Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/03/2019

Đến lượt sân bay Tân Sơn Nhất bị điểm mặt : hậu ý gì ?

Thường Sơn-Nguyễn Đình Ấm

Những kẻ nào đang cố ý đẩy sân bay Tân Sơn Nhất vào thảm cảnh ?

Sau 4 năm kể từ thời dư luận xã hội phản ứng dữ dội về thảm cảnh sân bay Tân Sơn Nhất kẹt cả dưới đất lẫn trên trời và vụ sân golf Tân Sơn Nhất chiếm dụng đến 157 ha đất của khu vực sân bay dân sự, cơ chế giải tỏa sân golf này vẫn giẫm chân tại chỗ đầy nghi ngờ, trong lúc nhóm lợi ích Bộ Giao thông và vận tải vẫn cố tình chây ì hết năm này đến năm khác.

Một bài viết trên báo Thanh Niên cho biết rõ hơn về thảm cảnh trên. 

tsn1

Các tuyến đường xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất luôn quá tải. Ảnh : Hữu Công.

Trở về Thành phố Hồ Chí Minh trưa 11/03 sau chuyến bay dài từ Mỹ, chị Nguyệt (Q.4) không khỏi bất ngờ khi bước vào khu vực làm thủ tục nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Không phải dịp cao điểm lễ, tết nhưng người chờ xếp hàng làm thủ tục kéo dài từ cửa vào sân bay cho tới khu vực hải quan. Ngay cả làn ưu tiên cho khách hạng thương gia của Vietnam Airlines cũng chật kín hàng trăm người đứng chờ. "Đi vé hạng thương gia về cũng phải chờ xếp hàng cả gần tiếng đồng hồ mới làm xong thủ tục nhập cảnh. Tôi đi nhiều nước nhưng chưa thấy sân bay nào đông đúc chật chội, thủ tục xuất, nhập cảnh làm lâu như các sân bay tại Việt Nam. Khách nước ngoài ai cũng lắc đầu ngao ngán", chị Nguyệt than.

Không chỉ khu vực nhập cảnh, hình ảnh hành khách chen chúc xếp hàng chờ đợi làm thủ tục check-in, lấy hành lý… không khó bắt gặp tại bất cứ thời điểm nào ở sân bay Tân Sơn Nhất. Số liệu từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết năm 2017, lượng hành khách thông qua Tân Sơn Nhất đã vượt con số 36 triệu lượt, quá tải khoảng 30%, trong đó nhà ga quốc nội T1 đã khai thác 22,37 triệu lượt, vượt 1,5 lần công suất thiết kế. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi trong bảng xếp hạng khảo sát sự hài lòng của hành khách về chất lượng dịch vụ đối với 6 sân bay quốc tế mà Cục Hàng không Việt Nam mới công bố, sân bay Tân Sơn Nhất giữ vị trí "đội sổ" với 3,96 điểm, cách sân bay Cát Bi - đứng đầu bảng - tới gần 1 điểm. Trong bối cảnh đó, sự phát triển đột phá của ngành du lịch, kéo theo lượng khách quốc tế tăng trưởng cao, cùng sự gia nhập của nhiều hãng hàng không mới đang đặt thêm áp lực rất lớn lên khả năng khai thác của sân bay lớn nhất nước này…

Âm mưu ‘nuốt’ sạch 800 ha đất vàng sân bay Tân Sơn Nhất ?

Sau một chỉ đạo chung chung và có phần ma mị của Thủ tướng Phúc vào cuối năm 2018 về ‘mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về cả phía Bắc lẫn phía Nam’, cho tới nay Bộ Giao thông và vận tải và các công ty tư vấn vẫn chưa nêu ra được phương án nếu mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam thì sẽ cần giải tỏa những khu vực nào, trong đó khu dân cư chiếm bao nhiêu diện tích và phần kinh phí bồi thường sẽ lên đến bao nhiêu…

Trong khi đó, giới lãnh đạo Bộ Giao thông và vận tải lại quá nôn nóng để xây dựng sân bay Long Thành ở Đồng Nai.

Hai sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành có một mối ‘tham duyên’ sâu kín. Không phải bỗng dưng mà từ năm 2015, các nhóm lợi ích ODA, giao thông và chính sách đã ‘hiệp đồng tác chiến’ một cách bài bản trên hai mặt trận thủ tục hành chính và truyền thông nhằm tống tiễn càng nhanh càng tốt trọng điểm sân bay từ Tân Sơn Nhất về Long Thành như mô hình ‘cặp đôi hoàn hảo’.

Trong thâm ý lẫn tham ý của các nhóm lợi ích, dự án sân bay Long Thành không chỉ nhằm "nuốt gọn" 18 tỷ USD đầu tư với phần lớn trong số đó dự kiến là vốn vay ODA, mà còn được khuếch trương tính tầm cỡ "khu vực châu Á" của nó để giúp giới quan chức đang "kẹt hàng" có điều kiện bán đất giá cao.

Bởi đã gần một thập kỷ kể từ năm 2009 là lúc các nhóm đầu cơ ‘đánh lên’ một cơn sốt đất tại khu vực Long Thành và nhiều quan chức từ cấp trung ương đến địa phương đã bị mắc kẹt một lượng tiền đầu tư khổng lồ tại khu vực này, cho đến nay vẫn chẳng có dấu hiệu gì cho thấy giới này đã ‘thoát hàng’ được, hay nói cách khác là đã bán được đất thu gom giá rẻ trước đó cho những người ‘trâu chậm uống nước đục’ với giá cắt cổ.

Hàng loạt động tác cố ý câu giờ của Bộ Giao thông và vận tải từ giữa năm 2017 đến nay đã phản ánh những mục đích đen tối của nhóm lợi ích này : bằng nhiều cách phải ‘dìm hàng’ sân bay Tân Sơn Nhất và có thể xóa sổ luôn nó, trong lúc đẩy vọt vị thế của sân bay Long Thành lên nhằm ‘thoát hàng’. Trong khi đó vẫn giữ nguyên sân golf Tân Sơn Nhất.

Dường như số phận sân bay Tân Sơn Nhất đã được định đoạt, trong một nền chính trị độc tài và quá nhiều mafia.

Nếu sân bay Tân Sơn Nhất bị xóa sổ, 800 ha đất vàng ở khu vực sân bay này - với giá thị trường có thể lên đến 40 - 50 tỷ USD – rất có thể sẽ rơi vào túi những kẻ đang cố tình chây ì việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 20/03/2019

*********************

Lợi thế vĩ đại ở sân bay : Mảnh đất màu mỡ "gieo trồng ô dù"

Nguyễn Đình Ấm, VNTB, 20/03/2049

"Đặc sản tắc đường là một nguồn thu"

(Nguyễn Thiện nhân, bí thư đảng Thành phố Hồ Chí Minh)

"Nghèo đói là một lợi thế"

(Nguyễn Mạnh Hùng, bộ trưởng Thông tin và truyền thông)


tsn2

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất 

Còn đây "lợi thế" vĩ đại ở sân bay

- Sân bay giúp những con tàu hiện đại, tiện nghi chở hàng trăm người, hàng hóa,hành lý, hoa thơm, trái ngọt...bay đi hàng nghìn km/h hạ, cất cánh.

- Sân bay giúp cho khoảng cách mỗi quốc gia, châu lục, đại dương nhỏ lại thúc đẩy đầu tư, du lịch, giao lưu kinh tế, văn hóa...

- Sân bay kết nối những cuộc gặp gỡ từ bốn phương trời trong thời khắc ngắn ngủi.

- Sân bay giúp những mảnh thân thể nhân ái kịp đến với những số phận khổ đau cách hàng nghìn km...

*

Không !

Sân bay không chỉ có những nguồn lợi "lộ thiên" ấy mà còn có những lợi ích khổng lồ khác, của một số người khác.

Ông X còn khá trẻ nhờ hoàn cảnh và may mắn có chút ô nhỏ mà được làm giám đốc sân bay quốc tế. Tài cán chẳng hơn ai, tiếng tăm cũng chỉ ở trong cỡ nghìn người. Ông không phải dạng "con ông, cháu cha" nên cái chức tổng giám đốc sân bay cũng rất mong manh, quyền hành của ông chỉ được phân công, bổ nhiệm cỡ phòng ban trở xuống.Việc phán xét từ chức phó TGĐ thì "thiên đình"(chính phủ) lãnh đạo bộ giao thông, "xí" rồi. Vị thế như vậy thì việc giữ lại cái "ghế vàng" cũng không đơn giản chứ chưa nói vươn lên lãnh đạo bộ, vào trung ương...

Thế nhưng, chỉ sau hai, ba năm dù chức tước vẫn thế nhưng quyền uy của ông đã tỏa ra cả toàn ngành, lan sang cả ngành khác, có vẻ "uy hiếp" cả bộ cấp trên. Từ đây, cấp dưới, cấp trên gặp tổng giám đốc sân bay đều với thái độ khác hẳn. Mỗi khi gặp ông, cấp dưới, giám đốc các đơn vị trong ngành thì hơi khom lưng, cúi xuống chút khi bắt tay ông, cấp trên thì hồ hởi hỏi han, bắt tay tổng giám đốc chặt hơn trước lại thêm lắc lắc...Những câu chuyện ông thường phải kể khi gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên trong ngành là chuỵện về ông A, B, C... trên chính phủ, ban tổ chức trung ương,quốc hội, bộ quốc phòng, bộ công an, nội vụ, bộ tài chính...với thái độ hãnh diện, kể cả... Nhiều cấp trên, đồng nghiệp còn phải nhờ ông "thiết kế" cho một cuộc gặp quan chức, cán bộ kể cả cỡ thư ký VIP nào đó trên trung ương để thỉnh cầu việc nọ, kia...

Sở dĩ ông nhanh chóng quen, thân được các "tinh tú" trên "thiên đình" bao la như vậy là nhờ cái chức TGĐ sân bay không có gì ghê gớm này.

Văn phòng của sân bay là cơ quan nhộn nhịp bậc nhất. Hàng ngày họ phải thu vén mọi việc, xử lý, báo cáo tổng hợp thông tin, chuẩn bị kế hoạch công tác. Hôm nào có chuyên cơ là sự kiện cực kỳ quan trọng, thiêng liêng. Hối hả đốc thúc lo dọn dẹp, kiểm tra vệ sinh, bài trí nhà, phòng khách VIP, đồ ăn, đồ uống loại thượng hạng, an ninh bố trí mục tiêu canh phòng bảo đảm an toàn, đội tiếp tân chuyên nghiệp, "dễ nhìn", khéo léo phải chuẩn bị mọi phương tiện, tình huống để lãnh đạo tiếp khách. Mọi cuộc lãnh đạo hẹn làm việc với đối tác A, B, C... phải dời sang thời điểm khác do thông tin về chuyên cơ luôn đột xuất, bất ngờ...

Khi có khách chuyên cơ ngân sách tiếp khách sân bay tăng cao nhưng với một số lãnh đạo nơi đây cần tạo dựng uy quyền, thăng tiến là cơ hội vàng ! Những dịp này chủ nhà đương nhiên phải tiếp khách,được tâm sự, "nâng khăn, sửa túi" dành cho VIP những tình cảm chân thành nhất từ đáy lòng mình, có thể cả "chút quà mọn" để anh, chị uống nước, "mua quà cho các cháu" trong cuộc đi xa... Nhiệm vụ quan trọng này tổng giám đốc ít khi nhường cấp phó, trừ ốm nặng, lỡ đi đâu xa không thể về kịp còn giỗ, tết,bố mẹ, vợ con ốm đau... nhiều khi thấy sếp vẫn có mặt.

Chỉ cần đi qua đây vài lần thì dù bàng quan, vô cảm đến mấy thì VIP cũng phải động lòng bởi thái độ cực kỳ cung kính, chân thành, nhiệt huyết, hiểu thấu cấp trên của lãnh đạo cơ sở và tất nhiên không hẹp hòi gì mà không dành cho chủ nhà chút ân tình, một lời mời "đến chơi". Như thế tên, chức của chủ nhà sẽ được bổ sung vào "bộ nhớ" vốn đã dày đặc đại diện các "sân sau" của VIP.Từ đây cán bộ cơ sở có quyền là người thân của ông nọ, bà kia, ra vào cửa VIP khi lễ tết,ma chay, cưới hỏi, thăm nom tận tụy lúc nhà VIP có người ốm đau, khi VIP làm nhà xin tặng bộ cửa gỗ quý, cây bonsai, đồ trang trí ... Món quà "độc" nhất của lãnh đạo sân bay, ngành hàng không(có lẽ nhiều ngành "hot" khác) là những xuất biên chế "ngoại giao". Con, cháu, người thân, bạn bè hoặc người nào VIP "yêu mến" cũng có thể được mời hoặc thi (giả vờ) vào giữ công việc tốt ở sân bay, tổng công ty, cơ quan, xí ngiệp - những xuất việc mà con cái "thảo dân" phải bỏ ra từ 300-500-600 triệu đồng/suất (thời giá môi giới "niêm yết" năm 2018).Nhiều khi chủ nhà còn hỏi thăm, dò đón xem con, cháu VIP lớn đến đâu, học hành thế nào rồi để bố trí công tác ...

Đó chỉ là những ân tình có thể nhìn thấy của cán bộ dâng lên VIP...

Khi giám đốc vào nhà VIP mà "chó vẫy đuôi không sủa" rồi thì ứng nghiệm vào điều điều 2 của : "Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ" không còn lo gì "gió kép mưa đơn" trên con đường sự nghiệp.

Điều này giải thích tại sao ngân sách tiếp khách VIP ở các sân bay quốc tế rất lớn và ở các đơn vị quyền thế, công việc nhàn hạ, thu nhập cao có tỷ lệ nguồn gốc con, cháu, người thân của VIP cấp trên, trung ương, cơ quan quyền lực lãnh đạo địa phương, rất cao. Những vụ tham nhũng, sai phạm ở ngành này dù bị công khai trên báo chí nhưng không kỷ luật được ai như vụ lập quỹ đen chia nhau 14 tỷ, thuê 10 máy bay A320 làm thất thoát hàng trăm triệu USD, mua 2 máy bay Fokker 70 khi hãng chế tạo đã phá sản, một giám đốc sân bay bị cán bộ cục hàng không tố biến sân bay thành "gia đình trị", cùng em vợ kế toán đem 275 tỷ đồng cho công ty cho thuê tài chính ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (ALC2-nay đã phá sản) vay sai nguyên tắc nhưng không có hồi âm đúng, sai thế nào,nếu có thật thì đã đòi được số tiền đó chưa, ai hưởng số tiền lãi khủng từ số tiền ấy.

Vụ Tổng Giám đốc tổng công ty quản lý bay Hàng không Việt Nam bị tố cáo nhiều vụ sai phạm khủng : Mua thiết bị sản xuất ở Tàu nhưng thanh toán thiết bị Nhật, Mỹ... (thiết bị viễn thông hàng không mua của Trung Quốc tức trao "sinh mạng" các chuyến bay cho Tàu cộng) bổ nhiệm cán bộ bừa bãi, vụ hãng hàng không cổ phần Jetstar Pacific lỗ 2.500 tỷ (2010) mờ ám không được làm rõ tại sao, ai phải chịu trách nhiệm rồi lặng lẽ chuyển doanh nghiệp lỗ này vào doanh nghiệp nhà nước (VietnamAirlines) gánh chịu...

Mọi cán bộ muốn bền ghế, kích ghế, đại gia muốn vớ bẫm, phát đạt, bền lâu thì phải có ô che, lọng phủ mà kiếm nó không đơn giản.Thế nhưng, một quan chức cỡ giám đốc, tổng giám đốc, tổng công ty ở ngành hàng không nếu muốn những chiếc "ô hạt nhân" thì chỉ là chuyện nhỏ.

Đó cũng là một "nguồn lợi vĩ đại" ở sân bay.

Nguyễn Đình Ấm

Nguồn : VNTB, 20/03/2019

Quay lại trang chủ
Read 739 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)