thời kỳ ông Nhất là Trưởng văn phòng báo này.

Facebooker Thái Văn Dũng nhận định : Không thể bắt anh ấy tắm hai lần trên cùng một dòng sông nên lần này, kinh tế là "hợp lý".

Tính "hợp lý" đã cho thấy, việc bắt ông Trương Duy Nhất nằm trong quá trình mở rộng điều tra việc mua bán đất công sản có liên quan đến Vũ Nhôm (và hiện có thông tin ông Trương Duy Nhất đang bị giam tại trại giam T16 - BCA, tại Thanh Oai, Hà Nội).

Câu chuyện ông Trương Duy Nhất là tổ hợp của những luận thuyết âm mưa, với những ngôn từ mơ hồ để tạo ra một tình tiết Trịnh Xuân Thanh lần 2. Tuy nhiên, những sự phóng tác về mặt ngôn ngữ, với sự thiếu cẩn trọng trong viết và kiểm chứng nguồn tin khiến cho câu chuyện về ông Trương Duy Nhất trở thành một chủ đề để gieo rắc về sự sợ hãi (bắt cóc, mất tích), sự đáng sợ (Tổng cục 2), và sự nghi kỵ (nghi ngờ, đấu đá, bán đứng lẫn nhau giữa những nhà hoạt động dân chủ - nhân quyền người Việt).

Xét về mặt tổng quan, bầu không gian thông tin đầy tính ma mỵ và nghi kỵ khiến cho niềm tin người đọc vào một số nhà hoạt động dân chủ - nhân quyền bị đánh mất đi. Hoặc nói cách khác, bằng các luận thuyết gắn với ngôn ngữ dễ dãi, đã biến những "nguồn tin" về dân chủ - nhân quyền trở thành những nhà sản xuất tin giả hàng đầu (fakenews).

Câu chuyện Trương Duy Nhất có thể bị biến dạng tội từ "công sản" sang "đấu tranh dân chủ, nhân quyền" bằng những nguồn tin mù mờ như trên. Và từ đây, đặt ra một tiêu chí rất cần thiết cho chính những nhà hoạt động lẫn quan sát dân chủ - nhân quyền Việt Nam là phải luôn kiểm soát phát ngôn và kiểm chứng nguồn tin khi xuất bản.

Luật sư, Facebooker Hà Huy Sơn trong chia sẻ về sự kiện này cũng điềm tĩnh cho rằng : tình trạng ông Trương Duy Nhất, thì dù là người của ai (dân chủ, Nguyễn Bá Thanh) thì trách nhiệm làm rõ việc mất tích là từ phía công an Việt Nam. Tuy nhiên, Facebooker Nguyễn Kim trong phản hồi đã bổ túc đầy đủ hơn, nếu công an đi điều tra – làm rõ thì ít nhất gia đình phải trình báo. Vấn đề là cho đến nay, yêu cầu làm rõ tình trạng ông Trương Duy Nhất từ phía gia đình mới chỉ xuất hiện gần đây.

Tất cả cho thấy, trong sự việc ông Trương Duy Nhất, đã có thừa thông tin thiếu kiểm chứng, mơ hồ và có phần bịa đặt thái quá. Và điều này càng làm cho việc xác minh tình trạng ông Trương Duy Nhất trở nên khó khăn hơn, và phá hoại tính chính danh của người đưa tin.

Kiểm chứng thông tin và hạn chế âm mưa trong thông tin luôn là điều cần thiết, cũng là trách nhiệm đối với mỗi nhà đấu tranh, hoạt động, quan sát nhân quyền Việt Nam.

Nguyễn Hiền

Nguồn : VNTB, 16/02/2019

Quay lại trang chủ
Read 793 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)