Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/04/2019

Đang có sự thay đổi về quyền tự do lập hội ?

Thảo Vy

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nội vụ chuẩn bị báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 33. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chuẩn bị các nội dung cụ thể như sau : dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

quyen1

Quyền tự do lập hội - Ảnh minh họa

Như vậy, dự án Luật về Hội tiếp tục bị ách lại, chưa rõ bao giờ mới tái khởi động ở cấp Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên trong diễn biến gần đây về vụ ‘nước mắm truyền thống – nước mắm/ nước chấm công nghiệp’, cho thấy bắt đầu có sự thay đổi trong nếp nghĩ về quyền tự do lập hội ở Bộ Nội vụ, nơi chấp bút soạn thảo dự án Luật về Hội.

Số là hồi tháng 3 vừa rồi, khi vụ việc dự thảo bộ tiêu chuẩn nước mắm đã đánh đồng hai loại nước mắm sản xuất thủ công truyền thống, với loại nước chấm sản xuất quy mô công nghiệp, thì 'lòi' ra vụ năm trước đó Bộ Nội vụ đã cố tình làm khó, cố tình ngăn trở việc xúc tiến thành lập Hiệp hội Nước mắm Truyền thống Việt Nam.

Vụ việc tóm tắt như sau : Ngày 23-4-2018, Bộ Nội vụ ký công văn số 1714/BNV- TCPCP trả lại hồ sơ xin lập Hiệp hội Nước mắm Truyền thống, do cùng lúc nhận được hai hồ sơ xin thành lập hội của một ngành là không được. 

Phía chủ sản xuất nước mắm theo phương thức thủ công truyền thống đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với bên đang làm bộ hồ sơ thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam do tập đoàn Masan, doanh nghiệp sản xuất nước chấm công nghiệp làm ‘chủ xị’.

Tuy nhiên phía Masan từ chối quyết liệt với việc gắn hai chữ "Truyền thống" vào tổ chức Hiệp hội Nước Mắm. Bộ Nội vụ thì tiếp tục bảo lưu nguyên tắc không cho phép thành lập 2 hiệp hội nghề nghiệp trong cùng 1 ngành. Thời điểm này Việt Nam đã thỏa thuận hoàn tất các yêu cầu liên quan về quyền tự do lập hội trong CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). 

Lưu ý, xét về mặt thủ tục hành chính cho xúc tiến thành lập Ban vận động, thì ở Hiệp hội Nước mắm Truyền thống được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ký quyết định thành lập, và đây là nơi nộp đơn trước về mặt thủ tục với Bộ Nội vụ theo đúng trình tự pháp luật. Ban vận động của Hiệp hội Nước mắm Việt Nam thì Bộ Y tế ký quyết định, và sau đó họ cũng thực hiện các bước với Bộ Nội vụ ; và thay vì nếu có từ chối thì phải xét ‘ai đến trước’, đàng này Bộ Nội vụ lại yêu cầu ‘hai nhập một’ và phải theo nội dung của ‘người tới sau’.

Đàm phán giữa hai tổ chức xúc tiến thành lập hiệp hội một khi thất bại đã tạo tiền lệ : nếu mai đây có một hội chuẩn bị thành lập, thì tổ chức khác muốn phá bỉnh, cứ việc đứng ra thành lập hội đoàn tương tự và không đồng ý ‘thỏa hiệp’, khi ấy cả hai đều không được cấp phép thành lập. Dĩ nhiên điều này nếu so với cam kết của CPTPP thì Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng.

Tình hình là sau vụ quy phạm sản xuất nước mắm bất ngờ bùng ra công luận, mổ xẻ các bất hợp lý và cũng đáng ngờ từ một số cơ quan chuyên trách, thì phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Nội Vụ tiến hành thủ tục cho lập Hiệp hội Nước mắm Truyền thống (đúng pháp luật). Đến giai đoạn này thì phía Bộ Nội vụ lại đưa ra ý kiến là nếu đã có Hiệp hội Nước mắm Truyền thống, thì nên cấp phép luôn cho tên gọi Hiệp hội Nước mắm Việt Nam. Lý do : giới chủ nhà thùng sản xuất thủ công có tổ chức đại diện, thì những doanh nghiệp sản xuất nước chấm theo quy trình công nghiệp, cũng phải có tổ chức đại diện.

Đề xuất đó của Bộ Nội vụ là phù hợp với nội dung CPTPP, và tạo ra một tiền lệ khác : doanh nghiệp có thể tự mình thành lập một Hiệp hội, mà không cần qua đầy đủ các bước thủ tục hành chính rườm rà như lâu nay. Vấn đề giờ đây là tên gọi ‘nước mắm’ đối với loại ‘nước chấm công nghiệp’ là nhập nhèm kiểu đánh lận con đen.

Như vậy, trong thời gian chờ đợi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình Quốc hội nội dung dự án Luật về Hội, nếu có hai tổ chức cùng được cấp giấy phép thành lập, là "Hiệp hội Nước mắm Truyền thống", và "Hiệp hội Nước mắm Việt Nam" thì về nguyên tắc đối xử bình đẳng, cũng như tuân thủ thỏa thuận CPTPP, buộc Bộ Nội vụ phải công nhận về mặt hành chánh tổ chức Hội Nhà báo độc lập Việt Nam là một hội nghề nghiệp song song với Hội Nhà báo Việt Nam. 

"Từ chuyện nước mắm truyền thống, nước chấm công nghiệp đang đòi quyền tự do lập hội và được sự chấp thuận của chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc, thì với trường hợp các phóng viên, nhà báo nếu không còn làm việc trong một cơ quan báo chí nữa, họ bị buộc trả lại thẻ nhà báo. Khi ấy, họ cũng không còn là thành viên của chi hội nhà báo nữa. Vậy họ sẽ tham gia vào tổ chức nào cho bảo vệ quyền hành nghề của họ ? 

Tôi nghĩ rằng Hội Nhà báo độc lập Việt Nam là một gợi ý của địa chỉ tín nhiệm. Dĩ nhiên trên hết, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chí tiên quyết là nơi tập họp những người làm báo theo nghĩa rộng, từ viết báo in, báo điện tử, truyền hình trên kênh Youtube, đa truyền thông… Họ có thể là những cộng tác viên báo chí, cho đến những nhà báo, phóng viên đang mưu sinh bằng nghề này. Hãy nhớ là Hiến pháp trao cho họ những quyền tự do lựa chọn tham gia hội, đoàn !". Nhà báo Cao Minh Tâm, biên tập viên (tạp chí) Shipping Times, chia sẻ. 

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 03/04/2019

Quay lại trang chủ
Read 520 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)