Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/04/2019

Có phải ‘an ninh mạng’ đã bỏ lỡ những ‘hiện tượng xấu’ trên mạng ?

Trung Khang

Công an Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10 tháng 4 năm 2019 vừa bắt giữ Trần Ngọc Phúc tức Phúc XO, người nổi tiếng với việc đeo 13kg vàng, sở hữu những chiếc xe hơi và mô tô mạ vàng. Không chỉ có 1 kênh Youtube, Phúc XO còn kéo theo mình hàng chục youtuber quay phim, phỏng vấn, trò chuyện… Phúc XO sẵn sàng kể về vàng, xe, về con ngựa mạ vàng đặt trước cửa quán Karaoke XO Pharaon của anh. Lý do bắt giữ Phúc XO, theo cơ quan chức năng để làm rõ hành vi tổ chức sử dụng ma túy tại tụ điểm kinh doanh của ông.

anninh0

Trần Ngọc Phúc tức Phúc XO, người nổi tiếng với việc đeo 13kg vàng, sở hữu những chiếc xe hơi và mô tô mạ vàng. Photo courtesy of Phúc XO

Trước đó, hôm 3 tháng 4 năm 2019, ‘Khá Bảnh’ với tên thật là Ngô Bá Khá, ở Bắc Ninh, là nhân vật "nổi tiếng" trên mạng xã hội những video phát ngôn và hành động tiêu cực như đập phá và đốt xe máy, v.v… chủ kênh Youtube có 2 triệu người đăng ký theo dõi đã bị Công an Quảng Ninh bắt, khởi tố với tội danh tổ chức đánh bạc và đánh bạc trái phép.

Ngoài vụ việc ‘Khá Bảnh’ và Phúc XO ; nhiều cư dân mạng cũng chú ý đến trường hợp nhân vật Dương Minh Tuyền, mệnh danh ‘thánh chửi’. Nhân vật này cũng có kênh YouTube với hàng ngàn người hâm mộ theo dõi.

Vì sao những hình ảnh như vậy lại được hàng triệu bạn trẻ theo dõi và hâm mộ. Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 10 tháng 4 năm 2019, Nhà nghiên cứu xã hội học, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương nhận định :

"Tôi nghĩ cách giới trẻ họ hâm mộ những người như thế là theo phong trào thôi, chứ nhiều khi họ cũng không suy nghĩ kỹ thế nào là tốt hay xấu đâu, mà cứ vui là được, đó là hiệu ứng đám đông. Có khi hôm nay hòa vào đám đông vui thế, nhưng đến mai thì lại người ta cũng quên luôn người ấy là người nào ? Ngoài ra cũng có thể người ta cũng biết những người đó là tốt theo đúng cái nghĩa mà xã hội chính thống tuyên truyền. Nhưng người ta vẫn thích bởi vì một góc độ nào đấy thì những người đấy lại tỏ ra rất hảo hớn, theo cái nghĩa anh hùng hảo hớn ngày xưa cứ thấy ‘cứu được người này, đe được người kia’…".

Theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, đây cũng một phần là lỗi của xã hội khi mà lực lượng chức năng, lực lượng chính thống mà không thể nào lo hết mọi khía cạnh trong đời sống. Xã hội còn nhiều bất công :

"Vẫn còn những người yếu bị bắt nạt, vẫn còn những kẻ mạnh có thể đàn áp, dùng bạo lực để đàn áp người yếu thế chẳng hạn, trong khi đó thì xã hội lại không bênh vực, hoặc cơ quan chức năng thì không bảo vệ. Những trường hợp như vừa nói thì người ta thấy những thế lực này có thể giải quyết cái nhu cầu bức xúc của người ta, thì người ta tung hô".

Một sinh viên trường Đại học Tây Bắc không muốn nêu tên thì cho rằng, có lẽ những bạn trẻ này muốn nổi, muốn thể hiện tâm lý bản thân, nên đua đòi làm theo :

"Cái này thì cũng đương nhiên thôi anh, cái gì nổi thì người ta chia sẻ, hâm mộ như vậy… Nhưng riêng bản thân em thì em cũng không thích mấy cái như vậy, em cũng chưa bao giờ hâm mộ những trường hợp như Khá Bảnh, đó là những trò tiêu cực của xã hội mà họ cứ đăng lên mà giới trẻ lại thích. Em không hiểu sao họ lại thích ?"

Theo bạn sinh viên này, chỉ một phần giới trẻ mới ủng hộ việc này chứ không phải đa số, chẳng hạn như bạn bè cùng trang lứa với Anh thì không như vậy.

Sau khi hiện tượng của những Khá "bảnh" Dương Minh Tuyền, Phúc XO nổi đình đám trên mạng xã hội và gần đây gây ra nhiều phản ứng trái chiều, các trang mạng xã hội của những nhân vật này lập tức bị gỡ bỏ.

anninh2

Ngô Bá Khá tức ‘Khá Bảnh’ (ngồi) khi chưa bị bắt. Courtesy photo.

Cụ thể, sau khi kênh YouTube 2 triệu lượt đăng ký của Khá Bảnh bị YouTube xóa, thì đến ngày 3/4 fanpage Facebook với nửa triệu lượt theo dõi của nhân vật này cũng bị tạm khóa.

Ngay khi vừa bị bắt, Facebook chính thức của Phúc XO đã không còn hoạt động. Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên RFA, cho đến sáng ngày 11 tháng 4 năm 2019, kênh YouTube ‘Phúc XO’ vẫn còn tồn tại.

Nhưng điều đáng chú ý là các trang mạng xã hội của các nhân vật này dù bị báo chí nói là có nhiều hình ảnh, lời lẽ phản cảm, có tác động xấu lên xã hội nhưng vẫn được hoạt động trong một thời gian dài. Trong khi đó những kênh youtube, trang facebook của các nhà hoạt động xã hội và nhân quyền thường xuyên bị báo cáo, bị treo như trường hợp của blogger Nguyễn Thiện Nhân, trang Facebook của nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy ở Hà Nội cũng bị gỡ bài.v.v…

Nhận định về vấn đề này, từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS tự giải thể, đưa ra nhận định :

"Họ chỉ tập trung vào một cái chuyện mà họ cho rằng nó ảnh hưởng đến sự tồn vong của họ, ảnh hưởng đến cái ghế của họ, cái mà họ gọi là an ninh quốc gia. Họ tìm cách đàn áp một cách khốc liệt nhất đối với những người mà họ cho là như thế. Trong khi những chuyện khác, những sự đồi bại của xã hội, những ảnh hưởng kỳ lạ bất thường, thì đối với họ không phải là mối quan tâm hàng đầu. Tất nhiên là đến một lúc nào đấy, xã hội phản ứng một cách khá là mạnh mẽ thì lúc đó họ để ý đến một chút, thế thôi. Nhưng cái trọng tâm của họ là việc bảo vệ sự tồn vong của đảng, của chế độ này, không chỉ là vấn đề an ninh mạng, mà trong tất cả mọi hoạt động".

Theo Báo Tuổi Trẻ Online đăng ngày 25/12/2017, Đội ngũ an ninh mạng 'hùng hậu' của Việt Nam mang tên Lực lượng 47 với hơn 10.000 người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, "vừa hồng vừa chuyên", kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao…

Theo Báo Quân đội Nhân dân, tính đến hết tháng 6 năm 2018, theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam, Google đã gỡ bỏ 6.700 video clip ra khỏi Youtube, trong đó có gần 300 video clip theo cơ quan chức năng Việt Nam là có nội dung phản động, kích động chống phá Đảng, Nhà nước và 6 kênh Youtube đã bị chặn hoàn toàn... Ngoài ra Facebook cũng đã gỡ bỏ gần 1.000 đường link, khóa hàng trăm tài khoản bị cho là có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, nói xấu, bôi nhọ, tuyên truyền chống phá đảng, nhà nước.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết thêm :

"Bởi vì đầu óc của họ đã sơ cứng ở một cái thời cách đây 50 năm, 70 năm, và đến bây giờ họ vẫn tư duy như thế. Họ không lưu ý gì đến cái chuyện sự phát triển của công nghệ, sự phát triển của xã hội và những tâm lý của trẻ em bây giờ nó như thế nào, và họ để những cái chuyện như vậy nó xảy ra. Tôi nghĩ chắc không phải là một chiến dịch bắt bớ như vậy, mà họ thấy những người như thế, như ‘Khá Bảnh’ chẳng hạn, mà có hàng triệu trẻ em theo là nguy hiểm đối với họ thì họ phải dẹp thôi, thu hút được số đông người quan tâm thì họ phải dẹp thôi".

Theo báo cáo của Digital Marketing trích số liệu từ We are social. Năm 2018 Việt Nam có hơn 96 triệu dân, thì có đến 64 triệu dân sử dụng internet và 55 triệu người dùng mạng xã hội.

Trung Khang

Nguồn : RFA, 11/04/2019

Quay lại trang chủ
Read 638 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)