Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/04/2019

EVFTA : Nhượng bộ thứ ba của Việt Nam trước EU

Thường Sơn

"Dự án Luật Về hội đã được Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị" – được thông báo bởi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 10/4/2019 - là nhượng bộ thứ ba của chính thể độc đảng Việt Nam trước EU (Liên Hiệp Châu Âu) liên quan đến số phận còn đang chuông treo mành chỉ của EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Châu Âu - Việt Nam).

evfta1

Xã hội dân sự phản đối công an tra tấn ở Việt Nam.

Nhượng bộ thứ hai xảy ra khi lần đầu tiên giới chóp bu Việt Nam chịu xuống thang trước yêu cầu của EU về việc ký kết 3 công ước quốc tế còn lại về lao động, liên quan đến Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Dấu hiệu nhượng bộ trên xuất hiện trong chuyến đi Châu Âu vào cuối tháng 3 năm 2019 của Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch quốc hội Việt Nam, được phát lại bởi Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau cuộc gặp Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Liên Hiệp Châu Âu (EU) là Bernd Lange - một cơ quan tham mưu rất quan trọng về các hiệp định thương mại quốc tế và có vai trò quan trong không kém Hội đồng Châu Âu, bà Ngân cho biết : "Nhận thức về một số vấn đề về lao động giữa hai bên có thể còn có những khác biệt nhất định, nhưng Quốc hội Việt Nam sẽ nghiêm túc, xem xét kỹ lưỡng các quy định có liên quan đến 3 Công ước của Tổ chức ILO theo khuyến nghị của EU, EP. Hiện nay, việc sửa đổi Bộ luật Lao động cũng đã được khởi động và theo lịch trình, tại kỳ họp tháng 5 tới, Quốc hội Việt Nam sẽ cho ý kiến về việc sửa đổi này".

Rất có thể là vào kỳ họp tháng 5 năm 2019, Quốc hội Việt Nam sẽ đưa vấn đề 3 công ước quốc tế này để bỏ phiếu thông qua.

Còn dấu hiệu nhượng bộ đầu tiên là Luật Biểu tình.

Vào tháng 3 năm 2019, chính phủ của thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa lấp ló : "Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Công an đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu lý luận, cơ sở pháp lý và tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị, địa phương để nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Biểu tình bảo đảm thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tránh các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây rối mất trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước ta".

Tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 10/4/2019, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long một lần nữa ‘đọc vẹt’ những ý tứ che đậy trên.

Luật về Hội đã được rút ra khỏi chương trình các năm trước đây (từ 2016 - 2018) sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP và do vậy Việt Nam không còn là ‘quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong TPP’.

Nhưng việc Luật về Hội đã được Ban cán sự chính phủ làm tờ trình xin ý kiến Bộ Chính trị cho thấy nhiều khả năng dự luật này sẽ được ‘đảng quyết định tất cả’ để sau đó đưa ra kỳ họp tháng 5 năm 2019 cho các đại biểu quốc hội đồng loạt ‘gật’.

Còn Luật Biểu tình có lẽ còn lâu mới có được cái may mắn như Luật về Hội, khi chưa được Ban Cán sự chính phủ có ý kiến và cũng chưa trình ra Bộ Chính trị, mà còn đang giao cho Bộ Công an ‘xử’.

Về thực chất, đằng sau động thái chính phủ giao Bộ Công an nghiên cứu xây dựng Luật Biểu tình chỉ là sự tiếp nối của một chuỗi động tác đối phó và ma mị nhằm đạt được mục tiêu ký kết và phê chuẩn EVFTA ngay trong năm 2019. Mà chưa có gì được xem là ‘thành tâm’.

Bộ Công an - còn được biệt danh là ‘bộ đàn áp nhân quyền’, đã quá tai tiếng về đàn áp biểu tình và vô số vấn nạn tra tấn người dân. Việc giao cho bộ này làm Luật Biểu tình, trong khi đúng ra phải giao cho Bộ Nội vụ hay Bộ Tư pháp, là quá bất hợp lý, chẳng khác nào ‘giao trứng cho ác’ và tiếp thêm một mồi lửa thách thức EU và các chính phủ tiến bộ trên thế giới.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 13/04/2019

Quay lại trang chủ
Read 671 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)