Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đây là một giá trị thiêng liêng được nhắc tới trong Hiến chương ILO, Tuyên bố Philadelphia của ILO, và Tuyên bố về các Nguyên tắc và Quyền Cơ bản trong Lao động của ILO (1998) ; điều này cũng được tuyên bố trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân Quyền.

laphoi1

Tự do lập hội là một quyền con người và là một trong những giá trị cốt lõi của ILO.

Tổ chức Lao động Quốc tế, viết tắt ILO (tiếng Anh : International Labour Organization) là một cơ quan đặc biệt của Liên Hiệp Quốc liên quan đến các vấn đề về lao động.

Hội Nhà báo độc lập Việt Nam được thành lập cũng trên tinh thần về quyền con người là một giá trị thiêng liêng như đã nêu tại Hiến chương ILO.

Rộng đường dư luận, xin trích giới thiệu ở đây về một tài liệu của Dự án "Quyền tự do lập Hội" do ILO thực hiện tại Việt Nam.

------------------------

HỏiNhững tiêu chuẩn quốc tế chính về quyền tự do lập hội và quyền thương lượng tập thể là gì ?

Đáp : Những tiêu chuẩn quốc tế chủ yếu về quyền tự do lập hội và quyền thương lượng tập thể bao gồm Công ước về Quyền Tự do Lập hội và Bảo vệ Quyền Tổ chức (Số 87) 1948 và Công ước về Quyền Tổ chức và Thương lượng Tập thể, 1949 (Số 98).

Những tiêu chuẩn quốc tế khác liên quan tới các quyền tự do này gồm Các biện pháp bảo vệ và thiết chế dành cho đại diện người lao động để thực thi Công ước (Số 135) ; Khuyến nghị về Đại diện của Người lao động (Số 143) ; và Khuyến nghị về Thương lượng Tập thể (Số 163).

Các tiêu chuẩn quốc tế liên quan tới đối thoại xã hội bao gồm Khuyến nghị về việc Tham vấn và Hợp tác giữa Người sử dụng lao động và Người lao động ở cấp cơ sở (Số 94) và Khuyến nghị về Thông tin giữa Ban quản lý và Người lao động ở cấp Cơ sở (Số 129).

Hơn nữa, phần lớn các Công ước và Khuyến nghị của ILO đều có các điều khoản ủng hộ đối thoại xã hội bằng cách yêu cầu về tham vấn với các tổ chức đại diện của người lao động và người sử dụng lao động.

HỏiTại sao quyền tự do lập hội lại quan trọng ?

Đáp : Quyền lập hội là một quyền, ngoài ra tự do lập hội tạo điều kiện cho người lao động và người sử dụng lao động cùng nhau bảo vệ tốt hơn không chỉ quyền lợi kinh tế mà cả các quyền tự do dân sự của họ như quyền được sống, được đảm bảo an toàn, toàn vẹn, và đảm bảo các quyền tự do cá nhân và tập thể.

Là một phần không thể tách rời của nền dân chủ, nguyên tắc này rất quan trọng giúp thực hiện tất cả các nguyên tắc và quyền cơ bản khác tại nơi làm việc.

Các doanh nghiệp đối diện với rất nhiều bất ổn trước sự thay đổi nhanh chóng của thị trường toàn cầu. Thiết lập một kênh đối thoại thực sự với những đại diện mà người lao động tự do lựa chọn sẽ giúp cho cả người lao động và người sử dụng lao động hiểu được các vấn đề của nhau tốt hơn và cùng tìm cách giải quyết chúng.

An toàn của những người đại diện là cơ sở để xây dựng niềm tin cho cả hai bên.

Tự do lập hội và thương lượng tập thể sẽ mang lại cơ hội đối thoại giúp giải quyết xung đột hiệu quả, và điều này cũng giúp kiểm soát năng lượng để tập trung vào những giải pháp có kết quả mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội nói chung.

Phạm vi ý nghĩa của quyền tự do lập hội được định nghĩa với phạm vi lớn hơn bất cứ quyền nào trong bộ máy giám sát của ILO. Trong nhiều trường hợp những quyết định này rất hữu ích giúp người sử dụng lao động hiểu được những quyền này.

HỏiHiểu thế nào về việc người lao động và người sử dụng lao động có thể "tự do thực hiện quyền tổ chức của mình" ?

Đáp : Tự do lập hội là một quyền con người cơ bản. Điều này ngụ ý sự tôn trọng đối với quyền tự do và tự nguyện thành lập và gia nhập các tổ chức theo lựa chọn của bản thân một người.

Điều đó cũng có nghĩa là các tổ chức có quyền thực hiện các hoạt động của họ một cách hoàn toàn tự do mà không bị can thiệp. Người sử dụng lao động không nên can thiệp vào quyết định lập hội của người lao động, hoặc phân biệt đối xử đối với người lao động hoặc đại diện của họ.

Chính phủ không nên can thiệp vào quyền lập hội của cả người lao động lẫn người sử dụng lao động. Người lao động và người sử dụng lao động có quyền gia nhập các tổ chức ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, và các tổ chức của họ có quyền liên kết ở bất cứ cấp độ nào.

Tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động cần phải được tồn tại lâu dài mà không phải thực hiện bất cứ yêu cầu gia hạn định kỳ hay chịu bất cứ một điều kiện nào để được tiếp tục tồn tại.

HỏiChính phủ có trách nhiệm gì để bảo vệ quyền tự do lập hội ?

Đáp : Để thực hiện các nguyên tắc của quyền tự do lập hội và quyền thương lượng tập thể trên thực tế cần có một cơ sở pháp lý đảm bảo những quyền này được thi hành.

Điều này cũng đòi hỏi phải có một khung thể chế kiến tạo có thể được xây dựng giữa ba bên, giữa tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động, hoặc kết hợp cả hai.

Những cá nhân mong muốn được thực hiện quyền của mình để trình bày ý kiến cũng phải được bảo vệ để không bị phân biệt đối xử. Và tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động cũng phải chấp nhận làm đối tác của nhau mới có thể cùng giải quyết vấn đề chung hoặc xử lý các thách thức chung.

Chính phủ phải có trách nhiệm đảm bảo các khung thể chế và pháp lý sẵn có để hoạt động thích hợp. Họ cũng cần giúp thúc đẩy một văn hóa hợp tác và chấp nhận lẫn nhau.

Khi chính phủ không tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế, cần có nỗ lực để cải cách pháp luật và quản trị nhà nước. Nếu luật pháp không tuân theo các tiêu chuẩn lao động quốc tế, người sử dụng lao động và công đoàn cần nỗ lực tôn trọng các nguyên tắc đó, ít nhất là ở những quốc gia mà việc tôn trọng những nguyên tắc này không bị cấm đoán.

Tại những quốc gia mà pháp luật bảo vệ quyền, nhưng việc triển khai lại kém do không có đủ lực lượng thi hành luật, thì người sử dụng lao động cần tuân thủ pháp luật.

Triệu Tử Long

Nguồn : VNTB, 28/11/2020

Additional Info

  • Author Triệu Tử Long
Published in Diễn đàn

"Quyền về lập hội" không nên tiếp tục là một "quyền treo"

Hà Nguyên, VNTB, 21/11/2020

Kiến nghị, đề xuất Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật về hội theo ý kiến của Bộ Chính Trị và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2021.

quyen1

Dự thảo Đề án đánh giá về tổ chức và hoạt động của hội, các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động của các hội sau cấp phép do Bộ Nội vụ xây dựng hồi đầu năm nay đang được các nhà khoa học trong các hội ngành toàn quốc quan tâm, và kiến nghị cần giải quyết căn cơ qua việc dứt khoát hoàn thiện Dự thảo Luật về quyền lập hội.

Ông Đặng Đình Luyến – cựu Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa 13, có ý kiến cụ thể như sau (trích lược) :

Một số nghị quyết, văn kiện của Đảng có liên quan đến tổ chức, hoạt động của các hội được ban hành từ lâu, nhưng chưa được các cơ quan chức năng của Nhà nước thể chế hóa kịp thời, đầy đủ thành văn bản pháp luật để thực hiện, như Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính Trị về hội quần chúng ; Nghị quyết số 39 – NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính Trị về tinh giản biên chế… Nghị quyết số 18 – NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, v v…

Đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm thể chế hóa, ban hành văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý cho các hội kiện toàn tổ chức, bộ máy và hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Việc xây dựng, ban hành Luật về hội quá chậm, từ những năm 2004, 2005 Chính phủ đã tổ chức soạn thảo và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, do còn một số vấn đề ý kiến còn khác nhau nên Quốc hội giao cho Chính phủ tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội và đến năm 2016 Chính phủ đã trình lại Quốc hội cho ý kiến một lần nữa, nhưng có một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau nên Quốc hội đã giao lại cho Chính phủ tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua, nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa trình lại Quốc hội.

Đề nghị Bộ Nội vụ và các bộ ngành có liên qua khẩn trương nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện Dự thảo Luật về hội để sớm báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua để làm cơ sở pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của các hội.

Trong nhóm giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động của các hội, đề nghị cần phân công, phân cấp cụ thể cho các bộ ngành, các cấp chính quyền quản lý nhà nước đối với hoạt động của các hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ ngành và phạm vi lãnh thổ quản lý của chính quyền địa phương.

Theo đó hoạt động của các hội liên quan đến lĩnh vực quản lý của bộ ngành nào thì giao cho bộ ngành đó chủ trì quản lý hoạt động của các hội đó ; còn ở địa phương thì các hội hoạt động ở phạm vi địa phương nào thì Ủy ban nhân dân của địa phương đó thực hiện quản lý nhà nước và các sở, phòng, ban trực tiếp giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước đối với hoạt động của các hội thuộc lĩnh vực mình phụ trách ; định kỳ hằng năm báo cáo với cơ quan nhà nước cấp trên trực tiếp về tình hình hoạt động của các hội.

Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hội trong phạm vi cả nước, giúp Chính phủ chủ trì quản lý nhà nước về tổ chức, thành lập các hội ; phối hợp với các bộ ngành quản lý nhà nước về hoạt động của các hội và làm báo cáo tổng hợp về công tác quản lý nhà nước đối với hội để báo cáo Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khác.

Kiến nghị, đề xuất Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật về hội theo ý kiến của Bộ Chính Trị và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2021.

Không nên sửa đổi Nghị định 45/2010/NĐ-CP nữa vì không phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quyền lập hội của công dân phải được thể hiện trong Luật, thì mới phù hợp với khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp 2013.

Trích Hiến pháp 2013

"Chương II. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân

Điều 14.

1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".

Hà Nguyên

Nguồn : VNTB, 21/11/2020

**********************

Hội đoàn xã hội dân sự có được quyền nhận hỗ trợ tài chính từ các quỹ hợp pháp ở nước ngoài ?

Hoài Nguyễn, VNTB, 21/11/2020

Sử dụng viện trợ nước ngoài để phục vụ mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế, xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc… là những hành vi bị cấm theo Nghị định số 80/2020/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành.

hoi2

Vậy thì nếu nhận hỗ trợ tài chính không nhằm đến các điều cấm ở trên, liệu có bị làm khó dễ – đặc biệt là với những hội đoàn xã hội dân sự thành lập tự phát, không thực hiện theo quy định của bộ thủ tục hành chính liên quan ?

Cụ thể, tại Nghị định số 80/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho các cơ quan, tổ chức được thành lập hợp pháp tại Việt Nam nhằm mục đích phát triển kinh tế – xã hội, hỗ trợ nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận, thương mại.

Nghị định này cấm các hành vi sử dụng viện trợ để phục vụ mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế, xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc ; xâm hại đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, cấm các hành vi sử dụng viện trợ để tìm kiếm lợi nhuận phân chia, tư lợi cá nhân, không vì mục đích nhân đạo, phát triển kinh tế xã hội, không vì lợi ích cộng đồng.

Vấn đề đặt ra ở trên là liên quan đến nội dung của dự án luật Về Hội, hiện vẫn đang được bàn thảo và chưa rõ thời gian cụ thể trình Quốc hội phê chuẩn.

Có nhiều ý kiến tranh luận về quy định "Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài ; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định". Có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Loại thứ nhất tán thành quy định trên, nhằm phòng ngừa việc lợi dụng liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài để hoạt động trái pháp luật, chống phá nhà nước và chế độ. Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội dẫn nguồn Bộ Nội vụ cho biết hiện cả nước có khoảng trên 63.000 hội có đăng ký và đang hoạt động, thì số lượng hội có liên kết, gia nhập, nhận tài trợ nước ngoài không nhiều. Do đó, các trường hợp đặc biệt này do Chính phủ quy định cụ thể là hợp lý.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng quy định này là không phù hợp với chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, khép lại kênh quan hệ quốc tế rất quan trọng của ngoại giao nhân dân, mất đi cơ hội huy động và tiếp nhận một nguồn kinh phí đáng kể. Việc quy định các trường hợp đặc biệt có thể dẫn tới sự bất bình đẳng giữa các hội và tạo nên cơ chế xin – cho, phức tạp thêm thủ tục hành chính.

Ở đây cần lưu ý rằng yêu cầu chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng, nhưng quy định hạn chế như dự luật, sẽ làm mất cơ hội để tiếp cận nguồn lực to lớn của quốc tế viện trợ cho các đối tượng yếu thế – đặc biệt là với các bệnh nhân, nạn nhân, hỗ trợ cho các nhà khoa học, cho các cơ sở nghiên cứu, cho các bệnh viện… "Nhất là những hoạt động tài trợ liên quan đến thuốc men hoặc những cứu trợ tức khắc sẽ rất khó thực hiện, vì còn đi xin cơ chế đặc biệt. Quy định như vậy cản trở sự hội nhập, điều đó không thực sự phù hợp với quan điểm của Đảng", nhiều ý kiến phản biện.

Bày tỏ nhất trí với quan điểm giải trình về việc phòng ngừa việc liên kết gia nhập nhận tài trợ để hoạt động trái pháp luật chống phá nhà nước và chế độ, phía Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho rằng không nên phủ nhận trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay việc các hội liên kết gia nhập các tổ chức quốc tế là xu hướng tự nhiên và tất yếu, mang lại nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi và nguồn hỗ trợ hoạt động hiệu quả.

"Nước ngoài" thực ra không phải ai xa lạ. Chỉ riêng tổ chức Liên Hợp Quốc mà Việt Nam là quốc gia thành viên cũng đã có rất nhiều loại quỹ khác nhau cho các hội đoàn, được phân phối thông qua Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Quỹ Dân chủ Liên Hợp Quốc (UNDF), và nhiều chương trình khác.

"Nước ngoài" còn là Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), vốn cũng có chương trình tài trợ cho các tổ chức hội đoàn ở Việt Nam.

"Thậm chí tôi cho rằng với các hội đoàn xã hội dân sự tuy tự phát thành lập do chưa có luật Về Hội, và những hội đoàn này có thể là không thực hiện trình tự thủ tục hành chính về lập hội, song họ vẫn có thể nhận được các khoản hỗ trợ nhân đạo, miễn là những tổ chức này minh bạch, không nằm trong danh sách tài trợ khủng bố, rửa tiền…" – luật sư T.T., khẳng định từ biện luận : "Nước ngoài" còn là các tổ chức được thành lập bởi người Việt Nam định cư ở nước ngoài, những người được Hiến pháp 2013 ghi nhận là "bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam".

Sự hiện diện của tiền nước ngoài cũng rất gần gũi với người Việt Nam. Đó là những cái giếng, thùng trữ nước, các nhà vệ sinh, phòng thí nghiệm, trường học, các đoàn cứu trợ khẩn cấp, các y bác sĩ chữa bệnh miễn phí, các sự kiện của giới LGBT, các báo cáo nghiên cứu – điều tra xã hội học về bình đẳng giới, hay ngay cả một số nghiên cứu về… quyền lập hội.

Hoài Nguyên

Nguồn : VNTB, 20/11/2020

Additional Info

  • Author Hà Nguyên, Hoài Nguyễn
Published in Diễn đàn

Đây là câu hỏi của một vị Hòa thượng tuổi gần 80, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

laphoi1

Tăng Đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cử hành Đại lễ Phật đản Phật Lịch 2563 - DL.2019 tại Tổ Đình Quốc Ân, Huế.

Trong buổi dự Đại lễ Phật đản Phật lịch 2563 tại Sài Gòn hôm 19/5/2019, vị Hòa thượng cao niên Thích Quảng Tôn có đặt câu hỏi với người viết :

"Nghe nói sắp tới sẽ có luật về quyền tự do lập hội. Như vậy, những người tu hành có được quyền chọn những hội, đoàn riêng, mà không phải lệ thuộc vào Mặt trận Tổ quốc ?".

Câu hỏi không dễ trả lời. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện là đơn vị thành viên của tổ chức có tên là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo thì không có điều khoản nào về việc các tôn giáo được tự do lựa chọn, hoặc tự thỏa thuận thành lập các hội, đoàn độc lập.

Không chỉ riêng Phật giáo, mà bất kỳ tôn giáo nào để được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, đều bị buộc phải là thành viên của tổ chức Mặt trận Tổ quốc (Điều 4, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo).

"Cái căn bản của đạo Phật là sinh hoạt từng chùa, chứ chúng tôi không dựa theo giáo hội nhiều. Giáo hội chỉ là cơ quan hành chánh, lâu lâu tổ chức việc này, việc khác thôi, chứ giáo hội không nhằm đặt ra để mà kiểm soát tất cả các chùa và không có huy động trực tiếp, chỉ huy các thầy làm gì. Các thầy chủ động đặt ra chương trình để làm công việc Phật sự.

Chúng tôi cũng tu hành bình thường thôi, nhưng cơ quan hành chánh của chúng tôi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất lại không được tôn trọng. Đúng là nhà nước hiện tại chưa có văn bản nào phủ nhận ; nhưng đồng thời họ cũng chưa bao giờ công nhận có một Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở tại Việt Nam. Cá nhân tôi nghĩ rằng ngay cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay cũng chỉ là một hội đoàn, chúng tôi cũng là một hội đoàn. Cái khác nhau là ở vế có hay không việc là thành viên của Mặt trận Tổ quốc.

Nếu sắp tới đây có luật về quyền lập hội, tại sao không chấp nhận cho những nhà tu hành của chúng tôi được có những hội đoàn riêng của mình, như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, chẳng hạn", một vị Hòa thượng cao niên khác, không muốn nêu tên, thắc mắc.

Một vị Hòa thượng khác cũng là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, kể rằng ông quan tâm đến bài phát biểu vừa rồi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về kinh tế nhà nước, và kinh tế tư nhân. Vậy thì, nếu hiểu những tổ chức tôn giáo chấp nhận là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, là tôn giáo có dáng dấp ‘nhà nước’ ; thì cũng nên sòng phẳng thừa nhận, tôn trọng các tôn giáo không là thành viên Mặt trận Tổ quốc. Căn cứ pháp lý cho đề xuất ấy có thể là ở thì tương lai của luật về quyền lập hội.

"Tôi hy vọng chuyến đi Mỹ sắp tới của ông Tổng bí thư sẽ mở ra nhiều vận hội cho quyền tự do lựa chọn các tổ chức đại diện cho mình của chùa chiền, tự viện, thay vì buộc tất cả đều phải thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam", vị Hòa thượng, nói.

Nôm na, người viết bài này cho rằng, nếu như Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa ra tôn chỉ ‘Đạo pháp – Dân tộc – Xã hội chủ nghĩa’, thì cũng cần phải thừa nhận tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất với tiêu chí ‘Dân tộc – Đạo pháp’. Sự tự do lựa chọn tổ chức đại diện cho mình của các chùa, tự viện ở đây, thiết nghĩ cũng tương tự như quyền tự do công đoàn đang bàn luận trong sửa đổi Bộ Luật lao động.

Tương tự, ngay cả việc kỷ niệm Phật đản ở Việt Nam vừa qua cũng có 2 dạng thức và tổ chức cũng khác ngày : Một, Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc tổ chức tại một chùa nào đó được chọn lựa, với sự tham gia của đại diện các chùa trên toàn quốc, cùng đại diện đại biểu quốc tế. Đại lễ mang dáng dấp của quan hệ chính trị đối ngoại.

Hai, Đại lễ Phật đản Phật lịch 2563 tiến hành theo nghi thức truyền thống ở tại các chùa trên cả nước.

Quyền tự do tôn giáo và quyền lựa chọn các tổ chức hội, đoàn của những chùa chiền, tự viện : đây là những vấn đề đặt ra trên cơ sở quyền tự do lập hội, tự do công đoàn.

Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn : VNTB, 20/05/2019

Published in Diễn đàn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nội vụ chuẩn bị báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 33. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chuẩn bị các nội dung cụ thể như sau : dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

quyen1

Quyền tự do lập hội - Ảnh minh họa

Như vậy, dự án Luật về Hội tiếp tục bị ách lại, chưa rõ bao giờ mới tái khởi động ở cấp Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên trong diễn biến gần đây về vụ ‘nước mắm truyền thống – nước mắm/ nước chấm công nghiệp’, cho thấy bắt đầu có sự thay đổi trong nếp nghĩ về quyền tự do lập hội ở Bộ Nội vụ, nơi chấp bút soạn thảo dự án Luật về Hội.

Số là hồi tháng 3 vừa rồi, khi vụ việc dự thảo bộ tiêu chuẩn nước mắm đã đánh đồng hai loại nước mắm sản xuất thủ công truyền thống, với loại nước chấm sản xuất quy mô công nghiệp, thì 'lòi' ra vụ năm trước đó Bộ Nội vụ đã cố tình làm khó, cố tình ngăn trở việc xúc tiến thành lập Hiệp hội Nước mắm Truyền thống Việt Nam.

Vụ việc tóm tắt như sau : Ngày 23-4-2018, Bộ Nội vụ ký công văn số 1714/BNV- TCPCP trả lại hồ sơ xin lập Hiệp hội Nước mắm Truyền thống, do cùng lúc nhận được hai hồ sơ xin thành lập hội của một ngành là không được. 

Phía chủ sản xuất nước mắm theo phương thức thủ công truyền thống đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với bên đang làm bộ hồ sơ thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam do tập đoàn Masan, doanh nghiệp sản xuất nước chấm công nghiệp làm ‘chủ xị’.

Tuy nhiên phía Masan từ chối quyết liệt với việc gắn hai chữ "Truyền thống" vào tổ chức Hiệp hội Nước Mắm. Bộ Nội vụ thì tiếp tục bảo lưu nguyên tắc không cho phép thành lập 2 hiệp hội nghề nghiệp trong cùng 1 ngành. Thời điểm này Việt Nam đã thỏa thuận hoàn tất các yêu cầu liên quan về quyền tự do lập hội trong CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). 

Lưu ý, xét về mặt thủ tục hành chính cho xúc tiến thành lập Ban vận động, thì ở Hiệp hội Nước mắm Truyền thống được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ký quyết định thành lập, và đây là nơi nộp đơn trước về mặt thủ tục với Bộ Nội vụ theo đúng trình tự pháp luật. Ban vận động của Hiệp hội Nước mắm Việt Nam thì Bộ Y tế ký quyết định, và sau đó họ cũng thực hiện các bước với Bộ Nội vụ ; và thay vì nếu có từ chối thì phải xét ‘ai đến trước’, đàng này Bộ Nội vụ lại yêu cầu ‘hai nhập một’ và phải theo nội dung của ‘người tới sau’.

Đàm phán giữa hai tổ chức xúc tiến thành lập hiệp hội một khi thất bại đã tạo tiền lệ : nếu mai đây có một hội chuẩn bị thành lập, thì tổ chức khác muốn phá bỉnh, cứ việc đứng ra thành lập hội đoàn tương tự và không đồng ý ‘thỏa hiệp’, khi ấy cả hai đều không được cấp phép thành lập. Dĩ nhiên điều này nếu so với cam kết của CPTPP thì Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng.

Tình hình là sau vụ quy phạm sản xuất nước mắm bất ngờ bùng ra công luận, mổ xẻ các bất hợp lý và cũng đáng ngờ từ một số cơ quan chuyên trách, thì phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Nội Vụ tiến hành thủ tục cho lập Hiệp hội Nước mắm Truyền thống (đúng pháp luật). Đến giai đoạn này thì phía Bộ Nội vụ lại đưa ra ý kiến là nếu đã có Hiệp hội Nước mắm Truyền thống, thì nên cấp phép luôn cho tên gọi Hiệp hội Nước mắm Việt Nam. Lý do : giới chủ nhà thùng sản xuất thủ công có tổ chức đại diện, thì những doanh nghiệp sản xuất nước chấm theo quy trình công nghiệp, cũng phải có tổ chức đại diện.

Đề xuất đó của Bộ Nội vụ là phù hợp với nội dung CPTPP, và tạo ra một tiền lệ khác : doanh nghiệp có thể tự mình thành lập một Hiệp hội, mà không cần qua đầy đủ các bước thủ tục hành chính rườm rà như lâu nay. Vấn đề giờ đây là tên gọi ‘nước mắm’ đối với loại ‘nước chấm công nghiệp’ là nhập nhèm kiểu đánh lận con đen.

Như vậy, trong thời gian chờ đợi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình Quốc hội nội dung dự án Luật về Hội, nếu có hai tổ chức cùng được cấp giấy phép thành lập, là "Hiệp hội Nước mắm Truyền thống", và "Hiệp hội Nước mắm Việt Nam" thì về nguyên tắc đối xử bình đẳng, cũng như tuân thủ thỏa thuận CPTPP, buộc Bộ Nội vụ phải công nhận về mặt hành chánh tổ chức Hội Nhà báo độc lập Việt Nam là một hội nghề nghiệp song song với Hội Nhà báo Việt Nam. 

"Từ chuyện nước mắm truyền thống, nước chấm công nghiệp đang đòi quyền tự do lập hội và được sự chấp thuận của chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc, thì với trường hợp các phóng viên, nhà báo nếu không còn làm việc trong một cơ quan báo chí nữa, họ bị buộc trả lại thẻ nhà báo. Khi ấy, họ cũng không còn là thành viên của chi hội nhà báo nữa. Vậy họ sẽ tham gia vào tổ chức nào cho bảo vệ quyền hành nghề của họ ? 

Tôi nghĩ rằng Hội Nhà báo độc lập Việt Nam là một gợi ý của địa chỉ tín nhiệm. Dĩ nhiên trên hết, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chí tiên quyết là nơi tập họp những người làm báo theo nghĩa rộng, từ viết báo in, báo điện tử, truyền hình trên kênh Youtube, đa truyền thông… Họ có thể là những cộng tác viên báo chí, cho đến những nhà báo, phóng viên đang mưu sinh bằng nghề này. Hãy nhớ là Hiến pháp trao cho họ những quyền tự do lựa chọn tham gia hội, đoàn !". Nhà báo Cao Minh Tâm, biên tập viên (tạp chí) Shipping Times, chia sẻ. 

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 03/04/2019

Published in Diễn đàn

Đã có sự mâu thuẫn về mốc thời gian trong thỏa thuận về quyền tự do lập hội ở Việt Nam.

laphoi1

Ảnh minh họa (VNTB)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 121/QĐ-TTg, phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do Bộ Công thương soạn trình. Theo đó, Công ước 87 của ILO về Quyền tự do hiệp hội sẽ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Tờ trình phê chuẩn công ước quốc tế này vào năm 2023. 

Trước đó, trong Quyết định số 145/QĐ-TTg do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký từ đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về "Phê duyệt Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", thì "Đến năm 2020, phê chuẩn các công ước cơ bản còn lại và một số công ước khác của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)".

Như vậy, độ trễ là 3 năm trong vấn đề Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 của ILO, giữa nội dung ở đề xuất của Bộ Công thương và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên về mặt giá trị hiệu lực thì đến nay chưa có văn bản pháp quy nào thay thế Quyết định số 145/QĐ-TTg, do đó có thể xem đề nghị của Bộ Công thương mang ý nghĩa của ‘khung thời gian tối đa’, và trong năm 2020, Việt Nam đã có thể phê chuẩn Công ước 87 của ILO.

Vì sao chỉ cần đến năm 2020 ?

"Tăng cường chức năng đại diện của công đoàn và người sử dụng lao động trong khung khổ quan hệ lao động mới" là tên gọi của Dự án NIRF/Nhật Bản, gồm đối tác phát triển là Bộ Lao động, Y tế và Phúc lợi Nhật Bản, với các đối tác Việt Nam là : Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động và công đoàn cơ sở tại các địa phương thí điểm, Mạng lưới công đoàn các khu công nghiệp, và Mạng lưới chuyên gia tư vấn pháp luật công đoàn ; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại các khu vực và hiệp hội ngành nghề được lựa chọn ; Bộ Lao động, thương binh và xã hội và các Sở Lao động, thương binh và xã hội tại các địa phương thí điểm ; các Ủy ban liên quan của Quốc hội.

Dự án mang mã số VNM/16/06M/JPN thời gian thực hiện từ ngày 01/10/2016 đến ngày 31/12/2019. Đối tượng hưởng lợi của dự án bao gồm : Tổ chức của các đối tác xã hội (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) ; Cán bộ tổ chức và cán bộ tham gia thương lượng tại các công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên cơ sở ; Người sử dụng lao động và đại diện doanh nghiệp trong các phân khúc khác nhau của chuỗi cung ứng toàn cầu ; Các cán bộ quản lý lao động (Bộ và các Sở Lao động, thương binh và xã hội) cấp trung ương và cấp tỉnh ; Các chuyên gia pháp luật.

Dự án tập trung vào các tỉnh thành có mật độ công nghiệp hóa cao tại Việt Nam, bao gồm : Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Quảng Nam, Đà Nẵng.

Kết quả dự án này đủ để là cơ sở cho nội dung Tờ trình phê chuẩn Công ước 87 của ILO mà Bộ Lao động, thương binh và xã hội trình chính phủ trong năm 2020.

Tự do lập hội, tự do tôn giáo

Trong một diễn biến khác, dự thảo luật về hội do Bộ Nội vụ soạn thảo, ở điều 4 ghi : "Hội là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của công dân Việt Nam, cùng chung mục đích, hoạt động không vì lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội, hội viên và cộng đồng theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động ; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập, công nhận điều lệ và người đứng đầu hội".

laphoi3

Đan sĩ Đan viện Thiên An tiếp tục bị sách nhiễu, lăng mạ - ngày 13/03/2017

Dòng quy định "góp phần thực hiện chủ trương của Đảng" cho thấy không phù hợp với Điều 14 của Hiến pháp về quyền công dân về chính trị, cũng như Công ước 87 của ILO về Quyền tự do hiệp hội, không có điều khoản nào về áp đặt hay giới hạn quyền tự do về chính trị. Điều đó có nghĩa các hội đoàn dân sự được thành lập tùy vào mục đích mà có nghĩa vụ, hoặc không có trách nhiệm gì liên quan tới yêu cầu góp phần thực hiện chủ trương của Đảng.

Đặt trong bối cảnh về quyền tự do lập hội theo Công ước 87 của ILO, cho thấy quyền tự do tôn giáo cũng cần được sự điều chỉnh thích hợp, chấm dứt việc các tôn giáo được đặt để trong giới hạn của một tổ chức trực thuộc Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.

Ở Điều 4 của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, cho biết Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có các trách nhiệm như sau : 

1. Tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

2. Phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của Nhân dân về các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

3. Tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ; phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.

4. Tham gia tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, người theo tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và Nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. 

5. Giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo".

Người đứng đầu tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có các chức danh theo thứ tự như sau : Bí thư Trung ương đảng cộng sản, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Như vậy, cả 5 nhiệm vụ được quy định ở Điều 4, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, trước tiên là nhằm để buộc phải theo khuôn phép của đảng cộng sản, đồng nghĩa yêu cầu tối thượng là góp phần thực hiện chủ trương của Đảng.

Phật giáo Việt Nam không thể đóng khung như hiện nay

Nếu như bước đầu đã có các căn cứ pháp lý để hình thành các nghiệp đoàn độc lập, các hội đoàn xã hội dân sự ‘không quốc doanh’ như phân tích ở trên, thì trong lãnh vực tôn giáo, cũng cần chấm dứt việc đóng khung kiểu Phật giáo ‘quốc doanh’ như hiện nay.

Xin được nhắc lại. Trong hai ngày 12 và 13/02/1980, chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo các tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước đã có cuộc gặp gỡ tại Sài Gòn. Hiện diện trong cuộc gặp lịch sử này có các vị cao tăng như : Hòa thượng Thích Đức Nhuận, quyền Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam ; Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư ký Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ; Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ; Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh ; Hòa thượng Thích Thế Long, Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam ; Hòa thượng Thích Giác Tánh, Hòa thượng Thích Trí Nghiêm, Thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ; Hòa thượng Thích Thiện Hào, Phó Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh ; Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ; Hòa thượng Thích Bửu Ý, Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ; Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Tăng thống Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam ; Thượng tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh ; Thượng tọa Thích Từ Hạnh, Tổng Thư ký Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh ; Thượng tọa Thích Thanh Tứ, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam ; Thượng tọa Thích Giác Toàn, Thường trực Trung ương Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam ; Ni sư Huỳnh Liên, Ni trưởng Ni giới Khất sĩ Việt Nam ; Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện, cư sĩ Võ Đình Cường và cư sĩ Tống Hồ Cầm.

Cuộc gặp gỡ nói trên còn có sự hiện diện của các ông Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng ; Trần Bạch Đằng, Phó Trưởng ban Dân vận Mặt trận Trung ương và Phạm Quang Hiệu, Ban Tôn giáo Chính phủ.

laphoi2

Đại hội Phật giáo toàn quốc 2017-2022 sẽ diễn ra từ ngày 21-22/11/2017 - Ảnh minh họa

Gần 2 năm sau đó, 9 hệ phái gồm : Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, Hội Phật học Nam Việt, Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, Thiên Thai Giáo Quán tông ; Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh ; Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam và Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước miền Tây Nam Bộ, được nhà nước thông báo là cùng thống nhất trong một tổ chức chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là : Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội.

Tuy nhiên theo xác nhận của nhiều chức sắc tôn giáo của chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì việc hợp nhất này trên thực tế không có sự đồng thuận. Bởi vườn hoa tôn giáo là muôn màu sắc, không thể bị gò ép trong khuôn khổ hành chính là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ở Miền Nam Việt Nam, ngày 31 tháng 12 năm 1963, đại diện 11 tông phái và hội Phật giáo Bắc tông và Nam tông đã cùng nhau họp tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn, để soạn thảo Hiến chương thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ngày 4/1/1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời và trở thành cơ quan lãnh đạo sinh hoạt Phật giáo tại miền Nam Việt Nam.

Sự thống nhất Phật giáo Việt Nam được xây dựng trên nguyên tắc : Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức ; đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống Hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chính pháp ; không hề có việc buộc phải phụ thuộc vào thể chế chính trị đương thời.

Đến nay mặc dù không có văn kiện chính thức nào của nhà nước Việt Nam quyết định giải thể Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, nhưng trên thực tế, giáo hội này vẫn bị cấm đoán các hoạt động tôn giáo, cũng như các lãnh vực khác như văn hóa, giáo dục, xã hội, từ thiện.

Những độc quyền tôn giáo nói trên cần chấm dứt khi mà Việt Nam đã tham gia các FTA, cũng như tiếp tục các thỏa thuận khác liên quan với quốc tế.

Minh Quân

Nguồn : VNTB, 10/02/2019

Published in Diễn đàn

Ngày 14/01/2019, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam, sau khi có hiệu lực tại 6 quốc gia lưu vực Thái Bình Dương – Úc, Canada, Nhật, Mexico, New Zealand và Singapore vào ngày 30/12/2018. Tuy nhiên vẫn chưa có một động thái nào từ Quốc hội Việt Nam về việc tái khởi động dự luật về quyền tự do lập hội.

laphoi1

Luật về Hội nhiều lần bị trì hoãn

Chúng ta đang không thừa nhận sự tồn tại của đời sống tự nhiên và bình thường ?

Bàn luận về vấn đề này trong bối cảnh thực thi CPTPP, luật sư Nguyễn Tiến Lập nói rằng hội, về bản chất là sự liên kết giữa của một cá nhân với người khác để cùng nhau, hay phối hợp thực hiện các quyền dân sự của mình đã được pháp luật thừa nhận, với mục tiêu căn bản là hỗ trợ lẫn nhau hoặc hỗ trợ người khác, đặc biệt là các nhóm yếu thế, trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày mà không cần đến sự bao cấp, hay can thiệp của Nhà nước.

"Nói một cách khác, về cơ bản, hội chia sẻ trách nhiệm của chính Nhà nước trong nghĩa vụ bảo đảm xã hội cho người dân. Khái niệm hội theo nghĩa rộng bao hàm cả hội có mục đích kinh tế, ví dụ các hội doanh nghiệp và các hội phi kinh tế và tổ chức phi lợi nhuận, ví dụ quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ, bởi đơn giản hai phạm trù này luôn luôn là các mảng khác nhau của đời sống xã hội. Vậy, nếu không ủng hộ việc lập hội, phải chăng chúng ta không thừa nhận sự tồn tại của đời sống tự nhiên và bình thường ?". Luật sư Nguyễn Tiến Lập đặt câu hỏi.

Nhà báo Cao Minh Tâm kể rằng nên chấm dứt việc Nhà nước hóa, Đảng hóa những tổ chức nghề nghiệp như Hội Nhà báo : "Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam là một ủy viên trung ương Đảng. Đương nhiên là ông sẽ ưu tiên, ưu ái bảo vệ quyền lợi của những nhà báo, phóng viên là đảng viên. Những nhà báo ngoài đảng, nhà báo tự do không thuộc biên chế của tờ báo nào thì ai sẽ là người bảo vệ họ với tư cách là đại diện của một hội, đoàn dân sự ?".

Nhà báo này nói thêm là cần xem lại việc cấp thẻ nhà báo hiện nay cũng độc quyền từ Bộ Thông tin, Truyền thông, thay vì các giấy tờ xác nhận tư cách nhà báo đó phải được công nhận từ chính tòa soạn nơi họ đang làm việc, và chính uy tín của tờ báo sẽ 'cầu chứng' cho tấm thẻ mà phóng viên đó được cấp.

CPTPP đưa ra yêu cầu Việt Nam phải thực thi quyền tự do lập hội của người lao động, trong đó có quyền tự do công đoàn theo quy định tại Công ước số 87 (năm 1948) của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO, International Labour Organization). "Tôi nghĩ thay vì cứ loay hoay trong phạm vi hẹp của những điều chỉnh về Luật Công đoàn, cần mạnh dạn ban hành hẳn về quyền tự do lập hội ; trong đó điều chỉnh luôn hành vi gọi là công đoàn độc lập". Luật sư Trần Thành kiến nghị.

Quyền lập những hội nghề nghiệp của người làm báo

Bàn luận trong lãnh vực hội nghề nghiệp cho những người làm báo, theo luật sư Trần Thành thì những người làm việc, cộng tác trong một cơ quan báo chí cũng là người lao động. Để đại diện, bảo vệ một cách hiệu quả quyền và lợi ích của người lao động trong nghề báo, CPTPP đã quy định các nội dung nhằm bảo vệ tổ chức của người lao động để không bị người sử dụng lao động can thiệp, ở đây là các cơ quan chủ quản Nhà nước thông qua việc bổ nhiệm tổng biên tập, và phân biệt đối xử như dạng nhà báo đảng viên – không đảng viên, nhằm vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu khả năng đại diện, bảo vệ cho quyền lợi của người lao động trong nghề báo.

Điều 25, Hiến pháp năm 2013 ghi nhận quyền lập hội của công dân. Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (tiếng Anh : International Covenant on Civil and Political Rights, viết tắt : ICCPR) mà Việt Nam gia nhập vào ngày 24/09/1982, ở Điều 22 Công ước ghi : "Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình" (khoản 1). Quyền tự do lập hội được quy định tại Điều 22 này bao gồm : Quyền thành lập ra các hội mới ; quyền gia nhập các hội đã có sẵn và quyền hoạt động, điều hành các hội, kể cả việc tìm kiếm, huy động các nguồn kinh phí.

"Như vậy, chúng tôi nghĩ rằng lúc này đã có thể bắt đầu xúc tiến soạn thảo những văn bản yêu cầu Chủ tịch Nước, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương, ông Nguyễn Phú Trọng thực hiện các nội dung cam kết mà ông đã trình bày trước Quốc hội trong phiên thủ tục trình Quốc hội phê chuẩn ký kết CPTPP. Quyền tự do lập hội nằm trong yêu cầu Nhà nước Việt Nam phải thực hiện.

Trên nền tảng nguyên tắc pháp lý như nêu ở trên, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam hãy đi những bước đầu tiên trong xác lập là một tổ chức xã hội dân sự được Nhà nước Việt Nam công nhận theo tiến trình của CPTPP". Luật sư Trần Thành cùng nhà báo Cao Minh Tâm đề xuất.

Minh bạch là nguyên lý tạo an toàn

Luật sư Nguyễn Tiến Lập lưu ý một tình tiết mà Nhà nước Việt Nam hay lo sợ về ‘thế lực thù địch’ lợi dụng việc tự do thành lập hội, đoàn, thì hướng giải quyết nằm ở sự minh bạch.

"Ở một số nước, người ta coi việc lập hội là quyền tự do cơ bản, tương tự quyền tự do kinh doanh nên không dùng kiểm soát nhà nước để hạn chế. Tuy nhiên, nếu hội hay bất cứ tổ chức nào không tồn tại bằng nguồn tài chính của thành viên, mà từ tài trợ của người khác thì bắt buộc phải tuân thủ luật về tổ chức phi lợi nhuận một cách rất nghiêm ngặt, nhằm chống lại mọi sự lạm dụng.

Chẳng hạn, đó là nghĩa vụ phải báo cáo công khai và kiểm toán bắt buộc, hay trách nhiệm phải chuyển giao tài sản của pháp nhân cho một hội, hay tổ chức phi lợi nhuận khác có cùng mục tiêu, khi chấm dứt hoạt động. Nói cách giản đơn, anh có quyền tự do làm những gì anh muốn, nhưng không được xâm phạm quyền tự do của người khác, bao gồm cả sự lạm dụng lòng tốt của họ khi giúp đỡ, tài trợ cho anh. Chỉ cần áp dụng một nguyên lý đơn giản như vậy cho mục đích bảo đảm sự an toàn và an ninh xã hội". Luật sư Nguyễn Tiến Lập biện giải.

Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn : VNTB, 17/01/2019

Published in Diễn đàn