Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/04/2019

Quy hoạch báo chí đến 2025 : Giảm số lượng, vẫn kiểm soát chặt

Trung Khang

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 2 tháng 4 ký quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, trong đó đáng chú ý việc quy hoạch sẽ theo chiều hướng giảm số lượng. Đây có phải là tín hiệu giảm kiểm soát báo chí ?

baochi1

Ảnh minh họa : Một sạp bán báo tại Việt Nam. RFA

Trong quy hoạch báo chí đến năm 2025, chính phủ Việt Nam như thường lệ, vẫn khẳng định báo chí là công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của đảng và nhà nước.

Tuy nhiên, điểm mới trong quy hoạch lần này là các cơ quan báo chí được sắp xếp theo hướng số lượng giảm. Đặc biệt đáng chú ý là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến hết năm 2020, mỗi nơi chỉ có tối đa 5 cơ quan báo in, không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo… Những nơi khác, mỗi tỉnh, thành có một báo in thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, một tạp chí in thuộc hội văn học - nghệ thuật tỉnh. Đến hết năm 2020, các tỉnh, thành phải làm xong việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

Cũng theo quy hoạch, Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam sẽ trở thành nòng cốt để hợp nhất tạp chí các ban đảng Trung ương, xây dựng một cơ quan báo chí tập trung.

Văn phòng Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước mỗi cơ quan có một báo in và một tạp chí in. Bộ, cơ quan ngang bộ có một báo in và một tạp chí in.

Các Tổ chức chính trị - xã hội trung ương có một báo in và một tạp chí in. Các Hội ngành thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, mỗi cơ quan có một báo in.

Trong quy hoạch cũng nêu rõ còn rất nhiều cơ quan ban ngành được phép có báo in…

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 3/4/2019, Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định :

"Việc quy hoạch lại báo chí thì tôi theo dõi niều năm nay, họ cũng đã nói nhiều lần rồi chứ không phải gần đây mới nói. Nói một việc, nhưng làm lại là việc khác, mặc dù thực tế họ cũng làm được một số việc, chẳng hạn như tờ tôi từng làm phóng viên là tờ Thương Mại, khi Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp sát nhập làm một thì ra đời tờ Công Thương. Thì việc thu hẹp cũng đã từng xảy ra là sát nhập để giảm số lượng. Tuy nhiên việc thu hẹp thì ít còn đẻ thêm ra thì rất là nhiều trong mấy thập niên qua. Nên tôi nghĩ khắc phục cái đó cũng rất là khó. Thu gọn báo chí cho đúng nghĩa thì tôi nghĩ là cả một hành trình rất là lâu, tại vì họ cũng không quyết tâm".

Đồng quan điểm, Nhà báo Phạm Thành cũng cho rằng thực tâm thì nhà cầm quyền cộng sản cũng không muốn giảm số lượng các cơ quan báo chí :

"Thật ra họ giảm họ cũng đau lòng lắm, nhà cầm quyền cộng sản không phải họ có 800 tờ báo đâu, họ có hàng ngàn tờ rồi, nhưng họ muốn nữa. Chủ yếu họ muốn dùng cái loa dối trá của họ nhét vào bất kỳ trong tai một người dân nào, đấy là cái tư tưởng của họ, nhưng họ buộc phải giảm vì nuôi báo chí tốn kém lắm, tôi tin sắp tới đây hội đoàn còn giảm nữa. Hoặc là giảm, hoặc là tự động nuôi nhau, cái chính là họ hết tiền, chứ thực tâm họ không muốn giảm đâu, đó là bản chất của vấn đề".

baochi2

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 2 tháng 4 ký quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, trong đó đáng chú ý việc quy hoạch sẽ theo chiều hướng giảm số lượng. Screen capture from video

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng 838 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình với đội ngũ nhà báo lên tới khoảng 40.000 người. Tất cả các cơ quan báo chí này đều phải chịu sự kiểm soát thông tin của nhà nước mà cụ thể là theo đường hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Không chỉ bị kiểm soát trực tiếp từ Ban Tuyên giáo Trung ương đến Ban Tuyên giáo địa phương và các Sở Thông tin - Truyền thông ở các tỉnh thành. Các tờ báo còn bị kiểm duyệt thông qua việc bố trí nhân sự trong các cơ quan báo chí như bí thư chi bộ, đảng bộ của các nơi này.

Theo Nhà báo Ngô Nhật Đăng, thật ra thì nhà cầm quyền cộng sản muốn có càng nhiều cơ quan báo chí càng tốt, để tạo ra cái không khí nhìn có vẻ là đa chiều, tuy nhiên do ngân sách hạn hẹp nên mới phải giảm số lượng :

"Tất nhiên nhà nước muốn càng nhiều cơ quan báo chí càng tốt, để tạo ra cái không khí nhìn có vẻ là đa chiều. Như chúng ta ta thấy thì có hơn 700, 800 tờ báo nhưng cũng chỉ có một tổng biên tập, nếu tính về mặt kinh tế thì chúng ta thấy có những cái tờ như tờ Tuổi Trẻ ngày xưa, mỗi ngày phát hành cả triệu bản thì nay xuống dưới 1 trăm ngàn, tức là việc ngân sách để nuôi một hệ thống quá đồ sộ như thế cũng rất là khó khăn. Cho nên việc họ nói sẽ giảm số lượng các tờ báo xuống như thế là có thể đáng tin".

Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 nêu rõ, báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí…

Theo Nhà báo Võ Văn Tạo, báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, không có báo chí tư nhân, định hướng dư luận xã hội… thì không có gì mới, lâu nay vẫn là những cái cơ bản mà nhà nước Việt Nam áp dụng với báo chí. Nhưng vô tư mà nói thì so với cách đây khoảng 3 hay 4 thập kỷ, thì việc kiểm soát báo chí có phần nới nới một chút. Thay vì kiểm tra các nội dung trước khi đăng, thì bây giờ họ giao cho Tổng biên tập các tòa báo, tự chịu trách nhiệm. Điều này cũng làm cho nhà báo, cho tòa soạn dể thở một tí.

Nhà báo Ngô Nhật Đăng cũng cho rằng điều này không có gì mới :

"Ngay từ pháp lệnh báo chí đầu tiên năm 1947, khi mà luật báo chí ông Hồ Chí Minh ký có nói rõ ràng báo chí là phục vụ cho cách mạng, sau này thì tuyên giáo nói rõ là phục vụ cho trách nhiệm chính trị. Chúng ta cũng biết là không định hướng được thông tin là không thể được rồi, không bao giờ họ buông rơi tiêu chí đó. Như thế việc cấm không cho báo chí tư nhân, tất cả các báo phục vụ định hướng dư luận, giảm số lượng các tờ báo, thì theo tôi nghĩ là để kiểm soát dễ hơn, việc định hướng dư luận dễ dàng hơn…".

Theo Nhà báo Phạm Thành, báo chí Việt Nam hiện nay nhìn trên tổng thể thì phần lớn họ vẫn được nhà nước bao cấp, chẳng hạn như những báo lớn hiện nay như thông tấn xã, tạp chí cộng sản, đài phát thanh thì cũng bao cấp, còn những tờ thuộc chủ quản khác thì cũng bao cấp. Ông nói tiếp :

"Nhưng tin tức của họ không thuyết phục, nó vừa chậm, vừa bị định hướng… Cho nên đối với bạn đọc nó không còn là món ăn tinh thần để họ trông chờ họ đọc, người ta đón nhận tin tức, người ta nghe bình luận nữa... Cho nên báo chí mà nguồn lực không đủ nuôi thì người ta phải bỏ đi, người không nuôi được nữa. Đấy là hiện thực của báo chí Việt Nam hiện nay".

Mặc dù số lượng báo chí nhiều, nhưng hiện nay dân trí cao hơn, trình độ nhận thức của người dân cũng cao hơn, vì vậy theo nhà báo Ngô Nhật Đăng khó mà nhốt một xã hội rộng lớn trong một ngục tù tập thể. Chúng ta cũng thấy, nhiều bài báo bị ban tuyên giáo yêu cầu gỡ khi đã lỡ lọt qua vòng kiểm soát. Tức là nhiều quá cũng không kiểm soát được, vì báo chí họ cũng cần phải sinh sống, cần có nhiều bạn đọc, phải có những tin khác.

Vì thế theo Nhà báo Ngô Nhật Đăng, nhà cầm quyền cộng sản muốn thu gọn lại để kiểm soát dễ hơn. Nhưng theo ông, đó cũng là mâu thuẫn, khi đã kiểm soát toàn bộ thông tin trên xã hội mà còn không định hướng được, mà giờ thu gọn lại thì mục tiêu kiểm soát cũng khó đạt được.

Trung Khang

Nguồn : RFA, 03/04/2019

Quay lại trang chủ
Read 451 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)