Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/04/2019

EVFTA, Việt Nam ‘làm’ Bộ luật Lao động theo quy trình ngược !

Minh Quân

Vừa lộ ra một ‘bí mật’ trong cung cách sửa Bộ luật Lao động liên quan đến yêu cầu bắt buộc của EVFTA (Hiệp- định Thương mại tự do Châu Âu - Việt Nam).

eu1

Trong khi bà Nguyễn Thị Kim Ngân đi Châu Âu để hứa hẹn 'sẽ cải thiện nhân quyền' thì các bộ ngành Việt Nam đã hầu như không làm gì cả, dù chỉ là sửa Bộ Luật Lao động. 

Ngay sau khi kết thúc chuyến đi Pháp và Bỉ vào cuối tháng 3 năm 2019 để vận động cho EVFTA, Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch quốc hội Việt Nam - đã chủ trì một phiên họp quốc hội. Được báo Sài Gòn Giải Phóng tường thuật, bà Ngân đã "tỏ ra rất sốt ruột về việc chưa nhận được hồ sơ trình dự án sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động", trong khi chương trình xây dựng pháp luật năm 2019 đã có dự án này, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rõ :

"Chúng ta đã cam kết với Nghị viện Châu Âu về thời hạn xem xét sửa đổi Bộ luật Lao động. Đó chính là cơ sở quan trọng để Nghị viện Châu Âu xem xét thông qua Hiệp định EVFTA, vậy mà bây giờ các bước cần thiết vẫn chưa được tiến hành. Thay vì trình hồ sơ dự án thì cơ quan trình lại chỉ báo cáo, xin ý kiến của UBTVQH về một số vấn đề, như thế có phải là làm ngược quy trình hay không ?".

‘Bí mật’ đã lộ hẳn ra : suốt từ cuối năm 2018 - thời điểm tái khởi động quy trình ‘chuẩn bị ký kết và phê chuẩn EVFTA’ cho đến nay, các bộ ngành đã gần như không làm gì cả đối với việc sửa đổi nội dung của Bộ luật Lao động để đáp ứng đòi hỏi của Hiệp định EVFTA.

Nếu tính cả thời gian trước đó liên quan đến việc Việt Nam tham gia vào TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương), và CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, thay thế cho TPP mà không có vai trò của Mỹ), Bộ luật Lao động đã chỉ được các bộ ngành và chính phủ Việt Nam lôi ra nhét vào ngăn kéo đầy bụi bặm như một động tác thuần đối phó với cộng đồng quốc tế, chỉ làm cho có, miễn sao gia nhập được hiệp định kinh tế và được ‘ăn sẵn’ lẫn ‘ăn ngay’.

Những yêu cầu của EVFTA về sửa đổi Bộ luật Lao động Việt Nam cũng có thể khá tương đồng với yêu cầu trong CPTPP.

Vào cuối năm 2018, để được tham gia vào CPTPP, lần đầu tiên Nguyễn Phú Trọng và chế độ độc trị của ông ta đã phải nhượng bộ chấp nhận điều kiện về cho phép người lao động được tự do thành lập các tổ chức nghiệp đoàn tự do để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, tức về thực chất sẽ có một hình thái tổ chức nghiệp đoàn độc lập, hay còn gọi là công đoàn độc lập, tồn tại song song với hệ thống Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam từ trung ương xuống các địa phương. Không những thế, công nhân còn được thành lập nghiệp đoàn tự do không chỉ giới hạn ở từng khu vực mà còn trên cả nước, và các nghiệp đoàn độc lập này được kết nối với nhau…

Dưới đây là những nội dung cơ bản liên quan đến công đoàn trong Hiệp định CTTPP :

- Cho phép người lao động làm việc trong một doanh nghiệp được thành lập tổ chức của người lao động/Công đoàn ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ. Để hoạt động, tổ chức này hoặc gia nhập vào Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc đăng ký hoạt động độc lập với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (do Chính phủ quy định) tùy theo sự lựa chọn của tổ chức đó.

- Các tổ chức công đoàn - người lao động này được quyền không kém hơn so với Công đoàn cơ sở ; thuộc hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

- Tổ chức này có thể yêu cầu và nhận sự trợ giúp kỹ thuật và đào tạo từ các tổ chức hoạt động về lao động đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

- Lộ trình : Chậm nhất từ 5 đến 7 năm ; kể từ khi CTTPP có hiệu lực ; các tổ chức người lao động - Công đoàn có thể gia nhập/ hoặc thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như : cấp ngành, cấp vùng lãnh thổ theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định.

Ngoài ra còn có những nội dung mới liên quan đến vấn đề lao động ở Việt Nam :

a. Đình công : Hiện tại Pháp luật Việt Nam chỉ cho phép đình công trong các doanh nghiệp ; đình công chỉ được thực hiện với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích ;

- Trong khi đó CTTPP sẽ cho phép đình công cấp ngành, đình công hưởng ứng và có thể có đình công "phản đối chính sách kinh tế - xã hội".

b. Lao động cưỡng bức : Pháp luật Lao động Việt Nam : Khoản 10, Điều 3 Bộ Luật lao động ; định nghĩa Lao động cưỡng bức phù hợp C.29 ; Cưỡng bức lao động đã bị cấm hoàn toàn (Khoản 3 Điều 8- Bộ Luật Lao động 2012).

- Trong khi đó CTTPP : Bổ sung "lao động gán nợ" là 1 hình thức của Lao động cưỡng bức : "việc người lao động vay hoặc ứng trước tiền lương từ người sử dụng lao động, bù lại người lao động cam kết trả bằng sức lao động của mình. Đồng thời CTTPP cũng khép tội hình sự đối với hành vi khai thác trái phép Lao động cưỡng bức.

c. Công việc không sử dụng lao động nữ (Điều 160 - Bộ Luật Lao động 2012) ; Pháp luật lao động Việt Nam : Tiếp nối thực tiễn bộ Luật lao động cũ, Bộ luật lao động mới (2012) sửa đổi cũng cấm sử dụng lao động nữ trong một số công việc.

- Trong khi đó CTTPP : xóa bỏ quy định cấm sử dụng lao động nữ trong hầm mỏ và dưới nước theo đề xuất của Uỷ ban chuyên gia của ILO (theo CƯ số 45).

***

Chính vào lúc này, khi EVFTA bắt đầu có triển vọng sẽ được ký kết và phê chuẩn vào tháng 6 - 7 năm 2019 với điều kiện chính thể độc đảng ở Việt Nam đã phải cam kết với Liên minh Châu Âu (EU) về một gói cải thiện nhân quyền ngay lập tức, việc nền hành pháp Việt Nam vẫn con nguyên trạng chây ì và ‘trên bảo dưới không nghe’ đang làm cho bà Nguyễn Thị Kim Ngân mất mặt khi bà ta đã hứa hẹn nhiều với EU.

Và nếu tình trạng chây ì trên vẫn tiếp diễn, chẳng có gì bảo đảm là Việt Nam sẽ được sớm tham gia vào EVFTA, còn nếu có tham gia cũng sẽ mất nhiều cơ hội vì bị chậm trễ trong việc triển khai hiệp định này, với lý do chủ quan thuộc về phía các cơ quan ‘chỉ biết ăn không biết làm’ của phía Việt Nam. 

Minh Quân

Nguồn : VNTB, 19/04/2019

Quay lại trang chủ
Read 640 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)