Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/03/2019

Trump không đếm xỉa đến nhân quyền, tự do dân chủ ở Việt Nam

Nguyễn Quốc Khải

Cũng như lần đầu đến Việt Nam tham dự Hội Nghị APEC vào 2017, lần này Tổng thống Trump đến Hà Nội cũng không hề nhắc nhở đến tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam.

nhanquyen1

Ông Trump trở về Mỹ sau cuộc hội nghị thượng đỉnh bất thành ở Hà Nội với Kim Jong-un

Ông không hề có ý định gặp gỡ những nhà hoạt động dân chủ ở trong nước như Tổng thống Obama từng làm, cũng như không đả động gì đến lá thư ngỏ gửi đến ông của 100 nhân sĩ trí thức và nhà hoạt động xã hội, phần lớn ở trong quốc nội.

Hôm qua ông lên tiếng ca ngợi Chủ tịch Kim Jong-un, một trong những lãnh tụ độc tài, vi phạm nhân quyền nhất thế giới. Tuy nhiên cuộc họp thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Hàn lần II về chương trình chế tạo võ khí hạt nhân của Bắc Hàn đã không đạt được kết quả nào.

Ông Trump còn ca ngợi Việt Nam là một mô hình tốt đẹp cho Bắc Hàn noi theo và mời Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng viếng thăm Hoa Kỳ vào năm nay để tiếp tục thảo luận về những biện pháp tăng cường sự hợp tác toàn diện giữa hai nước. Ngược lại, ông Nguyễn Phú Trọng xác nhận rằng Việt Nam ủng hộ giải pháp phi hạt nhân và hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Cách đây gần hai tuần, trong buổi họp báo tại Nhà Trắng, Tổng Thống Trump cũng lên tiếng ca ngợi Chủ tịch Tập Cân Bình là người đáng kính phục và hai người có quan hệ tốt đẹp. Ông Trump còn cho biết việc đàm phán thương mại tiến triển tốt đẹp và sẽ mời Chủ tịch Tập qua Mỹ để họp cấp cao.

Chắc hẳn các ông bà cuồng Trump đã phải thất vọng trước những biến chuyển quốc tế tích cực và rõ rệt như trên.

Bao lâu nay, không nhìn vào sự kiện thực tế, các ông bà cuồng Trump ước mong tình hình Đông Nam Á căng thẳng và xem ông Trump là vị cứu tinh dân tộc, sẽ dùng thuế quan và võ lực để tiêu diệt Trung Quốc, giúp giải thế chế độ cộng sản Việt Nam và dân chủ hóa đất nước.

Trong thời gian ông Trump ở Việt Nam mấy ngày qua, một số không ít các ông bà Bolsa vẫn còn biểu tình không những kêu gọi tự do dân chủ cho Việt Nam mà còn hô hào ủng hộ cá nhân ông Trump. Nay mộng ước này xem ra đổ vỡ tan tành. Một số hình ảnh ủng hộ Trump của đám biểu tình xuất hiện trên Internet nay đã biến mất.

Biến động sôi nổi mấy ngày qua ở trong nước Mỹ đang làm cho sự nghiệp chính trị của Tổng thống Trump ngày càng đen tối.

Ông Michael Cohen, cựu luật sư (2006-2018) của Tổng thống Trump và cũng từng là phó chủ tịch của Trump Organization và giữ nhiều chức vụ cao cấp khác nhau trong Đảng Cộng hòa, khai trước Ủy Ban Thanh Tra của Hạ Viện rằng ông Trump là một tội phạm hình sự, một kẻ kỳ thị chủng tộc và bịp bợm.

Ông Cohen cũng đưa ra những bằng chứng không thể chối cãi được là những ngân phiếu về việc ông Trump chi tiền để bịt miệng cô đào cởi truồng Stormy Daniels, một tội hình sự, và dự án xây Trump Tower tại Moscow mà ông Trump luôn luôn phủ nhận cho đến khi hồ sơ có chữ ký của ông được báo chí phanh phui ra.

Hơn thế nữa, ông Trump sẽ còn phải đối phó với phúc trình của Công tố viên đặc biệt Robert Muller sẽ được phổ biến trong vài ngày tới và cuộc điều tra của Văn phòng tư pháp Southern District of New York về một số tội ác của ông Trump chưa được tiết lộ.

nhanquyen2

Ông Trump đã có buổi gặp với Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sáng 27/2

Việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Tổng Thống Trump phần đông dân chúng tin là giả tạo. Sau khi từ Việt Nam trở về Mỹ, ôngTrump hoàn toàn giữ im lặng về cuộc điều trần sôi nổi và tai hại của Michael Cohen. Sự nghiệp chính trị của ông Trump lung lay đến tận gốc.

Những ai còn mơ tưởng Tổng thống Trump ưu tư về nhân quyền, tự do và dân chủ ở Việt Nam cần phải phân tách bản chất con người của Trump và nhìn vào thực tế sự kiện chính trị.

Một con người có nhiều vấn đề như thế với cá tính như thế liệu có thể trông cậy được hay không ?

Nguyễn Quốc Khải

Nguồn : BBC, 01/03/2019

Nguyễn Quốc Khải, hiện đang sinh sống ở Virginia, Hoa Kỳ, là cựu chuyên viên kinh tế và tham vấn của Ngân Hàng Thế Giới. Ông thường đóng góp bài cho VOA, BBC, và Asia Times.

*******************

Phản ứng sau khi Mỹ - Việt Nam ký thỏa thuận thương mại nhưng không nêu vấn đề nhân quyền

Trung Khang, RFA, 27/02/2019

Ngày 27/2/2019, tại Hà Nội, nhân cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các công ty Mỹ và Việt Nam đã ký một loạt các thỏa thuận thương mại trị giá hơn 20 tỷ đô la, nhưng vấn đề nhân quyền đã hoàn toàn không được đề cập. Phản ứng của các nhà bất đồng chính kiến như thế nào ?

nhanquyen3

Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ hai bên trái) và Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (phải) chào Giám đốc điều hành hãng máy bay thương mại Boeing Kevin McCallister (trái) và Giám đốc điều hành Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo (thứ hai bên phải) trong lễ ký tại phủ Chủ tịch ở Hà Nội hôm 27/2/2019 AFP

Từ Hà Nội, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 27/2, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định :

"Tôi nghĩ đó là một cách rất là khéo của Việt Nam để gãi đúng chỗ ngứa của ông Trump về vấn đề thương mại của hai nước, về vấn đề thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam. Nhưng thực chất nếu đi sâu vào vấn đề thì thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam không đến mức 30 tỷ USD đâu, có nhiều hàng hóa Mỹ mà Việt Nam mua được sản xuất từ Trung Quốc. Nên thực tế nó cân bằng hơn. Nên việc ký kết mua máy bay cũng có một chút ý nghĩa thương mại, nhưng nó mang tính trình diễn nhiều hơn".

Sau buổi gặp gỡ với ông Nguyễn Phú Trọng tại phủ Chủ tịch, Tổng thống Donald Trump đã đến nhà khách chính phủ để gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tại buổi gặp, Tổng thống Trump ca ngợi phát triển kinh tế của Việt Nam và nói rằng Việt Nam có thể là một mô hình kinh tế cho Bắc Hàn. Ông cũng nói đến các thỏa thuận thương mại hai bên vừa ký kết và không quên nói rằng Hoa Kỳ có những thiết bị quân sự tốt nhất thế giới. Tuy nhiên vấn đề nhân quyền đã không hề được ông Trump đả động đến trong cả hai cuộc gặp quan trọng với lãnh đạo Việt Nam.

Nhận định về vấn đề này Phó giáo sư Hoàng Dũng nói :

"Ông Trump không phải là đấng cứu thế, mà để những nơi nào có tiếng kêu thương mà ông đến cứu vớt, ông xử sự theo cái mà ông cho là tốt cho nước Mỹ. Hiện nay địa chính trị của Việt Nam có lợi cho Mỹ, cho nên ông Trump không lên tiếng về nhân quyền, thì chúng ta không nên phán xét ông theo phương diện đạo đức hay con người mà phán xét là một nhà chính trị".

Phó giáo sư Hoàng Dũng cho biết, chẳng có kỳ vọng gì cả, đất nước Việt Nam do người Việt Nam quyết định, quốc tế hết sức quan trọng, nhưng theo ông họ chỉ tạo điều kiện, họ làm cho trong nước thuận lợi hơn hay không thuận lợi hơn, chứ không bao giờ nước ngoài có vai trò quyết định trong vấn đề nội bộ của đất nước cả.

Còn nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Chí Tuyến thì cho rằng đây không phải là chuyến thăm chính thức nên không thể đòi hỏi ông Trump nêu vấn đề nhân quyền :

"Chuyến sang Việt Nam lần này của Tổng thống Trump không phải là được nhà cầm quyền Việt Nam mời sang thăm, mà là sang để gặp Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-Un, để giải quyết vấn đề của Bắc Triều Tiên. Nói nôm na là họ thuê địa điểm để họ làm chuyện của họ thôi. Thế nên trong buổi gặp mặt của ông Trump với lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì tôi nghĩ nó diễn ra rất là ngắn, chủ yếu để bắt tay chụp ảnh là chính, thì trong quá trình như vậy không thể đòi hỏi ông Trump nêu vấn đề nhân quyền trong khoảng thời gian rất là ngắn, nhất là sang không phải với tư cách là làm việc với phía Việt Nam".

Cựu tù chính trị Bùi Thị Minh Hằng cũng cho rằng không nên quá kỳ vọng vào ông Trump :

"Quan điểm của tôi là một nhà bất đồng chính kiến trong nước thì tôi cho rằng người dân Việt Nam không nên quá kỳ vọng vào ông Trump hay một quốc gia nào đó can thiệp vào vấn đề nhân quyền cho mình. Quan điểm của tôi là người dân Việt Nam phải tự nhìn thấy, dù bức xúc, dù hài long, thì mình phải tự nhìn thấy hoàn cảnh thực tế của mình. Nếu mình cần nhân quyền, cần đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình, thì tôi nghĩ người Việt Nam cần phải đối diện một cách mạnh mẽ hơn nữa, chúng ta không thể trông chờ vào Trump, vì ông Trump không có trách nhiệm lo vấn đề nhân quyền cho Việt Nam. Mà điều ông Trump muốn làm là những cái lợi ích cho nước Mỹ như ông ấy tuyên bố khi tranh cử. Tôi nghĩ rằng là người dân Việt Nam phải tự đứng lên, tự mình nhìn thẳng vào sự thật và tự mình phải làm điều gì đó để thay đổi".

Đồng quan điểm, Phó giáo sư Hoàng Dũng cũng không có kỳ vọng vào ông Trump, ông cho rằng đất nước Việt Nam là do người Việt Nam quyết định, quốc tế hết sức quan trọng, nhưng dẫu sao họ chỉ tạo điều kiện, chứ không thể có vai trò quyết định trong vấn đề nội bộ của đất nước.

Còn Nhà báo Tô Oanh thì cho rằng ngoài hợp đồng mua máy bay, Việt Nam lợi dụng dịp này để mà tự xưng là ‘trung tâm hòa giải quốc tế’. Ông nói tiếp :

"Chính quyền Việt Nam chỉ là một người chỉ chuyên đi xin, sợ nhà bên cạnh như bố mình, chịu mất đất đai, thiệt hại đủ thứ cũng không dám há mồm nói… tôi nghĩ buồn lắm".

Tiến sĩ Nguyễn Quang A bày tỏ thất vọng :

"Ông Trump thì ông chỉ quan tâm đến kỳ bầu cử tới, để thỏa mãn cá nhân ông ấy, còn giá trị cốt lõi của nước Mỹ, hay dân chủ, nhân quyền thì ông cũng chẳng cần nói đến. Rất đáng tiếc thông tin trong buổi họp mặt với lãnh đạo Việt Nam ông Trump không đả động đến nhân quyền là sự thật. Nên tôi nghĩ khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" của ông ấy nên đổi thành "Trump trên hết"…".

Trung Khang

Nguồn : RFA, 27/02/2019

Quay lại trang chủ
Read 590 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)