Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/04/2019

Chỉ biết hút máu dân mà không lo cho dân

Song Chi

Thỉnh thoảng chúng ta lại đọc thấy tin một nghệ sĩ, một nhà văn, nhà báo có tiếng nào đó của Việt Nam bị lâm bệnh nặng hay qua đời. Và có nhiều người trong số họ khi lâm bệnh hay khi mất, đã phải nhờ cậy đến tình cảm và sự hỗ trợ từ bạn bè, đồng nghiệp, khán giả vì bản thân và gia đình không đủ sức cáng đáng viện phí hoặc chi phí cho đám tang.

tinh1

Nghệ sĩ nhân dân Hồng Vân hết lòng động viên đàn em vượt qua bạo bệnh. Ảnh minh họa

Chẳng hạn, vào tháng 8/2018, thông tin về nữ diễn viên trẻ M.P, một người mẹ đơn thân đang chống chọi với căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối ở tuổi 33, khiến khán giả bàng hoàng. Ngay sau đó, bạn bè, đồng nghiệp, khán giả đã chung tay đóng góp tiền tỷ để cô có tiền chữa trị, giúp cô có thể trở lại với công việc và với đứa con gái bé bỏng. Sau nhiều tháng điều trị, nay M.P đã tạm có thể quay lại với công việc.

Cùng nằm điều trị với cô ở Bệnh viện Quân y 175, Thành phố Hồ Chí Minh là diễn viên L.B bị ung thư phổi, phát hiện và âm thầm điều trị từ nhiều tháng trước, nhưng Lê Bình giấu giếm bệnh tình với khán giả và đồng nghiệp vì không muốn làm phiền đến mọi người. Chỉ đến khi hình ảnh ông nằm viện bị một bệnh nhân bên cạnh lén ghi lại và phát tán trên mạng thì dư luận mới biết. Tưởng đâu ông đã có hy vọng qua khỏi nhưng những ngày gần đây mọi người lại đọc thấy tin ông trở bệnh nặng, có những lúc hôn mê. Giới nghệ sĩ lại chia nhau đến thăm, chung tay giúp ông chữa trị. Tình cảm của khán giả, đồng nghiệp khiến nghệ sĩ L.B ứa nước mắt khóc mỗi lúc có người vào thăm.

tinh2

Nghệ sĩ Lê Bình tại bệnh viện. Ông nằm giường hành lang để tiết kiệm chi phí.

Đây chỉ là hai trong vô số ví dụ về tình nghệ sĩ trong showbiz Việt. Còn nhiều, rất nhiều những câu chuyện khác. Như khi diễn viên hài Anh Vũ đột ngột qua đời trong một chuyến lưu diễn tại California, Mỹ tháng Tư vừa qua, đồng nghiệp đã tích cực đóng góp để đưa thi hài anh về nước, lo đám tang anh cho thật chu đáo, tình nghĩa. Trước khi qua đời vào tháng 1/2019 ở lứa tuổi 26 vì căn bệnh ung thư buồng trứng, người mẫu trẻ K.A. với hoàn cảnh khó khăn cũng nhận được sự hỗ trợ của bạn bè, đồng nghiệp. Hay diễn viên trẻ T.A, làm mẹ đơn thân, cảnh nhà đơn chiếc, túng thiếu, bị tai biến xuất huyết não sau khi sinh làm liệt nửa người cũng đang nhận được sự chia sẻ từ mọi người v.v…

Nghệ sĩ, chỉ trừ giới ca sĩ, diễn viên hạng A hay giới hoa hậu, á hậu nhận được nhiều sô, đa phần thu nhập kiếm được chỉ vừa đủ trang trải cho cuộc sống, ít khi dành dụm được. Nếu lỡ bệnh nặng hay qua đời mà gia đình cũng không khá giả thì rất khó khăn. Chúng ta vẫn thường đọc được những tin anh em đồng nghiệp tổ chức đêm nhạc, buổi biểu diễn hay bán đấu giá tranh, bán sách để ủng hộ nghệ sĩ này, nhà văn kia đang bệnh hoặc mới qua đời.

Nhưng dù sao văn nghệ sĩ, nhất là nếu có tâm có tài, thì dù có rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo cũng còn có anh em, đồng nghiệp, khán giả chung tay chia sẻ, không chỉ vật chất mà quan trọng là tinh thần, tình nghĩa. Còn người dân thường ?

Điểm sơ một số bài báo : "Không tiền cho con chữa ung thư, cha cắn răng đi vay nặng lãi" (VietnamNet), "Mẹ câm điếc, bé trai bỏng nặng cần được giúp đỡ" (VietnamNet), "Con nguy kịch cần 10 triệu đồng/ngày, mẹ khóc òa bất lực"(VietnamNet), "Lời khẩn cầu gấp gáp của bé gái bị ung thư xương", (VietnamNet), "Cả gia đình bệnh nặng không tiền chữa trị" (Thanh Niên), "Hai trường hợp nhà nghèo, bệnh nặng mong được cứu giúp" (Đồng Tháp), "Con rớt nước mắt nghe cha ung thư nhường tiền chữa bệnh" (VietnamNet)…

Đó là những trường hợp lâm bệnh nặng, còn những người quanh năm phải sống trong những hoàn cảnh khốn khổ, cùng quẫn như "Xót xa mẹ già gần 70 tuổi nuôi con trai bệnh down và 2 cháu ngoại" (Nghệ An), "Mẹ già 86 tuổi lang thang bán vé số nuôi 3 con tâm thần" (Dân Việt), "Khốn cảnh cha què bán vé số nuôi con liệt giường" (Dân Trí)….

Cứ mỗi lần có một hoàn cảnh khó khăn, bi đát nào đó, báo chí lại đưa lên kêu gọi lòng hảo tâm của mọi người. Và người dân lại chia sẻ với nhau, như đã từng chia sẻ trong những lần bão lũ, thiên tai… Nhưng còn bao nhiêu số phận bi thảm khác mà báo chí, dư luận không biết đến ? Đất nước quá nhiều mảnh đời bất hạnh, báo chí làm sao mà thông tin hết được. Lòng tốt của con người cũng có giới hạn. Nhưng quan trọng hơn, việc bảo đảm cho người dân, nhất là những người nghèo, thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn có thể tạm đủ sống, hoặc khi đau ốm có được sự chăm lo về mặt y tế là trách nhiệm của nhà nước.

Ở Việt Nam lâu nay cả y tế lẫn giáo dục người dân đều phải trả tiền. Và số tiền không hề nhỏ, ngay với một người có thu nhập trung bình, nếu lỡ bị ung thư hay phải nằm viện lâu dài cũng khó mà chi trả nổi. Cứ bước chân vào các bệnh viện ở Việt Nam là cái gì cũng tiền. Chưa kể, lắm khi ngoài tiền còn phải "bồi dưỡng" thêm cho y tá, bác sĩ để được chăm sóc tốt hơn.

Mà các bệnh viện lớn ở các thành phố lớn của Việt Nam từ bệnh viện phụ sản, bệnh viện nhi cho tới ung bướu, lúc nào cũng đầy người, nằm la liệt, vài người một giường là chuyện bình thường. Facebooker Oanh Bùi bức bối viết trên facebook : "Có một điều mà các sếp bộ y tế trước khi phát ngôn ko nhớ hay cố tình quên là :

4-5 bệnh nhân / giường mà 1 bệnh nhân vẫn phải trả tiền 1 giường.

Vậy là 1 cái giường lãi 4-5 lần.

Việc chăm sóc là của điều dưỡng, trong gói điều trị chăm sóc mà bệnh nhân phải trả rồi.

Lấy thêm tiền của người nhà là phí chồng phí.

Nhẽ ra bệnh viện phải trả công chăm sóc cho người nhà bệnh nhân

Đây là bóc lột người nhà bệnh nhân x lần…".

Việt Nam cũng chẳng có một hệ thống an sinh xã hội. Tất nhiên với một số hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, chính quyền địa phương cũng có chính sách hỗ trợ nhưng số tiền thường rất ít ỏi, chả thấm vào đâu. Mà có phải người dân không đóng thuế đâu.

Người Việt phải đóng đủ loại thuế, phí trên đời, ví dụ, chỉ riêng phí cầu đường từ Nam ra Bắc đã có không biết bao nhiêu trạm thu thuế, lâu nay nhờ báo mạng chúng ta vẫn đọc được những tin tức người dân phản đối với các dự án BOT giao thông vì thu thuế cao và vô lý.

Nào "Dân Việt Nam "gánh" thuế và phí trên GDP gấp 1,4 - 3 lần quốc gia khác" (VOV), "Đủ thứ thuế đánh vào túi tiền : dân còn lại bao nhiêu tiết kiệm ?" : "Rất nhiều loại thuế được đề xuất tăng gần đây, cùng với đề xuất đánh thuế tài sản của Bộ Tài chính, đang khiến nhiều người lo ngại trước gánh nặng thuế phí ngày càng lớn. Thuế, phí cao sẽ làm người dân không có khả năng tiết kiệm, hoặc chán nản không muốn tiết kiệm nữa, kinh tế sao phát triển" (VietnamNet), "Người dân phải nộp những loại thuế gì ?" : "Hơn 100 thuế, phí, lệ phí có mặt trong mọi ngành nghề, lĩnh vực mà đích đến cuối cùng là người tiêu thụ" (VnExpress)…

Rồi nào tiền xăng dầu, điện nước cứ thường xuyên tăng v.v.. Mọi món hàng sản xuất nhỏ nhất cũng cõng bao thứ thuế, phí : "Người tiêu dùng bị móc túi : Đường đi của giá" : Một ký gạo, bó rau hay lạng thịt đều phải qua ít nhất 4 - 5 tầng nấc trung gian với nhiều loại thuế, phí, hao hụt... đã đẩy giá lên cao" (Ndh.vn), cuối cùng lại đổ lên đầu dân.

Chính quyền phải biết khoan sức dân, nhưng ở Việt Nam thì nhà cầm quyền tha hồ bóc lột dân. 

Thử so sánh với Na Uy và Anh, hai quốc gia mà người viết bài đã và đang sống. Ở Na Uy, thuế cũng thuộc loại cao so với thế giới nhưng bù lại giáo dục miễn phí và hệ thống an sinh xã hội rất tốt. Khi đi khám bệnh, thử máu, kiểm tra ung thư, tiến hành các biện pháp ngừa thai v,v… người dân vẫn phải trả tiền, nhưng số tiền đó tính trên thu nhập không phải là cao, còn khi vào bệnh viện, bất kỳ vì lý do gì, thì hoàn toàn không phải trả tiền. Đám tang, nếu thu nhập thấp thì nhà nước sẽ hỗ trợ lo gần như toàn bộ. Thất nghiệp thì có trợ cấp thất nghiệp. Người già có tiền già. Người tàn tật hoặc sức khỏe kém không làm việc được thì nhà nước nuôi cả đời.

Ở Anh hệ thống y tế còn hay hơn nữa, tôi mới đến Anh sống, không phải là công dân, cũng chưa đóng bất cứ thứ thuế nào cho nhà nước nhưng khi đi khám bệnh, thử máu, kiểm tra các loại…hoàn toàn không tốn một đồng nào.

Người dân lúc còn khỏe mạnh đi làm đóng thuế cho nhà nước chính là để mong những khi đau ốm, giả cả, tai nạn được trông cậy vào những chính sách an sinh xã hội của nhà nước, còn những người có vấn đề về tâm thần hoặc sức khỏe, không làm việc được thì lại càng phải trông cậy vào nhà nước. Nhưng ở Việt Nam thì nhà nước chỉ chăm chăm bóc lột dân đủ mọi cách, đè đầu cưỡi cổ dân mà không lo cho dân được cái gì.

Một sự vô lý như vậy suốt bao nhiêu năm nay mà người dân vẫn chấp nhận, cho thấy sức chịu đựng của người Việt quá "giỏi" ! Và đó là điều đáng buồn, vì nó giúp cho chế độ thất nhân tâm ở Việt Nam vẫn tiếp tục tồn tại bao lâu nay !

Song Chi

Nguồn : RFA, 24/04/2019 (songchi's blog)

Quay lại trang chủ
Read 679 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)