Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/03/2020

Hãy lắng nghe lời khuyên của chuyên gia y tế…

Nguyễn Quốc Khải

"Hãy theo dõi lắng nghe lời khuyên của chuyên gia y tế thay vì nghe lời lãnh đạo "

Gần đây Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị tấn công trên mạng Internet và Facebook khá nhiều vì bà phê bình cách làm việc của Tổng thống Trump đối với cuộc khủng hoảng coronavirus hiện nay ngày càng nghiêm trọng. Đã có một số người lên tiếng bênh vực Mẹ Nấm. Tôi xin góp thêm một vài ý kiến. 

nghe1

Nguyên văn lời phê của Mẹ Nấm như sau :

"Nước Mỹ không vĩ đại như nhiều người đang nghĩ. Thiếu khẩu trang y tế, thiếu bộ xét nghiệm, Tổng thống kêu nhân viên sử dụng lại khẩu trang, có khác gì Vũ Hán không ?

Không khác gì cả anh chị ạ ! Và đây là đại dịch, chưa có nhiều kiến thức về virus thì chúng ta ở đâu cũng phải vật lộn với nó hết, cho nên dù ở quốc gia nào, lời khuyên của tôi vẫn là hãy theo dõi lắng nghe lời khuyên của chuyên gia y tế, thay vì nghe lời lãnh đạo". 

Về phần I, Mẹ Nấm chỉ nhắc lại những sự kiện thực mà hầu như tất cả báo chí đã tường thuật. Vì những thiếu thốn căn bản để chống đại dịch, Tổng thống Trump cách đây 2 ngày còn phải nhờ một vài nước Châu Âu và Nam Hàn giúp đỡ, mặc dù ở những quốc gia này cũng đang gặp nạn. 

nghe2

Vào ngày hôm nay (26/03/2020), báo chí loan tin ông Kious Kelly, một y tá, 48 tuổi, làm việc tại Manhattan Hospital, New York, đã chết vì nhiễm coronavirus do thiếu thốn dụng cụ bảo vệ. Đồng nghiệp tại bệnh viện rất tức giận vì không có đủ khẩu trang và áo choàng chống virus mà danh từ chuyên môn gọi là personal protective equipment (PPE). Một trong những y tá làm việc với ông Kelly cho biết rằng toàn bộ một ca y tá chỉ có duy nhất một bộ áo choàng. 

Theo báo The Hill, một y tá tại một bệnh viện thuộc Loundon County, Virginia, một trong những quận được xem như là giầu nhất nước Mỹ, cho biết rằng một đơn vị y tá chỉ có 6 khẩu trang có máy thở (respirator mask) và nhân viên y tế đã được yêu cầu tái dụng lại. 

Cũng trong ngày hôm nay, 45 dân biểu Dân chủ đã gửi thư cho Tổng thống Trump yêu cầu ông cho biết rõ tình trạng thiếu bộ xét nghiệm cũng như khẩu trang, áo choàng, máy thở và kính bảo hộ (goggles) cần cho các bệnh viện, nhà dưỡng lão, các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế. Trong khi Tổng thống Trump nói mọi thứ được cung ứng đầy dủ, Phó Tổng thống Mike Pence thừa nhận một số thiết bị y khoa đang bị khan hiếm nhưng đang có những cố gắng để bù đắp vào những nơi thiếu. 

Theo SBTN, ông bà Tony Đức Nguyễn tại Worcester, Massachusetts, chủ nhân công ty xây cất Gold Star Builder đã mua lại một kho thiết bị y tế gồm khẩu trang N95, áo choàng y tế, bao tay, và những thiết bị bảo vệ cá nhân khác để tặng cho các bệnh viện trong tiểu bang đang ở trong tình trạng thiếu thốn những thiết bị cần thiết này. Ông bà Tony Đức Nguyễn có một nghĩa cử vô cùng cao đẹp

Tại sao Tổng thống Trump lại giảm thuế vô tội vạ để ngân sách thiếu hụt, nợ công lên tới mức kỷ lục mà vẫn tăng ngân sách quốc phòng, ưu tiên dồn tiền xây bức tường biên giới, cắt ngân sách an sinh xã hội kể cả việc giải tán ủy ban đặc nhiệm y tế, phòng chống đại dịch trực thuộc Nhà Trắng, chụp mũ Đảng Dân chủ là theo xã hội chủ nghĩa mà lãng quên vấn đề y tế của công chúng ? 

nghe3

Vào tháng 5/2018 văn phòng y tế, phòng chống đại dịch và chiến tranh sinh học, trực thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia, đã bị giải tán. Vào thời điểm này Bác sĩ Luciana Borio, giám đốc của văn phòng đã cảnh báo rằng đại dịch cúm là một đe dọa lớn nhất và Hoa Kỳ không chuẩn bị sẵn sàng để đối phó. Một năm sau Bác sĩ Borio không còn làm việc trong chính quyền Trump nữa nhưng những chuyên viên cao cấp khác đã bỏ đi trước đó. Trong một buổi họp báo cách đây một tuần, khi bị chất vấn về vấn đề giải tán văn phòng y tế, Tổng thống Trump trả lời nguyên văn như sau : 

"I just think it’s a nasty question. And when you say ‘me’, I didn’t do it… I don’t know anything about it". 

Tiếng Việt có nghĩa là "Tôi nghĩ đây là một câu hỏi ác độc. Và khi ông nói ‘tôi’, tôi không làm việc này… Tôi không biết gì cả". Tổng thống Trump muốn đổ lỗi cho ông John Bolton, cố vấn của Nhà Trắng 2018-2019. Trump muốn làm tổng thống nhưng không gánh vác trách nhiệm gì cả. 

Vào 2015 tôi đã viết một bài báo nhan đề là "Nước Mỹ vĩ đại" mà quý vị có thể tìm thấy trên Internet vì được nhiều nơi phổ biến. Nhưng trong trường hợp này, tôi đồng ý với Mẹ Nấm rằng nước Mỹ không thể được xem là vĩ đại được. 

Về phần II, ai có một hiểu biết thông thường (common sense) cũng thấy nhận xét của Mẹ Nấm là đúng. Những chuyên gia y tế như Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc National Institute of Allergy and Infectious Deceases, chuyên viên về ngành miễn dịch, phải biết về đại dịch nhiều hơn là Tổng thống Trump. Tình trạng cũng tương tự như ở các quốc gia khác mà thôi. 

Riêng về trường hợp ở Hoa Kỳ, Tổng thống Trump xem ra nguy hiểm hơn vì ông là một người thường không nghe lời các cố vấn và chuyên viên. Ông còn có những lời tuyên bố sai sự thật và có những hành động tồi tệ mà báo chí đã tường thuật đầy đủ. Trump từng nói coronavirus sẽ không bao giờ trở thành đại dịch. Nay nó đã trở thành đại dịch. Trump từng nói ai muốn thử coronavirus sẽ được thử. Nay CDC tuyên bố chỉ có 75,000 bộ thử nghiệm cho 332.6 triệu người Mỷ. Tổng thống Trump và Bộ Ngoại Giao trong vài ngày qua đã phải nhờ một số quốc gia Châu Âu và Nam Hàn gửi dụng cụ chống coronavirus cho Hoa Kỳ. 

nghe4

Trump từng nói coronavirus sẽ biến đi hết vào tháng 4 khi trời ấm. Chỉ còn vài ngày nữa sang đến tháng 4. Trump muốn sinh hoạt trở lại bình thường, mọi người đi làm, các cơ sở kinh doanh mở cửa như trước vì ông lo sợ kinh tế sẽ suy thoái trầm trọng hơn cả thời kỳ đại suy thoái kinh tế (great recession) 2007-2009. Vào đầu tuần này ông nói "Chúng ta không thể có cách chữa bệnh tồi tệ hơn cả căn bệnh" (We can’t have the cure be worse than the problem). Tổng thống Trump tuyên bố ông dự định mở rộng nước Mỹ trở lại trong một vài tuần thay vì vài tháng. Trong lúc đó các con số thống kê cho thấy số người nhiễm coronavirus ngày càng tăng, chỉ sau Trung Quốc và Ý. Vài ngày sau, Bác sĩ Fauci đã phải nói ngay coronavirus sẽ định thời hạn chứ không phải chúng ta (You don’t make the timeline. The virus makes the timeline). Tờ báo Anh The Independent hôm nay tường thuật rằng nếu Tổng thống Trump cho nước Mỹ làm việc lại vào Lễ Phục Sinh này tức là 12/4 sắp tới, đây sẽ là một thảm họa theo các chuyên viên y tế. 

Vậy thử hỏi, chúng ta tin ai ? Một cuộc thăm dò dư luận mới đây của NPR/PBS cho thấy 60% người được hỏi không tin vào lời Tổng thống Trump nói về đại dịch. Trong khi đó 84% tin vào các giới chức y tế. 

Ngoài ra, sau nhiều lần coi thường đại dịch Covid-19, vào ngày 4/3/2020, Tổng thống Trump đã phải thừa nhận đã có một số trường hợp nhiễm coronavirus tại Hoa Kỳ. Vài ngày sau khi nạn dịch lan rộng hơn ông tuyên bố ông không có trách nhiệm gì cả và gọi coronavirus là "Chinese virus" để đẩy trách nhiệm qua Trung Quốc. 

Nhiều người Việt ủng hộ Trump hoan hô ông về cách gọi này. Nhưng họ không ngờ rằng vì danh từ "Chinese virus" làm cho cả khối người gốc Châu Á bị kỳ thị, kể cả họ nữa dù có đội mũ MAGA hay không. Người Mỹ không phân biệt được ai là người Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Đã có một vài trường hợp xô xát xẩy ra khiến một số tổ chức Châu Á phải lên tiếng. NBC News tường thuật rằng trong tuần vừa qua đã xẩy ra 650 hành động kỳ thị người Châu Á qua dịch coronavirus. Tứ khoảng cuối tháng 1 đến cuối tháng 2 có khoảng 1,000 vụ như vậy theo Giáo sư Russell Jeung tại San Francisco State University. Tổ chức Y tế Thế giới (World Help Organization – WHO) lên tiếng phản đối Tổng thống Trump dùng danh xưng này. Ông Trump đã phải quyết định không gọi coronavirus là "Chinese virus" nữa. 

nghe5

Đài phát thanh công cộng KUOW thuộc hệ thống National Public Radio (NPR) tại tiểu bang Washington hôm nay đã quyết định không truyền thanh trực tiếp những buổi họp báo về đại dịch nữa, vì Tổng thống Trump và Ủy Ban Đặc Nhiệm coronavirus đưa ra quá nhiều tin tức sai sự thật hay không chính xác mà cơ quan truyền thanh không thể kịp thời kiểm chứng, khiến công chúng hoang mang. NPR cũng đang cứu xét về vấn đề này. Một số cơ quan truyền hình ngoại trừ Fox News, đã cắt bớt chương trình phát hình liên quan đến các buổi họp báo của chính quyền Trump. 

Không ít người bênh vực Tổng thống Trump đã phê bình Mẹ Nấm là người "ăn cháo đá bát" vì cho rằng Mẹ Nấm được Tổng thống cưu mang qua Mỹ nay bội ơn ông. Sự thật như thế nào ? Vợ chồng Trump không giúp gì cho Mẹ Nấm qua Mỹ. Con gái của Mẹ Nấm viết thư cho bà Melania Trump để xin cứu mẹ không được trả lời. Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà viết thư cho cả hai vợ chồng Trump cũng không nhận được hồi âm (tôi là người cùng soạn thảo lá thư này). Trước khi Trump qua Việt Nam lần đầu vào 2017, một phái đoàn của người Việt gồm cả tôi đã vận động với một số dân biểu Quốc Hội để yêu cầu Tổng thống Trump nói chuyện về nhân quyền với Hà Nội và đặc biệt tạo áp lực cho Mẹ Nấm ra khỏi tù, nhưng không có kết quả. Trong khi đó, trước khi Tổng thống Obama viếng thăm Việt Nam lần đầu tiên Hà Nội đã trả tự do cho Linh mục Nguyễn Văn Lý. Sau này Mẹ Nấm được qua Mỹ là do chính sách chung của nước Mỹ trong nhiều năm nay từ thời Tổng thống Obama đã giúp cho những người như Linh mục Nguyễn Văn Lý ra khỏi tù, Nhà báo Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải và Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà qua tị nạn chính trị tại Mỹ. 

Cho dù Ông Trump có giúp Mẹ Nấm, cũng như bất cứ ai ở Mỹ với tư cách là di dân hay công dân Hoa Kỳ, Mẹ Nấm có quyền phát biểu ý kiến. Chúng ta hãnh diện về đất nước tự do Hoa Kỳ, nhưng xấu hổ hầu hết về những việc ông Trump làm trong hơn ba năm qua. Tôi đã có dịp đọc một vài bài ca tụng một cách lố lăng thành tích kinh tế của Tổng thống Trump để bênh vực ông trong mùa đại dịch và cảm thấy rất buồn vì càng đọc càng thấy sự ngu dốt tối đa của người viết. 

Một số người tôn thờ Trump còn đi xa hơn nữa là chụp mũ ngay Mẹ Nấm là "Cộng Sản nằm vùng". Điều này mới thật là khó hiểu. Từ một một đề tài đại dịch coronavirus đang phổ thông hiện nay chuyển sang thành đề tài chống Cộng. Thực sự người bị chụp mũ là Cộng Sản nằm vùng không hề bị xúc phạm vì những người tranh đấu đã từng vào tù ra khám có thừa bản lãnh để đối phó với những tình huống khó khăn thay vì một vài câu nói hồ đồ. 

Chính phong trào chống Cộng ở hải ngoại mới bị tổn thương nặng. Đã từ lâu, nhóm người hung hăng tự vỗ ngực chống cộng thứ dữ chỉ làm được những việc như chào cờ, phủ cờ và chụp mũ người khác không chống cộng bằng mồm như họ là Cộng Sản nằm vùng. Lâu lâu có thêm những màn mặc lễ phục, đeo giây biểu chương, đeo gương, ăn nhậu, nhẩy nhót. Không hơn không kém. Phong trào chống cộng mồm to bằng ống cống, não chỉ bằng hột đậu, với một số tướng lãnh thật biến thành giả và một số ông tướng HO Việt Nam Cộng Hòa mới xuất thân sau 1975 và bẩy chính phủ lưu vong cộng thêm vài ba ông linh mục và thầy chùa vừa điên vừa khùng, đã rơi vào tình trạng phá sản từ lâu. 

Lại có người dọa nạt Mẹ Nấm rằng cả gia đình đang hưởng trợ cấp của chính phủ, nếu phê phán chính quyền Trump như vậy trợ cấp có thể bị cắt. Chuyện này có thể xẩy ra ở Việt Nam, nhưng sẽ không bao giờ xẩy ra ở nước tự do và dân chủ Hoa Kỳ. Đây mới chính điều làm cho nước Mỹ vĩ đại. Tôi quả thật thương hại cho người có những ý nghĩ lạc hậu này dù đã ở đây vài chục năm, lối suy nghĩ vẫn giống như thời 1930-1975 khi họ còn ở Việt Nam vậy. 

Cách đây gần một tuần, tôi đã dịch qua tiếng Việt một bài của Michael d’Antonio góp ý trên mạng CNN về cách Tổng thống Trump đối phó với đại dịch Covid-19. Lời lẽ táo bạo hơn nhiều. Ngay tựa đề "A terrified nation needs a leader during this crisis, not a salesman" (1) đã ngụ ý rằng Hoa Kỳ không có người lãnh đạo trong cuộc khủng hoảng hiện nay mà chỉ có một kẻ bán dầu cù là. Tác giả ở phần kết luận đã tuyên bố rằng "Đã đến lúc phải công nhận những thiếu sót của Trump và đừng nghe lời ông ta". 

nghe6

So với bài báo mạnh như vũ bão của Michael d’Antonio, lời phê ngắn gọn của Mẹ Nấm chỉ là một cơn gió heo may, mặc dù Mẹ Nấm có cùng một lời khuyên như Michael d’Antonio. Để cho chiến dịch chống coronavirus, việc cấp bách phải làm ngay là Tổng thống Trump nên khâu miệng lại để cho Bác sĩ Fauci nói. Rất tiếc những người Việt theo Trump không xuống đường phản đối những hành động kỳ thị chống người Châu Á mà lại to tiếng chống Mẹ Nấm một cách sai lầm. 

Hi vọng góp ý của tôi sẽ giúp ích phần nào cho những ai muốn tìm hiểu về quan điểm của Mẹ Nấm đối với Tổng thống Trump trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Qua cơn đại dịch này mới biết ai là người có bản lãnh và có khả năng.

Nguyễn Quốc Khải

(26/03/2020)

(1) Covid-19 : Hoa Kỳ cần một nhà lãnh đạo chứ không phải một nhà buôn…, Thongluan-rdp, 24/03/2020

(2) Nước Mỹ vĩ đại, Nguyễn Quốc Khải, VOA 2/6/2015

******************

Nước Mỹ vĩ đại

Nguyễn Quốc Khải, VOA, 02/06/2015

Nhờ phim ảnh và sách báo, từ nhỏ tôi đã nghĩ là Hoa Kỳ là một nước vĩ đại. Không đầy hai thế kỷ từ ngày lập quốc, Hoa Kỳ đã trở thành một cường quốc số một của thế giới sau Đệ Nhất Thế Chiến. Vào đầu thập niên 70, sau nhiều cam go, xin được học bổng của Cơ quan Phát triển quốc tế (U.S. Agency for International Development, viết tắt là USAID) tôi được đặt chân đến Hoa Kỳ, một cơ hội cho tôi lần mò tìm hiểu làm thế nào Hoa Kỳ lại hùng mạnh đến như vậy.

nghe7

Từ thời những người Cha lập quốc đến giờ, sự thành công của Hoa Kỳ trước hết là mảnh đất của những con người tự do.

Cơ quan USAID đề nghị ba trường đại học cho tôi tự ý chọn : Ohio State University, Louisana State Unversity, và University of Florida. Tôi sợ lạnh nên lựa đại học của vùng nắng ấm Florida. Khi tôi nhập học, trường cho tôi ở chung với ba sinh viên Hoa Kỳ trong một phòng lớn có hai phòng ngủ và một phòng khách và bếp nối liền nhau ở tầng 9 trong một cao ốc 12 tầng. 

Không đầy một tháng, tôi được tin cơ quan Quản trị Hàng không và không gian quốc gia (National Aeronautics and Space Administration, viết tắt là NASA) báo tin về ngày phóng phòng thí nghiệm không gian (skylab) vào quỹ đạo trái đất. Tôi muốn chứng kiến một chương trình vĩ đại của nước Mỹ. Rất tiếc rằng cửa sổ phòng của chúng tôi hướng về phía bắc, trong khi đó Cape Canaveral, nơi phóng hỏa tiễn lại ở về hướng nam. Cho dù ở cùng hướng, tôi cũng không nhìn thấy hỏa tiễn phóng lên, vì hai nơi cách xa nhau 170 dặm.

Những thứ vĩ đại của nước Mỹ người ta thường nghĩ đến là những tòa nhà chọc trời ở New York, hệ thống xa lộ chằng chịt bao trùm khắp nước Mỹ, chương trình Apollo đưa con người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, phi thuyền con thoi, số giải thưởng Nobel dành cho những nhà bác học Hoa Kỳ, lợi tức đầu người trung bình của người dân Hoa Kỳ và những trường đại học nổi tiếng. Theo điều nghiên của Đại học Jaotong tại Thượng Hải, trong 20 trường đại học tốt nhất thế giới, 17 trường là của Hoa Kỳ [1].

Kể từ ngày tới Mỹ du học đến nay, tôi đã ở liên tục trên đất nước này trên 40 năm, nhiều hơn cả thời gian ở Việt Nam. Thời gian này đủ dài để buộc tôi phải hiểu thêm về quốc gia trẻ trung và hùng mạnh này. Vai trò đại cường quốc mà nước Mỹ đạt được không phải là nhờ nước Mỹ rộng lớn, trải dài từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Thật vậy, Liên bang Nga lớn gấp bội so với Hoa Kỳ. Trung Quốc và Canada có một diện tích xấp xỉ với Hoa Kỳ. Brazil và Úc cũng không thua Hoa Kỳ về diện tích bao nhiêu.

Nước Mỹ vĩ đại cũng không phải vì dân số đông. Thật vậy, Trung Quốc và Ấn Độ có dân số lớn gấp trên dưới bốn lần so với dân số của Hoa Kỳ nhưng tổng sản phẩm nội địa trung bình đầu người của Trung Quốc và Ấn Độ thua xa Hoa Kỳ. Singapore, Na Uy, và Thụy Sĩ có lợi tức đầu người trung bình hơn cả Hoa Kỳ mặc dù ba nước này rất nhỏ về cả diện tích lẫn dân số.

Nước Mỹ làm được những thứ vĩ đại chính là nhờ vào những điều rất tầm thường nhưng vô cùng quan trọng, nhiều quốc gia như Việt Nam không có được vì gánh nặng văn hóa chậm tiến đè nặng trên vai trên cổ của họ cùng với một mớ giáo điều lỗi thời.

Tôi đến nước Mỹ lần đầu tiên vào mùa xuân 1970 trong một chương trình huấn luyện quân nhu và du sát trong 4 tháng. Thỉnh thoảng chúng tôi được cho đi thăm thú một vài danh lam thắng cảnh của nước Mỹ bằng xe buýt. Mỗi khi gần đến các đoạn đường có đường xe lửa chạy ngang, ông tài xế cho ngừng xe lại, mở hết các cửa xe ra, rồi mới vượt qua đường sắt, mặc dù ở ngay giữa đồng không mông quạnh, không thấy một bóng dáng xe cộ nào cả. Ngày nay, thỉnh thoảng lái xe ban đêm khoảng một hai giờ sáng, tôi vẫn thấy người ta chịu khó chờ đèn xanh chứ không vượt đèn đỏ, mặc dù đường xá vắng tanh. Tinh thần kỷ luật của dân Mỹ nói chung rất cao là một trong những yếu tố làm cho nước Mỹ hùng mạnh. Dân Mỹ tôn trọng kỷ luật một phần vì luật pháp ở Hoa Kỳ rất nghiêm minh. Luật do chính người dân làm ra qua những người đại diện của họ trong chính quyền hoặc các cơ quan lập pháp.

Tôi làm việc nhiều năm tại Washington-DC. Thỉnh thoảng tôi đi bộ đến National Geographic Society (NGS) vào giờ trưa để xem triển lãm, tìm kiếm bản đồ, và sách báo về địa dư. Trong một thời gian rất lâu tôi vẫn tưởng NGiáo sư là một cơ quan của chính phủ, vì tầm vóc của cơ quan này về phương tiện cũng như hoạt động rất lớn, nhưng thật ra đây là một hội tư nhân bất vụ lợi, thành lập từ năm 1888, chuyên nghiên cứu về địa dư, khảo cổ, khoa học tự nhiên, và bảo vệ môi trường. NGiáo sư có 700 triệu độc giả mỗi tháng. Những ấn phẩm được in bằng 40 ngôn ngữ khác nhau. Ngân sách hàng năm vào khoảng 500 triệu USD.

NGiáo sư là một trong hơn 1,5 triệu tổ chức phi chính phủ (non-governmental organization viết tắt là NGO) tại Hoa Kỳ [2]. Những tổ chức này đóng những vai trò tích cực trong việc soạn thảo luật, hoạch định chánh sách của chính phủ, ảnh hưởng đến mọi tầng lớp của xã hội. Hoạt động của những tổ chức này bao gồm các vấn đề như nhân quyền, lao động, môi trường, phát triển, sức khỏe, kế hoạch gia đình, từ thiện, bảo vệ súc vật, bảo vệ các nhóm thiểu số, v.v. Một số tổ chức không cung cấp dịch vụ, mà chỉ nhắm vận động hành lang để bênh vực quyền lợi của nhóm người mà tổ chức đại diện. NGO đóng một vai trò vô cùng quan trọng giúp cho Hoa Kỳ hùng mạnh.

Tôi có một người bạn già tri kỷ ở cùng tiểu bang Virginia. Anh ta có một người con học rất khá ở bậc trung học, nên University of Virginia (UVA) cho học bổng toàn phần 4 năm. Theo xếp hạng của U.S. News & World Report, UVA đứng thứ 23 trên toàn nước Mỹ nhưng đứng đầu về chương trình kỹ sư bậc cử nhân, hạng nhì so với các trường đại học công, và hạng 6 về ngành kinh doanh. Nhưng đứa con của anh bạn tôi từ chối học bổng này và chọn University of Pennsylvania, một trong tám trường Ivy League nổi tiếng, xếp hạng thứ 8 trong tổng số các trường đại học ở Mỹ. Khi học xong bậc cử nhân, đứa con của bạn tôi được cả năm trường đại học giỏi nhất nước Mỹ nhận vào học.

Ở Hoa Kỳ, sinh viên giỏi có nhiều cơ hội lựa chọn trường tốt. Các trường dành sinh viên giỏi. Các công ty và các cơ quan chính phủ đôi khi đến tận các trường nổi tiếng để tuyển sinh viên giỏi tốt nghiệp. Hệ thống ganh đua và lựa chọn như vậy đã giúp đưa nhiều người tài năng vào những chức vụ lãnh đạo trong mọi lãnh vực. Chính vì vậy mà nước Mỹ tiến mạnh, không một quốc gia trên thế giới hiện nay có thể bắt kịp.

Theo bảng xếp hạng hàng năm của Viện Quốc tế Phát triển Quản trị (International Institute of Management Development, viết tắt là IMD) tại Lausanne, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ đứng đầu trong danh sách những nước có khả năng cạnh tranh cao nhất thế giới, tiếp theo là Thụy Sĩ, Hồng Kông, Thụy Điển, và Singapore. Đức đứng hạng 9. Trung Quốc và Nga lần lượt đứng hạng 21 và 42 trong số 60 quốc gia IMD nghiên cứu. 

Một trong những lý do khiến Hoa Kỳ có khả năng cạnh tranh cao là do năng suất lao động của Hoa Kỳ cao. Năng suất lao động được đo lường bằng tỉ lệ tổng sản lượng nội địa trên tổng số giờ làm việc. Theo thống kê 2012 của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (Organization for Economic Cooperation & Development, viết tắt là OECD), Hoa Kỳ xếp hạng thứ tư sau Na Uy, Luxembourg và Ireland. Nga đứng hạng 36, trên Mexico trong số 37 nước thành viên trong tổ chức OECD [3].

Một trong những khổ tâm trong thời gian học tại Việt Nam là lối học từ chương. Khi chuẩn bị thi tú tài, học trò phải thuộc lòng cùng một lúc nhiều môn học khác nhau đã học suốt năm. Vì học theo sách vở và rất ít thực hành nên nhiều khi thuộc như con vẹt mà không hiểu và do đó thi xong là quên. Lối giáo dục này tiếng Mỹ gọi là "drill-and-kill teaching" hiện vẫn còn áp dụng ở Trung Quốc và Việt Nam, cộng thêm giáo điều xã hội chủ nghĩa và tư tưởng Hồ Chí Minh. Một trong những điều may mắn khi được học ở nước Mỹ là chương trình theo lối tín chỉ. Thi xong môn nào vừa học trong ba hay sáu tháng là có điểm môn đó. Thường thường học mới có nửa khóa là đã phải thi giữa khóa. Các bài thi đòi hỏi sinh viên phải suy nghĩ chứ không phải thuộc lòng.

Sinh viên sợ nhất là thi mở sách (open book exam hay take-home exam) vì phải dùng sự xét đoán rất nhiều, thường áp dụng cho sinh viên cao học. Lối học thuộc lòng làm thui chột óc sáng tạo. Khi thỉnh giảng tại School of Advanced International Studies của Johns Hopkins University, tôi thường cho sinh viên chọn một cuốn sách trong danh sách sách cần đọc và thường chỉ đòi sinh viên trả lời bốn câu hỏi :

1) Tác giả muốn nói gì ? ;

2) Những điểm đồng ý và tại sao ;

3) Những điểm không đồng ý và tại sao ? và

4) Kết luận.

Sáng tạo và khả năng cạnh tranh liên quan trực tiếp với nhau. Theo Giáo sư Richard Florida, University of Toronto, không ai rõ sự phồn thịnh, một phép lạ ở Hoa Kỳ trong hơn một thế kỷ vừa qua, thực sự do những nguyên nhân nào. Tuy nhiên theo ông, sự thành công của Hoa Kỳ là do một nhân tố then chốt là việc đón nhận những ý kiến mới. Ý kiến không từ trên trời rơi xuống mà đến từ con người. Tất cả những tiện nghi và những phát minh làm gia tăng năng suất như iPod và GPS đều do con người tạo ra. Khối nhân lực sáng tạo 38 triệu người của Hoa Kỳ bao gồm những khoa học gia, kỹ sư, kiến trúc sư, nhà giáo dục, nghệ sĩ, nhạc sĩ, và những người giúp vui. Nhiệm vụ của họ là tạo ra những sáng kiến, kỹ thuật mới, hoặc là nội dung mới [4]. Để khuyến khích sức sáng tạo, luật pháp Hoa Kỳ tuyệt đối bảo vệ các phát minh và bản quyền, kể cả một tấm hình vừa được máy ảnh thu vào hay một bản nhạc vừa được sáng tác. 

Nhờ vào chính sách di dân rộng rãi, Hoa Kỳ đã thu nhận nhiều nhân tài từ những nước khác, đặc biệt từ Châu Âu khi nhiều người trốn tránh chế độ phát xít và cộng sản trong thời kỳ Thế chiến thứ hai và Chiến tranh lạnh. Nhà vật lý và triết gia Albert Einstein, từng mang nhiều quốc tịch khác nhau : Württemberg, Thụy Sĩ, Áo, và Đức. Trong một chuyến viếng thăm nước Mỹ vào năm 1933, là một người theo đạo Do Thái, ông quyết định không trở lại Đức khi Adolf Hitler lên làm quốc trưởng để trốn tránh chế độ Nazi. Albert Einstein trở thành công dân Mỹ vào năm 1940.

Kỹ sư không gian gốc Đức Wernher von Braun định cư tại Hoa Kỳ sau khi Thế chiến thứ hai chấm dứt ở Châu Âu. Khoa học gia điện toán gốc Nga Sergey Mikhaylovich Brin di dân đến Mỹ vào năm 1979 khi mới 6 tuổi. Gần 20 năm sau, ông cùng với bạn học cũ Larry Page ở Stanford University thành lập công ty Google. Kỹ sư điện gốc Ấn Độ Sabeer Bhatia du học ở Mỹ từ năm 1988, đồng sáng lập Hotmail cùng với đồng nghiệp Jack Smith vào năm 1996 với 369 triệu người sử dụng, xếp hạng hai sau Google [5].

Kinh tế Hoa Kỳ phát triển qua ba thời đại. Trước nhất là thời đại nông nghiệp. Kế tiếp là thời đại kỹ nghệ hóa. Trong ba hay bốn thập niên vừa qua, Hoa Kỳ đã bước vào thời đại sáng tạo. Trong 10 năm gần đây, có những dấu hiệu chứng tỏ sức sáng tạo của Hoa Kỳ gặp nguy cơ đi xuống. Thật vậy, theo nghiên cứu của Giáo sư Richard Florida, tỉ lệ của khối nhân lực sáng tạo trên tổng số nhân công của Hoa Kỳ đứng hạng thứ 11 sau mười nước như Ireland, Bỉ, Úc, Hà Lan, New Zealand, Estonia, Anh, Canada, Phần Lan, và Iceland. Theo tạp chí Business Week, trong số 25 công ty công nghiệp cao, chỉ có sáu công ty đặt cơ sở tại Hoa Kỳ trong khi đó 14 công ty đặt tại Châu Á.

Về công ăn việc làm, người ta thường nói đến nạn thất nghiệp và công việc chuyển ra nước ngoài. Nhưng theo Giáo sư Florida vấn đề quan trọng hơn là tình trạng thiếu tài năng sáng tạo. Kinh tế gia Lawrence Summers, cựu Viện trưởng Harvard University và kinh tế gia Edward Montgomery, cựu Thứ trưởng Lao động, cho rằng vấn đề thiếu tài năng sáng tạo khó tránh khỏi. Hoa Kỳ cần phải cạnh tranh với những nước phát triển khác để thu hút và trọng dụng nhân tài bằng chương trình di dân và chiếu khán rộng rãi. Trong khoảng 24 năm gần đây, kể từ 1990 đến 2013, Hoa Kỳ đã nhận 24,2 triệu di dân hợp pháp, trung bình mỗi năm là khoảng 1 triệu người [6].

Gần đây nhân dân Mỹ phàn nàn rất nhiều về tình trạng đảng phái cấu xé nhau tàn tệ tại Quốc hội. Một trong những hậu quả đã xẩy ra là việc chánh phủ đã buộc phải đóng cửa 16 ngày trong năm 2013. Một cường quốc lãnh đạo mà đã để xẩy ra tình trạng như vậy không thể không mất uy tín và lòng tin cậy của thế giới. Một việc kéo dài từ vài năm nay chưa giải quyết được là chương trình y tế "Patient Protection and Affordable Care Act" (PPACA), gọi tắt là Obamacare, do sự xung khắc về quyền lợi mà hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đại diện. Tuy nhiên đây là chuyện nội bộ của nước Mỹ.

Tồi tệ hơn là chương trình ngoại thương Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, viết tắt là TPP) liên quan đến 11 nước khác đã kéo dài nhiều năm. TPP đã không kết thúc được vào năm vừa qua như mong muốn. 2015 có thể là năm dứt điểm vì tình trạng căng thẳng ở Biển Đông và sự cạnh tranh của Trung Quốc và Nga qua việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng cơ sở Châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank, viết tắt là AIIB) và Liên hiệp Kinh tế Âu Á (Eurasian Economic Union, viết tắt là EAEU). Tuy nhiên Hoa Kỳ đang vấp phải khó khăn nội bộ. Vấn đề lao động gây chia rẽ ngay trong Đảng Dân chủ, giữa phe hành pháp và lập pháp và đàng sau là những công đoàn lao động của Hoa Kỳ.

Tôi tin trên đây là những khó khăn ngắn hạn và tạm thời. Thật vậy, truyền thông thương mại và truyền thông xã hội dân sự đã lên án gắt gao tình trạng ngưng trệ tại Washington. Một xã hội cởi mở với tự do báo chí và tự do bầy tỏ như xã hội Hoa Kỳ sẽ giúp cho Hoa Kỳ tự sửa đổi như đối với nạn kỳ thị chủng tộc và nam nữ bất bình đẳng. Cạnh tranh và hợp tác là truyền thống tạo nên sức mạnh tại quốc gia này.

Ngay sau khi chính thức thất cử trong cuộc tranh cử tổng thống vào năm 2008, Thượng nghị sĩ John McCain tuyên bố Thượng nghị sĩ Barack Obama là tổng thống của tôi và kêu gọi mọi công dân Hoa Kỳ chúc mừng Thượng nghị sĩ Obama và ủng hộ vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ. Ông cũng nói rằng lần đầu tiên trong lịch sử, một công dân Hoa Kỳ gốc Châu Phi được bầu làm tổng thống. Đây là một niềm hãnh diện lớn lao và là một bằng chứng rõ ràng rằng Hoa Kỳ đã tiến một bước rất xa về vấn đề kỳ thị chủng tộc. Thượng nghị sĩ McCain nói tiếp rằng Thượng nghị sĩ Obama và ông đã tranh luận về những khác biệt, nhưng Thượng nghị sĩ Obama đã thắng. Chắc chắn rằng những khác biệt đó vẫn còn, nhưng ông hứa rằng ông sẽ giúp Thượng nghị sĩ Obama trong quyền hạn của mình để đối phó với những thử thách trước mặt [7].

nghe8

Nghi thức đầu hàng của tướng Robert E. Lee (ngồi bên trái) tại Appomatox Court House Virginia, ngày 9/4/1865 (hình của The Major)

Một thế kỷ rưỡi trước đây, Hoa Kỳ đã để lại một gương sáng cho nhân loại về tinh thần mã thượng của dân tộc Hoa Kỳ [8]. Cuộc nội chiến kéo dài bốn năm, ba tuần và sáu ngày chấm dứt vào 9/4/1865 (theo Tuyên ngôn là 9/5/1865). Tướng Robert E. Lee của quân miền Nam nhận đầu hàng với đại diện quân miền Bắc là tướng Ulysses S. Grant tại Appomattox Court House, Virginia, qua một nghi thức giản dị nhưng trang nghiêm. Quân lính miền Nam được tự do trở về nguyên quán và không ai bị trừng phạt hay bị tù đầy. Binh sĩ tử trận được chôn chung trong cùng một nghĩa trang, ngoại trừ thân nhân muốn mang thi hài chôn cất ở nơi khác. Theo lệnh của tướng Grant, quân miền Bắc không được ăn mừng chiến thắng. Sau này tướng Lee trở thành viện trưởng của một đại học nay gọi là Washington and Lee University tại Lexington, Virginia. Ông chống lại toan tính tổ chức nổi loạn tiếp tục chống lại chánh phủ liên bang, ủng hộ việc giúp cựu quân nhân miền Nam hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ, và kiến thiết lại đất nước.

Gần đây hơn, sau khi Thế chiến thứ hai chấm dứt, Hoa Kỳ đã không hề chủ trương chém giết những kẻ thua trận mà trái lại còn giúp các nước đồng minh và cả các nước cựu thù xây dựng lại những đổ vỡ. Hoa Kỳ chi khoảng 13 tỉ USD (tương đương với 120 tỉ USD theo thời giá bây giờ) qua Chương trình Phục hồi Châu Âu (European Recovery Program, viết tắt là ERP) hay còn gọi là Kế hoạch Marshall, theo tên của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ George Marshall. Tướng Douglas MacArthur, Tư lệnh Quân lực Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, chỉ huy lực lượng chiếm đóng Nhật Bản từ 1945-1951, đã giúp nước này soạn thảo hiến pháp mới, loại bỏ quyền tư lệnh tối cao của Hoàng đế Nhật Bản, cải tổ nước Nhật thành một nước dân chủ, thực hiện chương trình cải cách ruộng đất. Ngày nay, dân Nhật coi MacArthur là một trong những người có công lớn trong việc tái thiết nước Nhật [9].

Sau hết nhưng không kém phần quan trọng là lòng yêu chuộng tự do của nhân dân Hoa Kỳ. Tự do giúp con người phát triển năng khiếu và sáng kiến. Tự do giúp sự thông tin được nhanh chóng, đa chiều và trung thực hơn, giúp mọi người bầy tỏ lập trường dễ dàng và như vậy dễ tìm được chân lý. Tự do, trái ngược với sự bưng bít, giúp xã hội cởi mở, hạn chế được những sai trái và tội phạm.

Tự do tất nhiên đưa đến dân chủ. Phần lớn các nước dân chủ đều là những nước giầu có. Kinh tế gia đoạt giải Nobel người Ấn Độ Amartya Sen nghiên cứu về nạn nghèo đói và dân chủ đã đưa ra một lời tuyên bố nổi tiếng : "Không bao giờ có một nạn đói nào đáng kể xẩy ra ở một nước độc lập, dân chủ và có tự do báo chí" [10]. Nạn đói chỉ xẩy ra ở những độc tài hay bị chiếm đóng.

Tương tự như vậy, tham nhũng thường lan rộng ở những nước thiếu dân chủ. Hậu quả của tham nhũng là không đạt được sự chọn lựa tốt nhất, gia tăng phí tổn, làm hại đến sự sáng tạo, và nuôi dưỡng tội phạm. Những bằng chứng cụ thể từ những cuộc nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy rằng tham nhũng làm giảm đầu tư (nội địa cũng như nước ngoài), giảm phát triển, giới hạn giao thương, làm sai lệch chi phí quốc gia, làm suy yếu hệ thống tài chánh, và củng cố nền kinh tế đen (underground economy). Quan trọng hơn cả là tham nhũng làm tăng sự nghèo nàn và chênh lệch lợi tức [11]. Tham nhũng và tình trạng phe đảng, con ông cháu cha (cronyism) tại Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục nhận chìm những nhân tài và khả năng cạnh tranh của hai nước này [12].

Trong bảng xếp hạng về mức độ tham nhũng tại 177 quốc gia trên thế giới vào năm 2014 do Transparency International thiết lập, đứng đầu danh sách (trong sạch nhất) là Đan Mạch, kế đến là New Zealand, Phần Lan, Thụy Điển và Na Uy. Hoa Kỳ đứng hạng thứ 17. Trung Quốc :100. Việt Nam : 119. Nga : 136 [13]. Hoa Kỳ có thể cố gắng hơn để cải tiến hơn nữa về lãnh vực này.

Môi trường tự do dân chủ và một nền văn hóa siêu việt đã giúp cho nền kinh tế Hoa Kỳ phát triển như hiện nay với lợi tức đầu người tính theo mãi lực quân bình vào năm 2013 là 53.042 USD, xếp hạng sau bẩy nước mà phần đông là những nước sản xuất dầu : Qatar, Kuwait, Singapore, Brunei, Na Uy, Thụy Sĩ, và Saudi Arabia. Hoa Kỳ bỏ xa Nga (25.248 USD) và Trung Quốc (11.906 USD) [14].

Giáo sư Jonathan Adelman thuộc University of Denver viết : "Một câu châm ngôn chính trị xưa nói rằng ‘Anh không thể đánh bại một ai nếu người đó không có đối thủ.’ Ngay bây giờ không có một nước nào hiện ra ở chân trời sẽ bắt kịp hoặc là thử thách Hoa Kỳ một cách nghiêm chỉnh trong thời hạn một hay hai thập niên sắp tới" [15].

Sau khi viết bài nhận định này gần xong, dựa trên những dữ kiện vừa phân tách, tôi có khuynh hướng đồng ý với nhận định của Giáo sư Adelman. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là một đại cường quốc về kinh tế cũng như về quân sự không bị thử thách trong một tương lai có thể thấy được. Nga và Trung Quốc còn khá lâu mới có thể là đối thủ cân xứng với Hoa Kỳ. Thay đổi một thể chế chính trị cần vài năm. Cải tổ một nền văn hóa cần vài thế hệ cho đến vài thế kỷ để trở thành một nước vĩ đại.

Nguyễn Quốc Khải

Nguồn : VOA, 02/06/2015)

Chú thích :

[1] Jonathan Adelman, "Why the U.S. Remains the World’s Unchallenged Superpower", Forbes, November 24, 2013.

[2] Wikipedia, "Non-government Organization", May 28, 2015.

[3] Theo thống kê của tổ chức OECD, Labor – Productivity Levels in the total economy, May 27, 2015.

[4] Richard Florida, "America’s Looming Creativity Crisis", Harvard Business Review, October 2004.

[5] như trên.

[6] Wikipedia, "Immigration to the U.S"., May 28, 2015.

[7] John McCain, "McCain’s Concession Speech", The New York Times, November 4, 2015.

[8] Vũ Ngọc Tấn, "Tinh thần mã thượng trong nội chiến Mỹ", Việt Luận, 12/2011.

[9] Wikipedia, "Marshall Plan", May 28, 2015.

[10] Amartya Sen and Amartya K. Sen, "Poverty and Famines – an Essay on Entitlement and Deprivation", Oxford University Press, London, 1983.

[11] The World Bank, "The Economic and Social Consequences of Corruption in Transition Countries".

[12] Susan Adams, "The World’s Most Competitive Countries", Forbes, May 30, 2013.

[13] Transparency International, "Corruption Perceptions Index 2014", 2014.

[14] Theo số thống kê của World Bank.

[15] Như chú thích [1] .

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Quốc Khải
Read 1134 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)