Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi : hình sự hay dân sự ?
Thảo Vy, VNTB, 24/03/2019
Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, tại Điều 5.5, nghiêm cấm việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi. Việc trục lợi này liệu có thể xử lý về mặt hình sự để gia tăng tính răn đe ?
"Chùa lớn nên bị ganh ghét, ngoại đạo ác hại"
Đó là câu chuyện chùa Ba Vàng nhận tiền cắt duyên nghiệp để chữa bệnh cho phật tử, thuyết giảng chuyện bị vong nhập… Trong buổi pháp thoại được truyền hình trực tiếp trên trang web, trang youtube và mạng xã hội facebook của chùa vào tối hôm 21/03, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng, nói rằng "Chùa lớn nên bị ghen ghét".
Họ đang choảng nhau !
Luật sư Nguyễn Thanh Bình nói rằng ông đang cảm nhận là hình như các đại gia bất động sản tâm linh giữa "Bái Đính - Tam Chúc" với "Yên Tử - Ba Vàng" đang bắt đầu choảng nhau.
"Thật ra hoạt động tâm linh của các vùng đều như nhau thôi. Nhưng trong cuộc chiến này, cuộc chiến giành dòng người u mê cuồng tín, phe nào mạnh, nhiều tiền thì phe đó thắng. Trong cuộc chiến ấy, công cụ và phương tiện cho các bên chiến đấu cơ bản, chủ yếu là giới truyền thông. Nhiều nhà báo sẽ gia nhập đám tay sai đầy mưu mẹo cho các đại gia bất động sản tâm linh. Bà con chú ý theo dõi nhé, hấp dẫn lắm đây !". Luật sư Nguyễn Thanh Bình cảnh báo.
Nhà báo chuyên về biên khảo du lịch, ông Phạm Hoài Nhân kể rằng cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời chính xác chùa Ba Vàng được khai sơn từ khi nào. Theo nội dung khắc trên cây hương đá trước cửa chùa, thì chùa xưa được dựng vào năm Ất Dậu, triều vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh (tức năm 1706). Tuy nhiên, căn cứ vào những dấu tích di chỉ được các nhà khảo cổ thêm, thì ngôi chùa còn có thể được xây dựng từ sớm hơn, tức là vào thời Trần thế kỷ thứ 13.
Theo năm tháng, chùa xưa chỉ còn là phế tích, để phát huy giá trị văn hóa lịch sử ngôi chùa liên tiếp được đầu tư tôn tạo. Ban đầu chùa được xây dựng bằng gỗ và sau đó năm 1993 chùa được trùng tu lại bằng xi măng. Hiện vật đáng chú ý nhất của chùa Ba Vàng còn sót lại tới hôm nay là một số di vật bằng đá, bao gồm 1 bia đá cao 0,52 m, rộng 0,38 m, dày 0,12 m, 2 con rùa đá và 1 cây hương bằng đá cao 1,2 m 4 mặt, mỗi mặt rộng 0,22 m. Theo dòng chảy thời gian, chữ Hán trên bia đá và cây hương đá đã mòn, rất khó đọc. Trên cây hương bằng đá, chỉ còn lại một số chữ lớn giáp đầu bia : Thành Đẳng Sơn, Bảo Quang tự, Thiên đài trụ, nghĩa là trụ đài đá chùa Bảo Quang, núi Thành Đẳng.
Theo một tài liệu riêng của người viết, thì từ phế tích như kể trên, Hòa Thượng Thích Thanh Từ, Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử một đệ tử là Đại đức Thích Trúc Thái Minh, thế danh Vũ Minh Hiếu sinh năm 1967 tại làng Sen, thôn Ngọc Quan, xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh về gầy dựng lại chùa Ba Vàng.
Tuy nhiên người đứng đàng sau dự án này lại là Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Trưởng Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh. Trong buổi lễ động thổ xây dựng chùa Ba Vàng vào ngày 11/07/2010 còn có sự hiện diện của một chức sắc đến từ Trung Quốc được giới thiệu là Hòa thượng Chi-chộp.
Sau 3 năm xây dựng, chùa đã hoàn thiện một số hạng mục như : Ngôi Đại Hùng bảo điện rộng 4.500m2, Lầu Chuông rộng 112m2, Lầu Trống rộng 112m2, hành lang La Hán rộng 200m2, nhà bảo tàng rộng 700m2, thư viện rộng 700m2, khu nhà tăng rộng 1.600m2, thiền đường rộng 960m2, cổng đá, cổng tam quan trung, cổng tam quan nội và một số công trình phụ.
Ngày 9/3/2014, chùa Ba Vàng tổ chức đại lễ khánh thành và nhận bằng kỷ lục "Ngôi chùa trên núi có chính điện lớn nhất Đông Dương".
Tháng 12/2014, trụ trì Thích Trúc Thái Minh bảo vệ thành công luận án "Ngôi chùa có chính điện lớn nhất Đông Dương" trước hội đồng giáo sư Đại học Kỷ lục thế giới thuộc tổ chức có tên Viện Hàn Lâm Khoa Học Sáng Tạo Thế Giới, trụ sở đặt tại thành phố Faridabad, New Dehli, Ấn Độ.
Đại gia xây chùa
Các nhà nghiên cứu và cả những phật tử chân tu đã cảnh báo, việc chính của chùa không phải là đua chen những kỷ lục về xây dựng mà là giáo hóa tâm linh, hoằng dương Phật pháp. Những chùa đua chen xây dựng to lớn chỉ làm tâm linh bị u mê hơn.
"Siêu dự án" tâm linh Tràng An – Bái Đính (Ninh Bình, doanh nghiệp Xuân Trường) với hàng loạt các kỷ lục hay ngôi chùa mới xây dựng được cho là lớn nhất thế giới bên cạnh ngôi cổ tự Tam Chúc (huyện Kim Bảng, Hà Nam). Theo thông tin công bố thì doanh nghiệp đã rót 11.000 tỷ đồng, mục tiêu là xây dựng ngôi chùa lớn nhất thế giới bên trong một khu du lịch rộng 5.100 héc ta. Điều quan trọng nhất và cũng tạo ra nhiều vấn đề bất thường nhất được dư luận đặc biệt quan tâm, chính là diện tích đất phục vụ dự án đều tính ở con số hàng ngàn héc ta đất.
Đơn cử, hệ thống dịch vụ tại Bái Đính là một vòng khép kín, và Xuân Trường là doanh nghiệp thâu tóm mọi chi phí, lượt khách... tại đây. Đáng quan tâm hơn là chưa ai trả lời được nguồn tiền công đức sẽ đi đâu về đâu ?
Người viết ủng hộ các công ty tư nhân, các hội đoàn xã hội dân sự đầu tư xây dựng chùa chiền, tự viện. Đơn cử ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, nếu như chính quyền đã có quyết định cuối cùng sau gần 20 năm tranh cãi, là giữ lại Nhà thờ Thủ Thiêm, các cơ sở của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, thì tại sao không đồng ý khôi phục lại chùa Liên Trì do Hòa thượng Thích Không Tánh là Viện chủ ?
Một bài học ai cũng thấy, khu Phú Mỹ Hưng dân cư rộng lớn mới xây dựng ở Thành phố Hồ Chí Minh, dường như không có một ngôi chùa nào được xây dựng bên trong. Người dân mua những căn hộ trong đó được đáp ứng đủ mọi thứ, siêu thị, trường học, bệnh viện, nhà trẻ…, trừ sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh. Muốn đi chùa, thì chỉ có thể đến một số ngôi chùa nhỏ ngoài khu dân cư, xa hơn trong những khu vực hình thành đã lâu trong quận 7.
Người mua bất động sản cư trú ở đó có nơi thăm viếng lễ bái vào ngày rằm, mùng Một, ngày Tết, tạo thành một điểm di dưỡng tinh thần. Chùa kết hợp với cảnh quan vườn cây hay sông nước lại càng có tác dụng nâng cao giá trị của cảnh quan, tức là nâng cao giá trị của bất động sản, cũng là nâng cao phẩm chất đời sống tinh thần của cư dân.
Rất tiếc là tất cả giá trị nhân bản nói trên đã không hiện diện ở các "siêu dự án tâm linh" tại miền Bắc.
Trở lại việc chùa Ba Vàng : phạt hành chính hay xử lý hình sự ?
Chùa Ba Vàng không chỉ thuyết giảng về duyên - nghiệp mà còn thu tiền để cắt duyên nghiệp, hóa giải duyên nghiệp từ kiếp trước để trị bệnh. Điều này được Giáo hội Phật giáo Việt Nam xác nhận là không đúng với giáo lý nhà Phật. Bởi, Phật phổ độ chúng sinh. Vậy nên Phật sẽ chẳng lấy tiền của những người mắc bệnh hiểm nghèo khi sử dụng Phật pháp để an ủi cho phần tinh thần của họ.
Việc cho rằng cắt duyên nghiệp để trị được mọi bệnh tật, có dấu hiệu của việc gian dối đối với người khác và thu lời, là một trong những dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Bộ luật hình sự 2015.
Tuy nhiên cái khó ở đây là sẽ không dễ tìm được ai là bị hại. Những người đến nộp tiền để được giải nghiệp chữa bệnh mà không cho rằng mình bị lừa, không cho rằng mình bị thiệt hại, không bị sử dụng hành vi gian dối, thì pháp luật hình sự cũng khó xử lý được trách nhiệm của những người thu tiền của người bệnh.
Có lẽ do biết rõ những điểm lách ấy của pháp luật hình sự, đồng thời từ sự chống lưng của ai đó nên mới có việc trong buổi pháp thoại được truyền hình trực tiếp trên trang web, trang youtube và mạng xã hội facebook của chùa vào tối hôm 21-3, Đại đức Thích Trúc Thái Minh lớn tiếng nói rằng "Chùa lớn nên bị ghen ghét" (!?).
Thay lời kết
Bên lề vụ việc, cựu tổng thư ký báo Thanh Niên, nhà báo Hoàng Hải Vân kể : "Trước đây, mỗi khi được giao đất, doanh nghiệp nhận đất phải nộp cho cá nhân người đứng đầu địa phương một khoản tiền từ 8-10% giá trị lô đất tùy vị trí. Ông này từng nói thẳng với một nhà báo : "Tau không lấy tiền đó thì lấy gì chung cho mấy thằng ở trên", tất nhiên là ông nói mồm không bằng không chứng. Sau đó, có lẽ thấy việc này dễ bị lộ nên ông đã dùng cái chùa kia để rửa tiền.
Chùa thì do ông cấp đất xây dựng, sư trụ trì là người ông sắp xếp đưa vào. Doanh nghiệp thay vì mang tiền phần trăm đến cho ông thì mang vào cúng chùa. Trụ trì được dùng một ít tiền đó để xây chùa đúc Phật, còn phần lớn chuyển lại cho ông. Ví dụ doanh nghiệp cúng vào chùa 10 tỷ thì phần chùa 1 tỷ còn phần ông 9 tỷ. Ông lấy tiền ra bất cứ lúc nào ông cần, để hối lộ các bộ, ngành ở trung ương và dùng riêng cho cá nhân ông…".
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 24/03/2019
*****************
"Trời Phật độ trì đất Việt Nam"
Nguyễn Hiền, VNTB, 24/03/2019
Nếu "Trời Phật" là lực lượng tồn tại có thực, thì chắc hẳn đã không để cho Việt Nam tròn 1 thế kỷ máu chảy đầu rơi. Mảnh đất hình chữ S đúng nghĩa trở thành mồ chôn lớn nhất của hàng triệu con người Việt.
Chùa Ba Vàng, Quảng Ninh.
Khi Pháp đặt chân vào Việt Nam, và 61 năm tồn tại vùng đất này, gắn với hàng trăm cuộc đàn áp lớn nhỏ khởi nghĩa của các tầng lớp Việt Nam.
Khi Pháp rời đi, Nhật tìm đến và gián tiếp gây ra nạn đói khiến 2 triệu người chết.
Khi Nhật rời đi, Mỹ tìm đến và gián tiếp đưa ra cuộc chiến Bắc – Nam kéo dài 20 năm.
Nếu "Trời Phật" là lực lượng tồn tại có thực, thì chắc hẳn đã không để cho Việt Nam tròn 1 thế kỷ máu chảy đầu rơi. Mảnh đất hình chữ S đúng nghĩa trở thành mồ chôn lớn nhất của hàng triệu con người Việt.
Khi đất nước thống nhất một mối về mặt địa lý, sự chia tách ý thức hệ khiến hàng triệu người chết ở biển, trong tù, vùng kinh tế mới,…
Nếu "Trời Phật" là lực tồn tại có thực, thì có lẽ, Việt Nam kiếp trước đã làm điều gì đó rất tàn ác, để thời cận hiện đại, phải "trả nghiệp" bằng chiến tranh và cơ chế.
Ngôi chùa Ba Vàng "trục vong, xá tội" bị báo chí lên tiếng, và chỉ ra nhiều sai phạm, từ gieo rắc mê tín dị đoan để trục lợi cho đến xâm lấn đất rừng. Nhưng ngày mà Chùa này tiến hành họp báo, thì vẫn có hàng trăm con người chắp tay trước ngực để lắng nghe vị "trụ trì" Chùa thuyết giảng, phản pháo báo chí.
Hàng trăm con người đó, có cả những con người có học thức cao, ví như vị bác sĩ trẻ ở bệnh viện Bạch Mai.
Không ai ngăn cản niềm tin tín ngưỡng con người, nhưng có vẻ, người dân Việt Nam đang rơi vào vòng xoáy của sự ngu si, nơi họ bị đầu độc bằng rượu bia, nền giải trí khoét sâu vào mông-vú, và một sự cuồng loạn về kiếp trước – kiếp sau.
Nếu nhà văn Vũ Trọng Phụng sống lại, ông sẽ có đủ chất liệu hiện thực xã hội để tiếp tục viết những "Chín đầu một lúc", "Hội nghị đùa nhả" ; "kỹ nghệ lấy tây" ; "dân biểu và dân biểu" ; "Lục xì" ; "làm đĩ" ;"Con người điêu trá"... như ông đã từng viết về xã hội đầu thế kỷ XX.
Xã hội Việt Nam, sau khi trải qua thời kỳ chiến tranh – loạn ly, đã trở về nguyên bản của thế kỷ trước. Vẫn có kẻ bóc lột nhân danh "nhân dân", và vẫn tồn tại những "nhân dân" có ý thức con cừu, ý thức của sự nô dịch.
Khi cả đám dân bị lôi cuốn vào chuyện tình "cô giáo và học trò", hay câu chuyện "Chùa Vàng" thì xăng tăng giá và BOT đã được vũ trang hóa trở lại. Người dân mong muốn sự yên thân kiếp này, trả nợ kiếp trước – những thứ tồn tại đầy hư ảo, thay vì kiến tạo một kiếp này tốt hơn, và hỗ trợ cho kiếp của con cháu trở nên đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Trong một quán café tại tại Thành phố Nam Định, một vài người trung niên bàn sôi nổi về việc, BOT Mỹ Lộc mở cửa thu phí trở lại. Một người đàn ông rít điếu thuốc và chửi thề, người khác thì trầm ngâm, một mụ đàn bà buông thõng câu than thở : Úi giời ! Thôi thì thời nó thế, kiếp trước dân ta ăn ở ác đức nên kiếp này đành chịu thôi.
"Đành chịu thôi", quan điểm của mụ đàn bà là một trong nhiều quan điểm hình thành vòng kim cô, buộc chặt người dân vào thế đã rồi, buộc phải chấp nhận, và nếu phản kháng, thì đó cũng chỉ là những lời chửi bới không đầu không cuối. Họ không nhận ra rằng, chính họ là thực thể tại nên chính "số kiếp" của họ.
Những con người cách mạng thời kỳ trước, những con người dân hiến cả tuổi thanh xuân để "cướp chính quyền" nay đang bị chính những người trong chính quyền cướp lại. Một cán bộ thuộc văn phòng Thanh Tra Chính phủ "lừa" một bà mẹ liệt sĩ trong giúp đỡ tranh chấp đất đai chỉ là câu chuyện nhỏ trong hàng trăm ngàn câu chuyện "cướp" diễn ra tại đất nước này.
Những người như bà mẹ liệt sĩ Lê Thị Tích gánh chịu hôm nay là hệ quả của một thời mù quáng, và quả thực không hiếm những trường hợp sau cách mạng thành công đã "sáng mắt, sáng lòng hơn". Do đó, nếu nhìn rộng ra, một xã hội đầy rẫy những bất công chỉ có thể giải quyết bằng những con người dám đấu tranh, thay vì xì sụp váy lạy một thực thể vô hình, hoặc dựa vào thực thể vô hình đó để tự tạo ra vòng an toàn xoay quanh mình.
Thế nhưng, những hình ảnh lầm lũi, những con người mê muội trong thời cuộc vẫn tồn tại như một thứ ung nhọt lớn nhất trong xã hội này. Họ cười những con người đấu tranh, họ cho rằng đó là "sự vô bổ", họ phê những người đấu tranh là "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng". Nhưng họ biết đâu rằng, chính những con người đấu tranh đó mới là những hiện thân thực tế của "Trời Phật", và họ đang cứu độ cái xã hội này, tương lai xã hội này. Nơi mà sự "an toàn cá nhân", lầm lũi chịu đựng, sự ngu dốt về niềm tin đã trở thành xu hướng thời đại.
Không có "Trời Phật" nào đủ sức để độ trì hay đoái thương dân tộc này, trừ khi chính những cá nhân trong dân tộc đó ngộ ra được quyền làm người của mình. Còn không, thì họ xứng đáng để nhận lấy bụi mịn, thực phẩm bẩn, giá xăng tăng cao, hàng loạt thứ thuế phí, và nằm hành lang khi khám chữa bệnh,…
Chùa Vàng thực chất là sự thu nhỏ của cơ chế hiện tại, và hàng trăm ngàn con người đang theo triết lý Chùa Vàng thực chất là hàng triệu con người đang lầm lũi bị tước đoạt và bóc lột, để nhóm nhỏ người là quan chức và thân hữu quan chức giàu lên.
Nhưng có lẽ, họ xứng đáng bị vậy. Bởi, GS. Ngô Bảo Châu đã đúng, khi khẳng định, "bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do." Mất tư cách tự do, vị trí con người, thì họ không xứng đáng để hưởng tự do và cuộc sống con người. Và dân tộc "dốt" về ý thức làm người, sẽ tạo nên một quốc gia yếu cho chính lợi quyền người dân.
Nguyễn Hiền
Nguồn : VNTB, 24/03/2019
******************
Sự đốn mạt của Phật giáo quốc doanh : cần một cuộc chỉnh đốn ?
Hoa Nghi, VNTB, 22/03/2019
Khi các quốc gia tiên tiến khác đang khám phá vũ trụ, đặt chân lên vùng tối trái đất, thám hiểm Sao Hỏa… thì tại Việt Nam, vẫn tất bật các dự án bán và chia đất của các đại gia có tiền và quyền, và sự vươn lên của một nền Phật giáo đang mất dần thuộc tính hướng thiện của nó.
Dâng sao giải hạn ở Hà Nội.
Nhiều chùa to được xây dựng, nhiều Phật to được dựng lên, hàng nghìn người xếp hàng, khúm núm, tay phì phạch, miệng phì phò "Nam mô A di đà Phật" để mong giải hạn sao Thái Bạch ở chùa Phúc Khánh với giá 150 nghìn đồng. Chùa Ba Vàng, nơi thêu dệt những mẩu chuyện mê tín dị đoan, đến mức lấy hậu quả của sự quản lý yếu kém của xã hội hiện tại (làm tội phạm phát sinh) để coi đó là tiền kiếp, các bệnh tật con người phải gánh chịu cũng là "khẩu nghiệp", và kết quả người nào muốn hết phải nộp tiền triệu vào chùa.
Cả xã hội Việt Nam đang quay cuồng với thứ Phật giáo không những đồi bại mà còn đi đến tận cùng của sự khốn nạn, nơi lòng tin và hướng thiện của người dân bị lợi dụng để lợi nhuận hóa.
Một cuộc chỉnh đốn Phật giáo là điều cần thiết
Chúng ta cần một cuộc chỉnh đốn Phật giáo, một trong những tôn giáo đang làm chủ mặt trận buôn thần bán thánh tại Việt Nam, bằng việc tái thực hiện lại những chính sách như thời Hồ Quý Ly và thời vua Minh Mạng đã từng thực hiện. Bởi thực trạng chùa đang trở thành nơi lợi nhuận hóa, trốn thuế, nơi để hưởng thụ nhiều hơn tu đạo và phổ độ chính sinh.
Đối với thời Hồ Quý Ly, áp dụng chính sách sa thải Tăng đạo, buộc hoàn tục những người chưa trên 50. Những ai thông hiểu kinh giáo thì buộc phải thi, thi đỗ thì sẽ trở thành sư, không thi đỗ thì phải hoàn tục.
Việc quản lý đội ngũ tăng sĩ là yếu tố quyết định nhất trong chấn chỉnh tình trạng hổ lốn Phật giáo hiện nay, bởi không chỉ thời Hồ Quý Ly, mà đến thời nhà Nguyễn (cụ thể thời Minh Mạng), một tăng sĩ muốn được cấp độ diệp thì phải được Bộ lễ sát hạch và ghi nhận là bậc chân tu.
Thế nhưng, hiện nay, việc quản lý tăng sĩ, đạo đức tăng sĩ đã được chú trọng hay chưa, hay chỉ đơn thuần là biến đức tin người dân trở thành một đức tin mù quáng, cam phận với những rủi ro và áp bức thời cuộc, và tự gieo trong mỗi người tin Phật pháp là "vong oan, tiền kiếp". Phật giáo từ một tôn giáo mà Đức Phật mong muốn con người thực hành giáo lý để tìm sự bình an, hạnh phúc thông qua sự giác ngộ thì nay đã trở thành một con đường để tự bày biện ra những thứ trói buộc quanh mình.
Phật giáo Việt Nam hiện nay đang trở thành một phiên bản mẫu của Phật giáo Trung Quốc, bởi cả hai đã và đang trở thành một công cụ kiếm tiền. Ở Trung Quốc, những nhà sư làm chính trị hoặc trở thành công cụ chính trị không hề thiếu, đổi lại, anh ta trở thành một nhà sư cộng sản siêu giàu, dựa trên sự lơ là quản lý của chính quyền, sự bành trướng của mê tín và tệ kinh doanh trong chùa, gắn với niềm tin mù quáng của người dân.
Những niềm tin mù quáng như thế này cần phải được loại bỏ bằng một cuộc vận động lớn trong xã hội, nơi mà cuộc cách mạng công nghệ thông tin với số người dùng internet của Việt Nam đã chiếm hơn ½ dân số. Nhưng ngay cả khi dư luận xã hội phê phán, thì quản lý nhà nước không thể đứng ngoài cuộc, do vậy, triệt để siết chặt các hoạt động mê tín – dị đoan tại chùa là điều nên làm, trong đó tiến hành kỷ luật hoặc trục suất và buộc hoàn tục những tăng ni có hành vi truyền bá những giá trị không phù hợp với triết lý đạo phật, cố ý lạm dụng tâm lý của người dân để trục lợi.
Không thể để tình trạng CEO (một thuật ngữ về người quản trị kinh doanh) xuất hiện trong chùa như tại Trung Quốc, không thể tiếp tục nhân nhượng tình trạng phát triển du lịch tâm linh một cách ồ ạt như hiện nay làm cho nền tảng Phật giáo nguyên thủy bị suy độ.
Tại sao Phật giáo lại được ưu ái ?
Câu hỏi được đặt ra là tại sao Phật giáo lại được ưu ái đến như vậy, đến mức suy thoái về cả giáo lý và đạo đức, nhưng Nhà nước không thể làm mạnh ?. Giống như Trung Quốc, trong các tôn giáo tại Việt Nam, Phật giáo được coi là có truyền thống lành tính và dễ dàng chiêu dụ như cách mà hệ thống Nhà nước thời phong kiến được tiến hành (thời Lý, Phật giáo trở thành Quốc giáo), trong khi Nhà nước vẫn coi các thành viên Kito giáo, hay sự mở rộng Kito giáo là một cơ hội để thâm nhập và gây bất ổn nền an ninh quốc gia. Và thực tế, bài học về vai trò của Giáo hội Công giáo trong việc chống lại chính quyền Cộng sản Đông Âu đã khẳng định những nỗi sợ này. Và trong những năm gần đây, các vấn đề liên quan đến phản ứng chính sách, chủ trương nhà nước thì cộng đồng Công giáo vẫn đi đầu, những tôn giáo khác (kể cả Phật giáo Quốc doanh) vắng bóng trong dòng chảy này. Sự cưng chiều của Nhà nước, và sự lệ thuộc của Phật giáo đối với Nhà nước được biểu hiện ngay trong lý tưởng của T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam : "Đạo Pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội". Và đây có thể là một trong những mấu chốt khiến Phật giáo Việt Nam bị chỉ trích ngày càng nhiều, liên quan đến một loạt các vấn đề như thương mại hóa, tham nhũng, sự lạm dụng đức tin người dân để trục lợi.
Việt Nam có thể học theo Trung Quốc ?
Tại Trung Quốc, sau sự kiện Shi Xuecheng, 52 tuổi, người đứng đầu Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc và trụ trì của chùa Long Tuyền nổi tiếng ở Bắc Kinh, người đã bị tố cáo quấy rối tình dục các đệ tử qua tin nhắn. Chính quyền Trung Quốc đã đã ra chỉ thị 10 điểm, trong đó nghiêm cấm thương mại Hóa phật giáo, và tất cả nơi thờ tự phải phi lợi nhuận. Cán bộ quản lý địa phương cấm quảng bá, trục lợi từ hoạt động tôn giáo dưới danh nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế. Cấm xây dựng các tượng Phật lớn ngoài trời. Các khoản thu nhập nếu có từ hoạt động tôn giáo chỉ sử dụng cho mục đích từ thiện, bảo trì ; và các nhóm tôn giáo phải tuân thủ theo hệ thống thuế, có kiểm toán.
Những nội dung quản lý Phật giáo nêu trên của chính quyền Trung Quốc là thực trạng đang diễn ra tại Việt Nam, liệu chăng chính quyền Hà Nội cần nghiêm túc học tập và chỉnh đốn Phật giáo từ hôm nay, thay vì để xuất hiện một Shi Xuecheng phiên bản Việt Nam ?.
Hoa Nghi
Nguồn : VNTB, 22/03/2019
********************
Đổ thừa người khác
Nguyễn Lân Thắng, RFA, 22/03/2019
Như các bạn đã biết một vụ ầm ĩ dư luận lại vừa nổ ra ở Uông Bí, nóng hơn cả chuyện 200k trong thang máy, nóng hơn cả chuyện BOT bẩn, và đương nhiên nóng hơn nhiều chuyện giới cần lao vừa bị móc túi 8,36% vì giá điện sinh hoạt. Có nhiều người hồ nghi rằng đây là đòn truyền thông nào đó, nhằm đánh lạc hướng dư luận, kéo sự chú ý của dư luận khỏi chuyện Trung Quốc, chuyện môi trường, hay chuyện củi lửa lò tôn của ông đầu bạc... nhưng theo tôi thì không phải vậy.
Việc tuyên truyền 'oan gia trái chủ' được khuếch trương rộng rãi bởi sư trụ trì
Đây chỉ là giọt nước tràn ly vì từ lâu đã có quá nhiều người bức xúc trước các vấn đề trong sinh hoạt Phật giáo mà chưa được giải tỏa. Nạn cúng bái tràn lan, chùa phủ xây nguy nga, sư tăng ăn chơi xa hoa người ta nói nhiều lần rồi. Nhưng mới đây, một sự việc còn nghiêm trọng hơn đã xảy ra ở chùa Ba Vàng làm không chỉ người dân bức xúc mà các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo không thể ngồi im. Trong một video đăng tải lên mạng xã hội, bà Phạm Thị Yến , một phật tử, chủ nhiệm Câu lạc bộ Cúc Vàng – Tập Tu Lục Hòa, đạo tràng trưởng đạo tràng Từ Tâm – chùa Ba Vàng đã có những giải thích về vụ nữ sinh Cao Thị Mỹ D. (Điện Biên) khi đi giao gà cho mẹ vào chiều 30 Tết đã bị sát hại.
"Nguyên nhân chính chưa phải là nguyên nhân đi ship hàng (gà) khiến bị hiếp như vậy, mà nguyên nhân chính phải do các ác nghiệp của bạn ấy trong tiền kiếp và duyên trong hiện tại bạn ấy lại sát sinh.
Hai cái này cộng vào nhau khiến cho bạn ấy bị như vậy. Ai làm gì cũng phải là do quả báo của chính mình.
Bạn ấy bị người khác xâm hại về thân thể, hãm hiếp, giết chết, Yến sẽ đưa ra cho quý đạo hữu để chúng ta tư duy.
Bạn ấy trong tiền kiếp phải có hai loại tội : tội thứ nhất là sát mạng chúng sinh dã man ; tội thứ hai là về mặt thân thể, trinh tiết của người khác bạn ấy xâm phạm, cho nên bạn mới bị quả báo như vậy"..., bà Yến nói trong clip.
Dư luận đang nổi điên vì những phát ngôn rất hồ đồ, ác độc và xúc phạm đến người đã mất của bà Yến. Không chỉ trong clip đó, người ta còn phát hiện ra trong một clip khác, bà Yến nói "anh hùng chiến sĩ Việt Nam phải đi đánh giặc là vì trong tiền kiếp mắc nghiệp sát sinh"... Tất cả những điều này không phải là chuyện nói riêng với ai ở đâu đó, mà là lời thuyết giảng của bà Yến trước hàng ngàn Phật tử ở chùa Ba Vàng, được thu hình cẩn thận để đăng lên internet cho hàng triệu người khác vào xem. Rồi còn chuyện "thỉnh vong", "trả nợ cho vong" thu của Phật tử bốn phương mỗi người cả chục triệu đồng nữa... được rất nhiều tờ báo lớn đang tìm hiểu.
Dư luận đang nổi điên vì những phát ngôn rất hồ đồ, ác độc và xúc phạm đến người đã mất của bà Yến.
Một câu hỏi lớn đang được đặt ra là tại sao những lời nhảm nhí, thô thiển, áp đặt một cách rất ngô nghê giáo lý của nhà Phật vào các sự kiện trong đời sống này lại được ngang nhiên thuyết giảng trong chùa, cho hàng ngàn người nghe bên dưới, cho hàng triệu người vẫn theo dõi qua internet các sinh hoạt và lời Phật pháp từ chùa Ba Vàng ? Rồi chuyện dẫn dụ Phật tử làm lễ gọi vong, trả nợ cho vong rất nhảm nhí, trái với Phật pháp lại diễn ra ngang nhiên nhiều năm nay trong ngôi chùa này ? Nhiều tờ báo và dư luận đang lên tiếng đòi hỏi những người có chức trách ở chùa Ba Vàng, những ban Tôn giáo chính phủ hay Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải lên tiếng và phản ứng trước sự việc này. Nhưng theo tôi trước khi phán xét hay đòi hỏi những vị đó, chúng ta cũng cần nhìn sâu vào động cơ bên trong của câu chuyện này. Con người không bao giờ hành động nếu không cảm thấy có lợi ích. Không tự dưng hàng ngàn hàng vạn Phật tử kéo về đây nộp tiền cúng vong cho chùa Ba Vàng. Nếu không thể hiểu những gì xảy ra bên trong, thì ngoài chùa Ba Vàng còn hàng vạn ngôi chùa khác đang có hoạt động sinh hoạt tâm linh, ai mà biết hết được điều gì đang xảy ra ?
Trong cuộc sống, chúng ta ai cũng từng có lúc gặp phải những chuyện buồn đau. Nỗi đau hay sự bất hạnh đến từ đâu, thực ra không phải lúc nào ta cũng có thể biết rõ một cách tường minh. Mình có lỗi hay không ? Nguyên nhân nào gây ra tai họa ? Sự dằn vặt đôi khi đeo đẳng rất lâu, tiếp tục làm khổ ta dù sự việc không còn mới. Tuy nhiên tâm lý con người sẽ luôn được xoa dịu khi ai đó chỉ ra rằng chuyện không may của mình đến từ một sự việc nào đó từ bên ngoài. Con người ta khi được rũ bỏ trách nhiệm sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và bình an. Và rồi họ sẽ cảm thấy hạnh phúc và tự nguyện làm theo những chỉ dẫn để bằng mọi cách đẩy những lo lắng và đau khổ ra bên ngoài. Nếu sự lý giải đó được thể hiện trong màu sắc thần bí kỳ diệu của tôn giáo thì càng cuốn hút nhiều người tin theo. Đó chính là nút thắt cơ bản mà nhiều kẻ từ trước đến nay đã lợi dụng tôn giáo để mua thần bán thánh, lợi dụng vấn đề tâm linh để trục lợi cho mình.
Bàn về giáo lý nhà Phật thì rất dài, tu cả đời chưa chắc đã thành chính quả, nên tôi không dám lạm bàn nhiều. Nhưng xin hãy đọc kỹ một đoạn ngắn sau đây trên wikipedia khi tra tìm chữ "quả báo" :
"...Một trong các nguyên lý cơ bản của giáo lý Phật giáo là : Có luân hồi tất có nhân quả, hai việc ấy vốn liên tục nhau. Phật dạy : "Cha làm điều chẳng lành, con không chịu thế được, con làm điều chẳng lành, cha không chịu thế được. Làm lành tự được phước, làm dữ tự mang họa" (Phụ tác bất thiện, tử bất đại thọ, tử tác bất thiện, phụ bất đại thọ. Thiện tự hoạch phước, ác tự thọ ương). Lại có câu : "Ðiều lành dữ cuối cùng đều có trả, khác nhau chỉ đến chóng hay chầy, nhanh hay chậm mà thôi"
Cái Quả hay Nghiệp vốn là kết quả cái nhân hay duyên của con người tạo ra trong kiếp trước hoặc kiếp này. Rồi cái Quả ấy lại làm nhân cho cái Quả khác sẽ báo ứng về sau. Nhơn và Quả cứ tiếp tục tương ứng như vậy mãi như bóng với hình, mãi mãi là cuộc trả vay, vay trả của cõi luân hồi.
Nghiệp ở tiền kiếp làm con người đầu thai trong một cuộc đời, một hoàn cảnh nhất định. Nhưng điều này không có nghĩa là "số phận đã an bài từ trước", mà thực ra hành động và lựa chọn của con người trong kiếp đó vẫn có sự tự do. Nghiệp sinh ra hoàn cảnh, nhưng sự phản ứng đối với hoàn cảnh này lại nằm trong tay con người, do con người lựa chọn. Phật dạy : "Ác nghiệp chính do mình tạo, tự mình sinh ra. Ác nghiệp làm hại kẻ ngu dễ dàng như kim cương phá hoại bảo thạch... Làm dữ bởi ta, mà nhiễm ô cũng bởi ta ; làm lành bởi ta, mà thanh tịnh cũng bởi ta. Tịnh hay không tịnh đều bởi ta, chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được".
Do vậy con người không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh khó khăn khiến bản thân mình sa đọa. Làm Thiện hay làm Ác, tạo Ác nghiệp hay Thiện nghiệp đều là do tự thân mình chọn lấy, quả báo thế nào là do chính mình làm ra chứ không phải do Thần Phật nào quyết định...".
Nếu những con người ốm đau, bất hạnh đang bấu víu vào chùa Ba Vàng hay những ngôi chùa khác chỉ cần hiểu một phần nào đó những điều ở trên thì quả là phúc cho họ. Những tai ương, bệnh tật, những nghịch cảnh ở đời xảy ra là điều không ai muốn. Nhưng những điều đó (quả) có một phần trách nhiệm lớn (nhân) của chính chúng ta chứ không phải là ai khác. Có thể chúng ta bỏ tiền của để thực hành những nghi thức tôn giáo nào đó nhằm đẩy mối lo hay nỗi khổ đau ra khỏi tâm trí mình, nhưng tồn tại xã hội vẫn còn nguyên đó. Và khi đó ta không khác gì con đà điểu khi gặp nguy hiểm chui đầu xuống cát.
Đất nước kiệt quệ. Môi trường bị hủy hoại. Con người bị bóc lột. Ai là người phải chịu trách nhiệm ? Sức khỏe và đời sống của chúng ta gặp phải tai ương vì lẽ đó chứ chẳng phải tà ma quỷ thần nào hết. Không tự chịu trách nhiệm về tất cả cuộc đời mình, lãnh nhận nghịch cảnh, và đấu tranh trực diện với nó, chẳng tiền bạc nào mua nổi sự bình an.
Sau tất cả, hãy biết tự hỏi mình như người đàn ông trong bức ảnh này các bạn ơi.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 22/03/2019 (nguyenlanthang's blog)