Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/03/2019

Chấn chỉnh tác phong công an

Trung Khang

Trong dự thảo thông tư quy định về điều lệnh nội vụ công an nhân dân vừa được Bộ công an công bố, có quy định công an không được đeo kính đen, đút tay vào túi khi làm việc. Quy định này có phù hợp thực tế tại Việt Nam ?

congan1

Công an giao thông đang làm việc, ảnh minh họa chụp trước đây. Photo courtesy of Zing

Cụ thể Dự thảo thông tư có 8 chương, 50 điều quy định về chức trách, nhiệm vụ, chế độ làm việc, huấn luyện, học tập, nghỉ ngơi của toàn bộ lực lượng công an và sinh viên ngành công an.

Theo điều 43, công an bị cấm đeo kính đen khi trực tiếp giải quyết công việc với người khác và đút tay vào túi khi làm nhiệm vụ. Ngoài ra công an không được nhuộm tóc khác màu đen, để móng tay, móng chân dài và sơn màu… cấm để râu, ria, để tóc dài… hoặc cắt tóc quá ngắn ! ? Trừ trường hợp đầu bị hói, bị bệnh thì phải có chỉ định của bác sĩ.v.v…

Nhận định về thông tư này, Ông Nguyễn Đăng Quang, cựu Đại tá Công an hiện nghỉ hưu ở Hà Nội, cho biết :

"Nếu có thông tư này thì tôi cho rằng cũng quá muộn, đáng lẽ lực lượng vũ trang đã phải nghiêm chỉnh chấp hành điều lệ này từ lâu rồi. Bây giờ quy định rõ như vậy là hơi muộn, nhưng muộn còn hơn không".

Còn một người dân ở Bình Thuận thì nhận xét :

"Thông tư hay nghị định thì dành cho người dân, phải tuân theo, chứ công an cán bộ họ không có tuân theo đâu ?"

Đây không phải là lần đầu tiên ngành công an đưa ra những quy định như vậy, trước đây nhiều năm cũng đã quy định tương tự. Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp công an vi phạm điều lệ, gây bức xúc, bị người dân chụp hình đưa lên mạng xã hội.

Trao đổi với chúng tôi hôm 8/3/2019 về vấn đề này, Bác sĩ Đinh Đức Long, một đảng viên quân đội nhân dân đã từ bỏ đảng nhận định :

"Cái này nó không có gì mới cả, ngày xưa tôi bé tôi đã có nghe một câu là công an khi tiếp dân không được đeo kính, không được gác chân lên xe đạp.v.v… Nhưng lần này có lẽ họ làm bài bản hơn. Đưa vô nghị định thì có lẽ áp dụng toàn quốc. Ngày xưa khi tôi bé, tôi không nhớ là chỉ công an Hà Nội hay công an toàn quốc, đã có việc tương tự như vậy rồi".

Cũng có nhiều quốc gia không cho phép cảnh sát đeo kính đen khi làm việc như Thái Lan. Hay tại hạt Essex ở miền Đông nước Anh, cảnh sát được yêu cầu phải để kính đen ở nhà trong khi thi hành công vụ. Với lý do được đưa ra là cảnh sát đeo kính đen khi thi hành công vụ trông quá lạnh lùng và vẻ mặt đầy hăm dọa đối với người dân.

Cảnh sát hạt Essex chỉ được sử dụng kính đen khi lái xe để tránh khỏi bị ánh sáng mặt trời làm lóa mắt, nhất là khi rượt đuổi tội phạm. Hay nếu có lý do về sức khỏe thì cũng sẽ được đeo kính đen, ngoài ra trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được phép mang kính đen khi tiếp xúc với dân.

Không giống như binh lính Mỹ, quân đội Anh tại Iraq vào năm 2003 cũng phải bỏ kính đen ra khi tiếp xúc với dân địa phương, để có thể nhìn thẳng vào mắt người đối thoại, từ đó mới có thể xây dựng lòng tin, tạo hình ảnh đẹp trong lòng người dân bản xứ.

congan2

Phóng viên bị cảnh sát áo đen đấm thẳng vào mặt hôm 23/9/2016. Hình chụp từ video

Trở lại với thực tế tại Việt Nam, Tiến sĩ Mạc Văn Trang, một đảng viên đã từ bỏ đảng cho rằng thông tư này là có tiến bộ, bởi vì theo ông người dân hiện nay thấy bức xúc với việc công an tiếp dân đeo kính đen, khẩu trang… là không lịch sự, không văn minh, không tôn trọng nhân dân, trong khi điều lệ công an yêu cầu khi làm việc với dân phải tôn trọng lễ phép. Ông cho rằng thông tư này là một điều chỉnh tốt, tiến bộ và đáng hoan nghênh. Tuy nhiên ông nói tiếp :

"Nhưng trong thực tế có một lực lượng dân phòng hay xã hội đen, lâu nay dân cứ nói là được công an bảo kê, khi giải tỏa, cưỡng chế đất, nó đánh dân. Thí dụ như đánh những người đấu tranh dân chủ như đánh Chị Nga gãy cả chân trước kia, mà công an đâu có điều tra ra. Thành ra họ sợ công an mà đeo khẩu trang kính đen thì nó lẫn vào đám xã hội đen, nên người ta phân biệt ra".

Cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang đưa ra ý kiến của mình :

"Tôi thấy lực lượng vũ trang phải công khai và có trang bị rõ ràng, song song với lực lượng vũ trang cảnh sát công an, còn có lực lượng thứ hai là lực lượng dân phòng. Dân phòng này không phải lực lượng chính quy nên hoạt động rất tùy tiện. Nhiều khi họ được một thế lực nào đó trong chính quyền lợi dụng để tiến hành những hoạt động không được phép, trong thực tế chống việc không thi hành pháp luật của người dân, hay nói cách khác là thi hành công vụ, thì không chỉ có lực lượng cảnh sát, mà còn có lực lượng dân sự, theo tôi không nên tiếp tục như vậy đươc nữa. Vì pháp luật đã quy định chỉ có những người mặc quân phục mới là người thi hành công vụ".

Theo Bác sĩ Đinh Đức Long, ngày xưa thì phần lớn công an vẫn tuân theo điều lệ này, nhưng bây giờ nhiều khi họ lạm dụng, họ mặc quần áo thường dân, đeo khẩu trang, kính đen để hành hung những người bất đồng chính kiến như ông :

"Họ mặc quần áo thường dân, đeo khẩu trang, kính râm, bịt mặt để hành hung chúng tôi chẳng hạn. Họ đánh mình xong họ gây lộn với mình, nói mình gây rối trật tự công cộng, rồi bắt mình. Bản thân tôi đã từng bị như thế, rất là khó phân biệt. Những lực mặc cảnh phục thì họ tránh né vì sợ dân chụp hình đăng facebook. Còn lực lượng không mặc cảnh phục thực chất cũng là công an, thì cái đó mình chịu, không có lệnh gì hết thì không thể chấp nhận được".

Trong dự thảo thông tư này, ngoài những điều cấm vừa nêu, thì cũng có một quy định gây tranh cãi là lực lượng công an không được ăn, uống ở hàng quán vỉa hè ! ?

Một người dân ở Hội An nhận xét :

"Công an ăn cơm vỉa hè thì có gì đâu mà cấm, người dân ăn cơm vỉa hè bình thường mà".

Trong khi đó cũng có một số cư dân mạng nhận định, ăn cơm vỉa hè có gì đâu mà cấm, trong khi hình ảnh phản cảm nhất là cảnh sát giao thông đứng ở chỗ khuất và ló ra chộp lấy người vi phạm giao thông, hay núp trong bụi cây để ghi hình người tham gia giao thông thì không cấm ?

Cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang nêu lên ý kiến của mình :

"Quy định là quy định vậy thôi, chứ thực tế trong lực lượng vũ trang, đâu phải ai cũng có nhà gần đấy để trưa hay tối về nhà ăn. Cơ quan đơn vị cũng không cung cấp được bữa ăn cho những người xa gia đình thì người ta phải tùy cơ ứng biến thôi. Người ta phải ăn cho khỏi đói bụng thì lại cấm người ta. Khi cấm thì phải có điều kiện để người ta giải quyết nhu cầu sinh hoạt chứ".

Bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng việc gì cũng quan trọng cả, chống tham nhũng cũng quan trọng, chống đặc quyền đặc lợi cũng quan trọng, và xây dựng hình ảnh công an cũng quan trọng. Vì theo ông công an là đại diện cho cơ quan công quyền của nhà nước, mà nhem nhuốc quá cũng không được. Theo ông chính quyền làm được cái gì tốt thì nên ủng hộ, dù nhỏ) nhất cũng còn hơn là không làm.

Trung Khang

Nguồn : RFA, 08/03/2019

******************

Dân và chính quyền chưa thuận nhau trong cách giám sát cán bộ (RFA, 07/03/2019)

Vào ngày 3/1/2019, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch Thành phố Hà Nội đã ký vào Quyết định 12/QĐ-UBND ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố.

congan3

Trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội. Courtesy of baomoi.com

Theo đó, ở điều 7 mục ‘Đối với công dân’ có quy định rõ không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân.

Công luận sau đó có phản ứng. Cục Kiểm tra Văn bản Pháp luật của Bộ Tư pháp cũng lên tiếng.

Đến đầu tháng 3 vừa qua, Thành phố Hà Nội có văn bản hướng dẫn Quyết định 12/QĐ-UBND. Trong đó cho biết không cấm ghi hình, chụp ảnh, ghi âm nữa, mà thay vào đó là bổ sung việc cấm livestream hoặc các hình thức phát hình ảnh, âm thanh trực tiếp ra ngoài phòng tiếp dân.

Nhận xét về qui định mới này dưới quan điểm cá nhân, từ Hà Nội, Luật sư Hoàng Văn Hướng cho rằng việc này không sai :

"Vì livestream và quay hình chỉ là biện pháp cách thức thực hiện việc giám sát thôi, mà quyền giảm sát có nhiều hình thức : có thể qua cử tri của mình tiếp xúc trực tiếp, gửi văn bản khiếu nại. Nhưng mà nơi tiếp công dân theo quan điểm của mình là phải bảo vệ tính tôn nghiêm của nó, nhưng mà livestream thì người tốt livestream có khi lại ít nhưng mà người mà vì bức xúc đưa lên gây ra một trật tự xã hội không tốt. Việc bảo đảm cho quyền giám sát cũng đưa vào đó những cách thức, biện pháp và nguyên tắc, nhưng ngược lại cũng trong hệ thống pháp luật Việt Nam còn phải bảo đảm tính văn minh, tính tôn nghiêm ở nơi công cộng, đặc biệt là nơi tiếp công dân và nơi công quyền".

Giải thích rõ hơn, Luật sư Nguyễn Văn Hậu ở Sài Gòn cho rằng :

"Luật cấm ghi hình được quy định trong Luật tiếp công dân, mà Luật tiếp công dân được giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh thành có những nơi tiếp công dân theo đặc thù thì họ có quyền có những quy định, ví dụ như ghi hình một buổi tiếp công dân thì phải có sự đồng ý của người tiếp công dân.

Sau khi Bộ Tư Pháp xem lại thì thấy rằng trong luật tiếp công dân có quy chế tiếp công dân thì Ủy ban nhân dân có quyền quy định những điều đó".

Tuy nhiên, không đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng việc cấm livestream của chính quyền thành phố Hà Nội thể hiện sự lẩm cẩm, tức là cho phép ghi âm, ghi hình nhưng lại cấm livestream.

congan4

Livestream trên Facebook. RFA

"Sự khác biệt của nó không lớn, nó vẫn là một hình thức ghi được hình ảnh trong quá trình làm việc giữa hai bên. Chỉ có điều livestream phổ biến hình ảnh ngay trực tiếp ra ngoài cho công chúng xem. Và thật ra điều này đối với pháp luật thì cũng không có quy định nào cấm như vậy cả. Cho nên riêng ở Hà Nội, họ ra quy định này giống như Hà Nội có luật lệ riêng vây. Điều này không đúng, theo quy định của pháp luật là không thể chấp nhận được".

Vẫn theo Luật sư Mạnh, nếu cán bộ làm việc nghiêm túc thì không có gì phải e dè chuyện người dân phát hình trực tiếp buổi làm việc lên mạng.

Đồng quan điểm trên, nhà hoạt động Lã Việt Dũng, một công dân từng làm việc với cơ quan công quyền Hà Nội nhiều lần, cũng cho rằng quy định mới này cũng chỉ là sự cấm đoán trá hình nhằm làm khó cho người dân :

"Đây là 1 hình thức mang tính đối phó của chính quyền Hà Nội bởi vì họ vẫn xuất phát từ quan điểm là việc người dân quay phim hay livestream là làm khó khăn cho họ. Nhưng thực ra mình nghĩ rằng nếu họ làm đúng, không làm gì sai thì họ không việc gì phải sợ. Nếu mình là chính quyền Hà Nội thì mình sẽ cho quay phim thoải mái, livestream thoải mái".

Vẫn theo nhà hoạt động Lã Việt Dũng, việc công dân được quyền phát hình trực tiếp sẽ giúp hạn chế những mặt tiêu cực của chính quyền :

"Đã có lần ngay từ thời trước khi mà chưa có livestream thì mình cũng đã có vài lần làm việc với cơ quan công quyền, thì họ vòi tiền và làm ăn rất tắc trách, nhưng lúc đó không có công cụ để quay lại, để phát tán lên mạng thời đấy cả".

Trong văn bản hướng dẫn những quy định mới, ngoài việc cấm livestream, đối với việc ghi âm, chụp ảnh thì yêu cầu sử dụng dữ liệu đúng pháp luật cũng khiến nhiều người bày tỏ lo ngại sử dụng thế nào thì mới đúng pháp luật ?

Trao đổi với RFA, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng :

"Khi sử dụng một hình ảnh, câu chuyện, sự việc thì phải đúng sự thật. Thí dụ nó xâm phạm quyền riêng tư, phỉ báng người khác, thì pháp luật sẽ có những chế tài".

Ngoài ra, Luật sư Hậu cũng cho rằng việc tiếp công dân là công khai, người dân trong quá trình tiếp công dân nếu không đồng ý với quyết định hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, họ có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện những quyết định hành vi hành chính đó.

Luật sư Hoàng Văn Hướng thì cho rằng Thành phố Hà Nội có bố trí camera ghi lại không gian nơi tiếp công dân, nên theo ông, chính quyền Hà Nội cũng sẵn sàng tạo điều kiện cho những người thu thập chứng cứ, chứ không hề gây khó khăn.

Bằng kinh nghiệm nhiều năm làm việc với cơ quan công quyền, nhà hoạt động Lã Việt Dũng lại có cách nhìn khác :

"Thực ra mình chưa bao giờ yêu cầu việc chiết xuất đó cả, và nếu mình có yêu cầu thì họ cũng không làm, đấy là điều chắc chắn".

Còn đối với Luật sư Đặng Đình Mạnh, do những quy định này chưa đưa vào thực hiện nên không thể biết được diễn biến, tuy nhiên ông vẫn giữ quan điểm :

"Tôi chỉ có thể nói một điều mang tính nguyên tắc thôi là suốt tất cả những quy định của họ về vấn đề có dấu hiệu mà ngăn cản, cấm người dân thực hiện quy định giám sát, kiểm tra khi mà cán bộ nhà nước làm việc theo tôi căn bản điều đó là sai rồi".

Những quy định được ban hành gần đây của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thường vấp phải những phản đối mạnh mẽ từ phía người dân với nguyên nhân được nói là thiếu tính thuyết phục, không có tính thực tế và hạn chế quyền công dân, hay như lời Luật sư Đặng Đình Mạnh là "Hà Nội có luật lệ riêng".

Quay lại trang chủ
Read 632 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)