Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/05/2019

Dân Việt Nam phải 'sống chung với lũ' là nạn bè phái của quan chức

Phạm Quý Thọ

Các quan hệ thân hữu đang lan rộng và ngày càng nghiêm trọng. Thể chế lạc hậu, không phù hợp với thời kỳ chuyển đổi cơ chế tập trung sang thị trường.

lulut1

Thành phố Sài Gòn về đêm - Ảnh minh họa

Mặc dù được cảnh báo, nhưng sự thay đổi chỉ có thể khi phản ứng 'từ dưới lên' của người dân ngày càng có ý nghĩa thực tế. Cải cách thể chế chính trị liệu có thể được đặt ra với chính sách cởi mở hơn ?

'Lan rộng và nghiêm trọng'

Các quan hệ thân hữu, chủ nghĩa thân hữu (Cronyism) là thực tế hoạt động tạo ra các ưu thế cho bạn bè, người thân hay đồng nghiệp nhằm đạt được mục đích nhất định. Đặc biệt trong chính trị đó là mối quan hệ giữa các chính khách và các tổ chức, cá nhân bị chi phối bởi quyền lực nhân danh nhà nước.

Trong thời kỳ chuyển đổi ở nước ta từ cơ chế tập trung sang cơ chế thị trường, không là tư bản chủ nghĩa cũng chẳng phải xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa thân hữu được dung dưỡng bởi thể chế hiện hành, trong đó các quan hệ 'xin - cho' tồn tại và phát triển, và, theo bản năng, người dân có hành vi thích ứng.

Mỗi khi người dân đi xin việc, xin xác nhận, cấp, đổi, mở, kiến nghị, trình bày… thì việc đầu tiên nghĩ đến là tìm các mối quan hệ thân quen hay quyền thế để nhờ vả. Tiếp đến họ chuẩn bị phong bì, quà cáp để thuận tiện giao dịch hay cám ơn.

Hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ thì kết thân với phường, xã. Doanh nghiệp vừa thì 'giữ quan hệ' với quận, huyện. Doanh nghiệp lớn, tập đoàn thì 'tiếp cận' với tỉnh, thành phố hay các bộ ngành trung ương.

'Con ông cháu cha' được 'gửi gắm, cài cắm' đã trở thành tiêu chuẩn 'ngầm định' về sự trung thành, tin tưởng với chế độ khi quy hoạch, lựa chọn hay bổ nhiệm cán bộ.

'Cả họ làm quan' đã không còn là hiện tượng đơn lẻ, khi nhiều địa phương các cấp đã được truyền thông chỉ đích danh.

lulut2

Học sinh Việt Nam - Ảnh minh họa

Báo Vietnamnet.vn ngày 18/4/2019 cho biết rằng 222 thí sinh được nâng điểm đều là con cháu của các phụ huynh có quyền và có tiền. Họ có các chức danh từ bí thư tỉnh uỷ, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Chi Cục trưởng Chi Cục thuế, Giám đốc VNPT tỉnh, Phó Chánh thanh tra tỉnh, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, các Phó Chủ tịch UBND thành phố Sơn La, huyện Quỳnh Nhai...

'Nhóm thân hữu' dường như đang bao trùm cả hệ thống chính quyền địa phương !

'Dấu hiệu nhận biết'

Việc đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng và quy mô chủ nghĩa thân hữu là điều không đơn giản, đặc biệt trong các xã hội, các quốc gia đang phát triển bởi các mối quan hệ thân hữu không phải lúc nào cũng rõ ràng đen trắng, hợp tình hợp lý hay hợp pháp.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra các dấu hiệu nhận biết phản ánh chủ nghĩa thân hữu có thể đang 'ngự trị' ra sao ở một quốc gia, mà khi liên hệ với thực tế ở nước ta có thể cho biết bức tranh toàn cảnh.

Thứ nhất là điểm số thấp trong chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) ngày 29/01/2019 công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (Corruption Perceptions Index - CPI) năm 2018, Việt Nam đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 toàn cầu. So với năm 2017, số điểm của Việt Nam giảm 2 điểm, và tụt mất 10 bậc.

Thứ hai là Chỉ số Pháp quyền Thượng tôn Pháp luật (Rule of Law Index) của tổ chức Dự án Công lý Thế giới (World Justice Project).

Theo báo cáo mới nhất, năm 2017-2018 Việt Nam xếp hạng 74 trên 113 quốc gia, tụt 7 hạng so với năm 2016. So với Trung Quốc, Việt Nam cao hơn 1 hạng (75). Trong khu vực Đông Nam Á Singapore 13, Malaysia 53, Indonesia 63, Thái Lan 71, Philippines 88, Myanmar 100, Cambodia 112… Việt Nam ở vị trí 10/30 nước có mức thu nhập trung bình thấp.

Thứ ba là vấn đề nền kinh tế của một quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu, trong đó phần lớn là các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp, chứ không phải dựa vào năng suất hoặc cải cách đổi mới.

Tỷ lệ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng liên tục trong ba năm từ 2016 đến năm 2018 đạt 7,08%. Tuy nhiên, chỉ tiêu này còn dựa nhiều vào xuất khẩu, thậm chí từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Năm 2018, khối này chiếm 70,8% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu cả nước. Ngoài ra các mặt hàng thương phẩm và nông, thuỷ sản thô còn chiếm tỷ trọng khá lớn.

lulut3

Khoảng cách về thu nhập giàu - nghèo ở Việt Nam tăng nhanh trong giai đoạn 2004-2014

Thứ tư là tình trạng bất bình đẳng về thu nhập ở mức cao.

Theo Kết quả điều tra mức sống hộ gia đình (VHLSS) ở Việt Nam, khoảng cách về thu nhập giữa nhóm giàu với bốn nhóm còn lại (nghèo, cận nghèo, trung bình, cận giàu) đã tăng nhanh trong giai đoạn 2004-2014, tạo ra khoảng cách ngày càng lớn về thu nhập.

Thậm chí một khảo sát của Oxfam năm 2016 cho thấy khoảng cách này lên đến 21 lần, so với của VHLSS 2010 là 8,5 lần.

Việt Nam đang có đến 60% lực lượng lao động đang làm việc trong các mô hình kinh tế hộ gia đình và nghề tự do. Ngoài ra, theo một khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động, tỷ lệ người lao động có khả năng tích lũy chỉ là 8%, tỷ lệ phải chi tiêu tằn tiện và không đủ sống là 51%, mà phần lớn các khoản chi là cho nhu cầu tối thiểu : lương thực, giáo dục, y tế, nhà ở và đi lại.

'Đã cảnh báo'

Chủ nghĩa thân hữu ở nước ta đã được cảnh báo là nghiêm trọng, thậm chí được coi là một trong những nguyên nhân của tình hình 'bất ổn kinh tế vĩ mô' của giai đoạn 2010 - 2016.

Một trong những hình thức biểu hiện nổi bật là 'nhóm thân hữu' có cùng lợi ích hay 'nhóm lợi ích'.

TS Vũ Ngọc Hoàng - nguyên phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã từng viết : "Đặc điểm của các "nhóm lợi ích" là có sự kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, cùng hành động, cùng phân chia lợi ích, giữa những người có nhiều tiền với những người có quyền lực trong nhà nước và trong đảng cầm quyền… Họ cùng nhau hành động để có quyền lực và có tiền ngày càng nhiều hơn. Đồng tiền cộng với quyền lực tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội".

Trong kinh tế, chủ nghĩa thân hữu diễn ra khi các quan chức chính phủ và doanh nghiệp thông đồng với nhau để trục lợi và tranh giành những đặc lợi.

lulut4

Học sinh Việt Nam chịu nhiều áp lực, và bị cạnh tranh không công bằng dưới hình thức chạy điểm, nâng điểm

Ở nước ta với cơ chế Đảng, nhà nước kiểm soát tuyệt đối và nắm quyền quản lý đối với tài nguyên và các nguồn lực quan trọng của quốc gia, các cơ sở kinh tế nhà nước được 'ưu ái' dưới nhiều hình thức, kể cả về chính sách, các ưu đãi, trợ giúp nhằm đạt được các mục đích của các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Điều đó dẫn đến môi trường kinh doanh không bình đẳng, buộc người dân và các doanh nghiệp tư nhân phải sử dụng các mối quan hệ với các quan chức nhà nước để tiếp cận các nguồn lực hay các thủ tục hành chính do nhà nước độc quyền. Trong các lĩnh vực đất đai, bất động sản và cơ sở hạ tầng, tài chính ngân hàng, năng lượng, văn hoá tư tưởng… luôn lôi cuốn và nuôi dưỡng những quan hệ thân hữu.

Người ta đã gọi hiện tượng này là 'chủ nghĩa tư bản thân hữu'. Nhưng, theo tôi, áp dụng thuật ngữ này đối với thực tế trường hợp Việt Nam là chưa phù hợp, không chính xác.

Về lý thuyết, chủ nghĩa thân hữu đối nghịch với các nguyên tắc của chủ nghĩa tư bản và, vì thế không nên xem chủ nghĩa thân hữu bắt nguồn từ tư bản. Hơn thế, về thực tế, chế độ ở Việt Nam không phải là tư bản chủ nghĩa, thậm chí kinh tế còn chưa được các nước phát triển và các tổ chức quốc tế lớn, có uy tín công nhận là nền kinh tế thị trường !

'Phản ứng từ dưới'

Chủ nghĩa thân hữu bị chi phối bởi một hệ thống giá trị gắn liền với hành vi của con người vốn mang tính bản năng, cơ hội và có mục đích nhất định, được thúc đẩy bởi các động cơ như vì lợi ích bản thân (vì tiền, sự thăng tiến, sự thể hiện, chuộc lỗi…), vì quan hệ (họ hàng, bạn bè, trả ơn, đáp nghĩa, nể nang…) hay bị ép buộc bởi quyền lực (lệnh 'ngầm' hoặc công khai từ cấp trên, sự khống chế…).

Các nhà văn hoá đã chỉ ra đặc điểm trọng tình và tính cách nước đôi của người Việt. Nghĩa là, khi đứng trước những khó khăn lớn, những nguy cơ đe dọa sự sống còn của cả cộng đồng thì cái nổi lên sẽ là tính đoàn kết và tính tập thể ; nhưng khi nguy cơ ấy qua rồi thì có thể là thói tư hữu và óc bè phái, địa phương lại nổi lên. Yếu tố này cần được tính đến trong cải cách thể chế.

Chủ thuyết xã hội chủ nghĩa dựa trên hệ giá trị sự cống hiến và lòng vị tha vốn thích hợp với các nhóm nhỏ như gia đình, cộng đồng, được áp đặt cho xã hội đại chúng.

Khi chuyển đổi sang thị trường với nền tảng là kinh tế, sở hữu tư nhân, thì thể hiện hành đã không còn phù hợp và đang dung dưỡng cho chủ nghĩa thân hữu tạo ra cán bộ, đảng viên lạm quyền và tham nhũng, cản trở chính sách tự do kinh doanh, hạn chế cải cách hành chính và làm tổn hại đến quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

Người dân đã và đang phản ứng mạnh mẽ với các biểu hiện của chủ nghĩa thân hữu, không chỉ trong việc giữ đất của họ, gia đình và tập thể, giữ chủ quyền biển đảo, giữ môi trường sống, đòi hỏi quyền lợi chính đáng và quyền công dân hợp hiến… mà còn đòi hỏi trừng phạt nghiêm khắc đối với những cán bộ vi phạm pháp luật.

Ngày 21/4/2019, Công an quận 4 (TP HCM) đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với vị cựu Phó viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng về hành vi dâm ô… trước sự phẫn nộ của dư luận. Được biết, trước đó người dân chung cư Galaxy 9 ở thành phố Hồ Chí Minh đã ký đơn tập thể, đề nghị khởi tố vị cựu cán bộ lãnh đạo này.

Bằng các phương tiện sẵn có, người dân đang tạo ra những nhóm 'xã hội dân sự' không chính thức, phù hợp hơn với kinh tế thị trường, nhưng bị cấm bởi chế độ hiện hành.

Phản ứng 'từ dưới' này là xu hướng dân chủ xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, sẽ dần mạnh lên đòi hỏi có chính sách cải cách đột phá thể chế chính trị hiện hành, trong đó công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trước nhân dân là một yêu cầu mang tính nguyên tắc.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : BBC, 23/04/2019

Tác giả, một nhà phân tích về chính sách công, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, thuộc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư của Việt Nam.

Quay lại trang chủ
Read 681 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)