Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Hãy theo dõi lắng nghe lời khuyên của chuyên gia y tế thay vì nghe lời lãnh đạo "

Gần đây Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị tấn công trên mạng Internet và Facebook khá nhiều vì bà phê bình cách làm việc của Tổng thống Trump đối với cuộc khủng hoảng coronavirus hiện nay ngày càng nghiêm trọng. Đã có một số người lên tiếng bênh vực Mẹ Nấm. Tôi xin góp thêm một vài ý kiến. 

nghe1

Nguyên văn lời phê của Mẹ Nấm như sau :

"Nước Mỹ không vĩ đại như nhiều người đang nghĩ. Thiếu khẩu trang y tế, thiếu bộ xét nghiệm, Tổng thống kêu nhân viên sử dụng lại khẩu trang, có khác gì Vũ Hán không ?

Không khác gì cả anh chị ạ ! Và đây là đại dịch, chưa có nhiều kiến thức về virus thì chúng ta ở đâu cũng phải vật lộn với nó hết, cho nên dù ở quốc gia nào, lời khuyên của tôi vẫn là hãy theo dõi lắng nghe lời khuyên của chuyên gia y tế, thay vì nghe lời lãnh đạo". 

Về phần I, Mẹ Nấm chỉ nhắc lại những sự kiện thực mà hầu như tất cả báo chí đã tường thuật. Vì những thiếu thốn căn bản để chống đại dịch, Tổng thống Trump cách đây 2 ngày còn phải nhờ một vài nước Châu Âu và Nam Hàn giúp đỡ, mặc dù ở những quốc gia này cũng đang gặp nạn. 

nghe2

Vào ngày hôm nay (26/03/2020), báo chí loan tin ông Kious Kelly, một y tá, 48 tuổi, làm việc tại Manhattan Hospital, New York, đã chết vì nhiễm coronavirus do thiếu thốn dụng cụ bảo vệ. Đồng nghiệp tại bệnh viện rất tức giận vì không có đủ khẩu trang và áo choàng chống virus mà danh từ chuyên môn gọi là personal protective equipment (PPE). Một trong những y tá làm việc với ông Kelly cho biết rằng toàn bộ một ca y tá chỉ có duy nhất một bộ áo choàng. 

Theo báo The Hill, một y tá tại một bệnh viện thuộc Loundon County, Virginia, một trong những quận được xem như là giầu nhất nước Mỹ, cho biết rằng một đơn vị y tá chỉ có 6 khẩu trang có máy thở (respirator mask) và nhân viên y tế đã được yêu cầu tái dụng lại. 

Cũng trong ngày hôm nay, 45 dân biểu Dân chủ đã gửi thư cho Tổng thống Trump yêu cầu ông cho biết rõ tình trạng thiếu bộ xét nghiệm cũng như khẩu trang, áo choàng, máy thở và kính bảo hộ (goggles) cần cho các bệnh viện, nhà dưỡng lão, các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế. Trong khi Tổng thống Trump nói mọi thứ được cung ứng đầy dủ, Phó Tổng thống Mike Pence thừa nhận một số thiết bị y khoa đang bị khan hiếm nhưng đang có những cố gắng để bù đắp vào những nơi thiếu. 

Theo SBTN, ông bà Tony Đức Nguyễn tại Worcester, Massachusetts, chủ nhân công ty xây cất Gold Star Builder đã mua lại một kho thiết bị y tế gồm khẩu trang N95, áo choàng y tế, bao tay, và những thiết bị bảo vệ cá nhân khác để tặng cho các bệnh viện trong tiểu bang đang ở trong tình trạng thiếu thốn những thiết bị cần thiết này. Ông bà Tony Đức Nguyễn có một nghĩa cử vô cùng cao đẹp

Tại sao Tổng thống Trump lại giảm thuế vô tội vạ để ngân sách thiếu hụt, nợ công lên tới mức kỷ lục mà vẫn tăng ngân sách quốc phòng, ưu tiên dồn tiền xây bức tường biên giới, cắt ngân sách an sinh xã hội kể cả việc giải tán ủy ban đặc nhiệm y tế, phòng chống đại dịch trực thuộc Nhà Trắng, chụp mũ Đảng Dân chủ là theo xã hội chủ nghĩa mà lãng quên vấn đề y tế của công chúng ? 

nghe3

Vào tháng 5/2018 văn phòng y tế, phòng chống đại dịch và chiến tranh sinh học, trực thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia, đã bị giải tán. Vào thời điểm này Bác sĩ Luciana Borio, giám đốc của văn phòng đã cảnh báo rằng đại dịch cúm là một đe dọa lớn nhất và Hoa Kỳ không chuẩn bị sẵn sàng để đối phó. Một năm sau Bác sĩ Borio không còn làm việc trong chính quyền Trump nữa nhưng những chuyên viên cao cấp khác đã bỏ đi trước đó. Trong một buổi họp báo cách đây một tuần, khi bị chất vấn về vấn đề giải tán văn phòng y tế, Tổng thống Trump trả lời nguyên văn như sau : 

"I just think it’s a nasty question. And when you say ‘me’, I didn’t do it… I don’t know anything about it". 

Tiếng Việt có nghĩa là "Tôi nghĩ đây là một câu hỏi ác độc. Và khi ông nói ‘tôi’, tôi không làm việc này… Tôi không biết gì cả". Tổng thống Trump muốn đổ lỗi cho ông John Bolton, cố vấn của Nhà Trắng 2018-2019. Trump muốn làm tổng thống nhưng không gánh vác trách nhiệm gì cả. 

Vào 2015 tôi đã viết một bài báo nhan đề là "Nước Mỹ vĩ đại" mà quý vị có thể tìm thấy trên Internet vì được nhiều nơi phổ biến. Nhưng trong trường hợp này, tôi đồng ý với Mẹ Nấm rằng nước Mỹ không thể được xem là vĩ đại được. 

Về phần II, ai có một hiểu biết thông thường (common sense) cũng thấy nhận xét của Mẹ Nấm là đúng. Những chuyên gia y tế như Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc National Institute of Allergy and Infectious Deceases, chuyên viên về ngành miễn dịch, phải biết về đại dịch nhiều hơn là Tổng thống Trump. Tình trạng cũng tương tự như ở các quốc gia khác mà thôi. 

Riêng về trường hợp ở Hoa Kỳ, Tổng thống Trump xem ra nguy hiểm hơn vì ông là một người thường không nghe lời các cố vấn và chuyên viên. Ông còn có những lời tuyên bố sai sự thật và có những hành động tồi tệ mà báo chí đã tường thuật đầy đủ. Trump từng nói coronavirus sẽ không bao giờ trở thành đại dịch. Nay nó đã trở thành đại dịch. Trump từng nói ai muốn thử coronavirus sẽ được thử. Nay CDC tuyên bố chỉ có 75,000 bộ thử nghiệm cho 332.6 triệu người Mỷ. Tổng thống Trump và Bộ Ngoại Giao trong vài ngày qua đã phải nhờ một số quốc gia Châu Âu và Nam Hàn gửi dụng cụ chống coronavirus cho Hoa Kỳ. 

nghe4

Trump từng nói coronavirus sẽ biến đi hết vào tháng 4 khi trời ấm. Chỉ còn vài ngày nữa sang đến tháng 4. Trump muốn sinh hoạt trở lại bình thường, mọi người đi làm, các cơ sở kinh doanh mở cửa như trước vì ông lo sợ kinh tế sẽ suy thoái trầm trọng hơn cả thời kỳ đại suy thoái kinh tế (great recession) 2007-2009. Vào đầu tuần này ông nói "Chúng ta không thể có cách chữa bệnh tồi tệ hơn cả căn bệnh" (We can’t have the cure be worse than the problem). Tổng thống Trump tuyên bố ông dự định mở rộng nước Mỹ trở lại trong một vài tuần thay vì vài tháng. Trong lúc đó các con số thống kê cho thấy số người nhiễm coronavirus ngày càng tăng, chỉ sau Trung Quốc và Ý. Vài ngày sau, Bác sĩ Fauci đã phải nói ngay coronavirus sẽ định thời hạn chứ không phải chúng ta (You don’t make the timeline. The virus makes the timeline). Tờ báo Anh The Independent hôm nay tường thuật rằng nếu Tổng thống Trump cho nước Mỹ làm việc lại vào Lễ Phục Sinh này tức là 12/4 sắp tới, đây sẽ là một thảm họa theo các chuyên viên y tế. 

Vậy thử hỏi, chúng ta tin ai ? Một cuộc thăm dò dư luận mới đây của NPR/PBS cho thấy 60% người được hỏi không tin vào lời Tổng thống Trump nói về đại dịch. Trong khi đó 84% tin vào các giới chức y tế. 

Ngoài ra, sau nhiều lần coi thường đại dịch Covid-19, vào ngày 4/3/2020, Tổng thống Trump đã phải thừa nhận đã có một số trường hợp nhiễm coronavirus tại Hoa Kỳ. Vài ngày sau khi nạn dịch lan rộng hơn ông tuyên bố ông không có trách nhiệm gì cả và gọi coronavirus là "Chinese virus" để đẩy trách nhiệm qua Trung Quốc. 

Nhiều người Việt ủng hộ Trump hoan hô ông về cách gọi này. Nhưng họ không ngờ rằng vì danh từ "Chinese virus" làm cho cả khối người gốc Châu Á bị kỳ thị, kể cả họ nữa dù có đội mũ MAGA hay không. Người Mỹ không phân biệt được ai là người Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Đã có một vài trường hợp xô xát xẩy ra khiến một số tổ chức Châu Á phải lên tiếng. NBC News tường thuật rằng trong tuần vừa qua đã xẩy ra 650 hành động kỳ thị người Châu Á qua dịch coronavirus. Tứ khoảng cuối tháng 1 đến cuối tháng 2 có khoảng 1,000 vụ như vậy theo Giáo sư Russell Jeung tại San Francisco State University. Tổ chức Y tế Thế giới (World Help Organization – WHO) lên tiếng phản đối Tổng thống Trump dùng danh xưng này. Ông Trump đã phải quyết định không gọi coronavirus là "Chinese virus" nữa. 

nghe5

Đài phát thanh công cộng KUOW thuộc hệ thống National Public Radio (NPR) tại tiểu bang Washington hôm nay đã quyết định không truyền thanh trực tiếp những buổi họp báo về đại dịch nữa, vì Tổng thống Trump và Ủy Ban Đặc Nhiệm coronavirus đưa ra quá nhiều tin tức sai sự thật hay không chính xác mà cơ quan truyền thanh không thể kịp thời kiểm chứng, khiến công chúng hoang mang. NPR cũng đang cứu xét về vấn đề này. Một số cơ quan truyền hình ngoại trừ Fox News, đã cắt bớt chương trình phát hình liên quan đến các buổi họp báo của chính quyền Trump. 

Không ít người bênh vực Tổng thống Trump đã phê bình Mẹ Nấm là người "ăn cháo đá bát" vì cho rằng Mẹ Nấm được Tổng thống cưu mang qua Mỹ nay bội ơn ông. Sự thật như thế nào ? Vợ chồng Trump không giúp gì cho Mẹ Nấm qua Mỹ. Con gái của Mẹ Nấm viết thư cho bà Melania Trump để xin cứu mẹ không được trả lời. Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà viết thư cho cả hai vợ chồng Trump cũng không nhận được hồi âm (tôi là người cùng soạn thảo lá thư này). Trước khi Trump qua Việt Nam lần đầu vào 2017, một phái đoàn của người Việt gồm cả tôi đã vận động với một số dân biểu Quốc Hội để yêu cầu Tổng thống Trump nói chuyện về nhân quyền với Hà Nội và đặc biệt tạo áp lực cho Mẹ Nấm ra khỏi tù, nhưng không có kết quả. Trong khi đó, trước khi Tổng thống Obama viếng thăm Việt Nam lần đầu tiên Hà Nội đã trả tự do cho Linh mục Nguyễn Văn Lý. Sau này Mẹ Nấm được qua Mỹ là do chính sách chung của nước Mỹ trong nhiều năm nay từ thời Tổng thống Obama đã giúp cho những người như Linh mục Nguyễn Văn Lý ra khỏi tù, Nhà báo Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải và Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà qua tị nạn chính trị tại Mỹ. 

Cho dù Ông Trump có giúp Mẹ Nấm, cũng như bất cứ ai ở Mỹ với tư cách là di dân hay công dân Hoa Kỳ, Mẹ Nấm có quyền phát biểu ý kiến. Chúng ta hãnh diện về đất nước tự do Hoa Kỳ, nhưng xấu hổ hầu hết về những việc ông Trump làm trong hơn ba năm qua. Tôi đã có dịp đọc một vài bài ca tụng một cách lố lăng thành tích kinh tế của Tổng thống Trump để bênh vực ông trong mùa đại dịch và cảm thấy rất buồn vì càng đọc càng thấy sự ngu dốt tối đa của người viết. 

Một số người tôn thờ Trump còn đi xa hơn nữa là chụp mũ ngay Mẹ Nấm là "Cộng Sản nằm vùng". Điều này mới thật là khó hiểu. Từ một một đề tài đại dịch coronavirus đang phổ thông hiện nay chuyển sang thành đề tài chống Cộng. Thực sự người bị chụp mũ là Cộng Sản nằm vùng không hề bị xúc phạm vì những người tranh đấu đã từng vào tù ra khám có thừa bản lãnh để đối phó với những tình huống khó khăn thay vì một vài câu nói hồ đồ. 

Chính phong trào chống Cộng ở hải ngoại mới bị tổn thương nặng. Đã từ lâu, nhóm người hung hăng tự vỗ ngực chống cộng thứ dữ chỉ làm được những việc như chào cờ, phủ cờ và chụp mũ người khác không chống cộng bằng mồm như họ là Cộng Sản nằm vùng. Lâu lâu có thêm những màn mặc lễ phục, đeo giây biểu chương, đeo gương, ăn nhậu, nhẩy nhót. Không hơn không kém. Phong trào chống cộng mồm to bằng ống cống, não chỉ bằng hột đậu, với một số tướng lãnh thật biến thành giả và một số ông tướng HO Việt Nam Cộng Hòa mới xuất thân sau 1975 và bẩy chính phủ lưu vong cộng thêm vài ba ông linh mục và thầy chùa vừa điên vừa khùng, đã rơi vào tình trạng phá sản từ lâu. 

Lại có người dọa nạt Mẹ Nấm rằng cả gia đình đang hưởng trợ cấp của chính phủ, nếu phê phán chính quyền Trump như vậy trợ cấp có thể bị cắt. Chuyện này có thể xẩy ra ở Việt Nam, nhưng sẽ không bao giờ xẩy ra ở nước tự do và dân chủ Hoa Kỳ. Đây mới chính điều làm cho nước Mỹ vĩ đại. Tôi quả thật thương hại cho người có những ý nghĩ lạc hậu này dù đã ở đây vài chục năm, lối suy nghĩ vẫn giống như thời 1930-1975 khi họ còn ở Việt Nam vậy. 

Cách đây gần một tuần, tôi đã dịch qua tiếng Việt một bài của Michael d’Antonio góp ý trên mạng CNN về cách Tổng thống Trump đối phó với đại dịch Covid-19. Lời lẽ táo bạo hơn nhiều. Ngay tựa đề "A terrified nation needs a leader during this crisis, not a salesman" (1) đã ngụ ý rằng Hoa Kỳ không có người lãnh đạo trong cuộc khủng hoảng hiện nay mà chỉ có một kẻ bán dầu cù là. Tác giả ở phần kết luận đã tuyên bố rằng "Đã đến lúc phải công nhận những thiếu sót của Trump và đừng nghe lời ông ta". 

nghe6

So với bài báo mạnh như vũ bão của Michael d’Antonio, lời phê ngắn gọn của Mẹ Nấm chỉ là một cơn gió heo may, mặc dù Mẹ Nấm có cùng một lời khuyên như Michael d’Antonio. Để cho chiến dịch chống coronavirus, việc cấp bách phải làm ngay là Tổng thống Trump nên khâu miệng lại để cho Bác sĩ Fauci nói. Rất tiếc những người Việt theo Trump không xuống đường phản đối những hành động kỳ thị chống người Châu Á mà lại to tiếng chống Mẹ Nấm một cách sai lầm. 

Hi vọng góp ý của tôi sẽ giúp ích phần nào cho những ai muốn tìm hiểu về quan điểm của Mẹ Nấm đối với Tổng thống Trump trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Qua cơn đại dịch này mới biết ai là người có bản lãnh và có khả năng.

Nguyễn Quốc Khải

(26/03/2020)

(1) Covid-19 : Hoa Kỳ cần một nhà lãnh đạo chứ không phải một nhà buôn…, Thongluan-rdp, 24/03/2020

(2) Nước Mỹ vĩ đại, Nguyễn Quốc Khải, VOA 2/6/2015

******************

Nước Mỹ vĩ đại

Nguyễn Quốc Khải, VOA, 02/06/2015

Nhờ phim ảnh và sách báo, từ nhỏ tôi đã nghĩ là Hoa Kỳ là một nước vĩ đại. Không đầy hai thế kỷ từ ngày lập quốc, Hoa Kỳ đã trở thành một cường quốc số một của thế giới sau Đệ Nhất Thế Chiến. Vào đầu thập niên 70, sau nhiều cam go, xin được học bổng của Cơ quan Phát triển quốc tế (U.S. Agency for International Development, viết tắt là USAID) tôi được đặt chân đến Hoa Kỳ, một cơ hội cho tôi lần mò tìm hiểu làm thế nào Hoa Kỳ lại hùng mạnh đến như vậy.

nghe7

Từ thời những người Cha lập quốc đến giờ, sự thành công của Hoa Kỳ trước hết là mảnh đất của những con người tự do.

Cơ quan USAID đề nghị ba trường đại học cho tôi tự ý chọn : Ohio State University, Louisana State Unversity, và University of Florida. Tôi sợ lạnh nên lựa đại học của vùng nắng ấm Florida. Khi tôi nhập học, trường cho tôi ở chung với ba sinh viên Hoa Kỳ trong một phòng lớn có hai phòng ngủ và một phòng khách và bếp nối liền nhau ở tầng 9 trong một cao ốc 12 tầng. 

Không đầy một tháng, tôi được tin cơ quan Quản trị Hàng không và không gian quốc gia (National Aeronautics and Space Administration, viết tắt là NASA) báo tin về ngày phóng phòng thí nghiệm không gian (skylab) vào quỹ đạo trái đất. Tôi muốn chứng kiến một chương trình vĩ đại của nước Mỹ. Rất tiếc rằng cửa sổ phòng của chúng tôi hướng về phía bắc, trong khi đó Cape Canaveral, nơi phóng hỏa tiễn lại ở về hướng nam. Cho dù ở cùng hướng, tôi cũng không nhìn thấy hỏa tiễn phóng lên, vì hai nơi cách xa nhau 170 dặm.

Những thứ vĩ đại của nước Mỹ người ta thường nghĩ đến là những tòa nhà chọc trời ở New York, hệ thống xa lộ chằng chịt bao trùm khắp nước Mỹ, chương trình Apollo đưa con người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, phi thuyền con thoi, số giải thưởng Nobel dành cho những nhà bác học Hoa Kỳ, lợi tức đầu người trung bình của người dân Hoa Kỳ và những trường đại học nổi tiếng. Theo điều nghiên của Đại học Jaotong tại Thượng Hải, trong 20 trường đại học tốt nhất thế giới, 17 trường là của Hoa Kỳ [1].

Kể từ ngày tới Mỹ du học đến nay, tôi đã ở liên tục trên đất nước này trên 40 năm, nhiều hơn cả thời gian ở Việt Nam. Thời gian này đủ dài để buộc tôi phải hiểu thêm về quốc gia trẻ trung và hùng mạnh này. Vai trò đại cường quốc mà nước Mỹ đạt được không phải là nhờ nước Mỹ rộng lớn, trải dài từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Thật vậy, Liên bang Nga lớn gấp bội so với Hoa Kỳ. Trung Quốc và Canada có một diện tích xấp xỉ với Hoa Kỳ. Brazil và Úc cũng không thua Hoa Kỳ về diện tích bao nhiêu.

Nước Mỹ vĩ đại cũng không phải vì dân số đông. Thật vậy, Trung Quốc và Ấn Độ có dân số lớn gấp trên dưới bốn lần so với dân số của Hoa Kỳ nhưng tổng sản phẩm nội địa trung bình đầu người của Trung Quốc và Ấn Độ thua xa Hoa Kỳ. Singapore, Na Uy, và Thụy Sĩ có lợi tức đầu người trung bình hơn cả Hoa Kỳ mặc dù ba nước này rất nhỏ về cả diện tích lẫn dân số.

Nước Mỹ làm được những thứ vĩ đại chính là nhờ vào những điều rất tầm thường nhưng vô cùng quan trọng, nhiều quốc gia như Việt Nam không có được vì gánh nặng văn hóa chậm tiến đè nặng trên vai trên cổ của họ cùng với một mớ giáo điều lỗi thời.

Tôi đến nước Mỹ lần đầu tiên vào mùa xuân 1970 trong một chương trình huấn luyện quân nhu và du sát trong 4 tháng. Thỉnh thoảng chúng tôi được cho đi thăm thú một vài danh lam thắng cảnh của nước Mỹ bằng xe buýt. Mỗi khi gần đến các đoạn đường có đường xe lửa chạy ngang, ông tài xế cho ngừng xe lại, mở hết các cửa xe ra, rồi mới vượt qua đường sắt, mặc dù ở ngay giữa đồng không mông quạnh, không thấy một bóng dáng xe cộ nào cả. Ngày nay, thỉnh thoảng lái xe ban đêm khoảng một hai giờ sáng, tôi vẫn thấy người ta chịu khó chờ đèn xanh chứ không vượt đèn đỏ, mặc dù đường xá vắng tanh. Tinh thần kỷ luật của dân Mỹ nói chung rất cao là một trong những yếu tố làm cho nước Mỹ hùng mạnh. Dân Mỹ tôn trọng kỷ luật một phần vì luật pháp ở Hoa Kỳ rất nghiêm minh. Luật do chính người dân làm ra qua những người đại diện của họ trong chính quyền hoặc các cơ quan lập pháp.

Tôi làm việc nhiều năm tại Washington-DC. Thỉnh thoảng tôi đi bộ đến National Geographic Society (NGS) vào giờ trưa để xem triển lãm, tìm kiếm bản đồ, và sách báo về địa dư. Trong một thời gian rất lâu tôi vẫn tưởng NGiáo sư là một cơ quan của chính phủ, vì tầm vóc của cơ quan này về phương tiện cũng như hoạt động rất lớn, nhưng thật ra đây là một hội tư nhân bất vụ lợi, thành lập từ năm 1888, chuyên nghiên cứu về địa dư, khảo cổ, khoa học tự nhiên, và bảo vệ môi trường. NGiáo sư có 700 triệu độc giả mỗi tháng. Những ấn phẩm được in bằng 40 ngôn ngữ khác nhau. Ngân sách hàng năm vào khoảng 500 triệu USD.

NGiáo sư là một trong hơn 1,5 triệu tổ chức phi chính phủ (non-governmental organization viết tắt là NGO) tại Hoa Kỳ [2]. Những tổ chức này đóng những vai trò tích cực trong việc soạn thảo luật, hoạch định chánh sách của chính phủ, ảnh hưởng đến mọi tầng lớp của xã hội. Hoạt động của những tổ chức này bao gồm các vấn đề như nhân quyền, lao động, môi trường, phát triển, sức khỏe, kế hoạch gia đình, từ thiện, bảo vệ súc vật, bảo vệ các nhóm thiểu số, v.v. Một số tổ chức không cung cấp dịch vụ, mà chỉ nhắm vận động hành lang để bênh vực quyền lợi của nhóm người mà tổ chức đại diện. NGO đóng một vai trò vô cùng quan trọng giúp cho Hoa Kỳ hùng mạnh.

Tôi có một người bạn già tri kỷ ở cùng tiểu bang Virginia. Anh ta có một người con học rất khá ở bậc trung học, nên University of Virginia (UVA) cho học bổng toàn phần 4 năm. Theo xếp hạng của U.S. News & World Report, UVA đứng thứ 23 trên toàn nước Mỹ nhưng đứng đầu về chương trình kỹ sư bậc cử nhân, hạng nhì so với các trường đại học công, và hạng 6 về ngành kinh doanh. Nhưng đứa con của anh bạn tôi từ chối học bổng này và chọn University of Pennsylvania, một trong tám trường Ivy League nổi tiếng, xếp hạng thứ 8 trong tổng số các trường đại học ở Mỹ. Khi học xong bậc cử nhân, đứa con của bạn tôi được cả năm trường đại học giỏi nhất nước Mỹ nhận vào học.

Ở Hoa Kỳ, sinh viên giỏi có nhiều cơ hội lựa chọn trường tốt. Các trường dành sinh viên giỏi. Các công ty và các cơ quan chính phủ đôi khi đến tận các trường nổi tiếng để tuyển sinh viên giỏi tốt nghiệp. Hệ thống ganh đua và lựa chọn như vậy đã giúp đưa nhiều người tài năng vào những chức vụ lãnh đạo trong mọi lãnh vực. Chính vì vậy mà nước Mỹ tiến mạnh, không một quốc gia trên thế giới hiện nay có thể bắt kịp.

Theo bảng xếp hạng hàng năm của Viện Quốc tế Phát triển Quản trị (International Institute of Management Development, viết tắt là IMD) tại Lausanne, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ đứng đầu trong danh sách những nước có khả năng cạnh tranh cao nhất thế giới, tiếp theo là Thụy Sĩ, Hồng Kông, Thụy Điển, và Singapore. Đức đứng hạng 9. Trung Quốc và Nga lần lượt đứng hạng 21 và 42 trong số 60 quốc gia IMD nghiên cứu. 

Một trong những lý do khiến Hoa Kỳ có khả năng cạnh tranh cao là do năng suất lao động của Hoa Kỳ cao. Năng suất lao động được đo lường bằng tỉ lệ tổng sản lượng nội địa trên tổng số giờ làm việc. Theo thống kê 2012 của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (Organization for Economic Cooperation & Development, viết tắt là OECD), Hoa Kỳ xếp hạng thứ tư sau Na Uy, Luxembourg và Ireland. Nga đứng hạng 36, trên Mexico trong số 37 nước thành viên trong tổ chức OECD [3].

Một trong những khổ tâm trong thời gian học tại Việt Nam là lối học từ chương. Khi chuẩn bị thi tú tài, học trò phải thuộc lòng cùng một lúc nhiều môn học khác nhau đã học suốt năm. Vì học theo sách vở và rất ít thực hành nên nhiều khi thuộc như con vẹt mà không hiểu và do đó thi xong là quên. Lối giáo dục này tiếng Mỹ gọi là "drill-and-kill teaching" hiện vẫn còn áp dụng ở Trung Quốc và Việt Nam, cộng thêm giáo điều xã hội chủ nghĩa và tư tưởng Hồ Chí Minh. Một trong những điều may mắn khi được học ở nước Mỹ là chương trình theo lối tín chỉ. Thi xong môn nào vừa học trong ba hay sáu tháng là có điểm môn đó. Thường thường học mới có nửa khóa là đã phải thi giữa khóa. Các bài thi đòi hỏi sinh viên phải suy nghĩ chứ không phải thuộc lòng.

Sinh viên sợ nhất là thi mở sách (open book exam hay take-home exam) vì phải dùng sự xét đoán rất nhiều, thường áp dụng cho sinh viên cao học. Lối học thuộc lòng làm thui chột óc sáng tạo. Khi thỉnh giảng tại School of Advanced International Studies của Johns Hopkins University, tôi thường cho sinh viên chọn một cuốn sách trong danh sách sách cần đọc và thường chỉ đòi sinh viên trả lời bốn câu hỏi :

1) Tác giả muốn nói gì ? ;

2) Những điểm đồng ý và tại sao ;

3) Những điểm không đồng ý và tại sao ? và

4) Kết luận.

Sáng tạo và khả năng cạnh tranh liên quan trực tiếp với nhau. Theo Giáo sư Richard Florida, University of Toronto, không ai rõ sự phồn thịnh, một phép lạ ở Hoa Kỳ trong hơn một thế kỷ vừa qua, thực sự do những nguyên nhân nào. Tuy nhiên theo ông, sự thành công của Hoa Kỳ là do một nhân tố then chốt là việc đón nhận những ý kiến mới. Ý kiến không từ trên trời rơi xuống mà đến từ con người. Tất cả những tiện nghi và những phát minh làm gia tăng năng suất như iPod và GPS đều do con người tạo ra. Khối nhân lực sáng tạo 38 triệu người của Hoa Kỳ bao gồm những khoa học gia, kỹ sư, kiến trúc sư, nhà giáo dục, nghệ sĩ, nhạc sĩ, và những người giúp vui. Nhiệm vụ của họ là tạo ra những sáng kiến, kỹ thuật mới, hoặc là nội dung mới [4]. Để khuyến khích sức sáng tạo, luật pháp Hoa Kỳ tuyệt đối bảo vệ các phát minh và bản quyền, kể cả một tấm hình vừa được máy ảnh thu vào hay một bản nhạc vừa được sáng tác. 

Nhờ vào chính sách di dân rộng rãi, Hoa Kỳ đã thu nhận nhiều nhân tài từ những nước khác, đặc biệt từ Châu Âu khi nhiều người trốn tránh chế độ phát xít và cộng sản trong thời kỳ Thế chiến thứ hai và Chiến tranh lạnh. Nhà vật lý và triết gia Albert Einstein, từng mang nhiều quốc tịch khác nhau : Württemberg, Thụy Sĩ, Áo, và Đức. Trong một chuyến viếng thăm nước Mỹ vào năm 1933, là một người theo đạo Do Thái, ông quyết định không trở lại Đức khi Adolf Hitler lên làm quốc trưởng để trốn tránh chế độ Nazi. Albert Einstein trở thành công dân Mỹ vào năm 1940.

Kỹ sư không gian gốc Đức Wernher von Braun định cư tại Hoa Kỳ sau khi Thế chiến thứ hai chấm dứt ở Châu Âu. Khoa học gia điện toán gốc Nga Sergey Mikhaylovich Brin di dân đến Mỹ vào năm 1979 khi mới 6 tuổi. Gần 20 năm sau, ông cùng với bạn học cũ Larry Page ở Stanford University thành lập công ty Google. Kỹ sư điện gốc Ấn Độ Sabeer Bhatia du học ở Mỹ từ năm 1988, đồng sáng lập Hotmail cùng với đồng nghiệp Jack Smith vào năm 1996 với 369 triệu người sử dụng, xếp hạng hai sau Google [5].

Kinh tế Hoa Kỳ phát triển qua ba thời đại. Trước nhất là thời đại nông nghiệp. Kế tiếp là thời đại kỹ nghệ hóa. Trong ba hay bốn thập niên vừa qua, Hoa Kỳ đã bước vào thời đại sáng tạo. Trong 10 năm gần đây, có những dấu hiệu chứng tỏ sức sáng tạo của Hoa Kỳ gặp nguy cơ đi xuống. Thật vậy, theo nghiên cứu của Giáo sư Richard Florida, tỉ lệ của khối nhân lực sáng tạo trên tổng số nhân công của Hoa Kỳ đứng hạng thứ 11 sau mười nước như Ireland, Bỉ, Úc, Hà Lan, New Zealand, Estonia, Anh, Canada, Phần Lan, và Iceland. Theo tạp chí Business Week, trong số 25 công ty công nghiệp cao, chỉ có sáu công ty đặt cơ sở tại Hoa Kỳ trong khi đó 14 công ty đặt tại Châu Á.

Về công ăn việc làm, người ta thường nói đến nạn thất nghiệp và công việc chuyển ra nước ngoài. Nhưng theo Giáo sư Florida vấn đề quan trọng hơn là tình trạng thiếu tài năng sáng tạo. Kinh tế gia Lawrence Summers, cựu Viện trưởng Harvard University và kinh tế gia Edward Montgomery, cựu Thứ trưởng Lao động, cho rằng vấn đề thiếu tài năng sáng tạo khó tránh khỏi. Hoa Kỳ cần phải cạnh tranh với những nước phát triển khác để thu hút và trọng dụng nhân tài bằng chương trình di dân và chiếu khán rộng rãi. Trong khoảng 24 năm gần đây, kể từ 1990 đến 2013, Hoa Kỳ đã nhận 24,2 triệu di dân hợp pháp, trung bình mỗi năm là khoảng 1 triệu người [6].

Gần đây nhân dân Mỹ phàn nàn rất nhiều về tình trạng đảng phái cấu xé nhau tàn tệ tại Quốc hội. Một trong những hậu quả đã xẩy ra là việc chánh phủ đã buộc phải đóng cửa 16 ngày trong năm 2013. Một cường quốc lãnh đạo mà đã để xẩy ra tình trạng như vậy không thể không mất uy tín và lòng tin cậy của thế giới. Một việc kéo dài từ vài năm nay chưa giải quyết được là chương trình y tế "Patient Protection and Affordable Care Act" (PPACA), gọi tắt là Obamacare, do sự xung khắc về quyền lợi mà hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đại diện. Tuy nhiên đây là chuyện nội bộ của nước Mỹ.

Tồi tệ hơn là chương trình ngoại thương Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, viết tắt là TPP) liên quan đến 11 nước khác đã kéo dài nhiều năm. TPP đã không kết thúc được vào năm vừa qua như mong muốn. 2015 có thể là năm dứt điểm vì tình trạng căng thẳng ở Biển Đông và sự cạnh tranh của Trung Quốc và Nga qua việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng cơ sở Châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank, viết tắt là AIIB) và Liên hiệp Kinh tế Âu Á (Eurasian Economic Union, viết tắt là EAEU). Tuy nhiên Hoa Kỳ đang vấp phải khó khăn nội bộ. Vấn đề lao động gây chia rẽ ngay trong Đảng Dân chủ, giữa phe hành pháp và lập pháp và đàng sau là những công đoàn lao động của Hoa Kỳ.

Tôi tin trên đây là những khó khăn ngắn hạn và tạm thời. Thật vậy, truyền thông thương mại và truyền thông xã hội dân sự đã lên án gắt gao tình trạng ngưng trệ tại Washington. Một xã hội cởi mở với tự do báo chí và tự do bầy tỏ như xã hội Hoa Kỳ sẽ giúp cho Hoa Kỳ tự sửa đổi như đối với nạn kỳ thị chủng tộc và nam nữ bất bình đẳng. Cạnh tranh và hợp tác là truyền thống tạo nên sức mạnh tại quốc gia này.

Ngay sau khi chính thức thất cử trong cuộc tranh cử tổng thống vào năm 2008, Thượng nghị sĩ John McCain tuyên bố Thượng nghị sĩ Barack Obama là tổng thống của tôi và kêu gọi mọi công dân Hoa Kỳ chúc mừng Thượng nghị sĩ Obama và ủng hộ vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ. Ông cũng nói rằng lần đầu tiên trong lịch sử, một công dân Hoa Kỳ gốc Châu Phi được bầu làm tổng thống. Đây là một niềm hãnh diện lớn lao và là một bằng chứng rõ ràng rằng Hoa Kỳ đã tiến một bước rất xa về vấn đề kỳ thị chủng tộc. Thượng nghị sĩ McCain nói tiếp rằng Thượng nghị sĩ Obama và ông đã tranh luận về những khác biệt, nhưng Thượng nghị sĩ Obama đã thắng. Chắc chắn rằng những khác biệt đó vẫn còn, nhưng ông hứa rằng ông sẽ giúp Thượng nghị sĩ Obama trong quyền hạn của mình để đối phó với những thử thách trước mặt [7].

nghe8

Nghi thức đầu hàng của tướng Robert E. Lee (ngồi bên trái) tại Appomatox Court House Virginia, ngày 9/4/1865 (hình của The Major)

Một thế kỷ rưỡi trước đây, Hoa Kỳ đã để lại một gương sáng cho nhân loại về tinh thần mã thượng của dân tộc Hoa Kỳ [8]. Cuộc nội chiến kéo dài bốn năm, ba tuần và sáu ngày chấm dứt vào 9/4/1865 (theo Tuyên ngôn là 9/5/1865). Tướng Robert E. Lee của quân miền Nam nhận đầu hàng với đại diện quân miền Bắc là tướng Ulysses S. Grant tại Appomattox Court House, Virginia, qua một nghi thức giản dị nhưng trang nghiêm. Quân lính miền Nam được tự do trở về nguyên quán và không ai bị trừng phạt hay bị tù đầy. Binh sĩ tử trận được chôn chung trong cùng một nghĩa trang, ngoại trừ thân nhân muốn mang thi hài chôn cất ở nơi khác. Theo lệnh của tướng Grant, quân miền Bắc không được ăn mừng chiến thắng. Sau này tướng Lee trở thành viện trưởng của một đại học nay gọi là Washington and Lee University tại Lexington, Virginia. Ông chống lại toan tính tổ chức nổi loạn tiếp tục chống lại chánh phủ liên bang, ủng hộ việc giúp cựu quân nhân miền Nam hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ, và kiến thiết lại đất nước.

Gần đây hơn, sau khi Thế chiến thứ hai chấm dứt, Hoa Kỳ đã không hề chủ trương chém giết những kẻ thua trận mà trái lại còn giúp các nước đồng minh và cả các nước cựu thù xây dựng lại những đổ vỡ. Hoa Kỳ chi khoảng 13 tỉ USD (tương đương với 120 tỉ USD theo thời giá bây giờ) qua Chương trình Phục hồi Châu Âu (European Recovery Program, viết tắt là ERP) hay còn gọi là Kế hoạch Marshall, theo tên của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ George Marshall. Tướng Douglas MacArthur, Tư lệnh Quân lực Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, chỉ huy lực lượng chiếm đóng Nhật Bản từ 1945-1951, đã giúp nước này soạn thảo hiến pháp mới, loại bỏ quyền tư lệnh tối cao của Hoàng đế Nhật Bản, cải tổ nước Nhật thành một nước dân chủ, thực hiện chương trình cải cách ruộng đất. Ngày nay, dân Nhật coi MacArthur là một trong những người có công lớn trong việc tái thiết nước Nhật [9].

Sau hết nhưng không kém phần quan trọng là lòng yêu chuộng tự do của nhân dân Hoa Kỳ. Tự do giúp con người phát triển năng khiếu và sáng kiến. Tự do giúp sự thông tin được nhanh chóng, đa chiều và trung thực hơn, giúp mọi người bầy tỏ lập trường dễ dàng và như vậy dễ tìm được chân lý. Tự do, trái ngược với sự bưng bít, giúp xã hội cởi mở, hạn chế được những sai trái và tội phạm.

Tự do tất nhiên đưa đến dân chủ. Phần lớn các nước dân chủ đều là những nước giầu có. Kinh tế gia đoạt giải Nobel người Ấn Độ Amartya Sen nghiên cứu về nạn nghèo đói và dân chủ đã đưa ra một lời tuyên bố nổi tiếng : "Không bao giờ có một nạn đói nào đáng kể xẩy ra ở một nước độc lập, dân chủ và có tự do báo chí" [10]. Nạn đói chỉ xẩy ra ở những độc tài hay bị chiếm đóng.

Tương tự như vậy, tham nhũng thường lan rộng ở những nước thiếu dân chủ. Hậu quả của tham nhũng là không đạt được sự chọn lựa tốt nhất, gia tăng phí tổn, làm hại đến sự sáng tạo, và nuôi dưỡng tội phạm. Những bằng chứng cụ thể từ những cuộc nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy rằng tham nhũng làm giảm đầu tư (nội địa cũng như nước ngoài), giảm phát triển, giới hạn giao thương, làm sai lệch chi phí quốc gia, làm suy yếu hệ thống tài chánh, và củng cố nền kinh tế đen (underground economy). Quan trọng hơn cả là tham nhũng làm tăng sự nghèo nàn và chênh lệch lợi tức [11]. Tham nhũng và tình trạng phe đảng, con ông cháu cha (cronyism) tại Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục nhận chìm những nhân tài và khả năng cạnh tranh của hai nước này [12].

Trong bảng xếp hạng về mức độ tham nhũng tại 177 quốc gia trên thế giới vào năm 2014 do Transparency International thiết lập, đứng đầu danh sách (trong sạch nhất) là Đan Mạch, kế đến là New Zealand, Phần Lan, Thụy Điển và Na Uy. Hoa Kỳ đứng hạng thứ 17. Trung Quốc :100. Việt Nam : 119. Nga : 136 [13]. Hoa Kỳ có thể cố gắng hơn để cải tiến hơn nữa về lãnh vực này.

Môi trường tự do dân chủ và một nền văn hóa siêu việt đã giúp cho nền kinh tế Hoa Kỳ phát triển như hiện nay với lợi tức đầu người tính theo mãi lực quân bình vào năm 2013 là 53.042 USD, xếp hạng sau bẩy nước mà phần đông là những nước sản xuất dầu : Qatar, Kuwait, Singapore, Brunei, Na Uy, Thụy Sĩ, và Saudi Arabia. Hoa Kỳ bỏ xa Nga (25.248 USD) và Trung Quốc (11.906 USD) [14].

Giáo sư Jonathan Adelman thuộc University of Denver viết : "Một câu châm ngôn chính trị xưa nói rằng ‘Anh không thể đánh bại một ai nếu người đó không có đối thủ.’ Ngay bây giờ không có một nước nào hiện ra ở chân trời sẽ bắt kịp hoặc là thử thách Hoa Kỳ một cách nghiêm chỉnh trong thời hạn một hay hai thập niên sắp tới" [15].

Sau khi viết bài nhận định này gần xong, dựa trên những dữ kiện vừa phân tách, tôi có khuynh hướng đồng ý với nhận định của Giáo sư Adelman. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là một đại cường quốc về kinh tế cũng như về quân sự không bị thử thách trong một tương lai có thể thấy được. Nga và Trung Quốc còn khá lâu mới có thể là đối thủ cân xứng với Hoa Kỳ. Thay đổi một thể chế chính trị cần vài năm. Cải tổ một nền văn hóa cần vài thế hệ cho đến vài thế kỷ để trở thành một nước vĩ đại.

Nguyễn Quốc Khải

Nguồn : VOA, 02/06/2015)

Chú thích :

[1] Jonathan Adelman, "Why the U.S. Remains the World’s Unchallenged Superpower", Forbes, November 24, 2013.

[2] Wikipedia, "Non-government Organization", May 28, 2015.

[3] Theo thống kê của tổ chức OECD, Labor – Productivity Levels in the total economy, May 27, 2015.

[4] Richard Florida, "America’s Looming Creativity Crisis", Harvard Business Review, October 2004.

[5] như trên.

[6] Wikipedia, "Immigration to the U.S"., May 28, 2015.

[7] John McCain, "McCain’s Concession Speech", The New York Times, November 4, 2015.

[8] Vũ Ngọc Tấn, "Tinh thần mã thượng trong nội chiến Mỹ", Việt Luận, 12/2011.

[9] Wikipedia, "Marshall Plan", May 28, 2015.

[10] Amartya Sen and Amartya K. Sen, "Poverty and Famines – an Essay on Entitlement and Deprivation", Oxford University Press, London, 1983.

[11] The World Bank, "The Economic and Social Consequences of Corruption in Transition Countries".

[12] Susan Adams, "The World’s Most Competitive Countries", Forbes, May 30, 2013.

[13] Transparency International, "Corruption Perceptions Index 2014", 2014.

[14] Theo số thống kê của World Bank.

[15] Như chú thích [1] .

Additional Info

  • Author Nguyễn Quốc Khải
Published in Diễn đàn

Cách đây hơn một thập niên có một phong trào vận động phục hồi Hiệp định Paris 1973 do các ông Nguyễn Bá Cẩn, Nguyễn Văn Chức, Lý Tòng Bá, Nguyễn Ngọc Bích chủ xướng. Sau khi các vị này qua đời, một vài nhân vật khác đã tiếp tay thổi phồng vấn đề này lên như các ông Lê Trọng Quát, Lâm Chấn Thọ, Lê Đình Thông, Trần Thanh Hiệp, Phạm Đăng Sum và Hồ Văn Sinh.

phuchoi01

Mề đai bạc (hai mặt) kỷ niệm ngày ký Hiệp định Paris 1973 - Ảnh minh họa

Theo thiển ý của tôi, đây là một việc hoang tưởng như tôi đã trình bầy từ 2012. Thêm 8 năm trôi qua, không có thêm một bằng chứng nào cho thấy phong trào phục hồi Hiệp định Paris đạt một kết quả dù là nhỏ bé. Trong hai năm vừa qua, ở hải ngoại lại dấy lên một vài tiếng nói yếu ớt để cứu vãn phong trào phục hồi Hiệp định Paris 1973. Đó chính là lý do tôi cập nhật hóa một bài báo mà tôi đã viết trước đây. 

Những sáng kiến phục hồi Hiệp định Paris 1973

Sáng kiến phục hồi Hiệp định Paris 1973 đã có từ cuối thập niên 1970. Sau khi Giáo sư Vũ Quốc Thúc được chính phủ Pháp can thiệp cho di cư sang Pháp vào 1978, ông đã nhận thấy những nhân vật chủ chốt cũ của Việt Nam Cộng Hòa cần thành lập một chính phủ lưu vong để phục hồi Hiệp định Paris và tiếp tục tranh đấu chống cộng sản. Nhưng mãi đến cuối 1986, ý kiến này mới được thảo luận nghiêm chỉnh trong một cuộc hội thảo tại Paris để bàn về vấn đề thuyền nhân. Luật sư Vương Văn Bắc, cựu bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nhận định rằng Hiệp định Paris vẫn còn có giá trị và có những điều khoản giúp thiết lập hòa bình ở Việt Nam và như vậy sẽ chấm dứt được thảm cảnh vượt biển và quốc tế sẽ không nhìn những thuyền nhân như những người tị nạn kinh tế. 

phuchoi1

Giáo sư Vũ Quốc Thúc

phuchoi02

Cố Luật sư Vương Văn Bắc, cựu Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa

Giáo sư Vũ Quốc Thúc và Luật sư Vương Bắc là hai người sáng lập Ủy ban Luật gia Việt Nam vãn hồi Hiệp định Paris 1973

Các tham dự viên của cuộc hội thảo đã quyết định thành lập Ủy ban Luật gia Việt Nam vận động vãn hồi Hiệp định Paris 1973 (Comité de Juristes vietnamiens pour la remise en vigueur des Accords de Paris de 1973) do Giáo sư Vũ Quốc Thúc làm chủ tịch. Ủy ban Luật gia Việt Nam (tức Ủy ban Luật gia Việt Nam vận động vãn hồi Hiệp định Paris 1973 viết tắt) soạn thảo bạch thư "Chiến tranh và Hòa bình ở Đông Dương" (Guerre et Paix en Indochine) và chính thức kêu gọi Chánh phủ Pháp đứng ra hòa giải vì Pháp đã tổ chức cuộc hòa đàm đưa đến Hiệp định Paris 1973. 

Tiếp theo sáng kiến của Ủy ban Luật gia Việt Nam vãn hồi Hiệp định Paris 1973, một vài nhân vật và một số tổ chức khác đã theo đuổi việc phục hồi Hiệp định Paris 1973.

Trước và sau khi Ủy ban Luật gia Việt Nam vãn hồi Hiệp định Paris 1973 được thành lập, cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã tiếp xúc với tổ chức này thường xuyên, vì ông ủng hộ việc vãn hồi Hiệp định Paris. Chính cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng đã gửi thư lên Liên Hiệp Quốc về vấn đề này vào năm 1993. 

Đến năm 2008, nghĩa là hơn 20 năm sau cuộc vận động của Giáo sư Vũ Quốc Thúc và Ủy ban Luật gia Việt Nam vận động vãn hồi Hiệp định Paris 1973 bất thành, ông Nguyễn Bá Cẩn, cựu chủ tịch Hạ Viện và cựu thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa, thành lập Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa lưu vong tại Hoa Kỳ. Ông Cẩn cũng chủ trương phục hồi Hiệp định Paris 1973. Sau khi ông đột ngột từ trần vào năm 2009, hai ông Nguyễn Văn Chức và Lý Tòng Bá của Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa lưu vong tiếp tục công việc vận động này. Người ta không rõ chính phủ lưu vong này đã đạt những kết quả cụ thể nào. 

phuchoi2

Sau khi ông Nguyễn Bá Cẩn qua đời, Ủy ban Lãnh đạo lâm thời Việt Nam Cộng Hòa của ông Nguyễn Ngọc Bích thành lập vào tháng 10/2012 cũng gửi thỉnh nguyện thư gồm trên 30.000 chữ ký, kêu gọi Liên Hiệp Quốc tái nhóm một Hội nghị quốc tế khẩn cấp về Việt Nam để "phục hồi Hiệp định Paris 1973 nhắm trả lại danh dự và công bằng cho 40 triệu quân, dân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa". 

Theo ông Nguyễn Ngọc Bích, sau khi lấy lại miền Nam Việt Nam, ông Bích sẽ tổ chức tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam để tái lập Việt Nam Cộng Hòa. Những người di cư từ miền Bắc vào Nam sau 30/4/1975 được phép ở lại miền Nam, nhưng họ không có quyền đi bầu. Sau khi Việt Nam Cộng Hòa được tái lập, lấy danh nghĩa này ông Bích sẽ đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa. 

Thỉnh nguyện thư gửi Liên Hiệp Quốc gián tiếp xác nhận Ủy ban Lãnh đạo lâm thời Việt Nam Cộng Hòa là một chánh phủ lưu vong và có một "quốc gia Việt Nam Cộng Hòa ngoài lãnh thổ". Việc phục hồi Hiệp định Paris 1973 và thành lập chính phủ lưu vong Việt Nam Cộng Hòa chỉ là phương tiện. Mục tiêu của Ủy ban Lãnh đạo lâm thời Việt Nam Cộng Hòa là phục hoạt chế độ Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên hầu hết những nhân vật chính của Việt Nam Cộng Hòa từ ngày ra nước ngoài sống ẩn dật hoặc ngày nay đã quá lớn tuổi hoặc đã qua đời.

Luật sư Lâm Chấn Thọ, một người chủ trương trở lại Hiệp định Paris 1973, phân tách rằng "Vì không có một tổ chức nào ở hải ngoại hoặc quốc nội có đủ tầm vóc để được các thành phần không cộng sản tín nhiệm, chính phủ lưu vong là chất keo kết nạp tất cả các tổ chức không cộng sản lại". Người ta muốn biết tất cả bốn chính phủ Việt Nam lưu vong ở Hoa Kỳ vào thời điểm đó (nay con số này đã lên tới bẩy) có được người Việt trong và ngoài nước ủng hộ hay không, cho đến nay đã kết nạp được bao nhiêu đoàn thể, có bao nhiêu thành viên, thành lập được bao nhiêu cơ sở. 

Trở ngại chính cho việc phục hồi Hiệp định Paris 1973

Việc làm của Ủy ban Luật gia Việt Nam vận động vãn hồi Hiệp định Paris 1973 được một phần chính giới Pháp ủng hộ. Tuy nhiên, quan điểm chính thức của Pháp đã được Dân biểu Georges Mesmin trình bầy tại cuộc hội thảo 1986 tại Paris rằng : 

"Khi chính phủ Pháp chính thức yểm trợ Việt Nam (cộng sản) gia nhập Liên Hiệp Quốc [1977], thì mặc nhiên Pháp đã xí xóa việc Hà Nội vi phạm Hiệp định Paris 1973".

Ủy ban Luật gia Việt Nam cũng không nhận được sự tiếp tay của Hoa Kỳ. Trước cuộc hội thảo một ngày, ông David Steinman, một luật sư Hoa Kỳ và cộng sự viên của Thượng nghị sĩ Daniel Moynihan, đến gặp Giáo sư Vũ Quốc Thúc và cho biết rằng Hoa Kỳ không muốn cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu công khai tham gia hội thảo mà nên đứng sau hội trường. Ông Steinman cũng khuyến cáo rằng : 

"Sớm muộn gì quý vị cũng phải dùng biện pháp bất tuân dân sự (civil disobedience). Phải có phong trào bất tuân dân sự trên toàn quốc mới hy vọng thay đổi được chế độ cộng sản độc tài".

phuchoi3

Vào năm 1989, cựu Thượng nghị sĩ Phạm Nam Sách và cựu Dân biểu Nguyễn Hữu Thống gửi đơn lên Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice) tại The Hague, Hòa Lan để kiện chính quyền cộng sản Việt Nam vi phạm Hiệp định Paris 1973. Tòa án Công lý Quốc tế không thụ lý được trường hợp này vì cơ quan này chỉ sử tranh chấp giữa các quốc gia hội viên thuộc Liên Hiệp Quốc mà thôi. 

Hoa Kỳ không đưa ra một quan điểm chính thức nào về việc vãn hồi Hiệp định Paris 1973 cho đến năm 1990. Sau khi cuộc vận động tại Tòa án Công lý Quốc tế không thành công, Luật sư Nguyễn Hữu Thống nhân danh Ủy ban Luật gia Bảo vệ Dân quyền vận động thẳng với chánh phủ Hoa Kỳ và được Tổng thống George H. W. Bush phúc đáp rằng Hoa Kỳ không trở lại Hiệp định Paris 1973 nữa. 

Ủy ban Luật gia bảo vệ dân quyền được thành lập vào 1990 gồm có Luật sư Nguyễn Hữu Thống, Luật sư Nguyễn Văn Chức, Giáo sư Vũ Quốc Thúc, Luật sư Phạm Nam Sách, Luật sư Nghiêm Xuân Hồng, và Giáo sư Nguyễn Cao Hách. 

Không có quốc tế yểm trợ, kế hoạch vận động vãn hồi Hiệp định Paris 1973 do Ủy ban Luật gia Việt Nam vận động vãn hồi Hiệp định Paris 1973 chủ xướng từ năm 1986 đã thất bại. Giáo sư Vũ Quốc Thúc chia sẻ cảm nghĩ của ông về sự kiện này như sau : 

"Dù biết trước những sự khó khăn này, ngay từ năm 1986, chúng tôi đã tìm cách nêu vấn đề trở lại Hiệp định Paris. Mục đích của chúng tôi, lúc bấy giờ, là kích thích tinh thần đấu tranh của cộng đồng Việt Nam tại Pháp, phần nào đã suy giảm sau khi thấy chính quyền cộng sản Việt Nam rầm rộ ăn mừng "mười năm tái thống nhất đất nước… Tóm lại, vấn đề trở lại Hiệp định Paris, coi như đã bị các đồng minh cũ của Việt Nam Cộng Hòa gạt bỏ hẳn".

Sau khi công cuộc phục hồi Hiệp định Paris bất thành và Hoa Kỳ bình thường hóa ngoại giao với Hà Nội, Giáo sư Vũ Quốc Thúc đã hợp tác Tiến sĩ Nguyễn Bá Long, rút kinh nghiệm của những cuộc cách mạng lật đổ chế độ cộng sản ở Đông Âu, thiết lập Phong trào Hiến chương 2000 để đấu tranh với chính quyền cộng sản Việt Nam và vận động cho một thể chế tự do dân chủ tại Việt Nam. Bản Hiến chương 2000 được công bố vào ngày 25/11/2000 tại Paris.

phuchoi4

Kể từ năm 1977, khi Việt Nam được gia nhập Liên Hiệp Quốc, tức là đã được hầu hết các quốc gia trên thế giới công nhận, ngày càng có thêm trở ngại cho việc vãn hồi Hiệp định Paris 1973 và đến nay có thể nói không còn một hi vọng nào cả. Đối với quốc gia công nhận và quốc gia được công nhận, Hiệp định Paris không còn giá trị nữa.

Hoa Kỳ chính thức công nhận Việt Nam khi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận với Việt Nam vào năm 1994 và tái lập bang giao với Việt Nam vào năm 1995. Kể từ thời điểm này Hoa Kỳ chính thức không còn tôn trọng Hiệp định Paris 1973.

Ngay từ đầu, Hiệp định Paris 1973 cũng chỉ là một thỏa hiệp tạm bợ để Hoa Kỳ hi vọng có thêm thời gian tháo chạy ra khỏi Việt Nam mà không bị mất mặt. Do đó, không có một động cơ nào để Hoa Kỳ phục hồi hiệp định này. Trái lại, chính sách của Hoa Kỳ hiện nay là liên kết với chính quyền Hà Nội để ngăn chặn lại sự bành trướng của Trung Quốc.

Tại buổi hội thảo về chính sách ngoại giao vào giữa tháng 12 vừa qua tại Hà Nội, Đại tá quân đội cộng sản Việt Nam Trần Đăng Thanh, giảng viên thuộc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, nói rằng Hoa Kỳ "đang dùng Việt Nam như một lực lượng tiên phong để chặn Trung Quốc".

Trong một buổi hội thảo vào cuối năm 1987, cũng tại Paris do Ủy ban Luật gia Việt Nam vận động vãn hồi Hiệp định Paris 1973 tổ chức, ông Henri Kissinger, cựu Cố vấn An ninh quốc gia của cựu Tổng thống Richard Nixon, giải thích rằng : 

"Hoa Kỳ không phản ứng khi Hà Nội vi phạm hiệp định vì Hoa Kỳ đang bị lúng túng với vụ Watergate. Dư luận Hoa Kỳ cho rằng Hoa Kỳ đã rút hết quân rồi, việc Bắc Việt vi phạm Hiệp định Paris xâm chiếm miền Nam là việc nội bộ của Việt Nam, Hoa Kỳ không thể nào nhân cơ hội này trở lại Việt Nam để bị lôi cuốn một lần nữa vào ‘vũng bùn chiến tranh’ và Quốc hội Mỹ cũng không chấp nhận". 

Trở ngại chính cho việc phục hồi Hiệp định Paris 1973 là thiếu hỗ trợ quốc tế. Phục hồi nó không dễ dàng và không đem lại quyền lợi thực tiễn nào cho các nước tham dự Hội nghị quốc tế về Việt Nam. Từ lâu hiệp định này đã là một sự kiện quá khứ. 

phuchoi5

Trong 40 năm vừa qua, theo thiển ý của tôi, mặc dù có những cá nhân xuất sắc nhưng ở hải ngoại chưa thấy xuất hiện một tổ chức nào lớn mạnh, có uy tín và hậu thuẫn của người Việt để có thể đảm đương những việc làm có tầm vóc quốc tế như việc vận động phục hồi Hiệp định Paris, giả sử nếu đó là một việc hợp lý và thực tiễn đáng làm. Chúng ta không có thực lực. Đó là trở ngại không kém quan trọng. Và nếu không có thực lực, không một định chế quốc tế nào ủng hộ chúng ta cả.

Hiệp định Paris 1973 chỉ còn giá trị lịch sử

Hiệp định Paris 1973 đã chết ngắc ngoải vào đầu năm 1974, khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố Hiệp định Paris 1973 vô giá trị vì phe cộng sản Việt Nam lợi dụng thời gian ngưng bắn để lấn chiếm những vùng hẻo lãnh. Những vi phạm này được xác nhận trong thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ ngày 10/4/1973 và công hàm của Hoa Kỳ gửi 11 nước yểm trợ Hội nghị quốc tế về Việt Nam. 

Khi phe cộng sản Bắc Việt xua quân vượt qua sông Bến Hải để tiến chiếm Việt Nam vào 8/1/1975, Hiệp định Paris đã bị khai tử từ ngày đó. Cả thế giới làm ngơ trước sư vi phạm trắng trợn này. Hoa Kỳ cũng không có một phản ứng nào mặc dù Điều 7 (b) của Đạo Luật về Hội nghị quốc tế về Việt Nam (Act of The International Conference of Vietnam) ký ngày 2/3/1973 bởi 12 nước bảo đảm Hiệp định Paris 1973 qui định rằng, trong trường hợp có sự vi phạm Hiệp định Paris 1973, Hoa Kỳ và nước Dân chủ Cộng hòa Việt Nam có thể triệu tập hội nghị quốc tế thay mặt những nước đã ký kết hoặc trong trường hợp có it nhất sáu nước đồng ý.

Hiệp định Paris 1973 đã chết thì không thể làm sống lại được vì những điều khoản trong hiệp định này. Thật vậy, Hiệp định Paris 1973 công nhận Việt Nam có hai miền Bắc và Nam. Riêng miền Nam Việt Nam có hai chánh phủ : 1) Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa và 2) Chánh phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam.

Điều 9 (b) của Chương IV qui định rằng :

"Nhân dân miền Nam Việt Nam sẽ tự quyết định tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam thông qua tổng tuyển cử thực sự tự do và dân chủ có giám sát quốc tế".

Sau ngày 30/4/1975, chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa không còn và sau ngày 2/7/1976 Chánh phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam cũng bị sát nhập vào Chánh phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việt Nam không có hai miền Nam Bắc riêng biệt nữa. Sau 30/4/1975 cả triệu người Bắc di cư vào Nam lập nghiệp, không kể 150.000 quân quân cộng sản Bắc Việt được hai ông Chu Ân Lai và Kissinger cho phép chính thức ở lại miền Nam Việt Nam kể từ ngày Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27/1/1973. Miền Nam hiện nay không còn là miền Nam trước 30/4/1975 nữa. Phục hồi Hiệp định Paris 1973 để đòi Chánh phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trả lại phần đất phía nam vĩ tuyến 17, để miền Nam tổ chức tổng tuyển cử là một chuyện hoàn toàn thiếu thực tế. Ngoài ra, không ai muốn Việt Nam lại bị chia cắt ra làm hai phần một lần nữa.

phuchoi6

Kết luận

Sau 45 năm, tình hình thế giới đã thay đổi. Biển Đông nổi sóng vì tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Bàn cờ Việt Nam đã thay đổi hoàn toàn. Không nên và cũng không thể nào lập lại bàn cờ cũ được. Cách đây một phần tư thế kỷ, những cố gắng của Ủy ban Luật gia Việt Nam vận động vãn hồi Hiệp định Paris 1973 và Ủy ban Luật gia Bảo vệ Dân quyền chứng tỏ đã quá trễ rồi. Rút kinh nghiệm của những người đi trước, ngày nay ý tưởng phục hồi một hiệp định đã trở thành vô giá trị, với toan tính dựa dẫm nặng nề một lần nữa vào thế lực ngoại quốc, là một hoang tưởng và một dại dột. 

Ông Lê Quế Lâm đã góp ý trong một bài báo phổ biến vào 2012 như sau : 

"Hiệp định Paris 1973 ra đời đến nay vừa tròn 40 năm, đất nước đã thay đổi quá nhiều, làm sao có thể tái tạo bối cảnh cũ để trình diễn. Chỉ còn cách đóng tuồng để hoài vọng quá khứ".

Theo thiển ý của tôi, về mặt quốc tế, lội ngược dòng là chết. Tương kế tựu kế là sách lược khôn ngoan cho một quốc gia nhỏ bé và chậm tiến như Việt Nam trong tình trạng hiện nay. Về mặt quốc nội, yểm trợ những nhà dân chủ kiên cường ở trong nước là quốc sách. 

Cách đây vài năm, tôi được dịp tham gia một cuộc hội thảo quốc tế về Việt Nam tại Hòa Lan. Trong dịp này tôi được hân hạnh gặp một thuyết trình viên là bà J. W. E Spies, lúc đó bà là Chủ tịch đảng Christian Democratic Appeal và dân biểu quốc hội Hòa Lan và từng là Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Khi được hỏi về vấn đề vận động quốc tế cho tự do dân chủ ở Việt Nam, bà nói rằng người Việt Nam trước tiên phải hi sinh, phải tranh đấu cụ thể cho đất nước của chính mình trước khi mong đợi người ngoài giúp đỡ. Tôi nghĩ rằng lời khuyến cáo của bà Spies thật rất thực tiễn và chí lý đáng cho chúng ta suy ngẫm. 

Nguyễn Quốc Khải

10/03/2020

Tài liệu tham khảo

1. Lam Chan Tho, "Est-il une solution pour le Vietnam ?", 2/10/2012.

2. Lê Quế Lâm, "Những đóng góp cho đất nước sau 1975 của một chứng nhân lịch sử : Giáo sư Vũ Quốc Thúc", Thụ Nhân Âu Châu, 16/7/2011.

3. Lê Quế Lâm, "Đọc hồi ký của Giáo sư Vũ Quốc Thúc", Việt Thức, 28/12/2010.

4. Nguyễn Hữu Thống, "Hiệp định Hòa bình Paris dẫn đến Hòa bình của những nấm m", Việt Vùng Vịnh, 2/6/2010.

5. Nguyễn Quốc Khải, "Sự thật phũ phàng về Hiệp định Paris 1973", RFA, 17/12/2012.

6. Nguyễn Quốc Khải, "Mạn đàm về Chính phủ lưu vong", Đàn Chim Việt, 05/12/2012.

7. Nguyễn Thiếu Nhẫn, "Sự vong thân của một vị tôn sư", Tin Paris, 2/10/2011.

8. Paris Peace Accords, "Act of the International Conference of Vietnam", March 2, 1973.

9. Trần Đăng Thanh, "Đại tá Trần Đăng Thanh giảng về Biển Đông cho lãnh đạo các trường đại học", Ba Sàm. 19/12/2012.

10. Trần Thị Diệu Tâm, "Buổi giới thiệu sách của Giáo sư Vũ Quốc Thúc tại Paris", 12/11/2010.

11. Trần Thị Diệu Tâm, "Tang lễ của Luật sư Vương Văn Bắc", 28/12/2011.

12. U.S. Department of State, "Complaints of Violations of the Cease-fire : United States Note Verbale transmitted April 10, 1973 for delivery to prticipants in the International Conference in Vietnam", April 10, 1973.

13. Vũ Quốc Thúc, "Thời đại của tôi", nhà xuất bản Người Việt, 2010.

14. Đào Nương, "Chỉ một ngày là lập xong Chính phủ", Saigon Nhỏ số 1019, 9/11/2012.

Additional Info

  • Author Nguyễn Quốc Khải
Published in Tư liệu

Kiểm điểm lại những chặng đường đã qua nhân dịp kỷ niệm 45 năm người Việt hải ngoại

Những hình ảnh dưới đây tóm lược một phần lịch sử của người Việt ở hải ngoại mà các tổ chức cựu quân nhân có ảnh hưởng lớn trong sinh hoạt công đồng Việt ở khắp nơi. 

Nhìn về quá khứ để rút kinh nghiệm cho tương lai. Ảo tưởng đưa đến sai lầm. Chỉ có sự sáng suốt mới giúp chúng ta đi đúng hướng. 

Kết luận là quyền của mỗi người. Nhưng theo nhận xét của tôi lịch sử của người Việt xa quê hương buồn nhiều hơn vui. Một vài sĩ quan được thăng cấp, một số ông tướng mới ra đời sau 1975 là những màn hài kịch cười ra nước mắt. 

Phục hồi Hiệp Định Paris 1973 để tái lập Việt Nam Cộng Hòa và rồi đòi Trung Quốc trả lại Hoàng Sa và Trường Sa là một chuyện hoang tưởng. Không ít người Viêt mắc bệnh này như các ông Lâm Chấn Thọ, Lê Trọng Quát, Trần Thanh Hiệp, Lý Tòng Bá, Nguyễn Văn Chức (cựu thiếu tướng), Nguyễn Ngọc Bích, Hồ Văn Sinh, Phan Văn Song và nhóm Việt Thức của Lưu Nguyễn Đạt … Rất tiếc họ có ăn học mà không biết cách phòng ngừa bệnh hoang tưởng. 

Cho tới nay hải ngoại có tới sáu chính phủ lưu vong : Đào Minh Quân, Nguyễn Hữu Chánh - Nguyễn Khánh, Nguyễn Bá Cẩn - Nguyễn Văn Chức, Nguyễn Ngọc Bích - Hồ Văn Sinh, Lê Trọng Quát và Trần Dần. Một phường bát nháo. Quốc tế không biết ủng hộ ai. Khi Trump đánh Việt cộng sập, dân không biết chọn ai. 

Ông Trần Quang Khôi có thể là một tướng thiết giáp giỏi, về lãnh vực này tôi xin miễn bàn vì không là nghề của tôi, nhưng khi ông tuyên bố Tổng thống Trump là vụ cứu tinh của Việt Nam, sẽ đánh sập Tầu cộng và Việt cộng chứng tỏ ông là một người khá ấu trĩ về chính trị. 

Chiến tranh thương mại làm cho kinh tế của cả hai quốc gia Trung Quốc và Hoa Kỳ khốn đốn. Khu vực nông nghiệp của Hoa Kỳ sập tiệm. Khu vực kỹ nghệ của Hoa Kỳ rơi vào tình trạng co cụm. Người tiêu thụ Mỹ phải trả hầu hết thuế nhập cảng hàng Trung Quốc chứ không phải các công ty Trung Quốc. Chính ông Trump là người muốn tìm lối thoát ra khỏi bế tắc của cuộc chiến thương mại với Trung Quốc bằng giải pháp "giai đoạn I". Hi vọng ông Trần Quang Khôi chỉ cần sống thêm vài năm nữa để chính mắt ông nhìn thấy kết quả. 

Đại tướng Douglas MacArthur từng nới "Người lính già không bao giờ chết. Họ chỉ phai mờ dần". Trong số những người lính này, nhiều người đã vĩnh viễn ra đi, chỉ còn lại hai người chính còn sống là ông Võ Đại Tôn và ông Trần Quang Khôi. Chúng ta không biết những nhân vật này có cơ may nhìn thấy thành quả hay nhận biết thất bại của họ hay không. Nhưng lịch sử sẽ phê phán họ.

Nguyễn Quốc Khải

(23/02/2020)

haingoai1

haingoai2

haingoai3

haingoai4

haingoai5

haingoai6

haingoai7

haingoai8

haingoai9

haingoai10

haingoai11

haingoai12

haingoai13

Additional Info

  • Author Nguyễn Quốc Khải
Published in Tư liệu

Đảng Dân chủ đã quyết định không tiến hành thủ tục luận tội Tổng thống Trump, sau khi phúc trình của Muller về vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử 2016 của Hoa Kỳ vì  thiếu sự ủng hộ nhiệt thành của quần chúng. Nhưng khi vụ Ukraine bùng nổ, Chủ tịch Hạ viện Nacy Pelosi đã nhanh chóng quyết định khởi sự việc điều tra luận tội cách đây gần bốn tuần.

trump1

Tính đến ngày hôm nay, Hạ viện đã có quá nửa túc số để có thể tiến tới việc buộc tôi Tổng thống Trump vi phạm nghiêm trọng Hiến Pháp về ba điểm mà Bà Chủ tịch Hạ viện đã công bố ngay từ ngày đầu khi khởi sự cuộc điều tra luận tội : (1) Phản bội lại lời thề nhậm chức, (2) Phản bội lại an ninh quốc gia, và (3) Phản bội lại sự toàn vẹn của cơ chế bầu cử. 

Theo ngôn ngữ bình dân, ông Trump đã có sáu tội trong vụ Ukraine : (1) Lạm dụng chức vụ, (2) Vi phạm luật lệ bầu cử của Hoa Kỳ, (3) Phản bội cơ chế an ninh quốc gia, (4) Hối lộ, (5) Đe dọa nhân chứng, (6) Cản trở công lý. 

Việc điều tra luận tội đang được tiến hành nhanh chóng và người ta trông đợi hồ sơ buộc tội sẽ được hoàn tất trước Lễ Tạ Ơn để chuyển lên Thượng viện. 

Ban đầu, lãnh tụ đa số Thượng viện Mitch McConnell tuyên bố rằng ông sẽ hủy ngay hồ sơ buộc tội khi Hạ viện nạp lên Thượng viện. Nhưng vài ngày sau đó ông nói rằng ông không chọn lựa nào khác mà phải cứu xét hồ sơ này. Nguyên văn lời tuyên bố của ông như sau "Khối đa số Thượng viện với tôi là người lãnh đạo sẽ chấm dứt việc luận tội. Theo luật của Thượng viện liên quan đến việc luận tội, phải có 67 phiếu để thay đổi, do đó, tôi không có lựa chọn nào khác ngoại trừ cứu xét việc này". 

Tiến trình cuộc điều tra luận tội của Hạ viện

trump2

Cuộc điều tra luận tội của Hạ viện bắt đầu từ ngày 24/9/2019, đang tiến hành một cách nhanh chóng. Có thể nói một cách khá chắc chắn rằng đa số Hạ viện sẽ chấp thuận một nghị quyết luận tội để chuyển lên Thượng viện vào trước Lễ Tạ ơn theo dự đoán của nhiều nhà phân tích thời sự.  

Thật vậy, Hạ viện có 435 dân biểu, bao gồm 235 dân biểu Dân chủ, 199 dân biểu Cộng hòa và một dân biểu độc lập. Do đó, Đảng Dân chủ có trên 50% phiếu để luận tội Tổng thống Trump mà không cần đến phiếu của Đảng Cộng hòa. 

Với sự ủng hộ của quần chúng ngày càng tăng theo kết quả của nhiều cuộc điều nghiên dư luận trong bốn tuần vừa qua, một số dân biểu Cộng hòa cũng sẽ ủng hộ việc luận tội Tổng thống Trump. 

Hiện nay sáu ủy ban của Hạ viện đang súc tiến việc đều tra luận tội Tổng thống Trump dưới sự phối hợp của Dân biểu Adam Schiff, Chủ tịch Ủy ban Tình báo. Dân biểu Jerrold Nadler, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp, sẽ đúc kết hồ sơ luận tội (article of impeachment) trình lên Chủ tịch Hạ viện để lấy ý kiến của tất cả 435 dân biểu. Sau đó hồ sơ luận tội nếu được đa số chấp thuận sẽ được chuyển qua Thượng viện. 

Giáo sư Robert Reich của University of California - Berkeley, nguyên Bộ trưởng Lao động dưới thời Tổng thống Obama, tóm tắt vụ Ukraine bằng hai câu hỏi : (1) Yêu cầu một nước ngoài điều tra một đối thủ chính trị có phải là một vi phạm đáng bị luận tội hay không ?  (2) Có phải Tổng thống Trump làm điều đó hay không ? Câu trả lời đơn giản cho cả hai câu hỏi là có. 

Thật sự việc điều tra luận tội không cần thiết vì những vi phạm của Tổng thống Trump không thể bào chữa được và những bằng chứng vi phạm luật pháp của vụ Ukraine không thể tranh cãi đã đủ để luận tội ông. Tuy nhiên qua cuộc điều tra người ta có thể khám phá ra nhiều vấn đề bí ẩn khác và để lôi cuốn sự chú ý của công chúng về vụ Ukraine. 

Tiến trình kết tội Tổng thống tại Thượng viện

trump3

Theo Hiến Pháp của Hoa Kỳ, Thượng viện có trách nhiệm xử án Tổng thống căn cứ trên hồ sơ luận tội của Hạ viện. Đệ nhất chánh án (chief justice) của Tối cao Pháp viện sẽ tổ chức và chủ tọa phiên xử. Các thượng nghị sĩ sẽ đóng vai trò của bồi thẩm đoàn. Hạ viện sẽ chỉ định một dân biểu làm công tố viên trong ủy ban điều tra luận tội, rất có thể là chủ tịch Ủy ban Tư pháp hay chủ tịch Ủy ban Tình báo. Tổng thống Trump chỉ định một số luật sư để bào chữa. 

Thượng viện có 100 thượng nghị sĩ. Phải có ít nhất 2/3 thượng nghị sĩ tức là 67 thành viên của Thượng viện mới có thể kết án và bãi nhiệm tổng thống. Thượng viện có 53 thượng nghị sĩ Cộng hòa, 45 thượng nghị sĩ Dân chủ và hai thượng nghị sĩ độc lập. Nếu tất cả các thượng nghị sĩ Dân chủ và độc lập đồng ý kết tội tổng thống, cũng cần phải có 20 thượng nghị sĩ Cộng hòa, thì phiên xử mới có đủ túc số để kết tội tổng thống. Cho tới thời điểm này, chưa có gì chắc chắn để Đảng Dân chủ đạt được túc số này. 

Theo Washington Post, tính đến ngày 9/10/2019, chưa có một nghị sĩ Cộng hòa nào công khai ủng hộ việc điều tra luận tội, 14 nghị sĩ Cộng hòa bầy tỏ sự quan ngại và 39 nghị sĩ tiếp tục ủng hộ rõ rệt Tổng thống Trump. 

Trong vài tuần lễ đầu sau khi cuộc điều tra luận tội bắt đầu, hầu hết các dân biểu và nghị sĩ Cộng hòa đều giữ yên lặng, mặc dù trước đây một số thành viên Cộng hòa từng lên án gắt gao cựu Tổng thống Clinton nói dối trong vụ liên hệ cá nhân với một thực tập viên Monica Lewinsky tại Nhà Trắng. Về mức nghiêm trong, vụ Ukraine rõ ràng không thể so sánh với vụ Lewinsky.  

Tuy nhiên gần đây một số thành viên Cộng hòa đã bắt đầu lên tiếng chỉ trích việc Tổng thống Trump mời gọi một số chánh phủ ngoại quốc can thiệp vào cuộc bầu cử 2020 của Hoa Kỳ: Nga, Ukraine và mới đây là Trung Quốc. 

trump4

Cách đây một tuần, Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng hòa, Texas) trong cuộc phỏng vấn của CBS thuộc chương trình "Face The Nation" đã lên tiếng phản đối kịch liệt Tổng thống Trump về việc ông công khai kêu gọi Trung Quốc điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden, một trong những ứng viên tổng thống dẫn đầu trong Đảng Dân chủ. 

Thượng nghị sĩ Cruz tuyên bố nguyên văn như sau "Những cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ cần phải được quyết định bởi người dân Hoa Kỳ và đây không phải là việc của những nước ngoài - bất cứ nước ngoài nào - để can thiệp vào những cuộc bầu cử của chúng ta". Ông nói tiếp "Những nước ngoài phải đứng ngoài những cuộc bầu cửa của Hoa Kỳ. Điều này đúng với Nga, đúng với Ukraine, đúng với Trung Quốc – đúng với tất cả các nước. Người dân Hoa Kỳ phải quyết định những cuộc bầu cử". 

Lời kêu gọi Trung Quốc can thiệp vào cuộc bầu cử 2020 ở Hoa Kỳ của Tổng thống Trump phản ảnh đúng nội dung cuộc điện đàm của ông với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy vào tháng 7 vừa qua. Theo đó Tổng thống nhờ nhà lãnh đạo Ukraine điều tra ông Joe Biden và người con là Hunter Biden. 

Vụ kêu gọi Trung Quốc giúp đỡ trở nên nghiêm trọng sau khi ông Michael Pillsburry, một trong những cố vấn về Trung Quốc của Tổng thống Trump, tiết lộ với báo Financial Times rằng sau những lời tuyên bố của Tổng thống Trump, ông đã nhận được một số tài liệu về Hunter Biden từ nguồn Trung Quốc. 

trump5

Thượng nghị sĩ Rob Portman (Cộng hòa, Ohio) thừa nhận rằng "Tổng thống không nên nêu vấn đề Biden trong cuộc đàm thoại, chấm hết. Một tổng thống nhờ một chính phủ ngoại quốc điều tra một đối thủ chính trị là một hành vi không thích hợp". Tuy nhiên ông Portman nói thêm rằng dù sao điều này không nghiêm trọng để luận tội. 

Trong cuộc phỏng vấn truyền hình trực tiếp vào cuối tháng 9 vừa qua của MSNBC, ông Bill Weld, cựu thống đốc Massachusett và là ứng viên tổng thống trong Đảng Cộng hòa, đã nói Tổng thống Trump phạm tội phản quốc (treason) và hình phạt của tội phản quốc là tử hình (death penalty) theo luật pháp của Hoa Kỳ. 

Ông Weld tuyên bố nguyên văn như sau : "Nói về việc gây áp lực một nước ngoài để can thiệp và kiểm soát một cuộc bầu cử của Hoa Kỳ, không thể rõ hơn, đây không phải chỉ phá hoại các cơ cấu dân chủ mà thuần túy và đơn giản là phản quốc. Hình phạt duy nhất của tội phản quốc là tử hình theo luật pháp của Hoa Kỳ". 

Ông Weld bình luận thêm : "Ông Trump thách thức tất cả chúng ta để ông ấy hoàn toàn vô pháp luật. Ông Trump không tôn trọng luật pháp, không hiểu luật pháp, không có kiến thức căn bản nào về bất cứ vấn đề gì. Tại sao chúng ta lại muốn người này làm tổng thống của Hoa Kỳ". 

trump6

Thượng nghị sĩ Mitt Romney (Cộng hòa, Utah) trả lời cuộc phỏng vấn của CNN rằng "Tổng thống Trump yêu cầu Trung Quốc điều tra một công dân Hoa Kỳ duy nhất lại là một đối thủ chính trị của ông ấy giữa lúc đang diễn ra tiến trình đề cử ứng viên của Đảng Dân chủ, điều này không có gì khác hơn là một mưu đồ chính trị. Rõ ràng sự nhờ vả vô liêm sỉ và chưa có tiền lệ của Tổng thống Trump để Trung Quốc và Ukraine điều tra Joe Biden là sai lầm và kinh hoàng. 

Thượng nghị sĩ Ben Sasse (Cộng hòa, Nebraska) nói "Người dân Hoa Kỳ không trông đợi sự thật từ cộng sản Trunq Quốc. Nếu con của Biden vi phạm luật bằng cách bán tên tuổi cho Trung Quốc, đây là vấn đề của tòa án Hoa Kỳ, không phải của những kẻ độc tài cộng sản chuyên vận hành những trại tra tấn". 

trump7

Cựu Đại tướng Colin Powell (Cộng hòa) từng phục vụ dưới thời các tổng thống Ronald Reagan, George W.H. Bush và George W, Bush, trong một cuộc phỏng vấn mới đây của CNN đã nhận định rằng các thành viên của Đảng Cộng hòa vô cùng lo sợ và lo ngại sẽ thất cử trong lần bầu cử sơ bộ nên họ không dám lên tiếng. Ông nhắn nhủ với họ rằng: "Họ cần phải mạnh dạn và thấy điều gì không đúng, họ cần phải lên tiếng. Bởi vì chính sách ngoại giao của chúng ta hiện nay là một sự rối loạn, theo thiển ý của tôi. Và tôi thấy những gì đang xẩy ra thật khó có thể hiểu được". 

trump8

Theo nhận xét của Chiến lược gia Cộng hòa Mike Murphy, 30 nghị sĩ Cộng hòa sẽ ủng hộ việc luận tội nếu có cuộc bỏ phiếu kín. Cựu Nghị sĩ Cộng hòa Jeff Flake nghĩ là con số này là 35. Những nghị sĩ Cộng hòa trong vùng xôi đậu cũng có thể sẽ bỏ phiếu ủng hộ việc luận tội vì phải tôn trọng ý kiến của cử tri như Susan Collins (Maine), Pat Tommey (Pennsylvania), Rob Portman (Ohio). Những nghị sĩ Cộng hòa lâu năm sắp về hưu, không chịu áp lực của Đảng Cộng hòa cũng sẽ ủng hộ như Lamar Alexander (Tennessee).  

Những biến chuyển gần đây bất lợi cho Tổng thống Trump

trump9

Bất lợi đầu tiên đối với Tổng thống Trump là một nhân viên tình báo thứ hai đã khai báo về vụ Ukraine với văn phòng Tổng thanh tra Cộng đồng Tình báo Hoa Kỳ (U.S. Intelligence Community) bao gồm 17 cơ quan về tình báo. Nhân viên này đã biết trực tiếp nhiều lãnh vực liên quan đến vụ Ukraine. Hiện nay cả hai nhân viên tình báo đã được bảo vệ đầy đủ. Theo hai nhân viên tình báo này, có khoảng 5-7 viên chức chính phủ biết trực tiếp về vụ Ukraine, trong đó có thể có Phó Tổng thống Mike Pence và Bộ trưởng Tư pháp William Barr. 

Việc rút quân ra khỏi Syria không liên quan đến việc luận tội, nhưng Tổng thống Trump đã làm nhiều thành phần trong chính giới Hoa Kỳ kể cả Cộng hòa lẫn Dân chủ bất mãn và lên tiếng phản bác, kể cà thủ lãnh đa số Thượng viện Mitch McConnel, vì họ cho đó là một thảm họa chiến lược, một hành động phản bội đồng minh Kurds. Họ từng giúp Hoa Kỳ chiến đấu chống Nhà Nnước Hồi giáo ISIS. Chính vì bất đồng với chính sách Syria của Tổng thống Trump mà Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã từ chức vào cuối năm ngoái. 

Trong khi chủ trương rút quân Hoa Kỳ ra khỏi khu vực biên giới Syria – Turkey, ông Trump lại đổ quân vào Saudi Arabia để chống Iran và bảo vệ nguồn dầu hỏa. Tổng thống Trump từng tweet rằng "Đã đến lúc chúng ta phải thoát ra khỏi các cuộc chiến vô tận vô lý … Chúng ta sẽ chiến đấu khi nào có lợi cho mình và chỉ đánh để thắng". 

trump10

Vụ luận tội sẽ có thể trở thành một cơ hội để bãi nhiệm Tổng thống Trump qua vụ Syria. Ông Philip J. Crowley, cựu Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, hiện là giáo sư tại George Washington University, nói rằng thảm họa Syria là khởi đầu cho kết thúc của Tổng thống Trump. 

Một biến cố khác tạo áp lực với Tổng thống Trump là việc hai công dân Hoa Kỳ Lev Parnas (gốc Ukraine) và Igor Fruman (gốc Belarus) cộng tác làm ăn với ông Rudy Giuliani, luật sư cá nhân của Tổng thống Trump. Họ bị bắt tại phi trường quốc tế Dulles ở ngoại ô thủ đô Washington cách đây vài ngày theo lệnh của Tòa sơ thẩm Southern New York, trong khi cả hai chuẩn bị rời khỏi nước Mỹ qua Âu châu. Cả hai bị kết án vì chuyển tiền ngoại quốc bất hợp pháp cho một số chính tri gia Hoa Kỳ để mua chuộc ảnh hưởng và can thiệp vào quan hệ bang giao giửa Hoa Kỳ - Ukraine, rõ ràng hơn là vận động với chính giới Hoa Kỳ để cách chức Đại sứ Hoa Kỳ lúc đó là Marie Yovanovitch. Bà Yovanovitch là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, chủ trương chống lại nạn tham nhũng tại Ukraine và chống lại vụ Ukraine của Tổng thống Trump. 

Bản án không nhắc nhở đến Tổng thống Trump hay Luật sư Giuliani. Tuy nhiên, hai can phạm từng gặp gỡ Tổng thống Trump nhiều lần, từng vận động cho cuộc điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con là Hunter Biden, từng tham gia vận động sa thải Đại sứ Yovanovitch, người cản trở vụ điều tra cha con Biden của Tổng thống Trump và Luật sư Giuliani. 

Nhiều sự trùng hợp này khiến người ta buộc phải nghĩ rằng cả bốn người này cùng một băng đảng.  Đây là một điều không may mắn cho Tổng thống Trump. Một trong những cơ quan nhận tiền qua hai can phạm là tổ chức có tên America First. Sau khi hai can phạm bị bắt, Ủy ban Tình báo của Hạ viện đã tống đạt trát để ra điều trần và cung cấp tài liệu cho cuộc điều tra luận tội.   

trump11

Mặc dù Tổng thống Trump ra lệnh cho các nhân viên của ông không hợp tác với cuộc điều tra luận tội của Hạ viện, nhưng một số người bất chấp lệnh của Tổng thống đã ra điều trần trước ủy ban điều tra của Hạ viện như bà Fiona Hill, cựu cố vấn về Nga của Tổng thống Trump, bà Marie Yovanovitch, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine. Ủy ban điều tra của Hạ viện dự trù mời ra điều trần ông Bill Taylor, đương kim quyền Đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine và ông Gordon Sondland, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Âu Châu. 

Tổng thống Trump lấy cớ rằng bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện, đã không lấy ý kiến của tất cả các dân biểu trước khi quyết định mở cuộc điều tra luận tội, nên không hợp tác. Tuy nhiên Hiến Pháp không đòi hỏi điều kiện này. Hạ viện sẽ phải tống trát tòa để buộc một số người điều trần như nhân viên của Bộ Ngoại giao và ông Rudy Giuliani. 

Nhiều nhà phân tích nhận định rằng Tổng thống Trump sẽ không tuân theo trát của Hạ viện. Trong trường hợp này hai phe Lập pháp phải đưa Hành pháp ra tòa để buộc Hành pháp thi hành luật. Trong vụ Watergate, Tối cao Pháp viện phán rằng trong khi Hành pháp có đặc quyền để chống lại trát của Lập Pháp để bảo vệ những bí mât quân sự, ngoại giao và an ninh quốc gia, nhưng không che chở Tổng thống Nixon khỏi phải trao băng thu các cuộc nói chuyện cho Quốc hội để điều tra về hình sự. Tiền lệ này rõ ràng có thể áp dụng cho vụ Ukraine. Trong những vụ kiện ra tòa gần đây, Tổng thống Trump đã thất bại trong việc nhờ tòa ngăn chặn trát của Quốc hội đòi hồ sơ kế toán và thuế vụ của ông và các công ty liên hệ.  

Việc ông Trump bất hợp tác với Hạ viện và những biến cố gần đây bất lợi cho ông có thể sẽ khiến cho công luận ngày càng muốn luận tội và muốn loại ông ra khỏi Nhà Trắng. 

Hệ quả sau cùng

trump12

Việc luận tôi Tổng thống Trump ở Hạ viện hầu như khá rõ ràng. Hệ quả ở phiên tòa Thượng viện không dễ tiên đoán như ở Hạ viện.  

Trái với vụ Watergate, Tổng thống có thể sẽ không từ chức như một vài người tiên đoán vì ông Trump là người bướng bỉnh, hiếu thắng và làm bừa. Ông có thể vẫn tin tưởng rằng Thượng viện do Cộng hòa kiểm soát sẽ cứu ông thoát khỏi mất chức tổng thống.  Nhưng hi vọng này ngày càng trở nên mong manh. 

Ba tuần trước, phần đông công chúng Hoa Kỳ – trung bình là 51,1% – chống lại việc luận tội Tổng thống Trump. Chỉ có khoảng 40% là ủng hộ. Đó là những con số trước khị vụ Ukraine bùng nổ lớn. Vào ngày 14-10 tỉ lệ chống việc luận tội xuống còn 44%. Trong khi đó số người ủng hộ tăng lên đến 49.8%. Trong khoảng thời gian chưa tới một tháng có thêm 17% công chúng ủng hộ việc luận tội. 

Ngay cả cuộc thăm dò dư luận của Fox News công bố vào ngày 9-10 cũng cho thấy một kết quả tương tự : 51% cử tri ghi tên đi bầu muốn tổng thống bị vận tội và cách chức, 4% muốn Tổng thống bị luận tôi, nhưng không bị cách chức và 40% chống lại việc luận tội. Nếu áp lực đòi luận tội của công luận tiếp tục càng gia tăng cho đến cuối năm, Thượng viện sẽ có đủ túc số để kết tội Tổng thống Trump và bãi nhiệm ông.  Trong trường hợp này hoặc trong trường hợp Tổng thống Trump từ chức, Phó Tổng thống Mike Pence sẽ lên làm tổng thống. Tổng thống Mike Pence sẽ tha bổng cho ông Trump. 

Trong trường hợp Tổng thống Trump bi luận tội nhưng không bị kết án ở Thượng viện, ông có thể tái tranh cử. Nếu tái tranh cử thành công mặc dù sắc suất rất nhỏ, đó sẽ là một thảm họa cho nước Mỹ. Nếu tái tranh cử thất bại, ông sẽ bị xử án về nhiều tội ông đã vi phạm trong quá khứ.  Con đường nào xem ra cũng đen tối cho Donald Trump. 

Còn nếu Tổng thống Trump bị luận tội ở Hạ viện, bị kết tội ở Thượng viện và bị bãi nhiệm, ông có quyền tái tranh cử tổng thống nữa hay không là một câu hỏi chưa có câu trả lời. Hiến Pháp không dự trù trường hợp này. Có thể Đảng Cộng hòa không đề cử ông Trump nữa, nhưng trên nguyên tắc ông có quyền ra ứng cử độc lập như mọi công dân Hoa Kỳ. 

Nguyễn Quốc Khải

(20/10/2019)

Tác giả Nguyễn Quốc Khải là một nhà báo tự do, thường xuyên công tác với Hoa Thịnh Đốn Việt Báo (SBTN) và VOA và là một cử tri độc lập. Tác giả mong có những ý kiến phản biện xây dựng để rộng đường dư luận.

Published in Diễn đàn

Vụ Ukraine có thể tóm tắt như sau : Tổng thống Donald Trump đã trì hoãn viện trợ khoảng 400 triệu USD cho Ukraine để gây áp lực buộc Ukraine điều tra đối thủ chính trị Joseph Biden. Trong buổi nói chuyện điện thoại vào tháng 7 vừa qua, ông đã yêu cầu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho ông một đặc ân này và Ukraine sẽ nhận được tiền viện trợ. 

gate1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp nhau nhân ịp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhóm họp tại Washington cuối tháng 9/2019

Trong vụ Ukraine Tổng thống Trump đã vi phạm sáu lỗi lầm nghiêm trọng : (1) Lạm dụng chức vụ, (2) Vi phạm luật lệ bầu cử của Hoa Kỳ, (3) Phản bội cơ chế an ninh quốc gia, (4) Hối lộ, (5) Đe dọa nhân chứng, (6) Cản trở công lý. 

1. Lạm quyền

Tổng thống Trump đã trì hoãn chuyển giao cho Ukraine khoảng 400 triệu USD, tiền viện trợ của Hoa Kỳ đã được Quốc hội chuẩn chi để gây áp lực buộc Ukraine phải điều tra lại đối thủ chính trị của ông là Joseph Biden, một trong những ứng cử viên tổng thống dẫn đầu của Đảng Dân chủ. Đây là một lỗi lầm nghiêm trọng có thể bị luận tội. 

Hoa Kỳ cũng thường hoãn tiền viện trợ trong nhiều trường hợp vì điều kiện viện trợ đôi bên đã thỏa thuận chưa được thi hành như cải thiện tình trạng nhân quyền, trả tự do cho người bất đồng chính kiến hay giảm ô nhiễm không khí. Nhưng điều tra ô. Biden là điều kiên do chính ông Trump đặt ra với toan tính làm hại đối thủ. Ông Trump đã lạm dụng chức vụ tổng thống của một đại cường quốc, dùng tiền trong ngân sách quốc gia để mưu cầu một lợi thế cho cá nhân. 

Báo cáo của nhân viên CIA tiết lộ cho biết trong cuộc điện đàm ông Trump đã tám lần yêu cầu tổng thống Ukraine điều tra ô. Biden và người con là Hunter Biden. Không những chỉ tạo áp lực qua cuộc điện đàm mà trước đó, ông Trump đã hủy bỏ chuyến đi Kiev dự lễ nhậm chức của tân tổng thống Ukraine như dự định của Phó Tổng thống Mike Pence mà thay thế bằng Bộ trưởng Năng Lượng Mike Perry. 

2. Vi phạm luật lệ bầu cử

Việc Tổng thống Trump áp lực với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để ép ông này bới lông tìm vết về cha con ông Biden không những là một việc lạm quyền trầm trọng mà còn vi phạm luật bầu của Hoa Kỳ. Tài liệu ghi chép lại cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo của hai nước là bằng chứng rõ ràng của sự vi phạm. Không những vậy ông Trump còn cử luật sư riêng là ông Rudy Giuliani đến Ukraine nhiều lần để chuyển đạt đến tổng thống Ukraine cùng một thông điệp. 

Ngoài ra, Tổng thống Trump còn thúc dục Ukraine làm việc với cả Bộ trưởng Tư pháp Bill Barr để điều tra về ông Biden. Điều này có nghĩa là Tổng thống Trump sử dụng cả cơ quan chính quyền để phục vụ cho lợi ích cá nhân. 

Nhân viên CIA tiết lộ vụ Ukraine than phiền rằng "Chiếu theo nhiệm vụ chính thức của tôi, tôi đã nhận được tin từ nhiều viên chức chính quyền cho biết rằng tổng thống Hoa Kỳ đã sử dụng quyền hành nài nỉ sự can thiệp của một chính phủ ngoại quốc vào cuộc bầu cử 2020". 

3. Phản bội an ninh quốc gia

Ukraine rất cần số tiền 400 triệu USD để tăng cường phương tiện quốc phòng trước sự đe dọa xâm lăng của Nga. Đặc biệt Ukraine muốn mua hỏa tiến chống chiến xa của Hoa Kỳ, theo lời nói của Tổng thống Zelensky. Ngoài ra, Ukraine cần ngoại viện để cứu trợ dân tị nạn chiến tranh ở miền đông. Hoãn tiền viện trợ cho Ukraine không những làm tăng rủi ro cho Ukraine mà còn hại đến an ninh của Hoa Kỳ, làm lợi cho Nga, chỉ vì quyền lợi cá nhân của Tổng thống Trump. 

Vụ Ukraine trở nên tồi tệ hơn so với vụ Watergate gần năm thập niên trước đây vì lý do an ninh quốc gia bị vi phạm. 

4. Hối lộ

Tổng thống Trump cung cấp cho tổng thống Ukraine tiền và súng đạn, nếu Ukraine tái điều tra ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden và con là Hunter Biden. Đây là một trường hợp tham nhũng và một vi phạm có thể bị luận tội. 

Theo cựu Công tố viên Patrick Cotter, Trump liên hệ với tổng thống Ukraine có tiềm năng cấu tạo thành tội đòi hối lộ. Ông nói "Cùng một luật quy định rằng hối lộ là một tội và đòi hối lộ cũng là một tội". 

Hối lộ bao gồm trường hợp một viên chức chính quyền đòi hỏi một thứ gì có giá trị để ảnh hưởng đến hành động công cộng. Theo ông Harry Sandick, một cựu công tố viên, Trump đã đòi hối lộ theo điều luật 18 U.S. Code 201, Hối lộ Viên chức chính phủ và Nhân chứng. 

Tuy nhiên, nhìn theo một khía cạnh khác, Trump đã dùng tiền viện trợ lấy từ tiền thuế của người dân Hoa Kỳ để hối lộ chính phủ Ukraine hầu được trả ơn bằng một cuộc điều tra đối thủ của Trump. Dù tòa sẽ xử theo lối nào, đây cũng là một vụ tham nhũng nghiêm trọng. 

Trong cuộc phỏng vấn của CNN vào tối thứ Năm vừa qua, ông Rudy Giuliani, luật sư cá nhân của Trump, cũng đã phải thú nhận rằng thực chất đây là một sự hối lộ. 

5. Đe dọa nhân chứng

Sau khi vụ Ukraine đổ bể, Tổng thống gọi viên chức CIA tố cáo sự việc và những viên chức trong chính quyền đưa tin cho nhân viên CIA là gián điệp và sẽ bị xử tử hình vì tội phản quốc. Đảng Dân chủ coi đây là một hành động đe dọa nhân chứng và cản trở việc điều tra. 

Đe dọa nhân chứng có nghĩa là tạo áp lực hay ép buộc nhân chứng không được làm chứng. Nguồn tạo ra sự đe dọa phải liên hệ với bị can. Trong trường hợp này chính Tổng thống Trump có thể là bị can nếu việc luận tội được tiến hành. Đe dọa nhân chứng là một tôi phạm hình sự nhẹ (criminal misdemeanor) hay nặng (felony). Khi sự đe dọa rõ rệt, nhân chứng sẽ được bảo vệ. Cách đây không lâu, nhà tỉ phú Jeffrey Epstein bị kết án duy trì một đường giây mãi dâm và cũng là một nhân chứng liên quan đến vài nhân vật tên tuổi trong chính quyền Hoa Kỳ. Ông đã chết trong tù và được ghi nhận là tự vẫn, nhưng người ta nghi ngờ ông đã bị giết để bịt miệng nhân chứng. 

Ba dân biểu Eliot Engel, Adam Schiff và Elijah Cummings, chủ tịch của các ủy ban Ngoại giao, Tình báo và Giám sát & Cải tổ của Hạ viện đã phổ biến một tuyên bố chung : 

"Lời phê phán của Tổng thống hôm nay kết thành một sự đe dọa nhân chứng rất đáng khiển trách và một mưu toan cản trở cuộc điều tra của Quốc hội về luận tội. Chúng tôi kết án những cuộc tấn công của Tổng thống và mời những đối tác viên Cộng hòa cũng làm như vậy bởi vì Quốc hội phải làm tất cả những gì có thể làm để bảo vệ người tố cáo này và tất cả những người tố cáo khác. Những đe dọa bạo lực từ một người lãnh đạo quốc gia sẽ có ảnh hưởng làm nhụt khí trên toàn bộ tiến trình tố cáo, với những hậu quả nghiêm trọng đối với nền dân chủ và an ninh quốc gia". 

6. Cản trở công lý

Theo báo cáo của nhân viên CIA, hiện nay vẫn còn được dấu tên, các luật sư của Nhà Trắng đã ra lệnh cho nhân viên Nhà Trắng thuyên chuyển tất cả những hồ sơ ghi âm của cuộc điện đàm giữa hai tổng thống Hoa Kỳ và Ukraine vào một hệ thống riêng biệt chỉ dành cho những tài liệu an ninh quốc gia tối mật. Ông Larry Pfeiffer, chuyên viên tình báo, cựu giám đốc White House Situation Room dưới thời Tổng thống Obama, cho biết "Đây là việc rất không bình thường". Ông Duncan Levin, cựu Công tố viên của New York nói rằng "Đây có thể là một việc cản trở công lý".

Hiện nay chưa xác nhận ai đã làm quyết định di chuyển hồ sơ. Tầm quan trọng của những hồ sơ này cũng sẽ giúp xác định cản trở công lý có vi phạm hay không. 

Theo Dân biểu Jamie Raskin, cựu giáo sư về luật hiến pháp, hiện là một thành viên của Ủy Ban Tư pháp Hạ Viện, nói rằng "Cố gắng lấm liếm sự hiện diện của cuộc điện đàm là một việc cản trở công lý rõ ràng". 

Ngoài ra, khi Tổng thanh tra Tình báo Michael Atkinson trình sự việc lên Bộ trưởng Tư pháp Bill Barr. Ông này tìm cách ếm nhẹm đi và khuyến cáo không chuyển hồ sơ tố giác của nhân viên CIA cho Quốc hội. Văn phòng Cố vấn Pháp lý của Bộ Tư pháp cũng đưa ra ý kiến tương tự. Do đó, Bộ trưởng Tư pháp được ghi nhận trong báo cáo của nhân viên CIA là đã tìm cách che giấu sự việc.

Quyền Giám đốc Tình báo quốc gia Joseph Maguire đã kịp thời báo cáo cho Ủy ban Tình báo của Hạ viện và Thượng viện của Quốc hội. Ô. Maguire khai rằng Bộ Tư pháp (Office of Legal Counsel và Criminal Division) cũng như Văn phòng Cố vấn của Nhà Trắng đều muốn ếm nhẹm sự việc. Tại cuộc điều trần trước Quốc hội, ông Maguire cho thấy một điều rất rõ là toàn bộ ngành hành pháp dưới quyền Tổng thống Trump đều bị ô nhiễm bởi tham nhũng. 

Nhận định của những chuyên gia pháp lý

Trong tuần vừa qua báo chí đã phỏng vấn một số chuyên gia pháp lý về vụ Ukraine. Đa số nhận định rằng cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Zelenskyrõ ràng cho thấy ông Trump đã vi phạm những tội nghiêm trọng. 

Giáo sư Laurence Tribe chuyên về luật hiến pháp của trường Luật Khoa tại Đại học Harvard đã nhận xét rằng cuộc điện đàm đủ cho thấy những tội nghiêm trọng đã xẩy ra, dù rằng không có thêm bằng chứng nào khác. Ngay cả cho những ai tìm tòi bằng chứng về một sự trao đổi giữa hai bên cũng phải hài lòng khi nghe qua cuộc nói đàm thoại này. Đối với một tổng thống dùng chính sách ngoại giao và sức mạnh quân sự để câu mong một sự giúp đỡ bất hợp pháp của một nước ngoài để theo đuổi một đối thủ chính trị trong chiến dịch tái tranh cử tự nó là một tội nghiêm trọng. Lôi cuốn một luật sư cá nhân và một bộ trưởng Tư pháp vào việc lạm dụng quyền thế làm tội lỗi nghiêm trọng hơn.

Giáo sư David Alan Sklansky thuộc Trường Luật của Đại học Standford nói rằng nếu đây không là một sự lạm dụng quyền lực của một tổng thống – theo ngôn ngữ Hiến pháp, một "tội phạm nghiêm trọng" - để ép buộc một nhà lãnh đạo ngoại quốc điều tra hình sự một trong những đối thủ chính trị chính, thì rất khó có thể nói cái gì có thể tạo thành một vi phạm có thể luận tội được. 

Trump và những người hỗ trợ ông bào chữa rằng không có áp lực và không có trao đổi. trong cuộc đàm thoại. Điều này không thuyết phục. Thứ nhất, Hiến Pháp không đòi hỏi sự trao đổi. Thôi thúc một nhà lãnh đạo nước ngoài điều tra một đối thủ chính trị là một sự lạm dụng chức vụ tổng thống ngay cả không có sự đe dọa hay áp lực. Thứ hai, thật khá rõ ràng rằng ông Trump đã áp lực ông Zelensky- Một phần bởi chính những điều ông Trump nói, và một phần vì nội dung của cuộc đàm thoại.

Ông Richard Painter, luật sư về nguyên tắc đạo đức chính của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush, nhận định rằng đây là một cố gắng rõ rệt của ông Trump lạm dụng chức vụ để tranh thủ sự giúp đỡ của một nhà lãnh đạo ngoại quốc để điều tra Joe Biden, một đối thủ chính trị của Trump ở Hoa Kỳ, tạo lợi ích chính trị cho Trump. Trump cũng đề cập tới Robert Muller và cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga - hiện nay còn đang tiếp diễn – và yêu cầu Ukraine giúp về cuộc điều tra này, một vấn đề mà Trump đã cản trở công lý như đã trình bầy trong phần II của phúc trình Muller. 

Đây rõ ràng là một vi phạm có thể luận tội. Thêm vào đó là những vi phạm có thể luận tội khác bao gồm bất tuân trát của Quốc hội, nhận tiền thù lao trong và ngoài nước bất hợp hiến, những vi phạm tài chánh hình sự trong chiến dịch tranh cử mà hiện nay những tòng phạm của ông Trump đang bị khởi tố tại tòa án liên bang ở phân khu phía nam của New York, đe dọa báo chí và nhiều vi phạm khác. 

Giáo sư Corey Brettschneider, chuyên gia về chính trị học tại Đại học Brown, cho rằng hồ sơ ghi lại cuộc nói chuyện điện thoại của Trump với Tổng thống Ukraine đã đủ để có thể luận tội. Đây là một thí dụ rõ rệt về tổng thống dùng vị thế đứng đầu ngành hành pháp để thao túng luật pháp hầu đoạt được lợi ích chinh trị cho chính bản thân. Cuộc tranh luận công khai sẽ chú trọng đến một số vấn đề như có sự trao đổi nào giữ đôi bên hay không, có vi phạm hình sự nào xẩy ra hay không. Những vấn đề này thuộc phạm vi xét sử của tòa án ; luận tội là vấn đề của Quốc hội, và chỉ riêng Quốc hội mà thôi. Những nguyên tắc để luận tội là tổng thống có vi phạm lời thề nhậm chức hay không, có phá hoại giá trị của Hiến Pháp hay không. Trường hợp của Trump rất rõ. Thay vì thi hành luật pháp một cách nghiêm chỉnh, bênh vực công lý một cách vô tư cho tất cả mọi người và bào đảm không ai ngồi trên pháp luật, Trump đã âm mưu với một chính phủ ngoại quốc để thao túng luật pháp cho những mục tiêu đảng phái. Đây rõ ràng là một "tội nghiêm trọng" và một tương phản đối với sự chấp hành nghiêm chỉnh. 

Ngoài cuộc đàm thoại Ukraine, khả năng cản trở công lý của Trump đã được chi tiết hóa trong phúc trình Muller, bao gồm việc không báo cáo Nga can thiệp vào cuộc bầu cử và tìm kiếm bản quyền trí tuệ của Trung Quốc trong lúc làm tổng thống cùng với những vi phạm thù lao khác. Tất cả đòi hỏi sự nghiên cứu cặn kẽ của Quốc hội và có thể thấy đủ điều kiện bị luận tội. 

Kết luận

Vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử 2016 vừa lắng dịu, nay lại xẩy ra vụ tai tiếng Ukraine. Đây thật là một điều vô cùng bất hạnh. Những bằng chứng vi phạm luật pháp của vụ Ukraine không thể tranh cãi. Những vi phạm nghiêm trọng của Tổng thống Trump không thể bào chữa được. Dân chúng và các chính trị gia Hoa Kỳ cần nghe theo những nhận định vô tư của những chuyên gia pháp lý và các học giả để có một suy nghĩ độc lập phi đảng phái. 

Theo nguồn tin của CBS, tình đến cuối tuần này, Hạ viện đã có đủ túc số gồm 219 dân biểu Dân chủ, một dân biểu Cộng hòa và một dân biểu độc lập trên tổng số 435 dân biểu của Hạ Viện, ủng hộ quyết định luận tội Tổng thống Trump. Những con số này ước đoán sẽ tăng. Trước sự phẫn nộ của dân chúng đối với vụ Ukraine, các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa cũng sẽ phải nhập cuộc, nếu không họ sẽ gặp khó khăn trong cuộc bầu cử 2020. 

CBS News cuối tuần này vừa phổ biến kết quả cuộc điều nghiên phản ứng của quần chúng về vụ tai tiếng Ukraine. 55% dân chúng Hoa Kỳ ủng hộ cuộc điều tra luận tội so với 45% chống. 42% dân chúng nhận định rằng Tổng thống Trump xứng đáng bị luận tội so với 36% nghĩ ông Trump không đáng bị luận tội, và 22% nói quá sớm để kết luận. 41% dân chúng nghĩ rằng những hành động của Tổng thống Trump về vụ Ukraine là bất hợp pháp, 31% cho rằng những hành động của ông là không thích đáng nhưng hợp pháp, và 28% nghĩ rằng hành động của Tổng thống Trump thích đáng. 

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi hôm 28/09/2019 nói rằng làn sóng công luận đang chuyển sang ủng hộ việc điều tra luận tội chống lại Tổng thống Trump sau khi dân chúng có đầy đủ tin tức hơn về vụ Ukraine. 

Tổng thống Trump đã thoát khỏi việc luận tội sau vụ Nga can thiệp sâu rộng vào cuôc bầu cử 2016 với sự che chở của Đảng Cộng hòa. Sau đó Đảng Cộng hòa liên tục từ chối đề nghị của Đảng Dân chủ thiết lập kế hoạch ngăn ngừa những vụ can thiệp tương tự trong tương lai. Đó có thể là một phần lý do khiến ông Trump lại tái vi phạm luật lệ bầu cử qua vụ Ukraine. 

Luận tội là một giải pháp sau cùng để cách chức một nhân vật hành pháp lạm dụng quyền hành và không còn được tín nhiệm và để bảo vệ hiến pháp. Hành động của Tổng thống Trump sau gần ba năm nắm quyền cho thấy ông thuộc về loại người này. Không những vậy, ông còn tỏ ra là một người có khuynh hướng độc tài, nguy hiểm cho nền dân chủ của Hoa Kỳ. Vụ Watergate chỉ thu hẹp trong nội bộ, không đáng kể so với vụ Nga và vụ Ukraine xẩy ra vọn vẹn trong thời gian chưa tới ba năm. Do đó, luận tội Tổng thống Trump là một điều cần thiết.

Sau cùng Tổng thống Donald Trump đã bị xập vào bẫy do chính ông xây dựng lên. Số phận của Tổng thống Trump sẽ có thể được định đoạt trong ba tháng tới.

Nguyễn Quốc Khải

Tài liệu tham khảo :

* Jennifer Agiesta, "CNN poll : support for impeaching Trump rises among independents and Republicans", CNN, September 30, 2019.

* Tal Axelrod, "Democratic chairmen : Trump treason comment constitute reprehensible intimidation", The Hill, September 26, 2019.

* Rosa Brooks, "3 ways to get rid of President Trump before 2020", Foreign Policy, January 30, 2017.

* Jason Easley, "House Democrats now have enough votes to impeach Donald Trump", Politic USA, September 25, 2019.

* Jeff Flake, "Fellow Republicans, there’s still time to save your souls", The Washington Post,September 30, 2019.

* David French, "The Trump – Ukraine transcript contains evidence of a quid pro quo", National Review, September 25, 2019.

* Michael Gerson, "The Impeachment wheel has begun to turn", The Washington Post, September 26, 2019.

* Michelle Goldberg, "Just how corrupt is Bill Barr", New York Times, September 26, 2019.

* Alexandria Hutzler, "Trump’s ‘civil war’ quote tweet is actually grounds for impeachment, says Harvard law professor", Newsweek, September 30, 2019.

* Ed Kilgore, "Senate Republicans say they would kill Trump Impeachment charges instantly", The Intelligencer Feed, May 28, 2019.

*William Lambers, "While Trump plays politics, Ukraine war victims go hungry", The Hill, September 28, 2019.

* Renato Mariotti, "Trump didn’t bribe Ukraine. It’s actually worse than that", Politico, September 21, 2019.

* Bob Morris, "Trump’s offer to Ukraine was bribery and is impeachable", Politics in the Zeros, September 20, 2019.

* Christina Pazzanese, "On the road to Impeachment ?", The Harvard Gazette, September 25, 2019.

* Ed Pilkington, "Trump lashes out at whistleblower and renews attack on House Intelligence chair", The Guardian, September 30, 2019.

* Jennifer De Pinto, et all, "CBS News poll : Majority of Americans and Democrats approve of Trump impeachment inquiry", CBS News, September 29, 2019.

* Politico Magazine, "Did Trump just impeach himself", Politico, September 25, 2019.

* Robert Reich, "Trump can do more damage than Nixon. His impeachment is imperative", The Guardian, September 28, 2019.

* Hyram F. Suddfluffel, "Let them go ahead and impeach Trump … Here’s what happens then …", The Burning Platform, October 1, 2019.

* Lawrence H. Tribe, "Trump must be impeached. Here’s why", The Washington Post, May 13, 2017.

* Laurence Tribe, " ‘A massive White House cover-up’ is now ‘clearly documented’ ", MSN News, September 26, 2019.

* Paul Waldman, "The acting director of national intelligence just showed how corrupt the Trump administration is", The Washington Post, September 26, 2019.

* Stephen Walt, "The realist case for impeachment", Foreign Policy, September 27,2018.

* Greg Walters, "Here are 7 crimes Trump might have committed in this Ukraine scandal", Vice News, September 28, 2019.

* Tracy Wilkinson, Sergei L. Loiko, "Ukraine politician refused Biden corruption probe on lack of evidence", The Sydney Morning Herald, September 30, 2019.

*Caitlin Yilek, "Connecticut’s second-largest newspaper calls on Trump to resign", Washington Examiner, September 28, 2019.

Published in Diễn đàn

Tổng thống Donald Trump tng tuyến b nhiu ln "Tôi là người ca thuế quan" và "Chiến tranh thương mi tt và d thng".

 

trade1

Tổng thống Donald Trump từng tuyến bố nhiều lần "Tôi là người của thuế quan" và "Chiến tranh thương mại tốt và dễ thắng". ch đây khoảng hai tuần Bộ trưởng Ngân Khố Hoa Kỳ Steven Mnuchin tuyên bố rằng chiến tranh thương mại với Trung Quốc không ảnh hưởng gì đến nền kinh tế Hoa Kỳ và hiện nay không có dấu hiệu nào cho thấy kinh tế của Hoa Kỳ bị trì trệ. Ông Mnuchin nói tiếp "Kinh tế thế giới đang phát triển chậm lại một cách đáng kể ở Trung Quốc lẫn Âu châu. Nhưng khi nhìn vào nước Mỹ, chúng ta tiếp tục thấy điểm phát triển chói lọi". Trong khi đó, Bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross nói một cách mâu thuẫn rằng Tổng thống Trump hoãn áp thuế quan vào một số hàng Trung Quốc dự trù váo tháng 9 cho đến cuối năm không phải để nhượng bộ Trung Quốc mà là để giúp người tiêu thụ trong mùa Giáng Sinh sắp tới. Bài báo này sẽ tìm hiểu thực hư ra sao. Thương chiến leo tnang Trước hết chúng ta duyệt lại diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nó bắt đầu cách đây 20 tháng, khi Tổng thống Donald Trump áp đặt thuế quan và hạn ngạch (quota) vào ngày 22-1-2018 trên máy giặt và panô mặt trời (solar panel) nhập khẩu từ Trung Quốc. Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (World Trade Organization – WTO) phán xét rằng hành động này của Hoa Kỳ không hợp lý. Hơn một tháng sau, Tổng thống Trump áp đặt 25% thuế trên thép và 10% thuế trên nhôm nhập cảng từ Trung Quốc và các nước khác. Nhưng thương chiến thực sự bùng nổ lớn khi Trump áp đặt 25% thuế quan trên hàng Trung Quốc trị giá 34 tỉ USD vào tháng 7 năm vừa qua. Trung Quốc trả đũa bằng cách áp đặt thuế trên xe hơi và nông phẩm nhập khẩu từ Hoa Kỳ với một trị giá tương tự. Sau đó cho đến đầu tháng 6 năm nay, Hoa Kỳ đã áp đặt thuế quan mới và tăng thuế quan cũ ba lần. Trung Quốc trả đũa một cách tương tự. Tại hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng 6, đôi bên đồng ý tạm ngưng chiến trong khoảng hai tháng. Vào lúc 12:01 AM ngày 1/9 vừa qua, Tổng thống Trump phát động vòng thuế quan mới với thuế suất 15% áp đặt trên một phần cùa $300 tỉ hàng tiêu thụ và phần còn lại sẽ phải chịu thuế tương tự vào 15/12. Ngoài ra, Trump dọa sẽ tăng thuế lên 30% vào 1-10, phút chót hoãn lại vào 15/10, đối với một số hàng nhập cảng từ Trung Quốc trị giá 250 tỉ USD đã bị đánh thuế 25% trước đây. Để trả đũa, Trung Quốc tăng thuế trên 75 tỉ USD trị giá hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Những khoản tăng thuế quan mới đây nhất liên quan đến hàng hóa của giới tiêu thụ như quần áo, giầy dép, đồ chơi, TV, bút mực, bút chì, dụng cụ thể thao, nhạc cụ… liệt kê trong một danh sách dài 114 trang. Trước đây, Trump áp thuế trên những sản phẩm trung gian (intermediate good), máy móc và những bộ phận lắp ráp để các công ty dùng chế tạo những sản phẩm sau cùng (final product) người tiêu thụ khó thấy. Loạt thuế quan mới đánh trực tiếp vào người tiêu thụ đặc biệt vào đúng mùa mua sắm bận rộn nhất trong năm. Tổng thống Trump từng lặp đi lặp lại nhiều lần rằng Trung Quốc trả tất cả những thuế quan này. Sự thật ra sao thì những con số thống kê đã trả lời và mọi người đã biết. Về kỹ nghệ giầy dép, gần 99% số giầy dép bán ở Hoa Kỳ là hàng nhập cảng. Vào đầu năm nay, 173 công ty sản xuất giầy dép trên thế giới bao gồm Nike, Adidas, Clarks, Converse, Dr. Martens, viết thư yêu cầu Tổng thống Trump hủy bỏ tăng thuế nhập cảng vì ảnh hưởng đến giới công nhân. Thuế áp đặt trên giầy dép trung bình là 11,3%, nhưng trong vài trường hợp thuế lên cao tới 67,5%. Nếu áp đặt thêm thuế nữa, giá sẽ lên rất cao mà người tiêu thụ phải trả. Võ khí phi thuế quan Thương chiến không chỉ giới hạn trong phạm vi thuế quan, mà gần đây còn lan qua nhiều lãnh vực khác. Thật vậy, Hoa Kỳ đã áp dụng một số biện pháp phi thuế quan để đối phó với Trung Quốc như giới hạn đầu tư, tăng cường kiểm soát xuất khẩu để bảo vệ công nghệ Hoa Kỳ, đặc biệt là công nghệ thông tin, ra lệnh cho các công ty Mỹ ngay lập tức bắt đầu tìm nơi khác ngoài Trung Quốc để đầu tư, áp đặt lệ phí chống bán phá giá thép của Trung Quốc, Canada và Mễ Tây Cơ. Tại Hoa Kỳ có khoảng 360.000 sinh viên Trung Quốc đang học tại các trường đại học vào 2018. Con số này sẽ giảm xuống trong thời gian sắp tới vì Hoa Kỳ tiếp tục giới hạn việc cấp và gia hạn hộ chiếu cho sinh viên và ngay cả học giả và nghiên cứu gia Trung Quốc. Lý do là Hoa Kỳ không muốn chuyển giao tài sản trí thức và công nghệ cho Trung Quốc, đặc biệt về những ngành như khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán học (science, technology, engineering, mathematics – STEM). Một số sinh viên Trung Quốc đã ăn cắp tài liệu công nghệ cho Trung Quốc. Kể từ 2008, Trung Quốc bắt đầu có chương trình tuyển mộ "Ngàn Nhân Tài" kêu gọi công dân Trung Quốc ở hải ngoại giúp phát triển kinh tế quốc nội. Vào giữa tháng 5 vừa qua, một nghị sĩ và dân biểu Cộng hòa đã đệ trình Quốc hội một dự luật ngăn cấm việc cấp hộ chiếu sinh viên hay nghiên cứu cho bất cứ ai từng làm việc hay được bảo trợ bởi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Mặc dù không nhập cảng nhiều hàng của Hoa Kỳ bằng giá trị của lượng hàng Hoa Kỳ nhập cảng từ Trung Quốc, đối thủ của Hoa Kỳ không ngần ngại dùng nhiều biện pháp phi thuế quan để bảo vệ kinh tế và trả đũa đối thủ. Trung Quốc là một nước giữ trong tay nhiều công phiếu của Hoa Kỳ (US Government bond) nhất trị giá khoảng 1,1 ngàn tỉ USD. Vào tháng 3 vừa qua, Trung Quốc bán tống ra một số công phiếu này một cách nhanh chóng. Khi bán công phiếu, Trung Quốc làm giảm giá trị của đồng dollar và có thể làm xáo trộn kinh tế Hoa Kỳ. Vào giữa tháng 7 vừa qua, Trung Quốc tuyên bố sẽ giảm bớt 25% số công phiếu của Hoa Kỳ. Khi bán công phiếu Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng bị thiệt hại vì công phiếu Hoa Kỳ là một trái phiếu bảo đảm và không có một công phiếu thứ hai để lựa chọn. Nhưng khi cần thiết, Trung Quốc vẫn có thể làm. Trung Quốc lấy cớ xe Mercedes-Benz SUV sản xuất tại Hoa Kỳ có vấn đề về thắng, nên đã trì hoãn không cho nhập cảnh vì lý do an toàn. Nhưng giới phân tách kỹ nghệ xe hơi cho rằng Trung Quốc muốn trả đũa Hoa Kỳ vì chính quyền Trump vừa tăng thuế lên hàng Trung Quốc. Vào đầu tháng 8, Ngân Hàng Trung Ương của Trung Quốc không can thiệp, để cho đồng nhân dân tệ theo thị trường giảm giá 2% trong ba ngày xuống tới mức thấp nhất 7 yuan / 1 US dollar kể từ 2008 vì ảnh hưởng của thuế quan. Trump kết án Trung Quốc thao túng đồng tiền là sai lầm trong trường hợp này. Dù Trung Quốc có thật sự thao túng đồng tiền, Trump cũng không có thẩm quyền gì đối với chính sách hối đoái của Trung Quốc. Cùng trong một ngày, Trung Quốc tuyên bố hoàn toàn chấm dứt mua nông phẩm của Hoa Kỳ, đồng thời tăng cường mua nông phẩm của Argentina, Brazil và Nga. Thiệt hại của Trung Quốc Cũng như ở Hoa Kỳ, sự bất ổn gây ra bởi chiến tranh thương mại đã làm cho những nhà đầu tư ở Trung Quốc mất đi một phần tín cậy. Khoảng 44% công ty ngoại quốc và 30% công ty Trung Quốc nói rằng họ sẽ chuyển một phần đầu tư từ Trung Quốc qua các nước khác, đặc biệt là Việt Nam và Thái Lan. Tuy nhiên khuynh hướng này đã xuất hiện nhiều năm nay vì nhân công Trung Quốc và đất đai trở nên đắt đỏ. Chiến tranh thương mại chỉ đẩy mạnh thêm khuynh hướng này. Sớm muộn Trung Quốc sẽ không còn là xưởng sản xuất hàng công nghệ thấp của thế giới. Trung Quốc đang chuyển qua công nghệ cao. Trên thực tế các công ty ở Trung Quốc cũng cần nhiều năm mới có thể để di chuyển qua nước khác vì cần phải cứu xét những yếu tố như nhân công, đất đai, nhà ở, huấn nghệ, thuế vụ, môi trường, luật lệ. Lực lượng nhân công ở Việt Nam và Thái Lan lần lượt là 54,8 triệu và 38,4 triệu người khó có thể thay thế lực lượng nhân công lớn lao với 806,7 triệu người của Trung Quốc. Việc Tổng thống Trump kêu gọi các công ty di chuyển về Mỹ là chuyện không thực tế vì giá nhân công ở Mỹ quá đắt đỏ. Vào giữa năm ngoái, công ty sản xuất xe mô tô Harley-Davidson đã phải quyết định di chuyển các cơ xưởng sản xuất ra khỏi Hoa Kỳ để tránh thuế quan của Trump áp đặt trên thép và nhôm và đồng thời tránh thuế nhập cảng của Liên Hiệp Châu Âu. Tổng thống Trump đã kết tội Harley-Davidson là đầu hàng và đe dọa đánh thuế công ty này. Tổng thống Trump tuyên bố nguyên văn như sau : "Các công ty vĩ đại của Hoa Kỳ nay được lệnh ngay lập tức tìm kiếm một nước thay thế Trung Quốc, bao gồm việc đưa các công ty của quý vị về nhà và sản xuất các sản phẩm của quý vị ở Hoa Kỳ". Trump dựa vào đạo luật "International emergency Economic powers Act of 1977". Tuy nhiên đạo luật này được thiết lập nhằm mục đích xác định và giới hạn quyền hành của tổng thống về vấn đề kinh tế chứ không phải để cho phép tổng thống chấm dứt quan hệ thương mại với một đối tác vì tranh chấp về thuế quan. Trong 42 năm qua, đạo luật này chỉ áp dụng đối với một số nước ngoài vòng pháp luật hay bao che ma túy và chỉ áp dụng sau khi tình trạng khẩn cấp được ban hành. Đạo luật chỉ ngăn cấm chuyển tiền trong tương lai chứ không áp dụng cho những đầu tư trong quá khứ. Trên thực tế, di chuyển công ty từ Trung Quốc qua Việt Nam chẳng hạn, chỉ có lợi cho Việt Nam. Thay vì mua TV sản xuất tại Trung Quốc, người Mỹ mua TV sản xuất tại Việt Nam, cán cân thương mại của Hoa Kỳ vẫn không có gì thay đổi, ngoại trừ Trump có ẩn ý nào khác. Ngay sau khi Tổng thống Trump ra lệnh cho các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc, Costco, một công ty bán sỉ của Hoa Kỳ cho các thành viên, đã khai trương một tiệm đầu tiên tại Trung Quốc ở thành phố Shanghai vào cuối tháng 8 vừa qua. Ngoài ra, cũng vì chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, số hàng xuất khẩu của Trung Quốc giảm, Trung Quốc phải dựa vào thị trường tiêu thụ quốc nội. 73% thành viên của Phòng Thương Mại Hoa Kỳ miền Nam Trung Quốc cho biết hàng sản xuất chủ yếu bán tại những thị trường địa phương so với con số 23% vào năm 2003. Kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại trước khi có chiến tranh thương mại. Mức phát triển kinh tế của Trung Quốc là 7,3% vào 2014, giảm dần xuống còn 6,6% vào 2018. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự đoán 6,2% và 6,0% cho 2019 và 2020. Con số về cán cân thương mại (trade balance) cho thấy ảnh hưởng của chiến tranh thương mại rõ hơn xuất siêu của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ giảm từ 4,4% vào năm 2016 xuống còn 2,9% vào 2018 và 3,1% vào 2019. Mặc dù có chiến tranh thương mại, Hoa Kỳ vẫn gia tăng nhập cảng hàng của Trung Quốc, từ 462,4 tỉ USD vào 2016, lên đến 505,2 tỉ USD vào 2017 và 539,7 tỉ USD vào 2018 và số nhập siêu của Hoa Kỳ tăng từ 346,8 tỉ USD lên đến 375,4 tỉ USD và 419,5 tỉ USD trong ba năm. Phân tích mức đầu tư, tiêu thụ tư nhân và hoạt động của các cơ xưởng cho thấy kinh tế của Trung Quốc giảm đáng kể trong năm vừa qua. Hoạt động xây cất nhà giảm vì giá vật liệu tăng bao gồm thép, nhôm, gạch, xi măng. Thiệt hại của Hoa Kỳ Thương chiến đang gây thiệt hại cho kinh tế Hoa Kỳ. Nổi bật nhất là khu vực nông nghiệp. Trong cuộc phỏng vấn của MSNBC vào cuối tháng 8 vừa qua, ông Roger Johnson, Chủ tịch của Nghiệp Đoàn Nông Dân Toàn Quốc (National Farmers Union – NFU), đại diện cho hàng trăm ngàn gia đình nông dân đã lên án chính sách thuế quan của Tổng thống Trump. Ông nói "Hiện nay nông nghiệp có rất nhiều lo lắng về tài chánh. Lợi tức nông nghiệp chỉ bằng khoảng một nửa sáu năm về trước. Nợ gần đến mức kỷ lục. Tình trạng phá sản gia tăng. Tất cả những điều mà ông đang thảo luận đã tạo ra một sự bất ổn lớn lao". Trong khi đó nông dân phải mua các nông cơ như máy cầy, máy gặt với giá cao vì Trump áp đặt thuế trên thép và nhôm. Bà Patty Edelburg, Phó Chủ tịch của NFU gần đây tuyên bố với Fox News rằng "Thật là điên khùng. Chúng tôi hiện đang có nhiều trường hợp phá sản, nhiều trường hợp nông dân tự sát. Chiến tranh thương mại với Trung Quốc đã góp phần vào tình trạng tài chánh căng thẳng. Chúng tôi đã mất thị trường xuất cảng mà chúng tôi đã có trong 30 năm qua mà chúng tôi sẽ không có may mắn nào để lấy lại". Theo American Farm Bureau Federation, trị giá nông phẩm xuất cảng qua Trung Quốc là 19,5 tỉ USD vào 2017, 9,1 tỉ USD vào 2018, 1,3 tỉ USD trong sáu tháng đầu của 2019 và nay là số không. Trung Quốc trước đây là thị trường xuất khẩu nông phẩm đứng hạng thứ năm sau Canada, Mexico, Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản. Chính quyền Trump cho tới nay đã phải trợ cấp làm hai lần tổng cộng 28 tỉ USD tiền mặt cho nông dân Hoa Kỳ. Số tiền này lấy từ tiền thuế áp đặt trên hàng nhập cảng từ Trung Quốc mà các công ty nhập cảng Mỹ phải trả trước khi nhận hàng. Khu vực thứ hai của Hoa Kỳ chịu ảnh hưởng nặng nề của thương chiến là công nghệ xe hơi. Vào cuối năm vừa qua, General Motors tuyên bố đóng cửa năm xưởng máy và sa thải gần 15.000 công nhân vì hậu quả của chiến tranh thương mại và dự đoán kinh tế trì trệ đã gần kề. Công ty Ford Motor trước đó cũng đã có quyết định tương tự. Chi phí vật liệu như thép và nhôm và giá bộ phận gia nhập cảng gia tăng do thuế quan cộng với số xe hơi bán ra giảm khiến cho GM và Ford phải tìm cách thu hẹp hoạt động. Trong năm 2017, Hoa Kỳ xuất cảng qua Trung Quốc 276,000 xe hơi. Do thương chiến, vào tháng 8 năm ngoái, Trung Quốc quyết định áp đặt 25% thuế trên 16 tỉ USD hàng nhập cảng từ Hoa Kỳ trong đó có xe hơi trị giá khoảng 10 tỉ USD. Trước thương chiến, xe hơi Mỹ đã phải chịu thuế 25%, với thuế mới cộng vào giá xe hơi Mỹ sẽ tăng rất cao. Một xe Ford Mustang trị giá 35.000 USD. Sau hai lần thuế 25%, giá sẽ là 54.700 USD. Nói chung, xe hơi sản xuất tại Mỹ với thuế quan sẽ khó có thể sống được ở Trung Quốc, một thị trường xe hơi lớn nhất thế giới. Ngược lại, Trung Quốc xuất cảng 50.000 xe hơi qua Mỹ vào 2017. Center for Automobile Research dự đoán rằng số xe hơi Trung Quốc sẽ tăng lên đến 225.000 chiếc vào 2019 và 500.000 vào 2023 nếu không bị giới hạn bởi hàng rào thuế quan mới. Chắc chắn chính quyền Trump sẽ ngăn chặn tham vọng xe hơi của Trung Quốc nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang. Cuộc điều nghiên các cơ sở kinh doanh của Hoa Kỳ bởi United Bank of Switzerland (UBS) mới đây cho thấy rằng 67% chủ nhân của các cơ sở kinh doanh này cho rằng thương chiến gây ảnh hưởng tiêu cực trên kinh tế Hoa Kỳ và thế giới và 24% nói rằng thương chiến ảnh hưởng xấu đến cả việc làm ăn của ngay chính họ. Cuộc điều nghiên này cho thấy thêm rằng chỉ có 25% cơ sở kinh doanh dự trù mướn thêm nhân công so với 46% vào ba tháng trước đó. Tương tự như vậy, chỉ có 24% dự trù tăng đầu tư so với 36% trước đó. Nếu chiến tranh thương mại tiếp tục hai con số mướn công nhân và đầu tư giảm xuống lần lượt còn 13% và 11%. Các cơ sở kinh doanh mướn thêm người và tăng đầu tư là dấu hiệu kinh tế phát triển. Trái lại, nếu họ giảm bớt chi tiêu vào nhân công và đầu tư, kinh tế sẽ co cụm lại. Hiện nay Hoa Kỳ đang ở trong tình trạng này. Chính sự bất ổn tạo ra bởi chiến tranh thương mại khiến các nhà kinh doanh không thể tiến đoán nhu cầu cũng như phí tổn sản xuất. Điều này cũng đủ để buộc các nhà kinh doanh phải chờ đợi và hoãn mọi quyết định phát triển hoạt động của công ty. Theo thống kê của U.S. Census Bureau thuộc Bộ Thương Mại, số máy móc và dụng cụ nhập cảng vào Hoa Kỳ vào tháng 7/2019 giảm xuống thấp nhất kể từ 2017. Cuộc điều nghiên nhiều cơ sở sản xuất công nghệ do báo Wall Street Journal thực hiện mới đây cũng cho thấy rằng vì chiến tranh thương mại và chính sách thay đổi tùy hứng của Tổng thống Trump, các cơ sở này đã phải cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho rằng các công ty quản trị kém, làm ăn thất bại nay quy trách nhiệm cho thuế quan. Ông Trump không bao giờ nhận mình sai và luôn luôn tìm cách đổ lỗi cho người khác. Mặc dù tỉ lệ thất nghiệp 3,7% ở Hoa Kỳ vào tháng 8 vừa qua thấp nhất trong 50 năm vừa qua, nhưng nếu không có chiến tranh thương mại với Trung Quốc, tỉ lệ này còn xuống thấp hơn nữa theo sự phân tích của Moody’s Analytics. Thương chiến đã làm mất đi 300.000 việc làm và làm giảm tổng sản phẩm nội địa khoảng 0,3%. Nếu thuế quan tiếp tục như hiện nay, Hoa Kỳ sẽ mất thêm khoảng 450.000 việc làm trong ba tháng tới. Nếu thương chiến kéo dài hết 2020, số việc làm mất đi thêm sẽ lên tới 900.000. Kết luận Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục trở thành căng thẳng hơn trước khi có thể cải thiện. Thay vì thành lập một liên minh quốc tế chống lại chính sách thương mại áp chế của Trung Quốc, Tổng thống Trump đã gây chiến trước hết với hầu hết các đồng minh của Hoa Kỳ và sau cùng mới chiếu cố riêng đến Trung Quốc. Thay vì dựa vào WTO để chống cách hành nghề buôn bán của Trung Quốc, Trump lại chống lại tổ chức này. Hai sai lầm căn bản này đã đưa đến một hậu quả tất yếu là sự hỗn loạn thị trường và nguy cơ kinh tế trì trệ cho cả thế giới chứ không riêng gì cho Hoa Kỳ và Trung Quốc. Một sai lầm căn bản khác cần phải nhấn mạnh là Trump đã đưa ra một số đòi hỏi đơn phương quá đáng đối với Trung Quốc, một quốc gia có nền kinh tế lớn và đông dân nhất thế giới, hơn cả Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật nếu tính theo hối suất mãi lực quân bình (purchasing power parity - PPP). Đòi hỏi của Trump bao gồm (1) Trung Quốc giảm xuất siêu với Hoa Kỳ ít nhất 200 tỉ USD vào 2020 tức khoảng 60% ; (2) Trung Quốc chấm dứt bao cấp những công ty công nghệ ; (3) Trung Quốc chấm dứt ăn cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ ; (4) Trung Quốc giảm thuế quan cho hang Mỹ vào 2020 ; (5) Trung Quốc không trả đũa Hoa Kỳ gồm cả nông dân Hoa Kỳ ; (6) Trung Quốc mở thị trường cho đầu tư của Hoa Kỳ. Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không có bên thắng bên thua. mà cả hai phe đều đang thua và sẽ tiếp tục thua. Nếu càng kéo dài đôi bên sẽ càng thua đậm. Chiến tranh thương mại hiện nay đang tạo ra nhiều bất ổn. Sự bất ổn trở nên trầm trọng hơn một cách không cần thiết vì cách làm việc tùy hứng, tiền hậu bất nhất của ông Trump. Sự bất ổn khiến các công ty tạm ngưng phát triển, giảm chi tiêu để tránh rủi ro. Thêm vào đó, thuế quan làm gia tăng giá cả, giảm xuất nhập cảng, giảm tiêu thụ. Hậu quả tiếp theo khó tránh được là kinh tế sẽ co cụm lại. Tình trạng này áp dụng cho cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Khi cảm nhận được sự thiệt hại to lớn đôi bên sẽ phải ngồi lại và tìm giải pháp dung hòa dù tạm thời. Đây có thể là một kịch bản rất có thể xẩy ra. Dù đôi bên tìm được giải pháp có thể chấp được, mối bang giao giữa hai nước sẽ không thể nào trở lại được như trước ngày Trump tuyên chiến và có thể cần nhiều năm để giải quyết những mâu thuẫn thương mại. Kinh tế Hoa Kỳ trải qua một thời kỳ phát triển lâu dài nhất bắt đầu từ 2009, thời Tổng thống Obama, hiện nay đang bắt đầu chậm lại. Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội (Congressional Budget Office – CBO) dự đoán mức phát triển kinh tế của Hoa Kỳ trong năm 2019 sẽ là 2,3% so với 2,9% vào năm trước và sẽ xuống còn 1,8% vào 2020, dưới mức trung bình lịch sử. Cuộc điều nghiên của Bank of America vào tháng vừa qua cho thấy rằng tình trạng kinh tế trì trệ là mối lo ngại thứ ba sau thương mại và Trung Quốc và sắc suất về tình trạng trì trệ trong 12 tháng tới lần đầu tiên lên cao đến 25% kể từ tháng 7/2016. Khoảng 70% những nhà kinh tế được hỏi nhận định rằng tình trạng kinh tế trì trệ đã gần kề. Chính Tổng thống Trump gần đây không còn tranh cãi về kinh tế trì trệ nữa. Trong lần tiếp xúc với báo chí tại Nhà Trắng vào cuối tháng 8, ông cũng đã phải thừa nhận rằng chiến tranh thương mại với Trung Quốc có thể có những ảnh hưởng tiêu cực đối với Hoa Kỳ, nhưng đó là cái giá phải trả để đương đầu với Trung Quốc. Nguyễn Quốc Khải Nguồn : VOA, 23/09/2019

Cách đây khong hai tun Bộ trưởng Ngân Kh Hoa Kỳ Steven Mnuchin tuyên b rng chiến tranh thương mi vi Trung Quc không nh hưởng gì đến nn kinh tế Hoa Kỳ và hin nay không có du hiu nào cho thy kinh tế ca Hoa Kỳ b trì tr. Ông Mnuchin nói tiếp "Kinh tế thế gii đang phát trin chm li mt cách đáng k Trung Quc ln Âu châu. Nhưng khi nhìn vào nước M, chúng ta tiếp tc thy đim phát trin chói li". Trong khi đó, Bộ trưởng Thương Mi Wilbur Ross nói mt cách mâu thun rng Tổng thống Trump hoãn áp thuế quan vào mt s hàng Trung Quc d trù váo tháng 9 cho đến cui năm không phi đ nhượng b Trung Quc mà là đ giúp người tiêu th trong mùa Giáng Sinh sp ti. Bài báo này s tìm hiu thc hư ra sao.

Thương chiến leo tnang

Trước hết chúng ta duyt li din biến ca cuc chiến tranh thương mi gia Hoa Kỳ và Trung Quc. Nó bt đu cách đây 20 tháng, khi Tổng thống Donald Trump áp đt thuế quan và hn ngch (quota) vào ngày 22-1-2018 trên máy git và panô mt tri (solar panel) nhập khu t Trung Quc. T Chc Thương Mi Quc Tế (World Trade Organization – WTO) phán xét rng hành đng này ca Hoa Kỳ không hp lý. Hơn mt tháng sau, Tổng thống Trump áp đt 25% thuế trên thép và 10% thuế trên nhôm nhp cng t Trung Quc và các nước khác. Nhưng thương chiến thc s bùng n ln khi Trump áp đt 25% thuế quan trên hàng Trung Quc tr giá 34 t USD vào tháng 7 năm va qua. Trung Quc tr đũa bng cách áp đt thuế trên xe hơi và nông phm nhp khu t Hoa Kỳ vi mt tr giá tương t.

Sau đó cho đến đu tháng 6 năm nay, Hoa Kỳ đã áp đt thuế quan mi và tăng thuế quan cũ ba ln. Trung Quc tr đũa mt cách tương t. Ti hi ngh thượng đnh G-20 ti Osaka, Nht Bn vào cui tháng 6, đôi bên đng ý tm ngưng chiến trong khong hai tháng. Vào lúc 12:01 AM ngày 1/9 vừa qua, Tổng thống Trump phát đng vòng thuế quan mi vi thuế sut 15% áp đt trên mt phn cùa $300 t hàng tiêu th và phn còn li s phi chu thuế tương t vào 15/12. Ngoài ra, Trump da s tăng thuế lên 30% vào 1-10, phút chót hoãn lại vào 15/10, đi vi mt s hàng nhp cng t Trung Quc tr giá 250 t USD đã b đánh thuế 25% trước đây. Đ tr đũa, Trung Quc tăng thuế trên 75 t USD tr giá hàng nhp khu t Hoa Kỳ.

Những khon tăng thuế quan mi đây nht liên quan đến hàng hóa của gii tiêu th như qun áo, giy dép, đ chơi, TV, bút mc, bút chì, dng c th thao, nhc c… lit kê trong mt danh sách dài 114 trang. Trước đây, Trump áp thuế trên nhng sn phm trung gian (intermediate good), máy móc và nhng b phn lp ráp để các công ty dùng chế to nhng sn phm sau cùng (final product) người tiêu th khó thy. Lot thuế quan mi đánh trc tiếp vào người tiêu th đc bit vào đúng mùa mua sm bn rn nht trong năm. Tổng thống Trump tng lp đi lp li nhiu ln rng Trung Quốc tr tt c nhng thuế quan này. S tht ra sao thì nhng con s thng kê đã tr li và mi người đã biết.

Về k ngh giy dép, gn 99% s giy dép bán Hoa Kỳ là hàng nhp cng. Vào đu năm nay, 173 công ty sn xut giy dép trên thế gii bao gm Nike, Adidas, Clarks, Converse, Dr. Martens, viết thư yêu cu Tổng thống Trump hy b tăng thuế nhp cng vì nh hưởng đến gii công nhân. Thuế áp đt trên giy dép trung bình là 11,3%, nhưng trong vài trường hp thuế lên cao ti 67,5%. Nếu áp đt thêm thuế na, giá s lên rt cao mà người tiêu th phi tr.

Võ khí phi thuế quan

Thương chiến không ch gii hn trong phm vi thuế quan, mà gn đây còn lan qua nhiu lãnh vc khác. Tht vy, Hoa Kỳ đã áp dng mt s bin pháp phi thuế quan đ đi phó vi Trung Quốc như gii hn đu tư, tăng cường kim soát xut khu đ bo v công ngh Hoa Kỳ, đc bit là công ngh thông tin, ra lnh cho các công ty M ngay lp tc bt đu tìm nơi khác ngoài Trung Quc đ đu tư, áp đt l phí chng bán phá giá thép ca Trung Quc, Canada và Mễ Tây Cơ.

Tại Hoa Kỳ có khong 360.000 sinh viên Trung Quc đang hc ti các trường đi hc vào 2018. Con s này s gim xung trong thi gian sp ti vì Hoa Kỳ tiếp tc gii hn vic cp và gia hn h chiếu cho sinh viên và ngay c hc ginghiên cứu gia Trung Quc. Lý do là Hoa Kỳ không mun chuyn giao tài sn trí thc và công ngh cho Trung Quc, đc bit v nhng ngành như khoa hc, công ngh, k sư và toán hc (science, technology, engineering, mathematics – STEM). Mt s sinh viên Trung Quốc đã ăn cp tài liu công ngh cho Trung Quc. K t 2008, Trung Quc bt đu có chương trình tuyn m "Ngàn Nhân Tài" kêu gi công dân Trung Quc hi ngoi giúp phát trin kinh tế quc ni. Vào gia tháng 5 va qua, mt ngh sĩ và dân biu Cng hòa đã đệ trình Quc hi mt d lut ngăn cm vic cp h chiếu sinh viên hay nghiên cu cho bt c ai tng làm vic hay được bo tr bi Quân đi Gii phóng Nhân dân Trung Quc.

Mặc dù không nhp cng nhiu hàng ca Hoa Kỳ bng giá tr ca lượng hàng Hoa Kỳ nhập cng t Trung Quc, đi th ca Hoa Kỳ không ngn ngi dùng nhiu bin pháp phi thuế quan đ bo v kinh tế và tr đũa đi th.

Trung Quốc là mt nước gi trong tay nhiu công phiếu ca Hoa Kỳ (US Government bond) nht tr giá khong 1,1 ngàn t USD. Vào tháng 3 vừa qua, Trung Quc bán tng ra mt s công phiếu này mt cách nhanh chóng. Khi bán công phiếu, Trung Quc làm gim giá tr ca đng dollar và có th làm xáo trn kinh tế Hoa Kỳ. Vào gia tháng 7 va qua, Trung Quc tuyên b s gim bt 25% s công phiếu ca Hoa Kỳ. Khi bán công phiếu Hoa Kỳ, Trung Quc cũng b thit hi vì công phiếu Hoa Kỳ là mt trái phiếu bo đm và không có mt công phiếu th hai đ la chn. Nhưng khi cn thiết, Trung Quc vn có th làm.

Trung Quốc ly c xe Mercedes-Benz SUV sản xut ti Hoa Kỳ có vn đ v thng, nên đã trì hoãn không cho nhp cnh vì lý do an toàn. Nhưng gii phân tách k ngh xe hơi cho rng Trung Quc mun tr đũa Hoa Kỳ vì chính quyn Trump va tăng thuế lên hàng Trung Quc.

Vào đầu tháng 8, Ngân Hàng Trung Ương ca Trung Quc không can thip, đ cho đng nhân dân t theo th trường gim giá 2% trong ba ngày xung ti mc thp nht 7 yuan / 1 US dollar k t 2008 vì nh hưởng ca thuế quan. Trump kết án Trung Quc thao túng đng tin là sai lm trong trường hợp này. Dù Trung Quc có tht s thao túng đng tin, Trump cũng không có thm quyn gì đi vi chính sách hi đoái ca Trung Quc. Cùng trong mt ngày, Trung Quc tuyên b hoàn toàn chm dt mua nông phm ca Hoa Kỳ, đng thi tăng cường mua nông phm của Argentina, Brazil và Nga.

Thiệt hại của Trung Quốc

Cũng như Hoa Kỳ, s bt n gây ra bi chiến tranh thương mi đã làm cho nhng nhà đu tư Trung Quc mt đi mt phn tín cy. Khong 44% công ty ngoi quc và 30% công ty Trung Quc nói rng h s chuyển mt phn đu tư t Trung Quc qua các nước khác, đc bit là Vit Nam và Thái Lan. Tuy nhiên khuynh hướng này đã xut hin nhiu năm nay vì nhân công Trung Quc và đt đai tr nên đt đ. Chiến tranh thương mi ch đy mnh thêm khuynh hướng này. Sm muộn Trung Quc s không còn là xưởng sn xut hàng công ngh thp ca thế gii. Trung Quc đang chuyn qua công ngh cao.

Trên thực tế các công ty Trung Quc cũng cn nhiu năm mi có th đ di chuyn qua nước khác vì cn phi cu xét nhng yếu t như nhân công, đt đai, nhà , hun ngh, thuế v, môi trường, lut l. Lc lượng nhân công Vit Nam và Thái Lan ln lượt là 54,8 triệu và 38,4 triu người khó có th thay thế lc lượng nhân công ln lao vi 806,7 triu người ca Trung Quc.

Việc Tổng thống Trump kêu gi các công ty di chuyn v M là chuyn không thc tế vì giá nhân công M quá đt đ. Vào gia năm ngoái, công ty sản xut xe mô tô Harley-Davidson đã phi quyết đnh di chuyn các cơ xưởng sn xut ra khi Hoa Kỳ đ tránh thuế quan ca Trump áp đt trên thép và nhôm và đng thi tránh thuế nhp cng ca Liên Hiệp Châu Âu. Tổng thống Trump đã kết ti Harley-Davidson là đầu hàng và đe da đánh thuế công ty này.

Tổng thống Trump tuyên b nguyên văn như sau : "Các công ty vĩ đi ca Hoa Kỳ nay được lnh ngay lp tc tìm kiếm mt nước thay thế Trung Quc, bao gm vic đưa các công ty ca quý v v nhà và sn xut các sn phẩm ca quý v Hoa Kỳ".

Trump dựa vào đo lut "International emergency Economic powers Act of 1977". Tuy nhiên đo lut này được thiết lp nhm mc đích xác đnh và gii hn quyn hành ca tng thng v vn đ kinh tế ch không phi đ cho phép tng thống chm dt quan h thương mi vi mt đi tác vì tranh chp v thuế quan. Trong 42 năm qua, đo lut này ch áp dng đi vi mt s nước ngoài vòng pháp lut hay bao che ma túy và ch áp dng sau khi tình trng khn cp được ban hành. Đo lut ch ngăn cấm chuyn tin trong tương lai ch không áp dng cho nhng đu tư trong quá kh.

Trên thực tế, di chuyn công ty t Trung Quc qua Vit Nam chng hn, ch có li cho Vit Nam. Thay vì mua TV sn xut ti Trung Quc, người M mua TV sn xut ti Vit Nam, cán cân thương mi ca Hoa Kỳ vn không có gì thay đi, ngoi tr Trump có n ý nào khác.

Ngay sau khi Tổng thống Trump ra lnh cho các công ty M ri khi Trung Quc, Costco, mt công ty bán s ca Hoa Kỳ cho các thành viên, đã khai trương mt tim đu tiên tại Trung Quc thành ph Shanghai vào cui tháng 8 va qua.

Ngoài ra, cũng vì chiến tranh thương mi vi Hoa Kỳ, s hàng xut khu ca Trung Quc gim, Trung Quc phi da vào th trường tiêu th quc ni. 73% thành viên ca Phòng Thương Mi Hoa Kỳ min Nam Trung Quc cho biết hàng sn xut ch yếu bán ti nhng th trường đa phương so vi con s 23% vào năm 2003.

Kinh tế Trung Quc phát trin chm li trước khi có chiến tranh thương mi. Mc phát trin kinh tế ca Trung Quc là 7,3% vào 2014, gim dần xuống còn 6,6% vào 2018. Qu Tin T Quc Tế d đoán 6,2% và 6,0% cho 2019 và 2020. Con s v cán cân thương mi (trade balance) cho thy nh hưởng ca chiến tranh thương mi rõ hơn xut siêu ca Trung Quc đi vi Hoa Kỳ gim t 4,4% vào năm 2016 xung còn 2,9% vào 2018 và 3,1% vào 2019.

Mặc dù có chiến tranh thương mi, Hoa Kỳ vn gia tăng nhp cng hàng ca Trung Quc, t 462,4 t USD vào 2016, lên đến 505,2 t USD vào 2017 và 539,7 t USD vào 2018 và s nhp siêu ca Hoa Kỳ tăng t 346,8 t USD lên đến 375,4 t USD và 419,5 tỉ USD trong ba năm.

Phân tích mức đu tư, tiêu th tư nhân và hot đng ca các cơ xưởng cho thy kinh tế ca Trung Quc gim đáng k trong năm va qua. Hot đng xây ct nhà gim vì giá vt liu tăng bao gm thép, nhôm, gch, xi măng.

Thiệt hại của Hoa Kỳ

Thương chiến đang gây thit hi cho kinh tế Hoa Kỳ. Ni bt nht là khu vc nông nghip.

Trong cuộc phng vn ca MSNBC vào cui tháng 8 va qua, ông Roger Johnson, Ch tch ca Nghip Đoàn Nông Dân Toàn Quc (National Farmers Union – NFU), đi diện cho hàng trăm ngàn gia đình nông dân đã lên án chính sách thuế quan ca Tổng thống Trump. Ông nói "Hin nay nông nghip có rt nhiu lo lng v tài chánh. Li tc nông nghip ch bng khong mt na sáu năm v trước. N gn đến mc k lc. Tình trng phá sản gia tăng. Tt c nhng điu mà ông đang tho lun đã to ra mt s bt n ln lao". Trong khi đó nông dân phi mua các nông cơ như máy cy, máy gt vi giá cao vì Trump áp đt thuế trên thép và nhôm.

Bà Patty Edelburg, Phó Chủ tch ca NFU gn đây tuyên bố vi Fox News rng "Tht là điên khùng. Chúng tôi hin đang có nhiu trường hp phá sn, nhiu trường hp nông dân t sát. Chiến tranh thương mi vi Trung Quc đã góp phn vào tình trng tài chánh căng thng. Chúng tôi đã mt th trường xut cng mà chúng tôi đã có trong 30 năm qua mà chúng tôi sẽ không có may mn nào đ ly li".

Theo American Farm Bureau Federation, trị giá nông phm xut cng qua Trung Quc là 19,5 t USD vào 2017, 9,1 t USD vào 2018, 1,3 t USD trong sáu tháng đu ca 2019 và nay là s không. Trung Quốc trước đây là th trường xut khu nông phm đng hng th năm sau Canada, Mexico, Liên Hiệp Châu Âu và Nht Bn.

Chính quyền Trump cho ti nay đã phi tr cp làm hai ln tng cng 28 t USD tin mt cho nông dân Hoa Kỳ. S tin này ly t tiền thuế áp đt trên hàng nhp cng t Trung Quc mà các công ty nhp cng M phi tr trước khi nhn hàng.

Khu vực th hai ca Hoa Kỳ chu nh hưởng nng n ca thương chiến là công ngh xe hơi. Vào cui năm va qua, General Motors tuyên b đóng ca năm xưởng máy và sa thải gn 15.000 công nhân vì hu qu ca chiến tranh thương mi và d đoán kinh tế trì tr đã gn k. Công ty Ford Motor trước đó cũng đã có quyết đnh tương t. Chi phí vt liu như thép và nhôm và giá b phn gia nhp cng gia tăng do thuế quan cộng vi s xe hơi bán ra gim khiến cho GM và Ford phi tìm cách thu hp hot đng.

Trong năm 2017, Hoa Kỳ xuất cng qua Trung Quc 276,000 xe hơi. Do thương chiến, vào tháng 8 năm ngoái, Trung Quc quyết đnh áp đt 25% thuế trên 16 t USD hàng nhp cng từ Hoa Kỳ trong đó có xe hơi tr giá khong 10 t USD. Trước thương chiến, xe hơi M đã phi chu thuế 25%, vi thuế mi cng vào giá xe hơi M s tăng rt cao. Mt xe Ford Mustang tr giá 35.000 USD. Sau hai ln thuế 25%, giá s là 54.700 USD. Nói chung, xe hơi sản xut ti M vi thuế quan s khó có th sng được Trung Quc, mt th trường xe hơi ln nht thế gii.

Ngược li, Trung Quc xut cng 50.000 xe hơi qua M vào 2017. Center for Automobile Research d đoán rng s xe hơi Trung Quc s tăng lên đến 225.000 chiếc vào 2019 và 500.000 vào 2023 nếu không b gii hn bi hàng rào thuế quan mi. Chc chn chính quyn Trump s ngăn chn tham vng xe hơi ca Trung Quc nếu chiến tranh thương mi tiếp tc leo thang.

Cuộc điu nghiên các cơ s kinh doanh ca Hoa Kỳ bởi United Bank of Switzerland (UBS) mi đây cho thy rng 67% ch nhân ca các cơ s kinh doanh này cho rng thương chiến gây nh hưởng tiêu cc trên kinh tế Hoa Kỳ và thế gii và 24% nói rng thương chiến nh hưởng xu đến c vic làm ăn ca ngay chính họ. Cuc điu nghiên này cho thy thêm rng ch có 25% cơ s kinh doanh d trù mướn thêm nhân công so vi 46% vào ba tháng trước đó. Tương t như vy, ch có 24% d trù tăng đu tư so vi 36% trước đó. Nếu chiến tranh thương mi tiếp tc hai con s mướn công nhân và đầu tư gim xung ln lượt còn 13% và 11%.

Các cơ s kinh doanh mướn thêm người và tăng đu tư là du hiu kinh tế phát trin. Trái li, nếu h gim bt chi tiêu vào nhân công và đu tư, kinh tế s co cm li. Hin nay Hoa Kỳ đang trong tình trạng này. Chính s bt n to ra bi chiến tranh thương mi khiến các nhà kinh doanh không th tiến đoán nhu cu cũng như phí tn sn xut. Điu này cũng đ đ buc các nhà kinh doanh phi ch đi và hoãn mi quyết đnh phát trin hot đng ca công ty. Theo thống kê ca U.S. Census Bureau thuc B Thương Mi, s máy móc và dng c nhp cng vào Hoa Kỳ vào tháng 7/2019 gim xung thp nht k t 2017.

Cuộc điu nghiên nhiu cơ s sn xut công ngh do báo Wall Street Journal thc hin mi đây cũng cho thy rng vì chiến tranh thương mi và chính sách thay đi tùy hng ca Tổng thống Trump, các cơ s này đã phi ct gim chi tiêu. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho rng các công ty qun tr kém, làm ăn tht bi nay quy trách nhim cho thuế quan. Ông Trump không bao giờ nhn mình sai và luôn luôn tìm cách đ li cho người khác.

Mặc dù t l tht nghip 3,7% Hoa Kỳ vào tháng 8 va qua thp nht trong 50 năm va qua, nhưng nếu không có chiến tranh thương mi vi Trung Quc, t l này còn xung thp hơn na theo sự phân tích ca Moody’s Analytics. Thương chiến đã làm mt đi 300.000 vic làm và làm gim tng sn phm ni đa khong 0,3%. Nếu thuế quan tiếp tc như hin nay, Hoa Kỳ s mt thêm khong 450.000 vic làm trong ba tháng ti. Nếu thương chiến kéo dài hết 2020, số vic làm mt đi thêm s lên ti 900.000.

Kết luận

Chiến tranh thương mi gia Hoa Kỳ và Trung Quc tiếp tc tr thành căng thng hơn trước khi có th ci thin. Thay vì thành lp mt liên minh quc tế chng li chính sách thương mi áp chế ca Trung Quốc, Tổng thống Trump đã gây chiến trước hết vi hu hết các đng minh ca Hoa Kỳ và sau cùng mi chiếu c riêng đến Trung Quc. Thay vì da vào WTO đ chng cách hành ngh buôn bán ca Trung Quc, Trump li chng li t chc này. Hai sai lm căn bn này đã đưa đến mt hu qu tt yếu là s hn lon th trường và nguy cơ kinh tế trì tr cho c thế gii ch không riêng gì cho Hoa Kỳ và Trung Quc.

Một sai lm căn bn khác cn phi nhn mnh là Trump đã đưa ra mt s đòi hi đơn phương quá đáng đi vi Trung Quốc, mt quc gia có nn kinh tế ln và đông dân nht thế gii, hơn c Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ và Nht nếu tính theo hi sut mãi lc quân bình (purchasing power parity - PPP). Đòi hi ca Trump bao gm (1) Trung Quc gim xut siêu vi Hoa Kỳ ít nhất 200 t USD vào 2020 tc khong 60% ; (2) Trung Quc chm dt bao cp nhng công ty công ngh; (3) Trung Quc chm dt ăn cp tài sn trí tu ca Hoa Kỳ ; (4) Trung Quc gim thuế quan cho hang M vào 2020 ; (5) Trung Quc không tr đũa Hoa Kỳ gm c nông dân Hoa Kỳ ; (6) Trung Quốc m th trường cho đu tư ca Hoa Kỳ.

Chiến tranh thương mi gia Hoa Kỳ và Trung Quc s không có bên thng bên thua. mà c hai phe đu đang thua và s tiếp tc thua. Nếu càng kéo dài đôi bên s càng thua đm. Chiến tranh thương mi hiện nay đang to ra nhiu bt n. S bt n tr nên trm trng hơn mt cách không cn thiết vì cách làm vic tùy hng, tin hu bt nht ca ông Trump. S bt n khiến các công ty tm ngưng phát trin, gim chi tiêu đ tránh ri ro. Thêm vào đó, thuế quan làm gia tăng giá cả, gim xut nhp cng, gim tiêu th. Hu qu tiếp theo khó tránh được là kinh tế s co cm li. Tình trng này áp dng cho c Hoa Kỳ và Trung Quc.

Khi cảm nhn được s thit hi to ln đôi bên s phi ngi li và tìm gii pháp dung hòa dù tm thi. Đây có th là mt kch bn rt có th xy ra. Dù đôi bên tìm được gii pháp có th chp được, mi bang giao gia hai nước s không th nào tr li được như trước ngày Trump tuyên chiến và có th cn nhiu năm đ gii quyết nhng mâu thun thương mi.

Kinh tế Hoa Kỳ tri qua mt thi kỳ phát trin lâu dài nht bt đu t 2009, thi Tổng thống Obama, hin nay đang bt đu chm li. Văn Phòng Ngân Sách Quc Hội (Congressional Budget Office – CBO) dự đoán mc phát trin kinh tế ca Hoa Kỳ trong năm 2019 s là 2,3% so vi 2,9% vào năm trước và s xung còn 1,8% vào 2020, dưới mc trung bình lch s.

Cuộc điu nghiên ca Bank of America vào tháng va qua cho thy rằng tình trng kinh tế trì tr là mi lo ngi th ba sau thương mi và Trung Quc và sc sut v tình trng trì tr trong 12 tháng ti ln đu tiên lên cao đến 25% k t tháng 7/2016. Khong 70% nhng nhà kinh tế được hi nhn đnh rng tình trng kinh tế trì tr đã gn k.

Chính Tổng thống Trump gn đây không còn tranh cãi v kinh tế trì tr na. Trong ln tiếp xúc vi báo chí ti Nhà Trng vào cui tháng 8, ông cũng đã phi tha nhn rng chiến tranh thương mi vi Trung Quc có th có nhng nh hưởng tiêu cực đi vi Hoa Kỳ, nhưng đó là cái giá phi tr đ đương đu vi Trung Quc.

Nguyễn Quốc Khải

Nguồn : VOA, 23/09/2019

Published in Diễn đàn

Vào ngày 12/8 va qua S Quc Tch và Di Trú Hoa K (US Citizenship & Immigration Service USCIS) đã chính thc thông báo lut l hành chánh mi đ xin th xanh và nhp quc tch Hoa K.

green1

Lut l hành chánh mi này s được áp dng vào ngày 15/10/2019. Vì là lut l hành chánh nm trong phm v trách nhim ca hành pháp cho nên chánh quyn ca Tổng thống Trump không phi trình Quc Hi Hoa K cu xét mi được thi hành. Lut l mi s không có tính cách hi t. Điu này có nghĩa là không áp dng cho nhng người đã có th xanh.

Lut l hành chánh mi đưa ra nhng đòi hi chi tiết mi đ xin th xanh và nhp tch Hoa K mà trước đây không có. Do đó vic xin th xanh và nhp tch s khó khăn hơn trước. Nhng điu kin mi bao gm li tc, trình đ hc vn, trình đ Anh ng, k năng chuyên môn, sc khe, tui và tình trng gia đình.

Thc ra trước đây lut di dân đu tiên ca Hoa K 1882 đã đòi hi nhng người mun tr thành thường trú nhân phi chng minh rng h s không tr thành gánh nng xã hi (public charge). Đến năm 1952 và sau đó vào năm 1996, Quc Hi Hoa K đã tái xác nhn qui lut này. Theo tiêu chun áp dng t 1999, gánh nng xã hi được đnh nghĩa là ch yếu ph thuc vào tr cp tin mt, tr cp ca chính ph. Nhưng lut l mi chi tiết hóa và m rng nhng điu kin đ có th làm cho nhng ng viên này tr thành không đ tiêu chun. Đnh nghĩa mi quy đnh rng người nào rt có th nhn tr cp ca chính ph trên 12 tháng trong khong thi gian 36 tháng, s là gánh nng xã hi. Nếu mt người nhn hai tr cp s tính thành hai tháng.

Chương trình di dân trước đây nhn mnh v liên hê gia đình như nhng trường hp di dân bo lãnh cho cha m, con cái và anh ch em. Khong 2/3 trường hp trước đây nm trong din này. Chương trình di dân mi căn c vào kh năng t lp, trách nhim cá nhân và s không chp nhn người nào hin nay là hay có tim năng tr thành gánh nng cho xã hi trong tương lai.

Điu kin quan trng nht xem ra là tiêu chun li tc. M, mc li tc dưới 64.000 USD/năm cho mt gia đình bn người được xếp vào nghèo (federal poverty guidelines). Theo lut l di trú mi, người có li tc gia đình ch bng 250% hay thp hơn mc nghèo liên bang, tc là khong 25.600 USD/năm s không đ điu kiên đ di dân vào M. Con s cho 2019 là 25.750 USD.

Đ chng minh li tc nhng người mun xin th xanh s phi np giy khai thuế li tc trong ba năm và lit kê nhng vic đã làm.

Trong quá kh, 78% gia đình mà người đng đu không phi là công dân Hoa Kỳ ch có trình đ trung hc tr xung. Do đó, lut l mi đòi hi trình đ hc vn ca di dân phi cao hơn.

Nhng di dân tng nhn tr giúp ca chính ph liên bang, tiu bang và đa phương s gp nhiu khó khăn đ xin tr thành người thường trú. Tr giúp ca chính ph liên bang bao gm phiếu thc phm (food stamp hay tên chính thc là Supplemental Nutrition Assistance Program), tr cp nhà (Housing Assistance), bo him y tế Medicaid, Tr Cp Tm Cho Nhng Gia Đình Nghèo (Temporary Assistance for Needed Families - TANF) trong khi tìm vic làm, Ph Cp Li Tc (Supplemental Security Income SSI) hay còn gi là tr cp tin mt cho nhng người già hay tàn tt, Hoàn Tr Thuế Li Tc (Earned Income Tax Credit) bt thuế cho nhng người có li tc thp hoc trung bình, đc bit cho nhng gia đình có con.

Chính ph liên bang cung cp ngân khon cho sáu chương trình an sinh xã hi k trên. Các tiu bang qun tr nhng chương trình này và có th có thêm vài chương trình an sinh xã hi ca tiu bang.

Tuy nhiên có mt s chương trình an sinh xã hi không b chi phi bi lut l di dân mi. Nhng chương trình ngoi l này gm có tr giúp người t nn (refugee), người t nn chính tr (asylum seeker), quân nhân, tr em, ph n mang thai, sinh viên vay n đ đi hc, ăn trưa trường hc, bo him sc khe cho tr em, ngân hàng thc phm (Food Pantries), nhà trú cho người vô gia cư, bo him y tế cho tr em (Medicare for Minors), tr giúp bo him y tế khn cp (Emergency Medicare Assistance) và tr cp tai ha (Disaster Refief).

Trong khong hai năm qua, sau khi bn tho lut l mi được ph biến nhiu người ln trong nhng gia đình di dân đã không xin tr cp xã hi ca chính ph trong năm 2017 và 2018 vì s không xin được th xanh. Theo cuc nghiên cu ca Urban Institute, khong 14% trong s gia đình di dân đã không xin tr cp dù h đ tiêu chun đ xin hưởng an sinh xã hi.

Trên thc tế s công dân M xin tr cp chính ph, đc bit người da trng vì s người da trng chiếm trên 72% tng s dân M, nhiu hơn s di dân. Tht vy, tài liu nghiên cu ca Associated Press, s di dân xin tr cp ch chiếm 6,5% s người xin Medicaid và 8,8% s người nhn tr cp thc phm.

Theo thng kê ca Kaiser Family Foundation, trong s 59.121.200 người được hưởng Medicaid vào 2015, người da trng chiếm 42,2%, Hispanic chiếm 30,6%, da đen 18,9% và các sc dân khác 8,4%.

Chi tiêu v an sinh xã hi đã chiếm mt t l rt cao trong ngân sách liên bang Hoa K, khong 48%.

Khong 4 triu người hin đang sng trên đt M s b nh hưởng ca lut lê di dân mi. Nhng người s b nh hưởng nhiu nht bi điu kiên di trú mi là nhng người gc Phi Châu, Trung và Nam M và Á Châu.

Trong quá kh, khong 69% s người đã có th xanh đã vi phm mt trong nhng điu kin di dân mi và 43% vi phm hai điu kin. Nói v xut x, 27% người Âu Châu vi phm hai hay ba điu kin, trong khi đó con s ca người M Tây Cơ và Trung M là 60% và người Á Châu là 41%.

Dân s nước M vào 2018 là 329,3 triu người. Người da trng chiếm 72,4%, da đen chiếm 12,6%, Á Châu 4.8%, th dân 1,1%, s người lai nhiu sc tc 2,9%, s người khác 6,2%. S người gc Tây Ban Nha (Hispanic) nm trong c ba sc dân trng, đen và Á châu, chiếm 16,3% tng s dân Hoa K.

S người sng M nhưng sanh đ ngoi quc là 43,5 triu người. Trong đó có 11,1 triu người bt hp pháp, 1.7 triu người tm hp pháp, 11,7 triu người có th xanh và 19 triu người là công dân Hoa K. Nhng người hp pháp tm và nhng người có th xanh, tng cng là 13,4 triu, s chu nh hưởng ca lut l mi.

Trong 2018, USCIS đã cp 638.000 th xanh và các tòa đi s Hoa K đã cp 533.000 h chiếu di dân. Sau khi lut l mi có hiu lc các con s này s gim đáng k.

Có mt s t chc phi chánh ph phn đi lut l di dân mi vì nó trao cho các viên chc di dân quá nhiu quyn hành đ quyết đnh xem di dân có tr thành gánh nng xã hi hay không.

Lut sư di trú đng thi là mt cu viên chc lãnh s quán ca Hoa K trong thi gian 2011-2018 Christopher Richardson va góp ý trên t Washington Post rng nên hy b lut l di trú v gánh nng xã hi vì trong quá kh nó đã b lm dng như mt võ khí đ loi tr nhng nhóm người vào nước M như nhng người Công Giáo Irish vào các thp niên 1840 và 1850, nhng người Đông Âu và Nam Âu vào thp niên 1880 và nhng người Do Thái vào thp niên 1930.

T chc Catholic Legal Immigration Network nói rng "Chính quyn Trump đang tìm cách qua mt Quc Hi đ thc hin mt h thng di dân da trên giá tr. Đây là cách gián tiếp đ cm đoán nhng người có li tc di cư đến Hoa K".

Trung Tâm Lut Di Trú Toàn Quc (National Immigration Law Center) đt tr s ti Los Angeles tuyên b s kin chính ph ra tòa vì lut l mi có th thay đi h thng di dân hp pháp, làm gim s di dân lut pháp cho phép mà không thông qua Quc Hi và tước quyn công dân ca nhng cng đng da mu và ưu đãi người giu".

Tiu bang California, cùng vi District of Columbia, Maine, Pennsylvania và Oregon đã khi đơn kin chính ph Trump v lut l di trú mi cũng vì nhng lý do va nêu. California là mt tiu bang có s di dân đông nht nước M vào khong 10 triu người. Khong 50% s di dân California đã tr thành công dân M. Khong 5 triu người còn li s b nh hưởng ca lut mi. Trong khi đó Texas có 3 triu người s b chi phi bi chính sách di trú cng rn ca Tổng thống Trump, so vi New York và Florida mi nơi có 2 triu người.

Nguyễn Quốc Khải

Nguồn : VOA, 24/08/2019

Published in Diễn đàn

Đồng bào thiu s Vit Nam tiếp tc b tước đot quyn làm người. Tình trng này tr nên ti t hơn nhiu k t đu 2019 đến nay. Đng bào thiu s bao gm người Thượng (Montagnard), người Mông (H’mong), người Chàm và người Khmer-krom. Phn đông đng bào thiểu s theo đo Tin Lành Phúc Âm hay Công Giáo. Nhng mc sư, tr tế và người theo đo thường xuyên b chính quyn cộng sản Việt Nam sách nhiu đàn áp. Nhà th thường hay b b ráp và phá hy.

nhanquyen1

Phái đoàn mục sư M Vit hp vi Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo quốc tế. (Hình : Khai Nguyen)

Đứng trước thm ha trên, trong tun va qua, mt phái đoàn gm 20 mc sư Tin Lành M và Vit t nhiu nơi Hoa Kỳ đã đến th đô Washington đ vn đng cho quyn con người ca các sc tc thiu s ti Vit Nam. Bn mc sư M gm các ông Ernie Sanders, Hal Larsen và John Donelan thuộc Word Baptist Church, Ohio và Donovan Larkins, Spirit of Life Christian Center, Dayton, Ohio.

nhanquyen2

Phái đoàn mục sư M Vit hp vi Dân biểu Lou Correa. (Hình : Khai Nguyen)

Phái đoàn đã viếng thăm văn phòng ca mt s ngh sĩ, dân biu Hoa Kỳ, y hi Nhân quyn quc tế Tom Lantos, y hi Hoa Kỳ cho T do Tôn giáo quc tế tổ chc Victims of Communism Foundation.

Đồng bào thiu s b đàn áp mt cách tàn bo

Mục sư Y Hin Nie thuc United Montagnard Christian Church, Greenboro, North Carolina đi din cho khong mt triu tín đ người Thượng, người Mông và Khmer-krom ti Vit Nam thuộc 54 b lc, gm các giáo phái Evangelical Christian Fellowship, Baptist, Presbyterian, Mennonite và Montagnard Catholic church. Ông nói rng trên 50 mc sư và trên 400 người theo đo Vit Nam b bt gi. Hu qu là khong t mt đến hai ngàn tr em thiếu cha và khong 1.000 bà v có chng mt tích. Hc sinh Thượng ra trường b t chi vic làm vì theo đo Thiên Chúa.

Mục sư Y Hin Nie kêu gi chánh ph Hoa Kỳ giúp đ đ Hà Ni chm dt tình trng đàn áp các sc dân thiu s, tôn trng quyn t do tôn giáo, trả li tài sn cho các giáo hi, cho phép nhng nhà lãnh đo tôn giáo được tham d nhng khóa hun luyn trong và ngoài nước, tr t do cho tù nhân lương tâm, đc bit cho phép phái đoàn Hoa Kỳ và Liên Hip Quc đến Vit Nam đ điu tra và sau cùng là xếp Vit Nam tr li danh sách nhng quc gia cn lưu tâm v t do tôn giáo.

Hiện nay có 498 người thiu s đã chy trn qua Thái Lan. Trong s này có 145 người Thượng, 75 người Khmer-krom, 278 người Mông. Ngoài ra có khong 300 người Vit Nam. H trông mong được đnh cư nước th ba. Trong khi ch đi được văn phòng Cao y T nn Liên Hip Quc cp quy chế t nn, h vn có th b bt tr v Vit Nam.

Theo một báo cáo ca Hi đng Dân tc bn x ti Vit Nam ngày nay (Council of Indigenous Peoples in Today’s Vietnam), chính quyền cộng sản Việt Nam theo rõi và kim soát cht ch nhng cng đng dân bn x, cm đoán nhng sinh hot văn hóa, cm s dng ngôn ng và tên bn x và thường xuyên bt b và giam cm h mà không có lý do. Vài năm trước đây, nhà sư Khmer-krom nổi tiếng Thch Thương tng b bt giam và b đánh đp ch vì ông d đnh m trường dy tiếng Khmer cho tín đ. Nhng người dân bn x còn b ép nga thai, phá thai và tiêu dit kh năng sinh đ.

Chính quyền cộng sản Việt Nam ch ý gi tt c nhng người dân bn xứ là dân thiu s, không công nhn h thuc sc dân Thượng, Chàm hay Khmer-krom đ không có nhim v bo v h theo Tuyên ngôn v Dân bn x ca Liên Hip Quc.

Chính quyền cộng sản Việt Nam còn gây áp lc vi chính quyn ca nhng nước lân cn đ buc h gi tr v những người trn ra khi Vit Nam đ lãnh nn. Theo báo cáo vào tháng 11/2018 ca y Ban Chng Tra Tn (Committee Against Torture), có 698 trường hp người t nn b ép tr v Vit Nam, vi phm Quy Ước T Nn Liên Hip Quc. Khi v Vit Nam h b đi s n nhng ti phm.

nhanquyen3

Mục sư Ernie Sanders góp ý kiến ti y hi Hoa Kỳ v T do Tôn giáo quc tế. (Hình : Khai Nguyen)

Những người dân bn x b cm không cho làm đơn xin hc bng Fulbright và nhng cơ hi giáo dục khác bt k kh năng ca h. Mt thiu s đước cho phép ra nước ngoài phi chng t có quan h vi Đng cộng sản Việt Nam hoc phi làm tình báo cho nhà nước.

Nghị Quyết huyện Res 435

Hai dân biểu Hoa Kỳ Harley Rouda (Dân ch, California) và Ted Budd (Cng hòa, North Carolina) đã đệ trình H Vin Hoa Kỳ ngh quyết huyện Res 435 vào hai tun trước. Ngh quyết này ghi nhn nhng đóng góp ca người Thượng Tây Nguyên, h tr đng minh Hoa Kỳ trong chiến tranh Vit Nam và t cáo s đàn áp nhân quyn ca chính quyn Hà Ni.

Mục sư Nguyn Công Chính và nhiu t chc sc tc thiu s đã giúp son tho ngh quyết 435. Ông đã kêu gi các dân biu Hoa Kỳ và Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo quốc tế ng h đ ngh quyết này được sm thông qua H Vin. Đng thi ông cũng kêu gi các dân biểu bo lãnh mt s tù nhân lương tâm thuc sc dân thiu s và vn đng cho h được tr tư do và được đnh cư ti Hoa Kỳ. Cho ti nay chưa có mt người dân thiu s nào được hưởng đc ân này. Trong khi đó không ít tù nhân lương tâm Vit Nam đã được bảo lãnh qua M.

nhanquyen4

Phái đoàn viếng thăm văn phòng ca DB Christopher Smith. (Hình : Khai Nguyen)

Mục sư Chính đã trình by trường hp toàn b mt gia đình sc tc Jarai tại Daklak b đàn áp tàn bo. Cha bà Hra b Công an tra tn khiến mang bnh tâm thn. Đt đai và tài sn ca gia đình b chính quyền cng sn cưỡng chiếm. Chng bà Hra b bt giam đn công an huyn Ea Hleo, tnh Daklak. Sau khi chng b bt giam, người ph n sc tc này b năm nhân viên Công an cưỡng hiếp tp th liên tc nhiu ngày và cui cùng bà và hai con nh phi chy qua Thái Lan xin t nn vì lý do t do tôn giáo. Trên đường chy t Vit Nam sang Thái Lan bà và mt ph n sc tc khác và hai đa tr nh cùng trên đường chy trn li tiếp tc b hai người dn đường cưỡng hiếp. S phn ca gia đình Jarai tht đáng thương. H rt cn s giúp đ. May mn thay bà Hra và hai đa con đã được văn phòng Cao ủy Tị nạn Liên Hip Quc cp giy chng nhn là người t nn. Hội đồng các Sắc tộc và Tôn giáo Vit Nam đang vn dng xin cho bà và hai con qua đnh cư ti M.

Ông Tan Dara Thach, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc bản xứ ti Vit Nam Ngày Nay, cho biết, các v mc sư Hoa Kỳ vi nhng kinh nghim ngoi giao rng rãi và quý báu đã giúp cho phái đoàn trong việc tiếp súc vi chinh quyn và Quc Hi Hoa Kỳ.

Nguyễn Quốc Khải

Nguồn : VOA, 01/07/2019

Published in Diễn đàn

Donald Trump thắng c vào 2016 nh s ng h ti đa và nông nhit ca c tri vùng thôn quê và đặc bit là nông dân. Theo mt nghiên cu ca National Public Radio (NPR), càng đi sâu v nhng vùng ho lánh, ít người, c tri càng ng h Trump và đng Cộng hòa. Mt cách tng quát, 62% c tri nông thôn ng h Trump và đng Cộng hòa, 34% ng hộ Clinton và đng Dân Ch và 4% còn li ng h các ng c viên khác.

nongdan1

Biểu đồ lượng đu nành nhp cng ca Trung Quc.

Bối cảnh nông thôn

Theo thống kê 2017 ca B Canh Nông, Hoa Kỳ có 2.04 triu nông tri và tri nuôi gia súc. Nhng nông tri này đã đóng góp cho nn kinh tế Hoa Kỳ 389 t M kim vào 2017. Diện tích trung bình ca nông tri nói chung là 441 mu Anh (0,.4 hecta), nhưng có 273,000 nông tri nh t 1-9 mu Anh và 85,127 nông tri ln có t 2,000 mu Anh tr lên, chiếm 60% tng s đt nông nghip ca Hoa Kỳ. V li tc, Hoa Kỳ có 76,865 nông trại thu nhp t mt triu M kim tr lên hàng năm và 1.56 triu nông tri có thu nhp t 50,000 M kim tr xung. Nhng con s này cho thy là nông dân Hoa Kỳ không thuc gii nghèo.

Đời sống nông thôn đảo lộn vì thuế quan

Hai năm trôi qua, tình hình nông thôn hoàn toàn thay đổi. Nông dân Hoa Kỳ đang ngm đng nut cay vì chiến tranh thương mi gia Hoa Kỳ và Trung Quc đã làm cho th trường nông phm sp đ.

Thât vậy, sau khi áp đt thuế 30-50% trên solar panel và máy git vào tháng 1, 2018 và áp đt thuế nhập cng 10% trên nhôm và 25% trên thép vào tháng 5, chính quyn Trump đã áp đt 25% thuế nhp cng quy mô hơn trên s hàng Trung Quc tr giá 50 t M Kim trong hai đt khác nhau và áp đt 10% thuế nhp cng trên mt lượng hàng Trung Quc tr giá 200 tỉ Mỹ kim vào cui năm. Trung Quc đã tr đũa bng cách đánh thuế 25% trên nông phm ca Hoa Kỳ đng thi Trung Quc tìm mua nông phm t nhng quc gia khác như Brazil, Argentina, Canada, Autralia và Thái Lan.

nongdan2

Trung Quốc mua ca Hoa Kỳ mt s lượng đu nành trị giá 9.1 t M kim trong thi gian t tháng 10, 2017 đến tháng 3, 2018 trước khi thuế quan được áp dng. S lượng đu nành gim xung còn 1.88 t M kim trong thi gian t tháng 10, 2018 đn tháng 3, 2019 sau khi thuế quan được áp dng.

Một s nước khác như Canada, Mexico, Brazil, Argentina và Liên Hiệp Châu Âu cũng áp đt thuế quan trên nông phm và mt s hàng khác ca Hoa Kỳ. Liên Hiệp Châu Âu áp đt thuế quan trên tng s hang hóa ca Hoa Kỳ tr giá 3,4 t M Kim bao gm nông phm và mt s hàng khác như xe gắn máy Harley-Davidson, qun áo Levis, rượu bourbon, thép đ tr đũa vic Hoa Kỳ áp đt thuế trên thép và nhôm. Tng s nông phm Châu Âu nhp cng t Hoa Kỳ tr giá khong 951 triu Euro.

Tổng thống Trump ch trương m nhiu mt trn thuế quan cùng một lúc từ Bc M, xung Nam M, qua Châu Âu, đến Trung Quc, Nht và Nam Hàn là mt trong nhng sai lm nghiêm trng.

Kết qu là nông phm ca Hoa Kỳ bao gm đu nành, bp, lúa mì, tht heo, đng. Theo báo cáo ca B Canh nông Hoa Kỳ, s lượng đu nành tồn kho tăng 29% so với năm ngoái. Nh giá nông phm lên cao, li tc dòng ca nông nghip Hoa Kỳ lên ti 123 t M kim vào 2013, nhưng xung ch còn 59,5 t M kim vào năm va qua. Cũng trong thi gian này, li tc dòng ca mt nông tri trung bình là 437.000 Mỹ kim vào 2013 và 339.300 M kim vào 2018.

Giá nông phẩm ca Hoa Kỳ xung thp làm cho nông dân Hoa Kỳ b khn kh đáng k. Giá đu nành đã gim 30% và giá vào gia tháng 5, 2019 xung ti mc thp nht trong 10 năm qua là 8,3150 M kim / bushel (35,24 lít). Ông John King, mt nông dân Arkansas, cho biết giá mt bushel đu nành là 17 M kim vào 2012, 10 M kim vào 2017 và 8 M kim vào năm va qua. Ông y nói ông không có la chn nào khác ngoài vic phi bán hết s đu nành còn li trước khi thu hoch mùa gt năm nay.

Thông thường Trung Quc mua mt s lượng đu nành tr giá khong 12 t M kim, nay vì tranh chp thương mi, Trung Quc xoay qua mua đu nành hu hết ca Brazil. Trong khi đó. nông dân Hoa Kỳ không kiếm được th trường nào khác mt khi Trung Quc ngưng mua nông phm ca Hoa Kỳ, khiến ông Trump phải yêu cu B Canh nông mua nông phm ca nông dân đ cho không các nước nghèo sau này.

Ảnh hưởng dây chuyền của thuế quan

John Deere là công ty sản xut máy móc nông nghip ni tiếng ca Hoa Kỳ, cũng đang b v lây vì tranh chp thương mi. Trước đây công ty này tiên đoán doanh thu s tăng 7% trong năm 2019, nay đã phi h thp xung còn 5% và gim mc li t 3,6 t M kim xung còn 3,3 t M kim. Tranh chp thương mi to ra bt n khiến nông dân trì hoãn đu tư ln vào máy móc.

Theo một cuc điều nghiên ca Purdue University và Chicago Mercantile Exchange (CME) Group vào tháng 4 va qua, ch có 22% nông dân nghĩ rng lúc này thun tin đ đu tư ln vào nông tri.

Không phải ch có nông dân hay gii tiêu th b thit hi, mà nh hưởng ca thuế s liên quan đến mi người. Theo mt cuc nghiên cu ca Trade Partnership Worldwide, ti thi đim này mc thuế quan hin nay, mi gia đình Hoa Kỳ trung bình phi chi thêm 700 M kim mi năm. Nếu ông Trump áp đt 25% thuế quan trên tt c hàng Trung Quốc như ông liên tiếp đe da, mi gia đình s phi chi thêm 2.300 M kim hàng năm và Hoa Kỳ s phi đi phó vi hu qu mt 2,2 triu vic làm. Dĩ nhiên, kinh tế ca Hoa Kỳ, Trung Quc và nhiu nước khác s co cm li.

Harley-Davidson quyết đnh chuyn mt số b phn sn xut xe gn máy t Hoa Kỳ qua Thái Lan đ tránh thuế quan ca Liên Hiệp Châu Âu. Châu Âu là mt th trường quan trng ca xe gn máy sau Hoa Kỳ. Harley-Davidson bán được gn 40.000 xe gn máy ti Châu Âu. Vi thuế quan t 6% - 31% hin nay làm cho giá xe gắn máy tăng trung bình là 2.200 M kim. Công ty đã tm thi không tăng giá và chu thit khong 30 – 45 triu M kim trong năm 2018. Nhưng thuế quan ca Liên Hiệp Châu Âu s còn d trù tăng lên đến 56% vào năm 2021.

Nếu ông Trump có th cu được tt c khong 140.000 việc làm trong khu công ngh thép - nhôm bng cách tăng thuế quan trên thép và nhôm nhp cng, ông y s gây ri do cho 5 triu vic làm trong nhng công ngh s dng thép vì giá thép và nhôm ca Hoa Kỳ cao hơn giá thế gii ln lượt 20% và khong 7-10%. Không biết bao nhiêu sn phm ca Hoa Kỳ mt phn làm bng nhôm và thép, t lon Coca Cola, xe Chevrolet đến Boeing 787. Nhng công ty sn xut thép và nhôm ca Hoa Kỳ hưởng li vì thuế nhp cng và nhng công ty s dng thép và nhôm cùng vi gii tiêu th đang bị thit thòi. Nếu Hoa Kỳ bán được ít sn phm dùng nhôm và thép, cán cân thương mi ca Hoa Kỳ thiếu ht thêm ch không gim. Ngoài ra, 3,4 triu nông dân, trong đó có 300.000 người trng đu nành, cũng b nh hưởng.

Nông dân lên tiếng

Cách đây vài ngày ba nhóm nông dân lúa mì, đậu nành và bp đã hp và lên tiếng chng li gii pháp gia tăng thuế quan mi nht ca ông Trump đã làm cho cuc tranh chp thương mi sôi sc thêm. Ba nông phm này chiếm 171 triu mu Anh đt nông nghip ca Hoa Kỳ. Ông Lynn Chrisp, Chủ tch Hip hi Nông dân Sn xut Đu nành Toàn quc tuyên b "Nông dân lâu nay kiên nhn và bng lòng ch đi kết qu ca các cuc thương lượng, nhưng vi mi ngày trôi qua, s kiên nhn vơi dn đi. Nông nghip cn s chc chn, không cn thêm thuế quan".

Cũng cách đây vài ngày, Patty Edelburg, Phó Chủ tch ca Hip hi Nông dân Toàn quc (National Farmers Association) có tr s đt ti Washington, đi din 200.000 nông tri, xut hin trên màn hình ca Fox News, trình by v tình trng khn khổ của nông dân đang phi đi phó vi li tc và giá suy gim. Hu qu qu là nhiu nông tri đã phi phá sn. S nông tri rao bán tăng gp đôi.

Theo báo cáo của Ngân hàng D tr Liên bang ti Minneapolis, Minnesota, s nông tri phá sn ti sáu tiu bang ở miền Trung Tây tăng 30% trong năm 2018. First Midwest Bank Chicago cho biết trường hp tr n không đúng hn tăng 287% cũng trong năm va qua.

Tổng thống Trump tiếp tc kêu gi nông dân kiên nhn, hi sinh, yêu nước. Ông Christopher Gibbs, mt nông dân ở Ohio, nói trong một cuc phng vn truyn hình ca CNN cách đây ba ngày rng chiến tranh thương mi gia Hoa Kỳ và Trung Quc đã làm cho nông dân "rơi t do" vi li tc gim đt ngt đáng k. Ông nhn xét rng li cám ơn nông dân yêu nước (patriot farmers) hi sinh chịu đng gánh nng, gây ra bi thuế quan, ca Tổng thống Trump và các đng minh Cng hòa là xo ngôn r tin (cheap rhetoric) dùng đ bt ming nông dân, nhưng ông s không yên lng.

Vào đầu tháng 5 va qua, Tổng thống Trump quyết đnh tăng thuế quan mt ln na t 10% lên 25% trên mt s hàng Trung Quc tr giá 200 t M kim. Trung Quc đáp tr bng cách tăng thuế trên 60 t M kim hàng ca Hoa Kỳ. Tranh chp thương mi căng thng tr li và có nguy cơ kéo dài thêm khiến mt s thành viên Quốc hội thuc đng Cộng hòa đã phi công khai lên tiếng bênh vc nông dân và ch trích chính sách ca ông Trump.

Thượng nghị sĩ Charles E. Grassley (Cộng hòa, Iowa), Chủ tịch y ban Tài chánh Thượng vin, tuyên b ông s viết thư trình by nhng lo âu ca nông dân. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell (Cộng hòa, Kentucky), Lãnh t đa s Thượng vin, lên tiếng "Không ai thng cuc chiến thương mi ngoi tr cui cùng đt được tha hip, sau đó b thuế quan đi".

Nhưng không phi thành viên Quốc hội nào cũng đng ý vi nông dân. Thượng nghị sĩ John Kennedy (Cộng hòa, Louisiana) ng h đường li ca Tổng thống Trump. Ông nói rng nông dân phi chu đng trong "ngn hn" đ mnh tay vi Trung Quc v thương mi.

Cứu trợ nông dân

Vào tháng 8 năm vừa qua, Tổng thống Trump quyết đnh dành 12 t M kim t tiền quỹ thuế quan đ giúp nông dân đang b khó khăn vì tranh chp thương mi qua ba gii pháp : tìm th trường xut cng mi, tiêu th nông sn thng dư và tr tin trc tiếp cho nhng nông dân sn xut đu nành, bp, lúa mì, bông gòn, lúa miến (sorghum), sa và heo. Cách đây vài ngày, ông Trump cho biết ông d trù dành thêm 15 t M kim đ tr giúp nông dân. Ông Trump vn tiếp tc nói mt cách sai lm rng tin thuế này do Trung Quc tr.

Biện pháp tr giúp này ch có tích cách tm b đ xoa diu s tc gin ca nông dân và trên thc tế có nghĩa là ly tin thuế ca người tiêu th hàng Trung Quc đ giúp không cho nông dân có nông sn thng dư vì Trung Quc áp thuế và mua ca nước khác. Nông dân tht s là nn nhân. H mun có mt gii pháp dài hn vi th trường để bán nông phm, ch không mun nhn tin bi thường. Đi vi nông dân đây gin d là mt bin pháp b thí, không vinh d.

Một s nông dân Hoa Kỳ nghi ng qu cu tr này. Ông John Wesley Boyd, s hu ch mt nông tri c trung bình min nam Virginia, cho biết rng ông chưa nhn được mt đng xu nào t qu này và ông nghĩ rng ch nhng nông tri ln mi được hưởng tin cu tr.

Lời kết

Hoa Kỳ nhập cng mt s hàng ca Trung Quc tr giá 540 t M kim so vi 120 t M kim Trung Quc mua ca Hoa Kỳ. Vì vậy ông Trump có th nghĩ rng ông s có nhiu quân bài đ hù da ông Tp và ông s đánh bi ông Tp. Trong trường hp này cuc chiến s còn kéo dài. Nông dân Hoa Kỳ không đ sc đ ch đi. Nông nghip ph thuc vào thi tiết. Nông dân ch có th du di mt hai tun đ bt đu v mùa mi đ 3-6 tháng sau gt hái. Thât vy, nhiu bn tin đã cho thy s n ca nông dân đã gia tăng trong hai năm gn đây và s nông tri khai phá sn nhiu hơn.

Tuy nhiên đây mới ch là khi đu. Tình trng tài chánh ca nông dân sẽ tr nên ti t hơn trong nhng tháng ti. Nông dân đang phi đi phó vi muôn vàn khó khăn khi mà nông sn không bán được còn đng trong kho, trng thêm hoa mu mùa xuân này thì bán cho ai, ngi ch thi cơ ly tin đâu tr n.

Tổng thống Trump t mnh danh là mt "tariff man" (mt người thuế quan). Ông tng tuyên b "Chiến tranh thương mi tt và d thng". Trên thc tế chiến tranh thương mi không d thng chút nào mà mi phe có th đu thua. Đi vi nông dân, chiến tranh thương mi ca ông Trump đã thua ở Mt trn Nông thôn.

Thời gian không v phe vi Hoa Kỳ như trong nhng cuc chiến tranh gn đây, đc bit là chiến tranh ti Vit Nam. Trong khi đó Trung Quc có sc chu đng cao và ông Tp không phi đi phó vi t do báo chí, nhng cuc ni lon của nông dân hay đng đi lp.

Nguyễn Quốc Khải

Nguồn : VOA, 21/05/2019

Published in Diễn đàn

Nhà Trắng đã đ trình Quốc hội Hoa Kỳ d án ngân sách liên bang Hoa Kỳ cho tài khóa 2020 (1/10/2019 – 30/09/2020). Đây là d án ngân sách th ba k t ngày ông Donald Trump nhim chc tng thng. Ngay lp tc nhiu nhà lp pháp thuộc Đảng Dân chủ đã tiên đoán rng d án ngân sách này sẽ chết yu. Dân biểu John Yamuth (Dân chủ, Kentucky), Chủ tịch y ban Ngân sách H vin, nhn xét "Mt ln na Tổng thống Trump li đưa ra mt tm nhìn vô trách nhim và không đáng tin cy v quc gia". Ngay c mt s thành viên Quốc hội thuộc Đng Cộng hòa cũng không tán thành.

budget1

Một tim bo him qung cáo chương trình Obamacare San Diego.

Nét chính của Ngân sách 2020

Tổng thống đ ngh mt ngân sách 4,7 ngàn t M kim cho tài khóa 2020 s bt đu có hiu lc vào mùa thu này nếu được Quốc hội thông qua. Theo ngân sách 2020, các b s được tăng ngân sách là Quốc phòng, Cu Chiến binh, Ni an và Cơ quan Qun tr Hàng không và Không gian. Các b s b gim ngân sách gm Ngoi giao, Ni v, Canh nông, Giáo dc, Năng lượng, Y tế và Dch v Nhân sinh, Gia cư và Phát trin Đô th, Vn ti, Môi trường và Cục Công binh. Riêng có B Thương mi được thêm tin vì s phi thc hin cuc kim tra dân s vào 2020 theo đnh kỳ 10 năm mt ln.

Ngân sách 2020 cũng yêu cầu chương trình gim thuế li tc cá nhân theo Đo lut Gim thuế và vic làm (Tax Cuts and Jobs Act) được gia hn quá năm 2025.

Ngân sách sẽ tiếp tc thiếu ht vì li tc chính ph thu vào ít đi do chính sách gim thuế ca ông Trump, mc dù vic hoch đnh ngân sách đã da vào nhng gi thuyết kinh tế phát trin kh quan cho 10 năm ti mt cách không thực tế. Ông Trump rõ rt ch trương duy trì chính sách gim thuế chính yếu làm li cho nhng công ty và gii giu có, trong khi đó tìm cách gim ngân sách thiếu ht bng cách ct bt quyn li ca gii nghèo.

Chúng ta sẽ bàn sâu vào chi tiết ca ngân sách quốc gia 2020 các phn kết tiếp.

Chi tiêu quốc phòng và an ninh quốc nội tăng

Ngân sách của Bộ Quốc phòng s được tăng 5%. Ngân sách ca B Cựu Chiến binh và B Ni an s được tăng khong 7,5%. Ông Trump s s dng Cơ quan Qun tr Hàng không và Không gian vào việc thành lp Lc lượng Không gian nên ngân sách ca cơ quan này cũng s được gia tăng. Mc dù mi tht bi trong vic yêu cu Quốc hội chun chi 5,7 t M kim cho bc tường biên gii mi đây liên quan đến ngân sách quc gia ca tài khóa 2019, ông Trump lại đòi hi thêm 8,6 t M kim cho bc tường trong ngân sách mi. Chc chn H Vin dưới s kim soát ca Đng Dân chủ s bác b yêu sách này ca ông Trump. Xem ra ông lp li đim này ch đ chng t là ông c gng gi li ha vi c tri ca ông.

Chi tiêu phi quốc phòng giảm

Theo dự án ngân sách 2020, chi tiêu phi quc phòng s gim t 597 t M kim xung còn 543 t M kim, tc là gim 9% trong năm 2020. Các b b nh hưởng nhiu nht là Bo v Môi trường, Ngoi giao, Năng lượng, Vn ti và Canh nông. Ngân sách của B Bo v Môi trường b gim 31%, Ngoi giao 23% và B Gia cư và Phát trin Đô th 16%. Lưu tâm quá đáng ca ông Trump v an ninh quc phòng và coi nh ngoi giao làm cho mt s cu viên chc cao cp quc phòng lo ngi.

Trong mt bn tuyên b,n 10 cu sĩ quan ch huy tác chiến, bao gm các tướng lãnh đã v hưu như David Petraeus, Anthony Zinni và Đô đc v hưu James Stavridis, đã nhn đnh rng mt mình quân đi không có th gi cho quc gia ca chúng ta an toàn. Ct gim ngân sách ngoi giao sẽ làm suy yếu an ninh và kh năng lãnh đo ca Hoa Kỳ.

Chi tiêu an sinh xã hội giảm

Cách đây không lâu tôi đã báo động trước rng đ đi phó vi thiếu ht ngân sách trm trng, Đng Cộng hòa s ct gim ngân sách ca các chương trình an sinh xã hi. Sau khi Quốc hội Hoa Kỳ vi Đng Cộng hòa kim soát c hai vin thông qua chương trình gim thuế 1,5 ngàn t M kim vào tháng 10 năm ngoái, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh t đa s Thượng viện đã tuyên b rng cách duy nht đ gim thiếu ht ngân sách liên bang là cắt gim nhng chương trình an sinh xã hi. Điu này nay đã được chính thc hóa trên giy trng mc đen, tr thành mt mi đe da đi vi nhng người nghèo nht trong xã hi, trong đó có không ít nhng người M gc Vit, tín đ ca ông Trump, mà phn ln California.

Khi tranh cử ông Trump đã ha không bao gi đng chm đến Social Security, mt chương trình lương hưu, hay Medicare, mt chương trình y tế ph thông dành cho nhng người ln tui. Nhưng nay ông đã tht ha và dùng ngân sách đ ct gim nghiêm trng c hai chương trình. Ông cho rng có nhiu chi tiêu phí phm v Medicare. Do đó cn phi duyt li nhng th tc và điu kin đ có th hưởng quyn li này. Theo ông, thay đi cn thiết s gim chi tiêu được 845 t M kim trong 10 năm.

Ông Trump cũng đề nghị ci t li toàn b chương trình Medicaid, mt chương trình y tế phi hp gia liên bang và các tiu bang dành cho người nghèo. Mt phn ca Medicaid s được d trù biến thành chương trình tr cp cho các tiu bang. Công vic này s tiết kim được 241 tỉ M kim trong vòng 10 năm. Nếu hy b c vic m rng chương trình Medicare theo lut Affordable Care Act gi tt là Obamacare, chi tiêu ca chương trình Medicare s gim được tng cng 1,5 t M kim trong 10 năm.

Ngoài ra, dự án ngân sách 2020 ca ông Trump sẽ gim khong 25 t M kim trong 10 năm đi vi chi phí v Chương trình An sinh Xã hi (Social Security) k c bo him tàn tt (disability insurance), 220 t M kim đi vi chương trình Tr giúp Dinh dưỡng b sung (Supplemental Nutrition Assistance Program), thường gi tt là phiếu thc phm (Food Stamp), 21 t M kim v Chương trình Tr giúp Tm thi cho nhng gia đình nghèo (Temporary Assistance for Needy Families), mt chương trình tr giúp tin mt cho nhng gia đình nghèo nht và 207 t M kim trong chương trình cho sinh viên vay tin đi hc. Ngay c ngân sách ca chương trình giáo dc đi hc cũng b gim 205 t M kim.

Nếu được chp thun, ngân sách 2020 s gim chi tiêu khong 3.000 t M kim đi vi các chương trình trên đây trong 10 năm. Các chương trình an sinh xã hi ca Hoa Kỳ chiếm mt t l rt cao và riêng bn chương trình Social Security, Medicare, Medicaid và Health insurance subsidies đã chiếm khong 50% ca ngân sách liên bang. Tuy nhiên vic ct gim nhng chương trình này s rt là khó khăn về phương din chính tr cũng như là v mt xã hi, vì đây là nhng chương trình ph cp đi chúng.

Ông Trump và Đảng Cộng hòa làm tăng thiếu ht ngân sách liên bang ước tính khong 2 ngàn t M kim trong hai tài khóa 2018-2019 qua chương trình giảm thuế bt đu có hiu lc t 1/1/2018, nay li ct các chương trình an sinh xã hi đ bù đp vào thiếu ht đó. Qu tht đây là mt vic làm tht sách nghiêm trng. Do đó ngân sách 2020, đc bit là nhng bin pháp ct gim các chương trình an sinh xã hội, sẽ không được Quốc hội và đa s dân Hoa Kỳ ng h. Gii quyết vn đ ngân sách nan gii cn phi có s hp tác ca c Cộng hòa ln Dân chủ. Li dng nm c lưỡng vin Quốc hội và Nhà Trng trong hai năm 2017-2018, Đng Cộng hòa đã ln lướt Dân chủ, to ra sự căng thng gia hai bên, nay Cộng hòa kêu gi s hp tác không phi d dàng.

Ngoài ra, nhiều mc ct gim chi tiêu không thc tế. Tht vy, ngân sách 2020 ca Nhà Trng gi thiết rng nhng chi tiêu phi quc phòng và không bt buc s gim 9% vào năm 2020 so với năm nay và 26% vào cui thp niên mc dù lm phát cũng mc 26% trong cùng thi gian.

Ngân sách liên bang tiếp tục thiếu hụt

Để giúp tăng phn thu nhp, chính quyn Trump d trù áp đt mt s l phí mi đi vi nhng công ty du, hóa hc, xe lửa và nhng công ty chế to e-cigarette. L phí tiêu th thuc lá s gia tăng. Nhng người được cp phát th An sinh Xã hi cũng s phi tr l phí.

budget2

Ngân sách liên bang Hoa Kỳ 2020 và dự phòng.

Mặc dù nhiu chi tiêu đã b ct gim, ngân sách vn tiếp tc thiếu ht trong 15 năm ti và t nay đến 2022, thiếu ht ngân sách s trên 1.000 t M kim hay là trên 4% tng sn phm ni đa. Trong thi gian tranh c, ông Trump ha hn s cân bng ngân sách quốc gia trong 10 năm thay vì kéo dài thành 15 năm.

Bảng tóm tt ngân sách 2020 trên đây cho thy thu nhp hàng năm ca chính ph tăng rt ít. Thí d vào năm 2018 so vi 2017, thu nhp ch tăng 0,4% - mt t l thp nht trong na thế k va qua, so vi 1,5% của năm 2017. Nếu loi tr nh hưởng ca lm phát, thu nhp thc s gim đáng k vào năm nay trong khong 4% – 9% vì chính sách gim thuế ca Tổng thống Trump.

Nợ công tiếp tục là gánh nặng quốc gia

Vì ngân sách thiếu ht phn ln do gim thuế, chính phủ phải tiếp tc vay n. Do đó n công ngày càng tăng. K t khi ông Trump nhm chc tng thng, n quc gia đã tăng thêm 2 ngàn t M kim. Hin nay n quc gia ca Hoa Kỳ là 22 ngàn t M kim, mc n ti đa mà lut cho phép. Vào tháng 2/2018, Quốc hội đã phi tm b mc n công ti đa đ tránh đng trn. đến đu tháng 3 năm nay Quốc hội áp đt tr li mc n công.

Với 22 ngàn t M kim, t l n công/GDP là 106%, quá cao so vi tiêu chun ca Ngân hàng Thế gii (World Bank) 77%.

Nợ công là mt mi đe da nghiêm trọng đi vi s phát trin kinh tế và phn thnh xã hi. Tht vy, tin li tr cho s n này s là khong 482 t M kim trong năm ti, nhiu hơn c ngân sách dành cho chương trình Medicaid.

Tuy nhiên, Cộng hòa cho rng không phi chính quyn đánh thuế quá ít mà là chính ph chi tiêu qua nhiu. Ông Trump ha s thanh toán hết n công trong thi gian làm tng thng, tuy nhiên ngân sách 2020 d phóng n công s tăng lên đến 31 ngàn t M kim trong 10 năm theo CNN. Committee for a Responsible Federal Budget, một t chc nghiên cu chính sách công đc lp, ước tính rng ngân sách ca Nhà Trng s phi vay thêm 7,8 ngàn t M kim trong thp niên ti. Vì vy n công s tăng thêm khong 10,5 ngàn t M kim. Trong trường hp này ngân sách ca Nhà Trng s phi yêu cầu Quốc hội nâng mc n công ti đa. Ngân kh Hoa Kỳ không được phép vay n trên mc n này.

Tổng thống Trump thường phô trương rng chính sách kinh tế ca ông cho ti nay rt thành công vì đã to nhiu vic làm, làm lương bng tăng và kinh tế phát triển. Tuy nhiên ông đã phi thc hin nhng bin pháp tài chánh - thuế v đ kích thích nn kinh tế. Nhưng chính nhng bin pháp này làm ngân sách quc gia thâm thng và n công tăng lên. Trong khi đó kinh tế không phát trin mc 4% - 5% như mong đi đ bù đắp vào vic gim thuế.

Tầm nhìn quá lạc quan

Ngân sách 2020 dựa trên mt s gi thuyết kinh tế quá lc quan. Nhng chuyên gia kinh tế ca Nhà Trng cho rng kinh tế ca Hoa Kỳ s tiếp tc tăng trưởng khong 3% hàng năm trong sut mt thp niên ti. C thể hơn, đ phát trin ca năm 2019 s là 3,2%, gim dn xung 3,1% trong năm 2020, 3% trong năm 2021 và 2,8% trong năm 2026. Điu này xem ra không thc tế.

Hoa Kỳ chưa bao gi thc hin được mt thi kỳ phát trin lâu dài như vy mà không tri qua giai đon kinh tế trì tr. Chưa k là kinh tế Hoa Kỳ đã phát trin liên tc t 2009-2010 cho đến nay, k t sau cuc khng hong kinh tế ln 2007-2009. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (Congressional Budget Office – CBO), mt cơ quan nghiên cu lưỡng đng, ước tính mc phát trin kinh tế Hoa Kỳ vào khong dưới 2% đôi chút. Quỹ Tin t Quc tế (International Monetary Fund – IMF) d đoán đ kinh tế phát trin ca Hoa Kỳ s gim xung còn 2,5% trong năm nay và 1,8% cho năm 2020 vì nh hưởng ca nhng bin pháp kích thích kinh tế s phai nht dn.

Tuy nhiên trong hai năm trước ngân sách quc gia ca Nhà Trng đã ước tính mc phát trin kinh tế gn vi thc tế hơn so vi nhng tiên đoán khác : 2,5% cho quý IV, 2017 và 3,1% cho 2018.

Kết luận

Ngân sách quốc gia 2020 cho thấy Hoa Kỳ là mt nn kinh tế vay n đ phát trin, nhưng đã kéo dài và t l so vi GDP quá cao s không th bn vng được. Ngoài ra, Hoa Kỳ đang vay n đ chi tiêu vào nhng ngành không sn xut như an ninh, quc phòng, xây tường biên gii, an sinh xã hội, trong khi lại gim ngân sách giáo dc, ct tài tr sinh viên và vn ti. Rõ ràng là n công nhm vào tiêu th hơn là phát trin kinh tế.

Ngân sách 2020 của Nhà Trng s khó có hi vng được Quốc hội thông qua. Kinh nghim cho thy là cơ quan chun chi ngân sách quốc gia, Quốc hội thông thường s t tho ra lut ngân sách ri đưa qua hành pháp thi hành.

Nếu da vào nhng điu kin kinh tế thc tin hơn, ngân sách 2020 s lãnh nhng h qu ti t hơn vi ngân sách thiếu ht nhiu hơn và n công cao hơn là ngân sách mô tả và kinh tế Hoa Kỳ s đi vào vòng lun qun. S hp tác gia hai Đng Cộng hòa và Dân chủ là cn thiết đ giúp nn kinh tế sm ra khi vòng lun qun này. Tuy nhiên, điu này xem ra khó thc hin trong khi ông Trump còn ngi trong Nhà Trng.

Nguyễn Quốc Khải

Nguồn : VOA, 19/03/2019

Published in Diễn đàn
Trang 1 đến 2