Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/11/2020

Tại sao chế độ cộng sản cứ sợ người dân có quyền lập hội ?

Hà Nguyên - Hoài Nguyễn

"Quyền về lập hội" không nên tiếp tục là một "quyền treo"

Hà Nguyên, VNTB, 21/11/2020

Kiến nghị, đề xuất Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật về hội theo ý kiến của Bộ Chính Trị và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2021.

quyen1

Dự thảo Đề án đánh giá về tổ chức và hoạt động của hội, các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động của các hội sau cấp phép do Bộ Nội vụ xây dựng hồi đầu năm nay đang được các nhà khoa học trong các hội ngành toàn quốc quan tâm, và kiến nghị cần giải quyết căn cơ qua việc dứt khoát hoàn thiện Dự thảo Luật về quyền lập hội.

Ông Đặng Đình Luyến – cựu Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa 13, có ý kiến cụ thể như sau (trích lược) :

Một số nghị quyết, văn kiện của Đảng có liên quan đến tổ chức, hoạt động của các hội được ban hành từ lâu, nhưng chưa được các cơ quan chức năng của Nhà nước thể chế hóa kịp thời, đầy đủ thành văn bản pháp luật để thực hiện, như Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính Trị về hội quần chúng ; Nghị quyết số 39 – NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính Trị về tinh giản biên chế… Nghị quyết số 18 – NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, v v…

Đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm thể chế hóa, ban hành văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý cho các hội kiện toàn tổ chức, bộ máy và hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Việc xây dựng, ban hành Luật về hội quá chậm, từ những năm 2004, 2005 Chính phủ đã tổ chức soạn thảo và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, do còn một số vấn đề ý kiến còn khác nhau nên Quốc hội giao cho Chính phủ tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội và đến năm 2016 Chính phủ đã trình lại Quốc hội cho ý kiến một lần nữa, nhưng có một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau nên Quốc hội đã giao lại cho Chính phủ tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua, nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa trình lại Quốc hội.

Đề nghị Bộ Nội vụ và các bộ ngành có liên qua khẩn trương nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện Dự thảo Luật về hội để sớm báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua để làm cơ sở pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của các hội.

Trong nhóm giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động của các hội, đề nghị cần phân công, phân cấp cụ thể cho các bộ ngành, các cấp chính quyền quản lý nhà nước đối với hoạt động của các hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ ngành và phạm vi lãnh thổ quản lý của chính quyền địa phương.

Theo đó hoạt động của các hội liên quan đến lĩnh vực quản lý của bộ ngành nào thì giao cho bộ ngành đó chủ trì quản lý hoạt động của các hội đó ; còn ở địa phương thì các hội hoạt động ở phạm vi địa phương nào thì Ủy ban nhân dân của địa phương đó thực hiện quản lý nhà nước và các sở, phòng, ban trực tiếp giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước đối với hoạt động của các hội thuộc lĩnh vực mình phụ trách ; định kỳ hằng năm báo cáo với cơ quan nhà nước cấp trên trực tiếp về tình hình hoạt động của các hội.

Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hội trong phạm vi cả nước, giúp Chính phủ chủ trì quản lý nhà nước về tổ chức, thành lập các hội ; phối hợp với các bộ ngành quản lý nhà nước về hoạt động của các hội và làm báo cáo tổng hợp về công tác quản lý nhà nước đối với hội để báo cáo Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khác.

Kiến nghị, đề xuất Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật về hội theo ý kiến của Bộ Chính Trị và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2021.

Không nên sửa đổi Nghị định 45/2010/NĐ-CP nữa vì không phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quyền lập hội của công dân phải được thể hiện trong Luật, thì mới phù hợp với khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp 2013.

Trích Hiến pháp 2013

"Chương II. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân

Điều 14.

1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".

Hà Nguyên

Nguồn : VNTB, 21/11/2020

**********************

Hội đoàn xã hội dân sự có được quyền nhận hỗ trợ tài chính từ các quỹ hợp pháp ở nước ngoài ?

Hoài Nguyễn, VNTB, 21/11/2020

Sử dụng viện trợ nước ngoài để phục vụ mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế, xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc… là những hành vi bị cấm theo Nghị định số 80/2020/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành.

hoi2

Vậy thì nếu nhận hỗ trợ tài chính không nhằm đến các điều cấm ở trên, liệu có bị làm khó dễ – đặc biệt là với những hội đoàn xã hội dân sự thành lập tự phát, không thực hiện theo quy định của bộ thủ tục hành chính liên quan ?

Cụ thể, tại Nghị định số 80/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho các cơ quan, tổ chức được thành lập hợp pháp tại Việt Nam nhằm mục đích phát triển kinh tế – xã hội, hỗ trợ nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận, thương mại.

Nghị định này cấm các hành vi sử dụng viện trợ để phục vụ mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế, xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc ; xâm hại đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, cấm các hành vi sử dụng viện trợ để tìm kiếm lợi nhuận phân chia, tư lợi cá nhân, không vì mục đích nhân đạo, phát triển kinh tế xã hội, không vì lợi ích cộng đồng.

Vấn đề đặt ra ở trên là liên quan đến nội dung của dự án luật Về Hội, hiện vẫn đang được bàn thảo và chưa rõ thời gian cụ thể trình Quốc hội phê chuẩn.

Có nhiều ý kiến tranh luận về quy định "Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài ; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định". Có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Loại thứ nhất tán thành quy định trên, nhằm phòng ngừa việc lợi dụng liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài để hoạt động trái pháp luật, chống phá nhà nước và chế độ. Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội dẫn nguồn Bộ Nội vụ cho biết hiện cả nước có khoảng trên 63.000 hội có đăng ký và đang hoạt động, thì số lượng hội có liên kết, gia nhập, nhận tài trợ nước ngoài không nhiều. Do đó, các trường hợp đặc biệt này do Chính phủ quy định cụ thể là hợp lý.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng quy định này là không phù hợp với chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, khép lại kênh quan hệ quốc tế rất quan trọng của ngoại giao nhân dân, mất đi cơ hội huy động và tiếp nhận một nguồn kinh phí đáng kể. Việc quy định các trường hợp đặc biệt có thể dẫn tới sự bất bình đẳng giữa các hội và tạo nên cơ chế xin – cho, phức tạp thêm thủ tục hành chính.

Ở đây cần lưu ý rằng yêu cầu chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng, nhưng quy định hạn chế như dự luật, sẽ làm mất cơ hội để tiếp cận nguồn lực to lớn của quốc tế viện trợ cho các đối tượng yếu thế – đặc biệt là với các bệnh nhân, nạn nhân, hỗ trợ cho các nhà khoa học, cho các cơ sở nghiên cứu, cho các bệnh viện… "Nhất là những hoạt động tài trợ liên quan đến thuốc men hoặc những cứu trợ tức khắc sẽ rất khó thực hiện, vì còn đi xin cơ chế đặc biệt. Quy định như vậy cản trở sự hội nhập, điều đó không thực sự phù hợp với quan điểm của Đảng", nhiều ý kiến phản biện.

Bày tỏ nhất trí với quan điểm giải trình về việc phòng ngừa việc liên kết gia nhập nhận tài trợ để hoạt động trái pháp luật chống phá nhà nước và chế độ, phía Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho rằng không nên phủ nhận trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay việc các hội liên kết gia nhập các tổ chức quốc tế là xu hướng tự nhiên và tất yếu, mang lại nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi và nguồn hỗ trợ hoạt động hiệu quả.

"Nước ngoài" thực ra không phải ai xa lạ. Chỉ riêng tổ chức Liên Hợp Quốc mà Việt Nam là quốc gia thành viên cũng đã có rất nhiều loại quỹ khác nhau cho các hội đoàn, được phân phối thông qua Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Quỹ Dân chủ Liên Hợp Quốc (UNDF), và nhiều chương trình khác.

"Nước ngoài" còn là Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), vốn cũng có chương trình tài trợ cho các tổ chức hội đoàn ở Việt Nam.

"Thậm chí tôi cho rằng với các hội đoàn xã hội dân sự tuy tự phát thành lập do chưa có luật Về Hội, và những hội đoàn này có thể là không thực hiện trình tự thủ tục hành chính về lập hội, song họ vẫn có thể nhận được các khoản hỗ trợ nhân đạo, miễn là những tổ chức này minh bạch, không nằm trong danh sách tài trợ khủng bố, rửa tiền…" – luật sư T.T., khẳng định từ biện luận : "Nước ngoài" còn là các tổ chức được thành lập bởi người Việt Nam định cư ở nước ngoài, những người được Hiến pháp 2013 ghi nhận là "bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam".

Sự hiện diện của tiền nước ngoài cũng rất gần gũi với người Việt Nam. Đó là những cái giếng, thùng trữ nước, các nhà vệ sinh, phòng thí nghiệm, trường học, các đoàn cứu trợ khẩn cấp, các y bác sĩ chữa bệnh miễn phí, các sự kiện của giới LGBT, các báo cáo nghiên cứu – điều tra xã hội học về bình đẳng giới, hay ngay cả một số nghiên cứu về… quyền lập hội.

Hoài Nguyên

Nguồn : VNTB, 20/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hà Nguyên, Hoài Nguyễn
Read 463 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)