Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

19/02/2019

Về lá thư của 100 nhân sĩ, trí thức gửi Tổng thống Mỹ

Thạch Đạt Lang, Phạm Quang Tuấn

Lại chuyện ruồi bu

Thạch Đạt Lang, 19/02/2019

Ngày 27-28/02/2019 tại Hà Nội sẽ diễn ra cuộc họp thượng đỉnh giữa ông Donald Trump, tổng thống Mỹ và Kim Jong-un, chủ tịch nhà nước Bắc Hàn. Cuộc họp chưa diễn ra nhưng đã lôi cuốn sự chú ý, quan tâm của cả thế giới, đặc biệt của người dân Việt Nam.

tuyetvong0

Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây ? Ảnh minh họa

Người Việt Nam bày tỏ sự quan tâm, háo hức, mong đợi cuộc họp một cách cuồng nhiệt, biểu lộ qua những bài viết, những đoản văn phổ biến tràn ngập trên mạng xã hội facebook, email, twitter…

Đặc biệt là lời kêu gọi biểu tình vào ngày 27-28/02/2019 và một lá thư được một trăm "nhân sĩ, trí thức xã hội chủ nghĩa, các tổ chức, xã hội dân sự" nổi tiếng trong nước lẫn hải ngoại đồng ký tên gửi đến ông Donald Trump được đăng trên nhiều tờ báo online.

Xin nói đến lá thư trước. Chỉ bàn đến nội dung lá thư vì không ai biết chắc chắn lá thư có đến tay Donald Trump không ? Trump có đọc lá thư đó khi nhận được không ?

Theo lời của Rex Tillerson, cựu bộ trưởng ngoại giao đầu tiên của Trump nhận xét về ông ta như sau : "Trump là một nhà độc tài, một kẻ ngu dốt, vô kỷ luật, không thích đọc, chỉ muốn làm những việc bất hợp pháp theo ý mình".

Đọc là thư 3 lần, người viết thật sự chẳng hiểu mục đích của lá thư là gì ? Phần đầu lá thư, sau khi giới thiệu những người ký tên, hoan nghênh lý do, sự hiện diện sắp tới của Trump ở Hà Nội, kể lể chuyện quá khứ giữa 2 nước... sau đó là khen ngợi thông điệp liên bang của ông Trump đọc vào dịp đầu năm 2019... rồi cuối cùng khẳng định chắc nich :

Nhân dân Việt Nam quyết bảo vệ Độc lập, Tự do, Toàn vẹn lãnh thổ của mình bằng mọi giá ; và để bảo vệ những quyền thiêng liêng ấy, chúng tôi sẽ phải tự cường bằng con đường cải tổ đất nước, dân chủ hóa, văn minh hóa, theo "một tiêu chuẩn sống mới cho thế kỷ 21" mà Hoa Kỳ đề xướng.

Làm thế nào để tự cường bằng con đường cải tổ đất nước, dân chủ hóa, văn minh hóa theo "một tiêu chuân sống mới cho thế kỷ 21 mà Hoa Kỳ đề xướng" khi mà những người ký tên vẫn chỉ rụt rè phản đối chế độ cộng sản bằng những thư ngỏ, kiến nghị, yêu sách… ?

Muốn cải tổ đất nước thì phải nắm chính quyền, phải có chính sách, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn. Cải tổ đất nước bằng cách nào khi không có quyền lực trong tay, không có tổ chức chính trị đủ mạnh để đối đầu với chính quyền cộng sản, không có một dự án chính trị tương lai cho ra hồn ?

Dân chủ hóa đất nước theo phương thức nào khi đảng cộng sản vẫn lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện ? Mọi tiếng nói đối kháng đều bị bóp nghẹt từ trong trứng nước, bao nhiêu thư ngỏ, kiến nghị rồi đến yêu sách... đảng cộng sản vẫn trơ ra như gỗ đá dường như vẫn không thức tỉnh được thành phần trí thức, nhân sĩ này.

Làm sao để văn minh hóa xã hội khi nền giáo dục xã hội chủ nghĩa xuống cấp trầm trọng, thầy, cô giáo đánh đập, tra tấn, khủng bố, đe dọa học sinh nhan nhản khắp nơi ? Văn minh, văn hóa ở đâu khi vào dịp Tết đầu năm, lãnh đạo cộng sản từ địa phương đến trung ương lũ lượt thay phiên nhau đi lễ bái, cúng kiến, cầu an, hái lộc, xin phước phù hộ cho mình thăng quan, tiến chức, giầu có ?

Tiêu chuẩn sống mới cho thế kỷ 21 mà Hoa Kỳ đề xướng ra sao, ai soạn thảo, ban hành… hay cũng chỉ là America first ? Nếu có, đó có phải là mẫu mực sống cho tất cả mọi người trên thế giới ?

Tiêu chuẩn sống của người dân trong một đất nước phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế, địa chính trị, xã hội, tôn giáo, văn hóa, giáo dục... Không thể đem tiêu chuẩn sống của người dân đất nước này áp dụng vào quốc gia khác.

Hơn thế nữa, thông điệp liên bang mà Donald Trump đã khẳng định "Nước Mỹ trên hết", vậy làm sao số phận nước Mỹ có thể gắn chặt với số phận mọi dân tộc trên thế giới để có thể đem tiêu chuẩn sống mới của Mỹ áp dụng vào Việt Nam ?

Một trăm nhân sĩ, trí thức, đại diện các tổ chức xã hội dân sự, một trăm bộ óc tinh hoa của đất nước đồng ký tên vào môt lá thư rỗng tuếch với những lời lẽ viển vông, mâu thuẫn, thiếu thực tế gửi cho một lãnh đạo nổi tiếng hoang tưởng ở một đất nước cách xa hàng chục ngàn cây số. Để làm gì ? Chẳng lẽ để chứng tỏ : Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây ?

Ngoài lá thư với những ý tưởng sáo rỗng, lời văn cường điệu, tưởng cũng nên có đôi dòng về những lời kêu gọi biểu tình trong 2 ngày 27-28/02/2019.

Khi kêu gọi biểu tình, người kêu gọi phải đặt ra mục đích rõ ràng. Biểu tình để làm gì ? Hoan hô, cổ võ, ủng hộ hay phản đối, lên án hành động một cá nhân, một nhóm người hay một chủ trương, kế hoạch của một tổ chức, chế độ… ?

Muốn biểu tình thành công, đạt được mục đích, cuộc biểu tình cần được chuẩn bị, tổ chức chu đáo, kỹ lưỡng. Từ cờ, biểu ngữ, khẩu hiệu, loa phóng thanh... đến lực lượng giữ gìn trật tự, an ninh, phòng chống bị đàn áp, giải tán bởi sự tấn công của công an, dân phòng, cảnh sát cơ động và đặc biệt thành phần phá hoại là công an giả dạng người biểu tình.

Những lời kêu gọi biểu tình trên các mạng xã hội ngày 27-28/02/2019 không hề đưa ra một mục đích rõ ràng nào về lời kêu gọi của mình. Cờ quạt, biểu ngữ, slogan... cũng không nói đến phải như thế nào ? Hoan hô Donald Trump hay đả đảo Kim Jong-un, cầm cờ Mỹ hay cờ vàng, cờ đỏ, đòi hỏi hay yêu cầu chuyện gì… ?

Vậy xuống đường biểu tình để làm gì ? Để ăn nó đòn của công an, dân phòng, cảnh sát cơ động hay để bị bắt giữ, giam cầm ít ngày, bị kết án tù cho có tín dụng… ?

Không ai có quyền đòi hỏi, yêu cầu người khác phải tranh đấu, đòi hỏi tự do, dân chủ cho mình nhưng trí thức, nhân sĩ có bổn phận, trách nhiệm phải giải thích, hướng dẫn người dân đứng lên tranh đấu, đòi hỏi những quyền lợi mà họ đương nhiên được hưởng.

Nếu không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của người trí thức thì nên im lặng, sẽ không ai trách cứ được mình nhưng xin đừng làm chuyện ruồi bu. Chẳng có đất nước nào có thể tự cường, bảo vệ được độc lập, tự do với những trí thức chỉ có khả năng viết thư ngỏ, kiến nghị, yêu sách.

Thạch Đạt Lang

(19/02/2019)

*************

Thư của 100 nhân sĩ, trí thức và các tổ chức xã hội dân sự gửi Tổng thống Mỹ

Thư của 100 nhân sĩ, trí thức, nhà hoạt động xã hội và tổ chức xã hội dân sự người Việt gửi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân dịp ông tới Hà Nội dự họp Thượng đỉnh Mỹ – Triều

Kính thưa Ngài Donald Trump, Tổng thống Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ

Trước hết, chúng tôi, những nhân sĩ trí thức và nhà hoạt động xã hội người Việt yêu đất nước mình, yêu tự do dân chủ và hoà bình, xin nhiệt liệt hoan nghênh sự có mặt của Ngài tại Hà Nội trong cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 27 và 28 tháng 2 năm 2019 sắp tới. Chúng tôi thành tâm cầu chúc, đồng thời tin tưởng vào sự thành công của cuộc gặp gỡ tối quan trọng đối với việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đảm bảo nền hoà bình vững bền cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, mà Ngài đóng vai trò dẫn dắt trong tư cách người đứng đầu quốc gia hùng mạnh nhất và tiên tiến nhất.

Vai trò của Hoa Kỳ đối với thế giới, nhân dân Việt Nam và cả nhân loại đã nghe rõ Ngài khẳng định trong Thông điệp Liên bang năm 2019. Ngay trong lời mở đầu, sau khi nhấn mạnh một lần nữa rằng Hoa Kỳ "theo đuổi chính sách đối ngoại đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết", Ngài lập tức nhắc đến "cuộc Thập tự chinh Vĩ đại – quân Đồng minh giải phóng Châu Âu trong Thế chiến thứ Hai" và tuyên bố : "Giờ đây, chúng ta phải bước đi mạnh bạo và can đảm vào chương mới của cuộc phiêu lưu vĩ đại của nước Mỹ, và chúng ta phải tạo nên một tiêu chuẩn sống mới cho thế kỷ 21". Và Ngài đã kết thúc thông điệp bằng lời cam kết gắn số phận của nước Mỹ với số phận mọi dân tộc trên thế giới : "Chúng ta phải giữ nước Mỹ trước hết trong tim mình. Chúng ta phải giữ tự do sống trong hồn mình. Và chúng ta phải luôn luôn giữ niềm tin vào số mệnh của nước Mỹ – một Quốc gia, dưới Thượng đế, phải là niềm hy vọng và lời hứa hẹn và ánh sáng và vinh quang giữa mọi quốc gia trên thế giới !".

Định mệnh từng gắn số phận của dân tộc Việt Nam với nước Mỹ trong một cuộc chiến mà hôm nay chắc chắn cả hai quốc gia đang thấm thía những hậu quả của nó. Hậu quả đau đớn nhất chính là việc một nước Trung Hoa trở nên hùng hổ, đang trắng trợn mở rộng cuộc xâm chiếm vùng biển và các đảo của Việt Nam trên biển Đông, đe dọa quyền tự do hàng hải của mọi quốc gia trên vùng biển quốc tế, thách thức uy quyền của Hoa Kỳ ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Điều này đã được chính phủ của Ngài nhiều lần cảnh cáo, đặc biệt là trong lời lên án gay gắt của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo trong cuộc Đối thoại thường niên Mỹ-Trung về Ngoại giao và An ninh tháng 11 năm 2018.

Nhân dân Việt Nam ngày càng nhận thức rõ rằng nguy cơ bành trướng, xâm lược của Trung Hoa cộng sản hôm nay là sự tiếp nối tham vọng đế quốc hàng ngàn năm của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Tham vọng ấy đã bị nhân dân chúng tôi đập tan nhiều lần trong quá khứ, và chắc chắn sẽ bị đập tan trong thời đại ngày nay.

Tham vọng ấy phải bị đập tan vì nó là bất chính, vì nó là tham vọng tước đoạt quyền Tự do thiêng liêng của dân tộc Việt Nam và các dân tộc Châu Á-Thái Bình Dương, quyền Tự do mà chúng tôi "giữ sống trong hồn mình" không khác gì nhân dân Mỹ mà Ngài nói đến trong thông điệp 2019.

Cũng bởi thế, nhân dịp Ngài có mặt tại Hà Nội, thủ đô nước chúng tôi trong những ngày sắp tới, chúng tôi xin khẳng định với Ngài, và thông qua Ngài, khẳng định với nhân dân Hoa Kỳ : Nhân dân Việt Nam quyết bảo vệ Độc lập, Tự do, Toàn vẹn lãnh thổ của mình bằng mọi giá ; và để bảo vệ những quyền thiêng liêng ấy, chúng tôi sẽ phải tự cường bằng con đường cải tổ đất nước, dân chủ hóa, văn minh hóa, theo "một tiêu chuẩn sống mới cho thế kỷ 21" mà Hoa Kỳ đề xướng.

Chúng tôi tin rằng, trong thời cuộc thế giới hôm nay, quyền lợi của Việt Nam và Hoa Kỳ là tương đồng ; một nước Việt Nam độc lập, hùng cường là đảm bảo vững chắc cho an ninh, hoà bình khu vực. Vì thế, trong cuộc đấu tranh để bảo vệ và cải tổ đất nước, chúng tôi tin vào sự ủng hộ của nhân dân và chính quyền các nước yêu tự do công lý, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Xin Ngài nhận ở đây lời cảm ơn chân thành từ những người nói lên ý chí và tâm nguyện của phần lớn người Việt Nam sinh sống trong nước cũng như ở nước ngoài.

Hà Nội ngày 17 tháng 2 năm 2019

Nguyễn Quang A, Tiến sĩ Tin học, nguyên Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam

Nguyên Ngọc, Nhà văn, Hội An, Việt Nam

Chu Hảo, Tiến sĩ Vật lý, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Hà Nội, Việt Nam

Hoàng Hưng, Nhà thơ & Nhà báo, đồng sáng lập Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, sống tại Sài Gòn, Việt Nam

Hoàng Dũng, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngôn ngữ, Sài Gòn, Việt Nam

Nguyễn Huệ Chi, Giáo sư, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Văn học, Hà Nội, Việt Nam

Mạc Văn Trang, Phó Giáo sư Tiến sĩ Tâm lý, Hà Nội, Việt Nam

Giuse Maria Lê Quốc Thăng, Linh mục, Sài Gòn, Việt Nam

Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục giáo phận Hà Tĩnh, Việt Nam

Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh, Linh mục, Sài Gòn, Việt Nam

Nguyễn Quốc Thái, Nhà báo, Sài Gòn, Việt Nam

Nguyễn Đình Đầu, Nhà nghiên cứu Lịch sử, Sài Gòn, Việt Nam

Nguyễn Trung Dân, Nhà báo, Sài Gòn, Việt Nam

Dương Tường, Nhà thơ & Dịch giả, Hà Nội, Việt Nam

Uông Đình Đức, Kỹ sư (về hưu), Sài Gòn, Việt Nam

Phạm Toàn, Nhà văn, Dịch giả, Nhà giáo và nghiên cứu Giáo dục, Hà Nội, Việt Nam

Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên thành viên Tổ Tư vấn Võ Văn Kiệt, sống tại Sài Gòn, Việt Nam

Phạm Xuân Yêm, nguyên Giám đốc Nghiên cứu CNRS và Đại học Paris-Sorbonne, Pháp

Phạm Nguyên Trường, Kỹ sư (về hưu), Dịch giả, Vũng Tàu, Việt Nam

Trần Ngọc Sơn, Kỹ sư, Pháp

Nguyễn Thanh Hằng, Dược sĩ, Pháp

Cù Huy Hà Vũ, Tiến sĩ Luật, tạm trú tại Hoa Kỳ

Nguyễn Thị Dương Hà, Luật sư, tạm trú tại Hoa Kỳ

Vũ Quốc Ngữ, Thạc sĩ, Giám đốc tổ chức "Người bảo vệ Nhân quyền", Việt Nam

Trần Bang, Kỹ sư, Cựu chiến binh, Sài Gòn, Việt Nam

Kha Lương Ngãi, nguyên Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, Sài Gòn, Việt Nam

Hồ Minh Tâm, Kiến trúc sư, Nhà thơ, Hà Nội, Việt Nam

Đỗ Đăng Giu, nguyên Giám đốc Nghiên cứu CNRS và Đại học Paris Sud, Pháp

Nguyễn Kiều Dung, Tiến sĩ Kinh tế, Hà Nội, Việt Nam

Bùi Hiền, Nhà thơ, Toronto, Canada

Nguyễn Đăng Hưng, Giáo sư Danh dự Đại học Liège (Bỉ), sống tại Sài Gòn, Việt Nam

Vũ Trọng Khải, Phó Giáo sư Tiến sĩ Kinh tế, Chuyên gia độc lập về chính sách phát triển nông nghiệp, Sài Gòn, Việt Nam

Phạm Gia Minh, Tiến sĩ Kinh tế, nguyên Phó Chủ tịch Hội Truyền thông Số, Hà Nội, Việt Nam

Lê Thân, Nhà hoạt động Xã hội, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Nha Trang, Việt Nam

Dương Đình Giao, Nhà giáo, Hà Nội, Việt Nam

Trần Minh Thảo, Nhà văn (Câu lạc bộ Phan Tây Hồ), Lâm Đồng, Việt Nam

Nguyễn Viện, Nhà văn, Sài Gòn, Việt Nam

Huỳnh Sơn Phước, nguyên Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ¸ Hội An, Việt Nam

Đào Tiến Thi, Nhà nghiên cứu Ngữ văn, nguyên uỷ viên BCH Hội Ngôn ngữ Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam

Ngô Kim Hoa (Sương Quỳnh), Nhà báo, Sài Gòn, Việt Nam

Vũ Thế Khôi, Nhà giáo Ưu tú, Hà Nội, Việt Nam

Lê Công Định, Luật gia, Sài Gòn, Việt Nam

Bùi Minh Quốc, Nhà thơ & Nhà báo, Đà Lạt, Việt Nam

Nguyễn Thị Khánh Trâm, Nghiên cứu viên Văn hóa, đã nghỉ hưu, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Võ Văn Tạo, Nhà báo, Nha Trang, Việt Nam

Nguyễn Thị Kim Chi, Nghệ sĩ Ưu tú, Sài Gòn, Việt Nam

Hà Quang Vinh, nguyên công chức chính quyền (đã nghỉ hưu), Sài Gòn, Việt Nam

Hồ Ngọc Nhuận, nguyên ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam-Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Hồ Hiếu, nguyên Chánh văn phòng Ban Dân vận – Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Helen Nguyễn, Đạo diễn điện ảnh, Hoa Kỳ

Tiêu Dao Bảo Cự, Nhà văn, Đà Lạt, Việt Nam

La Khắc Hoà, Phó Giáo sư Văn học (về hưu), Hà Nội, Việt Nam

Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt¸ Hà Nội, Việt Nam

Đỗ Trọng Khơi, Nhà thơ, Thái Bình, Việt Nam

Lê Quốc Quân, Luật sư Nhân quyền, Hà Nội, Việt Nam

Nguyễn Thành Kiên, Biên tập viên Xuất bản, Hà Nội, Việt Nam

Nguyễn Thanh Phong, Nhà văn, Hà Nội, Việt Nam

Ngô Thị Kim Cúc, Nhà văn & Nhà báo, Sài Gòn, Việt Nam

Tô Nhuận Vỹ, Nhà văn, Huế, Việt Nam

Elisabeth Trần Thị Quỳnh Giao, nguyên Bề trên Giám tỉnh dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, Sài Gòn, Việt Nam

Phạm Đình Trọng, Nhà văn, Sài Gòn, Việt Nam

Nguyễn Thế Hùng, Giáo sư Tiến sĩ, Phó chủ tịch Hội Cơ học Thủy Khí Việt Nam, Đà Nẵng, Việt Nam

Đinh Hoàng Thắng, Tiến sĩ, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Phó Chủ tịch Viện VIDS, Hà Nội, Việt Nam

Phan Đắc Lữ, Nhà thơ, Sài Gòn, Việt Nam

JB. Nguyễn Hữu Vinh, Kỹ sư, Nhà báo độc lập, Hà Nội, Việt Nam

Lê Mai Đậu, Kỹ sư (hưu trí), Hà Nội, Việt Nam

Nguyễn Khoa Thái Anh, Phiên dịch Toà án Di trú Hoa Kỳ, Oakland, California, Hoa Kỳ

Tống Văn Công, Nhà báo, nguyên Tổng biên tập báo Lao Động, hiện cư trú tại Hoa Kỳ

Nguyễn Văn Đài, Luật gia, Chủ tịch Hội Anh Em Dân Chủ, Bad Nauheim, Cộng hòa liên bang Đức

Nguyễn Quang Nhàn, Công chức về hưu, Đà Lạt, Việt Nam

Nguyễn Tường Thuỵ, Nhà báo độc lập, Hà Nội, Việt Nam

Nguyễn Gia Hảo, Nhà tư vấn kinh tế độc lập, Hà Nội, Việt Nam

Dương Thuấn (Dân tộc Tày), Nhà thơ, Nhà nghiên cứu văn hóa, Hà Nội, Việt Nam

Vũ Thành Sơn, Nhà văn, Sài Gòn, Việt Nam

Đặng Thị Hảo, Tiến sĩ Văn học, Hà Nội, Việt Nam

Nguyễn Đình Nguyên, Tiến sĩ Y khoa, Australia

Nguyễn Đăng Quang, Đại tá (về hưu), nguyên cán bộ Bộ Công An, Hà Nội, Việt Nam

Mai Thái Lĩnh, Nhà nghiên cứu, Câu lạc bộ Phan Tây Hồ, Đà Lạt, Việt Nam

Hà Sĩ Phu, Tiến sĩ Sinh học, Nhà văn & Nhà báo, Đà Lạt, Việt Nam

Nguyễn Xuân Diện, Tiến sĩ Văn học, Hà Nội, Việt Nam

Phạm Đức Nguyên, Phó Giáo sư Hà Nội, Việt Nam

Nguyễn Nguyên Bình, Nhà văn, Hà Nội, Việt Nam

Bửu Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Văn học, Huế, Việt Nam

Lê Phú Khải, Nhà báo, Sài Gòn, Việt Nam

Lại Thị Ánh Hồng, Nghệ sĩ, Sài Gòn, Việt Nam

Lê Công Giàu, nguyên Tổng thư ký Tổng hội Sinh viên Sài Gòn 1966, Phó Bí thư Thành đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh 1975, Tổng giám đốc SAVIMEX, Sài Gòn, Việt Nam

Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn, Việt Nam

Trần Minh Quốc, Nhà giáo trước 1975, Sài Gòn, Việt Nam

Huỳnh Nhật Hải, Hưu trí, Đà Lạt, Việt Nam

Huỳnh Nhật Tấn, Hưu trí, Đà Lạt, Việt Nam

Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Tổng biên tập báo Thanh Niên, Đại biểu Quốc hội khóa 6, Uỷ viên Mặt trận Tổ quốcVN Thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn, Việt Nam

Nguyễn Thị Thanh Bình, nhà văn, Hoa Kỳ

Lê Hoài Nguyên, Nhà thơ, Hà Nội, Việt Nam

Tuấn Khanh, Nhạc sĩ, Blogger, Sài Gòn, Việt Nam

Nguyễn Đan Quế, Bác sĩ, Đồng chủ tịch Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam, Sài Gòn, Việt Nam

Nguyễn Mai Oanh, Chuyên gia Nông nghiệp và Nông thôn, Sài Gòn, Việt Nam

DIỄN ĐÀN XÃ HỘI DÂN SỰ. Đại diện : Tiến sĩ Nguyễn Quang A

BAN VẬN ĐỘNG VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP VIỆT NAM. Đại diện : Nhà văn Nguyên Ngọc

BAUXITE VIỆT NAM. Đại diện : Giáo sư Phạm Xuân Yêm

CÂU LẠC BỘ LÊ HIẾU ĐẰNG. Đại diện : Lê Thân

_____

February 17, 2019

His Excellency Donald Trump,

President of the United States

The White House

Washington, DC

Dear Mr. President,

First of all, we, Vietnamese intellectuals and social activists who aspire independence, freedom, democracy and peace for our country, are elated at your decision to choose Vietnam for the US-North Korea summit on February 27 and 28, 2019 and fervently welcome your presence in Hanoi. We sincerely wish, and believe in the success of this crucial meeting for the non-nuclearization of the Korean peninsula, ensuring a sustainable peace for the Asia-Pacific region and the world. As leader of the most powerful and foremost nation of the free world, Your Excellency play a leading role in the outcome of this summit.

The people of Vietnam and all humanity have heard you clearly affirming the role of the United States in the world in your 2019 "State of the Union Address". In the opening words once stated that the United States "pursues a foreign policy that puts America’s interests first", you immediately refer to the "Great Crusade – The Allied liberation of Europe in World War II" and declare "Now We must walk boldly and courageously into the new chapter of America’s great adventure, and we must create a new standard of living for the 21st century". Just as you end the message with the pledge of committing America’s destiny with the fate of all nations in the world : "We must keep America first in our hearts. We must keep freedom alive in our souls. And we must always keep faith in America’s destiny – that one Nation, under God, must be the hope and the promise and the light and the glory among all the nations of the world !"

Fate once attached the Vietnamese nation to the United States’ in a war that today certainly have both countries understood deeply in our soul its consequences. The most painful consequence is that China as an aggressive and unfettered ambitious nation has blatantly expanded the conquest of Vietnam’s waters and islands on the South China Sea, threatening the freedom of navigation of all countries in the region, challenging the authority of the United States in the Asia-Pacific region.

This has been repeatedly warned by the U.S. government, especially in the harsh words of the US Secretary of State, Mike Pompeo, condemning China during the November 2018 annual US-China Foreign Affairs and Security Dialogue.

The Vietnamese people are increasingly and keenly aware that the threat of expansion and invasion by Communist China today is a continuation of the empire’s thousands years of feudal dynasties. That hegemon has been smashed by our people many times in the history, and will surely be smashed again in this century.

That wrong-headed ambition must be crushed today because it is unrighteous, because it is an ambition to deprive the sacred Freedom of the Vietnamese people and the peoples of Asia-Pacific, the freedom that we "keep alive in our souls" is no different from the American people you mention in the message of 2019.

Therefore, on the occasion of your historic summit meeting in our country’s capital in the coming days, we would like to resolutely affirm to you and the American people that the Vietnamese people are determined to protect our Independence, Freedom, and Territorial integrity at all costs ; and to protect those sacred rights, we will have to reform our country towards the democratic and civilized one, in accordance with the "new standard of living for the 21st century" that was initiated by the United States of America.

We believe that in today’s world, the interests of Vietnam and the United States are similar ; a strong and independent Vietnam would ensure the greater security and peace for the region. Therefore, in the struggle to protect and reform the country, we believe in the support of the people and governments of the free world, especially the United States of America.

Please accept here the sincere thanks and appreciation of those of us who express the will and aspiration of the majority of Vietnamese people living in the country as well as abroad.

We have the honor to remain,

******************

Gửi thư ngỏ tới Donald Trump để làm gì ?

Phạm Quang Tuấn, Tiếng Dân, 19/02/2019

Xuất hiện trên mạng một lá thư từ một số "nhân sĩ trí thức" gửi cho Tổng thống Trump nhân dịp ông này tới Việt Nam họp thượng đỉnh với Kim Jong-un. Hầu như toàn là những người mình biết và không ít thì nhiều dành sự kính trọng, và cũng đã từng nhiều lần ký thư ngỏ chung với họ. Nên càng ngạc nhiên khi đọc lá thư tào lao này. Thử phân tích vài chỗ :

### "Trước hết, chúng tôi, những nhân sĩ trí thức …" ("First of all, we, Vietnamese intellectuals..".)

Mới vào câu mào đầu đã thấy ngây thơ rồi. Trump vốn là người ghét trí thức (intellectuals), không tin các khoa học gia hay chuyên gia bất cứ ngành nào - kinh tế, chính trị, thậm chí tình báo (chẳng hạn chê các nhà khoa học về biến đổi khí hậu là sai). Giới trí thức Mỹ và thế giới ít nhất 95% chống ông ta, các kinh tế gia, Nobels laureates đã ký vô số thư ngỏ chống Trump khiến ông ta càng bực. Những người bầu cho Trump cũng toàn là giới phản trí thức (anti-intellectuals), ghét "tinh hoa" (anti-elitist). Vậy mà tự giới thiệu mình là… trí thức thì… :) Viết thư cho Trump mà tự xưng trí thức thì khác nào viết thư cho Hitler mà tự xưng là người Do Thái !

### "…và nhà hoạt động xã hội…" ("...and social activists")

Trump cũng không bao giờ quan tâm tới các nhà hoạt động xã hội. Lần trước thăm Việt Nam, ông ta có thăm hay nói về nhà hoạt động xã hội nào đâu, chỉ luôn miệng khen "phép màu Việt Nam" dưới chế độ CS. Ngoài ra, đi đến đâu trên thế giới ông ta cũng bị activists tổ chức biểu tình chống đối nên đọc chữ activists hẳn Trump phải giật mình ! (ở Việt Nam thì lần trước có activist Do Nguyen Mai Khoi nhưng bị nhà nước bịt miệng ngay :) )

### "Vai trò của Hoa Kỳ đối với thế giới, nhân dân Việt Nam và cả nhân loại đã nghe rõ Ngài khẳng định trong Thông điệp Liên bang năm 2019. Ngay trong lời mở đầu, sau khi nhấn mạnh một lần nữa rằng Hoa Kỳ "theo đuổi chính sách đối ngoại đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết"…" :

Người ta đã đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết thì còn kêu gọi gì nữa ? Ngay cả những đồng minh lâu đời như Tây Âu còn bất cần thì Việt Nam kêu cầu xuông có ích gì ?

### "Trung Hoa trở nên hùng hổ, đang trắng trợn mở rộng cuộc xâm chiếm vùng biển và các đảo của Việt Nam trên biển Đông, đe dọa quyền tự do hàng hải của mọi quốc gia trên vùng biển quốc tế, thách thức uy quyền của Hoa Kỳ ở Châu Á-Thái Bình Dương" :

Không sai, nhưng cái này là "dậy đĩ vén váy". Thực ra Trump cũng chẳng lưu tâm gì đến Biển Đông, nhưng có vẻ để cho thuộc hạ (Pence, Pompeo...) và quân đội làm gì thì làm.

### "Nhân dân Việt Nam ngày càng nhận thức rõ rằng nguy cơ bành trướng, xâm lược của Trung Hoa Cộng sản hôm nay là sự tiếp nối tham vọng đế quốc hàng ngàn năm của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Tham vọng ấy đã bị nhân dân chúng tôi đập tan nhiều lần trong quá khứ, và chắc chắn sẽ bị đập tan trong thời đại ngày nay".

Trump có bao giờ lưu tâm đến lịch sử đâu, lịch sử nước ngoài lại càng không. Ông ta đã từng nói Cao Ly ngày xưa là 1 phần của nước Tàu !

### "Nhân dân Việt Nam quyết bảo vệ Độc lập, Tự do, Toàn vẹn lãnh thổ của mình bằng mọi giá ; và để bảo vệ những quyền thiêng liêng ấy, chúng tôi sẽ phải tự cường bằng con đường cải tổ đất nước, dân chủ hóa, văn minh hóa, theo "một tiêu chuẩn sống mới cho thế kỷ 21" mà Hoa Kỳ đề xướng".

Họ quên rằng Trump mới gọi Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là "một phép mầu vĩ đại của thế giới" và ông ta cùng ngoại trưởng Pompeo đang thúc giục Bắc Hàn theo gương Việt Nam. Thậm chí, cái "phép màu Việt Nam vĩ đại" này là 1 trong những luận điểm chính của Trump và niềm hy vọng Trump đặt vào để dụ dỗ Ủn. Vậy là tốt quá rồi, còn "tự cường" với "văn minh hóa" gì nữa.

### "Xin Ngài nhận ở đây lời cảm ơn chân thành từ những người nói lên ý chí và tâm nguyện của phần lớn người Việt Nam sinh sống trong nước cũng như ở nước ngoài".

Ô hay, mình hay chỉ trích cộng sản là hay tự tiếm xưng đại diện dân Việt Nam mà sao bây giờ lại thay mặt phần lớn người Việt để cảm ơn Trump ?

Và rốt cuộc, vẫn chẳng hiểu lá thư này nói gì, viết để làm gì.

Phạm Quang Tuấn

Nguồn : Dân Luận, 19/02/2019

********************

Nguyện vọng thoát Trung qua lá thư gửi Tổng thống Mỹ của nhân sĩ trí thức Việt Nam

Diễm Thi, RFA, 19/02/2019

Hôm 17/2/2019, trên các trang mạng xã hội xuất hiện bức thư của 100 nhân sĩ, trí thức và các tổ chức xã hội dân sự gửi Tổng thống Mỹ. Bức thư nêu lên vai trò của Hoa Kỳ đối với thế giới và nhân dân Việt Nam, và nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Mỹ trong Thông điệp Liên bang năm 2019 rằng "Giờ đây, chúng ta phải bước đi mạnh bạo và can đảm vào chương mới của cuộc phiêu lưu vĩ đại của nước Mỹ, và chúng ta phải tạo nên một tiêu chuẩn sống mới cho thế kỷ 21".

thoat1

Người dân các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam rời bỏ nhà cửa trước cuộc xâm lược của Trung Quốc vào ngày 23/2/1979. AFP

Cựu Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang, từng làm việc tại Bộ Ngoại giao, cũng là người tham gia soạn thảo lá thư, cho biết mục đích ra đời của lá thư :

"Nhân dịp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sắp sang Việt Nam họp Thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên (27 và 28/2/2019), lá thư này ra đời không chỉ để Tổng thống Mỹ biết (vì ông đã thừa hiểu), mà chính là để dư luận thế giới, đặc biệt dư luận Việt Nam, dư luận Trung Quốc và cả châu Á hiểu rằng, trước nguy cơ Việt Nam bị xâm lược biển đảo, thì Hoa Kỳ là đồng minh tự nhiên của Việt Nam".

Phó Giáo sư Tiến sĩ ngôn ngữ học Hoàng Dũng nói với RFA rằng trên danh nghĩa thì lá thư được gửi cho Tổng thống Mỹ, nhưng thực chất không phải gửi cho cá nhân tổng thống mà là gửi cho người đại diện Hoa Kỳ để lên tiếng với thế giới nguyện vọng thoát Trung của người Việt Nam :

"Chúng tôi cũng không mong ông Trump làm gì được cho Việt Nam. Tất cả các nguyên thủ quốc gia khi quyết định việc gì thì họ đều đặt quyền lợi quốc gia của họ lên trên, chứ không vì lá thư mà họ thay đổi, nhưng qua lá thư chúng tôi muốn nói với công luận quốc tế và với người dân Việt rằng chính phủ Việt Nam đang lơ lửng giữa hai xu hướng : Một là ngày càng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, và xu hướng thứ hai là muốn thúc đẩy càng nhanh càng tốt chuyển động thoát Trung.

Khi ông Trump và ông Kim Jong-un gặp nhau ở Việt Nam thì đây là thời điểm tốt để chúng tôi khẳng định lại là người Việt Nam thấy việc thoát Trung ngày càng cấp bách".

Ông dẫn chứng sự lúng túng của chính phủ Việt Nam trong mối quan hệ với Trung Quốc qua cách ứng xử vụ tưởng niệm 40 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc vừa qua, là một mặt bật đèn xanh cho báo chí viết những bài khá mạnh mẽ về cuộc chiến ngày 17/2/1979, nhưng mặt khác thì lại giới hạn càng lúc càng chặt.

Cuộc Hội thảo cấp quốc gia về Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc do viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam tổ chức hôm 15/2/2019 tại Hà Nội đã không dám nói đó cuộc chiến tranh xâm lược, mà cũng không dám nêu tên Trung Quốc xâm lược. Trong buổi hội thảo tuyệt nhiên không có nhân vật chính trị cấp cao nào xuất hiện. Còn tại chuyến thăm nghĩa trang liệt sĩ hôm 17/2/2019 thì lại đưa một quan chức cấp cao nhưng đã rời khỏi chính trường đến dâng hoa, thắp hương, đó là nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Giáo sư Hoàng Dũng kết luận ‘Họ sợ !’ và nói thêm :

"Họ sợ hãi người dân nên phải ứng xử một cách vô văn hóa, đi ngược lại truyền thống dân tộc khi đem xe chở rác chắn ngang lối vào tượng đài Đức Trần Hưng Đạo, rồi cẩu lư hương đi chỗ khác…

Tất cả những điều đó cho thấy chính quyền Việt Nam đang rất lúng túng, tiến một bước lùi hai bước.

Và điều đó càng cho thấy cái thư của chúng tôi nhấn mạnh nguyện vọng của người Việt Nam là phải thoát Trung. Cái đó phải nói to ra cho thế giới biết và để thức tỉnh một bộ phận quan chức cũng như người dân để họ thấy đã đến lúc phải nói lên nguyện vọng đó".

Một điều xuyên suốt trong lá thư rất dễ nhận thấy là mối đe dọa từ Trung Quốc. Lá thư nhắc lại cuộc chiến Việt Nam mà ‘hậu quả đau đớn nhất chính là việc một nước Trung Hoa trở nên hùng hổ, đang trắng trợn mở rộng cuộc xâm chiếm vùng biển và các đảo của Việt Nam trên biển Đông, đe doạ quyền tự do hàng hải của mọi quốc gia trên vùng biển quốc tế, thách thức uy quyền của Hoa Kỳ ở châu Á-Thái Bình Dương.’

Cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang khẳng định :

"Mục đích chính của những người tham gia ký tên thư này nói lên một điều là lợi ích của Hoa Kỳ và lợi ích của Việt Nam lúc này ở Biển Đông, mở rộng ra là Châu Á - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương có cùng lợi ích là ngăn chặn sự bành trướng bá quyền của Trung Quốc, nên Việt Nam và Mỹ có thể là đồng minh với nhau trong vấn đề này. Khởi đầu là đồng lợi ích rồi có thể tiến tới là đồng minh về đối ngoại, sau này có thể mở rộng thành đối tác chiến lược toàn diện, chứ không phải chỉ là đối tác toàn diện như hiện nay".

Tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 12/2/2019, đô đốc Philip Davidson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương phát biểu rằng "Chúng ta phải chấp nhận một sự thật rằng tình hình Biển Đông đang thay đổi một cách nhanh chóng và chúng ta sẽ cần một cách tiếp cận mới. Điều này đòi hỏi chúng ta phải cân nhắc với một vài địa điểm Mỹ chưa đặt căn cứ quân sự tại khu vực này. Chúng tôi đang bàn bạc với các đối tác và đồng minh về khả năng thiết lập những cơ sở này".

thoat2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng Bí thư Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội vào ngày 6 tháng 11 năm 2015. AFP

Việt Nam là một trong những nước có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc, là nước nhỏ nằm bên cạnh Trung Quốc và luôn chịu áp lực, đe dọa từ Trung Quốc. Lá thư cũng nêu lên rằng nhân dân Việt Nam ngày càng nhận thức rõ rằng nguy cơ bành trướng, xâm lược của Trung Hoa Cộng sản hôm nay là sự tiếp nối tham vọng đế quốc hàng ngàn năm của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Ông Nguyễn Đăng Quang nhận định Việt Nam phải có sự chuẩn bị từ trước chứ không để "nước đến chân mới nhảy" :

"Nếu Mỹ đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam thì rõ ràng Trung Quốc sẽ không dám xâm lược Việt Nam, nhưng điều đó lại không phù hợp với chính sách "ba không" của Việt Nam là "Không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam ; không là đồng minh quân sự của bất kỳ quốc gia nào ; và không đi với nước này để chống nước kia".

Thế nhưng cái "không" thứ ba có thể thay đổi, nghĩa là để bảo đất nước, chống xâm lược thì buộc VN phải liên minh, tìm kiếm đồng minh với một nước thứ ba để bảo vệ Tổ quốc một khi Việt Nam bị một nước nào đó mạnh hơn xâm lược hay đe dọa xâm lược !

Vấn đề là phải chuẩn bị từ trước, để khi Việt Nam có nguy cơ bị xâm lược, hay bị xâm lược thì Việt Nam và Mỹ đã là đồng minh của nhau".

Mối đe dọa từ Trung Quốc là điều mà bất cứ người Việt Nam nào cũng nhận thấy, vì nó từ hàng ngàn năm qua rồi. Là người dân Việt Nam, cũng là một nghệ sĩ nổi tiếng luôn ủng hộ cho dân chủ, nhân quyền và thoát Trung, nghệ sĩ Kim Chi cho biết khi tham gia ký lá thư gửi cho Tổng thống Mỹ, bà không quá kỳ vọng nước Mỹ sẽ làm gì đó, bởi "người Mỹ họ thực dụng lắm. Cái gì có lợi cho họ thì họ làm, chứ không vì dân chủ nhân quyền của Việt Nam mà họ làm tất cả đâu".

Bà cho biết bà chỉ nghĩ đơn giản là bây giờ làm bất cứ điều gì để thúc đẩy tiến trình quan hệ Việt Nam với quốc tế tốt hơn, đi gần với dân chủ hơn là bà làm, và đây cũng là dịp để Hoa Kỳ thấy rằng người dân tin cậy ở sự hợp tác trong công cuộc đòi nhân quyền và thoát Trung ở Việt Nam.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 19/02/2019

*******************

100 trí thức, nhân sĩ Việt Nam gửi thư ngỏ cho Tổng thống Trump (Người Việt, 18/02/2019)

Một trăm nhân sĩ trí thức Việt Nam vừa gửi một bức thư ngỏ đến tổng thống Mỹ "tin vào sự ủng hộ của nhân dân và chính quyền các nước yêu tự do công lý, đặc biệt là Hoa Kỳ".

tuyetvong2

Hàng ngàn người ở Sài Gòn với băng-rôn, biểu ngữ ngày 10/6/2018 chống dự luật "Đặc khu kinh tế" mà họ cho rằng giúp Trung Quốc thôn tính Việt Nam. (Hình : AFP/Getty Images)

Nhân dịp Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp đến Hà Nội vào hai ngày cuối tháng Hai để họp thượng đỉnh với Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un, 100 nhân sĩ, trí thức và nhà hoạt động xã hội người Việt "yêu đất nước mình, yêu tự do dân chủ và hoà bình", cả trong và ngoài nước Việt Nam, vừa gửi một bức thư ngỏ cho ông Trump bầy tỏ sự hoan nghênh chủ trương "cam kết gắn số phận của nước Mỹ với số phận mọi dân tộc trên thế giới" của chủ nhân Tòa Bạch Ốc qua bản thông điệp liên bang ngày 6 tháng Hai, 2019 vừa qua.

Họ nhắc ông Trump rằng, "Định mệnh từng gắn số phận của dân tộc Việt Nam với nước Mỹ trong một cuộc chiến mà hôm nay chắc chắn cả hai quốc gia đang thấm thía những hậu quả của nó. Hậu quả đau đớn nhất chính là việc một nước Trung Hoa trở nên hùng hổ, đang trắng trợn mở rộng cuộc xâm chiếm vùng biển và các đảo của Việt Nam trên biển Đông, đe dọa quyền tự do hàng hải của mọi quốc gia trên vùng biển quốc tế, thách thức uy quyền của Hoa Kỳ ở Châu Á-Thái Bình Dương".

Trong hoàn cảnh của Việt Nam, các nhân sĩ trí thức viết trong bức thư rằng : "Nhân dân Việt Nam ngày càng nhận thức rõ rằng nguy cơ bành trướng, xâm lược của Trung Hoa cộng sản hôm nay là sự tiếp nối tham vọng đế quốc hàng ngàn năm của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Tham vọng ấy đã bị nhân dân chúng tôi đập tan nhiều lần trong quá khứ, và chắc chắn sẽ bị đập tan trong thời đại ngày nay".

"Tham vọng ấy phải bị đập tan vì nó bất chính, vì nó là tham vọng tước đoạt quyền tự do thiêng liêng của dân tộc Việt Nam và các dân tộc Châu Á-Thái Bình Dương, quyền Tự do mà chúng tôi ‘giữ sống trong hồn mình’ không khác gì nhân dân Mỹ mà Ngài nói đến trong thông điệp 2019".

Cũng bởi thế, nhân dịp Tổng thống Trump đến Hà Nội, 100 nhân sĩ trí thức người Việt "xin khẳng định với Ngài, và thông qua Ngài, khẳng định với nhân dân Hoa Kỳ : Nhân dân Việt Nam quyết bảo vệ Độc lập, Tự do, Toàn vẹn lãnh thổ của mình bằng mọi giá ; và để bảo vệ những quyền thiêng liêng ấy, chúng tôi sẽ phải tự cường bằng con đường cải tổ đất nước, dân chủ hóa, văn minh hóa, theo ‘một tiêu chuẩn sống mới cho thế kỷ 21’ mà Hoa Kỳ đề xướng".

Các nhân sĩ trí thức người Việt tin rằng "trong thời cuộc thế giới hôm nay, quyền lợi của Việt Nam và Hoa Kỳ là tương đồng ; một nước Việt Nam độc lập, hùng cường là đảm bảo vững chắc cho an ninh, hoà bình khu vực. Vì thế, trong cuộc đấu tranh để bảo vệ và cải tổ đất nước, chúng tôi tin vào sự ủng hộ của nhân dân và chính quyền các nước yêu tự do công lý, đặc biệt là Hoa Kỳ".

Bức thư ngỏ gửi Tổng thống Trump đề ngày 17 tháng Hai, 2019, được phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội. Trong số những người đầu tiên ký tên, người ta thấy có Tiến sĩ Nguyễn Quang A ; Nhà văn Nguyên Ngọc, Tiến sĩ Chu Hảo, nhà thơ Hoàng Hưng, Tiến sĩ ngôn ngữ Hoàng Dũng, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Tiến sĩ tâm lý Mạc Văn Trang, Linh mục Giuse Maria Lê Quốc Thăng, Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Linh mục Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh…(TN)

********************

Thư ngỏ cho Tổng thống Trump nhân thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Triều Tiên về vấn đề Biển Đông (RFA, 19/02/2019)

Truyền thông quốc tế đã thông báo chính thức về cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra vào ngày 27 và 28 tháng 2 năm nay tại Hà Nội.

tuyetvong3

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un trong Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Hàn ở Singapore ngày 12/6/2018. AFP

Những tháng đầu năm, trong lịch sử cận đại của Việt Nam cũng là thời điểm nhắc nhớ lại những sự kiện đau thương với Trung Quốc :

- Ngày 19/1/1974 Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa gây nên cái chết của 75 binh sĩ và thủ thủ Việt Nam Cộng Hòa

- Ngày 17/2/1979 Trung Quốc xâm lăng Việt Nam để ủng hộ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ

- Và ngày 14/3 năm nay cũng đánh dấu 31 năm Trung Quốc chiếm Trường Sa, 64 binh sĩ đã hy sinh trong trận thủy chiến Gạc Ma

Trong bối cảnh đó, ngày 14/2 vừa qua Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh, thuộc Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, Nhóm Biển Đông tại Pháp đã phổ biến lá thư ngỏ gửi Tổng thống Trump để kêu gọi ông chú ý đến những sự kiện này và coi đó như một mối đe dọa của nền hòa bình Quốc tế, nhất là ở khu vực Biển Đông. Đồng thời đề nghị Tổng thống Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền tự do hàng hải và luật pháp Quốc tế. Ông Lê Trung Tĩnh chia sẻ về động lực thúc đẩy nhóm Biển Đông viết lá thư kêu gọi này :

Tôi muốn gửi thông điệp này đến Tổng thống Mỹ, kể lại những câu chuyện lịch sử của nước Việt Nam đối với Hoa Kỳ và Quốc tế và từ đó, cũng mong muốn gửi những đề nghị đối với Tổng thống Mỹ kêu gọi Trung Quốc đưa tranh chấp Hoàng Sa ra tòa án công lý quốc tế. Nếu Trung Quốc luôn mạnh miệng nói rằng họ có bằng chứng chủ quyền trên Hoàng Sa là mạnh nhất, tại sao họ không chấp nhận đưa phán quyết này ra một bên thứ ba ?

Lá thư không chỉ đề cập đến những giải pháp quân sự mà còn kệu gọi sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như các nước trong khu vực để có những giải pháp chính trị, kinh tế xã hội hầu đối phó với các kế hoạch chiếm lãnh toàn bộ biển Đông của Trung Quốc :

Tôi cũng mong muốn rằng Việt Nam có những hợp tác mạnh mẻ hơn với Mỹ trong công việc tuần tra trên biển và không chỉ Việt Nam, tôi cũng mong muốn những nước khác trong khu vực bị ảnh hưởng bởi đường 9 đoạn cùng hợp tác nhiều hơn với Mỹ để có thể giải quyết được công việc này.

Ông Thành Đỗ một cư dân ngoại ô Paris, vui mừng trước ý tưởng này :

Tôi rất vui mừng khi thấy có những người lợi dụng cơ hội Tổng thống Mỹ đến Việt Nam để viết một lá thư ngỏ như vậy. Đó là một ý kiến rất hay. Nếu không ai làm gì hết thì sẽ không ai nghĩ đến Việt Nam đâu, chúng ta phải biết lợi dụng cơ hội, nắm bắt thời cơ.

Căm phẩn về việc Trung Quốc xâm chiếm biển đảo cũng như đàn áp ngư dân đánh cá trong phạm vi được coi là chủ quyền của Việt Nam là lý do mà ông Nguyễn Vũ Bình, một nhà báo tự do đang sống tại Việt Nam ký tên vào lá thư này, ông nói :

Việc thôn tính biển Đông của Trung Quốc cũng như là o ép những ngư dân vi phạm trắng trợ luật pháp quốc tế. Và chúng ta muốn giữ chủ quyền biển đảo cũng như là giữ cho những ngư dân tự do đánh bắt cá thì chúng ta phải đưa vấn đề này ra quốc tế. Đó là một yêu cầu rất chính đáng và rất là đúng. Vì thế tôi đã ký bức thư ngỏ đó.

tuyetvong4

Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (trái) nói chuyện tại cuộc gặp song phương ở Hà Nội hôm 12/11/217 AFP

Sau khi lá thư được đưa lên mạng ngày 14/2, sau bốn ngày đã thu được gần 2000 chữ ký. Bên cạnh đó, có rất nhiều ý kiến đóng góp, trong đó có người ái ngại cho rằng cách đây 5 năm Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông đã gửi một lá thư cho Liên Hiệp Quốc và không có phản hồi, Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh cho rằng lần này sẽ khác, và nếu không có giá trị ngay lập tức thì cũng sẽ có ảnh hưởng về sau này, ông nói :

Chúng tôi xin thưa rằng lá thư này có một giá trị tích cực và thực sự hơn vì nó gửi đến một người cụ thể, một người có quyền lực cụ thể với những khả năng cụ thể, đó là Tổng thống Mỹ Donald Trump ! Khi họ nghe tiếng nói của hàng trăm ngàn người đến với họ khi họ đến đất nước đó thì một cách tự nhiên họ sẽ lắng nghe và suy xét để có những hành vi tương ứng. Nếu không ngay bây giờ, thì có thể là sau đó hay những điều chỉnh chính sách.

Cũng có người cho rằng những thư ngỏ hay pétition đều sẽ không đem lại hiệu quả, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một trong những người đầu tiên đã ký tên vào lá thư này, lại có suy nghĩ khác :

Quỳnh nghĩ là tất cả những động thái, những chữ ký dù lớn hay nhỏ, tất cả những thỉnh nguyện thư ít nhiều đều có hiệu quả. Và với chuyến viếng thăm lần này của Tổng thống Hoa Kỳ, Quỳnh nghĩ ít nhất đây cũng là một động thái chứng tỏ cho nhà nước Việt Nam thấy rằng người Việt khắp nơi trên thế giới, người Việt trong và ngoài nước không bao giờ từ bỏ cái khát khao dành lại Hoàng Sa và Trường Sa và điều đó sẽ được thực hiện bằng sự văn mình, tiến bộ và luật pháp Quốc tế.

Theo kỹ sư Đỗ Thành, tùy theo bối cảnh tranh chấp, tùy trường hợp mà thời gian để đưa một vụ kiện ra tòa án quốc tế là 50 năm, và thời hạn đó với Hoàng sa đã gần kề, ông cho biết :

Chúng ta có đầy đủ yếu tố lịch sử và pháp lý để kiện vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa ra tòa án Quốc tế, chúng ta có đủ quyền để làm điều đó. Và xin thưa một điều khá quan trọng là theo luật pháp quốc tế thì một đất đai nào đó , nếu sau 50 năm mà chúng ta không kiện ra tòa án quốc tế thì coi như chúng ta mặc nhiên công nhận là điều đó đúng. Chúng ta chỉ còn có 5 năm nữa thôi, nếu không kiện thì chúng ta mặc nhiên công nhân Hoàng Sa thuộc về chủ quyền không thể chối cãi của Trung Quốc . Xin thưa như vậy. Chúng ta phải làm điều đó bởi vì tiền đồ của dân tộc, bởi vì tương lai, bởi vì giang sơn của Tổ Quốc, chúng ta không thể ngồi im được.

Với hàng ngàn phóng viên, báo chí quốc tế sẽ có mặt tại Hà Nội, nhà báo Nguyễn Vũ Bình tin rằng lá thư sẽ tạo được sự chú ý của Tổng thống Hoa kỳ vì vấn đề tự do hàng hải không chỉ liên quan đến Việt Nam, ông nói :

Sự tranh chấp ở biển Đông không chỉ giữa Việt Nam và Trung Quốc mà có cả Mỹ và Trung Quốc về vấn đề chiến lược biển Đông rồi tự do hàng hải nên tôi nghĩ Tổng thống Trump cũng sẽ quan tâm đến lá thư của người dân Việt Nam yêu cầu như thế. Nó tác động đến mức nào, như thế nào thì không nói được nhưng tôi nghĩ nó sẽ có tác động nhất định, có sự chú ý nhất định.

Gần đây truyền thông lề đảng gọi Trung Quốc là xâm lược, nhưng vẫn đàn áp những sự kiện tưởng nhớ Hoàng Trường Sa, nhà báo Nguyễn Vũ Bình nhận định về sự mâu thuẩn này :

Nhà nước Việt Nam lúc nào cũng nói Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam mà bị Trung Quốc xâm chiếm, thế nhưng việc quan trong nhất là khởi tiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế thì Việt Nam lại không làm. Đó là những điều ngịch lý, rồi những người trong phong trào dân chủ khi muốn ra thắp hương tưởng niệm những kiệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh biên giới thì đều bị giữ ở nhà, người nào ra đến nơi chưa làm được gì đã bị bắt hết cả. Chứng tỏ đây không phải là thực tâm.

Trả lời câu hỏi : Thế các bạn chờ đợi gì từ lá thư này, ông Lê Trung Tĩnh nói :

Tôi viết lá thư này không phải là một công việc để cho vui. Tôi viết lá thư này vì mong muốn Tổng thống Mỹ Donald Trump đọc nó và có những hành động tương ứng vì tương lai tươi sáng của Việt Nam, vì hòa bình, vì ổn định, vì sự hợp tác chặc chẻ hơn nữa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tôi mong rằng điều đó sẽ được thực hiện và tôi sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện cho việc đó được thực hiện.

Cùng với ý tưởng đó, chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hy vọng :

Quỳnh mong rằng lá thư này sẽ được sự quan tâm của chính giới Hoa Kỳ, và nếu nó được đặt lên bàn trao đổi với nhà nước Việt Nam thì đó sẽ là một kết quả đáng khích lệ cho giới hoạt động Dân chủ tại Việt Nam và đặc biệt là cho những kết quả miệt mài của Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông.

Lá thư này, theo ông Lê Trung Tĩnh, không phải là một giấc mơ, đó là hành trình tiến đến công lý từ chữ ký của mỗi người, ông kêu gọi :

Chúng tôi cần sự tham gia của tất cả bạn của tất cả mọi người Việt, của tất cả công dân trên thế giới ký tên vào lá thư và chia sẻ nó với càng nhiều người càng tốt.

Tường An

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thạch Đạt Lang, Phạm Quang Tuấn
Read 4556 times

1 comment

  • Comment Link Carlzeiss vendredi, 22 février 2019 03:17 posted by Carlzeiss

    Tôi nhớ không nhầm là nhà thơ Bùi Minh Quốc - Đà Lạt đã qua đời năm 2018 rồi mà.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)