Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/03/2019

Nghĩ về một sinh lộ cho dân tộc Việt

Cao Tuấn

Lời tác giả : Thượng đỉnh Trump-Kim ở Việt Nam đã mở ra một cơ hội hiếm có để phá vỡ các bế tắc bằng những thảo luận hay tranh luận sôi nổi về các vấn đề tư tưởng căn bản (vốn là điểm mạnh Thông Luận) đi đôi với các chương trình làm việc từng bước cụ thể. Tôi thành thực nghĩ như vậy và mong có sự đồng cảm.

sinhlo1

*******************

Đọc "Chân dung và dáng đứng Việt Nam qua Thượng đỉnh Trump-Kim" trên báo Thông Luận, nghĩ về một sinh lộ cho dân tộc Việt

"Sinh lộ cho dân tộc Việt" là một cố gắng tổng hợp một số ý tưởng của các nhân sĩ Việt Nam như cố giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, học giả Hồ Hữu Tường, Tiến sĩ Hà sĩ Phu, cụ Nguyễn Trung và cả ông Nguyễn Gia Kiểng cùng tài liệu Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai - Dự án chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Lẽ dĩ nhiên, dù là "thuật nhi bất tác", cá nhân người làm công việc khá liều lĩnh này duy nhất chịu trách nhiệm hoàn toàn về những sự không hoàn hảo hay sal lầm của mình, chỉ mong mang lại sự quan tâm thảo luận về nội dung đã nêu ra, càng rộng rãi, càng sâu sắc càng hay.

"Sinh lộ cho dân tộc Việt" như một giải pháp toàn bộ bao gồm những điểm chính như sau :

- Việt Nam là quốc gia "Độc lập"

- Việt Nam là quốc gia theo chế độ "Trung lập pháp lý"

- Việt Nam là quốc gia theo chế độ "Dân chủ tự do"

- Việt Nam là quốc gia theo "Chủ nghĩa xã hội"

- Việt Nam là quốc gia theo "Chủ nghĩa hòa bình"

"Toàn bộ" có nghĩa tất cả những điểm trên đều liên hệ mật thiết với nhau, tạo thành "điều kiện cần và đủ" cho Sinh Lộ.

Trước khi khai triển thêm cho rõ nội dung từng chủ điểm phải nhấn mạnh chính người Việt Nam, chứ không phải ai khác, bằng sự khôn ngoan và quyết tâm sẽ thực hiện giải pháp "Sinh lộ cho Việt Nam".

Người Việt Nam ở đây là ai ? Xin trả lời : Là mọi người Việt Nam, có nghĩa không loại trừ ngay cả chính quyền cộng sản Việt Nam - "buông giao đồ tể xuống là thành Phật".

Thực ra, nếu chính quyền cộng sản hiện thời chấp nhận cùng với nhân dân Việt Nam làm mọi sự thay đổi cần thiết thì đó là trường hợp tối ưu, tiết kiệm được thì giờ và xương máu.

Ngược lại không chịu "buông dao đồ tể", nhân dân Việt Nam bằng cách này hay cách khác phải đứng lên chấm dứt cái chế độ chính trị phản dân, hại nước để thành lập một chế độ mới thực hiện mọi lý tưởng và chương trình đã định.

sinhlo2

Nếu không thay đổi nhân dân Việt Nam sẽ bằng cách này hay cách khác đứng lên chấm dứt cái chế độ chính trị phản dân, hại nước để thành lập một chế độ mới…

Nếu tại Âu Châu, nhân dân Nga, Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Đông Đức, Lỗ Ma Ni, Bảo Gia Lợi, Albanie, Ukraine có thể đứng lên chấm dứt các chế độ độc tài cộng sản, nếu tại Á Châu, nhân dân các nước Phi Luật Tân, Indonesia có thể vùng dậy xóa bỏ chế độ độc tài hữu phái Marcos, Suharto thì tại sao nhân dân Việt Nam, một thời được ca tụng "đỉnh cao trí tuệ loài người", lại không thể làm được sự nghiệp tương tự trong những điều kiện còn thuận lợi hơn nhờ những tiến bộ vượt bực về kỹ thuật truyền thông trong thời đại mới ?

Sau đây là nội dung từng chủ điểm :

1. "Độc lập" có nghĩa không chấp nhận lệ thuộc, không chấp nhận sự xâm phạm chủ quyền quốc gia như chủ quyền lựa chọn thể chế, chủ quyền lựa chọn người lãnh đạo, chủ quyền lãnh thổ...

Độc lập cũng có nghĩa duy trì một lực lượng quân sự hùng mạnh để tự vệ, một "sách lược quốc phòng toàn dân" sẵn sàng đánh bại, đẩy lui, làm sa lầy, vô hiệu hóa mọi xâm lấn và xâm lăng.

2. "Trung lập pháp lý" có nghĩa không những tuyên bố Trung lập, cam kết không ngả về bên nào, cam kết đứng ngoài các tranh chấp quốc tế "gió tanh, mưa máu", không theo ai chống ai, không cho đặt căn cứ quân sự ngoại quốc trên lãnh thổ mà còn chính thức ghi chủ trương Trung lập trong Hiến pháp mới, chấp nhận thanh sát quốc tế, chính thức yêu cầu Liên Hiệp Quốc cũng như các cường quốc công nhận, ghi nhận và ủng hộ chính sách trung lập thành thực, đứng đắn của Việt Nam.

Nói một cách khác Việt Nam sẽ thực hiện "Trung lập pháp lý" giống như nước Thụy Sĩ.

Chủ trương "Trung lập pháp lý" nhằm hóa giải mọi đe dọa nguy hiểm đối với sự sinh tồn của dân tộc Việt Nam bắt nguồn từ vị trí xung yếu của quốc gia Việt Nam ở Đông Nam Á, một địa điểm chiến lược quan trọng mà các đại cường quốc đều không muốn bỏ qua nên tìm cách tranh đoạt hoặc kiểm soát hoặc tìm cách lôi kéo, dẫn dụ Việt Nam đứng vào phe của họ chống lại phe khác.

Chủ trương trung lập dựa trên kinh nghiệm xương máu của chính người Việt Nam và nhận định thiết thực là nước nhỏ liên minh với nước lớn chống lại một nước lớn khác thường "lợi bất cập hại" :

- vì nhỏ, yếu nên hay bị nước lớn thù nghịch nắm đầu "đánh" trước, "trừng phạt" bằng mọi cách ;

- nếu các nước lớn không muốn đụng độ trực tiếp vì sợ dẫn đến chiến tranh nguyên tử tận diệt, nước nhỏ sẽ bị đẩy ra phía trước làm tốt thí và "chết như ruồi" ;

- nếu "phe ta" thắng chiến lợi phẩm ngon lành nhất thuộc về đàn anh, đàn em chỉ còn phần xương xẩu ;

- nếu các nước lớn làm hòa, dàn xếp với nhau nước nhỏ sẽ bị bỏ rơi, bị làm vật đổi chác hoặc hy sinh "tế thần"...

Hiện thời Việt Nam là đối tượng tranh giành giữa Mỹ và Tầu. Mỗi nước đều có chính sách riêng đối với Việt Nam.

"Thượng sách" của Tầu là duy trì nguyên trạng Việt Nam như một thuộc quốc, kiềm chế về mọi mặt, tha hồ chèn ép, thao túng. "Hạ sách" là phải bất lực ngồi nhìn Việt Nam xoay 180 độ, hoàn toàn theo Mỹ và để Mỹ sử dụng phá kế hoạch bành trướng của Tầu ở Đông Nam Á, Đông Bắc Á và trên toàn thế giới.

Nếu Tầu không tiếp tục được thượng sách, không cam tâm chịu hạ sách thì phải đành chấp nhận "Trung sách" là giải pháp không phải tốt nhất, nhưng cũng không phải xấu nhất : một Việt Nam Trung lập, không theo Tầu nhưng cũng không theo Mỹ để làm hại những quyền lợi chính đáng của Tầu.

Mặt khác, thượng sách của Mỹ là Việt Nam trở thành "đồng minh chiến lược gọi dạ bảo vâng" của Mỹ, hạ sách là Việt Nam là "chư hầu gọi dạ bảo vâng" của Tầu.

Mỹ không thực hiện nổi thượng sách, không thể chấp nhận hạ sách thì trung sách "Việt Nam Trung lập" lại chính là giải pháp tốt nhất cho Mỹ trong điều kiện hiện tại.

Việt Nam không theo Mỹ nhưng Việt Nam cũng không theo Tầu để làm hại những quyền lợi chính đáng của Mỹ.

Nếu Mỹ có nhiều lý do hơn để chấp nhận và ủng hộ Việt Nam Trung lập thì Tầu dù có ít lý do hơn cũng bị đặt trong vị thế khó có thể bài bác hay chống đối.

Trước công luận thế giới, Tầu bài bác, chống đối một nước Việt Nam Trung lập trên căn bản gì ?

Tầu hoàn toàn không có chính nghĩa nếu phủ nhận quyền sống và ý nguyện của Dân Tộc Việt Nam !

Một cường quốc có tham vọng làm bá chủ thế giới dù độc địa đến đâu cũng phải giữ gìn bộ mặt nhân nghĩa !

3. "Dân chủ tự do" có nghĩa :

- nước Việt Nam từ bỏ vĩnh viễn chủ nghĩa độc tài cộng sản mác xít - lêninít ;

- chủ quyền đất nước thực sự thuộc về toàn dân ;

- chấp nhận đa nguyên, đa đảng ;

- công nhận quyền tư hữu ;

- thượng tôn luật pháp ;

- tôn trọng nhân quyền ;

- mọi người bình đẳng trước luật pháp về quyền lợi và nghĩa vụ ;

- các quyền tự do căn bản được long trong công nhận và thực thi như: tự do bầu cử, ứng cử, tự do tôn giáo, tự do lập hội, tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do kinh doanh và tự do làm những điều mà luật pháp không cấm ;

- chính quyền được tổ chức theo lối tam quyền phân lập (balances and checks) với nhiệm kỳ rõ rệt...

Cần nói thêm thể chế dân chủ tự do với nội dung như trên, đặc biệt với một nền báo chí tự do, sự hiện diện của các đảng đối lập, sự phân quyền... chính là những bảo đảm cho chính sách trung lập có ghi trong Hiến pháp của quốc gia Việt Nam sẽ được thi hành một cách nghiêm chỉnh trước sự phán xét của công luận quốc tế và quốc nội.

Đó là lý do tại sao chính sách trung lập thực sự phải song hành với chế độ dân chủ tự do chứ không thể song hành với một chế độ độc tài ngồi xổm trên luật pháp của chính mình, làm quyết định trong bóng tối, nay thế này, mai thế khác, nói một đằng làm một nẻo, không ai có thể kiểm soát và không ai tin tưởng.

4. "Chủ nghĩa xã hội" là chủ nghĩa xã hội dân chủ tự do theo mẫu mực các nước Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, tuyệt đối không phải loại chủ nghĩa xã hội tai hại kiểu độc tài cộng sản. Chủ nghĩa xã hội áp dụng ở Việt Nam có 2 mục đích chính : 

- Thực hiện một xã hội nhân bản, hướng tới sự bình đẳng một cách tích cực nhưng ôn hòa như tái phân phối lợi tức giữa các thành phần xã hội bằng các biện pháp thuế khóa, bảo đảm các an sinh xã hội, quy định mức lương và mức lợi tức tối thiểu, quốc hữu hóa các ngành hoạt động trọng yếu, giảm bớt tối đa sự phân cách giầu nghèo như tình trạng hiện tại trong đó khoảng 5% dân số có đặc quyền đặc lợi đang chiếm hết 90% của cải, tài sản của toàn xã hội, 95% dân số sống khốn cùng chia nhau 10% còn lại.

- Gây dựng lại tình liên đới, đoàn kết trong nhân dân cùng với lòng yêu nước, ý chí muốn bảo vệ tổ quốc thân yêu bấy lâu bị sa sút trầm trọng vì độc tài, tham nhũng, áp bức, dối trá, bóc lột, đạo đức giả...

5. "Chủ nghĩa hòa bình" có nghĩa Việt Nam theo đuổi một chính sách thân hữu, cởi mở với mọi quốc gia trên thế giới đặc biệt là các nước Mỹ, Pháp, Nhật, Nga và 3 nước láng giềng có chung biên giới là Lào, Cao Miên, Trung Hoa bất kể có hay không sự khác biệt về thể chế chính trị. 

Việt Nam cam kết "sống chung hòa bình", cam kết giải quyết mọi bất đồng một cách ôn hòa, công bằng và theo chuẩn mực luật pháp quốc tế.

Cao Tuấn

(05/03/2019)

Quay lại trang chủ
Read 1363 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)