Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/03/2019

Nhìn lại những bí ẩn và bất ngờ của Thượng đỉnh Kim-Trump

Cát Linh

Sự kiện chính trị mang tính lịch sử đối với Việt Nam và cả thế giới đã kết thúc, để lại nhiều bí ấn thú vị, nhiều bất ngờ về diễn tiến cũng như kết quả.

vna.jpg

Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un tại thượng đỉnh giữa hai nước diễn ra ở Hà Nội. (Hình : Vietnam News Agency/Handout/Getty Images)

Lịch trình bí ẩn

Chỉ vỏn vẹn còn khoảng 20 ngày trước khi diễn ra Thượng đỉnh lần thứ nhì, trong thông điệp liên bang tối ngày 5 tháng Hai, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump mới chính thức loan báo Việt Nam là quốc gia sẽ diễn ra hội nghị.

Thế nhưng, cụ thể là thành phố nào ở Việt Nam, khi đó vẫn chưa có câu trả lời.

Nhiều nguồn thạo tin của truyền thông nước ngoài cho biết, hai bên hiện vẫn còn đàm phán chi tiết kế hoạch hội nghị thượng đỉnh, ví dụ như hội nghị sẽ diễn ra ở Hà Nội hay Đà Nẵng.

Khi đó, tin từ Reuters còn dẫn lời một quan chức giấu tên ở Đà Nẵng nói rằng thành phố này nhận lệnh chuẩn bị đón tiếp cuộc họp cấp A1, ký hiệu giành cho những hội nghị ở tầm quốc tế.

Người dân Đà Nẵng thời gian đó thể hiện nhiều sự hân hoan và kỳ vọng được nhìn thấy hai vị lãnh đạo cao nhất của Hoa Kỳ và Bắc Hàn đến thành phố biển.

Mãi cho đến ngày 9 tháng Hai, ông Trump tuyên bố qua Twitter cá nhân của mình rằng thượng đỉnh thứ nhì giữa ông và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un sẽ diễn ra tại Hà Nội, vào ngày 27-28 tháng Hai, như ông đã từng thông báo trên Twitter ngày 10 tháng Năm, 2018 rằng Thượng đỉnh sẽ tổ chức ở Singapore vào ngày 12 tháng Sáu.

Khi đó, Singapore có một tháng hai ngày để chuẩn bị.

Lần này, Việt Nam có 16 ngày cho tất cả các công tác tổ chức.

Kể từ đó, các hoạt động chuẩn bị ráo riết, kể cả các hoạt động "ăn theo" Thượng đỉnh đồng loạt ra đời ở Hà Nội.

Bí ẩn kế tiếp là hàng loạt những đồn đoán, thắc mắc về phương tiện đến Việt Nam của ông Kim Jong-un.

Vấn đề về an ninh là sự quan tâm hàng đầu với vị lãnh tụ Bắc Hàn này. Thời gian, lịch trình đi lại làm việc của ông Kim cũng được giữ bí mật tuyệt đối đến phút chót. Thượng đỉnh lần thứ nhất ở Singapore là minh chứng cho điều đó. Phía ông Kim đã giữ kín lịch trình ở Singapore từ lúc khởi hành cho đến phút cuối ông lên máy bay rời đảo quốc. Lúc đó, không quan chức và nhân viên nào sân bay nào của Singapore có thể biết ông Kim sẽ lên chiếc máy bay nào trong 2 chiếc Boeing 747 của hãng hàng không Trung Quốc Air hay chiếc Ilyushin nào của Air Koryo Bắc Hàn.

trumpkim2

Chiếc Ilyushin nào của Air Koryo Bắc Hàn.

Tất cả những gì người quan tâm sự kiện được biết là ông Kim sẽ có mặt ở Việt Nam vào ngày 25 tháng Hai, trước Thượng đỉnh hai ngày.

Phương tiện bí ẩn

Trước đó 10 ngày, một số hãng thông tấn quốc tế như Hàn Quốc, AP đã "cắm chốt" ở ga Đồng Đăng, Lạng Sơn để chờ chuyến tàu màu xanh bọc thép của ông Kim Jong-un. Họ chỉ biết chờ đợi, mai phục chứ hoàn toàn không biết được ngày giờ nào ông Kim và phái đoàn Bắc Hàn sẽ bước ra khỏi sân ga. Thời điểm này, rất nhiều dự đoán khác nhau được đưa ra. Người thì cho là vẫn như Thượng đỉnh lần nhất, ông Kim sẽ đến Trung Quốc và từ đó, dùng hỏa xa để đáp xuống Nội Bài. Người thì cho là ông Kim có mặt ở Hà Nội trước ngày 25 tháng Hai. Những thông tin đã được đưa trên báo chí chỉ là nghi binh.

Chiều ngày 23, rất nhiều phóng viên đã đến trước ga Đồng Đăng, ghi lại hình ảnh về sự chuẩn bị ở đây. Các chuyến tàu về ga Đông Đăng cũng được thông báo tạm ngưng. Lệnh đóng đường được đưa ra từ 7 giờ tối. Rất ít người dân ở khu vực Đồng Đăng, Lạng Sơn được biết chính xác 7 giờ tối của ngày nào, 23 hay 24.

Đồng Đăng những ngày đó là một sân ga "đợi chờ" đúng nghĩa.

Cuối cùng, sáng ngày 25 tháng Hai, ông Kim Jong-un và phái đoàn Bắc Hàn đã bước ra từ chuyến xe lửa màu xanh cũng đầy bí ẩn, vượt qua 170 km để về Hà Nội.
Người dân Đồng Đăng nói riêng, người dân Việt Nam nói chung đã được tận mắt nhìn thấy vị lãnh tụ Bắc Hàn. Đặc biệt, họ được tận mắt nhìn thấy hình ảnh có một không hai ở các quốc gia trên thế giới, đó là những người lính mật vụ mặt "lạnh như tiền" chạy bộ hai bên chiếc xe đặc chủng chở ông Kim.

Những người bí ẩn

Nếu truyền thông có thể đưa ra được một số ảnh thân thiện, tươi cười của các mật vụ Mỹ, thì ngược lại, những điều này không thể tìm thấy ở mật vụ Bắc Hàn.

Họ không cho phép bất kỳ máy ảnh nào tiếp cận gần để chụp hình ông Kim, cũng như chính họ. Họ cũng không cởi mở với truyền thông, cho dù chỉ là một ánh mắt.
Nói về nhân vật bí ẩn thì không thể không nhắc đến một bóng hồng luôn xuất hiện thầm lăng bên cạnh Kim Jong-un, đó chính là em gái ông, cô Kim Yo-jong.

Cô được giới quan sát đánh giá là người hỗ trợ thân tín nhất và là người quyền lực duy nhất bên cạnh ông Kim, là một trong những nhân tố quan trọng trong những chiến lược ngoại giao, xây dựng hình ảnh của Kim Jong-un.

Tại ga Đồng Đăng, Lạng Sơn hay tại Đại sứ quán Triều Tiên ở Hà Nội, Kim Yo-jong luôn là người xuất hiện đầu tiên, tiền trạm cẩn trọng địa điểm trước khi ông Kim xuất hiện.

Theo dõi thông tin và hình ảnh về Thượng đỉnh lần thứ nhì, nhất là trong khuôn viên khách sạn Metropole Hà Nội sáng ngày 28 tháng Hai, Kim Yo-jong được nhìn thấy luôn trong tư thế "vừa gần, vừa xa" với anh của mình.

Hình ảnh ghi lại cho thấy Kim Yo-jong đang đứng bên ngoài trao đổi với các quan chức, cô bỗng bật chạy thật nhanh về phía nơi đang diễn ra cuộc họp kín giữa Kim và Trump. Ít phút sau đó, Tổng thống Trump và Kim Jong-un bước ra ngoài phòng họp.

Trong lúc nhà lãnh đạo đi dạo sau đó, góc máy của báo chí bắt được khoảnh khắc Kim Yo-jong đứng từ xa, nép mình quan sát diễn biến cuộc trò chuyện của anh trai và ông Trump. Cô luôn giữ một khoảng cách nhất định nhưng tư thế và gương mặt của cô cho thấy một sự cương nghị, dứt khoát và sẵn sàng tiếp ứng.

Cũng chính Kim Yo-jong là người đón bó hoa do phái đoàn Việt Nam trao tặng ông Kim ở ga Đồng Đăng và ở phủ Chủ tịch.

Những họp báo bất ngờ

Không có gì phải dự đoán về lịch trình của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Cho đến khi chiếc Air Force One hạ cánh sân bay Nội Bài tối ngày 26 tháng Hai thì tất cả lịch trình đều được công bố trước đó.

Nhưng về lịch trình của hai ngày diễn ra Thượng đỉnh lần thứ nhì thì ngay cả Trung tâm Báo chí Quốc tế, nơi phục vụ cho Thượng đỉnh cũng được biết rất hạn chế và công bố theo từng giai đoạn.

Sau buổi lễ ký kết những hợp đồng lớn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam vào sáng ngày 27 tháng Hai, theo một quan chức Bộ Ngoại giao, lẽ ra có một cuộc họp báo vào chiều cùng ngày, nhưng đã không diễn ra như dự trù.

Thế nhưng, đó chưa phải là bất ngờ của Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Bắc Hàn lần này. Mà điều làm cho cả thế giới phải "chưng hửng" buổi họp báo sớm và quyết định về Mỹ sớm hơn dự trù của ông Trump.

Trang tin Vox cho biết theo nguyên tắc, các sự kiện lớn và quan trọng như Thượng đỉnh ở Hà Nội sẽ không được tổ chức nếu các lãnh đạo không đạt được những thỏa thuận chung trước đó. Thượng đỉnh chỉ là cuộc họp báo mang ý nghĩa công bố chính thức.

Do đó, kết thúc Thượng đỉnh mà không có thỏa thuận chung được đưa ra khiến cả thế giới phải bất ngờ.

Tin nội bộ cho biết Washington và Bình Nhưỡng đã dự thảo sẵn hai văn kiện đó là Tuyên bố chung và Tuyên bố Hà Nội về chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, kết quả như thế nào thì thế giới đã được chứng kiến.

Tờ TuanVietnam.net trích ý kiến của Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Ngoại giao, Tiến sĩ Trần Việt Thái nói rằng :

"Sau kết quả họp Thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore tháng Sáu, 2018, hai bên đã chốt ba nội dung sẽ thảo luận tại Hà Nội. Thứ nhất là phi hạt nhân hoá, đi kèm với đó là dỡ lệnh cấm vận. Thứ hai là thiết lập hòa bình ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Thứ ba là thiết lập quan hệ ngoại giao.

Hoa Kỳ đã gói hai vấn đề làm một, tức là vấn đề phi hạt nhân hóa phải được gói với vấn đề dỡ lệnh cấm vận. Còn Bắc Hàn thì muốn tách ra. Đây là điểm khác biệt nhất, là cái gốc của vấn đề dẫn đến đổ vỡ, không ký được tuyên bố chung".

Báo USA Today bình luận rằng hai lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Hàn đã không thể kết nối được những đòi hỏi của nhau. Trong khi Mỹ yêu cầu Bắc Hàn đưa ra kế hoạch chi tiết về việc phi hạt nhân hóa thì Bắc Hàn yêu cầu Mỹ trước hết dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế.

Ông Donald Trump từng nói đến điều này khi trả lời ký giả Sean Hannity của Fox News tại Hà Nội.

Cuối cùng, chủ nhân Tòa Bạch Ốc đã quyết định hủy bỏ buổi ăn trưa, truyền lệnh chuẩn bị lên Air Force One về Mỹ ngay trong chiều hôm đó.

Cả thế giới sau đó thêm một phen sửng sốt với cuộc họp lúc nửa đêm của phía Bắc Hàn.

Thượng đỉnh là kết thúc. Sẽ có một Thượng đỉnh lần ba hay không, chưa ai biết được. Vẫn theo trang Vox, có thể Washington và Bình Nhưỡng không thể đạt được thỏa thuận ở Hà Nội, nhưng không có nghĩa là họ không làm được điều đó theo thời gian.

Và nếu điều đó xảy ra, thì có lẽ đó sẽ là một bất ngờ khác nữa.

Cát Linh

Nguồn : Người Việt, 03/03/2019

Quay lại trang chủ
Read 629 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)