Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/04/2019

18 chính quyền có cùng kiên định con đường xã hội chủ nghĩa ?

Thảo Vy

Sách sử ghi, cục diện loạn sứ quân thực sự diễn ra với sự cướp quyền của Lã Xử Bình sau cái chết của Ngô Xương Văn năm 965. Năm 967, với hai, ba chiến thắng quan trọng trước quân đội của nhà Ngô, tiêu diệt phe tiếm quyền của Lã Xử Bình và buộc các sứ quân còn lại phải quy thuận, Đinh Bộ Lĩnh đã chấm dứt sự tại vị của nhà Ngô và mở ra một triều đại mới – triều đại nhà Đinh.

suquan2

Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệtc: Không nên lập đặc khu trên biển?

Liệu lịch sử Việt Nam hiện đại lại tái diễn ‘loạn 12 sứ quân’, một khi "Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt" sẽ được ban hành trong tương lai ?

Đặc biệt là trong bối cảnh sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng đang có vấn đề.

Từ 3 ‘đơn vị’, giờ sẽ là 18 ?

"Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xây dựng phương án chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật theo hướng xây dựng một luật chung. Hiện nay, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật". Bộ trưởng Tư pháp, ông Lê Thành Long đã thông tin như vậy tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

suquan1

Ba đặc khu - ba đại hiểm họa

Trước đó, định hướng xây dựng dự luật này gắn liền với việc ấn định xây dựng 3 đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Các địa phương đó cũng đã hoàn thành đề án thành lập các đặc khu hành chính, kinh tế nơi đây để gửi, thẩm định song song với bản dự thảo luật. Tuy nhiên trước phản đối của nhiều chuyên gia và công chúng, dự luật được tạm dừng ngay trước thời điểm dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 5, tháng 6/2018 (1).

Bài viết này thử phân tích trong trường hợp "hoàn thiện dự án luật theo hướng xây dựng một luật chung" như lời của Bộ trưởng Lê Thành Long.

Theo bản dự thảo đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, thì, "Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (sau đây gọi là đặc khu) là đơn vị hành chính thuộc tỉnh, do Quốc hội quyết định thành lập, có cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, có tổ chức chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tinh gọn, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Điều 3.1, Giải thích từ ngữ).

Nếu không giới hạn ở 3 vị trí Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc như trước, thì có nghĩa sẽ ít nhất có tới 18 vị trí đã được quy hoạch là "khu kinh tế ven biển" có thể nằm trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật này.

Theo con số báo cáo của Bộ Công thương, hiện có khoảng 18 khu kinh tế ven biển, trong đó có 15 khu đã và đang được xây dựng, 3 khu khác chuẩn bị đi vào triển khai, chiếm hơn 730 ngàn ha mặt đất, mặt nước. Báo cáo của Bộ Công thương còn cho biết, dự báo đến năm 2020, tại các khu kinh tế ven biển sẽ có 15 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất là 16.629 MW theo phương án sản xuất điện cao ; 13 nhà máy hoạt động với tổng công suất 11.678 MW theo phương án sản xuất điện trung bình và 11 nhà máy với tổng công suất 9.767 MW theo phương án sản xuất điện thấp. Như vậy, mức độ phát thải khí nhà kính của các nhà máy nhiệt điện tại các khu kinh tế ven biển sẽ rất lớn, dự tính vào năm 2020 sẽ tăng gấp 5,76 lần đối với phương án sản xuất điện thấp ; 7,54 lần đối với phương án sản xuất điện trung bình và 11,09 lần đối với phương án sản xuất điện cao.

Các dự án nhà máy nhiệt điện này phần lớn là dùng nhiên liệu than, do Trung Quốc đầu tư.

Điều này cho thấy nếu như trước đây người dân chỉ lo lắng ở 3 nơi là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc thì sắp tới đây việc lo lắng tăng gấp nhiều lần, khi những khu kinh tế ven biển này sẽ thụ hưởng những đặc quyền mà những nhà soạn thảo dự luật đã đề ra.

18 chính quyền có cùng kiên định con đường xã hội chủ nghĩa ?

Có thể trả lời ngay là rất khó xảy ra việc ‘kiên định’ này, nếu như vì vấn đề sức khỏe buộc ông Nguyễn Phú Trọng phải rời chính trường.

suquan3

18 chính quyền có cùng kiên định con đường xã hội chủ nghĩa ?

Giả dụ chấp nhận điều luật "Chính quyền địa phương ở đặc khu có bộ máy quản lý hành chính tinh gọn ; có thẩm quyền phù hợp, hiệu lực, hiệu quả ; được áp dụng thủ tục hành chính thuận lợi, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân" [trích dự thảo, Điều 4 Chính sách của Nhà nước về phát triển đặc khu], có nghĩa là Việt Nam sẽ có thêm ít nhất 18 chính quyền khác nhau.

Ở một góc nhìn khác, nếu như sớm giải mật Hiệp ước Thành Đô để có thể khẳng định loại trừ được yếu tố Trung Quốc, thì về cơ bản cho thấy những nhà chấp bút soạn thảo dự luật đang hướng tới một thể chế chính trị không còn dáng dấp của "định hướng xã hội chủ nghĩa" nữa. Có thể nhận ra điều đó qua các nội dung như sau :

"Điều 5. Áp dụng các luật có liên quan và điều ước quốc tế : (…) 5. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (sau đây gọi là điều ước quốc tế) có quy định khác với quy định tại Luật này và luật khác có liên quan thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ trường hợp quy định tương ứng của Luật này và luật khác có liên quan thuận lợi hơn về ưu đãi đầu tư, điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động tại đặc khu. 6. Nguyên tắc áp dụng pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế quy định tại khoản 5 Điều này không được cản trở việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của Việt Nam theo các điều ước quốc tế".

"Điều 6. Áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc tập quán quốc tế đối với các hợp đồng dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động có yếu tố nước ngoài : 1. Đối với các hợp đồng dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động được ký kết giữa tổ chức, cá nhân có trụ sở chính hoặc nơi cư trú tại đặc khu, trong đó có ít nhất một bên tham gia là tổ chức, cá nhân nước ngoài, các bên được thỏa thuận trong hợp đồng việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc tập quán quốc tế.

Trường hợp đối tượng của hợp đồng là bất động sản tại Việt Nam hoặc hợp đồng lao động ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, hợp đồng tiêu dùng ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì áp dụng pháp luật Việt Nam.

2. Việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc tập quán quốc tế theo quy định tại khoản 1 Điều này không được gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật và không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam".

Như vậy, nếu thực sự tuân thủ các quy định trên sẽ khó thể tái diễn những phiên bản Trịnh Vĩnh Bình trong thời gian tới.

Trở lại một chút với câu chuyện lịch sử. Về nguyên nhân của loạn sứ quân, có một ý kiến rất thú vị của cố giáo sư Trần Quốc Vượng (2) : "Chính quyền quân chủ trung ương nhà Đường suy tàn rồi biến mất, tạo ra một "khoảng trống quyền lực" ở đất Việt một cái "hẫng hụt trung ương" mà nhiều hào trưởng địa phương có tham vọng điền vào chỗ trống ấy".

Khi mất chỗ dựa Bắc Kinh, nhiều khả năng Hà Nội không còn động lực để kiên định con đường chủ nghĩa xã hội, mà ngay chính ông Nguyễn Phú Trọng cũng phải hoài nghi qua phát biểu : "Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa" (3).

Không chỉ vậy, một kịch bản như dưới thời Liên Xô, đời tổng bí thư cuối cùng Mikhail Sergeyevich Gorbachyov (Михаи́л Серге́евич Горбачёв) rất có thể xảy ra với thể chế chính trị ở Việt Nam, khi một người ‘cuồng đảng’ như ông Nguyễn Phú Trọng vì để giữ gìn tính mạng, đành phải ‘cáo lão hồi hưu’.

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 18/04/2019

(1) http://bit.ly/2UZOEAv

(2) http://bit.ly/2DeyUiZ

(3) Tuổi Trẻ, 23/10/2013.

Quay lại trang chủ
Read 712 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)